Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Bể Trèm






BỂ TRÈM

Tản văn

(Trích thư từ với bạn xa)
ĐƯỜNG VĂN

Kraxnođa (CHLB Nga), ngày 10 – 4 – 2013
          Anh Đường Văn xa nhớ!

          … Mùa tuyết tan ở thủ phủ vùng Cuban (nam Nga) đã thực sự bắt đầu.
                                  Tuyết tan! Tuyết tan! Hồn em mang mang!
          Câu thơ viết từ hơn 30 năm trước đăng trong tạp chí sinh viên mùa tuyết cuối cùng lại chập chờn trong trí người lữ thứ… Thế là tôi xa nước, xa nhà, xa anh, người bạn vong niên thân quý, cũng đã gần 30 năm rồi! Vì hoàn cảnh mưu sinh và số phận câu thúc, đưa đẩy nên tôi, thằng đàn ông lạc bầy, chưa bao giờ được hưởng cái hạnh phúc giản dị mà xa vời, như anh: dưỡng già ở quê làng Việt Nam, giữa gia đình, con cháu quây quần ấm cúng! Ở bên này, cứ chiều chiều, tôi cũng hay dắt đứa cháu ngoại lên 3, lững thững dạo vài vòng quanh sân vận động trường Đại Học Tổng hợp Quốc gia Cuban, nơi tôi và anh cùng gắn bó 5 năm có lẻ! Chợt nhìn lên trời cao, một đám mây trắng như bông gạo Cầu Sông quê mình, đang lang lang vô định, lại nhớ đến Nguyễn Du - Truyện Kiều:
Bốn phương mây trắng một màu,
Trông vời cố quốc, biết đâu là nhà?!
Dặm nghìn nuớc thẳm, non xa,
Biết đâu thân phận con ra thế này!
          Lòng thoắt dâng mãi lên nỗi buồn ly hương vô hạn!... Những chiều như thế này, chắc anh – chị đang nắm tay nhau, dặt dìu thả bộ thể dục hóng mát quanh bờ ao Sen, ao Đình mới được kè đá, lát đường, hay qua dốc Cầu Sông, xuống dốc Ông Bàn,  xuôi nữa xuống Viện Chăn nuôi, khu công nghiệp Nam Thăng long… cho thật thoáng đãng? Còn tôi, tôi phải nỗ lực rất nhiều để sớm nhất là mùa hè năm tới sẽ tổ chức được một chuyến hành hương về nước cùng cái gia đình bé nhỏ của mình, với Rita (vợ tôi, chắc anh còn nhớ?) hai con và 2 cháu nội? Để bà ấy và nhất là lũ con cháu mục sở thị lần thứ hai lâu lâu hơn, thổ ngơi, phong vị, cảnh quan Việt Nam, Hà Nội, Từ Liêm, làng Trèm, quê chồng, quê cha, quê ông nội chúng như thế nào… Không biết ước mơ cháy bỏng ấy có thành được sự thật không? vì công việc của chúng tôi bên này khó khăn lắm, kiếm được mấy ngàn USD đâu có dễ!...
          Thôi, hãy tạm biết thế! Giờ tôi chỉ muốn anh chia sẻ cùng tôi tấm lòng kẻ tha hương cầu thực khốn khổ, người bạn đồng môn cũ từng mấy năm ăn chung một nồi, ở chung 1 phòng: viết tất cả những gì anh biết, anh nhớ, anh cảm về cái bể nước làng Trèm ta ngày xưa và bây giờ. Để ngõ hầu tôi có thể nói lại cho Rita – maia giena (vợ tôi); (anh còn nhớ cô gái Nga tóc vàng, mũi hếch rất hiền, ngoan ấy chứ?), và lũ con cháu nửa Nga nửa Việt của tôi, có thể hình dung cụ thể. Nhất là cháu út Ngô Lan -  Masa nhí nhảnh, nhiều lần cứ căn vặn ông nội: - Bể là cái gì? là biển nước nho nhỏ hả ông? - Tại sao bể nước lại có thể xây ở trong sân, ngay bên cạnh bếp, cạnh đầu nhà? - Người Việt Nam mình (ôi! chữ mình tự nhiên buột ra từ cái miệng xinh xinh của đứa trẻ nít ruột thịt làm tôi cảm động đến rơi nước mắt!) không thích dùng nước máy bằng nước bể, hả ông?... Con bé thật lòng ngây thơ muốn tìm hiểu quê hương, Tổ quốc của ông nội, cũng là của bố mẹ nó, của nó, lạ kỳ thay, lại bắt đầu từ chuyện cái bể nước gia đình làng quê tận xứ Việt Nam rất đỗi xa vời!?
          Anh giúp tôi nghe!...
Thân ái! Ngô Hoan
(Hết trích)

Trèm, Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam, ngày 25 – 4 – 2013
          Chú Hoan thân nhớ!
         
          … Tôi rất cảm thông và hoàn toàn chia sẻ với nỗi buồn nhớ đất nước, quê hương của chú. Không ai muốn sống xa nhà, xa quê, xa nước, xa cha mẹ, ông bà, và linh hồn tổ tiên hàng vạn km như vậy. Chỉ vì gặp thời thế thế thời phải thế! Mà thôi! Hơn ba mươi năm trước, làm cái anh sinh viên du học trên đất Nga giá lạnh, tôi cũng đã bao đêm, bao ngày khắc khoải một niềm suy tư vọng tưởng cố hương như chú. Ấy thế mà nhiều năm sau lại không ít lần mơ được trở lại ngắm dòng sông Cuban trong xanh, viếng Đài Liệt sỹ vô danh ngay cạnh trường mình …nhưng cũng đành gặp trong mộng… đó thôi! Cho nên… nếu cứ băn khoăn tự hành mình hết nhẽ, thì cuối cùng, đành lại đổ cho Trơì, cho Con Tạo vô tình xoay vần xuôi ngược vậy! Rất mong chúng mình gặp lại nhau mùa phượng sang năm. Trong thời gian một thu xa dằng dặc bằng nửa ngày dài ghê ấy, tôi sẽ an ủi chú bằng cách cố gắng trả lời những câu hỏi tỉ mỉ của chú và vợ, con, cháu chú về những cạnh khía nhỏ, to khác nhau của văn hóa quê Trèm ta, mà vì xa nước quá lâu, có thể bụi thời gian đã xóa mờ đi ít nhiều trong tâm tưởng, ký ức của người tha hương…
          Bể nước làng Việt nói chung, làng Trèm ta nói riêng đã được dự vào sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình nhân dân tự rất lâu đời. Từ thường thường bậc trung trở lên, mỗi nhà có chí ít 1 chiếc; nhà khá giả, phong lưu hơn có khi có tới 2 – 3 chiếc lớn. Bể chủ yếu chứa nước sạch nhà  dùng quanh năm. Tôi chưa được tường vì sao cái hộp chữ nhật xây gạch trát vôi – mật mía, hay xi măng tốt; cái nổi, cái nửa chìm nửa nổi, cái lại chìm hẳn dưới nền nhà (gọi là bể chìm) ấy, lại gọi là bể? Vùng Trạch Mỹ Lộc, huyện Tùng Thiện, Sơn Tây cũ gọi là biển?! Dù bể hay biển nhưng đều là một khối hộp chữ nhật (cũng có khi gặp khối lập phương, hay khối bầu dục… nhưng rất hiếm), thể tích có thể di động từ 1 – 5 - 6m3; nghĩa là dung tích chứa từ 1000 – 5000 – 6000 lít nước. Bể trung bình  hoảng từ 2 – 3m3. Nhà nào chưa xây được bể lớn thì xây tạm bể con từ 0, 5 – dưới 1m3 hoặc đành chứa nước mưa hứng từ ngọn cây cau, từ mái ngói qua hệ thống máng tôn hoặc máng cau, thậm chí máng bẹ chuối, đổ vào các chum, vại, cong, ang sành, sứ… Truyền thống cúng lễ, ăn, uống bằng nước không rễ trời ban trong sạch, tinh khiết múc từ bể, đã thành máu thịt của người nông dân Việt.
          Đọc thiên truyện ngắn Những chiếc ấm đất (Vang bóng một thời; Nguyễn Tuân), tôi vô cùng khâm phục cá tính và văn tài cụ Nguyễn, nhưng càng ngày càng chưa hiểu được cái thú uống ước trà Tàu chỉ pha bằng nước giếng chùa Đồi Mai của cụ Sáu?! Cụ già ấy cầu kỳ đến mức sai người nhà, giữa trưa nắng gắt, cất công lên tận giếng chùa làng xin sư cụ nước giếng chùa để pha trà, tiếp khách quý. Nếu hai nhân vật cụ Sáu và sư cụ nhà chùa là có thật và có thể phục sinh, thì tôi, dù tài hèn sức mọn, cũng dám đánh đường đến tận nơi hai cụ đang thưởng trà song ẩm, liều xin một chén hạt mít, để xem hương vị của trà Thiết Quan Âm pha nước giếng Đồi Mai ra sao?! Nhưng càng ngẫm ngợi, tôi càng ngờ rằng, chẳng qua đó cũng chỉ là kết quả sự tưởng tượng lãng mạn dồi dào của ông vua tùy bút Việt mà thôi! Còn riêng với tôi, và với không ít bạn bè quen, đã từng uống trà pha bằng nước giếng Ngõ Đồng trong nhất làng hay nước giếng khoan sâu, hay nước máy mới, cũ, nước sông Hồng, sông Nhuệ đánh phèn… Thấy tất cả đều nhạt nhẽo, vô duyên lạ, so với trà pha nước mưa cũ chứa trong bể lưu niên. Như là mùi thơm thêm dậy ngát hơn, vị trà đậm hơn, nước trà vàng sánh hơn. Nhắp nhắp, sịt soạt, nuốt xuống cổ họng rồi mà mùi thơm, vị đắng chát, ngòn ngọt cứ tê tê mãi nơi đầu lưỡi. Sáng mồng một Tết, dậy sớm sửa lễ cúng ông bà tổ tiên. Trong khi anh con cả lễ mễ bưng mâm cơm cúng đặt lên chiếc mâm bồng đen đại giữa giường thờ, thì tôi rẽ ràng ra bể, khỏa gáo, múc lên lưng lưng gáo nước trong văn vắt, lóng lánh dưới ánh ban mai, nhẹ nhàng rót vào bát nước cúng đã được lau chùi sạch sẽ, trịnh trọng đặt vào lòng đài gỗ trên ban thờ, đối xứng với đài bên kia bày đĩa trầu mẹ tôi têm sẵn từ tối qua. Khoan thai thắp một tuần hương ngát, bỏ thêm trầm vào đỉnh đồng, thắp tiếp 4 ngọn nến hồng lung linh. Châm tửu.  Mở tủ, lấy bản văn khấn đặt trước kỷ. Lễ cúng sáng mồng một Tết Nguyên đán nhà tôi đã có thể chính thức bắt đầu.
          Nước mưa trong bể trữ được lâu, dùng để cả gia đình nấu cơm, nấu canh, luộc rau, ăn uống và cả tắm giặt nữa (trong mùa mưa và với những nhà có bể lớn). Không gì khoái thú, mát mẻ bằng, trưa nắng to đi học về, mồ hôi mồ kê đầm lưng áo, quăng vội cặp sách lên bàn, bỏ ngoài tai cả lời mẹ dặn đi dặn lại: - Con đừng có uống nước lã. Độc lắm đấy! Chạy ào ra bể, vục chiếc gáo dừa múc đầy 1 gáo, ngửa cổ uống ừng ực. Nước trôi đến đâu, ngon lành, mát bổ đến đó. Tỉnh cả người! Đi nhanh vào giường, lăn kềnh ra với cái quạt nan phành phạch: - Đã! Hoặc những chiều oi ả, sau buổi chăn bò tận đồng Cửa Trẹm, ra luôn bể nước đầu hiên, vớ chiếc thùng kéo bên cạnh giội ào ào một hồi. Tắm bể nước ngọt nhà với riêng tôi, thú chẳng kém gì sau này được tắm dưới vòi hoa sen trong buồng tắm nằm, buồng tắm đứng, hay đùa nghịch dưới làn nước bể bơi Quảng Bá, Nghĩa Tân, vùng vẫy trong nước bể mặn Đồ Sơn, Sầm Sơn, Nha Trang, oằn oài nô giỡn cùng bánh phao cao su với sóng bể lười công viên Nước Nhật Tân, Tây Hồ.. .
          Nhà tôi, từ xưa các cụ đã để lại 2 cái bể xây. Bể lớn dung tích cỡ 3m3, xây nổi sát tường rào trước sân nhà. Hai đầu bể, cao cao hai trụ vuông. Bể không có mái cuốn, mái bằng chi cả. Trong khi bể nước một số gia đình giàu có hơn như nhà cụ He giữa xóm, cụ Bi đầu xóm, cụ Ca, xóm Đông… đều được cuốn vòm mái bằng gạch bìa nhẹ, đẹp và thoáng. Bể nhà cụ Cai, xóm Bạc, cụ Hộ xóm Đình được xây như 1 gian nhà hạng trung. Gọi là bể gian – nhà – bể. 1 mái có hoành, dui, mè gỗ, lợp ngói ta. Lòng bể sâu chừng  hơn 2m, dài cỡ 4, 5 m. Bể chia làm 2 ngăn. Dùng đến khi nước gần vơi quá 2/3 bể thì múc hết nước từ ngăn này sang ngăn kia rồi thau rửa lần lượt từng ngăn bể. Bể nào cũng phải khoét rốn, đặt một chiếc bát loa hoặc đĩa sâu lòng vào 1 góc đáy bể, trát xoa vữa vôi tam hợp cho liền khít (chỗ đáy bể lõm hơn để dễ múc, vét rửa nước cặn mỗi lần thau bể) gọi là rốn bể. Bể kiểu ấy rất thoáng. Những sáng, trưa chiều, có dịp ngó vào mặt nước trong bể, thấy hoa nắng lấp lóa, lỗ chỗ đung đưa, xao động theo tay gáo của ai đang khỏa vội. Bên cạnh bể nước, thường trồng hai cây cau cao. Mùa hoa thoang thoảng. Hoặc gây giàn trầu không: lá tốt, xanh trùm bể nước (Hoa chanh- Nguyễn Bao).
          Nếu mái bể nhà cụ Du lợp 4 tấm bê tông đặt nghiêng chéo thì mặt bể nhà cụ Đang, láng giềng lại đổ bê tông phẳng. Để 1 ô vuông mỗi chiều 0, 40m làm cửa múc nước. Đến giờ, thi thoảng từ cửa số nhà thờ hướng tây nhìn ra, tôi vẫn ngỡ thấy cụ đang khỏa trần một nửa, trải chiếu, nằm vắt chân chữ ngũ trên mặt bể, quạt mo cau phe phẩy, sang sảng ngâm bài thất ngôn tứ tuyệt mà Trần Nguyên Tử vừa ngẫu hứng.
          Mặt bể nhà tôi che bằng tấm phên nứa trên những hoành tre. Lâu ngày dầu dãi nắng mưa, tre, nứa ải mục, gãy, mảnh, rụng cả vào trong nước. Bể che không còn được kín. Sau những đêm mưa to, có cả vài chú nhái, ếch hoặc chẫu chàng lang thang chơi đêm mưa, tò mò nhảy vào, bơi bì bõm. Lại phải ra sức vợt, quẳng đi! Hai, ba năm lại phải thay phên bể! Bố tôi mua tre, nứa dại về. Ông tôi tỉ mẩn ngồi chẻ, đan phên, lắp ghép. Cũng hơi lịch kịch. Nhưng với mức sống của gia đình tôi những năm ấy, cuốn bể hay lát trần bể cũng khó mà thực hiện được khi bữa ăn hằng ngày chỉ toàn cơm độn ngô mảnh đỏ khé hay khoai lang khô xám sì, rau muống luộc chấm tương với vại cà bát, hay vại dưa cải muối. Nhiều năm sau, bể rò. Hàn, vá mãi không được, đành đập bỏ, tôn cao đất làm vườn trồng hồng xiêm, trứng gà. Không còn bể lớn. Bể con cũng hỏng! Đành phải chứa nước mưa trong chum sành, trong thùng phuy sắt, trong vại đại, thùng, xô nhựa... Mỗi trận mưa rào, bố tôi, rồi mấy anh em tôi cứ phải thay nhau hứng, đón từng thùng nước mưa từ đầu máng, dưới mái nhà, đổ đầy từng đồ dùng đựng nước tạm bợ ấy…
          Mãi đến năm 1992, nhà tôi mới có đủ điều kiện kinh tế quyết tâm xây bể chứa nước mưa mới. Chú thợ xây khéo tay Ba Xu (cái tên cúng cơm rất buồn cười?!), lần đầu nhận việc này, hết sức cẩn thận trong từng khâu: hướng dẫn bố con tôi đào thùng đấu, chọn gạch lát đáy thật già, gạch xây thành thật đều, nung vừa lửa, xây xi măng cát vàng + cát đen + vôi (tứ hợp) trát xi măng, đánh da màu, rồi cuốn bể. Hai bố con phải ra tận thôn Hồng mua phên đan sẵn, khiêng về, uốn cong làm khuôn. Cẩn trọng đến từng  công đoạn nhỏ một. Để 2 ô cửa vuông lắp kính đón ánh sáng trời. Trước khi hoàn tất, tôi run run, tỉ mẩn tự tay khắc chìm hàng con số 1992 (Canh Thìn) mà lòng thoáng rạo rực. Thế đấy! Ước mơ cả đời của ông bà tôi, bố mẹ tôi, cả đời vẫn là mơ ước! Phải đến tận quá nửa đời vợ chồng tôi, mới thực hiện được! Chính vì cẩn trọng trong quá trình xây dựng như thế cho nên chất lượng bể rất bền. Sau hơn 20 năm liên tục sử dụng, đến nay, bể vẫn orêdin!
          Mặt nước bể dưới ánh sáng trời, tự nhiên thành một mặt gương trong lớn. Mấy cô em họ láng giềng mỗi bận sang nhà thờ lễ Tổ, lại kín đáo, sẽ sàng ra bể, ghé mặt qua cửa bể, soi đi vuốt lại cái khăn, nắm lại vành tóc vấn, sửa lại nét môi cắn chỉ ăn trầu, trước khi bước lên hè, vào trước ban thờ, thắp hương khấn vái. Bể cuốn vòm tự nó tạo thành một hộp cộng âm rất tốt. Hồi nhỏ tôi, Ngà Lê, Phúc Lê, Ngọc Hưng, 4 đứa rất thích thò cổ vào trong cửa bể để luyện thanh, tập hát. Tự hát, tự nghe giọng mình được lòng bể sâu rộng khuếch đại vang vang, thấy cũng đáng mặt danh ca làng lắm! Đến khi nhà đã có bể riêng để tha hồ tự luyện thanh thì đã quá tuổi nhi bất hoặc (40) rồi! Hai đứa con trai tôi cũng thích hát nhưng không cần luyện giọng với bể nước nữa vì nhà đã sắm đủ ămpili, dàn loa nén, mích, đàn, tivi 32 ins, để ai thích caraôkê thì ca; tự hát, tự đàn thì mặc thích! Nhưng cái thú hát với bể, trong bể thì chẳng bao giờ có thể quên được!
          Những đêm mưa rào xối xả mùa hạ, nằm nghiêng trong màn, vừa đọc sách vừa lắng tiếng dòng nước mưa từ máng tôn chảy ồ ồ, ào ào vào lòng bể nước cứ đầy dần lên, dần lên, lòng tự nhiên thấy yên ắng, thanh thản lạ! Sáng sau, mưa tạnh, tỉnh dậy, ra coi thì nước đã đầy ứ, chàn chạt cả ra ngoài sân giếng khơi bên cạnh. Con cá rô cụ thả bể cho ăn bọ gậy từ mấy năm nay bỗng cao hứng nhảy vọt ra khỏi bể, cong mình, giương vây thủ thế ngoài sân, lựa mãi mới bắt lại được. Lại thả tõm vào bể. Rô cụ uốn mình, vẫy đuôi, lặn xuống đáy sâu, nhưng  xem ra có vẻ ngạc nhiên: chuyến rong chơi tự do tại sao lại có thể ngắn ngủi đến vậy?!
          Hơn chục năm sau, giếng khơi đầu hồi cạnh bể được lấp, thay bằng giếng khoan. Tôi trồng thế vào đó một cây chanh yên chiết giống tốt. Năm sau đã nở hoa trắng ngần. Cánh rụng, bay cả vào mặt nước bể đầy cả trăm vệt trắng li ti. Vài năm sau nữa, giếng khoan bơm tay lại được thay bằng giếng khoan sâu bơm điện, phao tự động, bơm nước lên tầng 4 – 5 dễ dàng; lại bổ trợ bằng hệ thống nước máy ống, rôminê bắc vào sát bể, ròng ra khắp vườn sau để tưới cây, rau, hoa. Nhưng bể cuốn nhà tôi thì vẫn không suy suyển, vẫn yên vị. Mùa đông nước vơi, mùa mưa nước lại đầy. Bể cần mẫn, tự nguyện trung thành phục vụ gia đình tôi, đến năm nay, đã hơn hai chục năm rồi! Mặt ngoài vòm cuốn và thành bể đã xám mốc rêu phong, nhưng mặt trong vẫn xanh biếc, nhẵn lì, mịn khít. Cây lộc vừng trồng đầu bể năm nào nay cũng đã thành cổ thụ, tỏa bóng mát cả cái sân gạch đầu hồi, che rợp làm cho bể nước mát – ấm quanh năm.
          Bể nước gia đình, bể nước làng Trèm, từ trong bản chất đời sống văn hóa - lịch sử của nó, không chỉ gắn bó thiết thực với bao thế hệ cư dân làng Trèm mà còn xứng đáng là một người bạn thân, một ân nhân của mỗi gia đình, mỗi người chúng ta trong cuộc sống thường nhật cũng như trong các dịp lễ tết, hội hè.
          Bể Trèm mãi mãi xứng đáng và vinh dự trở thành một mảnh hồn Trèm, một mảnh hồn quê Việt Nam

          Chuyện bể nước, bể Trèm xưa và nay, có thể kể Hoan nghe nhiều nữa. Chẳng hạn lễ cúng giao thừa trên mặt bể, chuyện thau bể, hàn bể rịa, chữa bể rò, bể lớn, bể tranh tường thả cá, nuôi chơi cá cảnh, xây bể non bộ… cả chuyện đổ bể, bể đổ
          Nhưng xin hãy tạm dừng. Thư bất tận ngôn!
          Cho tôi gửi lời thăm sức khỏe đến Rita và các cháu.
                            
                                   Hẹn thư sau.
                                                                          ĐV./.

15 – 5 - 2013

2 nhận xét:

  1. Bài này ngắn nhưng hay thật ! Rất thích Bể Trèm !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã ghé trang, đọc và chia sẻ.
      Chúc bạn có những niềm vui khi đọc những bài trên trang Blog này!
      Chủ trang
      VNNB

      Xóa