Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Lên TAM ĐẢO làm thơ, viết văn



Triệu Lam Châu

LÊN TAM ĐẢO LÀM THƠ, VIẾT VĂN

Theo kế hoạch sáng tác hàng năm của Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Trại sáng tác Tam Đảo đã được tổ chức trong thời gian hai tuần từ 18/5 đến 31/ 5/ 2013. Các văn nghệ sĩ là hội viên của Hội đến từ các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang,Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hoà Bình, Hà Nội, Phú Yên và Ninh Thuận…Từ chiều 18 tháng 5 nhà sáng tác Tam Đảo lại hân hoan mở vòng tay thân ái đón chào các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số đến dự trại. Ở dưới chân đèo đang nắng nắng lửa như nung, thế mà khi lên đến lưng chừng đèo thì liền gặp ngay cái mát lạnh của núi đồi, thật là sảng khoải. Và lòng ai cũng cảm thấy mát rượi nồng nàn hơn gấp bội, khi vừa bước chân vào nhà sáng tác liền gặp ngay nụ cười thân ái đón chào hồ  hởi của Chủ tịch Hội, nhạc sĩ Nông Quốc Bình. Ngay chiều tối hôm ấy tất cả 18 thành viên của trại viết đã bầu nhà thơ, dịch giả Triệu Lam Châu (Đến từ Phú Yên) làm trại trưởng, nữ tác giả thơ Hoàng Kim Yến (Đến từ Tuyên Quang) làm trại phó trại viết văn Tam Đảo kỳ này.
Với tâm thế háo hức giao lưu của tâm hồn nghệ sĩ, các trại viên đã tổ chức giao lưu nội bộ ngay đêm 19 tháng 5. Qua cuộc giao lưu đầy ấn tượng này mỗi người càng thêm hiểu tâm hồn của nhau qua những vần thơ tiếng nhạc tâm huyết về cuộc đời.
Sáng 20 tháng 5 lễ khai mạc trại sáng tác được tổ chức thật trang trọng, với sự có mặt của nhà văn Tùng Điển, phó chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nhạc sĩ Nông Quốc Bình, chủ tịch Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, ông Huỳnh Văn Ngàn, giám đốc nhà sáng tác Tam Đảo, nhà văn Hải Thanh, phó chủ tịch Hội văn nghệ Vĩnh Phúc và đông đủ 18 văn nghệ sĩ tham dự trại sáng tác kỳ này.
Qua hai tuần lao động nghệ thuật miệt mài, tất cả mọi người đều có những tác phẩm mới tâm huyết của mình. Cụ thể tác phẩm của từng trại viên như sau:


   Tác giả Đỗ Anh Mỹ đến từ Tuyên Quang. Từ năm 2008 đến nay anh đã có bốn tập truyện ngắn được xuất bản. Đó là các tập: Cây đa ngoài cõi thế, Chiếc chìa khoá vàng, Chuyện ở Khe Hu và Jerry lên rừng hái thuốc Nam. Đến dự trại sáng tác Tam Đảo lần này Đỗ Anh Mỹ có hai tác phẩm truyện ngắn: Hai nấm mồ và Người đàn ông tự kỷ. Truyện ngắn Hai nấm mồ, với lối viết riêng, tác giả kể lại một câu truyện có thật, một truyện tình tay ba giữa hai chàng trai và một cô gái Mông. Quan niệm nghiệt ngã còn khá đậm về dòng họ sang hèn và về tục lệ cướp vợ của người Mông đã dẫn đến cái chết của chàng trai và một cô gái để giữ trọn tình yêu.
  Truyện ngắn Người đàn ông tự kỷ, với lối văn ngắn gọn, súc tích, tác giả công phu khai thác nhân vật người đàn bà câm điếc và người đàn ông bị mất trí nhớ để tái hiện một không gian quá khứ có thật ở Trường Sơn, tái hiện quá khứ day dứt của cuộc cải cách ruộng đất, tái hiện sự bất công, tủi nhục của người đàn bà ngày xưa làm dâu nhà địa chủ, chồng đi chiến đấu ở chiến trường, khiến người đàn ông được tìm thấy giữa những xác chết trên Trường Sơn, được các cô du kích cứu sống trở nên tự kỷ. Nhưng ngày vui sum họp đã kịp đến với ông.

Tác giả Bùi Văn Nợi đến từ Hoà Bình. Anh đã có nhiều cuốn sách sưu tầm, dịch thuật và nghiên cứu Mo Mường. Năm 2012 Bùi Văn Nợi đã cho ra đời cuốn Mo Mường dày hai ngàn trang. Kỳ này anh tiếp tục viết bài nghiên cứu về Mo Mường.
Mo Mường được xây dựng theo trình tự lô gích từ đầu đến cuối một đám tang quý tộc ở Mường Bi mười lăm ngày đêm. Do đó bạn đọc có thể hình dung toàn bộ một đám tang quý tộc Mường. Qua đó cũng hình dung được xã hội Mường cổ với đầy đủ phong tục, văn hoá, ngôn ngữ, ứng xử, tâm linh, vũ trụ, nhân sinh của người Mường. Trong phần giới thiệu tác giả đưa ra khái niệm Mo Mường: Mo Mường là sử thi thần thoại, được diễn xướng trong đám tang của người Mường. Mo Mường cùng với nghi lễ trang trọng làm cho cái chết trở thành nhân văn.

Cây bút thơ Hoàng Việt Quân từ Yên Bái đến Trại sáng tác Tam Đảo kỳ này đã chỉnh sửa, hoàn thành được tập nghiên cứu, giới thiệu truyện thơ lịch sử “Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng” của dân tộc Thái đen ở Mường Lò, tỉnh Yên Bái và một chùm thơ với tên gọi  “Cảm nhận vùng cao” gồm mười một bài. Thơ của anh là sự cảm nhận của một chàng trai người Kinh lãng tử giàu tâm hồn nghệ sĩ, sống ở miền rừng. Hiện lên trong thơ anh với một phong cách đậm đà chất miền núi – là cảnh vật, cuộc sống và con người chân chất thuỷ chung của miền rừng Yên Bái – Lào Cai, là tấm lòng của đồng bào miền núi nhớ Bác Hồ, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, là những kỷ niệm về Hà Nội, thủ đô thiêng liêng của Tổ Quốc. Tiêu biểu nhất trong chùm thơ này của anh là các bài: Lên núi, Người ở núi nhớ Bác Hồ.
Hoàng Việt Quân có những câu thơ đặc sản của miền rừng, đóng góp xứng đáng vào nền thơ chung của nước nhà:

Lên núi
Mắt anh mắc ngay váy em
Xoè ra muôn nghìn sắc…

Lên núi
Thở hồng hộc như trâu
Váy em như dây trạc
Dắt trâu vượt đỉnh đèo.


Tâm thế của chàng trai miền núi là như vậy, rất giàu bản sắc và hết sức trữ tình. Cảnh vật, tình người và tình đời quyện chặt vào nhau – làm hiện lên một vệt hồn người sáng láng ở vùng phên dậu phía bắc của Tổ Quốc.

Khi đọc bài thơ Người ở núi nhớ Bác Hồ, tôi lại nghĩ: Hẳn bà con ở miền rừng cảm ơn Hoàng Việt Quân nhiều lắm. Bởi vì thơ anh đã nói hộ tấm lòng của họ đối với Bác Hồ vĩ đại:

Người ở núi thương Bác
                                Chỉ muốn khóc
Người ở núi nhớ Bác
                               Chỉ muốn làm
Người ở núi yêu Bác
                               Chỉ muốn hát…

Người ở núi ghét nhất
Người nào không học theo Bác
Người nào không làm theo Bác
Coi như  người bỏ đi…

Tôi cứ nghĩ: Hoàng Việt Quân cứ đào sâu theo vỉa thơ này, hẳn sẽ gặt hái được những thỏi vàng ròng trong sáng tạo thi ca.

Tác giả văn xuôi Nông Văn Kim ở Bắc Kạn đến dự trại kỳ này với hai truyện ngắn đặc sắc về miền núi: Trưởng thôn và Keng mang. Nội dung truyện phản ánh về nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong công cuộc đổi mới của đất nước, những tư duy trăn trở được, mất của những con người trong cuộc đời hiện nay.
Nông Văn Kim đã ấp ủ từ lâu những ý tưởng tâm huyết để viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử mang tựa đề Đời mẹ. Trong trại viết này anh đã hoàn thành chương ba, phản ánh hiện thực ở một vùng quê miền núi thời kỳ đêm trước của cách mạng tháng tám năm 1945. Nội dung chủ yếu của tiểu thuyết này khắc hoạ cuộc sống của những người nông dân miền núi dưới ách áp bức bóc lột của chế độ thực dân phong kiến;  những thảm cảnh do nghèo đói, hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đè nặng lên cuộc đời họ, trải từ thế hệ này sang thế hệ khác; những hoàn cảnh điển hình của những người nông dần miền rừng đến với cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản quang vinh…

         Cây bút thơ lão thành Ma Đình Thu đế từ Thái Nguyên. Ông đã in năm tập thơ             
   

phản ánh hiện thực miền núi quê ông cùng những tâm tình của bà con miền rừng phấn khởi theo Đảng và cách mạng đứng lên giải phóng cuộc đời và xây dựng cuộc sống mới.
Tại trại viết này ông đã hoàn thành chùm thơ mới mang tên Quê ta, bao gồm mười một bài.

Nhà văn Hoàng Quảng Uyên đến từ Cao Bằng, một chuyên gia viết tiểu thuyết về chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phản ánh cuộc đời hoạt động cách mạng của Người tại Việt Bắc thời kỳ tiền khởi nghĩa trước năm 1945. Ông đã công bố tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó mấy năm trước đây và đầu tháng năm vừa qua tiểu thuyết Giải phóng của ông cũng vừa ra mắt bạn đọc. Tại trại viết này nhà văn Hoàng Quảng Uyên tập trung sức làm đề cương kịch bản phim truyền hình Mặt trời Pác Bó, dài ba mươi tập, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của ông. Bạn đọc và người xem cả nước cầu chúc ông sức khoẻ để hoàn thành công trình lớn của đời mình.

 Nhạc sĩ Hoàng Huy Ấm đến từ Lạng Sơn. Từ lâu anh đã từng nổi tiếng là tác giả của những ca khúc mang âm hưởng dân ca của các dân tộc thiểu số Việt Bắc. Do vậy tác phẩm của anh có sức lan toả rộng rãi trong lòng bà con dân tộc ở vùng sâu vùng xa của miền rừng. Nhạc sĩ Hoàng Huy Ấm cũng là một chuyên gia để nhiều tâm sức nghiên cứu về hát then của dân tộc Tày ở Lạng Sơn – Bắc Kạn – Cao Bằng – Tuyên Quang…Tại trại viết Tam Đảo nhạc sĩ Hoàng Huy Ấm hoàn thành chùm ca khúc mới, gồm năm bài: Tiếng hát trên đỉnh núi Công Sơn, Hoa quỳnh, Mãi mãi là tình yêu, Lời yêu thương và Giọt lệ.

Cây bút thơ và văn xuôi Đỗ Dũng đến từ Thái Nguyên, đã từng công bố mười ba tập thơ và truyện ký với bạn đọc cả nước. Thời chống Mỹ, anh đã từng là bộ đội trinh sát Đặc công sư đoàn 312 nổi tiếng. Sau này anh là tiến sĩ, giảng dạy tại Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên. Tại trại sáng tác Tam Đảo kỳ này, anh hoàn thành tập truyện ký Chiến đấu trong thành cổ, dày 130 trang khổ A 4, tương đương với khoảng hai trăm trang in. Những trang truyện ký của anh đã được viết bằng một sự trải nghiệm nghiệt ngã và sâu sắc của tác giả ở chiến trường những năm kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc. Nó là máu thịt cuộc đời anh trong quân ngũ một thời đánh giặc. Chính vì vậy bạn đọc rất trân trọng những trang viết của anh về đề tài này. Bởi vì nó liên quan đến phần thiêng liêng nhất của lòng yêu Tổ quốc của nhân dân ta những năm khói lửa chiến tranh.
Rồi những ngày sắp kết thúc trại viết, bỗng nhiên Đỗ Dũng viết được một chùm tản văn giàu chất thơ, mang tựa đề là Thành phố yêu thương và một truyện ngắn mang tên Tình già.

Tác giả thơ Hoàng Kim Yến đến từ Tuyên Quang, một nữ thi sĩ trẻ của miền gái đẹp. Chất trẻ trung, trong sáng luôn toát ra từ ánh mắt long lanh và nụ cười giòn thể hiện cái duyên và hóm hỉnh của tâm hồn Hoàng Kim Yến. Dự trại kỳ này cô có chùm thơ ba bài: Cảm xúc một miền quê, Mây và em, Gieo mùa.
Thơ chính là tấm gương phản ánh hồn người ở chiều sâu lấp lánh nhất của nó. Do vậy ta không thể không nhận thấy tính cách  hồn nhiên của cô, khi đọc:

Tiếng ai cười nghe thơm quá
Ngỡ bình minh nắng dâng hương…

Hoàng Kim Yến là bông hoa nổi nhất của Trại viết Tam Đảo kỳ này. Do đó khi đọc câu thơ trên của cô, Triệu Lam Châu liền buông ngay một câu đùa vui: Tiếng Yến cười nghe thơm quá… Thế là lại vang lên một chuỗi cười thoả mái, như thể làm lấp lánh thêm những vạt nắng đang lặng lẽ và dè dặt thoa ánh vàng trên những dải núi Tam Đảo điệp trùng… Do bận việc nhà, Hoàng Kim Yến xin phép trở về quê, trước khi kết thúc trại viết ba ngày. Khi cô đi rồi, tôi mới sực nhớ ra và tiếc rằng: Mình chưa kịp hát cho Kim Yến nghe ca khúc mình sáng tác cách đây mấy năm Anh chưa đến Tuyên Quang…Chưa hay dòng Lô Giang hùng vĩ… Nước trong xanh xuôi về đồng bằng…Nhưng lòng anh đã tới Tuyên Quang, nơi có em đang cùng bè bạn công tác trên sông Lô…

Cây bút thơ đặc sắc Nguyễn Thị Minh Thắng đến từ Thái Nguyên. Triệu Lam Châu tôi là người Tày sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng, nhưng lại công tác và sống ở Phú Yên gần bốn chục năm nay, xa trung tâm văn hoá Thái Nguyên. Do đó dịp dự trại viết này tôi mới biết có một giọng thơ thật đặc sắc Nguyễn Thị Minh Thắng. Ở trại viết Tam Đảo này chị hoàn thành một truyện ngắn mang tên Đồng trăng và một chùm thơ năm bài, gồm: Tiếng vọng đêm (Kính tặng những người vợ liệt sĩ),  Thiên sứ (Tặng chị May, người đàn bà 24 tuổi ba lần kết hôn, tổng cộng năm đêm làm vợ, ba lần sinh con là ba lần nhận tin: Anh ấy mãi mãi mãi không về), Như người mẹ, Bao giờ hết chiến tranh, Nghe em hát.
Đọc chùm thơ này của chị, nhất là hai bài Tiếng vọng đêm và Thiên sứ - tôi bàng hoàng xúc động đến sởn gai ốc – bởi những đau đớn đến tột cùng cả thể xác lẫn tâm hồn của những người vợ liệt sĩ ở hậu phương sau chiến tranh. Tôi đã tâm sự với Minh Thắng rằng: Những bài thơ sâu thẳm chất phụ nữ như thế này chỉ có phụ nữ mới làm nổi thôi. Đàn ông chúng tôi xin đầu hàng. Tôi đọc được thơ Nga bằng nguyên bản tiếng Nga, mà chưa thấy có bài thơ nào nói về nỗi đau vì chiến tranh của người phụ Nga sâu đến thế. Có lẽ cũng phải thôi: Nước Nga Xô Viết tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc chống Phát xít Đức chỉ diễn ra bốn năm (1941 – 1945). Còn Việt Nam mình thì tiến hành cuộc chiến tranh chống xâm lược những ba mươi năm trời ròng rã (1945 – 1975).
Những câu thơ gan ruột đột khởi phát ra từ nỗi đau mất mát cô đơn nghiệt ngã của người vợ liệt sĩ, mỗi buổi đêm về:

Anh đang ở đâu?
Tiếng gọi khàn vách đá
Tiếng gọi vọng vào đêm
Đêm dằng dặc
Đêm như lưỡi dao sắc
Cứa lên da thịt
Em nhớ anh!
Anh ở đâu?
Ở… đ.. âu?

Nỗi đau về thể xác và tinh thần ấy chỉ riêng những người vợ liệt sĩ chịu đựng. Và tiếng gọi của lòng chị: Anh ở đâu?... như một bó đuốc sáng lao đi khắp mọi ngả phương trời để tìm anh, để dìu anh trở về với mái ấm gia đình, về với em và với… con…
Luồng sáng của tiếng gọi ấy như vô tình va vào chuông chùa, nơi cửa phật từ bi cứu nhân độ thế, như thể là giúp chị sẽ tìm được anh trở về. Vậy mà chỉ thấy một niềm vô vọng triền miên:

Tiếng gọi va chuông chùa
Dóng lên những hồi chuông dài nức nở
Gió u u…
Những câu thơ rớm máu ấy chính là máu thịt cuộc đời của chị, chứ không chỉ là câu chữ nữa. Theo ý kiến của riêng tôi, Triệu Lam Châu – thì hai bài thơ trên của Nguyễn Thị Minh Thắng liệt vào hàng những bài thơ hay nhất nói về thân phận những người vợ liệt sĩ  Việt Nam ta sau chiến tranh. Tôi nghĩ: Những bài thơ như vậy, nếu được dịch thành công sang tiếng Nga hay tiếng Anh, tiếng Pháp – thì bạn đọc quốc tế sẽ hình dung đuợc phần nào tầm vóc của nền thi ca Việt Nam.

