CẦU TRÈM
(Tản văn)
ĐƯỜNG VĂN
-
Này Đường
Văn! Bác vốn sinh ra và lớn lên ở làng Trèm mình, thế tất phải biết,
phải hiểu về làng hơn tôi. Dù tôi nhập tịch vào thôn Tân Nhuệ, xã
Thụy Phương này cũng đã ngót nghét nửa thế kỷ rồi! Tôi đố câu đố vui
này, bác thử giải xem sao nhé?!
Trong phòng
khách mát mẻ chiều đầu hè, trông chéo ra sông Đào – sông Nhuệ nước
cạn một màu xam xám, lờ đờ, vừa mau mắn rót hai bát nước vối tươi,
sánh, vàng như mật ong rừng, nóng hôi hổi, đon đả mời bạn, Bắc Lê,
người bạn thân của tôi đột ngột mở đầu câu chuyện một cách trịnh
trọng như thế. Ngạc nhiên, tôi giục:
-
Thì đố luôn đi!
-
Cái gì là cầu mà không phải là cầu, rồi lại
là cầu?
Tôi cười to:
-
Úi giời! Ông
bạn của tôi lại bắt chước câu đố về con ốc: Mồm bò không phải mồm
bò, lại là mồm bò! Chứ gì? Quả thông minh, thú vị! Vừa nói, tôi
vừa chỉ tay lên hướng đông bắc: - Đó chính là cái Cầu Sông, một trong những cây cầu làng Trèm mình chứ gì?
-
Đúng rồi! Nhưng
tại sao Cầu Sông lại giống con
ốc được? Nó bò đi đâu? bò bằng gì?
-
Bác lại định
thử tôi nữa?! Nhưng cũng xin tặng luôn câu trả lời này cho ông bạn:
Đúng! Lời giải câu đố của bác nhất định là cái Cầu Sông đó. Nhưng không phải chỉ có thế! Có thể nói đáp án đúng là hầu như tất cả những cái cầu của làng Trèm
ta. Thế mới hay, mới độc đáo chứ! Nhưng cứ từ từ, thời gian còn hơn
2 tiếng nữa, tôi mới phải đi đón 2 thằng cu cháu Pháo, Tễu. Tôi sẽ làm thỏa mãn tính tò mò, ham tìm hiểu
của bác.
-
Hay lắm! Vậy
bác cạn bát này đi đã! Nước vối tươi, xem ra uống lại có phần thú
hơn cái anh vối khô đấy. Cơ mà cũng như nước chè, phải hãm và uống
thật nóng, bỏng lưỡi, hơi bốc ngùn ngụt, mới đã!
-
Quá đúng! Xem
ra dạo này tôi đâm nghiện nước vối nhà bác với nước vối khô nhà ông
Phạm bên cạnh rồi. Uống nước chè nhiều, xót ruột mà lại hay mất
ngủ.
-
Thôi! Bác hãy
giải thích Cầu Sông không phải là cầu rồi lại là cầu,
là thế nào đi! Lan man mãi!
-
Thì đây!... Cầu Sông chính là cái cầu chứ còn
là cái gì nữa!? Vì nó bắc qua sông Đào - sông Nhuệ quê mình. Cái
cầu đầu tiên từ phiá thượng lưu sông Nhuệ nối với sông Hồng, nối
liền hai xã Thụy Phương và Liên Mạc. - Nhưng tại sao cầu đặt ở đất Trèm hẳn hoi mà bên cạnh 2 cái tên thường gọi, thì tên
chính thức trong các văn bản lại là cầu
Liên Mạc? - Lê Bắc bật chen ngang hỏi xoáy.
-
Ấy là bởi vì trong bản Thiết kế đầu tiên, dự định đặt cầu
ở cách vị trí hiện nay hơn 1km về phiá Tây, vào chính đất xã Liên
Mạc. Nhưng vài năm sau, lại có sự thay đổi, bổ sung thiết kế, vì lý
do nào đó, tôi chưa rõ, nên khi thi công mới chuyển xuống vị trí hiện
nay. Nhưng tên gọi vẫn theo bản
thiết kế ban đầu. Bởi vậy, cầu tuy nằm ở đầu xã Thụy Phương nhưng
lại gọi tên theo văn bản thiết kễ đầu, là Liên Mạc!
Tôi cứ hay
tưởng tượng vẩn vơ rằng, giả tỉ từ những ngày đầu tiên giữa những
năm 30 thế kỷ trước, ngay từ ngày cầu vừa cắt băng khánh thành, có
cái computơ sịn gắn vào để đếm
liên tục số lượng người bộ hành, xe cộ từng qua lại cầu này từng
tháng, từng năm cho đến hết thế kỷ 20, đến nay, rồi tổng hợp. Biết
được những con số khái quát ấy cũng có nhiều ý nghĩa chứ! Tôi đoán
dễ phải hàng chục, hàng trăm triệu lượt người, xe pháo lại qua Cầu
Sông?
Nhưng cầu mà lại không phải là cầu! Nói
chính xác hơn: không phải chỉ làm nhiệm vụ cây cầu bắc qua sông, làm
đường giao thông, nối liền tỉnh lộ 32 (?) từ Hà Nội lên Phùng, thông
với đường 11A lên Sơn Tây, Trung Hà… Cầu Sông - Cầu Trèm – Cầu Liên Mạc
còn có một chức năng vô cùng quan trọng nữa: Cống thủy lợi điều
tiết nước sông Đào - sông Nhuệ giữa thượng lưu - hạ lưu. Nói cách
khác: Nó là 1 con đập nhân tạo,
1 cái âu thuyền lớn với 5 cửa
cống có cánh đóng, mở, chạy bằng tời
quay tay hoặc máy quay điện, tùy ý người sử dụng. Người ta còn
gọi đó là cống 5 ô (1 ô lớn (cống
cái) dành cho thuyền bè qua lại,
4 ô nhỏ (cống con), chỉ để nước
lưu thông). Có nhà thơ qua đây, từng đề vịnh:
Cầu Liên Mạc, cái tên quen thuộc,
Cống 5 ô
dẫn nước sông Đào.
Cầu – Cống vĩnh cửu được thiết kế
xây dựng bằng bê tông cốt thép, rất chắc chắn, bề thế, khoa học, hữu
dụng, độ bền rất cao đã đành; không những thế, nó còn là công trình kiến trúc mỹ thuật đẹp
đẽ, duyên dáng với một kết cấu cân đối, hài hòa, từ tổng thể đến
chi tiết. Cứ ngắm căn nhà che máy đóng, mở cống cái phía thượng lưu với sàn bệ bê tông đặt máy đóng
mở các cánh cống cái phiá hạ
lưu và cống con phía thượng, thì
đủ biết. Mặt sàn phía hạ lưu không đúc kín liền mà chia thành những
ô trống thủng hình lục lăng tạo
độ giằng vừa bền chắc vừa thanh thoáng như những bông hoa 6 cánh nở đều
trên dòng nước. Mùa nước lên thường đóng cống. Nhưng tàu, thuyền, bè
muốn qua, vẫn có thể qua âu một
cách nhẹ nhàng và an toàn theo các hiệu lệnh phối hợp đóng, mở
nhịp nhàng giữa hai cánh cống cái
2 phiá thượng, hạ lưu. Mùa nước cạn thì mở thông cả 5 cửa cống suốt
ngày đêm. Tôi đã nhiều lần chăm chú và thích thú xem trọn vẹn quy
trình thuyền bè qua âu này. Tất
cả diễn ra trong chỉ trong khoảng hơn 1h. khi mức chênh lệch giữa hai
phía thượng, hạ lưu khá cao: gần chục mét nước.
Hồi
trẻ con, cứ chiều tối, lũ chúng tôi thích lên Cầu Sông chơi, nghịch, đuổi nhau chán, lại đứng tựa vào
thành lan can cầu, ngắm dòng sông Đào thẳng tắp, lấp lánh bóng sao
trời, êm ả xuôi về Cầu Noi (1
trong những cây cầu bắc qua sông Đào - sông Nhuệ chỉ mang chức năng duy nhất: cầu đường bộ qua sông). Đầu cầu phiá
đông, cây gạo cổ thụ sù sì gai
đang reo rì rào đón gió nồm nam lồng lộng thổi. Quay lại, hướng về
phương Bắc: ngã ba sông thiêng, với chùa
Hoàng bao năm trụ trên mom đất
linh xem chừng chênh vênh mà bền chắc vô cùng! Bãi sông Hồng mờ mịt
cát bay, bên kia là các làng Hối Độ, Sáp Mai (huyện Đông Anh) xanh mờ
một dải.
Đến khi có
gia đình riêng, vợ chồng tôi lại thích đưa các con chiều chiều lên Cầu Sông hóng mát. Có lần con Quy
chơi vô ý, đưa cả đầu qua ô lan can thành cầu, khóc thét vì sợ. Mẹ
nó khéo lựa mãi mới rút ra được. Quy ta sợ tái mặt mà vẫn ham
nghịch. Ba đứa trẻ mê mải xem ô tô vun vút qua cầu không chán. Còn bố
mẹ thì lại mải mê ngắm chúng. Tới mấy năm gần đây, đến lượt chúng
thành bố mẹ, chiều thứ bảy, chủ nhật cũng thích dắt lũ con mình lên
đón gió nơi Cầu Sông quen thuộc như một thói quen
giải trí nhà quê. Còn chúng tôi thì đã thành ông - bà, thời biểu ấy
thường lững thững tản bộ thể dục qua cầu, thư thả bước dưới rặng
tre xanh dọc bờ sông, hướng tới Gảnh
Đình. Cầu Sông - cống Trèm- đập
– âu Trèm đã và vẫn đang là người bạn hiền cố tri của mấy thế
hệ cư dân làng Trèm như thế.
Cầu Sông: trên là cầu, dưới là cống. Vừa cầu vừa cống – đập - âu. Một
cái cầu đặc biệt; một cái cống – đập – âu đặc biệt: Kiêm luôn 2
chức năng (kép): Giao thông – Thủy
lợi. Từ khánh thành đến nay đã ngót 80 năm. Trong 2 cuộc chiến
tranh giữ nước dằng dặc, đạn bom đầy trời, Cầu Sông ẩn mình dưới giàn
dây thép trồng dây lá ngụy trang phủ kín, như tấm thảm xanh khổng lồ
nhân tạo che mắt bọn giặc trời. Hết chiến tranh, giàn cây, dây lá
ngụy trang được gỡ bỏ, cầu – cống lại trở về dáng vẻ thời bình.
Ngồi trong lều vó bè, hoặc dạo chơi
trên đường kè đá đôi bờ, dù từ trên thượng lưu nhìn xuống, hay dưới hạ
lưu nhìn lên, Cầu Sông - cống Trèm,
trong mắt tôi, bao giờ cũng đẹp lạ đẹp lùng, thanh tao, duyên dáng,
vững vàng cùng dân ba làng đi
tới tương lai.
-
Vậy còn Cầu – Cống Trèm 2? Bắc Lê lại hỏi.
-
Tôi không hiểu chút
gì về kỹ thuật cầu - cống thủy lợi. Nhưng nghe nói, có lẽ để giữ
độ bền cho cầu – cống Trèm 1,
chia sẻ, điều tiết, ổn định lưu lượng nứơc người ta phải xây dựng cầu – cống Trèm 2, (nối liền đường
Hoàng Tăng Bí với thôn Tân Phong, Viện Chăn Nuôi Thụy Phương, Tiểu đoàn
77). 2 chiếc Cầu Sông cũ – mới chỉ cách nhau chưa
đến 1 km. Chỉ thấy, dù được xây sau mấy chục năm, với công nghệ tiên
tiến, hiện đại hơn nhiều, có lẽ về kỹ
thuật sẽ đắc dụng hơn. Nhưng về mỹ
thuật, nhìn trong bối cảnh, nó cứ vô duyên, vô cảm thế nào! Nhìn
qua, công trình mới này cũng từa tựa như cống – cầu 1 nhưng thô hơn, thiếu hẳn sự đăng đối, và kém
hẳn nét duyên như bản vẽ được tạo bởi bàn tay người phụ nữ kiến trúc
sư – kỹ sư Pháp cách đây gần thế kỷ?! Tôi không cố ý trọng cổ bài kim, mà chỉ nói thật cảm xúc của mình về 2 cây cầu –
cống như hai chị - em, mẹ – con cùng bắc qua dòng sông thân yêu quê mình
thôi!
Trên thế
giới cũng như trên khắp nước Việt ta, nếu viết 1 cuốn lịch sử xây
dựng cầu – cống – đập, hỏi đã
có bao nhiêu kiểu loại? Khó mà kể xiết: từ cầu khỉ, câu tre lắt lẻo
bắc qua kênh, rạch Nam Bộ đến cầu độc mộc trên sông suối Tây Bắc, Đông
Bắc, từ cầu gỗ, cầu Tràng Tiền (Huế) như chiếc lược ngà, cầu Thê
Húc son đỏ chói uốn cong cong nối bờ hồ với đảo Ngọc hồ Hoàn Kiếm
(Hà Nội) đến cầu thép Long Biên già nua, cầu bê tông cốt thép Thăng
Long 2 tầng hiện đại nhất Đông Nam Á, qua cầu dây văng Bãi Cháy, cầu
dây văng Nhật Tân đang thi công, cầu quay Đà Nẵng, Cầu vĩ đại nhất châu
Á Trường Giang, cầu quay hơn hai trăm tuổi bắc qua sông Nhê va (Xanh
Petecbua, Nga)…Đập – cống thì: Sông Đà, sông Chảy, sông Chu, sông Mã,
sông Vonga, Ăng ga ra, Iecut (Nga)… Nhưng nếu hỏi tôi yêu cây cầu nào
nhất, thì tôi xin trả lời ngay, không chút phân vân: Cầu Sông – cống Trèm quê hương tôi! Còn bác thì sao?
-
Tôi cũng vậy! Nhưng
nếu chỉ có thế thì lời đáp của bác e vẫn chưa đủ khái quát về
tất cả các cầu Trèm! Nào, bác hãy chỉ cho đệ xem còn những cây cầu
nào không phải là cầu mà vẫn là cầu như thế nữa?
-
Còn! Còn không ít!
Và còn lý thú hơn nữa, nhưng lại trên bình diện khác!
-
Có vẻ rắc rối
nhỉ? Uống nước nữa đi, và tiếp đi!
-
Bác làm giai tế (rể) làng tôi cũng đã già
nửa đời! Vậy chứ bác có nghe những cái tên: Cầu Mới, Cầu Đồ, Cầu Đìa, Cầu Gạo, Cầu Khóm, Cầu Binh, Cầu
Ba Cây…bao giờ chưa?
-
Nghe nhiều rồi
chứ! Đúng, đúng! Đó cũng chính là lời
giải thứ 2 câu đố của tôi. Tất cả những cầu bác vừa nêu đều không phải là cầu – cống mà là cầu – quán, cầu - nhà –,
cầu – điếm ấy, hầu hết được xây
dựng trên những cánh đồng.
Đúng không?
-
Quá đúng! Chắc
quê nội của bác cũng có những chiếc cầu, ngôi nhà - cầu như thế chứ?
-
Có chứ! Nhưng
bác cứ nói rõ hơn về cầu – nhà - cầu
– quán, cầu – điếm giữa đồng Trèm xem có gì khác với cầu - quán
làng Tằm tang chúng tôi bên bãi
sông Hồng? Tôi cho rằng có lẽ ngôi cầu
– nhà đẹp nhất, cổ nhất nước Việt ta là cầu - nhà ở Hội An (Đà
Nẵng).
-
Quả thế! Nhưng Cầu – quán, cầu - nhà làng Trèm ta cũng có nét đặc sắc
riêng. Thường là một ngôi nhà nho
nhỏ từ 1 – 3 gian, xưa có thể được cất, dựng bằng tranh tre, lợp
rạ, rơm. Sau này hầu như được xây gạch, lợp ngói ta hoặc ngói Tây
(Hưng Ký). Nền đất cao, hoặc lát gạch. Chỉ xây tường 2 đầu hồi, hai
mặt tiền, hậu: để trống. Một đầu hồi có thể đặt ban thờ Thần Nông hoặc Thổ Thần. Cầu Gạo, Cầu
Đồ giữa cánh đồng phía tây làng, bên cạnh có cây gạo cổ thụ,
giếng đất. Vì cầu - nhà ở trên
thửa đất cao, giữa cánh đồng, lại 2 mặt không xây tường ngăn nên rất
thoáng mát. Các buổi trưa, dù nắng, dù mưa, bà con làm đồng chung
quanh đều lên cầu nghỉ ngơi. Có khi chỉ chục phút cho ráo mồ hôi, rồi
bươn bả về làng; Có khi để được việc, đón bữa ăn trưa con bé út vừa
mang từ nhà tới: liễn cơm, (hoặc mo cơm, phạng cơm) độn ngô, khoai. Thức ăn đạm bạc: mấy quả cà
pháo ròn tan, con cá mắm khô nướng, bát tương nhà làm thơm bùi, đĩa
rau muống luộc xanh rờn. Cơm xong, tu luôn ấm nước vối, làm điếu thuốc
lào tê mê bằng chiếc điếu cày bất ly thân hoặc nhai miếng trầu têm
vội tối qua cho thơm miệng. Cái tăm tre cài tai hoặc vẫn ngậm hờ một
bên, ngả lưng ngay vào tường hồi làm gối, thiu thiu một giấc ngắn,
rồi lại bươn bả, vật mình dậy, nhảo xuống ruộng, làm tiếp. Những
bữa cơm đồng ăn nhanh trong cầu - nhà
ấy, thức ăn chẳng có gì mà sao
ngon đáo để! Có lẽ vì thêm gia vị không mất tiền: ngọn gió tươi,
hương lúa hào phóng phả vào? Hay bởi được cùng ăn miếng sém (cháy) thơm lừng mà cô em cố ý
để phần với cái nhìn đầy hứa hẹn? Hay bởi những câu chuyện nở ròn
ngô rang đủ thứ trên trời dưới đất mà nhiều chuyện nghe buồn cười nẻ
bụng, nhiều chuyện vui, tục đến phát ngượng; nhưng ngẫm kỹ, lại
chẳng bậy tí nào!
Tôi
đã không ít lần được ăn cơm đồng
trong gian Cầu Gạo cùng với bố -
mẹ như thế. Những bữa cơm đồng hiếm hoi, giản dị, nghèo nàn mà đầm
ấm tình gia đình như thế được nhớ lâu hơn nhiều so với ký ức về
những bữa tiệc linh đình mà tôi cũng đã được dự trong đời.
Nói thêm
chút về Cầu Binh.
Đó là một
ngôi cầu xây ở bên kia đường Cái Dinh
(69), thuộc đồng Phiên (Phân) Nha (thôn Hồng Ngự ngày nay.
(Tất nhiên, đã từ lâu Cầu Binh không
còn dấu vết!?). Thời kỳ đầu tiên, đó chính là Võ Chỉ của làng Trèm, nơi làng thờ đức Quan Thánh Đế quân
Quan Vân Trường (Vũ), (Trung Quốc, thời Tam Quốc); cần phân biệt với Văn Chỉ
thờ Đức Khổng Tử (Khâu), là nơi hội họp, bình thơ của các cụ tư văn - quan viên làng. (Văn Chỉ
làng Trèm cũng bị triệt hạ từ đầu những năm 60 thế kỷ trước. Vạt gò Văn Chỉ ngày nay thành nơi đặt mộ của mấy gia đình trong,
ngoài làng?!). Đến thời Pháp thuộc, Võ
Chỉ bị giặc chiếm, biến thành đồn
binh canh gác, kiểm soát người qua lại, án ngữ con đường huyết
mạch thông với làng Đông Ngạc, làng Noi (Cổ Nhuế). Hòa bình, Tây cút
về Tây, Cầu Binh, hiển nhiên,
không cần khôi phục! Nhưng Võ Chỉ
xưa cũng chẳng một ai trong các ban lãnh đạo xã nhớ tới để phục
hồi!? Có lẽ chỉ còn trong cảm tác của ông Hoàng, một thức giả kỳ
cựu thôn Đông:
Nhớ xưa mấy
trẻ mục đồng,
Nắng như
dội lửa, vaò trong cầu này.
Raỉ gianh,
chơi đã mê say,
Đâu biết nơi
này: Võ chỉ làng ta!
Cầu 3 cây (vì bên cạnh cây đa 3 thân hay 3 cây đa khác nhau?) thuộc làng Đông Ngạc, nằm bên bờ đường
69 và 1 vài ngôi cầu làng Trèm khác, một thời gian dài được dân sử
dụng làm quán hàng nước chào
đón khách làng và khách vãng lai. Đó là cầu – quán.
- Chuyện cầu Trèm với 2 dạng chủ yếu 1. cầu – cống – cầu - đập; 2. cầu – nhà -
cầu – quán như trên, đã đủ giải đáp câu đố lúc nãy của bác chưa?
Chắc chưa đâu! Nhưng kiến văn của tôi cũng mới đến vậy, có vậy. Tạm
hài lòng nghe!
Bây giờ tôi
phải tới trường Mầm Non Đông Ngạc A
đón cháu đây! Chào bác!
Chiều 11 – 5 – 2013. ĐV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét