Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

THƠ CHIA XA GỬI LẠI







GA NÚI

Nguyễn Chí Dũng



Ga núi lạnh chiều mưa càng vắng khách

Tàu về dừng một chốc vội đi ngay

Còn gửi lại hồi còi dài đẫm ướt

Để sân ga lặng lẽ giọt thu gầy…



Như tàu ấy, mai này… tôi có thể…

Thơ chia xa gửi lại thấm hơi chiều

Em đừng trách phút dừng nơi ga núi

Tôi thật lòng đã sống, thật lòng yêu
                                     Ga Gôi 8/1997



                     Lời bình của Trần Trung


THƠ CHIA XA GỬI LẠI





Một ấn tượng lạ gợi từ tên bài thơ của Nguyễn Chí Dũng – Ga núi. Hẳn đó chỉ là điểm dừng khoảnh khắc của một nhà ga xép, dễ lãng quên. Nhà thơ mượn cái dễ quên để neo đậu lại một tiếng nói tâm tình gợi nỗi buồn riêng lặng lẽ:



Ga núi lạnh chiều mưa càng vắng khách

Tàu về dừng một chốc vội đi ngay

Còn gửi lại hồi còi dài đẫm ướt

Để sân ga lặng lẽ giọt thu gầy…



Một không gian hẹp. Mà vắng. Mà lạnh. Ga núi như lặng lẽ, trầm buồn trong một chiều mưa thưa vắng khách đi tàu. Nỗi buồn tỏa ra trong vắng lạnh của không gian, thời gian. Nỗi buồn lại dâng lên bởi cảm giác vội rời đi của con tàu về dừng một chốc. Cảnh tàu đến, rồi tàu đi dễ đánh thức nỗi niềm chia li vốn thường trực trong trái tim nhà thơ. Với Những bóng người trên sân ga, Nguyễn Bính chẳng đã từng buồn thương cho những cảnh ngộ, thân phận chia lìa đó sao:



Những cuộc chia lìa khởi từ đây

Cây đàn xum hợp đứt từng dây

Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc

Lần lượt theo nhau suốt tối ngày

Với Ga núi, nhà thơ Nguyễn Chí Dũng đã gợi cảm giác chống chếnh từ con tàu vội đi ngay. Và nỗi buồn chia xa như cất lên tiếng dóng dả từ tiếng còi tàu đẫm ướt trong chiều mưa thu:



Còn gửi lại hồi còi dài đẫm ướt

Để sân ga lặng lẽ giọt thu gầy…



Những tín hiệu ngôn từ trong thơ Nguyễn Chí Dũng như thu lại kín đáo trong niềm riêng mà hóa ra lại lan tỏa đến khôn cùng tiếng con tàu, cũng là tiếng lòng người gửi lại.


Vâng, người thơ đã tạo nên sự liên tưởng đồng nhất giữa con tàu cô đơn nơi Ga núi với con-tàu-thơ, cũng là con-tàu-thân phận. Một sự gửi lại đượm buồn – nỗi buồn thành thực của con người đã sống thật lòng và cũng yêu thật lòng:



Như tàu ấy, mai này… tôi có thể…

Thơ chia xa gửi lại thấm hơi chiều

Em đừng trách phút dừng nơi ga núi

Tôi thật lòng đã sống, thật lòng yêu



Câu thơ Như tàu ấy, mai này…tôi có thể… có lối ngắt nhịp 3/2/3 và với những dấu chấm lửng (…) nghe vừa tha thiết vừa thoáng chút thảng thốt thật lạ. Trong lời thơ chia xa gửi lại là dự cảm thật buồn về những điều sẽ đến như quy luật tất yếu của đời người. Phải chăng, nhà thơ muốn gửi lại một thông điệp tâm tình: Ga xép cũng giống cõi tạm của ga đời người; khoảnh khắc để được sống, để được yêu thật lòng mới thực sự đáng yêu thương, đáng trân trọng. Bài thơ của Nguyễn Chí Dũng thấm tháp nỗi buồn thân phận mà sao vẫn ấm áp, ân tình. Và, Ga núi còn chứa trong đó một chút triết lí nhân sinh – thứ triết lí chỉ có thể chắt ra từ trái tim thật lòng đã sống, thật lòng yêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét