Nhà giáo, nhà văn Hoàng Dân
Bản thảo Gương và
những góp ý của bạn bè, đồng nghiệp
1.
Nguyễn Chí Cương, nguyên hiệu phó trường CĐSP Hà Nội.
Thanh
Xuân, 30.7.2014
(Bản
thảo lần 2: 27.7)
Cảm ơn anh đã cho Chí Cương trở thành người đọc đầu
tiên cuốn sách của anh. Đọc thấy anh nhớ được nhiều sự kiện, trong một quãng
thời gian khá dài, đó là nguồn tư liệu quí, chân thực để người ta nhận ra cái gì sau cuốn sách. Lại thấy tiếc là
anh em mình đã ít nói chuyện với nhau. Đáng lẽ chúng mình có thể hiểu nhau
nhiều hơn nữa. Và biết đâu nguồn tư liệu có thể phong phú hơn. Bao nhiêu
chuyện, tưởng chẳng bao giờ nghĩ đến nữa; bao gương mặt, tưởng chẳng bao giờ
nhớ đến… bỗng trở về. Buồn thêm. Cuốn sách tự nó đủ sức sống vì sự chân thực và
giá trị của tư liệu.
Mail
ngày 31.7.2014:
Chí Cương đọc rồi. Có chỗ đọc được hai lượt. Nếu cần
sự chính xác của sự kiện thì không có gì phải đính chính.
Thường
Tín, 20.8.2014
(Bản
thảo lần 3: 11.8)
Chí Cương đã đọc hết bản thảo mới nhất của tiểu
thuyết. Phần Vĩ thanh là cần thiết
nhưng có thể lồng vào khi viết về các nhân vật được không? Nếu để riêng phải
lưu ý chủ đề để phần Vĩ thanh có
những điểm nhấn, tránh bị dàn trải, loãng.
Mình xác định cuốn sách là tiểu thuyết thì phải tuân
thủ, nhất quán những qui tắc cơ bản về thể loại.
Người viết tiểu thuyết có toàn quyền đối với tư liệu
(không như người viết kí, viết tự truyện…). Vì thế, những tư liệu đã có là quí,
đủ để khái quát nghệ thuật.
Hà Nội, ngày 10.9.2014
(Bản thảo lần 4: 27.8)
Văn chương đích thực làm người ta quên đi những con
người A, sự việc B, để hướng tới những vấn đề của con người, của cuộc đời. Nếu
đã yên tâm về điều này thì cứ để cho logic của đời sống dẫn dắt ngòi bút (đừng bận lòng nặng, nhẹ với nhân vật này, nguyên mẫu kia).
Bằng tâm huyết, sự thận trọng, nhọc nhằn…của tác giả, tin
rằng Gương sẽ xứng đáng với những
người mong đợi.
2.
Nguyễn Văn Đường, nguyên phó chủ nhiệm khoa Xã hội, trường CĐSP Hà Nội.
(Bản
thảo lần 4: 27.8)
-
Về nội dung, bản thảo lần bốn chặt chẽ hơn ba lần trước, nhưng vẫn có cảm giác
gam màu hơi tối, nên đầu tư vào các chương viết về hai nhân vật Nguyễn Minh Kỳ
và Lê Diệu Linh để tạo ra một sự hài hoà cần thiết.
-
Về nghệ thuật, tuy vẫn còn những hạn chế nhất định trong nghệ thuật dựng tiểu
thuyết, nhưng tạm coi như đó là những sở thích riêng của người viết, đòi hỏi
một sự hoàn hảo như lí thuyết có lẽ là không thực tế chăng? Cũng nên lưu ý,
việc loại bỏ các yếu tố chủ quan của người viết tuy là một yêu cầu nghiêm ngặt,
nhưng không nên cực đoan, đừng biến các cuộc đối thoại giữa các nhân vật trong
tiểu thuyết chỉ còn lại những cái gạch đầu dòng như một cái biên bản cuộc họp.
3.
Nguyễn Duy Thắng, nguyên chủ nhiệm khoa Tự nhiên, trường CĐSP Hà Nội.
(Bản
thảo lần 2: 27.7)
Nhiều tư liệu và chi tiết nhưng một số nhân vật chưa
có tính cách rõ rệt. Nên đầu tư vào một số nhân vật chính, dành những chương
chỉ viết về một nhân vật nào đó khiến cho những chương ấy có thể độc lập như
một truyện ngắn (vốn là sở trường của tác giả), tức là sau khi đọc xong, người
đọc có thể kể lại cuộc đời và số phận của nhân vật ấy.
Nên bổ sung chi tiết cho chương mở đầu: một phụ huynh
của thí sinh ở S. đứng giữa sân trường réo gọi đích danh một nhân vật để tố
cáo.
Tuy nhiên, càng đọc về cuối truyện càng thấy hay.
4.
Thầy Nguyễn Quang Biên, nguyên hiệu trưởng trường CĐSP Hà Nội.
(Lược
trích)
Mail của cụ Biên nhận tối 4.10.2014
Mình đã đọc xong bản thảo (đã chỉnh sửa, in trên giấy)
của cuốn Gương. Do không có điều kiện
so sánh tỉ mỉ bản mới với bản cũ nên cũng khó thấy rõ được những chỗ đã chỉnh
sửa, thêm, bớt của tác giả, nhưng cảm nhận chung là thấy bản mới "dễ
đọc" hơn, thú vị hơn ; tác giả hình như đã phần nào tự làm mờ mình đi
trong vai trò dẫn chuyện, nhân vật "Hóa" đã tương đối bình đẳng với
các nhân vật khác, do đó người đọc đỡ có cảm giác bị áp đặt trong các nhận
định, đánh giá của tác giả. Hầu hết những nhân vật của truyện được xây dựng gần
giống như nguyên mẫu nên những độc giả vốn là "người trong cuộc" dễ
dàng kiểm chứng được tính chân thực của con người và sự kiện trong tiểu thuyết
(mặc dù có những hư cấu của tác giả khi cần thiết). Đây cũng có thể là chỗ làm
mình băn khoăn, vì chắc chắn nó sẽ tạo ra những va chạm trong đời thường, nhưng
cũng là quyền của người viết sau khi đã cân nhắc mọi mặt rồi. Nhìn chung đây là
một tiểu thuyết tương đối hấp dẫn về đề tài GIÁO DỤC. Phần duy nhất mà mình
thấy chưa thật sự ưng ý là phần Vĩ thanh
; đọc phần này thấy nó hơi dàn trải, lan man, loãng.
Phần Lời tựa
của Đường Văn viết tốt, làm tôn thêm cái hay của truyện, đặc biệt nếu độc giả
đọc phần này sau khi đọc truyện xong. Còn để góp ý cho cuốn sách được hoàn
thiện hơn, mình có mấy ý kiến sau để tác giả tham khảo: Nên hạn chế bớt những
chỗ triết lý dài dòng nếu nó không ảnh hưởng gì đến nội dung của truyện. Cũng
vậy khi kể về ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ hưu, nhân vật Hóa đã ngồi
viết bài bình cho 2 bài thơ của Đường Văn, theo mình chỉ cần bình một bài,
chẳng hạn bài NHỚ QUÊN ? là đủ, để mạch truyện khỏi bị phân tán.
5. Lê Dụ, nguyên giáo viên Ngữ văn, trường THPT Thượng
Cát, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Đôi lời về bản thảo tiểu thuyết
GƯƠNG
Bản thảo lần thứ
4 tiểu thuyết Gương của Hoàng Dân
(27.8.2014) phải chăng đã được tác
giả xem là bản thảo cuối cùng?
Mở đầu bản thảo là bài Thay lời Tựa dài 13, 5 trang
A4 của TS. Đường Văn. Theo tôi, có thể coi đây là một tiểu luận phê bình văn học cẩn trọng, công phu, với những nhận xét,
phân tích, đánh giá tương đối toàn diện, thấu đáo về tác giả và tác phẩm. Có lẽ
ít ai viết trúng và hay được như thế về tiểu thuyết này của Hoàng Dân!
Sau phần Vĩ
thanh, lại đã có 4 nhận xét tri
âm, chí lý của những bạn đọc – người
trong cuộc (các cựu cán bộ, giáo viên trường CĐSP Hà Nội). Nội điều đó, tôi
nghĩ, cũng đã khiến tác giả Hoàng Dân hạnh
phúc lắm rồi!
Bởi vậy, dưới đây, tôi chỉ xin góp thêm đôi lời cảm
nhận chủ quan, vụn vặt, tản mạn, râu ria… mà thôi!
***
Đọc Gương, cảm xúc đầu tiên và xuyên suốt của tôi
là hứng thú, rất thích thú! Cốt truyện đơn giản; tình tiết, chi
tiết chọn lọc; bút pháp già giặn, linh hoạt; một số trang, đoạn đối thoại, độc
thoại khá sâu sắc; giọng điệu kể chuyện phong phú: lúc nhập, lúc tách. Một số
trang miêu tả, phân tích tâm lý nhân vật khá hay, gây được ấn tượng với bạn đọc.
Câu nói hay nhất trong Gương, theo tôi, là của nhân vật Kha:
Bà Kha bật
cười: - Thời buổi này thì bói đâu ra người trong sạch! (chương 39).
Bình luận nhỏ của người viết:
Thật dễ hiểu! Vì người trong sạch làm lãnh đạo trong
cơ chế này sẽ dễ bị cô lập và bật bãi; chỉ có người không trong sạch, nhưng
cũng đừng bẩn quá… thì may ra mới được yên vị mà… lãnh đạo!
Theo thống kê sơ bộ của tôi: 46 nhân vật lớn, nhỏ, chính, phụ trong Gương, mỗi người một vẻ. Nhưng ấn tượng nổi bật và đẹp hơn cả có lẽ
là nhân vật Hóa – nhà giáo – nhà văn
- cựu chiến binh. Tuy nhiên, ở đây, tác giả vẫn chưa xây dựng được Hóa thành một
hình tượng nhân vật điển hình trong tiểu thuyết. Thật đáng tiếc!
Hóa cũng như hầu hết các giáo viên phổ thông, CBGD đại
học, cao đẳng thời bao cấp ở nước ta, đời sống nghèo cực có khác gì cảnh giáo
Thứ trong Sống mòn (Nam Cao). Nhưng Hóa đã sống
không vụ lợi, từ lời nói đến hành động, đều thẳng băng mực Tàu, đối đáp sắc
sảo, khôn khéo.
Chẳng hạn: đoạn Hóa đấu lý quyết liệt với Miên để bênh
vực Ngạn trong cuộc họp Đảng ủy giới thiệu nhân sự, bầu hiệu trưởng (chương 40).
Hoặc đoạn tả phẩm cách đẹp của Hóa thời lính chiến:
không làm thịt gà và ăn thịt gà của tiểu đội; không a dua nói dối mà dám hi sinh danh dự, nhận mình làm việc xấu,
tự nguyện gánh chịu kỷ luật nghiêm khắc, nặng nề của cấp trên.
Hay đoạn độc thoại trữ tình rất thật và sâu, thể hiện
tâm trạng buồn, nhớ, tiếc và cả ân hận… của Hóa khi đọc thư từ biệt của Uyên
Ly, khi cô bạn thân sang châu Âu sống
với chồng (chương 41).
Đoạn đối thoại Hóa – Ngạn trong quán càfe Chiều bên hồ Lãng đãng khá sống động, chân thực…
Hóa hay liên
tưởng, nghĩ ngợi, hồi ức, đối chiếu, so sánh quá khứ với hiện tại. Tư tưởng,
tình cảm, hành động của nhân vật – người
kể chuyện chủ yếu này vừa có chiều rộng, chiều sâu và đậm tính nhân văn. (chương 42).
Một số nhân vật tiêu cực như: Mạnh, Thỉnh, Hạm, Liến…
đã gây ấn tượng mạnh trong tâm thức người đọc.
Viết về đề tài giáo dục, Gương, tiếp nối tiểu thuyết Dòng
xoáy của Trần Thị Nhật Tân (NXB
Thanh niên, tái bản 2008), theo tôi,
là cuốn tiểu thuyết tương lai, hứa hẹn
nhiều điều hay, hấp dẫn. Bởi lẽ,
bên cạnh những nhân vật tích cực, đẹp
đẽ như chủ nhiệm khoa xã hội, NGƯT
Nguyễn Minh Kỳ, phó hiệu trưởng Trương, phó bí thư đảng ủy kiêm chủ nhiệm khoa
năng khiếu Hóa, trưởng phòng tổ chức Thảo, sinh viên - giáo viên Diệu Linh, …
tác giả Hoàng Dân đã, ở mức độ nhất định, xây dựng khá thành công một số nhân vật tiêu cực, đến mức có thể
làm cho người đọc ghê ghê, rờn rợn!... Ấy là khi những cái mặt nạ Mạnh, Thỉnh,
Hạm, Liến… rơi xuống thì các danh vị tôn vinh nghề cao quý – kỹ sư tâm hồn, máy
cái của giáo dục… nhớp nhơ kia, chỉ còn làm chúng ta buồn đau, xấu hổ!
Nhưng tôi thật sự không thấy bất ngờ, không lạ lùng,
cho dù không gian nghệ thuật Gương khuôn gọn trong một ngôi
trường CĐSP Chu Văn An.
Tại sao vậy? Có gì đâu! Ai chẳng thuộc câu ca dao:
… để cho kẻ dưới chúng tôi hỗn
hào!
***
Một trong những nhược
điểm của Gương là tác giả đã trích dẫn hơi nhiều những câu chuyện, sự việc, tin tức, số liệu
từ báo chí. Thủ pháp này không chỉ làm cho dung lượng tiểu thuyết thêm nặng nề, rườm rà, mà còn góp phần làm
cho tính cách nhân vật bị chìm mờ đi. Tác giả nên lược bớt cho nội dung sách gọn, nhẹ.
Ví dụ: trong và sau bài văn bình luận về Tiền của học sinh Nguyễn Trung Hiếu… la liệt trích dẫn ý kiến phản hồi, bình
luận từ các báo chí khác nhau. Tác giả lại tỏ ra đồng tình với cô giáo Lê Diệu
Linh, khi bài văn học trò lạc kiểu loại
như thế mà giáo viên vẫn cho điểm 9!?
Xin lỗi! Phải chăng đây là sự ngụy biện lạc lõng, hay là biểu hiện hội chứng
tâm lý a dua…?! Xin nhớ rằng, chân lý nhiều khi không thuộc về số đông!
Nói thêm:
-
Tôi rất xúc động khi đọc đoạn: Ngày 29 .4.1975…vô cùng thiêng liêng
(Lời cuối sách).
TNTP, BTL, chủ nhật 14.9.2014.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét