Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Lễ hội đình TRÈM


 


LỄ HỘI   ĐÌNH TRÈM

(Tản văn)

Dâng mừng Lễ hội Đình Trèm năm 2013 (14 – 15 – 16 – 5 Quý Tỵ)

ĐƯỜNG VĂN


        Mỗi làng quê đất Việt đều có một ngôi đình và một ngôi chùa. Mỗi đình, chùa ấy lại thường gắn với một lễ hội dân gian cổ truyền mang đậm màu sắc địa phương mà khó có thể so đọ hội nào hơn hẳn hội nào. Tuy nhiên, ngay cả phần lễ cũng không hoàn toàn giống nhau. Vùng tây bắc Hà thành, quanh khúc vai bò sông Nhị (Nhĩ), dọc từ Kẻ, Mạc xuống qua Trèm, Vẽ, tới Sù - Gạ, Nhật Tân, Tứ Liên, Quảng An, Nghi Tàm,  và Yên Phụlàng nào chẳng có đình, chùa, chẳng tưng bừng một lần lễ hội trong năm?!        
    Làng Trèm (Chèm) tên Nôm cổ - gốc từ chữ: Tờlemà t’liêm ®Từ Liêm, tên chữ: Thuỵ Hương sau đổi thành Thụy Phương (hương thơm, đẹp), thuộc huyện Từ Liêm Hà Nội; định hình từ bao giờ, thời nào, nói một cách chính xác, chưa có sử sách nào ghi chép. Theo truyền thuyết, đã được ổn định từ thời Hùng Vương.
          Nói đến đặc sản phong tục văn hoá vật thể, phi vật thể chung đúc nên hồn vía và niềm tự hào của làng Trèm, tất nhiên, trước hết phải nói tới Đình (đền) Trèm, Lễ hội Đình (đền) Trèm, sau là mấy món ẩm thực tuyệt chiêu: Giò Trèm, cháo se, chè kho...        
       Đình (đền) Trèm thuộc loại kiến trúc rất cổ, trang nghiêm, không thật cầu kì mà vẫn tinh xảo. Đình được xây cất lần đầu từ thời thuộc Đường (Cao Biền), được trùng tu, đại trùng tu, mở rộng và tôn cao nhiều lần vào các thời Lí, Hâụ Lê, Nguyễn, Pháp thuộc và những năm 90 thế kỉ XX.
          Nét độc đáo của đình là nằm ở ngoài đê sông Hồng, mặt chính hướng về phương Bắc. Bốn cột trụ (tứ trụ) trước cửa đình sát kè đá – Gảnh đình - bờ Nam sông Hồng (Cái, Mẹ, Nhĩ Hà). Tương truyền đây là nền nhà của gia đình Đức Thánh Trèm. Cha ngài họ Lý, làm nghề đánh cá dọc sông Cái nhưng mất sớm. Thánh Trèm tên thật là Lí Thân, (dân làng kiêng huý gọi trệch là Thơn), hình dáng khôi vĩ, cao to hơn hẳn người thường (mình cao 2 trượng ~ 4,0m?!); (về sau được người Trung Hoa gọi là Ông Trọng (người ba làng kiêng húy, đọc, viết là: Trượng). Đồn rằng ngài thờ mẹ rất hiếu. Có lần ngài đi đánh cá ở xa,  khi trở về, chẳng thấy mẹ già đâu... Thì ra con giải quái khổng lồ đã ăn mất bà cụ! Ngài nổi giận, hì hục đắp bờ, chặn dòng chảy rồi tát cho đến kì cạn trơ đáy, bắt sống con giải, giết thịt, tế vong hồn mẫu thân. Thời thanh niên, ngài được vua An Dương Vương trọng tài, phong tướng quân, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Đồ Thư (tướng của vua Tần Thủy Hoàng) xâm lược Âu Lạc. Sau đó, khi hai nước trở lại quan hệ ngoại giao, Ngài lại được vời sang Hàm Dương (kinh đô nước Tần), làm chức tư lệ hiệu uý, chỉ huy đội quân bảo vệ  kinh thành, chống lại giặc Hung Nô hay vào quấy phá. Ngài đánh thắng nhiều trận. Vua Tần rất mến mộ, mới gả công chúa Bạch Tĩnh  Cung để ràng buộc. Ít lâu sau, nhớ quê, Ông Trượng xin về nước. Vắng ngài, Hung Nô lại hung hăng xâm phạm đô thành. Tần đế không sao được, lại phải hạ chiếu vời phò mã họ Lý sang bảo vệ. Nhưng ngài không muốn xa nước, xa quê nữa! Thủy Hoàng đế và An Dương Vương- vua Âu Lạc lệnh phải đi! Ngài đành tự sát, lấy cái chết để được ở lại quê hương bản quán.  
 

            Dân ba làng (ba dân) Trèm, Hoàng, Mạc cùng thờ ngài làm Thành hoàng, dựng đền thờ phụng, bốn mùa hương khói. Nhưng khi Đình Trong của làng Trèm bị phá hồi CCRĐ để xây sân khấu xã, trường học thì bài vị Thành hoàng làng được chuyển ra, thờ ở đền Trèm (Đình Ngoài). Phải chăng từ ấy đền cũng được gọi là đình? Nhưng lại có ý kiến, rằng từ đình Ngoài (đền Trèm; phía ngoài đê) đã có từ trước đó rất lâu để phân biệt với đình Trong (phía trong đê)?! 2 ý kiến trên, cho đến nay, vẫn tồn tại song song, chưa ngã ngũ?!       
       Lễ hội đình Trèm được tổ chức vào 3 ngày hằng năm: 14, 15, 16 tháng năm âm lịch.  Đó là 1 điểm đặc biệt khác với thời điểm lễ hội  của các làng quê Việt Nam, hầu hết tổ chức vào 3 tháng đầu xuân hằng năm. Riêng Lễ hội Đình Trèm lại tổ chức vào 3 ngày (không nhiều, cũng không quá ít) vào trung tuần tháng 5, giữa mùa hạ nóng nực. Chưa ai, kể cả các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cổ, các nhà Trèm học các thời lý giải thuyết phục được điều này?! Một trong những lý do đưa ra là để kỷ niệm một trận thắng, một chiến công đặc biệt nào đó của Lý Thánh Ông (?!)
      Lại nhớ câu ca dao cổ:
Thứ nhất là hội Cổ Loa,
Thứ nhì hội Gióng, thứ ba hội Trèm.
      mà cứ băn khoăn tìm câu trả lời cho sự sắp xếp dân gian ấy? Vì theo thứ tự âm lịch (hội Cổ loa (Đông Anh): 6 tháng giêng; hội Gióng(Phù Đổng, Gia Lâm): 8 – 4; hội Trèm 14 -15 – 16 – 5)? Hay vì sự hoành tráng? Vì ý nghĩa lịch sử, xã hội, văn hóa, tâm linh? Có lẽ vì tất cả những cạnh khía rộng, hẹp, sâu, nông ấy.    
       Để lễ hội thành công, nhân dân nô nức chuẩn bị từ một hai tháng trước, càng gần tới ngày Lễ hội, không khí càng nhộn nhịp, tưng bừng. Chương trình Lễ trong 3 ngày cố định như sau:         
        - Ngày 14: Khai hội: rước nước, tế.           
        - Ngày 15: Chính hội:
      + Buổi sáng: rước nước, tế,
      + Buổi trưa: lễ mộc dục (tắm tượng, tổ chức vào chính ngọ – 12 h trưa);
      + Buổi chiều: rước văn (rước văn tế từ nhà riêng cụ Tả văn ra đình)*.          
-         Ngày 16:  Vãn (kết) hội.
+ Buổi sáng: tế,
+ Buổi chiều: rước văn;
+ Buổi tối: Lễ Pháp (Phát? Phật?)) - lễ tất (Bế mạc).
Có ý kiến cho rằng Lễ pháp - kết thúc Hội diễn ra vào buổi chiều, trước rước văn.?!      
        Nét độc đáo, đặc sắc nhất của phần Lễ trong Lễ hội Đình Trèm là:
1. Rước nước và mộc dục (rất ít lễ hội ở miền Bắc có nghi lễ này.)
          Tôi đã bao lần mê mải và thành kính xem những buổi lễ, rước uy nghi và trang trọng. Những cụ già súng sính áo thụng lam rộng thùng thình, tay cung trước ngực, chậm rãi bước. Ông thủ hiệu trống đại (đại hiệu) và chiêng đại hùng dũng, oai vệ chẳng kém gì nhau khi ông này vừa giang thẳng cánh nện hồi trống cái (đại)vang lừng thì ông kia đã múa dùi cho vang rền hồi chiêng bu lu, bu lu. Hết tiến năm bước lại thong thả lùi ba bước (tiến ngũ bộ, thoái tam bộ) trước  và sau khi đánh trống. Tiếng trống con của các ông thủ hiệu cứ long tong, long tong theo bước chân nhịp nhàng, khoan thai lên xuống. Hàng tổng cờ múa bay cờ ngũ sắc uốn lượn như những dải mây xanh, đỏ, tím, vàng. Đội chấp kích gươm, dáo, kiếm, kích, đòng, mâu… sáng choang, rực rỡ trong nắng. Hàng đô tùy - đội quân phù giá, cởi trần, khố điều, bắp tay, bắp chân cuồn cuộn, ngực nở phồng căng, khăn bịt, quạt che khẩu. Thi thoảng tiếng ù oé hô, reo qua khăn, không phát âm được tròn mà vẫn vang đều, âm âm trên đường đê, trên sóng nước, nghe thật trang nghiêm phấn khích, oai hùng. Mấy em sinh tiền múa lượn rộn ràng. Mấy cậu múa rồng, lộn nhào uốn éo... Đoàn rước từ cửa đình xuôi đường đê, xuống dốc Ôtô, lên thuyền, lên phà, ra giữa sông. Tiếng đàn, sáo càng réo rắt, vang lừng trên sóng đỏ sông Hồng lấp loáng nắng tháng năm bỏng rát. Từng chiếc gáo đồng khoan thai vục xuống mặt sông, múc vào chóe cổ hoa văn những gáo nước đỏ sậm, mát lạnh để chốc nữa làm lễ mộc dụcphương đình (nhà bia) hoặc nhà tạm ngoài gảnh đình.
2. Nét độc đáo thứ 2 của lễ tiết tại đình Trèm trong 3 ngày lễ hội là quy định nghiêm khắc, tuyệt đối: lễ chay. Lễ Thánh Thần cùng với Lễ Pháp, lễ Phật (với giải phướn tung bay trên cột cao, ngoài Gảnh đình (bên cạnh lá cờ Thần) là hình ảnh biểu trưng). Nghĩa là lễ vật hoàn toàn kiêng các loại thịt động vật (lợn, gà, bò, dê, cá, tôm…), kể cả giò, nem, nuớc mắm. Trong đó, chè kho (đặc sản ẩm thực làng Trèm) là một trong những lễ vật đầu vị)
 3. Độc đáo của Hội Trèm, thể hiện ngay trong 1 số trò chơi dân gian, truyền thống:             - Phóng điểu (thả chim, với ý nghĩa phóng sinh, nêu cao đức Nhân của dân Trèm với muôn loài. Trò này bắt đầu cùng với lễ Mộc dục trong sân đình thì ngoài Gảnh đình các cụ bắt đầu mở lồng phóng điểu).
      - Đấu vật dựng xới ngay ở vườn sau đình với ý nghĩa ôn lại cảnh quân lính cuả Đức Thánh tập luyện sức khỏe, đề cao truyền thống thượng võ của dân 3 làng);
- Thi nấu chè kho - đặc sản ẩm thực là thi tài khéo léo của phụ nữ Trèm.
- Rồi chọi gà, bịt mắt bắt dê, bắt vịt, cờ bỏi, cờ người...
          Mấy cụ già đăm chiêu vuốt râu, nghĩ cách phá nước chiếu bí; trai thanh, gái lịch đua tài, đua sắc dập dìu, tha thướt; lũ trẻ lau nhau, lít nhít chạy hoắng lên, mồ hôi đầm đìa, mặt mày hân hoan, hăm hở; mấy bà, mấy chị đội mâm lễ thành kính, trang nghiêm và đầy hi vọng Đức thánh cho phát tài, phát lộc, buôn may bán đắt hay cuối năm có đích tử, đích tôn,...  
        Tôi đã xem hội, dự lễ hội làng bao nhiêu năm, bao nhiêu lần, vậy mà năm nào cũng khấp khởi đợi, cũng háo hức chờ xem... mãi không chán. Mỗi năm, mõi lần xem hội, vẫn cứ thấy vui lâng lâng, bồi hồi, cảm động…!        
         Lễ hội Đình làng, phải chăng là một trong những đặc sắc nhất của văn hoá cổ truyền ở xứ nhiệt đới nóng nực và sông nước nước Việt ta?         
Hội làng! Hội làng và tuổi thơ, tuổi thanh niên và cả tuổi mãn chiều xế bóng!  Niềm vui bồng bột và nỗi buồn thấm thía, mấy ai chẳng trải nghiệm một đôi lần?! *

·         Lộ trình nghi lễ rước Văn (đề cao truyền thống văn học, văn hiến, văn hóa) từ xa xưa, thực thi cho đến năm 1956 (trước khi Lễ Hội Đình Trèm tạm ngừng gần 40 năm):
            Khởi hành từ nhà riêng cụ Tổng Chi (xóm Đông Trung, thôn Đông Sen) ra đình. Cụ Lê Văn Chi là chánh tổng Thượng Thụy, con trai cả cụ Thủ chỉ - Tiên chỉ Hàn Lê - Tú tài Lê Duy Túy, ông nội cụ Lê Đình Thu), người có học vị cao nhất làng tại thời điểm đó.
            Từ sau năm 1990, Lễ hội Đình Trèm được mở lại. Rước Văn được tổ chức từ Chùa Trèm (Hàm Long Tự) về Đình Trèm.
            Không hiểu các Ban Khánh tiết Lễ Hội xã Thụy Phương, từ ấy đến nay, thay đổi lộ trình  dựa trên cơ sở nào???!!!
             
Chiều thu Quý Mùi  
 7 - 10 – 2003 - Sửa chữa, bổ sung,
đầu hè năm Quý Tỵ,  7 – 5 – 2013. ĐV

2 nhận xét:

  1. Phú Cương cấp 3 Nho quan Alúc 14:29 5 tháng 7, 2013

    Cảm ơn bác Đương Vân, và bạn Vũ Nho bài hay quá, tôi đã vài lần đã dự lễ hội Đền Trèm, thật xúc động, Hồi đó bố bạn tôi làm thủ từ (phải bầu chọn kỹ càng, trước những ngày lễ cả tuần cụ kiêng kỵ rất kỹ, nay cụ đã quy tiên, con sông Hồng vẫn chảy...

    Trả lờiXóa