Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

KHIÊNG QUAN TÀI



                                              


                                                          Nhà văn dịch giả Vũ Công Hoan
 KHIÊNG QUAN TÀI

                                                                                                        Giang Ngạn

                                                                                                   Vũ Công Hoan dịch

          Đất chôn bố đã xem sẵn từ trước đâu vào đấy, phải chôn bên cạnh ông nội, bên  kia ông nội là mộ bà nội. Trước khi chết bố đã giặn, bố phải trông coi hai ông bà nội.
         
          Mảnh đất ấy ở giữa sườn núi trên đèo Hoàng Thổ, một lối mòn ngoằn ngoèo khúc khuỷu rất khó len chân, nối thông với nghĩa địa. Muốn khiêng quan tài bố lên núi thật vô cùng khó khăn.

          Gia đình một ngàn khẩu, chủ sự chỉ một người. Việc cưới xin ma chay ở Hoàng Nê Loan đều do cụ Rỗ chủ trì. Cụ Rỗ là em ruột bố tôi. Thuở nhỏ cụ bị lên đậu mùa để lại trên mặt cụ chi chít những nốt rỗ trắng li ti. Cụ Rỗ bậc trưởng tuổi cao,lại am hiểu lề lối phong tục cổ xưa, mọi việc trao cho cụ, cứ yên tâm,chắc chắn đâu vào đấy

          Cụ Rỗ bảo tôi:
          - Anh cả, khẩn trương đi mời tám chân đòn khỏe mạnh. Hiện nay thanh niên trai tráng đều đi xa làm ăn, trong xóm chỉ có mấy người luống tuổi ở nhà, hãy mau mau chọn mấy vị còn khỏe, ngày mai khiêng bố anh lên núi.

          Tôi lơ đãng nói với cụ Rỗ:
          -  Cụ xem bố trí giúp cháu.
          - Việc này phải chính anh ra tay mới được. Ta không thể làm thay con trưởng. Anh phải đích thân đến từng nhà mời từng người.
          - Mời thế nào cụ?
          - Tám người tất cả, mỗi người một chiếc khăn tay, một bánh xà phòng, một đôi giầy, một gói bánh điểm tâm.
           - Có khó khăn gì đâu, cụ cứ sai người đi mua.
          - Mua sẵn từ lâu rồi. Chỉ chờ anh đi mời. Nhưng tôi phải nói để anh biết, định mời ai, dù còn trẻ hay già, dù bề trên bậc dưới, anh đều phải cúi lạy người ta.
          - Cúi lạy như thế nào?
          - Nghĩa là phải quì xuống, khấu đầu trước từng người.
         
          Tôi thừ người, lâu lắm không nói gì. Tôi tốt nghiệp đại học hẳn hoi, có những cách làm cổ xưa, đúng là không dám gật bừa.
          Cụ Rỗ sốt ruột giục:
-         Còn chần chừ gì nữa? Khẩn trương đi đi!
Tôi thản nhiên nói:
          - Đâu có được? Đùi gối của đàn ông là vàng. Cháu có thể quỳ lạy Trời, quì lạy Đất, quì lạyTổ tiên, ngoài ra cháu không quì lạy ai hết. Giải phóng đã bao nhiêu năm  rồi, sao lại vẫn còn cổ hủ lạc hậu thế?

          Cụ Rỗ trợn mắt mắng xơi xơi :

          - Anh chẳng từng nghe nói, khi bố mẹ già chết, con cái phải hạ mình ba đời để nhìn người đó sao? Trong mấy ngày vừa rồi khách qua người đến, mọi việc đều do em trai anh đứng ra cúi chào, rất đông bà con xì xầm anh sau lưng. Họ bảo, có trình độ đại học, làm đến ông chủ, thì đã có gì ghê gớm đâu? Bỏ hết phong tục lề thói cũ mà được à?
         
          Tôi chỉ biết thở dài.
          Tôi đành phải mamg từng suất quà đến bắt chuyện các ông già trong thôn. Mấy ngày qua họ tất bật chạy ngược chạy xuôi,vã mồ hôi, giúp hết việc này việc nọ. Thấy tôi cười với mình,các ông thừa biết tôi đến mời ngày mai đi khiêng quan tài. Tôi mời  các ông hút thuốc lá, bắt tay các ông, nhét quà vào tận tay từng người, nhưng rốt cuộc tôi đã không quì xuống cúi lạy như cụ Rỗ đã nói.
         
          Không biết từ bao giờ, các suất quà tôi đem biếu khi đến mời, đều trả lại nguyên si, chất đống đầy bàn.
         
          Các ông các gia đình đều trả lại quà.
         
          Nhưng họ vẫn giúp đỡ không mệt mỏi.
         
          Chắc chắn mặt tôi đỏ ửng lên như mào gà trống. Khi tức giận tôi đã từng soi gương. Hễ bực mình, mặt tôi đều đỏ bừng. Tôi gạt hết các suất quà xuống đất, lại còn dậm chân lên thật mạnh mấy cái cho hả dạ. Tôi đập bàn nói oang oang:
          - Có tiền mua tiên cũng được,có tiền sai ma quỉ kéo cối xay cũng còn được kia mà, tôi không tin tà khí vớ vẩn.

          Cụ Rỗ cười gằn mấy tiếng, nói:
-         Vậy anh hãy thử xem!
         
          Sáng sớm hôm sau, bà con dân làng đến đưa tang đều có mặt đông đủ, đứng đen ngòm chật sân.    
         
          Cụ Rỗ khe khẽ giục tôi:
-         Bây giờ anh đi mời người khiêng vẫn còn kịp.
Tôi cười một cách khinh bỉ, nói to trước đám đông:
          - Nhà nước chúng ta hiện nay coi trọng kinh tế thị trường. Hôm nay,phàm những ai tự nguyện khiêng quan tài, mỗi người được trả công một trăm đồng.
          Đám đông từ từ chuyển động như dòng sông tan băng. Trong giây lát, nước sông dường như chảy hết vào sa mạc, một giọt cũng không còn.
         
           Như chiêu mộ thợ ở thị trường dịch vụ lao động,tôi nói với dòng người đang giải tán:
          - Tôi có thể trả công hai trăm đồng, ba trăm đồng... Tôi chờ các bạn báo tên, số người có hạn mà.
         
          Mặt trời lên cao ba con sào, theo bố trí của cụ Rỗ, mấy người giúp một số việc lặt vặt, còn lại không có việc gì, họ cứ tụm năm tụm ba, chụm đầu bàn chuyện xưa nay.
          Không có người nào vào sân ghi tên.

          Tôi đứng ngây như phỗng, như cột gỗ dưới nắng xuân.
         
          Cụ Rỗ hỏi:
-         Anh định để bố anh trương  thối lên trong nhà hay sao?
         
          Tôi im thin thít, hai môi cắn vào nhau tóe máu, tôi cảm thấy chút vị tanh tanh ngòn ngọt trong mồm.

          Chợt một tốp người xa lạ kéo vào sân. Một người, hai người... tất cả bảy người. Bảy ông già xếp hàng trước mặt tôi. Nắng xuân chiếu trên thân họ, tôi hoa cả mắt.
          Người đàn ông dẫn đầu nói:
-         Các anh góp một người, tiếp một tay được chứ?
Cu Rỗ nói:
-         Mấy vị không chê già, tôi xin sẵn sàng.
Người đàn ông dẫn đầu cười, vỗ vai cụ Rỗ nói:
-         Không sao, người đời chẳng đã nói, càng già càng dẻo càng dai đó ư?
Mấy người đàn ông cười hềnh hệch.
Cụ Rỗ cũng cười, tiện tay cầm luôn cây đòn khiêng quan tài.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, nhìn cụ Rỗ. Cụ Rỗ quay mặt đi chỗ khác.
         
          Có một người từ ngoài sân lẻn vào trong nhà, dơ tay giật luôn cái đòn khiêng của cụ Rỗ, chen vào giữa cánh đàn ông. Đó là em trai tôi. Đằng sau em trai tôi, một đám đàn ông trong xóm ùa vào. Tay người nào cũng cầm đòn khiêng và dây chão. Họ hằm hằm vây quanh bẩy người đàn ông lạ mặt, mắt họ như nẩy lửa, hận chẳng thể  ăn tươi nuốt sống bảy người kia.
          Họ giận dữ nói to:
          - Đàn ông Hoàng Nê Loan chúng tôi đâu đã chết hết cả, khỏi cần các anh đến dọn xác, hãy cút xéo, cút xéo!
          Tôi ngăn họ, không làm chủ được bản thân, tự dưng tôi quỳ sụp xuống trước mặt các bô lão,nghẹn ngào nói:
-         Thưa các chú các ông, tôi xin cảm ơn các chú các ông.
Vừa nói tôi vừa khấu đầu thật mạnh.
         
          Tám người đàn ông khỏe mạnh xông vào nhà đặt linh cữu,mỗi người một tay một chân, rối rít buộc quan tài.
          Cụ Rỗ đứng giữa đám đông hớn hở vui mừng ra mặt. Sau đó cụ khe khẽ rỉ tai tôi:
          -  Bảy người đàn ông vừa rồi đều là người nhà vợ của con trai ta.
         
          Chính cụ Rỗ đã cố tình ra mặt chọc tức, khích cánh đàn ông Hoàng Nê Loan để tránh cho tôi khỏi một vố mất mặt, ngậm quả đắng.

 Ôi, các già làng, các bô lão của tôi!

Trái tim tôi bỗng dưng nóng bừng bừng.
                                                         
                                                       
                                                     Vũ Công Hoan dịch ngày 31 tháng 1 năm 2013
                                                       
                                                         (Theo vi hình tiểu thuyết Trung Quốc năm 2010)

2 nhận xét:


  1. Thói cậy nhiều tiền, khinh bỉ người khác chẳng thiếu gì ở nước Việt. Nhưng loại người như thế, có bao nhiêu người biết tự giáo dục mình qua văn học?. Dù sao cũng rất cám ơn dịch giả Vũ Công Hoan và tgang chủ, câu chuyện hay quá

    GV

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn GV đã đọc và chia sẻ.
    Những câu chuyện Trung Quốc qua bản dịch của nhà văn Vũ Công Hoan luôn luôn khiến chúng ta suy ngẫm!
    Chủ trang
    Vũ Nho Ninh Bình

    Trả lờiXóa