Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

BÁO CAO TỔNG KÊT TRẠI SÁNG TÁC NHA TRANG




                                   Báo cáo tổng  kết
               Trại sáng tác Hội Nhà văn Hà Nội ở Nha Trang
                    Từ ngày 19/3/2013 đến hết ngày 2/4/2013

Số trại viên: 15 người: Vân Long, Trần Chiến, Nguyễn Thị Ngọc Hà (ban     phụ trách Trại).
12 trại viên còn lại: Hoàng Quốc Hải, Trần Nhương, Vương Trọng, Vũ Nho, Vũ Bình Lục, Phan thị Thanh Nhàn, Bùi Kim Anh, Giáng Vân, Quốc Toản, Phạm Hồ Thu, Tô Thi Vân, Hà Huy Hiệp.
Hết tuần đầu, Phạm Hồ Thu xin nộp bản thảo sớm và ra về vì  việc đột    xuất của gia đình. 14 trại viên còn lại dự trại cho đến kết thúc. Giữa Trại, Tô Thi Vân xin đi gặp người nhà 3 ngày ở Đà Nẵng, đã về đúng hẹn.
Nhìn chung, kỷ luật trại được các trại viên tự giác chấp hành. Một không khí vui vẻ, thân nhau dần qua những chuyện vui đùa (không ác ý).
Quan hệ đối ngoại:  làm khá tốt: Chào hỏi và tặng sách cho Ban giám đốc Nhà sáng tác Nha Trang, đến trụ sở Hội VHNT Khánh Hòa chào hỏi, tặng sách Hội, tổ chức một tối giao lưu thơ với các bạn thơ, nhạc của Nha Trang  
(có đôi vợ chồng nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng – Ân Nam tham dự, dẫn đến phổ nhạc     một bài thơ của Nguyễn Thị Ngọc Hà). Đôi vợ chồng này có nhã ý chiều hôm sau lại mời cả trại đến vườn nhà để giao lưu thơ nhạc tiếp cuộc thứ hai giữa các bạn thơ sở tại và trại viên.
Dã ngoại, tham quan: Thăm Hòn Mun, thủy cung Tri Nguyên (thăm tập thể)  thăm Chùa Đỏ (Từ Tôn tự), thăm Tháp Bà Ponagar, Chợ Đầm (đi thành nhóm).
Thông tin sinh hoạt trại đưa lên mạng trannhuong.com và các trang FB khá đều nên anh chị em dự trại nhận được nhiều lời thăm hỏi, khích lệ của bạn văn và thân nhân. Bạn thơ Lê Mai ở Khánh Hòa mới sang định cư ở Hoa Kỳ,     đúng dịp về thăm thân nhân ở TP Hồ Chí Minh, đọc tin trại có những bạn nhà văn nhà thơ chị quen hoặc gián tiếp qua đọc tác phẩm, chị vội rời TP HCM, đi tàu hỏa về Nha Trang, đến ga, chưa kịp xuống thì tàu chạy tiếp, chị đành đến Diêu Trì rồi mới quay trở lại…chứng tỏ nhiệt tình của người đi xa nhớ về bạn viết nơi quê nhà…
                                      
                                    Thu hoạch, thực hiện đề cương
                                         (xếp theo thứ tự nộp quyển)
          Phạm Hồ Thu Tập Thơ chưa đặt tên gồm 18 bài (bản thảo sửa chữa).
Tiếng thơ Phạm Hồ Thu đặc trưng của một tâm hồn phụ nữ, lấy tình yêu làm nguồn cảm hứng, từ đó mà lan tỏa ra những chân trời khác: thí dụ với quê hương, tuổi thơ, với lịch sử (như tượng người đàn bà có 3 vẻ mặt Dương Vân Nga). Một số bài có xu hướng tản văn, văn xuôi hóa thơ, hẳn để bộc lộ nhiều hơn những điều suy tưởng.
          2- Trần Nhương: Tập bản thảo Bố tôi bảo thế  gồm 34 bài tản văn trào phúng, được liên kết chặt với nhau bởi 2 nhân vật bố con Cù là Buồn. 34 tản văn là 34 vấn đề dùng nụ cười trào lộng để lên án các quan tham, các tệ nạn còn tồn tại trên mọi lĩnh vực trong xã hội. Thành công của anh ở thể loại này không chỉ ở cách phát hiện vấn đề mà còn ở ngôn ngữ trào lộng “vỉa   hè”, khẩu ngữ hiện đại của dân chúng, gần như văn vui tếu của Nguyễn Quang Lập. Trang tranhuong.com của anh cũng hấp dẫn người đọc nhờ giọng văn này. Chỉ bằng cách nói đùa tưng tửng, anh đã đặt ra những vấn đề lớn của cơ chế: “Chú có biết công chức toàn Đông Dương ngày còn thằng Tây chưa bằng số công chức một tỉnh bây giờ. Hãi quá! Đâu cũng thấy quan! Mà cái xã gì ở Thanh Hóa có đến 500 cán bộ mới khiếp chứ…” Đến vấn đề làm sân gôn thì hai nhân vật đối thoại: “Họ bảo sẽ chuyển đổi cho nông dân sang nghề khác!” (?) “Thì chuyển đổi từ làm chủ sang làm thuê.Chú hiểu chửa…”  
3- Vương Trọng: Với những tác phẩm dài hơi, nửa tháng ngỡ lâu, thực ra chỉ đủ thời gian làm một phần công việc. Vương Trọng đang viết trường ca Làng, với bố cục: 1/Về làng: Điển hình một ngôi làng miền Trung (Đô Lương – Nghệ An) có đền, miếu, phong tục, tín ngưỡng, những con người của làng, đủ các thành phần giai cấp…2/ Cái ác: Đâu tiên là cái ác của thiên tai gây mất mùa, đói kém…rồi cái ác do con người gây ra; sai lầm trong cải cách ruộng đất, cái ác do chiến tranh. Đoạn cuối: Làng bình yên trở lại để đối phó với những tệ nạn mới, khôi phục đôi điều tốt đẹp tình làng nghĩa xóm ngày xưa…Anh đang viết nốt chương Hai và xen kẽ thời gian, chỉnh sửa chương Một…
4- PGS TS Vũ Nho: Anh đã chọn đề tài khó: đánh giá những công trình bình thơ của Vũ Quần Phương (tập hợp trong tập Bình thơ, NXB Dân Trí) mà công trình ấy rải ra song song với đời thơ của ông. Ai cũng rõ Vũ Quần Phương là người bình thơ sắc xảo, thông minh, ở hàng đầu những nhà bình thơ hiện nay. Tìm ra nhược điểm, sơ hở của VQPhương không phải dễ. Nhưng bài Vũ Nho viết ở trại này cho ta thấy được sự kỹ càng và thỏa đáng khi ông thừa nhận VQPhương có tài vừa bình thơ vừa tâm sự kinh nghiệm đọc thơ và thưởng thức thơ với bạn đọc. VQPhương không ngại nói ra những bất cập, non lép của tác phẩm một cách chân thành, không “bới lông tìm vết” . Vũ Nho ghi nhận công lao của VQPhương ở lĩnh vực này: “Việc chỉ ra những tỳ vết trên viên ngọc đã nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của bạn đọc” Nhận xét này ta có thể dùng để nói về chính Vũ Nho khi anh chỉ ra một
số nhược điểm của VQPhương, trong đó có nhược điểm do không rành chữ Hán nên có lầm lẫn đáng tiếc, hiểu “dã kê”, gà đồng là loại gà hoang chứ không phải gà trong xóm…Tuy nhiên , anh khẳng định: Thành tựu bình thơ của VQPhương là một thành tựu lớn.
5- Trần Chiến:  Nhà văn Trần Chiến nộp 2 truyện ngắn. Nội dung truyện cổ Châu Long trong tích Lưu Bình, Dương Lễ và Chạy biệt xã cũng truyện về   đặt mồ, đặt mả, số phận nhân vật được thay đổi. Trần Chiến dùng giọng văn cổ để viết truyện cổ làm tôi hơi ngạc nhiên, nhưng tôi yên tâm ngay khi biết anh đã viết hàng chục truyện loại này. Hẳn nhà văn muốn thể nghiệm một điều gì về loại truyện này mà chỉ đọc hai truyện ta khó nhận ra…
6- Quốc Toản:  Trại viên Quốc Toản là một người đa tài. Một mình anh đã cung cấp cho cả trại những bức ảnh vừa là chụp chơi kỷ niệm vừa là những bức ảnh nghệ thuật ở cấp chuyên nghiệp. Bản thảo nộp trại chỉ có 5 bài thơ, còn lại là hơn chục tấm ảnh màu xen kẽ, có thể nói anh đã nộp trại hai loại hình sáng tác, thơ và ảnh. Về thơ, đáng kể có 2 bài viết về biển đảo mà thiếu đề tài này sẽ là một thiếu sót khi các nhà thơ hàng ngày được tắm mình trong nước biển, và dạo chơi trên mấy hòn đảo gần bờ. Có câu thơ của anh đáng ghi nhớ:
Dù bão tố phong ba/ Những người lính giữ đảo Gạc Ma/ Như cọc Bạch Đằng quanh lá cờ Tổ quốc/ Hiện về …Nhói buốt trong tôi (Biển đêm). Quốc Toản nói hộ tình cảm chúng tôi với bạn bè Nha Trang: Xin gửi lại Nha Trang/ Nơi anh hướng về phía biển/ Bao la nắng – Ngập tràn xanh…Kẻ lữ khách đa mang/ Chưa trọn vẹn niềm vui đã cô đơn trong vòng tay xiết chặt
(Với Nha Trang).
7- Bùi Kim Anh : Bùi Kim Anh nộp trại 3 bài thơ về biển. Có những câu         liên hệ đặc tính của Biển với cuộc sống đời thường nhạt nhẽo:
Quen nhạt nhẽo người đời nên mặn mòi biển khiến ta xa xót / Thèm một lời yêu sóng nhấn đọng chát làn môi (Lời biển gọi). Hai bài báo chị viết thì một    bài rất đáng giá là bài báo Văn Nghệ đặt chị viết về nhà thơ Giang Nam, phỏng vấn ông, nghe nhà thơ TBT kể một thời kỳ sóng gió của báo khi in bài của GS Hoàng Ngọc Hiến về chủ nghĩa hiện thực phải đạo. Phản ứng của từng nhân vật quan trọng trong lịch sử văn học như Tố Hữu, Trần Độ, Chế Lan Viên…Bài này chị không nộp trại, nhưng có cho tôi đọc. Chính những tư liệu này nếu được xác định, được công bố…hẳn sẽ là tư liệu quý cho ta nhìn lại một thời…Tiếc thay, bài báo vừa in trên Văn Nghệ lại không thấy xuất hiện những tình tiết ấy (!)                       
8- Hà Huy Hiệp: 17 bài thơ, hoàn toàn viết ở Nha Trang.Hà Huy Hiệp trẻ nhất trại, học khoa điêu khắc trường Mỹ thuật. Ra trường, tạo dựng được một cơ sở nhận trang trí mỹ thuật nội thất cho các cửa hàng, cửa hiệu. Ổn định được về sinh kế nên anh không màng kiếm thêm bằng cách in bài, lấy       nhuận bút. Anh hoàn toàn làm thơ theo ý thích, không chiều ý bất cứ tờ báo nào. Nhưng vẫn in ra từng tập chỉ để tặng bạn. Anh viết tự do những suy  nghĩ của mình khi va chạm với hiện thực đời sống,nên có nhiều ý độc đáo, ngồ ngộ. Anh biết tiết chế ngôn ngữ, nên có nhiều câu lạ, câu hay, nhưng thành bài và bài hay thì không nhiều.Thí dụ: Con người lạ thật/ Ngày ngày chỉ một hành trình/ Không nhàm chán/ Hết Biển Thuyền Cá đến Biển Cá Thuyền/ Gia đình vợ con chỉ là lớp lót/ Cho Biển Cá Thuyền không bị dính vào nhau. (Năm rưỡi sáng) hay: Nhà thơ, vẫn còn ở lại/  Xa vợ con để được sống một mình/ Để viết thơ về hạnh phúc gia đình/ Bằng cơm gạo nhà nước.
Trường hợp anh, tôi tạm nhận định: anh đang thời kỳ rèn kỹ năng, nói gọn nhất, hình tượng nhất những ý nghĩ của mình. Đến một ngày nào đó, khi anh   ý thức được vị trí người viết, trách nhiệm người viết với đời sống,anh sẽ viết khác, lúc ấy sẽ thấy tác dụng những ngày tháng anh trau rèn ngôn ngữ thơ ngày hôm nay…
9- Tô Thi Vân: Tuy là công nhân cơ khí nông nghiệp, nhưng gia đình anh hoàn toàn sống giữa nông thôn, anh hàng ngày đụng chạm tới những vấn đề    của người nông dân. Điều đặc biệt là cách viết của anh lại hoàn toàn phóng khoáng, thơ tự do, tiết chế ngôn ngữ, tự tạo ra nhịp điệu, không chịu phụ thuộc vào những thể thơ có số âm tiết nhất định. Thí dụ: Rộn tiếng chim cu gù nắng/ Tháng Mười/ cười nhoẻn đường quê/ Mắt vấp khói đồng xa vắng/ Heo may/ Thương nhớ về…
10- Vũ Bình Lục: Thơ Lý Trấn , một kỳ quan rực rỡ, bài mở đầu tập thơ Lý Trần, Vũ Bình Lục tỏ ra có một cách nhìn vừa rộng mở vừa khách quan với các sự  kiện, các nhân vật lịch sử (thí dụ: Lê Hoàn được khẳng định là vị  vua xứng đáng, có công với đất nước). Nhưng cái chết của cha con vua Đinh có lợi cho vị thế của Lê Hoàn đã khiến đời sau không thể không nghi ngờ có thể có bàn tay đạo diễn của ông ta. Cách kể lại và phân tích giai đoạn lịch sử này một cách sáng rõ và công tâm đã đặt niềm tin cho độc giả về bối cảnh lịch sử đằng sau những tác gia văn học ở những trang sau…
Bài bình thơ Giấc phù vân (Nguyễn Thị Ngọc Hà) của Vũ Bình Lục cũng chứng minh bề dầy kiến thức Thiền học của anh. Họ Vũ còn nộp thêm 6 bài   thơ tứ tuyệt vịnh cảnh.
11- Vân Long: Âm hưởng một vùng biển đảo là tập thơ đề tài công nghiệp, ông viết từ cuối những năm 60 thế kỷ trước đến nay, chủ yếu là trong giai đoạn 15 năm ông rời gia đình, đi sâu vào các sự kiện, con người vùng biển đảo Đông Bắc và vùng rừng núi Hà Sơn Bình. Sau khi trở lại Hà Nội làm báo Độc Lập, làm biên tập nhà xuất bản Tác Phẩm Mới, ông vẫn tận dụng những chuyến đi trở lại các vùng trên, và viết tiếp…Nhân vấn đề biển đảo đang nóng lên, tác giả muốn người đọc “ôn cũ biết mới”: Một thành phố cửa biển như Hải Phòng, bị o ép, phong tỏa thủy lôi dầy đặc như vậy! Trong phố đông dân thì bom nổ chậm rải, trên trời thì máy bay phản lực, ngoài khơi thì hạm đội 7 hùng mạnh của Hoa Kỳ…mà quân dân Hải Phòng vẫn không chịu khuất phục. Những tấn hàng quân dụng của các nước bạn giúp VN vẫn cuồn cuộn chảy vào Nam. Nhân Tổng Liên đoàn lao động VN kêu gọi các nhà văn tham gia cuộc vận động viết về đề tài công nghiệp, ông đã mang đến Trại sáng tác Nha Trang hàng trăm bài, nhiều bài đã in báo nhưng chưa in thành tập để chỉnh lại, chọn lại được 71 bài. Bố cục thành 3 phần: Âm hưởng một vùng biển đảo/ Trở về nguồn (thơ vùng Hà Tây- Hòa Bình, trọng tâm là công trình thủy điện Hòa Bình)/ Hai phía đường 5 (thơ riêng).
12- GiángVân Giáng Vân vốn độc đáo trong sáng tác thơ, dự trại cô lại độc đáo: Đưa ra một đề cương: Công trình nghiên cứu Khảo sát và nghiên cứu về đọc và văn hóa đọc hiện nay, mà Giáng Vân cho rằng có thể là một luận án TS về văn học. Đọc lướt những câu hỏi cô đã đặt ra cho nhiều đối tượng, tôi thấy nếu thu hoạch được hết những câu trả lời, cô sẽ hình thành được một cuốn sách, một tài liệu nghiên cứu đáng giá, hữu ích cho vấn đề này. Chỉ tiếc  đây là tác phẩm lĩnh vực nghiên cứu, ngoài phạm vi sáng tạo văn học của Trại, dù nó cũng có ích cho văn học.
13- Phan Thị Thanh Nhàn Nhà thơ đã không nộp tác phẩm thơ mà nộp một tác phẩm văn xuôi, gồm truyện ngắn xen với tản văn. Vì không còn thời gian   đọc hết cả tập, tôi mở mục lục chọn thử mấy bài đọc trước, và chợt nhận ra mình toàn chọn tản văn (thực ra là những tiểu phẩm, những mẩu ký ức của tác giả): Phải đối phó và từ biệt các chàng keo ra sao, Hai lần thoát khỏi hiểm họa thơ ca, Chuyện phiếm về các nhà văn già…được tác giả kể lại bằng giọng văn chân thật, đôi lúc hóm hỉnh hoặc đôi lúc…ngây thơ. Tôi thấy mình không mấy quan tâm đến truyện ngắn của nhà thơ hay đến mức nào, mà chỉ quan tâm quan hệ đời thường của nhà thơ đã có tên tuổi như Phan Th Thanh Nhàn, vậy chắc là độc giả cũng vậy. Nếu xuất bản không nên ghép hai thể loại đó trong một tập.
14-Nguyễn Thị Ngọc Hà: Ngọc Hà viết ở trại 3 bài thơ về biển đảo và một truyện ngắn. Về trại viết vào giữa tháng Ba, chúng tôi đều nhớ đến sự kiện đảo Gạc Ma, nhưng không phải ai cũng viết được. Chúng tôi đồng cảm với nhà thơ N.T.Ngọc Hà ở bài Đốm đèn trước biển Khánh Hòa,  viết về các liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma sớm ngày 14/3/1988: Các anh/ Ôm giấc mơ cứ muốn bay lên/ Nhưng vĩnh viễn/ Gối đầu trên ác mộng/  Nhớ quê hương/ Chỉ chờ gió lặng/ Về lạy mẹ già rồi lại ra khơi/ Lạy/ Đôi mắt mẹ /Khóc đẫm bóng trời/ Trắng xóa vùng đau/ Vỡ tràn con nước./ Trước biển đêm nay/ Đốm đèn vẫn thức/ Hồn thiêng ở Gạc Ma, có về với đất liền?
15- Hoàng Quốc Hải: Vì một lẽ riêng, nhà văn chưa muốn công bố chương tiểu thuyết lịch sử mình đang viết nửa chừng, Nhưng chấp hành nội quy trại,  anh đã chụp lại một chương tiểu thuyết lịch sử khác anh đã viết: chương Lý Thánh Tông dự Hội cầu duyên ở Lỗi Hương để cầu hoàng nam nối dõi. Gần 30 trang viết tay đặc chữ, anh đã dựng lên một lễ hội vùng Tiên Sơn tự thật náo nức, đầy màu sắc dân gian. Hội lập đàn chay để cầu duyên cho vua. Tuy là việc hãn hữu, chưa có tiền lệ, nhưng dân làng đã quen những việc đình đám, lễ hội…Từ lập đàn, làm lễ chạy đàn của các sư tăng, của đoàn hộ giá nhà vua, lời đối thoại của đại sư với đệ tử, y phục của chư tăng….mỗi chi tiết đòi hỏi người viết phải khảo sát kỹ lưỡng, mỗi chi tiết như một cái bẫy chờ nhà văn sơ sẩy. Dẫu biết cả đời viết, ông là chuyên gia phong tục của Bộ Văn Hóa, tôi vẫn cảm phục vì không nhận thấy một chữ gượng, chữ lép nào trong gần 30 trang viết tay của anh…
          Trên đây là khái quát vài nét về 15 trại viên của Hội Nhà văn Hà Nội    đã làm tốt nhiệm vụ của mình.

                                                           Nha Trang ngày 2 tháng Tư- 2013
                                                                         Trại trưởng:


                                                                           Vân Long

                                                                                                     

2 nhận xét:

  1. Đã xem thông tin nhiều nguồn. Bài tổng kết cô đọng.
    Cảm ơn các Nhà Văn Nhà Thơ....
    Cảm ơn Bác Vũ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là bản tổng kết công phu của Trưởng trại ( đã bát tuần).
      Trong kho anh em đi chơi thì trưởng trại ngồi đọc và viết TK.
      Ở Trại thì viết tay, về nhà mới đánh máy lại. Coi như một TƯ LIỆU và một KỈ NIỆM nên tôi đưa lên trang nhà.
      Cám ơn ông bạn cao tuổi đã đọc và cho nhận xét!
      Chủ trang
      VN

      Xóa