Vũ Quần Phương
CUỘC
ĐỜI THĂM THẲM
Tập thơ “ Giấy mênh mông trắng” của Vũ Quần Phương, NXB Văn học, Hà Nội,
2003
Xuân Diệu
ví người sáng tạo nghệ thuật như người đầu bếp chế biến món ăn. Vũ Quần Phương
và nhiều nhà thơ khác lại muốn so sánh công việc làm thơ với việc của người
gieo trồng. Người gieo trồng cần mẫn, miệt mài trên cánh đồng với lúa khoai,
với mùa vụ. Còn nhà thơ thì cày bừa và gieo hạt trên cánh đồng giấy trắng, lam
lũ vất vả và vui sướng với thơ ca. Mới hôm nào vừa gặt vụ thơ “ Quên chữ, quên
câu”, Vũ Quần Phương đã lại có vụ thơ “ Giấy mênh mông trắng”.
“ Giấy
mênh mông trắng” là ấn tượng của người viết khi sức bút đã giảm sút cùng với
sức trẻ, sức khoẻ rồi chăng? Không hẳn là như thế. Dù có ở tuổi “áo chan
chan nắng, môi ngà ngà say” (lời thơ Vũ Quần Phương) thì người ta vẫn cảm
thấy “giấy mênh mông trắng” bởi vì đó là cảm giác của người sáng tạo
trước sự gần gũi, sự xa xôi của trang giấy, trang viết, trang đời. Bởi cuộc đời
thăm thẳm, sự sáng tạo là vô tận vô cùng mà cữ người không lớn lắm nên
Giấy mỏng
từng tờ
Đi suốt
cuộc đời vẫn mênh mông trắng
Trang
giấy như gương soi mình xa lạ
Trang giấy như nhà mà ta lang
thang
Giấy mênh mông trắng
Cũng không phải ám ảnh “bây giờ
tóc bạc” đã làm cho Vũ Quần Phương cảm thấy rợn ngợp hay thiếu tự tin. Quả
thật chưa quá tam nhưng đã có đến ba bận mái tóc bạc rủ xuống câu thơ anh một
cách bất ngờ, tự nhiên như một vết thời gian, như một chứng tích về tuổi tác -
từ bạc, đến bạc phơ rồi thành bạc xoá:
Bây giờ tóc bạc nhìn xa tít
Mây
trắng
Liễu xanh soi tóc bên cầu
Liễu xanh vẫn thế. Ta đầu bạc phơ
Về
thăm lớp cũ
Ngày áp tết con về bên mẹ
Tóc con giờ bạc xoá
Viếng
mộ ngày áp tết
Nhưng Vũ Quần Phương càng có thêm
thời gian trải nghiệm thì lại càng bình tĩnh, thâm trầm. Và vì thế mà càng
không nguôi đằm thắm. Yêu cái cõi người thẳm sâu là một mạch nguồn dào
dạt của thơ anh. Cái niềm yêu ấy là năng lượng cảm xúc, là niềm thôi thúc, là
nguồn đam mê tìm tòi sáng tạo của anh. Nó giữ cho anh cảm giác mới mẻ, trân
trọng, yêu quý cuộc đời vốn bình thường và quá ư quen thuộc. Như là cảm giác
trước cánh đồng lúc tinh mơ:
Con bò vàng thở ra hơi khói
Trời khô, đất thoáng
Mái rạ mảnh một tia khói bếp
Vệt khói loang thơm ấm vạt đồi
Buổi sáng bao nhiêu đời
Sương khói vẫn như bình minh thứ
nhất
Cảm nhận được “Vệt khói loang
thơm ấm vạt đồi” như thế chỉ có thể có ở một người rất yêu đời, và hơn thế,
tinh đời nữa. Với tình yêu ấy, Vũ Quần Phương khám phá, tặng cho mọi người
những vẻ đẹp thật gần gũi, đơn sơ, bình dị. Những vẻ đẹp mà do bận rộn, do hững
hờ và trăm nghìn lí do này khác mà ta thường không thấy hoặc bỏ qua.
Bờ tre vồn vã dòng mương
Nắng lên trải lụa con đường cát
pha
Cuối
năm
Cây cũng bừng bừng quả chín sây
Triệu mặt trời con trong kẽ lá
Quả đang nhập mộng, lá đang say
Cây
si trong bệnh viện
Không, Vũ Quần Phương không bao
giờ thi vị hoá phong cảnh. Cái cây si trong bệnh viện ấy chỉ đang cơn đẹp
khi đó thôi. Còn sau đó thì Mùa quả đã tàn xơ xác lá. Cây về bụi bặm kiếp
làm cây. Cũng như thế Vũ Quần Phương ca ngợi cái đẹp, cái đáng yêu, cái
đáng nâng niu, trân trọng cuộc đời, nhưng không và chưa bao giờ thi vị hoá cuộc
đời. Cuộc đời còn quá nhiều gian truân “Nắng nung chín mặt, cát bay bạc
người”. Cuộc đời còn “lăng nhăng trăm sự rối bời”. Cuộc đời còn
không hiếm những “Giấc ngủ vỉa hè. Sự chợp mắt của mặt người bụi bậm. Giấc
ngủ ngắn mà bao nhiêu mộng mị. Bao tủi hờn, hoảng hốt, lo âu” (Bao giờ thơ
chấm câu). Cuộc đời còn những bi kịch nhầm chỗ của bùn của nước. Nhưng cuộc đời
vẫn đáng yêu, đáng sống, đáng đấu tranh vì nó và cho nó. Và bao người, bao đời
vẫn yêu nó, hướng về nó “ cả khi chết đi rồi” (Xuân Quỳnh). Vũ Quần
Phương với tình yêu cõi người thẳm sâu đã tìm thấy chứng tích về tình yêu vĩnh
cửu đó:
- Những ngôi mộ quay nhìn thôn xóm
Ngọn tre, bụi chuối, mái nhà tranh
- Những ngôi mộ như hồn người lưu
luyến
Buồn vui theo cháu con
Viếng
mộ ngày áp tết
Và Cỏ tháng giêng xanh như
tiếng nói
Người nằm dưới mộ chuyện cùng ta
Ngôn ngữ
Một chủ đề mà Vũ Quần Phương luôn
dành nhiều tâm sức ấy là cuộc sống sáng tạo của các nhà thơ và công việc làm
thơ. Khi đã một đời người gieo trồng, những được mất, vui buồn, trăn trở cần
được sẻ chia, trao gửi là một lẽ tự nhiên. Những suy ngẫm của Vũ Quần Phương
giờ đây giống như ngày năm mới “yên tĩnh hơn, thanh nhẹ hơn”. Anh gởi
một bạn làm thơ (Mà cũng có thể anh tự khuyên mình).Anh tổng kết, phân tích
những “trộn lẫn” của Thi Hoàng. Anh chấm phá đám rước “tùng rinh” của Tạ Vũ.Anh
chia sẻ với Huy Cận khi đọc bài Con chim bay. Anh cắt nghĩa vì sao “ Mị
nương nghe hát mà ngơ ngác” bởi vì “ Tiếng hát đâu chỉ là giọng hát. Còn
trời, còn nước với mênh mông” (Tiếng hát Trương Chi). Nếu trước đây anh đòi
thơ phải “ cân áo cân cơm, cân vua cân chúa” (Cân) thì giờ đây anh trầm
tĩnh hơn:
Xoá
những vết bùn cần làn vôi mới
Tôi
nghĩ cũng là chức năng của thơ
Sau
trận lụt
Trước đây anh hay băn khoăn trong
câu hỏi:
Chén
rượu này hạ thổ
Ta
hạ thổ đời mình ai uống nhớ ta chăng
Tranh
Hỡi
ai tim đập trên trang giấy
Có
thấy lòng tôi run xuống câu
Tiếng
gọi
Giờ đây, anh nhập vào người gánh
gạo quê, tan vào trong tiếng rao khiến cho vang vọng như câu hỏi hoá thành câu
cảm:
Người
gánh gạo trưa hè chân đất
Trời
xanh ngần vai thẫm mồ hôi
-
Trưa lặng phắc hàng cây lặng gió
Gạo quê đây – hồn tôi – ai mua!
Gạo
quê
Điều làm thấm thía hơn ấy là những
suy ngẫm về thơ không thuần tuý về nghề, mà nó quyện chặt và gắn liền máu thịt
với những trăn trở về cuộc đời, về những gánh gạo quê, gánh mồ hôi “ mồ hôi
gánh từ làng lên phố”. Cũng như thế chuyện “ Trường xiếc” không chỉ là
chuyện xiếc, mà còn là chuyện sáng tạo “vượt được mình”, “Vượt ngoài
giới hạn ra chông chênh”, lại cũng là chuyện nhỡn tiền của “ cõi người ta”
nữa. “Đừng tin bia đá” là suy ngẫm về lẽ đời, cũng là suy ngẫm về nghệ thuật,
về cách ứng xử với chân giá trị và nguỵ giá trị mà bất cứ thời nào cũng có
không ít thì nhiều.
Vũ Quần Phương ưa khám phá bề sâu,
chiêm nghiệm bề dầy, hướng tới bề xa. Với anh, hành trình là cần thiết, nhưng
quan trọng hơn cả hành trình là quãng dừng chân suy ngẫm. Chuyến đi của anh là
để đến một cái đích, hay để trở về nơi xuất phát. Anh cần có một mái nhà, hay
cảm giác về mái nhà ngay trong cả chuyến đi để làm máng cỏ cho thơ:
Ta đi ta đi bao miền xa
Trời xanh thân thuộc như mái nhà
Hành
trình. Trong tập Quên chữ, quên câu
Con người bao giờ cũng có nhu cầu
tình cảm gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn, nơi miền đất ở đã hoá tâm hồn, và
cái tâm điểm của vùng đât ấy với Vũ Quần Phương là ngôi nhà, là mái nhà. Ra đi
là để trở về. Càng đi xa lại càng trở về gần. Con sông đi xa,về với biển, là
lúc nó về gần hơn khi thành mây, thành mưa trở lại nguồn. Nhà thơ trở về với
nhà mình, với lòng mình để thương nhớ nhân lên “ Ta thành đời nhân với vạn
chiêm bao” (Sách). Còn nhớ anh đã giã từ Yên Tử để trở về với “ mái
tranh lạt buộc, hiên nhà phên che”. Mái nhà, ngôi nhà luôn là một biểu
tượng thường thấy trong thơ anh. Anh tham gia “ Dựng nhà trên dãy Hoàng
Liên”, anh ngắm nghía “ đôi bầu vú xum xuê trái tròn” ở cầu thang
nhà người Ê-đê. Trong tập thơ này ta bắt gặp Căn nhà xưa, căn nhà bé lại
khi ông ôm cháu vào lòng, hình ảnh người vợ “mẹ con như căn nhà”, hình
ảnh nước úc thành “căn nhà thân thuộc”, ngôi nhà Hội An bám bùn rất cổ
xưa, bùn của bây giờ, căn nhà chìm trong cơn lũ lụt “Cây cau chới với, nóc
nhà chon von”. Mái nhà, căn nhà, biểu tượng của cuộc sống gia đình, của một
vùng dân cư, của một xã hội, một quốc gia và có khi cả thế giới (ngôi nhà chung
trái đất). Nhưng Vũ Quần Phương muốn khuôn lại một ngôi nhà cụ thể với mẹ cha,
vợ con, với anh em, con cháu, với sách vở, vườn tược, với cái dây phơi và cảnh
sum họp thân mật “quanh bàn sì sụp bố con ta”. Chùm thơ về cháu bổ sung
một không gian hạnh phúc thật mới mẻ cho ngôi nhà và cho thơ Vũ Quần Phương. Dễ
thương làm sao “ Thằng cu Tuệ cười không răng”. Ngộ nghĩnh sao cảnh “
Cu Tuệ bò khắp nhà, tay xem và mắt ngó”. Thật là hạnh phúc được dọn lòng
mình lắng nghe “Cu Tụê hát trong chăn. Chẳng ra lời ra nhạc”. Cái ngang,
cái nghịch của thằng Tễu, giọng hát nhăng “ hát vội nhiều câu ngọng”…tất
cả đều thành niềm vui vô bờ, niền hạnh phúc lớn lao. Yêu cháu mình, nhà thơ
thêm yêu tất cả những thằng cu cái hĩm, và mong đời đời bình an. Cái
tình ấy là cái tình rất thật:
Mọi
thằng cu cái hĩm
Đều hoá
ra thiên thần
Cả
những người xứ lạ
Cũng
thành bà con thân
Thơ gửi cháu
Ta bắt gặp
ở đây lí tưởng đẹp của thời đại “Người yêu người sống để yêu nhau“ (Tố
Hữu).
Vũ Quần
Phương rất hay viết về cây. Chùm thơ cây của anh bao giờ cũng có nhiều khám
phá. Nhưng anh cũng hay viết về độ cao, về khoảng không, ấy là trời sao, và
nhất là mây trắng. Tôi muốn nhắc đến bài thơ Giữa mây bay. Có lẽ sự khác
biệt của mây trắng trong thơ Thôi Hiệu nổi tiếng ở bài Hoàng Hạc lâu với mây
trắng trong thơ Vũ Quần Phương trước hết là ở chỗ nhà thơ xưa ngửa cổ nhìn mây
trắng “thiên tải không du du”. Còn Vũ Quần Phương thì bay giữa mây, lên cao
trông thức mây lồng không phải bằng cách “thượng nhất tầng lâu”, mà ngồi
máy bay siêu âm chở khách. Sự tiếp cận với mây- người ở xứ mây “ Không cây,
không xóm, không đường. Không hơi đất ấm vô thường kiếp bay” càng làm cho
tình yêu cõi đất này được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Nhà thơ tự hào “ Giữa
mây ta được là người”. Vâng! là người giữa mây, là người sống giữa bao
người không còn sống chẳng phải là một ân huệ của cuộc đời sao? Không chỉ thế,
một con người, một nhà thơ công dân yêu đời, thì niềm tự hào kiêu hãnh và thoả
mãn ấy còn có cơ sở vững chắc nhân lên thêm nữa:
Dóng
thân mình vào kích thước hư vô
Hồn
trong lại và tim thanh thản đập
Ta giữa
trời như giữa cánh đồng mơ.
Gặp sao khuya
Hà
Nội, tháng 5/2003
Bài viết rất hay, lời văn chân thật, cảm ơn chia sẻ của tác giả!
Trả lờiXóaCám ơn CTBV đã đọc và chia sẻ!
Trả lờiXóaChủ trang vunhonb.blogspot.com