Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Một bài thơ trữ tình đặc sắc












 LƯU GIA ĐỘ
Một bài thơ trữ tình đặc sắc

Vũ Bình Lục

LƯU GIA ĐỘ
Lưu Gia độ khẩu thụ tham thiên,
Hỗ tụng đông hành tích bạc thuyền.
Cựu tháp giang đình thu thuỷ thượng,
Hoang từ cổ trủng thạch lân tiền.
Thái bình đồ chí kỷ thiên lý
Lý đại quan hà kỷ bách niên.
Thi khách trùng lai đầu phát bạch
Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên.

Dịch nghĩa:
BẾN ĐÒ LƯU GIA

Bến đò Lưu Gia, cây cao ngất trời
Xưa phò giá sang đông, từng đỗ thuyền nơi đây.
Tháp cũ đình xưa ngất ngưởng bên dòng sông thu
Đền hoang mộ cổ thờ ơ trước con lân đá.
Bản đồ Thái Bình rộng mấy ngàn dặm,
Non sông nhà Lý trải hai trăm năm.
Khách thơ trở lại đầu đã bạc,
Hoa mai như tuyết chiếu xuống lòng sông buổi trời nắng.

Dịch thơ:

Lưu Gia xanh ngắt một trời cây
Thuyền ngự xuôi dòng trước ghé đây
Tháp cổ đình xưa làn nước chiếu
Đền hoang mộ cũ dãy lân bày.
Thái Bình nghìn dặm cơ đồ rộng
Lý đại hai trăm vận mệnh dài.
Trở lại khách thơ dầu đã bạc,
Trời thanh nước gợn ánh hoa mai.
                                                Nhóm Lê Quý Đôn dịch


Bản dịch thơ của Vũ Bình Lục:
                             
Lưu Gia cây cao ngất trời
Bến xưa ta hộ giá Người sang Đông.
Tháp đình ngất ngưởng bên sông,
Đền hoang mộ cổ lân không đoái hoài.
Mênh mông phủ Thái rộng dài,
Non sông nhà Lý trải vài trăm năm.
Bạc đầu nay lại về thăm
Hoa mai như tuyết sáng lòng sông thu.


Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải (1248-1294), một vị vương văn võ song toàn của triều Trần. Cùng với Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, ông sớm trở thành nhân vật trụ cột của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Công lao lớn, Trần Quang Khải được phong tới chức Thượng tướng, Thái Sư. Thơ văn Trần Quang Khải còn lại không nhiều. Tuy nhiên, chỉ với mấy bài thơ tiêu biểu còn lại đến ngày nay, đủ thấy ông là một nhà thơ lớn, có vị trí xứng đáng trong văn chương Lý-Trần.

Căn cứ vào nội dung, có thể ước đoán bài thơ “Lưu Gia độ” được tác giả viết khoảng sau cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba (1288), khi Trần Quang Khải tuổi đã cao, tóc đã bạc. Ông trở lại bến đò Lưu Gia, nay thuộc Hưng Hà tỉnh Thái Bình, trong một chuyến về thăm nơi phát tích và hưng nghiệp của triều Trần, với đầy vơi nỗi niềm hoài cổ.
            “Bến đò Lưu Gia, cây cao ngất trời
            Xưa phò giá sang đông, từng đỗ thuyền nơi đây”
(Lưu gia độ khẩu thụ tham thiên,
            Hỗ tụng đông hành tích bạc thuyền)

Có một điều chắc chắn, rằng Trần Quang Khải về Long Hưng bằng đường thuỷ, từ Thăng Long, xuôi thuyền về bến Lưu Gia. Ngay khi thuyền vừa cập bến, cảnh vật đầu tiên mà tác giả nhìn thấy, chính là một chòm xanh, với rất nhiều cổ thụ um tùm, “cao ngất trời”. Đó chính là dấu ấn một vùng đất cổ, địa linh nhân kiệt, nơi có đền thờ, miếu mạo và chùa chiền, nơi sinh ra những vị khai quốc công thần triều Lý, như Lưu Khánh Đàm, Lưu Điều…Các vị tiên tổ nhà Trần, cũng được an táng tại đất Long Hưng này. Nhìn cảnh, lại nhớ xưa, một thời binh lửa gian lao. Chính tác giả là người trực tiếp đảm nhận trọng trách “phò giá sang đông” (hỗ tụng đông hành), khi quân Nguyên Mông mạnh như vũ bão tiến xuống từ phương Bắc, quyết làm cỏ nước Nam ta! Triều đình phải thực hiện kế sách “Vườn không nhà trống”, tạm bỏ Thăng Long cho giặc ở tạm, rồi lui về Long Hưng để bảo toàn vương tộc, bảo toàn lực lượng, chờ dịp phản công. Cũng có thể tác giả nhớ lại chuyện xưa, ông từng hộ giá hai vua (Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông) về bái yết lăng mộ các vị tiên tổ nhà Trần an táng ở Chiêu Lăng, ngày 15 tháng 5 năm 1285, sau chiến thắng Chương Dương và Hàm Tử, đuổi Thoát Hoan khỏi kinh thành Thăng Long. Cũng chính bến đò này đây, khi xưa từng là nơi thuyền vua cập bến. Cảnh cũ người xưa còn đây, rưng rưng kỷ niệm vui buồn, lay động tâm hồn thi nhân. Các câu ba và bốn là tả thực, chi tiết hơn cảnh vật tại khu “tháp cũ đình xưa ngất ngưởng bên dòng sông thu”. Ở đây, dường như “đền hoang mộ cổ” đã trở thành phế tích điêu tàn, “thờ ơ trước con lân đá”…
Cựu tháp giang đình thu thủy thượng,
Hoang từ cổ tự thạch lân tiền
(Tháp cũ đình xưa ngất ngưởng bên dòng sông thu,
Đền hoang mộ cổ thờ ơ trước con lân đá)
            Như vậy là cả một quần thể tháp cũ đình xưa hoành tráng uy nghiêm ngất ngưởng là thế, nay trầm mặc u buồn, hoang lương ảm đạm. Trải vài trăm năm mưa gió, rồi chiến tranh trận mạc liên miên, cây cối thành cổ thụ um tùm, đền đài miếu mạo đổ nát điêu tàn. Đó chính là hình ảnh còn lại của một dĩ vãng xa xôi, một thời vàng son đổ bóng xuống dòng sông thu, gợi nhiều trắc ẩn, bồi hồi.
            Các câu năm và sáu, luận về thời thế:
            “ Bản đồ Thái Bình rộng mấy nghìn dặm
            Non sông nhà Lý trải hai trăm năm”
(Thái bình đồ chí kỷ thiên lý,
 Lý đại quan hà kỷ bách niên)

Đó là sự đối lập giữa không gian địa lý rộng lớn, thuộc về cái vĩnh cửu, với cái hữu hạn vài trăm năm của triều đại nhà Lý vàng son rực rỡ.  Phủ Thái Bình xưa, nay thuộc tỉnh Thái Bình, có đất Lưu Gia lịch sử, nơi sinh ra người con gái tài sắc họ Trần,  Trần Thị Dung, sau là Hoàng Hậu của Lý Huệ Tôn, cũng chính là người đã có đóng góp quan trọng trong một cuộc chuyển giao triều đại lịch sử, tạo ra bước ngoặt vĩ đại của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, bà lại có công chỉ huy tôn thất nhà Trần sơ tán khỏi kinh thành Thăng Long hoàn hảo, rồi chỉ huy dân binh cung cấp hậu cần cho quân đội, có công lớn, được tặng mĩ tự Linh Từ Quốc Mẫu. Câu “Bản đồ Thái Bình rộng mấy ngàn dặm”, ngoài nghĩa cụ thể trên, còn có gì khác chăng? Ví thử như Trần Quang Khải muốn nói tới cảnh non nước thái bình của dân tộc ta, bây giờ đã rộng lớn mênh mông, sau toàn thắng quân xâm lược phương Bắc? Dẫu sao thì cái tiểu đối giữa rộng (địa lý) và dài (thời gian tồn tại một triều đại vẻ vang) cũng có thể gợi nhiều nghĩ ngợi.
            Hai câu cuối, kết thúc bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường:
            “Khách thơ trở lại đầu đã bạc
            Hoa mai như tuyết chiếu xuống lòng sông buổi trời nắng”.
(Thi khách trùng lai đầu phát bạch,
            Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên)

Quả là một tương ứng, tương phùng thú vị. Người trở lại bến sông xưa, sau bao vất vả việc quân việc nước, mái đầu đã nở đầy mai trắng, bây giờ như một khách thơ, lại bất ngờ gặp gỡ “mai hoa như tuyết, chiếu xuống lòng sông buổi trời nắng”!
            Một ngẫu nhiên chăng, hay là sự sắp đặt của trời đất? Người lính già đầu bạc của thời Nguyên Phong oanh liệt còn đây, chắc lòng đang phấn khích khi lũ lượt hoa mai chào đón hân hoan. Hoa mai trắng ngần như tuyết, chiếu xuống lòng sông, sáng lên một khoảng trời. Một hình ảnh thật đẹp, không hề ước lệ, gần gũi thân thương biết mấy. Hồn mai với hồn người tương giao hoà hợp và dường như có phần mãn nguyện, làm tiêu tan cái hoang lương u ẩn lúc ban đầu.
            “Lưu Gia Độ” là một bài thơ luật Đường khá chuẩn mực, khác với những bài thơ luật đã được Việt hoá sau này của Nguyễn Trãi, gần hơn là Cao Bá Quát, hoặc Nguyễn Khuyến…Ý thơ ngổn ngang từ trực quan này đến trực quan khác, cảnh tình đan xen hoà quyện. Cảm xúc từ u hoài hoang lương, chuyển dần sang tươi sáng. Một bài thơ tám câu, mà thấy hiện lên bóng dáng mấy trăm năm hưng phế, thông qua một địa danh lịch sử có nhiều quan hệ với vận mệnh dân tộc. Với “Tụng giá hoàn kinh sư”, với “Phúc Hưng viên”, và thêm nữa, “Xuân cảm”… “Lưu Gia Độ” của Trần Quang Khải như thể một tứ ca, đã rủ nhau mà đi vào bất tử!.

                                                                        Hà Nội 5-8-2010
           




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét