MỘT CHÚT VỚI NHÀ VĂN NGUYỄN ĐỨC THIỆN
Posted on 02.06.2013 by nguyentrongtao
ĐỖ NGUYÊN
Tôi cùng học với Nguyễn Ðức Thiện ở
trường Tuyên Huấn Trung ương (1969 – 1973), nhưng vào năm cuối của khoá
học (1972) anh đi bộ đội làm phóng viên chiến trường Quảng Trị. Từ đó
bạn bè gần như không còn liên lạc với nhau. Mới đây, trong một dịp họp
lớp, bạn bè hỏi thăm nhau mới biết Nguyễn Ðức Thiện bị đột quỵ khi vừa
viết xong một cuốn tiểu thuyết mới. Vợ chồng Nguyễn Ðức Thiện lại không
còn ở chung nên hoàn cảnh của anh thật đáng ái ngại. Ai cũng muốn chia
sẻ giúp Nguyễn Ðức Thiện nhưng chẳng biết làm cách nào.
Tuổi thơ Nguyễn Ðức Thiện gắn liền với
đất Thái Nguyên. Thiện là cậu bé thông minh tinh nghịch và luôn nghĩ ra
các trò mới nên các bạn ai cũng nhớ. Nhà
Thiện ở gần với sông Cầu, con sông mùa đông nước trong vắt, nước nông có
thể lội qua và rét buốt chân. Sương lạnh bay lên trên mặt sông như
những ngọn khói. Quý mến Thiện, tôi tìm đọc anh. Anh có đến trên 20 đầu
sách đã xuất bản, trong đó có 11 tiểu thuyết, 9 tập truyện ngắn, truyện
vừa, 1 tập lý luận phê bình, 1 tập bút ký và 2 tập thơ nữa. Anh là người
có tên trong kỷ yếu các nhà văn Việt Nam của thế kỷ 20. Năm 2012 anh
được phong tặng nghệ sỹ ưu tú. Trong số bạn cùng khoá Ðại học báo chí –
xuất bản năm đó có tới 7 người là nhà văn. Nhưng nghệ sỹ ưu tú thì chỉ
một Nguyễn Ðức Thiện. Bởi anh còn là một đạo diễn truyền hình với 15 tấm
huy chương vàng và bạc cấp Quốc gia.
Câu chuyện giữa chúng tôi nhiều khi bắt
đầu từ những chuyện rất riêng: như ngày mẹ mất, bố anh ở nước ngoài một
mình anh lo hết mọi chuyện từ chôn cất mẹ đến việc bố trí nhà cửa cho
các em. Chuyện càng say sưa hơn khi kể về Quảng trị năm 1972 với 81 ngày
đêm chiến đấu ác liệt nơi thành cổ. Rồi chuyện anh cùng Nguyễn Dĩnh bơi
qua sông Hiền Lương, ngay dưới cầu Bến Hải trong lúc chiến tranh, thuỷ
lôi, bom nổ chậm có khi còn rải rác dưới sông. Những câu chuyện về
chiến trường xưa làm Nguyễn Ðức Thiện sôi nổi hơn, tự hào hơn. Mỗi dịp
về thăm quê tôi lại kể chuyện quê cho Nguyễn Ðức Thiện nghe. Những lúc
ấy Nguyễn Ðức Thiện nói rằng anh cũng nhớ quê hương lắm. Anh kể: để có
thể tưởng tượng được miền Trung du quê mình đã có lúc nơi anh ở giống
như một vườn chim. Mấy con khướu thấy anh đi đâu về là thi nhau hót. Mấy
con cu gáy sáng sớm hay về chiều lại cất tiếng gọi nhau. Con chim chào
mào thì nhảy nhót lung tung. Cặp phượng hoàng đất nháo nhác nhảy trong
lồng. Bầy hoàng yến thì nô giỡn ríu rít. Thế mà bỗng nhiên anh mở lồng
thả hết. Anh bảo, khi con nhồng nói tiếng người leo lẻo tự nhiên chết,
thế là anh không đành lòng nhìn những con chim bị nhốt nữa.
Tôi tìm đọc những cuốn sách của anh. Càng
đọc càng bị cuốn hút. Văn anh như tuôn trào theo từng tuyến nhân vật.
Tôi nhớ có lần anh nói “Mình viết những gì mình có, còn thành văn hay
không là ở người đọc. Khi nào không còn gì trong ký ức nữa mình sẽ không
viết nữa”. Những tập truyện của anh, dù tính cách nhân vật mạnh mẽ hay
hiền lành người đọc đều nhận thấy sự nhân hậu, một tình người sâu lắng
trong những trang viết. Mỗi lần đọc truyện của anh tôi thường theo dõi
nhân vật xem số phận của họ có như mình dự kiến không và rồi phải tâm
phục, khẩu khẩu phục trước ngòi bút của anh khi kết thúc số phận nhân
vật. Ðọc anh, nhiều khi mỉm cười một mình về cách viết hóm hỉnh trí tuệ
của anh. Có lúc thì muốn trào nước mắt. Văn của anh mượt mà, hình ảnh
như sờ cầm nắm được, có khi đọc xong một chương cứ ôm chặt cuốn sách vào
lòng mình để cảm nhận, suy ngẫm.
Sách của anh mỗi cuốn nói về một vùng
miền riêng. Một giai đoạn lịch sử của đất nước như được khắc họa sống
động. Vùng đất Thái Nguyên, nơi anh đã sống tuổi thơ, là nơi có cô gái
hát hay đã thành nhân vật một truyện ngắn của anh. Với “ tiếng hát át
tiếng bom” cô đã hy sinh trong một trận đánh bom vào nhà máy Giấy Hoàng
Văn Thụ nơi anh từng làm công nhân. Anh bảo anh viết truyện ấy để thay
lời cám ơn người đã tiếp máu cho mẹ anh mà ngày xưa anh chưa kịp nói.
Những con người đất Tây Ninh mà anh nghe, anh gặp đã hiện lên trang viết
của anh cả khi thời chiến và thời bình. Anh viết mê say. Hôm nào cũng
đến 2 giờ sáng, hôm sau lại đến cơ quan bình thường. Mỗi cuốn sách của
anh đều rút ra một vấn đề mang tính giáo dục nhẹ nhàng mà sâu sắc. Văn
anh có lần như một lát cắt triết lý sống:
“Phụ nữ nhiều khi lạ lắm. Lấy chồng xong là coi chồng như đối tượng hỏi cung.
- Anh đi đâu mà họ đến cơ quan không thấy?
- Anh làm gì mà mang nhiều tiền đi thế?
- Sao anh không nói với họ…
Trả lời thế nào cũng không thỏa đáng. Mà lạ thế sao không dạy con mà cứ dạy chồng chứ”.
Tôi đọc và mỉm cười vì sự chua chát và hóm hỉnh của anh.
Có khi anh viết thành thơ về một trận
đánh ác liệt, có những anh bộ đội trẻ vừa hôm qua hành quân còn kể về
người yêu, ước mơ được ăn một bát canh chua hôm sau “đã là một nấm đất
nhô lên”. Anh thương bạn vì ước mơ giản dị mà không bao giờ có được nữa.
“Ðất nước đổi thay nhiều, cuộc sống khá lên nhưng ước mơ của bạn tôi
thì còn đó. Anh còn cho rằng mình may mắn lành lặn trở về. Lúc còn khỏe
anh dồn hết tâm sức làm những tập phim về những cuộc tìm kiếm hài cốt
liệt sĩ, vê những Bà mẹ việt nam anh hùng và coi đó là trách nhiệm xã
hội của mình với những người đã hy sinh vì đất nước. Hình như anh có
biệt tài giữ hồn của mỗi cuốn sách đến cuối cùng người đọc vẫn thòm
thèm. Có người dọc xong gọi điện đến hỏi: “Sau thế nào? Sao không viết
tiếp đi?”.
Thành công là vậy nhưng anh luôn khiêm
nhường và vun vỗ cho những người có chút năng khiếu phát triển. Khi gia
đình đã vào Tây Ninh sinh sống, đứa em anh khi theo anh vào mới học mới
học xong lớp 7. Anh dạy viết từ cái tin đầu tiên vậy mà nay có truyện
ngắn in Văn nghệ quân đội rồi. Một cậu ở Cơ khí Sông công vào chỉ biết
hò hát, anh hướng dẫn, bây giờ đã sống được bằng nghề viết. Lại có cậu
học sân khấu cải lương, gặp anh mang đến 100 bài thơ, anh bảo vứt đi hết
và hướng dẫn công việc của người làm thơ cần làm. Cậu ta nghe và bây
giờ đã có 2 tập thơ và một tập truyện ngắn rồi. Anh nói về những việc ấy
như chuyện tự nhiên nó phải vậy: “Anh chịu khó đọc cho người ta sửa
chữa và chỉ cho người ta biết làm sao phải làm như vậy, người ta hưng
phấn lên mà viết tiếp thôi”. Chuyện của anh dẫn tôi đi bằng giọng nói
đặc biệt truyền cảm, ấm áp, tròn tiếng và đầy sức thuyết phục. Có lần
tôi hỏi thì anh bảo: Ngày xưa có thời gian anh làm bình luận viên của
nhà Ðài. Với anh khi làm việc là phải thật nghiêm túc. “Anh không hời
hợt được” – anh bảo như thế. Khi làm việc anh hết mình và khi yêu anh
cũng hết mình. “Lòng dạ vấn vương, nhớ sao nhớ quá / Gọi em trong cả
giấc mơ trưa”.
Bây giờ anh bệnh không đi đâu xa được,
ngày ngày chỉ giao lưu với bạn khắp nơi qua cái làng blog. Cũng từ cái
làng blog ấy mà mọi người chia sẻ với nhau từng trang viết, từng bài
thơ, từng tâm trạng và cả những chuyến du lịch qua phóng sự ảnh của mọi
vùng miền trong và ngoài nước. Anh nói “Blog không chỉ là chỗ để chơi”
vì thế lúc nào anh cũng gắng sức để viết và nói rằng: “Mình muốn tồn tại
có ích”. Mà đúng thế, đó là những nhóm người cùng sở thích, không phân
biệt lứa tuổi, họ chia sẻ với nhau động viên nhau sống và làm việc tốt
hơn. Có khi họ chưa gặp nhau trong đời sống ngoài đời nhưng thông cảm và
có tình cảm với nhau. Tôi đọc lời chia sẻ của anh trên blog mà thương
quý anh hơn: “Mình ngồi đây ở giữa rừng này, có khi vắng cả tiếng chim
hót mà chỉ có con Bìm Bịp gọi bạn, nhớ con nhớ cháu, nhớ bạn đến nao
lòng”. Trang của anh lúc nào cũng đầy đặn đàng hoàng. Tôi với anh cách
xa hàng mấy ngàn cây số. Nhưng hàng ngày vào blog của anh biết anh vẫn
đang làm việc hết mình. Ðọc anh mà thấy lòng mình nao nao.
Mùa xuân năm 2013 anh được đồng chí Võ
Văn Phuông, Uỷ viên Trung ương Ðảng Bí thư tỉnh ủy Tây Ninh đến nhà tặng
hoa và tài trợ tiền in cuốn sách anh viết về tỉnh nhà. Tết nguyên tiêu
năm nay trăng như sáng hơn. Các bạn anh đến đọc thơ cho nhau hát và ngâm
những bài thơ của anh mà bạn thích tại khuôn viên nhà anh. Anh chia vui
với các bạn: Một đời viết một đời thơ còn mong gì hơn thế. Một con
người luôn hết lòng vì đời, vì người. Tôi mong những cuốn sách của anh
được lan tỏa.
Tôi mong có một ngày nào đó anh có thể chạy được đến chỗ tôi. Nhất
định lúc đó chúng tôi sẽ có những đêm không ngủ để nghe anh nói chuyện
đời, chuyện văn…
Filed under: Bài của bạn, Báo chí, Chân dung, Làng văn nghệ Thẻ: | NGUYỄN ĐỨC THIỆN, ĐỖ NGUYÊN
Chép từ Blog của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.
Chép từ Blog của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.
Một bài viết về một nhà văn có tài thật cảm động, tình người thật ấm nồng. Chân thành cám ơn trang chủ đã đăng bài
Trả lờiXóaGV
Cám ơn chia sẻ của GV!
XóaChủ trang