Viên ngọc màu huyết dụ – NGUYỄN THỊ NGỌC HÀ
Tỉnh hẳn, tôi mới thốt thầm. Ối trời !…chỉ là giấc mơ. Nhưng rồi dưới ánh đèn chùm lúc chập tối chưa kịp tắt, viên ngọc vẫn lóng lánh. Đã nửa đêm, gió rào rào lẫn tiếng mưa đổ trên mái cọ. Tự giải thích. Có lẽ vì mưa to nên người ấy lỗi hẹn, nhưng tôi vẫn trằn trọc không sao ngủ lại nổi.
1
Khu Resot Đào Nguyên gồm nhiều vila biệt lập. Diện tích mỗi vila khoảng sáu chục mét vuông, nội ngoại thất toàn bằng gỗ, mái lợp lá cọ. Các vila cách nhau một vườn hoa nhỏ. Nhân viên lễ tân đẩy hành lí của mẹ con tôi đến vila số sáu. Người đàn ông bên vila số bảy như không chú ý đến sự có mặt của hàng xóm mới. Anh ta mặc đồ tập võ màu đen, nằm duỗi chân trên chiếc phản gỗ ngoài hiên như đang thư giãn sau khi tập, loáng thoáng chiếc đai đỏ buông thõng xuống dưới đất.
2
Đã thành quen, sáng nào tôi cũng dậy lúc 5 giờ để đi bộ. Nhẹ tay chốt cửa để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của con.Tôi qua chếc cầu kết bằng ba cây luồng bắc ngang con suối cạn để đi tắt ra ngoài khu Resort. Không gian trong sạch tạnh vắng, tôi thấy trong người nhẹ bẫng, phút chốc quên hẳn đường phố ồn ào bụi bặm mỗi ngày, quên hẳn sự khúc mắc giữa chồng với mình bấy lâu nay. Từng giọt sương đêm như những hạt kim cương li ti lóng lánh trên thảm cỏ xanh mướt ven con đường đất. Tâm hồn tôi thoắt vô vi theo tiếng chuông chùa văng vẳng. Tiếng chuông cứ thủng thẳng, lúc thật gần lúc lại rất xa, lúc như dưới lòng đất vọng lên, lúc lại như trên trời vọng xuống. Chợt tôi chững lại, bởi xuất hiện người đàn ông cưỡi con ngựa bạch đang bước chậm rãi phía trước. Tuy sương mờ, nhưng tôi vẫn nhận ra người ấy mặc bộ đồ tập võ màu đen có đai đỏ, giống trang phục của người đàn ông ở vila số bảy. Chỉ có con đường duy nhất, người ấy vượt qua lúc nào mà mình không thấy? Vừa lãng vào suy nghĩ về hiện tượng ấy, thoắt đã không thấy người, ngựa đâu nữa.
Tiếng chuông như dẫn dụ tôi bước tiếp. Tôi đi mãi vẫn không gặp đình đền chùa nào, chỉ thấy sau cây gạo đã cỗi một nhà ngói ba gian hai chái, trước thềm có tấm liếp chắn nắng gió đan bằng cật tre nứa, giống kiểu nhà của nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Nhà xây không to không cao, mái ngói đã thâm, chân tường xám mốc, vài mảng vôi vữa long lở để lộ những hàng gạch nhom nhem mưa nắng. Trước sân không cổng không hàng rào, chỉ rặng tre rậm rì bao quanh, ngăn cách nhà với cây dại ven rừng. Nếu không có bà lão đang quét lá rụng trong sân, tôi đã nghĩ đây là ngôi nhà hoang. Bà lão mảnh mai tầm thước, da đã điểm đồi mồi, tóc trắng như tơ óng dưới vành khăn nâu đã bạc. Bên trong chiếc áo dài nối vai hai màu nâu đậm nâu nhạt, lấp ló vạt áo cánh màu gạch non. Lúng túng trước ánh mắt còn tinh anh của bà lão ngẩng lên nhìn mình đăm đắm, tôi cúi chào lễ phép.
- Con chào bà.
Vừa vuốt cốt trầu quanh vòm miệng đã nhăn nheo, bà vừa đáp lại bằng giọng ân tình.
- Ta chào con.
Không vồn vã, bà lão vẫn lẳng lặng vun lá khô về một góc sân rồi mới quay lại mời khách vào nhà. Tôi định khước từ lời mời, lại nghe giọng bà khẽ dục. Vào nhà đi con. Tôi bị hút theo tà áo nhún nhảy cùng nhịp chân của bà lão xa lạ.
3
Trong nhà khác hẳn vẻ hoang sơ bên ngoài, càng vào càng sâu. Cách bài trí nội thất giống nhà của nho sĩ hơn nhà nông dân. Những cột lim, xà dọc, xà ngang chắc bóng. Mấy tủ đặc sách dựng sát hai bên tường. Bà lão nghiêng đầu nhìn tôi.
- Con là nhà giáo.
- Thưa, sao bà biết ạ ? Vừa vén mấy sợi tóc mai ra sau vành tai bà vừa tủm tỉm cười.
- Con trai ta bảo rằng, hôm nay sẽ có một cô giáo đến thăm nhà mình.
Tôi càng ngạc nhiên, vào ngôi nhà này là tình cờ, sao con trai bà lại biết trước? Không giải nổi sự thắc mắc, tôi đánh bạo hỏi.
- Thưa, con trai bà làm nghề gì ạ ?
- Con trai ta làm nghề dẹp giặc.
- Bây giờ đâu còn giặc, hơn nữa dẹp giặc nào phải một nghề ạ.
Tự hào, hay ngấm nồng cay bởi miếng trầu mà hai gò má trên khuôn mặt đã hao gầy ửng lên khi bà nói về con trai mình.
- Nhưng con ta vẫn khẳng định đấy là một nghề. Ngưng một lát, giọng bà trầm hẳn. Cô giáo không biết đấy thôi, loại giặc này nó biến hóa khôn lường.
Tôi nghĩ, có thể con trai bà đang phục vụ trong quân đội hoặc lực lượng an ninh. Tế nhị, không hỏi sâu hơn về anh ấy nữa, tôi chỉ lặng lẽ theo bà đi qua khoảng sân rộng để vào nhà trong. Chợt tôi thảng thốt khi thấy con ngựa bạch buộc ngay bên thềm đá, bộ đồ tập võ màu đen đai đỏ vắt trên yên. Chẳng phải con ngựa bạch của người vừa đi trước mình đó sao? Tôi đang băn khoăn tự hỏi thì cửa chính mở rộng dần. Từ trong đi ra, đúng là người đàn ông ở vila số bảy trong khu Resort Đào Nguyên.
- Đây là con trai ta.
- Chào anh ạ.
- Chào em.
Trong quân phục xuân hè, con trai bà lão thoáng trẻ như ngoài hai mươi, thoáng lại như đã ngoài năm mươi. Với đôi mắt sáng dưới chân mày hơi vếch lên của phái mạnh và nụ cười đôn hậu, để lộ hàm răng trắng đều cùng giọng nói trầm ấm, đã làm tôi bình tâm hơn. Để con trai đứng lại với khách, người mẹ tới trước bàn thờ gióng ba hồi chuông. Quả chuông không to, chỉ nhỉnh hơn hũ gạo cứu đói thưở trước, nhưng đúng là tiếng chuông tôi đã nghe lúc nãy. Đoán được điều khách ngạc nhiên, con trai bà lão nói.
- Quả chuông đồng này tổ tiên ta đúc đã trên ngàn năm, chiếc dùi này đẽo từ lõi cây chò cũng trên ngàn tuổi. Trước lúc mặt trời mọc, trước lúc mặt trời lặn mẹ ta vẫn gióng chuông. Quay sang tôi hỏi mẹ anh.
- Những tiếng chuông sớm và chiều ấy có ý nghĩa gì thưa bà? tôi nhìn thấy trong mắt bà như có ánh lửa. Bằng giọng hào sảng, khác hẳn giọng của một người đã già.
- Tiếng chuông sớm vọng lên thanh cao để đánh thức tâm sáng của con người đang sống, tiếng chuông chiều trầm xuống để gọi những linh hồn ma quỷ trở về cõi thiện.
- Hèn gì tiếng chuông vọng vang khác hẳn.
Trở lại giọng bình thường, bà lão nhìn tôi lắc đầu.
- Chẳng phải người hay ma quỷ nào cũng nghe được đâu con ạ.
Bàn thờ không rộng nhưng trang nghiêm thanh sạch. Bộ đồ thờ toàn bằng đồng. Trước lư hương, một dãy đĩa men trắng xếp đầy ắp những viên ngọc màu huyết dụ. Mỗi đế đèn trên bàn thờ đặt một đĩa dầu lạc. Đốm lửa từ bấc ngấm dầu sáng ngược lên như mầm măng trúc. Dứt tiếng chuông, bà bình thản đốt thỏi trầm thả vào lư đồng. Từng làn khói bảng lảng trong ánh sáng nửa mờ nửa tỏ cùng mùi trầm thơm ngan ngát, làm không gian quanh tôi càng thêm u hiển. Không biết trên kia thờ ai, nhưng trước nhang khói tâm linh tôi thành tâm cúi lạy.
Con trai bà lão lấy một viên ngọc màu huyết dụ to bằng cái cúc áo trong chiếc đĩa chính giữa đưa cho tôi. Dưới ánh sáng của những đốm đèn, trên lòng tay người trai trẻ, viên ngọc ánh lên màu tím đỏ trong suốt. Tôi lùi lại tỏ ý không dám nhận. Tiến thêm một bước, đứng đối diện với tôi, vẫn giọng trầm ấm, người ấy nói với nét mặt nghiêm trang.
- Em cầm lấy và về đi. Mặt trời sắp lên rồi, đêm nay ta sẽ giải thích cho em rõ.
Nhận viên ngọc, tôi ngoảnh lại tìm sự đồng cảm của mẹ anh, nhưng chỉ thấy một làn khói như mây, bà không còn quanh đấy nữa.
4
Bình minh ở rừng bao giờ cũng muộn hơn ở biển, đã gần sáu giờ, đằng đông chỉ phớt một ráng hồng. Sau khi ngâm mình trong bồn nước khoáng, vươn mình hít căng lồng ngực, cảm giác khoan khoái như được thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng, nhưng vừa ngồi chải tóc, viên ngọc ở trên bàn lại kéo tôi về cuộc gặp kì bí sớm nay…Từ mẹ con bà lão trong ngôi nhà cổ…từ tiếng chuông vọng sâu hơn cả tiếng chuông chùa…từ bàn thờ toàn ngọc quý…từ ánh mắt thăm thẳm của mẹ con họ với cách xưng hô nửa rất gần, nửa lại rất xa với thế hệ mình đang sống. Thật ngộ và thú vị. Tôi háo hức mong cho mau tới đêm nay để được gặp lại người ấy.
Biết vén rèm nhìn sang vila số bảy là lố bịch, nhưng tôi không kiềm chế nổi sự tò mò. Rèm cửa bên ấy chưa buông, thấp thoáng sau ô kính có bóng người. Tự hỏi. Tại sao người ấy không cho mình biết ngay mọi chuyện mà nhất thiết phải hẹn đến đêm…Đang chìm vào suy nghĩ, con gái nhắc chuông điện thoại reo tôi mới biết.
- Em định bao giờ về.
- Sang tuần.
- Em phải về ngay để cùng anh đến ông Lũng vào chủ nhật này đấy.
- Em xin lỗi.
Tôi tắt máy. Nỗi buồn lại dâng đầy. Mệt mỏi vì thái độ của Dân, trước ngày cho con đi nghỉ ở khu Resort Đào Nguyên, tôi đã làm giấy ủy quyền cho anh ra ngân hàng rút hết số tiền trong sổ tiết kiệm. Đấy là số tiền sau khi bán ngôi nhà ở thành phố, bố mẹ đã cho tôi một nửa, nửa còn lại ông bà đem về tu sửa từ đường và sinh sống tại quê nhà, để được gần hơn phần mộ của anh trai tôi ở nghĩa trang Liệt Sĩ huyện.
Bây giờ mỗi một ngày qua đi tôi lại thấy thời gian đang xói mòn thêm khối hạnh phúc ngỡ không bao giờ vơi khuyết này. Tôi có cảm giác tâm hồn người đàn ông thân yêu của mình đã hoang lạc về đâu đó. Khoảng cách giữa chúng tôi cứ rộng dần, chỉ vì Dân phiêu diêu vào một lĩnh vực khác từ lời gợi ý của ông Lũng.
…Sau khi về nhà khá muộn, Dân hào hứng nói với tôi.
- Anh Lũng sắp được cấp trên bổ nhiệm vào cương vị lãnh đạo mới. Trong ba cán bộ được cân nhắc vào vị trí hiện tại của anh ấy là anh. Nhìn thấy sự ngạc nhiên trong mắt vợ, Dân không dấu niềm vui của mình.
- Em biết hôm nay anh Lũng nói gì với anh không? Anh ấy rỉ tai rằng: “ Trong vấn đề nhân sự lần này, tớ chỉ ủng hộ cậu thôi …”
- Anh không nhớ vụ ông Lũng làm cho một cán bộ cận mình liêu xiêu không ngóc đầu dậy được chỉ vì dám góp ý cho ông ấy trong cuộc họp tổng kết mấy năm trước hay sao. Lại cái vụ vợ ông ta chẳng có chút kiến thức gì, bỗng dưng làm cố vấn cho dự án xây dựng khu chung cư cao cấp của tỉnh. Bây giờ một nửa dự án biến thành những căn hộ hoang, không ai mua. Có lần anh còn nói, ai nêu việc này ra chỉ có nước về hưu non. Đã biết ông Lũng là người như thế mà anh còn muốn làm phó cho ông ta. Theo em, anh nên ở lại sở nông nghiệp, làm đúng chuyên môn đã học, đừng ham hố lên tỉnh quản lý khối doanh nghiệp mà anh chẳng hiểu gì lĩnh vực ấy. Anh lên đấy, khác gì bước vào rừng rậm có nhiều loài thú dữ, không thú này ăn thịt cũng loại thú khác cắn chết. Người như anh, thú dữ chẳng tha đâu.
- Không nghĩ mình đã dội nước lạnh vào sự háo hức của chồng. Tôi ngả đầu vào bờ vai anh. Dân đẩy tôi ra, tung chăn đứng dậy. Tiếng gót chân nện xuống sàn nhà cũng đủ cho tôi biết anh phản ứng với lời khuyên của mình đến thế nào. Mỗi lần cáu giận hay bất lực vì lí lẽ của vợ, Dân lại lấy rượu ra uống. Hình như nồng độ của rượu cho anh đủ sức lấn lướt vợ mình. Tay phải cầm chai rượu, tay trái cầm chiếc li sóng sánh màu nâu nhạt của một loại rượu mạnh. Dân dằn từng tiếng.
- Làm vợ, phải biết lo toan cho sự nghiệp của chồng. Đây là cơ hội, không bàn lùi, cô rõ chưa.
- Bằng cách nào, anh nói em nghe.
- Có thế chứ. Dân cúi xuống gần tôi nói nhỏ hơn, như thể có ai đó nghe lỏm được. Sắp tới anh Lũng tổ chức cưới con, chúng mình phải lo một món quà, món quà ấy phải đặc biệt hơn những người khác.
- Biết người khác biếu thứ gì để minh lo đặc biệt hơn họ?
- Em rút số tiền trong sổ tiết kiệm ra…
Tôi phát hoảng.
- Anh định mừng đám cưới bằng cả số tiền ấy ư/
- Chứ sao.
- Anh u mê rồi. Đấy là tiền bố mẹ em cho để chúng mình sửa nhà, không thể lấy đi được.
Tôi thấy rõ cơn tham vọng hiện lên trên cơ mặt đang rung giật theo sự tức giận của chồng mình.
- Cô yên tâm, năm sau tôi sẽ hoàn lại gấp đôi.
- Anh hoàn lại bằng cách nào, chờ các doanh nghiệp hối lộ ư?
Người đàn ông chưa một lần nặng lời với tôi, cầm cả li rượu ném xuống sàn nhà. Chiếc li vỡ tan, những giọt rượu nhòe nhoẹt theo từng mảnh thủy tinh. Rùng mình, tôi co rúm người lại, như những mảnh thủy tinh nhọn sắc đang găm vào thân thể mình vậy…
5
Chắc bơi nhiều, nên chưa đầy tám giờ tối con gái tôi đã lăn ra ngủ. Ngoài kia, gió lách tách trên mái cọ. Tắt ti vi, cầm cuốn tạp chí Phụ Nữ trên tay nhưng chẳng đọc được trang nào. Tôi chỉ tập trung lắng bước chân của người đàn ông bên vila số bảy.
… Tiếng gõ rất nhẹ đủ cho chủ nhân bên trong nghe thấy. Tôi rùng mình, vì luồng khí lạnh lùa vào.
- Em lạnh ư ? Vừa hỏi, người ấy vừa khép nhẹ cánh cửa.
- Không sao ạ. Mời anh ngồi chờ em pha ấm trà hoa cúc.
Nâng chén trà mời khách tôi mới nhận thấy, ngoài miệng cười với hàm răng trắng đều trên khuôn mặt ẩn chứa nội tâm sâu sắc ra, người đàn ông đang ngồi đối diện với mình còn có ánh mắt của một người có khí phách. Tôi định sẵn nhiều câu hỏi khi gặp, nhưng chưa kịp hỏi anh đã nhìn tôi tủm tỉm cười .
- Ta biết em muốn hỏi những gì rồi.
Hai má tôi nóng ran, vờ cúi xuống rót thêm nước vào chén cho khách để dấu đi sự lúng túng của kẻ bị phát hiện trúng điều mình dự tính. Nhấp thêm chút nước, người ấy tự giới thiệu.
- Ta là Việt. Tên đầy đủ, Nguyễn Quốc Việt…và biết em từ lâu. Em có nhiều nét rất giống anh trai lắm.
- Anh biết anh trai em ạ.
Bằng giọng trầm hơn bình thường, Việt nói chậm rãi.
- Ta biết anh trai em đang học năm thứ hai đại học Tổng Hợp thì nhập ngũ, còn biết sau khi hy sinh anh ấy được truy tặng danh hiệu anh hùng.
Nghẹn ngào lặng đi hồi lâu, tôi mới quay sang hỏi người biết về anh trai mình.
- Anh cùng đơn vị với anh trai em ư ?
- …..
Thấy khách im lặng nhìn vào khoảng không, như đang thả hồn về một điểm thiền tận hư vô, nên tôi không dám hỏi cặn kẽ thêm.
- Bây giờ anh vẫn ở trong quân đội ạ ?
Việt bừng tỉnh khỏi suy tư, giọng anh hào sảng hẳn.
- Không chỉ trước kia, cũng không chỉ bây giờ mà mãi mãi ta vẫn là lính. Hiện nay ta đang đi thu thập những viên ngọc màu huyết dụ…
- Ở đâu mà nhiều thế anh ?
- Nhiều lắm. Vuông đất nào những người dẹp giặc ngã xuống, ở đó kết tinh một viên ngọc huyết dụ …Người nào nhìn thấy ngọc ấy, yêu quái trong họ sẽ tiêu tan, ngược lại người nào đã hóa quỷ sẽ không nhìn thấy gì cả. Những viên ngọc em thấy trên bàn thờ sẻ dùng để cứu những người đang bị quỷ mê hoặc.
Tôi nhớ truyện Tây Du Kí, có những đoạn yêu quái giả vua Đường, giả quan, giả bao công, giả gái đẹp, thậm chí giả cả các đức Phật để lừa vị chân tu người trần mắt thịt. Nhưng đấy chỉ là chuyện thần thoại. Còn trước tôi, sự trang nghiêm từ lời nói và ánh mắt của người đàn ông tên Việt, cùng viên ngọc đang để trong chiếc đĩa con ở trên bàn, khiến tôi không thể nào nghĩ đây là huyễn hoặc.
Ngưng một lát, cầm viên ngọc lên Việt nói tiếp.
- Ta đã khoan một lỗ nhỏ để xuyên dây. Em cứ đeo trên cổ sẽ cứu được nhiều người thóat khỏi quỷ ám đấy. Năm sau hãy đem về đặt ở nơi thờ anh trai mình…
Đứa con gái gác chân lên ngang bụng làm tôi bừng tỉnh, cuốn tạp chí Phụ Nữ vẫn úp trên ngực, nhìn sang phía bàn nước, ấm chén vẫn như lúc chưa có khách. Tỉnh hẳn, tôi mới thốt thầm. Ối trời !…chỉ là giấc mơ. Nhưng rồi dưới ánh đèn trùm lúc chập tối chưa kịp tắt, viên ngọc vẫn lóng lánh. Đã nửa đêm, gió rào rào lẫn tiếng mưa đổ trên mái cọ. Tự giải thích. Có lẽ vì mưa to nên người ấy lỗi hẹn, nhưng tôi vẫn trằn trọc không sao ngủ lại nổi.
Cơn mưa rừng lê thê không dứt. Mấy lần tôi nhìn sang, căn nhà số bảy vẫn không sáng đèn. Nhân lúc người phục vụ đến thay ga giường, tôi hỏi.
- Bên số bảy khách trả nhà rồi phải không em ?
- Một tuần nay chưa có khách vào chị ạ.
Nhân viên đi rồi, tôi vẫn đứng nguyên không nhúc nhích nổi, đầu óc mụ mị như vừa bị thôi miên.; ‘‘Người ấy là ma hiện hình,’’ Ý nghĩ bất chợt lóe lên làm tôi sởn da gà. Sau khi uống tách cà phê nóng tôi mới định thần lại, suy nghĩ về câu chuyện hư hư thực thực này. Mọi sự kiện từ xa xưa đến bây giờ cứ móc xích giằng dịt lấy nhau. Nhất định sáng mai tạnh mưa tôi phải trở lại ngôi nhà của hai mẹ con bà lão.
6
Hai ngày sau mưa mới tạnh. Tôi mượn chiếc xe đạp của một nhân viên đang làm cỏ ớ vườn để chở con gái đến ngôi nhà ven rừng.Con gái hào hứng hỏi tôi.
- Mẹ con mình đi thăm khu nuôi dưỡng động vật quý hiếm phải không ạ.
- Không. Tới đó xa và đèo dốc, phải đi bằng ô tô con ạ. Hôm nay mẹ dẫn con đến thăm ngôi nhà, tại đấy con sẽ gặp một bà lão từ trong cổ tích bước ra.
Con bé xoe tròn mắt nhìn mẹ. Tôi đọc được sự háo hức xen lẫn ngạc nhiên trong ánh mắt của nó. Tôi cũng háo hức không kém gì con mình.
Hôm trước đi bộ không đầy ba mươi phút, hôm nay đạp xe hơn một giờ mới tới. Nhưng lạ thay… sau cây gạo cỗi chỉ có rừng tre hoang rậm rì. Tôi hoàn toàn tỉnh táo để xác định vị trí ngôi nhà ở chỗ này. Nó đã biến mất không để lại dấu vết. Thảng thốt giây lát, trấn tĩnh lại tôi đành nói dối con. Mẹ nhầm đường rồi, bây giờ về trả xe đã, hôm khác đi tiếp vậy. Thế là cuộc gặp gỡ hai mẹ con bà lão, kết thành một khối bí ẩn treo lơ lửng trong tâm hồn tôi.
Có thể trong tôi có năng lượng trường sinh học… và họ là người ở cõi hư vô……Đang miên man suy nghĩ thì Dân gọi.
- Anh không rút được tiền.
- Vì sao ?
- Họ bảo chứ kí trong giấy ủy quyền không đúng chữ kí mẫu. Em có thể đem con về trước vài hôm không ?
- Thôi được. Mai mẹ con em về.
Chúng tôi về đến nhà đã quá chiều. Cửa xe vừa mở con bé đã nhảy ra ôm choàng lấy bố.
Ngẩng lên, tôi chạm ánh mắt của Dân đang nhìn mình chằm chằm, như thể xa nhà mấy ngày tôi đã thành người khác vậy. Bỗng thả con xuống, Dân ôm lấy đầu lảo đảo. Chắc bị trúng gió, tôi dìu anh lại giường cho uống nước đường gừng giải cảm. Dân không sốt cao, nhưng lại mê man đến sáng hôm sau mới tỉnh.
- Anh mệt, để mình em ra ngân hàng thôi.
- Không, mình em ôm số tiền ấy về nguy hiểm lắm. Chiều đỡ mệt, anh chở em đi. Nói thế, nhưng ba ngày sau Dân mới khỏe hẳn để chở tôi đến ngân hàng. Mấy ngày ấy tôi chỉ im lặng ngao ngán. Tôi tiếc vì sắp mất người đàn ông mình đã thương yêu, và tiếc cả số tiền sắp mất còn đau hơn mất cắp. Khoảng cách giữa tôi với Dân đã không còn bờ nữa.
Cô nhân viên ngân hàng vừa đưa giấy rút tiền để tôi điền những thông tin cần thiết vừa nói.
- Chỉ còn mười ngày nữa đến kì lãi cả năm, chị rút thế này thì tiếc quá.
- Đành vậy em ạ.
Dân đứng gần đến nỗi tôi nghe rõ hơi thở gấp của anh sau vai mình. Cô nhân viên đã kiểm tra xong mẫu chứ kí, đang gõ thông tin vào máy tính thì Dân tiến lên ghé đầu gần ô kính giao dịch.
- Xin lỗi. Em xóa lệnh giúp anh chị.
Cô gái có khuôn mặt thanh thoát của tuổi trẻ ngẩng lên nhìn hai chúng tôi.
- Anh chị nghĩ lại rồi ư ? Không sao, em sẽ hủy lệnh ngay.
Thấy cô gái cứ dán mắt vào viên ngọc dưới cổ vợ, ra ngoài Dân mới hỏi nhỏ. Em mua viên ngọc từ bao giờ mà anh không biết. Vừa lúc tránh người đi bên cạnh, tôi vờ như không nghe thấy. Lúc ấy tôi mới nhớ trên cổ mình vẫn đeo viên ngọc màu huyết dụ. Phải chăng việc thay đổi đột ngột trong quyết định rút tiền của Dân có liên quan đến điều anh Việt nói trong giấc mơ? Tôi hồi hộp đến ngạt thở. Tôi chờ đợi Dân nói ra suy nghĩ của anh như chờ đợi kết quả xét nghiệm liên quan đến cuộc sống và cái chết. Cuối cùng, về đến nhà Dân cũng nói.
- Mấy hôm anh nghĩ nẫu ra rồi, không hiểu sao mãi tới lúc ở ngân hàng anh mới quyết định không mất tiền vào chuyện ấy. Anh sẽ đến cảm ơn ông Lũng và xin ở lại sở.
Tai tôi ù ù như có tiếng gió, nước mắt bỗng giàn giụa trên má. Tôi ôm lấy chồng mình khóc rống lên như chưa bao giờ được khóc vì sung sướng đến thế. Tiếng khóc của sự sung sướng nó không bi ai, nước mắt của sự sung sướng cũng không chát mặn. Chồng tôi không biến thành kẻ khác, anh ấy vẫn là chính mình.
Đêm ấy tôi kể cho Dân nghe về ngôi nhà ven rừng và cuộc gặp mẹ con bà lão. Ngỡ chồng đã ngủ, nhưng anh ngồi bật dậy. ‘‘Hèn gì hôm ấy, vừa nhìn thấy tia sáng lóng lánh dưới cổ em anh đã choáng váng.’’
7
Một năm sau.
Kết hợp với viện nghiên cứu nông nghiệp, Dân đã lai tạo thành công giống lúa mới cho năng xuất cao. Giống lúa này chống được sâu, rày nâu và bệnh cháy lá. Nghiên cứu của anh vừa được trung ương cấp bằng sáng chế. Dự liên hoan về, Dân dục tôi cùng đến thăm ông Lũng.
Ông Lũng lên chức chủ tịch tỉnh chưa đầy bảy tháng đã phải nghỉ. Không ai ngờ ông ấy to cao, cơ bắp săn chắc, mặt vuông lông mày rậm, trông uy nghi như người có thể hô phong hoán vũ, thế mà bỗng dưng ngã gió đổ bệnh hiểm nghèo. Ông đã ra nước ngoài chữa trị nhưng không khỏi, gia đình vừa đưa về nhà để chữa bằng thuốc dân tộc. Bây giờ ông nằm đấy, thất sắc, toàn thân chỉ còn da bọc xương.
Khi chỉ còn vợ chồng tôi ngồi bên, Dân mới gỡ dây đeo viên ngọc trên cổ tôi ra lúc lắc gần tầm mắt người bệnh. Mong sao ông Lũng nhìn thấy nó./.
Chép từ Blog của Bùi Kim Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét