Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

HƯƠNG NGỌC LAN



HƯƠNG NGỌC LAN
                                   
TRẦN NĂNG TĨNH

Con cứ nhớ mãi lần gặp thầy ở nơi sơ tán. Ấy là khoảng năm 1968. Chiều rồi.Con mải đạp xe về nhà mình. Một thoáng ngỡ ngàng...ai như thầy giáo của con thưở cấp một. Như có linh tính mách bảo, con vội vã quay xe trở lại.Một cụ già chống chiếc ba-toong đang bước đi chậm chạp. Con đỗ xe bên thầy. Một cái giật mình của thầy trước sự đường đột khi có người áp xe vào tận nơi giữa một con đường quê lúc chiều tối.Cái giật mình ấy làm con nhớ mãi và ân hận nữa. Con hỏi :"Thưa thầy, thầy còn nhớ con không ạ?".Thầy ngước nhìn con với cặp mắt đục và buồn buồn của người già :"Xin lỗi! Anh thông cảm.Mấy năm vừa rồi, tôi gặp nhiều chuyện buồn.Hơn nữa căn bệnh người già, nên dạo này trí nhớ của tôi đã kém đi nhiều...".
  Con thật là người vô tâm và vô lí phải không thầy.Sao con lại dám đòi hỏi thầy phải nhớ cậu học trò của thầy, đã hơn chục năm qua.Con nắm chặt tay thầy và hối hả trong niềm xúc động :"Thưa thầy! Con là Trần Quốc Trung, là học trò của thầy hồi lớp 1C trường Trần Quốc Toản đây ạ!".Thầy lặng đi một chút rồi bỗng như reo lên"Thầy nhớ rồi! Thầy nhớ ra rối! Anh đã đến nhà thầy để nhận giấy khen của nhà trường phải không?".
  Con nhắc lại kỉ niệm từ cái thưở còn là chú nhóc.Nhà thầy ở phố Hàng Song.Thầy hẹn con đến nhà thầy để lấy giấy khen vì hồi ấy con được là "Cán bộ lớp".Vào nhà thầy, qua một khoảng sân rộng và con nhớ mãi mùi hương thoang thoảng của cây ngọc lan...

                                                                                       ***
Cho mãi đến bốn năm sau, khi cuộc chiến tranh chống Mĩ tạm ngưng, mọi người lần lượt kéo nhau về Thành phố.Một dịp gần Tết,tôi mới trở lại thăm thầy. Tôi mang theo chục bánh cốm Hàng Than từ Hà Nội về. Tôi thầm nhủ: gọi là chút quà đặc sản Hà Nội biếu thầy.

  Tôi bấm chuông căn nhà số... phố Hàng Song năm nào mà nhớ mãi hồi ấy,thầy ra tận cửa đón tôi.Thầy lại cho tôi ăn chuối Ngự- món đặc sản Quê tôi,thời xa xưa để tiến Vua.
  "Cậu tìm ai?".Tôi chợt giật mình Một bà già mở cửa và hỏi tôi. Tôi hỏi lại:"Bà làm ơn cho hỏi thầy giáo Cương có nhà không a?" Bà lão nhìn tôi như ngơ ngác:"Thế cậu không biết gì à? Cụ giáo Cương đã mất từ hai năm nay rồi.Nhà này các con cụ giáo đã bán cho con trai tôi rồi.Sau khi bán nhà,họ đã chuyển lên Hà Nội từ năm ngoái".
  Tôi đứng lặng.Cũng chẳng cất nổi mồm miệng mà chào và cảm ơn bà lão. Chục đồng bánh cốm bỗng bẽ bàng trên tay.Tôi chợt thoảng nghe trong gió mùi hương ngọc lan. Chao ôi! Hương lan tỏa lan dịu nhẹ giữa khoảng sân vườn thoáng rộng nhà thầy.
Tôi cất tiếng gọi thầm giữa dòng người qua lại, chuẩn bị đón xuân: Thầy ơi!...

4 nhận xét:

  1. Cùng tâm trạng với những người nuối tiếc, ân hận vì chưa kịp quan tâm tới người thầy kính mến của mình. Cam ơn tác giả Trần Năng Tĩnh

    Trả lờiXóa
  2. Thày Vu Nho kính mến! Câu truyện của Thày gợi em nhớ đến 1 câu chuyện có thật.
    Bố đẻ của em là một giáo viên cấp 3, đã nghỉ hưu từ năm 1990. Những năm sau đó ông cụ thường xuyên đau yếu vì tuổi tác và lao lực vất vả. Khoảng năm năm sau khi về nghỉ, bố của em bất ngờ đón một nhóm HS cũ đến thăm. Nhìn thấy bố của em, họ gieo lên rất vui sướng, người nào cũng rạng rỡ, tay bắt mặt mừng vì được gặp lại thày, có chị còn khóc tu tu rồi nói mừng phát khóc vì thấy thày vẫn khoẻ mạnh. Khi các anh chị ấy về, bà hàng xóm nhà em sang chơi mới kể lại: Có một cậu trong nhóm HS ấy đã đến trước, tay cầm đồ lễ trong đó có thẻ hương và hỏi thăm bà cụ: có phải thày giáo đã...? Bà hàng xóm tốt bụng đã cho họ biết thày giáo của họ gần đây đã khỏe mạnh và hàng ngày vẫn dạy toán cho đám học trò trong xóm. Thế là họ sung sướng, gửi luôn bà cụ túi đồ lễ rồi chạy ùa cả vào nhà thày như những ngày xưa... Đã bao năm trôi qua kể từ câu chuyện nhầm lẫn ấy, ơn trời, bố của em vẫn được đón trò cũ hàng năm. Các anh chị HS ngày ấy năm nào cũng có một nhóm đại diện về thăm thày, nhắc lại câu chuyện năm xưa, thày trò cứ cười mãi!
    Đọc bài của Trần Năng Tĩnh, nhớ về câu chuyện của bố mình, em càng hiểu thêm tôn sư trọng đạo vẫn là truyền thống quý báu ngàn đời. Dẫu cuộc sống có bộn bề gánh nặng, toan lo, những người học trò có nghĩa vẫn không quên người thày đáng kính của mình đúng không Thày! Và tất nhiên trong số đó không phải ai cũng có được may mắn như những học trò của bố em. Nhiều người đã phải ân hận như cậu học trò trong Hương Ngọc Lan. Song dù vậy, tất cả họ đều rất đáng trọng! Họ đã làm đẹp thêm cho truyền thống dân tộc, họ gieo cho chúng ta niềm tin vào nghề giáo, tin vào lòng người, tình người!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Dương đã chia sẻ!
      Theo tín ngưỡng dân gian thì sự nhầm lẫn như vậy, làm cho người trong cuộc sống lâu. Chúc phụ thân của Dương trường thọ!

      Xóa