Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

GIẤC MƠ NHỮNG NỖI BUỒN ẤM VÀ TRONG





 GIẤC MƠ NHỮNG NỖI BUỒN ẤM VÀ TRONG

Tập ĐƯỜNG GIÓ của Giáng Vân, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2013



                                      Vũ Nho



Ấn tượng về “Đường Gió” khi dừng ở  bài  cuối cùng của tập thơ là  dường như đã  chầm chậm chảy tuôn qua những giấc mơ dài. Hình như mỗi bài thơ của tác giả là một giấc mơ. Một giấc mơ không đợi khi người ngủ, mà mơ khi đang tỉnh thức, đang nhận thức:

          Tôi đi dưới những vòm cây này

          Và không ngừng mơ…

                   Viết ở Viêng Chăn

Nhà thơ đã  “Mơ ngụp thật sâu” ( Biến hóa) để thấy mình biến đổi. Và chính chị cũng ngạc nhiên về những giấc mơ của mình:

          Những giấc mơ tôi

          Cứ dầy lên

          Mỗi ngày mang một màu sắc khác

                             Những giấc mơ tôi

          Không hiểu vì sao

          Những giấc mơ

          Cứ đi qua

          Rồi trở lại

                             Giấc mơ

Dần dà, rồi thế là người đọc cũng không ngạc nhiên nữa, không băn khoăn nữa, không hồ nghi nữa khi bắt gặp lời giãi bày này của nhà thơ:

          Ban ngày tôi sống

          Ban đêm tôi mơ

          Tôi của những giấc mơ

          Hay những giấc mơ làm ra tôi

          Bao giờ thì hết mơ

          Bao giờ hết tôi?

                   Lượm lặt

Có lẽ vì lí do ấy mà  có thể nói rằng thơ Giáng Vân là những giấc mơ. Chưa ở đâu mà  “mơ” và “giấc mơ” lại xuất hiện nhiều và liên tiếp như vậy. Thống kê thấy 26 bài có nói đến giấc mơ trên tổng số 70 bài của cả tập. Nghĩa là cứ khoảng hơn hai bài thì có một bài nói đến “giấc mơ”. Có “những giấc mơ trùng điệp” ( Những ẩn dụ của giấc mơ), lại có “một giấc mơ thoảng qua” ( Trò chuyện với thời gian), có “giấc mơ đã quên” ( Những ý nghĩ ) có  “mơ kiếp trước” ( Khoảnh khắc), có “ Dư âm của một giấc mơ” ( Nhịp chậm),  có “ những cơn mơ thắp lửa” ( Buồn và sáng) và cả “những giấc mơ vật vã/ những giấc mơ trôi nổi” ( Nhật kí 2). Đến nỗi nhà thơ phải tự mình thốt lên:

          Điều tôi mơ nhiều không kể xiết

          Nếu tôi không mơ thì sẽ ra sao?

                             Mâu thuẫn


Quả thật không thể hình dung khi đi vào thế giới thơ Giáng Vân mà lại thiếu những giấc mơ. Có lẽ  cho rằng nhà thơ tuyên ngôn “ Chúng ta chỉ có thể bay trong giấc mơ/ Để tuyệt giao với nhơ bẩn” ( Viết tặng họa sĩ Trần Trọng Vũ); và  giải thích câu thơ ấy như là nguyên nhân Giáng Vân đi vào thế giới của những giấc mơ thì có phần giản đơn và phiến diện. Giấc mơ của Giáng Vân vừa là cơn mơ, vừa là mộng mơ, vừa là khao khát, vừa là mơ ước vừa là   gần như cứu cánh cuộc đời. Ở đó có tưởng tượng và mong ước, ở đó có say mê những điều tốt đẹp, xa vời; có mộng ảo lung linh; có khát vọng mãnh liệt; có thoát li những hệ lụy đời thường. Có lẽ chỉ trong thế giới đó, cái tôi cá thể của tác giả mới thực hiện được sự “Chảy tuôn/ Và biến tấu không ngừng” ( Chảy tuôn). Trong thế giới đó, nhà thơ mới có thể “ bước ra khỏi tôi”  ( Trong ngôi nhà rộng lớn) và “ Bỏ lại thật xa ngoài kia/ Ganh đua, tị hiềm, phiền não” ( Nhịp chậm) để rồi buông xả,  tự do : “Tự trôi/ Như nước trên sông/ Như trăng giữa thiên hà/ Như gió theo gió” ( Tự trôi).

          Để đạt được sự an nhiên, bình thản và tĩnh tại đó, nhà thơ đã chiêm nghiệm cuộc sống qua chính bản thân mình. Một cuộc thử nghiệm thú vị:

Tôi thả tôi vào bóng tối/ Chìm sâu, chìm sâu”; “ Tôi thả tôi vào ánh sáng/ Ánh sáng tràn ngập tôi”;  “ Tôi/ Quên tôi đi/ Như chưa từng có…” ( Tôi không là tôi). Và không ít lần, người thơ nhìn bản thân mình như nhìn một khách thể :

          Tôi thấy mình sáng dịu

          Tôi thấy tôi không quá độ buồn

Người thấm vào tôi

Cũng theo cái cách không khí thấm vào tôi

Nước thấm vào tôi

Làm mới lại một mùa gieo trồng

Những thứ cây có hương vị vừa đủ mê hoặc

                             Một ngày

Thậm chí :

          Tôi nhìn thấy tôi chết

          Và từng sống lại

          Không một dấu vết nào

                             Nhìn

Một cách khác  cũng nói về cái chết, đó là nói tới sự phân rã, sự không hiện hữu của mình : “ Thân xác ta tan rã/ Trong đất sâu/ Trong những đời sống khác/ lũ côn trùng/ hoan ca/ nhảy múa” ( Trò chuyện với thời gian). Đó có thể là cái chết của những ước mơ : “ Mơ mộng như rừng/ một mai đã chết” ( Thơ tháng Tám). Có thể là cái chết của hoa loa kèn sau khi đã để lại “ những dư âm dịu dàng lan đi” ( Loa kèn). Có thể là cái chết của những mầm cây “ Tâm hồn tôi còn nguyên những mầm cây đã chết/ Ngay cả khi/ bản nhạc cây đã tràn ngập khu vườn” ( Trong khu vườn tôi). Có thể là cái chết của một bông hoa, một mối tình khiến bồn chồn, trăn trở “ Những bông hoa chết/ hương hoa đi đâu/ Tình yêu chết/hương tình đi đâu?” ( Nhật kí). Có thể là cái chết của cả một thành phố trong động đất, sóng thần; giống như tổ kiến trong cơn mưa lũ : “ Thành phố này có rất nhiều giấc mơ/ Rồi một sớm mai có thể tan biến” ( Nhìn từ trên cao). Những cái chết trong thơ của Giáng Vân được nói đến với một thái độ bình tĩnh, điềm đạm. Phải chăng vì nhà thơ đã thấy được sự cố gắng của mình và mọi người “ Tất cả chúng ta đã gắng gỏi biết bao/ Để đi đến cái chết này”  ( Thơ tháng tám). Phải chăng cần một cái chết  trong mơ để giải thoát vì “ Chúng ta uống, chúng ta ăn, chúng ta thở/ và tự mình biến thành thuốc độc” ( Nhật kí 2). Phải chăng vì  giác ngộ sự luân hồi, quy luật tái sinh của sự vật? Chết không là hết. Chết là để phục sinh, tươi mới hơn, tốt đẹp hơn:

          Tôi

          Hóa ra những vụn vỡ nhỏ

          Li ti

          Hạt giống loài hoa cỏ

          Có thể nảy mầm rất nhanh

          Một sáng thôi

Làm tràn ngập sự thanh khiết

                   Biến hóa

Cái ý nghĩ phục sinh  sau cái chết không chỉ nảy sinh một lần trong thơ Giáng Vân:

          Mùa đã chết trở mình trong những cơ thể khác

          Nước mắt thành hoa

          Hoa có lẽ hóa giấc mơ rồi

          Tôi không còn tôi

          Thơ như gió ngang trời…

                             Tôi không là tôi

Trong cuộc đời này “ Đau thương/ kéo lê những kiếp người trên mặt đất” ( Mê  kông). Trong cuộc đời này “ Chúng ta chỉ có một nỗi buồn rất nặng”  ( Viết tặng họa sĩ Trần Trọng Vũ). Và trong cuộc đời này “ Tất thảy chúng ta đều thật buồn[…] Tất thảy chúng ta đều quên lãng và mòn mỏi” ( Chiều cuối năm); “ Những ngọn gió chết lặng trên cây/ Cơn giông không sao tới được […]/ Mà chúng ta không thở được đã từ lâu” ( Trước cơn giông). Như thế rất cần những cơn mơ, rất cần những cái chết trong mơ để thanh lọc,  để đổi mới, để có một thế giới khác “ Và xanh tươi hết thảy bãi bờ/ Và ánh sáng lan tràn mọi chốn” ( Bài hát 3); để hồi sinh; để:

          Tất cả đau thương sẽ lành

          Tất cả những môi thơm sẽ đợi

          Cả bình minh cùng những hoàng hôn

                             Gửi…

Khi ấy thế  giới chúng ta sống sẽ như những cái cây tràn đầy sức sống mới sau mùa rụng lá:

          Bật tung những chồi xanh

          Trên khắp thân, cành

          Những cái cây

          Choáng váng vì hạnh phúc

                   Những cái cây

Trong bài viết “ Một số suy nghĩ về thơ” Giáng Vân cho rằng “ Nhịp điệu của mỗi con người – mang dấu ấn cá tính, tâm lí, đặc điểm sinh học, phong cách sống, hết sức riêng biệt, không giống với bất cứ ai. Nhịp điệu của nhà thơ cũng vậy”. Bảo rằng nhịp điệu của thơ Giáng Vân là nhịp điệu chậm có lẽ cũng chưa phải, mặc dù chị có bài thơ “ Nhịp chậm”. Nhịp điệu thơ Giáng Vân khi nhanh, khi chậm, khi tự trôi, khi chảy tuôn, khi vun vút. Nó là nhịp đời vang vọng trong một tâm hồn. Nó khác biệt mọi người vì nó là của một Giáng Vân có ý thức về bản sắc thơ mình. Thơ chị vừa nắm bắt, thu nhận những chuyển động của cuộc sống để mô tả, xúc cảm, phát hiện, đồng thời vừa lắng nghe bản thân, thám hiểm tận cùng bản thân mình cả ý thức lẫn vô thức, cả lí trí tỉnh táo lẫn bản năng. Có thể nói là nhà thơ đã cân bằng giữa hướng ngoại và hướng nội, tạo ra sự hài hòa cần thiết để vừa đi ra chiều rộng, vừa đi vào chiều sâu.

Thơ của Giáng Vân không thiếu những buồn thương, những cô đơn, cả những hoài nghi, trăn trở, cả những giọt nước mắt không thể khóc âm thầm chảy ngược vào trong. Những trăn trở ấy thể hiện trong  “ Những câu hỏi câm lặng/ Chảy mãi về trời” ( Những câu hỏi câm lặng); trong “ Một nghìn câu hỏi của em”  ( Chiều cuối năm). Nhưng nỗi buồn ấy ấm và trong, nỗi buồn ấy sáng vì nhà thơ không bao giờ tuyệt vọng. Giáng Vân vẫn hồn nhiên đi theo đường gió, con đường phóng khoáng, tự do “ Theo những ánh sáng đẹp/ Theo mưa rây ngày xuân/ Theo hoa hồng mới nở/ Những hồn hoa trong ngần” ( Chảy tuôn).

          Dẫu tràn ngập những cơn mơ, những nỗi buồn ấm và trong, thơ Giáng Vân vẫn là “ Một nốt nhạc vui/ Một vòng tay mở/ Một chân trời ngỏ” ( Bài hát 2) dành cho mọi người.

                                                                   Hà Nội, cuối tháng 4/2013



 Bài đăng báo Văn Nghệ số     tháng 5/2013





                  



         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét