Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Vài lời nhân bài viết của nhà văn Tạ Duy Anh

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn gửi cho Chủ trang bài viết này. Cám ơn nhà thơ. Xin trân trọng giới thiệu bài viết cùng bạn đọc!


Vài lời nhân bài viết của nhà văn Tạ Duy Anh

                                                       Nguyễn Hoàng Sơn
  
Tôi nhận tin có bài viết gì đó của Tạ Duy Anh liên quan đến tôi (NHS), từ một cú điện thoại của nhà văn Lê Hoài Nam. Thời đại kĩ thuật số có khác, thông tin thật nhanh nhạy. Tôi còn loay hoay chưa tìm được trên mạng thì con gái lớn của tôi, vẻ rất bức xúc, đã đem về cho bố một bản in nhan đề “Nhân báo Tiền Phong 60 tuổi, tôi kể lại chuyện này”- Tạ Duy Anh. Trước khi đọc vào bài viết, độc giả được thưởng thức lời bình khá mùi mẫn của NQL ( Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê choa?) “ Chuyện thật đắng cay. Ôi cái tình của những người làm báo!” (!). Thành thực mà nói, trong trí tôi chẳng hề lưu giữ một tí ti nào về câu chuyện mà Tạ Duy Anh kể lại, hoàn toàn không! Không tin lắm vào trí nhớ tự nhiên của mình, tôi lục tìm các cuốn sổ tay năm 1987 còn lưu lại. Nếu sự việc đúng như Tạ Duy Anh kể thì có thể anh đến tòa soạn chiều ngày 11/6 năm 1987? Thế thì có thể sáng hôm ấy hoặc chiều hôm trước tôi đã đi Nam Định rồi? Nhật kí công tác của tôi ghi:
12/6/1987…
Làm việc với UBND tỉnh Hà Nam Ninh, anh Bùi Thế Bình, phó Chủ tịch . Xin Trung ương 5 vạn tấn lương thực! 54% là cán bộ viên chức của Trung ương…
13/6/1987 (xã) Nam Giang, Nam Ninh… Đ/c Trần Xuân Bối, Huyện ủy viên, Bí thư; Đoàn Trọng Khái, Chủ nhiệm; Nguyễn Minh Châu, Phó Bí thư…Buổi chiều, làm việc với Phòng y tế Nam Ninh, Trưởng phòng Bác sĩ Nguyễn Hữu Đạo, tổ trưởng dự án 2651 (PAM)…
14/6/1987 Làm việc tại Công ty xuất nhập khẩu Nam Ninh. 1/a. Hiên, Phó Giám đốc 2/a. Dương trưởng phòng kế hoạch 3/a. Hải Trưởng phòng Tổ chức…Chiều 14/6/1987: Làm việc tại Phong Định( HTX Phong Thành, xã PĐ). Vũ Tư Cấu ( Bí thư Đảng ủy xã); Vũ Dũng ( phó Chủ nhiệm); Vũ Đình Thi (nt); Vũ Đức Vọng (Ủy viên quản trị)… Tối 14/6/1987: Làm việc với Phó Bí thư  (?) Vũ Mộng Kiêm.28 vạn dân. 11 vạn lao động. 18 ngàn ha.
15/6/ 1987 ( không ghi gì?)
16/6/1987: Gặp  Giám  đốc Liên hiệp dệt Nam Định( ?)1889 người Hoa xây dựng nhà máy. 1900 Đuy-prê mua lại “ Công ty sợi Bắc Kỳ)…
17/6/1987 Gặp đ/c Hoàng Văn Lương, Giám đốc công ty thương nghiệp TP; đ/c Trần Văn Ninh, phó thường trực …Tối 17/6/1987: Làm việc với Sở Giáo dục…
18/6/1987 (làm việc với) Công ty sách và thiết bị trường học. ( ông) Hoàng Minh, Giám đốc. (ông) Nguyễn Kỷ, Phó Giám đốc; (ông) Đỗ Đình Tung, Phó Giám đốc, phụ trách xưởng sản xuất và sửa chữa đồ dùng dạy học…
Tóm lại, trong suốt một tuần (từ 12 đến 18 tháng 6/1987) tôi đi công tác tại Nam Định , không có hân hạnh ở nhà để diện kiến anh bộ đội Tạ Duy Đãng, tức nhà văn Tạ Duy Anh sau này. Có điều, có thể tôi quên do chuyến đi đầy ắp cảm xúc và công việc, nhưng không thấy Tạ Duy Anh nhắn hoặc liên hệ lại? Chẳng lẽ hồi ấy anh đã mắc bệnh quan trọng như bây giờ, tự đặt mình cao hơn người mà mình định nhờ vả? Có thể do anh chạy cửa khác, hiệu quả hơn nên không cần nhờ đến tôi nữa? Tôi có tiếc chắc cũng tiếc vừa thôi, vì hồi ấy tôi cũng chỉ là một phóng viên quèn, đúng nghĩa, dù có nhiệt tình đến mấy cũng chỉ có thể đề đạt với BBT, vậy thôi. Có điều, có lẽ Tạ Duy Anh nhớ lầm, chứ năm 1987 Dương Xuân Nam đã lên Tổng Biên tập đâu mà tôi đã có hân hạnh “làm việc với sếp Dương Xuân Nam về vụ của bố tôi” (TDA)?
Thành thực mà nói, sự việc của gia đình Tạ Duy Anh không mảy may để lại dấu ấn nào trong bộ nhớ của tôi. Sau này (cũng cách nay vài năm thôi) tôi có đọc trên mạng, đại khái cũng nắm được láng máng rằng những năm ấy, bố Tạ Duy Anh (theo lời anh) cũng bị hiểu lầm, trù dập gì đó, sau nhờ có ông con nổi tiếng can thiệp kịp thời thì mọi điều êm ả… Nhưng nhớ nhiều về thái độ, có thể gọi là hung hăng, của ông con – nhà văn Tạ Duy Anh, khi chì chiết về những sếp của ngành truyền thông trong tỉnh như các ông Lê Chúc, Đắc Hữu (nguyên là các TBT báo Hà Sơn Bình), nhất là với cô phóng viên tội nghiệp Bùi Bằng Giang, người trực tiếp viết bài về trường hợp của bố Tạ Duy Anh, hình như đăng trên báo Nhân Dân và được một cái giải báo chí gì đó? Sự việc cũng chỉ có thế, mấy chục năm rồi, có lẽ chỉ bố con Tạ Duy Anh nhớ lâu, nhớ kĩ, còn thiên hạ thì bao nhiêu việc, nhớ làm gì? Hình như sợ người ta quên, nên lâu lâu lại thấy Tạ Duy Anh lên mạng kể lể, rủa xả, còn đe sẽ xuất bản sách nữa, ghê chết…

Trở lại với sự việc được Tạ Duy Anh thuật lại, chắc là cũng theo trí nhớ? Tôi thấy Tiền Phong quá lịch sự. Thay vì việc Nguyễn Hoàng Sơn đi Nam Định vắng mặt, khi có yêu cầu , Tòa soạn cử hẳn hai phóng viên TH và HHT xuống tiếp “thằng lính quèn, mặt mũi đen đúa” là nhà văn tương lai Tạ Duy Anh. Anh nhớ cả “Chị HHT ngồi nghe tôi kể lại vắn tắt sự việc một lát, trong khi vẫn ăn gì đó trong miệng. Lát sau lấy cớ bận, chị bảo nhường việc tiếp tôi cho anh T.H”. Chà chà, đúng là trí nhớ nhà văn. Về những lời đối thoại giữa anh bộ đội Tạ Duy Đãng và anh TH, mặc dù có gạch đầu dòng hẳn hoi, nhưng tôi cũng xin phép chỉ tin một nửa. Trí nhớ hay phản ta lắm. Vả lại, nên nhớ là câu chuyện diễn ra năm 1987, thời kì tiền đổi mới, khí thế sôi sục, ngôn ngữ tự do, phóng túng có lẽ còn hơn cả bây giờ? Làm gì có chuyện, tiếp một anh bộ đội lạ mặt, lần đầu đến Tòa soạn, mà ông T.H nào đó “ nhíu mày bảo “- Việc của cụ thế là lên tới Cung Đình rồi( ý anh muốn nói báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đã đều dính vào), khó gỡ lắm. Khó vô cùng luôn. Có thể nói là hết cách…Sao không khoanh nó lại mà để loang ra to thế? Lên tới Cung Đình thì bọn tớ cũng chịu. Bọn tớ chỉ là tép riu thôi…Nghĩ ngợi giây lát, anh T.H lắc đầu nhìn tôi “ Chắc mình chả giúp gì được đâu. Bố mình cũng không dám viết ngược những gì đã in trên báo Nhân Dân. Các ông để nó đến đoạn này thì đành chịu thôi”.  (Những chỗ gạch đít là tôi mong bạn đọc chú ý) .Tôi không tin đó là ngôn ngữ của làng báo năm 1987, nhất lại là của một phóng viên Tiền Phong? Nó nặng mùi “ văn nô” lắm.  Điều đó ,tôi nghĩ,chỉ có thể nảy sinh trong đầu óc nghèo nàn của “nhà văn” nhiều hằn học Tạ Duy Anh? Mấy câu sau đây thì là “làm văn” đứt đuôi con nòng nọc rồi “Tôi cứ nấn ná thêm, hi vọng biết đâu anh Nguyễn Hoàng Sơn kịp về. Biết đâu anh TH đổi ý theo kiểu” giữa đường thấy việc bất bằng…”. Nhưng chiều xuống rất nhanh. Không gian đỏ như máu. (!) Hi vọng của tôi cũng sập xuống. Tôi đành ra về, lòng nặng như đeo đá.”…
Như tôi đã nói rõ trong phần đầu, nếu đúng là Tạ Duy Anh đến tìm tôi vào chiều 11/6/1987 thì tôi đã đi Nam Định vào chiều hôm trước, hoặc đúng sáng hôm ấy? Còn nếu tôi ở nhà thì hà cớ gì tôi phải tránh mặt anh ta? Tạ Duy Anh đòi gặp một lúc cả hai nhà báo TH và HHT còn được nữa là? Năm 1987 tôi xin nhắc lại, tôi chỉ là một phóng viên quèn, không có quyền từ chối tiếp bạn đọc và cộng tác viên, nhất là những người có oan khuất. Nếu tôi ở nhà và lánh mặt (chẳng vì lí do gì cả?) thì “chị thường trực…đầy cảnh giác” và  “ anh TH và chị HHT” chắc chắn không để tôi yên, họ sẽ gọi tôi xuống và ném trả cho tôi cái “của nợ” là thằng lính quèn, mặt mũi đen đúa Tạ Duy Đãng kia! Vì thế, tôi rất mong Tạ Duy Anh cho tôi biết tên tuổi cụ thể của cái “ người” đã “xui đểu” anh. “Mấy năm sau người bảo tôi rằng, hôm đó anh Nguyễn Hoàng Sơn chẳng đi đâu hết, mà ngồi trên tầng 2 của tòa soạn nhưng tôi không tin. Đến tận bây giờ tôi vẫn quyết không tin.” Anh không tin là phải. Tôi không quan trọng đến mức “mấy năm sau” mà có người còn nhớ giờ ấy, ngày ấy tôi làm gì, ở đâu… Đến tôi còn không nhớ nổi mình nữa là!
Tạ Duy Anh, theo tôi, có thể kể là nhà văn “giao thời”, khi xã hội ta đang chuyển từ thời “bao cấp” sang thời “đổi mới”, cùng “trà” với những Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Lập(?)…, tất nhiên là đi sau và thấp hơn Nguyễn Huy Thiệp? Hồi ấy, một giọng văn quyết liệt như của Tạ Duy Anh dễ được bạn đọc chú ý, đến nỗi nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến phải dùng tên một truyện ngắn của anh ta để đặt cho cả một nền văn học là nền văn học “Bước qua lời nguyền ” kia mà! Chính tôi (NHS) cũng bị hấp dẫn bởi giọng văn ấy và viết một bài báo biểu dương, có lẽ hơi quá lời  “Một bước tới văn đàn”  (2/11/1990) in trên TPCN: “Một nhà văn có tài khi xuất hiện thường quá ngưỡng với một bộ phận độc giả. Chính tôi cũng nằm trong bộ phận ấy. Cảm ơn Nhà xuất bản Văn học đã mau mắn và mạnh dạn cho ra đời tập truyện “ Bước qua lời nguyền”, trả lại cho tôi một nhà văn đích thực. Bài viết nhỏ này là để thanh minh cho sự nhận biết muộn màng của mình” ( Tranh luận Văn học, NHS, tr. 153, NXB Văn học, tháng 5/2000). Tôi còn tiếp tục dõi theo bước tiến của Tạ Duy Anh một vài năm sau. Trong bài đăng trên báo Văn nghệ “Những cây bút trưởng thành từ công trường TNCS Hòa Bình “ (viết ngày 24/9/1992) tôi không quên nhắc lại sự bất công mà tác giả “ Bước qua lời nguyền” gặp phải: “Tạ Duy Anh cũng viết dăm ba cái truyện ngắn rồi cả một tiểu thuyết về sông Đà nhưng chỉ nổi tiếng với truyện ngắn “Bước qua lời nguyền” viết về chính vùng quê anh, dòng họ anh với những giằng xé, đau đớn, những kiếp người vừa đáng thương vừa đáng giận. Tôi cho rằng tập truyện ngắn “Bước qua lời nguyền” của Tạ Duy Anh xứng đáng được nhận giải thưởng văn học 1991 và việc Ban chấm giải năm ngoái bỏ qua tập truyện quan trọng này là đáng tiếc và là một bất công với truyện ngắn - thể loại nghiêm túc và có nhiều thành tựu nhất trong thời kì đổi mới “(sđd, tr 193). Cũng trong bài này, tôi đã cảnh báo về một hiện tượng manh nha từ bấy giờ nhưng càng về sau càng phát triển đến mức không kiểm soát được: hiện tượng dùng danh nghĩa “văn học” để sát phạt, “thanh toán” lẫn nhau: “Cùng viết truyện ngắn nhưng Vũ Hữu Sự lại có khả năng… viết dài hơn là viết ngắn. Tiểu thuyết lịch sử đầu tay “Cành ban rỏ máu” đọc khá hấp dẫn, văn viết kĩ, có màu sắc cổ kính. Nhưng đến tiểu thuyết “Không thể giã từ” thì Vũ Hữu Sự không giữ được cốt cách trước đó. Cuốn sách được viết ra như để “thanh toán” với những ai đó. Về mặt này, Vũ Hữu Sự giống Tạ Duy Anh (ở truyện ngắn “Tội tổ tông” và phần nào ở tiểu thuyết “ Lão khổ”). Tôi không tán thành với lối làm văn học kiểu này tuy rằng những “tác phẩm” loại ấy bây giờ thật không đếm xuể và ngày càng cay cú, càng dữ dằn hơn!” (sđd, tr 194- những chữ in đậm là tác giả mới nhấn mạnh).
Thấm thoắt đã hơn 20 năm từ những dòng chữ in báo kia,  tác giả “ Bước qua lời nguyền” vẫn sống( và nghe nói sống khỏe?), vẫn làm “văn học” nhưng hình như tác phẩm không còn được nhắc nhở, bàn tán, tìm đọc như trước nữa? Đấy là một điều bình thường, đến Nguyễn Huy Thiệp bây giờ nghe nói còn gác bút, ngồi thiền, đánh bạn với bác sĩ chữa bệnh cho chó và làm thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh nữa là? Nhưng hình như Tạ Duy Anh không chịu được sự quên lãng? Những truyện ngắn truyện dài cả đống( trong đó nghe nói có cả “tiểu thuyết” Thiên thần sám hối gì đó, kể chuyện một ông –hay hai ông?- đến già còn nằm trong bụng mẹ vì lịch sự không chịu ra trước ông kia, kinh!) tiếc rằng chẳng được ai để ý. Rồi thì anh còn biên khảo, biên tập những gì gì của Nguyễn Trần Bạt, “ Trại súc vật” của một ông người Anh tôi quên tên…Và anh lên mạng internet, cái này mới thật đắc sách, vừa hợp mốt, vừa tha hồ “thủ dâm”, hò hét như giữa chốn không người . Anh nhắc lại những mối thù ( tưởng tượng?), thanh toán thêm một lần, nhiều lần với cô phóng viên trẻ năm nảo năm nào nay chắc cũng đã là một người mẹ đáng kính? Rồi anh lục tìm trong trí nhớ (bệnh hoạn?), “sắm” thêm những kẻ thù mới, như Nguyễn Hoàng Sơn, “dám” quên cả một cuộc hẹn với anh từ …có 26 năm trước, láo! Anh như người “Bước qua lời nguyền”, bước qua ranh giới, nhưng chẳng biết đi đâu, lơ ngơ ngã ba giữa chiều xế bóng… Để trấn an nỗi sợ ráng chiều đang ập đến, và cũng để khẳng định mình đang tồn tại giữa làng văn, làng báo, anh lớn tiếng hò hét, chửi đổng, đem những chuyện phần nhiều là hoang tưởng từ năm nảo năm nào, thời còn là thằng lính quèn, mặt mũi đen đúa, viết rồi tung lên mạng… Có lẽ ta đang được chứng kiến một ca tâm thần đặc biệt, đáng ghê sợ, trong làng văn?

23/11/2013

NHS

Vũ Nho thấy rằng cần đăng mấy lời nói lại của nhà văn Tạ Duy Anh, nên đã lọ mọ vào chép ở Blog  của Nguyễn Quang Lập về đây.


Cũng xin có vài lời
Tạ Duy Anh
Nhà văn Tạ Duy Anh
Tôi đọc “vài lời” dài hơn 2.600 chữ của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn mà vừa buồn cười và vừa thương ông anh mà tận giờ này tôi vẫn quý mến. Tôi sẽ không thanh minh về tính xác thực của những điều mình viết. Điều này để giành quyền cho Trời. Sự thể là tôi có một cuốn tự truyện, dài khoảng 700 trang, tất nhiên là chưa xuất bản. Trong cuốn sách đó thì chiếm khoảng 1/5 dung lượng kể về vụ án oan khốc của bố tôi. Và trong cái 1/5 đó thì có vài trăm từ liên quan đến ông anh Nguyễn Hoàng Sơn. Tôi kể lại vụ án chỉ vì nó gắn và tham gia quyết định vào một phần quan trọng của cuộc đời tôi, chứ không nhằm để “thù lâu, nhớ dai” như anh Sơn nghĩ. Tôi xin bật mí trước là có tới hơn 1/5 cuốn sách tôi phê phán bố mình và kể về những cái chả ra gì mà chính tôi dính vào, do chưa trưởng thành, do nông nổi, do có lúc cũng tham lam, độc ác…
Sự việc xảy ra với gia đình tôi đã 26 năm (Ngay cả tính tại thời điểm tôi gặp anh Sơn khoảng đầu tháng 8/1987 thì cũng có lẻ thêm vài tháng). Việc anh Sơn có nhớ đã hẹn tôi hay không thì tôi không biết mặc dù tôi khó mà bỏ được sự nghi ngờ về điều này. Bố tôi cũng đã mất được 10 năm, với ý nguyện muốn tôi tiếp tục trả thù và minh oan cho ông nhưng tôi đã làm ngược ý bố là tha thứ tất (ngoại trừ nguyện vọng của ông cần một lời xin lỗi, cho đến giờ này thì tôi biết là không thành). Cuốn sách tôi viết cũng đã vài năm. Sở dĩ tôi công bố phần liên quan đến anh Sơn vì chính tình cảm còn thân thiết giữa anh với tôi (giờ này thì có thể anh đã căm thù tôi rồi, thôi kệ!). Vì cái phần đó không thể bỏ đi khỏi cuốn sách, do nó liên quan tiếp đến một sự việc kỳ lạ khác (mà tôi không tiện bật mí, chỉ biết rằng, nhờ sự việc kỳ lạ ấy mà tôi phá được vụ án đã ở vào tình thế hầu như không thể đảo ngược), nên tôi muốn anh Sơn đọc nó từ khi cuốn sách chưa ra đời, khi anh còn khoẻ, tỉnh táo. Giả dụ lúc anh già cả, bệnh tật, mà sách của tôi ra đời thì khác nào tôi đánh úp anh nếu anh đọc được!
Với anh nguyễn Hoàng Sơn, lý do duy nhất của tôi chỉ như vậy thôi.
Trong lời kể lại đó tôi không hề trách móc anh Sơn (Cũng xin để Trời phán xử), nhưng trách móc báo TP thông qua H.H.T và T.H thì có. Anh Sơn chỉ là một “phóng viên quèn” như anh tự nhận là hoàn toàn chính xác. (Về chi tiết liên quan đến TBT thì tôi nhớ như in anh bảo nguyên văn với tôi “Dương Xuân Nam chưa lên TBT chính thức, mà đang phụ trách báo”). Dù là phụ trách thì quyền to nhất vẫn là ông ấy, chứ không phải Nguyễn Hoàng Sơn. Tôi biết điều đó chứ. Tôi vẫn tin là anh Sơn đi Nam Định kia mà! Lúc đó cũng chưa có điện thoại như bây giờ để “phôn” nên việc hẹn hay bỏ hẹn là không đơn giản.. Nay nghe anh Sơn trách là vì tôi “quan trọng bản thân quá mức” nên không quay lại gặp người nhờ vả là anh. Trời ạ, làm gì còn thời gian và tâm trạng khi ông T.H đã nói rõ đến như vậy, trong khi tính mạng bố tôi thì đang ngàn cân treo sợi tóc, tính từng giờ (Nếu anh Sơn có mặt tại làng tôi thời điểm ấy, anh sẽ thấy cảnh bố ráp hồi Pháp như sách mô tả chưa là cái đinh gì. Đài truyền thanh huyện đọc ra rả cả tháng trời nội dung bài báo bịa, những cán bộ xã và thôn có thù với bố tôi mua về hàng trăm con gà, lợn, pháo…để chờ ngày mở toà sẽ ăn mừng, đêm đêm họ đi lại vận động người tham gia reo hò nếu bố tôi bị áp giải ra toà, đồng thời ngăn cản những người ủng hộ bố tôi…). Liệu tôi còn tâm trạng để ngồi chờ hẹn gặp anh Sơn nữa không? Nhưng dù sao thì lời trách sau 26 năm của anh cũng khiến tôi nhẹ lòng đi rất nhiều.
Anh còn trách tôi cay nghiệt với người nay đã là bà mẹ hiền hậu, thì tôi chỉ có thể nói quả là tôi không thể bao dung được như anh để quên kẻ đã xuýt giết chết bố mình và đẩy 4 trong 6 người khác của gia đình tôi xuống nhà xác (1 người đã chuẩn bị khâm liệm). Chỉ may nhờ tổ tiên thương xót gia tuổi mà sống lại.
Còn những chuyện khác liên quan đến văn chương sách vở, cách sống, thói hợm hĩnh này nọ… thì bạn đọc ngày nay rất tinh, lại nhiều thông tin nên họ sẽ tự đưa ra phán quyết về những gì anh Nguyễn Hoàng Sơn viết về tôi. Từ lâu (ít nhất từ năm 1997, khi tôi thoát án ung thư) tôi đã không còn bận tâm về công danh hay bất cứ chuyện thị phi gì. Đáng lẽ ngay cả vài lời này tôi cũng không nên viết. Nhưng tôi sợ mọi người hiểu lầm tôi có mối thù gì ghê gớm với anh Nguyễn Hoàng Sơn, nên mạo muội xin thêm độc giả vài phút. Trong việc này, tôi không nói thêm một lời nào nữa.
Xin thứ lỗi nếu tôi đã làm bận lòng bạn đọc.
TDA



 


4 nhận xét:

  1. Bạn Vũ Nho ơi, là bạn đọc mình thấy vụ này rất buồn, bài của anh NHS thật cay nghiệt , làm mình đang nhớ vài câu thơ của anh NHS đâm ra nản chẳng dám nhớ lại. Mà theo anh NHS thì "Tạ Duy Anh kể thì có thể anh đến tòa soạn chiều ngày 11/6 năm 1987? Thế thì có thể sáng hôm ấy hoặc chiều hôm trước tôi đã đi Nam Định rồi? Nhật kí công tác của tôi ghi:
    “12/6/1987…" Người đến chiều 11/6 người bảo nhật ký tôi ghi 12/6. anh NHS phải cho tình trạng ...ngoại phạm của mình chứ (là bạn đọc mình thấy vậy ngày 11/6 anh NHS ở đâu? Chắc là ngày 11/6 anh NHS đạp xe xuống NĐ chả hạn chứ... Chả nhẽ nhà văn nhà thơ nhà báo lại cứ phải cay nghiệt thế ru?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn cấp 3 Nho Quan A của tôi ơi. Chỉ cần đưa lịch làm việc 12/6, đủ đảm bảo là NHS phải đi từ sáng 11 tháng 6 rồi, hoặc có thể đi chiều 10 tháng 6. Ngày xưa đi lại không dễ như bây giờ. Không biết đi bằng xe cơ quan hay có khi "xếp hàng" đi xe khách nữa. Vấn đề ở chỗ nhà văn TDA cũng có chỗ không hay nên mới khiến nhà thơ nổi đóa!

      Xóa
  2. Các nhà văn, nhà thơ không là người hoàn hảo thì ít nhất họ cũng phải mẫu mực một chút, bởi họ là người của công chúng mà. Nhưng hiện nay, hiện tượng các nhà văn, nhà thơ '' đấu khẩu, bôi bác nhau, chửi nhau theo kiểu có văn hóa '' hơi nhiều. Tại sao không học cách tha thứ cho nhau như Bác Giáp đã từng im lặng tha thứ cho những người từng muốn hại Bác. Các con của Người bây giờ có ai lên tiếng về chuyện của cha mình năm xưa đâu, mặc dù đã có những năm tháng gần như '' ngàn cân treo trên sợi tóc ''. Tôi mong các nhà văn, nhà thơ hãy sống với tấm lòng nhân ái, vị tha, dồn sức cho các tác phẩm văn chương xứng tầm thời đại ra đời. Như thế mới để lại '' dấu ấn '' của mình trong nhân dân đến muôn đời

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo tôi thì có chút hiểu lầm giữa hai nhà văn và nhà thơ. Trong cuộc sống, đôi khi cũng cần "sòng phẳng", thẳng thắn. Câu chuyện của hai bác ấy đã khép lại rồi.
      Cám ơn bạn đã ghé trang và chia sẻ.

      Xóa