Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Suy nghĩ nâng cao chất lượng và hiệu quả LLPB văn học









Suy nghĩ về nâng cao chất lượng và hiệu quả Lí luận phê bình văn học


                                         Tham luận  của Vũ Nho

I. Kể từ 2006 Đồ Sơn

Nhận Giấy mời đi dự Hội nghị Lí luận phê bình Văn học  lần thứ 3 ở Tam Đảo, thấy ngỡ ngàng vì thời gian đi quá nhanh. Hội nghị lần thứ nhất Tam Đảo đã trở nên xa lắc trong kí ức. Hội nghị lần thứ hai ở Đồ Sơn tháng 10/2006 đến nay tính ra cũng đã bảy năm. Chắc chắn là lần này, có một số đại biểu ở Hội nghị Đồ Sơn còn tưng bừng  tay bắt mặt mừng, nay không thể nào đến dự vì đã vĩnh viễn ra đi…
Bỗng nhiên thấy cần thống kê một chút những cuốn sách Lí luận phê bình của đồng nghiệp đã in từ Hội nghị trước đến Hội nghị này. Chắc rằng Hội đồng lí luận phê bình của Hội Nhà văn sẽ có thống kê đầy đủ. Nhưng tôi vẫn muốn tự thống kê lấy, nhân tiện xem lại tiểu sử, thành tựu của những người chuyên viết phê bình lí luận và cả những người không chuyên. Chắc chắn rằng thông kê này không đầy đủ, vì rằng chỉ dựa trên  một nguồn là cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại của Hội Nhà văn, in và nộp lưu chiểu tháng 7 năm 2010. Nghĩa là những cuốn sách lí luận, phê bình in từ tháng 6 năm 2010 cho đến hôm nay sẽ không có trong bản kiểm kê. Nghĩa là non nửa thời gian từ Hội nghị Đồ Sơn, sách Lí luận phê bình chưa được tính đến.
          Đây là danh sách các cuốn sách thuộc lí luận phê bình mà tôi đã thống kê theo vần họ tên tác giả:

1.     Anh Chi : Đường đời, đường văn, 2009
2.     Anh Ngọc : Chuyện thơ, 2007
3.     Chu Thị Thơm : Văn học và thời luận, 2007
4.     Đặng Anh Đào: Việt Nam và phương Tây: Tiếp  nhận và giao thoa trong văn học, 2007
5.     Đặng Hiển : Bình luận văn học, 2008
6.     Đinh Quang Tốn : Tản mạn nghiệp văn, 2008
7.     Hồ Anh Thái : Hướng nào Hà Nội cũng sông, 2009
8.     Hồ Thế Hà : Tiếp nhận thơ ca, 2010
                          Đồng vọng văn chương, 2010
9.      Hồng Diệu : Tiếng thơ thời đại, 2007
10.             Hữu Thỉnh : Lí do của hy vọng, 2010
11.             Inrasara : Song thoại với cái mới, 2008
12.             Lê Khánh Mai : Vọng âm của mạch ngầm, 2009
13.             Lê Ngọc Trà: Văn chương, Thẩm mĩ và Văn hóa, 2007
14.             Lê Xuân Đức : Đọc thơ Hồ Chí Minh, 2008
15.             Ma Trường Nguyên : Hiện đại mà dân tộc, 2010
16.             Mai Liễu : Hương sắc miền rừng, 2008
17.             Mai Văn Hoan : Cảm nhận thi ca, 2009
18.             Ngô Thảo : Tiểu luận phê bình Văn học, 2010
19.             Ngô Vĩnh Bình : Hoa đào năm ngoái, 2009
20.             Nguyên An : Phiên bản nhà văn, 2010
21.             Nguyễn Chí Hoan : Bút kí của một người đọc sách, 2009
22.             Huy Thông : Cảm nhận văn chương, 2009
23.             Nguyễn Khắc Thạch : Đang tồn tại bằng một cuộc sống nháp, 2009
24.             Nguyễn Ngọc Thiện : Văn lí luận phê bình ( 5 tập), 2008-2010
25.             Nguyễn Thanh Hùng : Đọc hiểu văn chương trong nhà trường, 2007
26.              Nguyễn Thanh Kim :  Miền tâm tư, 2008
27.             Nguyễn Thanh Tú : Văn học và người lính, 2009
28.             Nguyễn Văn Dân : Diện mạo và triển vọng của xã hội tri thức, 2008;
           Con người văn hóa Việt Nam trong thời kì đổi mới và hội nhập, 2009
29.             Nguyễn Văn Hạnh : Lí luận phê bình văn học, thực trạng và khuynh hướng, 2009
30.             Nguyễn Văn Long : Phân tích tác phẩm văn học Việt Nam từ góc nhìn thể loại, 2009;
                                     Văn học Việt Nam sau 1975 và việc giảng dạy trong nhà trường, 2009
31.             Nguyễn Xuân Nam : Đến với tác phẩm văn chương, 2009
32.              Phạm Hồ Thu : Nữ thi nhân và người đàn bà, 2010
33.             Phạm Quang Trung : Đến từ con chữ, 2007
                                         Ai tri âm đó, 2009
                                      Hồn cây sắc núi, 2010
34.             Phan Thị Thanh Nhàn : Sự cực đoan đáng yêu, 2010
35.             Phong Lê :  Viết từ đầu thế kỉ, 2009
                          Hiện đại hóa và đổi mới Văn học Việt Nam thế kỉ XX, 2009
                         Đến với tiến trình văn học Việt Nam hiện đại, 2009
                        Hai mươi nhà văn, nhà văn hóa Việt Nam thế kỉ XX, 2009
36.             Phùng Văn Khai :  Tản mạn Nguyễn Bình Phương, 2008
37.             Phùng Văn Tửu :  Tiểu thuyết trên đường đổi mới nghệ thuật, 2010
38.             Phương Lựu : Tư tưởng nghệ thuật của chủ nghĩa Mác phương Tây, 2007
Vì một nền lí luận văn học dân tộc hiện đại, 2009
39.            Thúy Toàn : Những con đường, 2008
40.             Trần Bảo Hưng: Nghĩ và nghĩ, 2010
                                Nhà văn và trang viết, 2010

41.             Trần Đăng Suyền : Văn học Việt Nam thế kỉ XX, 2008
42.             Trịnh Thanh Sơn : Vàng gieo đáy nước, 2007
43.            Trường Lưu : Tiếng nói Trang văn, 2009
44.              Văn Giá : Viết cùng bạn viết, 2008
45.             Vân Long : Trần Lê Văn, những chặng đời, những chặng thơ, 2008
                        Ngô Quân Miện- Đất nước, làng văn, 2009

46.             Vũ Nho : 33 gương mặt thơ nữ, 2009
47.             Vương Trí Nhàn : Phê bình và tiểu luận, 2010
48.              Ý Nhi : Những gương mặt những câu thơ, 2010

Như vậy là có 48 tác giả và hơn 50 cuốn sách đã in. Trong số đó, do quen biết mà tôi được tặng nên đã được đọc khoảng 10 cuốn, và viết bài  phê bình, giới thiệu cho ba cuốn.
          (Gần đây, tôi có biết cuốn sách Đổi thoại văn chương của Trần Nhuận Minh và  Nguyễn Đức Tùng dày hơn 800 trang do nxb Tri thức xuất bản quý III năm 2012;  Thẩm định các giá trị văn học của Phan Trọng Thưởng, nxb Văn Học, năm 2013; Nhà văn độc hành độc bộ của Vũ Từ Trang, nxb Phụ Nữ, 2013; hai tập Giai phẩm và lời bình tập 4 và tập 5 của  Vũ Bình Lục, nhà Văn Hà Nội, nhà xuất bản Hội Nhà văn, cùng trong năm 2012; Trên cánh đồng chữ nghĩa của  nhà thơ Ma Trường Nguyên, nxb Đại học Thái Nguyên, 2011; Tinh hoa thơ Hồ Chí Minh  của Lê Xuân Đức, nxb Văn Học, 2010; cuốn Bình thơ hơn 700 trang của nhà thơ Vũ Quần Phương, nxb Dân Trí, 2012; Hình tượng nhân vật phụ nữ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, 2008 và Bản sắc dân tộc trong thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, nhà xuất bản Đại học Thái nguyên, 2010 của Trần Thị Việt Trung … Cuốn sách Đa cực và điểm đến của Văn Chinh được giải thưởng…Bản thân Vũ Nho cũng in cuốn Thơ và dạy học thơ tháng 11 năm 2012 ở nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên. Tôi tin cũng sẽ có  trên dưới khoảng gần 50 cuốn sách về lí luận phê bình đã in)
          Không biết mọi người nghĩ gì, riêng tôi, lúc nào cũng thấy các đồng nghiệp lí luận phê bình của mình thật đáng kính trọng bởi khả năng lặng thầm, miệt mài làm việc, miệt mài công bố bài trên báo và in thành sách. Các cụ bảo văn quý hồ tinh, bất quý hồ đa. Nhưng cũng phải có số lượng nhiều để rồi sau gạn lọc lại mới có cái tinh được chứ. Chỉ đơn giản làm  mấy phép thống kê : Cuộc Hội thảo thơ Nguyễn Quang Thiều do Viện Văn học tổ chức có tới 25 tham luận tham gia được in vào sách chưa kể các tham luận gửi muộn. Cuộc hội thảo thơ Hoàng Quang Thuận cũng có tới  21 tham luận theo tổng kết của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn. Cuộc tọa đàm về thơ Vân Long do Hội nhà văn  Hà Nội tổ chức cũng có hơn 10 tham luận gửi tới, không kể những phát biểu “phê bình” miệng. Cuộc Hội thảo của Hội văn học Nghệ thuật Thái Nguyên về thơ văn của nhà văn Hà Đức Toàn cũng có  16 bản tham luận.  Cuộc Hội thảo “Sáng tạo văn học, nghệ thuật về để tài lịch sử” do Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương chủ trì đã có  58 tham luận được tập hợp trong kỉ yếu, chưa kể mấy tham luận gửi muộn. Chưa bàn đến chất lượng các bản tham luận, chỉ nguyên số lượng cũng cho thấy sức viết của các nhà Lí luận phê bình.

2. Chất lượng và hiệu quả
Hôị nghị lần này có  nội dung như là một khẩu hiệu, một phương hướng phấn đấu:
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ LÍ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN HỌC
 Cứ theo đây thì rõ là công tác lí luận và phê bình chất lượng và hiệu quả thấp chăng, nên mới phải đặt ra vấn đề như thế? Nhưng cũng có thể  suy nghĩ về vấn đề  theo cách khác đi : Chất lượng và hiệu quả của lí luận, phê bình văn học đã tốt rồi, nhưng chúng ta và mọi người mong muốn nó cao hơn nữa, tốt hơn nữa. Không thể thỏa mãn với những gì đã làm. Mong muốn chất lượng và hiệu quả cao hơn là một mong muốn chính đáng, không chỉ cho lĩnh vực lí luận phê bình, mà hầu hết lĩnh vực của cuộc sống.
          Có thể nói một cách nôm na là khi lí luận, phê bình có chất lượng cao, chắc chắn nó sẽ có hiệu quả tốt trong đời sống văn học. Ngược lại, lí luận phê bình làng nhàng, nhợt nhạt, nó chẳng có mấy hiệu quả. Nó tồn tại một cách èo uột, mờ mờ nhân ảnh, có cũng như không; bạn đọc chẳng hề quan tâm.
          Muốn đánh giá  chất lượng công tác lí luận, theo thiển ý, phải đánh giá chất lượng các công trình lí luận được xuất bản thời gian qua. Phải nói một cách nghiêm túc rằng chúng ta thiếu các nhà lí luận, thiếu nhà nghiên cứu lí luận. Một số nhà văn làm công việc này theo địa chỉ khu vực mà chúng tôi đã phân chia ( trong tham luận Hội nghị Đồ Sơn “Các nhà lí luận phê bình đang ở đâu”) từ lâu đã “rửa tay gác kiếm”. Nhìn vào công trình mang tính lí luận trong số 48 tác giả kể trên, có thể thấy  quá ít các tên tuổi như : Nguyễn Văn Hạnh, Đặng Anh Đào, Phương Lựu, Phong Lê, Lê Ngọc Trà, Nguyễn Văn Dân… Toàn là các vị cao niên cả, mà cũng chỉ mới đụng đến một phần những lí luận văn học của nước ngoài, một chút ít lí luận về nền văn học nước nhà. Điều lo lắng chính là không thấy một gương mặt trẻ nào trong cái khu vực  nghiên cứu, sáng tác rất kén chọn người đọc đó. Phải nói thành thực là, một người đọc bình thường, điều quan tâm trước nhất của họ là tác phẩm, rồi nếu có, thì sau đó là những bài phê bình tác phẩm đó. Họ không quan tâm lắm đến món nước xốt lí luận khó xài, rắc rối, khô khan.
Thú thực là, bản thân tôi, cho đến giờ này, vẫn chưa có điều kiện để tiếp xúc với những tác phẩm mà mình  thường “kính nhi viễn chi” đó. Mặc dù tôi cũng có đọc các  loại lí thuyết phê bình, các loại  trào lưu, chủ nghĩa  phương Tây.Vậy xin mạn phép không dám nói là “chất lượng” lí luận của các tác phẩm đó thấp hay cao, ở mức nào. Tất nhiên càng không thể trả lời là muốn nâng cao nó thì nâng đến đâu, nâng bằng cách nào? Rất mong các nhà lí luận và nghiên cứu lí luận có mặt ở hội nghị này cho ý kiến.

Bây giờ xin nói sang khu vực phê bình văn học.
Cũng theo thống kê hết sức không đầy đủ bên trên, có thể thấy ấn phẩm phê bình văn học chiếm phần lớn. Tất nhiên, có cung thì có cầu. Người đọc mong muốn đọc tác phẩm phê bình để có thể thưởng thức văn chương trọn vẹn hơn, lí thú hơn. Vì thế mà sách phê bình và tiểu luận văn học cũng được người ta đọc nhiều hơn. Ngoài những người viết phê bình chuyên nghiệp, không ít các nhà sáng tác cũng viết phê bình.
          Ở đây phải kể đến những bài phê bình ( kể cả đọc sách, điểm sách viết kĩ lưỡng) thường xuyên được đăng trên các trang báo, tạp chí trên khắp cả nước. Không dám nói là tất cả đều tốt, đều hiệu quả, nhưng ít nhất nó cũng kịp thời giới thiệu, đánh giá, bình luận hầu hết các tác phẩm, các hiện tượng văn học trong nước và một phần của nước ngoài. Những tác phẩm được giải thưởng của Hội nhà Văn, giải thưởng các cuộc thi đều được phê bình và giới thiệu. Tôi coi đó là thành công đáng ghi nhận của việc phê bình văn học.
          Nhìn vào thống kê hết sức đơn giản và còn thiếu số liệu kia, chúng ta có thể an tâm về phê bình. Có phê bình thơ, phê bình văn xuôi, có tiểu luận phê bình cả thơ, cả văn, cả lí luận phê bình.
          Nhìn chung, những người viết phê bình ngoài việc kịp thời công bố bài viết trên các mặt báo, đã chú ý cho ra đời những tập sách theo cá nhân tôi là thú vị, phục vụ tốt cho bạn đọc.
          Tuy nhiên, là người trong nghề,  dù có một thái độ khá lạc quan, không thể không thấy rằng có nhiều điểm cần khắc phục để những bài phê bình có chất lượng hơn. Xin đưa ra đây mấy điều suy nghĩ cùng trao đổi.
          - Để các bài phê bình đạt chất lượng cao, nhất thiết người viết cần có một cơ sở khoa học vững chắc, một cơ sở lí luận đáng tin cậy, và điều không thể thiếu, đó là năng khiếu chuyên môn, nghiệp vụ. Không hiếm các bài phê bình của chúng ta chỉ dừng ở mức độ “cảm nhận”, có khen, có chê, nhiều khi xuất phát từ cái “gu” hết sức chủ quan của cá nhân. Bài phê bình chỉ dừng ở mức đọc sách, thuật lại, tóm tắt kèm với ít đánh giá, nhận định đầy tính chủ quan, làm sao có thể thuyết phục bạn đọc? Làm sao có thể coi đó là bài phê bình chất lượng?
          - Cần tránh hết sức sự “quá đà” trong nhận định, đánh giá tác phẩm. Cái xu hướng phê bình nói quá đã làm cho bạn đọc  phản ứng, đặt cho cái tên “phê bình bốc thơm” rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Tất nhiên, người viết có quyền nêu cảm nhận của cá nhân mình. Nhưng một khi đã mang danh người phê bình, cần hết sức tránh chủ quan, bởi vì người đọc không dễ bị thuyết phục. Họ sẽ kiểm chứng bằng cách đọc tác phẩm. Và khi ấy thì uy tín của người viết phê bình sẽ tỉ lệ nghịch với những lời khen tặng lạm phát được đưa ra. ( Nhân nói về sự quá đà, theo tôi khi Hội thảo về thơ Nguyễn Quang Thiều cũng có một sự “quá đà” như vậy. Đành rằng cần phải cổ vũ và khuyến khích sự  cách tân, sáng tạo. Nhưng tất cả đều khen ào ạt, khen không tiếc lời liệu có thỏa đáng và đúng đắn không? Mặt khác, lí luận và phê bình cần tỉnh táo để khẳng định, nhưng cũng cần dự báo, cảnh báo một cách hợp lí. Tôi bị “nhiễu” về những khen hết  lời và chê “thái quá”  đối với thơ Nguyễn Quang Thiều. Bây giờ bình tĩnh đọc lại thơ của anh, tôi thấy tiếc khi phải đổi một thi sĩ tài năng đích thực Nguyễn Quang Thiều để lấy một nhà cách tân  tầm tầm Nguyễn Quang Thiều. Cái lỗi ấy, theo tôi, một phần cũng là trách nhiệm của giới phê bình.  Thêm nữa trong Hội thảo về thơ Hoàng Quang Thuận cũng có những sự “quá đà” tương tự.)
         
          - Điều quan trọng là không vì bất cứ sự nể nang nào, không vì bất cứ lí do gì, đưa ra các nhận định hay các đánh giá làm “loạn”chuẩn. Không hiếm những bài trên mạng chỉ chăm chăm chê bôi bất cứ tác phẩm nào.  Và cũng không hiếm những bài viết chỉ khen vống  một chiều tác phẩm.  Chính điều này gây nên sự hoang mang của người đọc. Đành rằng một tác phẩm thì tùy trình độ và cách tiếp cận mà có thể rất khen, hay rất chê. Nhưng dù sao cũng có một cái chuẩn cơ bản. Rất cần một sự tỉnh táo, chừng mực và công tâm, dù chỉ là bài điểm sách hay bài giới thiệu ngắn, bài phê bình công phu.
          - Cần có sự quan tâm đúng mức của những người cùng giới phê bình. Nghĩa là nhà phê bình cần đọc sách của nhau, cần trao đổi với nhau, cần bàn bạc và lắng nghe nhau khi đứng trước một hiện tượng văn học. Nếu có trao đổi, bàn bạc như vậy, chắc sẽ tránh khỏi những sai sót không đáng có, những nhận định thái quá về một tác phẩm hay một hiện tượng văn học.
          - Một điều quan trọng không thể thiếu là người viết phê bình cần trung thực và dũng cảm. Cần phải có bản lĩnh của mình, không chạy theo thị hiếu, không chạy theo thời thượng. Tôi nghĩ người viết cần có quan điểm độc lập. Một tác phẩm không đáng khen, không đáng biểu dương thì dứt khoát không động bút. Có lẽ sự nể nang, kèm với thiếu bản lĩnh, nên đã có những bài viết cố chứng minh  theo một đơn hàng đặt sẵn, dẫn đến mất niềm tin của bạn đọc, không ít thì nhiều, dẫu sao cũng để lại hình ảnh không đẹp của giới phê bình.
          - Điều cuối cùng muốn trao đổi là đã mang lấy “nghiệp” vào thân thì phải gắn bó, trung thành với nó. Đọc, đọc, đọc; học, học, học… để rồi viết những tác phẩm chất lượng và hiệu quả, đó là nhiệm vụ  quan trọng của người cầm bút nói chung và người viết phê bình nói riêng.
Ở đây có vai trò chủ quan của mỗi cá nhân, nhưng cũng có vai trò to lớn của tổ chức. Một đội ngũ nghiên cứu, phê bình được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, được giao lưu trong nước và quốc tế, được hỗ trợ về vật chất và tinh thần chu đáo, chắc chắn sẽ làm cho chất lượng và hiệu quả của lí luận và phê bình văn học được nâng cao. Đáp ứng nhu cầu của đất nước trong thời kì phát triển mới đầy thách thức và triển vọng.

          Trên đây là mấy điều suy nghĩ nhân dự Hội nghị lí luận phê bình văn học lần thứ 3. Được đến Hội nghị, được tay bắt mặt mừng với các đồng nghiệp, các nhà văn thân thiết là một niềm vui lớn, là động lực để những người làm lí luận phê bình làm tiếp công việc của mình. Xin chia  trăn trở, chia vui với mọi người và chúc Hội nghị thành công.

                                                Hà Nội, tháng V/2013

2 nhận xét:

  1. Anh Vũ Nho có nhiều trang quá, nhưng vì anh thiết lập tiểu sử của anh giới hạn ở blogspot nên bài mới không hiện ra Google+ (G+), vì kg hiện ra G+ nên bạn bè cũng ít thấy bài của anh.

    M nghĩ anh nên chuyển trang tiểu sử từ blogspot qua G+, cách làm như sau:

    * anh vào thiết kế -> nhìn ở tay trái, dưới chữ Blogger có hộp các chức năng, anh chọn và click vào dòng có chữ Google+, ở đó anh cứ click vào mũi tên chuyển từ blogspot -> G+, click chấp nhận và lưu, thì anh sẽ thấy dưới avatar của anh sẽ hiện chữ G+ thay vì chữ B màu vàng như hiện nay.

    Chúc vui tết Đoan Ngọ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đã thực hiện thành công theo chỉ dẫn của TTM - Gốc Mai!
      Cám ơn chị Mai nhiều!

      Xóa