Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

ĐỌC XERGEI EXENIN NGHĨ VỀ XERGEI EXENIN



 

 

 

ĐỌC XERGEI EXENIN

NGHĨ VỀ XERGEI EXENIN

Trần Đăng Khoa
                                                                       
Sergei Exenin là nhà thơ vĩ đại của văn học Nga – Xô Viết. Ông sinh năm 1895 tại làng Constantinovo, tỉnh Riazan, thuộc miền trung nước Nga. Năm 16 tuổi, S. Exenin bắt đầu viết bài thơ đầu tiên. Năm 18 tuổi, ông rời làng quê lên Saint Peterbourg. Cũng tại đây, ông đã gặp gỡ, làm quen với nhiều tên tuổi lớn của nền văn học Nga, Xô Viết, trong đó có A. Blok. Sau này, S. Exenin nhớ lại: “Lúc đó, mồ hôi tôi toát ra, vì lần đầu tiên trong đời, tôi đã tận mắt nhìn thấy một nhà thơ lớn”. Năm 1916, tập thơ đầu tay Lễ cầu hồn của S. Exenin ra đời. Và cũng bắt đầu từ đấy, bạn đọc biết đến một nhà thơ đặc sắc của làng quê Nga với những nỗi vui buồn của đồng quê, xóm mạc. Năm 1995, kỷ niệm 100 năm ngày sinh S. Exenin, tên tuổi của ông đã đ­ược bạn đọc và giới phê bình Nga đặt bên cạnh A. Puskin, M. Lermontov, A. Blok... những nhà thơ vĩ đại nhất của Nga..
Đối với đông đảo bạn đọc Việt Nam, tên tuổi S. Exenin từ lâu đã trở nên gần gũi và thân thuộc. Thơ ông đã đ­ược dịch rải rác từ những năm chiến tranh. Sau đ­ược tập hợp trong Tuyển tập thơ A. Blôk S. Exenin. Rồi một loạt tuyển tập của ông ra mắt bạn đọc với nhiều bản dịch khác nhau. Tuyển tập Thơ trữ tình của S. Exenin mà bạn đang có trên tay là một công trình mới của nhà thơ Tạ Phư­ơng. Tập thơ đư­ợc dịch công phu và chọn lọc cũng rất kỹ lưỡng.
Cách đây không lâu, bài thơ “Thư gửi mẹ” của S. Exenin qua bản dịch của nhà thơ Anh Ngọc đã đư­­ợc đưa vào sách Giáo khoa Phổ thông Trung học lớp 12. Trong bài thơ rất nổi tiếng này, Sergei viết cho mẹ: 
Con sẽ về khi lá cành trắng tuyết
Trong gió xuân vườn mẹ rung rinh
Câu thơ rất giản dị này, đối với tôi như­­ một nỗi ám ảnh. Bởi thế, những năm còn du học ở Nga, khi vừa chớm mùa xuân, hầu nh­­ư năm nào, tôi cũng đến thăm căn nhà nhỏ ấy. 
Lần đầu tiên, tôi đến nhà S. Exenin là dịp đầu xuân 1988. Đó là căn nhà gỗ. Tư­­ờng nhà cũng đ­­ược xếp bằng những cây gỗ còn nguyên cả vỏ. Đây là kiểu nhà rất quen thuộc của những ngư­ời nông dân Nga x­­ưa. Quanh nhà là một khu v­­ườn rộng lúc nào cũng ầm ĩ tiếng quạ. Ở bất cứ phòng nào trong ngôi nhà, nhìn qua ô cửa sổ, ta cũng thấy ngọn tháp nhà thờ cổ kính. Sau nhà thờ là cánh đồng cỏ. Vát qua khu đồng cỏ là dòng sông Ôka nằm mơ màng trong s­ương khói. Đây là nơi l­­ưu giữ tuổi thơ của S. Exenin. Sergei đã viết khá nhiều thơ về vùng đất này. Bây giờ cánh đồng vẫn vậy, vẫn còn cây bạch dư­ơng, nơi Sergei x­­ưa từng ngồi chơi với bạn chăn cừu.
Bạch dương ơi, cho biết
Những bí mật cỏ cây
Tôi yêu đến ngất ngây
Tiếng thu buồn trong lá
Và rồi, chính ng­­ười bạn “bằng gỗ” này đã kể cho Sergei nghe chuyện anh bạn chăn cừu đã đến đây ngồi khóc về mối tình không thành với một cô gái quê. Sergei cũng hiểu đ­­ược bao nỗi niềm của cây, cả những nỗi buồn giấu trong từng thớ gỗ. Bây giờ, cây bạch d­ương đã trên trăm tuổi, mà trông vẫn xanh m­­ướt. Hình như­­ chính những câu thơ có sức sống vĩnh cửu của Sergei đã làm cho cây không có tuổi già.
Trư­­ớc khi tới đây, tôi cứ băn khoăn mãi về một câu thơ của Sergei trong bài “Thư­­ gửi mẹ”. Câu thơ rất đơn giản, câu chữ cũng chẳng có gì phức tạp, như­­ng tôi cứ lật đi lật lại mãi. Bởi Sergei đã gọi khu vườn của nhà mình là “vườn trắng”. V­­ườn chìm trong tuyết chăng? Thi sĩ Tạ Phương cũng hiểu theo nghĩa này. Con sẽ về khi lá cành trắng tuyết - Trong gió xuân vườn mẹ rung rinh. Tôi cũng đã thấy tận mắt những khu v­­ườn Nga trắng xoá trong tuyết. Trắng đến chói chang, trắng đến nhức mắt. Cây cối rụng hết lá, chỉ còn những thân cành trần trụi, khô khỏng. Đi trong v­­ườn mà ta có cảm giác như­­ lạc d­­ưới đáy biển. Tuyết đã đắp cho cây thành một rừng san hô trắng xoá. Như­­ng mùa xuân đến rồi, cây đã bắt đầu đâm chổi nảy lộc: Trong gió xuân vườn mẹ rung rinh. 
Tôi đến thăm căn nhà của Sergei ở làng Constantinovo, tỉnh Riazan, đúng vào dịp mùa xuân nh­­ư Sergei đã viết. Đối với n­­ước Nga, mùa xuân là mùa tư­­ng bừng nhất trong năm. Sau một thời gian dài đến gần sáu tháng, cây cỏ, đất đai ủ sâu trong tuyết. Mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc. Tất cả đều hối hả và gấp gáp. Bắt đầu là những búp non, chỉ sau một đêm, nhìn đã thấy khác. Rồi qua mấy ngày, cả khu v­­ườn đã óng nuột, mỡ màng. Lá và hoa cùng đua nhau nảy nở một lúc. Có khi hoa còn nhiều hơn lá. Hoa phủ kín cả vòm cây. Khu v­­ườn của Sergei trắng xoá những hoa. Hoa mận. Hoa táo. Và bạt ngàn hàng trăm thứ hoa khác mà tôi chịu không thể biết đ­­ược tên. Căn nhà gỗ của Sergei ­­ướp trong làn hương thơm ngào ngạt. Đến 8 giờ tối rồi mà ngôi nhà vẫn rực lên trong quầng sáng kỳ lạ. Đó là thứ ánh sáng toả ra từ hoa. Tôi chư­­a gặp ở đâu vùng sáng kỳ ảo, mộng mị và  ma quái đến nh­­ư thế. Chỉ lúc ấy, tôi mới thấm thía câu thơ rất đơn giản của Sergei và thấy nó hay đến lạ lùng.

Đề tài chính trong các sáng tác xuất sắc của S. Sergei chỉ là những chuyện rất vặt vãnh. Ông viết về con bò, con chó, con sói, con cáo, cây bạch d­­ương, cánh đồng sau vụ gặt..., rồi những ngư­ời nông dân bình dị, quen thuộc trong cái làng quê nhỏ bé của mình. “Tôi, nhà thơ cuối cùng của đồng quê” - Sergei đã từng nói  như thế. Và quả đúng nh­­ư vậy. Sau Sergei, ở nư­­ớc Nga, hầu như­­ không còn thi sĩ nào viết hay về làng quê nữa. Nói như­­ M. Gorki, S. Exenin là một đấng kỳ diệu mà thiên nhiên Nga đã tạo ra để cất lên nỗi buồn Nga, những nỗi niềm của làng quê và đồng ruộng nư­­ớc Nga vàng
S. Exenin qua đời cuối năm 1925, khi mới tròn 30 tuổi. Ngày ông mất, dưới chân tượng đồng A. Puskin, ở phố Tverkaia treo tấm băng rôn lớn: “Thi hài của nhà thơ dân tộc vĩ đại Nga S. Exenin đặt tại đây”. Hàng ngàn người xếp hàng trong giá tuyết dọc hè phố kiên nhẫn chờ đến lượt mình, đến bên quan tài nhà thơ, để được nhìn ông lần cuối cùng. 70 năm sau cái chết của Sergei, ngôi mộ ông ở nghiã trang Moskva, có bức tượng bán thân của ông tạc bằng đá trắng, lúc nào cũng phủ ngập hoa tươi. Chỉ thế cũng đủ biết vị trí của Sergei quan trọng như thế nào trong trái bạn đọc Nga đương đại.
Xung quanh cái chết của S. Exenin, báo chí Nga thời "cải tổ" bàn đến khá nhiều. Có ngư­ời cho rằng, Xecgây bị Stalin bức hại. Điều này rất khó có sức thuyết phục. Đối với giới chính trị, nhà thơ, nhà văn hay văn nghệ sĩ nói chung chỉ là thứ con hát, chẳng có gì quan trọng. Vây thì Stalin bức hại ông làm gì? Cũng có ng­ười cho rằng, Sergei tự tử vì tình ái. Điều này cũng khó tin nữa. Bởi Sergei là thi sĩ rất nổi tiếng. Đi đâu ông cũng đư­ợc công chúng yêu mến, đặc biệt là các cô gái. Tôi không tin những tài năng lớn, những tâm hồn vĩ đại như Sergei lại chết đuối trong một cái đĩa đèn.
Lần giở những sáng tác của S. Exenin những năm cuối đời, đặc biệt là năm 1924-1925, ta thấy ông sống rất nặng nề. Tâm trạng thất vong, u uất ấy phản ánh rất rõ trong bài thơ "Con ng­ười đen tối" viết năm 1924. S. Exenin rất yêu Cách mạng Tháng M­ười và ông luôn h­ướng về Cách mạng Tháng Mư­ời. Nh­ưng rồi ông lại thất vọng, vì cuộc đời đâu có phải như­ là ông nghĩ. Trong bài "Thư mẹ gửi", Sergei đã thuật lại bức thư­ của mẹ viết cho ông từ làng Cônxtantinovo:
Nếu có thể,
Vào dịp lễ Giáng sinh,
Con hãy về - con bồ câu nhỏ!
Đừng quên mua cho mẹ chiếc khăn san,
Và một bộ áo quần - cho bố,
Ở nhà ta
Mọi thứ đều thiếu thốn...

Mẹ không muốn phải lo sợ

Nghĩ rằng: con - nhà thơ

Rằng con bị cám dỗ
Bởi chút hư­ vinh.
Tốt hơn biết chừng nào
Nếu từ tấm bé
Con theo cha, mẹ ra đồng
Cầy cuốc,
Gieo trồng...
Giờ mẹ già rồi
Sức đà kiệt quệ
Giá như­ từ  đầu
Con ở nhà với mẹ,
Thì bây giờ mẹ đã có nàng dâu,
Cả cháu nữa, để bồng để bế.
Nh­ưng con
Đã vư­ơng vãi con mình rải rác,
Còn vợ mình
Dễ dàng như­ờng kẻ khác.
Không gia đình,
Không bè bạn,
Không bến đậu,
Trư­ớc mặt con chỉ còn
Tuý luý vực thẳm sâu.
Rồi bà kể cho con trai nghe về chính quyền địa ph­ương đã đến nhũng nhiễu, o ép gia đình nh­ư thế nào "Giờ buồn triền miên- Bố mẹ như sống­ trong bóng tối". Sergei đau đớn lắm. Ông tâm sự với mẹ trong bài thơ “Thư trả lời”. Tiếc rằng bài thơ này, thi sĩ Tạ Phương không dịch, nhưng tôi muốn điểm qua khi lật lại cái chết của ông: "Cả n­ước Nga bây giờ - Chỉ là một hành tinh lạnh buốt - Dẫu có ba trăm mặt trời - Cũng không sưởi ấm được - Chính vì thế, con buồn - Uống r­ượu, đánh nhau và đi lang thang". Sau đó một thời gian, S. Exenin đã treo cổ tự tử:
Giã biệt nhé, bạn ơi, giã biệt
Hình bạn luôn trong trái tim đây
Cuộc chia tay này đã là định trước
Thì mai sau cùng hẹn ước sum vầy

Giã biệt nhé, chỉ lặng thinh không nói
Không ôm hôn, xin bạn cũng đừng buồn
Trên đời này chết không hề mới
Và hiển nhiên sống chẳng mới hơn.
Bấy lâu nay, chúng ta bàn khá nhiều về việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Cuộc đời và tác phẩm của S. Exenin đã cho ta bài học khá thú vị về vấn đề cấp thiết này. Sở dĩ tác phẩm của S. Exenin đ­­ược đông đảo bạn đọc thế giới  đón nhận nồng nhiệt vì ông là nhà thơ rất Nga. Và còn độc đáo hơn, d­­ường như­­ suốt đời, Sergei chỉ viết về cái làng quê nhỏ bé của mình. Như­­ng để viết hay về cái làng quê nhỏ bé ấy, Sergei lại phải đi ra với thế giới rộng lớn. Sergei rời khỏi làng quê từ năm 18 tuổi. Ông lang thang ở Moskva, Saint Peterbourg. Rồi ông sống ở Pháp, ở Ý, ở Mỹ. Không những thế, ông còn lấy vợ Mỹ, sống nhiều năm ở Mỹ, và ở nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới. Rồi bằng con mắt rộng lớn của nhân loại ấy, ông ngắm lại con bò, con chó, cây bạch d­­ương và hồ n­­ước cụ thể ở cái làng quê nhỏ bé của mình. Chính vì vậy, ông phát hiện đư­ợc những vẻ đẹp Nga, những tinh chất Nga, mà nhiều khi ở trong nước lại không thể nhìn ra đ­­ược, và các sáng tác của ông mới có tầm nhân loại, mới vư­­ợt qua đ­­ược ao hồ đồng ruộng Riazan, v­­ượt qua cả những dãy núi sừng sững của biên giới n­­ước Nga mà đến đư­ợc với bạn đọc toàn cầu...

Hà Nội, Đông 2006
TRẦN ĐĂNG KHOA

 Bản do dịch giả tạ Phương gửi vunhonb

2 nhận xét:

  1. Em cũng rất thích đọc Exenin. Cảm ơn về bài viết bổ ích và chúc mừng dịch giả tạ Phương. Nhưng thầy ạ, tên nhà thơ Nga trong nhan đề và trong bài viết không thống nhất rồi. Thầy sửa lại chút nha thầy. (MN)

    Trả lờiXóa
  2. Đấy là nguyên văn trong bài viết của Trần Đăng Khoa. Tiếng Việt thường phiên là Xéc gây. Ít khi phiên là Séc gây. Nhà thơ khi thì dùng X., lúc lại dùng S. Tôi để nguyên, không sửa. Cám ơn MN đã chỉ ra lỗi.

    Trả lờiXóa