Cây bút thơ dân tộc Chăm Trà Vigia đến từ vùng Ninh Thuận, cực nam Trung Bộ xa xăm. Đến trại viết Tam Đảo, anh đóng góp truyện ngắn Rỉ hồn du mục, Trường ca Đêm mờ và chùm thơ ba bài, gồm: Tam Đảo trong sương, Giọt nước mắt thuỷ tinh, Chân dung ảo. Thơ Trà Vigia mang phong cách tâm hồn và văn hoá Chăm rất rõ nét. Kể cả những mảng hiện thực rất xa so với vùng Ninh Thuận quê anh, như Tam Đảo ở Vĩnh Phúc chẳng hạn, thế mà khi chúng đi vào thơ anh – vần toát lên một phong vị Chăm riêng, không lẫn vào đâu được:

Tôi đến một chiều nắng hanh
Nặng vai vài giọt mồ hôi bịn rịn
Một chặng đường xa đã qua khuất nẻo quê nhà
Phan Rang ơi, sao mà thương quá!
Những vần thơ không thể nhú lên trong nắng gió
Cỗi cằn những hồn người thèm cỏ khát sương
Một trời Tam Đảo đây rồi!

Tôi đã từng sống ở miền Nam Trung Bộ hàng nửa đời mình, nên tôi thấy ở đó rất ít khi thấy sương mờ bảng lảng bồng bềnh như ở Tam Đảo này. Hẳn Trà Vigia cũng cảm nhận như thế. Do đó trước hiện thực sương mờ của vùng Tam Đảo, anh đã có những vần thơ đẹp của riêng anh:

Không phải ai cũng tìm được giấc mơ
Trong buổi chiều ơ hờ lãng đãng
Sương rơi vào thung lũng
Sương bay là là trên cao
         Tôi muốn vốc một nắm sương vò lên mái tóc
         Đếm trôi ngược thời gian
         Tìm lại chính mình…
     
  Hình ảnh vốc một nắm sương vò lên mái tóc, để tìm lại chính mình – thật là độc đáo. Ở Tam Đảo quê người, bằng con mắt của miền sương núi – anh tìm lại gốc gác cội nguồn văn hoá Chăm độc đáo quê anh…Chúng ta xin chân thành chúc anh sẽ tìm được những vỉa sáng mới độc đáo trong hành trình dài dặc tìm lại chính mình trong sáng tạo thi ca…

Cây bút thơ Chu Thị Linh Quang, quê gốc Cao Bằng, sống ở Hà Nội. Dự trại Tam Đảo lần này chị chỉnh sửa và hoàn thành một chùm thơ mới, chín bài, gồm: Ngày ấy, Ngóng mặt trời, Ngẫu cảm 2, Hạt giống lạ, Khi…Và…, Một buổi sáng cuối thu, Nỗi ấy, Ước mơ lấp lánh, Theo em đi chợ.
Tôi đã được đọc thơ chị dăm năm nay trên các trang mạng, đặc biệt là trang Vũ Nho Ninh Bình. Theo cảm nhận của riêng tôi: Thơ Chu Thị linh Quang có hai mảng riêng đặc sắc. Thời kỳ đầu thơ chị phản ảnh những mối tình trong sáng thuỷ chung của thanh niên trong chiến tranh, những khắc khoải mong chờ và khổ đau của người con gái ở hậu phương đợi người yêu đang chiến đấu ở ngoài mặt trận. Thơ chị là tiếng lòng chân thực của người trong cuộc, do đó nó có sức lay động trái tim người.
Thời kỳ sau này thơ Linh Quang phản ánh những mảng hiện thực nhức nhối của thời hiện đại. Đó là vấn đề ly hôn của những cặp vợ chồng trẻ hiện nay. Họ thay vợ thay chồng như thay áo. Khái niệm thuỷ chung trong cuộc sống vợ chồng, hầu như giới trẻ không quan tâm. Người ta sống thực dụng, chạy theo vật chất, mà quên đi giá trị tâm hồn trong tình yêu đôi lứa.
Rồi những mảng tối của cuộc sống hiện nay cũng được thể hiện trong thơ Linh Quang:

Khi cái ác đồng ca
Đường phân giải những đại lộ trần gian sẽ nằm im bất động
Những tiếng gió, tiếng sóng, tiếng mầm non bật lá, tiếng bi bô của em thơ, tiếng trai gái hôn nhau, tiếng giọt sương quẫy trên mặt lá, tiếng cha rít thuốc lào, tiếng mẹ thở dài khi ra chợ… đều tắt ngấm!

 Và bằng con mắt nhìn của một nhà thơ, chị vẫn lạc quan nhìn thấy cuộc sống ở mặt tươi sáng chủ đạo của nó:

Ngoài kia gió vẫn thổi
Gió mang theo mùi thơm trong lành của thảo nguyên tim em?
Sương lung linh trong ánh hồng từ môi em?
Sóng mặn mòi vị muối tình em?
Ngoài kia cha đang cần mẫn quăng lưới
Mẹ đang đều tay đưa võng và ru cháu
Anh cùng trai làng hăm hở lên đường bảo vệ biên giới!
Em trên cánh đồng đang hát bài ca của Đất Mẹ
VÀ… khi ấy cái ác có còn ca bài ca của nó không anh?

Tôi cũng xin lưu ý rằng: Thơ Chu Thị Linh Quang là thơ văn xuôi, lấy cảm hứng làm chủ đạo trong quá trình làm thơ. Do đó dẫu là thơ không vần, nhưng vẫn chinh phục được bạn đọc yêu thơ chân chính.

Tác giả Nguyễn Quang đến từ tỉnh cực bắc Hà Giang. Anh đóng góp với trại viết lần này cả một tập thơ dày dặn, với tựa đề Huyền thoại đá, gồm 47 bài thơ, dày 57 trang khổ A 4. Đọc vào thơ anh trong tập này ta thấy hiện lên cảnh sắc núi rừng hùng vĩ, tâm tình của thanh niên vùng cao,  những phong tục tập quán rất độc đáo của miền rừng. Tôi rất thích thú ba bài thơ điển hình của Nguyễn Quang trong tập này là Núi đôi, Nắng ở Thèn Phàng, Hội gầu tào.
Nét trữ tình của cảnh sắc thiên nhiên và tâm tình thanh niên miền núi thật độc đáo và tráng lệ:

Nằng ở Thèn Phàng
Câu hát chiều qua
Bay vào tiếng kèn môi vỡ ra thành nắng
Nắng ở Thèn Phàng
Chiều lạ lắm
Rơi vào nụ cười em
Vỡ tan ra giữa đỉnh núi, đỉnh trời

Sức tưởng tưởng tượng của chàng trai núi thật đột ngột bất ngờ và giàu cảm hứng sáng tạo mang dấu ấn riêng của  miền rừng sáng láng. Có bao giờ bạn đọc nghĩ: Nắng rơi vào nụ cười em, rồi vỡ tan ra giữa đỉnh núi đỉnh trời… Nụ cười sơn cước ấy lấp lánh sáng bao trùm cả núi non, bao trùm cả nỗi lòng chàng và soi vào nơi sâu thẳm nhất của tình người, tình quê núi thiêng liêng…
Rồi tâm tình đôi lứa và chất núi ngàn hiện lên trong thơ Nguyễn Quang thật sinh động:

Mây ỡm ờ quấn vào bước em tôi
Ngô xanh, rừng xanh, vòng tay em xanh biếc
Hơi thở dập dồn
Bông mua rừng thầm nhắc
Câu sli ngàn xưa
Sao ngúng nguẩy đợi chờ…
Bạn đọc yêu thơ cả nước xin cảm ơn tác giả Nguyễn Quang đã có những vần thơ núi rừng say đắm thế. Những vần thơ ấy như nhóm lên ngọn lửa ước mong trong lòng bao bạn đọc: Vào một ngày nào đó trong đời, mình sẽ lên thăm vùng Hà Giang yêu dấu của Tổ Quốc chúng ta, để được đắm mình vào câu sli ngúng nguẩy đợi chờ của những nàng tiên ngày nay đẹp như cổ tích ở miền rừng…

  Tác giả Nguyễn Minh Sơn đến từ Thái Nguyên. Anh vốn là dân viết văn xuôi. Song đến dự trại sáng tác lần này anh có ba tác phẩm, gồm hai bài thơ trữ tình và một truyện ngắn mini viết về lẽ sống ở đời. Hai bài thơ của anh, cũng là hai câu chuyện nhỏ cảm động:
Chuyện rằng:
   Ngày xưa… xưa lắm…
Có chàng nghệ sĩ đa tình
Trót yêu một cô sơn nữ
Nhưng nàng lại quá dửng dưng…

Chính thái độ dửng dưng của nàng, mà nhiều khi có phải dửng dưng thật đâu cơ chứ, làm cho bao con tim trai trẻ xao xuyến mãi không thôi. Niềm xao xuyến ấy cứ găm mãi trong tim chàng đi suốt cả một đời khao khát bóng nàng…Chính nỗi niềm ấy làm cho người đọc cảm mến thơ anh.
Rồi bài thơ Chuyện một mùa hoa phượng của anh cũng vậy. Mối tình chớm hé đầu đời của chàng dành cho nàng đúng vào mùa phượng đỏ rợp trời. Thế rồi chàng mang mối tình thơ mộng ấy theo suốt cuộc đời quân ngũ của mình trong chiến tranh. Hoà bình lập lại, trở về nhà, thì người yêu cũ đã lên xe hoa. Nhiều tác phẩm văn học đã phản ánh hiện thực này, nhưng qua tâm hồn thơ chân thực của mình, những vần thơ Nguyễn Minh Sơn sao mà đắng đót và tiếc nuối vô cùng:

Có một mùa hoa phượng đỏ như son
Tôi đánh mất cả một thời trai trẻ
Em rơi lạc một tình yêu chớm hé
Như đôi bờ sông không lở cũng không bồi…

Và năm tháng qua đi, cuộc đời mỗi người mỗi ngả. Song mỗi khi liên tưởng về quá khứ ngọt ngào, ai cũng tự nhủ thầm như một liều thuốc nhiệm màu của tâm hồn:

Có một mùa hoa phượng đỏ trong tôi…

Chỉ cần vậy thôi, là như đã thấy ấm lòng trở lại được phần nào. Bởi vì trong ánh phượng  đỏ nồng nàn lung linh ấy – là nụ cười và ánh mắt long lanh rạng rỡ của ngày nào như huyền ảo xa xăm mà gần gũi vô cùng…

Nữ hoạ sĩ Chế Kim Trung, dân tộc Chăm đến từ Ninh Thuận. Đây là lần đầu tiên cô đến dự trại sáng tác Tam Đảo. Chính vì vậy cảnh sắc mơ mộng trữ tình của núi đồi nơi đây đã gợi nhiều cảm hứng sáng tạo trong lòng cô. Và cô đã vẽ mải miết, có hôm thức vẽ đến hai giờ sáng mới nghỉ. Kết quả tại trại sáng tác này Chế Kim Trung đã có được: Bốn phác thảo tranh phong cảnh Tam Đảo, hai phác thảo tranh tĩnh vật,  năm tranh chân của của năm văn nghệ sĩ dự trại lần này: Hoàng Kim Yến, Nguyễn Thị Minh Thắng, Bùi Văn Nợi, Nông Văn Kim và Ma Đình Thu.

Cây bút văn xuôi Nguyễn Trần Bé đến từ Hà Giang. Tại trại viết này anh đã hoàn thành hai truyện ngắn về miền núi thật đặc sắc: Tam Khuyển và Nắng trong sương. Truyện Tam Khuyển kể về một phường săn và những chú chó săn ở một vùng rừng núi heo hút. Qua câu chuyện này tác giả muốn gửi đến bạn đọc một thông điệp: Khi con người tận diệt thiên nhiên, thì cuộc đời của họ sẽ bị trả giá rất đắt. Các nhân vật đứng đầu của phương săn là Ba  Đúng (cha) và sau này là Ba Nhất (con ông), cũng đều bị chết bởi sự tấn công của những con thú rừng. Họ đã phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Tác giả muốn gióng lên hồi chung báo động: Cần phải bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã.
Truyện Nắng trong sương phản ánh về một người con gái dân tộc Dao biết vượt qua các hủ tục lạc hậu để vươn lên trong cuộc sống hôm nay. Tính cách nhân vật, cuộc sống miền sơn cước cùng với những tập tục lạc hậu cổ xưa, kìm hãm hạnh phúc của con người – được tác giả dày công thể hiện bằng một nghệ thuật độc đáo đậm chất núi ngàn. Do đó đọc xong truyện ngắn của Nguyễn Trần Bé người ta còn muốn đọc lại nữa để chiêm nghiệm sâu hơn về  những mảng hiện thực lạ lẫm và độc đáo của miền rừng.

Nhà thơ, dịch giả dân tộc Tày Triệu Lam Châu đến từ Phú Yên. Quê gốc ở Cao Bằng, nhưng anh công tác và sống ở Phú Yên gần bốn chục năm nay. Từ năm 1987 đến giờ anh đã công bố mười sáu cuốn sách văn học với bạn đọc cả nước, bao gồm các mảng: Thơ sáng tác Tày – Việt, Thơ dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt, rồi sang tiếng Tày – Tiểu thuyết dịch (qua bản tiếng Nga) của các nền văn học Nga, Anh, Pháp, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Bun Ga Ri và Tiệp Khắc. Ngoài ra anh còn dịch Nhật ký trong tù của Bác Hồ ra thơ lục bát tiếng Việt và lục bát tiếng Tày.
 Ngoài việc làm thơ và dịch thuật văn học, Triệu Lam Châu còn sáng tác ca khúc. Anh đã có một đĩa hát VCD Vầng trăng Nà Pẳng, hai đĩa hát CD Cao Bằng yêu dấu và Gánh nước ban mai, do các ca sĩ hàng đầu của đất nước thể hiện, như: Nghệ sĩ nhân dân Trung Đức, Nghệ sĩ nhân dân Doãn Tần, Nghệ sĩ ưu tú Vi Hoa, Nghệ sĩ ưu tú Tiến Hỷ, Nghệ sĩ ưu tú Rơ Chăm Pheng.
Tại trại sáng tác Tam Đảo lần này anh chỉnh sửa và hoàn thành tập thơ Em bình dị như mọi người vậy đó, dịch từ nguyên bản tiếng Nga thơ Êxênhin sang tiếng Việt và sang tiếng Tày. Có thể nói Triệu Lam Châu là đại biểu đầu tiên của nền thơ Tày giao dịch với thơ Nga. Thơ Triệu Lam Châu có một bút pháp riêng, thể hiện sự giao thoa văn hoá Tày – Việt – Nga.

Cây bút thơ Hoàng Kim Dung đế từ Lạng Sơn. Từ năm 2005 tới giờ chị đã công bố ba tập thơ song ngữ Tày – Việt, bao gồm: Bỡ ngỡ, Chốn xưa và Khúc giao mùa. Tôi đã đọc thơ song ngữ Tày – Việt của chị trên Tạp chí Văn hoá các dân tộc mấy năm nay. Tôi thầm cảm phục chị bởi con đường làm thơ song ngữ Tày -  Việt quá công phu và rất đỗi nhọc nhằn. Chỉ những ai yêu văn hoá Tày mãnh liệt đến mức thiêng liêng, mới can đảm dấn thân vào con đường lắm chông gai và rất đỗi vinh quang này. Đối văn hoá Tày, thì Hoàng Kim Dung là một trong những đại biểu trẻ đáng hoan nghênh nhất trong việc sáng tác bằng song ngữ Tày – Việt. Chính việc làm ấy là hành động đẹp đẽ nhất, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vinh quang của Đảng ta, nhằm phục đồng bào vùng sâu vùng xa về mặt văn hoá.
Tại trại viết Tam Đảo này chị hoàn thành một chùm thơ song ngữ Tày – Việt, gồm các bài: Đêm mất ngủ, Điều không biết trước, Không đề, Tình nghệ sĩ – và chùm tản văn cũng song ngữ Tày – Việt, gồm các bài: Vời vợi tháng ba, Một buổi họp mặt, Hội xuân trong ký ức tôi.
Tôi xin lưu ý bạn đọc rằng: Viết văn xuôi bằng song ngữ Tày – Việt là một việc làm rất phức tạp, công phu, mà theo tôi được biết từ trước tới nay chỉ có nhà văn Nông Viết Toại làm thôi, với thiên truyện ngắn Boỏng t’àng t’ẩp iéo (Con đường ngoặt). Và bây giờ Hoàng Kim Dung là người thứ hai của dân tộc Tày chúng ta, thật quả cảm, thật đáng hoan nghênh, viết tản văn bằng song ngữ Tày – Việt. Xin chúc chị bền gan phấn đấu sáng tạo theo con đường riêng độc đáo của mình và sẽ gặt hái thành công!

Có thể nói Trại sáng tác văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số Việt Nam tại Tam Đảo, đã thành công tốt đẹp. Tổng cộng số tác phẩm được hoàn thành ở trại viết này như sau: Sáu chùm thơ, một trường ca, bốn tập thơ, tám truyện ngắn, một đề cương kịch bản phim truyền hình dài ba mươi tập, hai chùm tản văn, một tập truyện ký, hai công trình nghiên cứu sưu tầm, năm ca khúc, sáu phác thảo tranh phong cảnh và tĩnh vật, năm chân dung văn nghệ sĩ.
Có được thành công này, trước hết phải nói rằng đó là nhờ sự cố gắng không mệt mỏi trong sáng tạo của từng văn nghệ sĩ. Sau đó là sự quan tâm của Lãnh đạo Hội, sự phục vụ tận tình chu đáo của cán bộ công nhân viên Nhà sáng tác Tam Đảo, cũng như không khí đoàn kết thân ái của các hội viên với nhau.  Nhờ những yếu tố thuận lợi ấy, mà chúng ta không ngần ngại nói rằng: Trại sáng tác Tam Đảo kỳ này đã thành công.

Tam Đảo, sáng 29/ 5/ 2013

Triệu Lam Châu

Đường trời:   trieulamchau@gmail.com
Số nối:   0983 825502















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét