Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Tiểu thuyết GƯƠNG của Hoàng Dân

                 


Tiểu thuyết GƯƠNG của Hoàng Dân

 VUNHONB : Nhà giáo, nhà văn Hoàng Dân mới hoàn thành tiểu thuyết GƯƠNG và chuẩn bị đưa in. Ông có gửi cho tôi bản thảo. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc phần Vĩ Thanh của cuốn sách tâm huyết này.                                        


VĨ THANH
                                                           Năm 2014

1
Kiểm tra xong tập văn bản hợp đồng lao động của nhà trường, Thảo cất vào tủ, rồi xếp đặt gọn gàng căn phòng làm việc của mình. Sau khi nghỉ hưu, Thảo tiếp tục làm công tác tổ chức tại mọt trường THCS dân lập khá nổi tiếng do ông Tuyến (nguyên giảng viên trường cao đẳng sư phạm Chu Văn An) làm hiệu trưởng. Thảo nghĩ, dù là công việc tổ chức ở trường quốc doanh hay trường dân doanh thì tinh thần trách nhiệm của người làm công việc tổ chức vẫn là phẩm chất cần thiết hàng đầu. Chỉ có một chút khác biệt, quan hệ giữa hiệu trưởng và trưởng phòng tổ chức ở trường quốc doanh là quan hệ cấp trên với cấp dưới; còn ở trường dân doanh là quan hệ cộng đồng trách nhiệm theo tinh thần “dựa vào nhau mà tồn tại”.
Chính cái tinh thần “dựa vào nhau mà tồn tại” đã trở thành một chất keo gắn bó giữa hiệu trưởng với các cán bộ, giáo viên của nhà trường. Nhà trường tạo điều kiện tối đa, còn các cán bộ giáo viên cũng tự nguyện phát huy tối đa tiềm lực chuyên môn của mình, cả hai cái “tối đa” ấy sẽ dần dần tạo dựng nên thương hiệu cho nhà trường. Và một khi nhà trường đã có thương hiệu thì quyền lợi của cả hiệu trưởng và tất cả cán bộ giáo viên đều được cải thiện.
Còn ở trường quốc doanh?... Thảo khẽ thở dài… Hồi ấy, ông Thêm giải thể khoa tại chức và cho sáp nhập vào phòng đào tạo; nhưng một thời gian ngắn sau, không hiểu ông Viễn (trưởng khoa tại chức đã bị giải thể) kêu cầu chạy chọt thế nào mà ông Thêm lại muốn tái lập khoa tại chức và phục chức cho ông Viễn. Để che mắt thiên hạ, ông Thêm cho thành lập hai phòng chức năng mới và kèm vào đó là việc tái lập khoa tại chức. Tuy nhiên, khi ông Thêm yêu cầu Thảo ra quyết định để ông ấy kí, Thảo đã dứt khoát:
- Nếu trưởng khoa vẫn là ông Viễn thì tôi không soạn thảo quyết định!

Ông Thêm giận tái mặt, xẵng giọng:
- Tại sao?
Thảo bình thản:
- Một người quá nhiều tai tiếng, đến nỗi có người gọi là cái “thây ma”, trường ta thiếu gì người có phẩm chất và năng lực mà phải dựng cái “thây ma” ấy lên làm trưởng khoa?
Ông Thêm im lặng rất lâu, rồi nói nhỏ:
- Thôi vậy, nếu đồng chí trưởng phòng tổ chức không đồng ý thì tôi cũng không ép!
Sau đó, hai phòng chức năng mới được thành lập và không thấy ông Thêm nhắc lại việc tái lập khoa tại chức nữa; nhưng quan hệ công tác giữa ông Thêm và Thảo cũng không còn được như xưa. Hồi ấy, nếu Thảo không kiên quyết thì trường đã có thêm một cái đầu đề cho anh em đàm tiếu!
Sau “sự kiện” ấy, ông Hoá gặp Thảo, nháy mắt:
- Anh xin mạn phép được thay mặt cho những người đàn ông để cảm ơn bản lĩnh của một người đàn bà!
Còn bây giờ, ở trường dân lập này, Thảo chưa bao giờ phải đối mặt với một tình huống bi hài như vậy…
Thảo đứng dậy, đi tới bên cửa sổ, nhấc chốt và dùng hai tay đẩy rộng hai cánh cửa về hai phía… Một làn gió mát rượi ùa vào căn phòng… Thảo cảm thấy khoan khoái dễ chịu và bất giác mỉm cười…

2
Trương vốn là người kiệm lời, kiệm lời tới mức bí ẩn, do đó không ai có thể đoán được là Trương đang nghĩ gì trong cuộc họp đảng uỷ mà Trương cứ một mực “chỉ có lí do duy nhất đó thôi”! Trương sợ bới ra thì xấu chàng hổ ai? Có thể! Trương sợ mình sẽ “thua trắng” trước sự già giơ của đối thủ? Có thể lắm! Trương tự giận mình vì đã dại dột đưa cổ vào tròng và thất vọng đến mức vô cảm, mặc cho nước chảy bèo trôi? Cũng có thể!...
Rồi Trương về khoa âm thầm như một cái bóng. Việc Trương từ nhiệm đã là chuyện lạ, nhưng việc Trương nhất quyết về làm giáo viên ở khoa cũ còn lạ hơn! Lạ đến mức chính ông Tạo cũng không thể hiểu nổi. Ông Tạo đã chân thành muốn “giải cứu” Trương, vậy mà Trương vẫn kiên quyết khước từ!
Hay là Trương thành tâm hành xử y như những gì tiền nhân đã răn dạy trong sách thánh hiền?
Người xưa, khi biết là triều đại đã đến hồi suy vong, không có cách gì cứu vãn, mà có muốn hiến kế chấn hưng thì hôn quân bạo chúa cũng bỏ ngoài tai...; vậy thì chỉ còn cách treo mũ từ quan để trở về với mây ngàn hạc nội, tùng cúc trúc mai... Nếu xem xét cách hành xử này ở góc độ danh dự cá nhân thì có thể đúng, nhưng nếu đặt cá nhân trong mối quan hệ với quyền lợi của cộng đồng thì có lẽ chưa ổn?! Bởi nếu ai cũng lánh đục tìm trong cả thì ai sẽ là người nhập thế để góp phần cải tạo xã hội và thay đổi hoàn cảnh sống cho trăm họ?! Có một giai thoại về cuộc trò chuyện giữa Khuất Nguyên với một ông lão chăn bò như sau: Trước khi nhảy xuống sông Mịch La để trầm mình, Khuất Nguyên ngửa mặt lên trời, than: "Cả thiên hạ say, chỉ có mình ta tỉnh; cả thiên hạ đục, chỉ có mình ta trong!". Ông lão chăn bò ở gần đấy, nghe xong lời than bèn bước tới, cười nói: "Thiên hạ say thì quan đại phu phải lay cho họ tỉnh, thiên hạ đục thì ngài phải khơi cho họ trong; như thế mới đáng mặt người quân tử chứ? Ngài tìm đến cái chết tức là ngài chạy trốn, việc như thế người quân tử có nên làm hay chăng?!".
Tất nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng ở Trương có cái gì đó phảng phất như phong thái xuất thế của các bậc danh nho xưa, chỉ tiếc rằng việc xuất thế của Trương xem ra có vẻ nửa vời. Hơn nữa, thời nay không phải là… thời xưa! Và Trương không phải là… danh nho!
Trương về khoa và làm chủ nhiệm một lớp, hết lòng với lớp suốt cả khoá học ba năm, nhưng cuối cùng cô lớp trưởng mà Trương tin cậy đã vi phạm kỉ luật rất nặng, tới mức bị đình chỉ thi tốt nghiệp một năm. Thế là Trương lại bị… bất ngờ! Lần trước là bất ngờ với đồng sự. Còn lần này là với học trò. Như vậy đã đủ cay đắng hay chưa thì chỉ có Trương mới trả lời được…


 3
Hoá đứng lặng ngắm nhìn hơn hai chục con cá vàng, cá thần tiên, cá chép ngũ sắc, cá chép vẩy rồng, cá chép Nhật… tung tăng bơi lội trong một cái bể thuỷ tinh dài 2,0 mét, rộng 0,6 mét và cao 0,8 mét. Những chú cá bơi ngược bơi xuôi, nhao lên lặn xuống không biết chán.
Còn trên kia là mấy cái lồng chim với những chú chào mào, chim gáy, vẹt… ríu rít suốt ngày. Hoá nghĩ, cá bơi hay lặn, ngoi lên hay ngụp xuống thì vẫn hoàn toàn im lặng. Nhưng chim cảnh thì không, sự tồn tại của chúng là nhờ có những tiếng hót với đủ các cung bậc khác nhau.
Hoá cố gắng nuôi “ba con” (chó, cá cảnh, chim cảnh) là bởi bị ám ảnh bởi những chiêm nghiệm sâu xa của nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn. Ông bảo: “Nuôi con chó để học sự trung thành. Nuôi con cá để học sự im lặng. Nuôi con chim để nhắc nhở mình không bao giờ được phép quên gốc gác của con người là tự nhiên!”. Hàng chục năm sống trong lòng đối phương, ông vẫn giữ được tấm lòng son với Tổ quốc, nhưng ông cũng có nhiều người bạn đồng nghiệp ở bên kia chiến tuyến. Ông và họ chân thành gắn bó với nhau vì cả hai bên đều trọng nghĩa khí và mến mộ tài năng của nhau. Ông và họ dường như đã trở thành một kiểu mẫu về tình bạn không phân biệt màu da, quốc tịch, chính kiến. Đó chính là một trong những phẩm chất làm nên huyền thoại về ông. Ở ông luôn tồn tại những mặt mâu thuẫn tưởng như khó điều hoà, nhưng sự thật thì ông đã xử lí chúng hài hoà như… huyền thoại! Ông có tình đồng chí keo sơn vì tất cả cùng phụng sự cho một mục đích chung là giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Nhưng ông cũng có những tình bạn gây xúc động lớn cho nhiều người có lương tri, và hôm nay, trong một thế giới nhiễu nhương đầy toan tính, tình bạn ấy của ông càng toả sáng như một lời nhắc nhở hữu ích. Nhiều người biết đến ông với tư cách là một nhà tình báo chiến lược, một “điệp viên hoàn hảo”; nhưng có lẽ ít người thấu hiểu và chia sẻ những viễn kiến của ông trong tình bạn. Hình như ông đã học được sự im lặng của loài cá? Im lặng trong chiến tranh. Im lặng trong hoà bình. Ông hầu như không nói về mình và về những việc mình đã làm. Vì thế, ông luôn là một bí ẩn. Những bí ẩn mà ông mang về thế giới bên kia gần như theo đúng nghĩa đen của danh ngôn: “Có những điều không thể nói với cha, mẹ. Có những điều không thể nói với vợ, con. Có những điều không thể nói với bạn bè. Đó là những điều chỉ có thể đem xuống mồ!”. Hoá nghĩ, ông là một con người vĩ đại, bởi ông dường như là một trong số rất ít những người đã trở thành hiện thân cho một chân lí giản dị: “Người ta, học nói thì chỉ cần ba năm, nhưng học sự im lặng thì cần phải cả đời!”.
Suy ngẫm về những con người vĩ đại như thế để Hoá luôn tự nhủ mình rằng, ta chỉ là một sự vật “đầu đen” vô danh trong cái biển đầu đen nhấp nhô trùng trùng vô tận kia mà thôi, và do đó tất cả những va đập trong quá khứ chỉ là những trò vui nhất thời, không hơn không kém!
Con Gấu (giống chó Bắc Hà, Lào Cai) đen tuyền từ đâu chạy về, ngước đôi mắt hoang dã lên nhìn Hoá như muốn vòi vĩnh một cử chỉ âu yếm… Bất giác Hoá mỉm cười, ngồi xuống, đưa bàn tay phải lên xoa nhẹ trên đầu con Gấu và bàn tay trái thì nắm lấy một chân trước của nó lắc lắc… Con Gấu lim dim đôi mắt và cất tiếng rên khe khẽ như muốn bày tỏ sự tri ân với chủ…
4
Kim vẫn như xưa, nhỏ nhắn, xinh đẹp và nói năng nhỏ nhẹ. Nhưng hình như trên gương mặt khả ái của Kim vẫn thấp thoáng một nét buồn kín đáo?  Sáu năm đã trôi qua, với một đời người thì quãng thời gian đó cũng chưa phải là dài, nếu nó không có một sự kiện gì đáng để phải nhớ.
Với Kim, đó là sự kiện xảy ra vào năm 2008… Khi tất cả đều đinh ninh rằng Kim sẽ là hiệu phó phụ trách chuyên môn để trong một tương lai gần sẽ là hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Chu Văn An thì đùng một cái, tất cả đều tan tành như bong bóng xà phòng. Thất vọng cũng có, nhưng cay đắng thì nhiều hơn. Vẫn biết, không thể coi là “mất” cái mà mình chưa có, nhưng lại cũng không thể không bị ám ảnh bởi “con cá mất là con cá to”!
Nếu Kim chỉ là trưởng phòng đào tạo mà không bao giờ là ứng viên cho chức hiệu phó thì Kim sẽ toàn vẹn biết bao! Cũng như Trương, nếu Trương chỉ là trưởng khoa chứ không là hiệu phó thì Trương sẽ có ích cho nhà trường biết bao! Như người đời từng cảnh báo “trên cao nhiều gió”, nếu nội lực chưa đủ mạnh để có thể miễn dịch với mọi tai hoạ do gió gây ra bất cứ lúc nào thì hãy nên trụ vững ở nơi mà mình đang đứng chân. Mấy nghìn năm trước, triết gia Lão Tử đã dạy “tri kỉ, tri bỉ, tri túc, tri chỉ” (biết mình, biết người, biết đủ, biết điểm dừng); nếu “thuộc bài” thì Kim và Trương phải kiên quyết từ chối làm “ứng viên” và làm “hiệu phó” ngay từ đầu, chứ không thể để tới lúc quá mù ra mưa…
Khi quyết định phải rời bỏ ngay lập tức cái sân khấu mà mình đã nhất thời trót dại múa may, Kim lặng lẽ đi tìm cái bản ngã đã phần nào bị tổn thương của mình…
Và Kim đang là giảng viên của một trường đại học danh tiếng. Kim khẽ thở dài, tự nhủ: “Hãy sống tiếp cho đúng là mình, chỉ là mình…”…

5
Vận cũng tự biết mình chẳng qua chỉ là một phiên bản của cái may mắn tình cờ theo kiểu “ngư ông đắc lợi”. Cái ghế hiệu phó bị Trương rũ bỏ không thương tiếc, bị Kim chới với “vồ hụt” thì mới đến lượt Vận, thế nên nó cũng chẳng danh giá gì cho cam!
Công bằng mà nói, thời ông Thêm còn ngồi cái ghế này, nó cũng phát tác ân uy ra trò. Đến thời Trương thì nó đã toòng teng như một trái bòng nhẹ hều đung đưa trước gió. Còn đến tay Vận thì nó chỉ còn là một thứ sắp xếp cho đủ mâm đủ cỗ mà thôi! Đã đóng cỗ sáu thì phải đủ sáu cái đầu đen mới được phép bắt đầu… cụng li và gắp, nhai, nuốt… Sáu cái đầu đen tình cờ ngồi chung một mâm cỗ thì ai mà biết được, cái đầu nào là kim cương, vàng ròng và cái đầu nào là đất sét, cán mai?
Nhưng sự đời vốn tù mù ở chỗ, đã là quan chức thì kẻ nào cũng hoạt ngôn và chém gió khơi khơi; cho nên khó mà phân biệt được “lời vàng” nào là gan ruột và “lời vàng” nào là trò lộng giả thành chân? Cho nên, Vận thường bụng bảo dạ: “Phải biết giữ thân, giữ thế, giữ mồm giữ miệng… để có một ngày về không giống Trương và một ngày đi cũng không giống Kim!”.
Ai cũng biết làm lãnh đạo thì phải có tâm, có tầm…; nhưng thời nay dù có đốt đuốc giữa ban ngày để kiếm tìm trong cái trường Cao đẳng Sư phạm Chu Văn An này một người như thế thì e rằng… hơi bị lãng mạn! Đành rằng chúng ta cũng từng có… một thời lãng mạn…

6
Thành phố Long Hà có nhiều khu nhà lắp ghép cao 5 tầng ra đời từ những năm 60 của thế kỉ trước, mà theo thiết kế, tuổi thọ của chúng chỉ 30 năm, bây giờ những khu nhà lắp ghép ấy đã quá đát trên dưới 20 năm, nhưng chúng vẫn đang gồng mình “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Không ai có thể biết những ngôi nhà quá đát ấy có thể sập đổ vào lúc nào bởi chúng đã cũ nát tới mức trơ cả lõi sắt hoen gỉ ở trên trần, trên tường…; và đáng sợ hơn là chúng đang phải “cõng” trên thân thể già nua ọp ẹp của mình hàng ngàn quả “bom nước” cùng hàng ngàn cái lồng sắt, chuồng sắt, chuồng cọp tua tủa bốn phía.
Ở trên tầng 5 (tầng áp mái), một tầng mà mùa hè thì như cái lò bát quái, còn mùa đông thì như Bắc cực, có một căn hộ (24 mét vuông) gắn một chiếc biển nhỏ màu xanh đã tróc sơn: 503, đó là căn hộ của bà Liến.
Bà Liến mua một chiếc vé tháng xe buýt, loại liên tuyến. Buổi sáng, bà rời khỏi căn hộ, lần bước xuống từng bậc cầu thang, ra điểm đỗ xe buýt và lên xe, rồi cứ ngồi lắc lư gà gật trên ghế của hết chiếc xe này đến chiếc xe khác. Bà “lắc lư gà gật” cho đến 12 giờ trưa thì trở về, leo lên căn hộ của mình ở tầng 5, ăn một gói mì tôm và đi ngủ. Khoảng 14h30 bà thức giấc, lại xuống từng bậc cầu thang, ra điểm đỗ xe buýt và lại tiếp tục điệp khúc “lắc lư gà gật” cho đến 19 giờ thì trở về. Bà nấu nướng chút ít cho bữa tối và đây mới là bữa chính trong ngày của bà. Ngày nào cũng như ngày nào, nắng cũng như mưa, bà Liến cứ lặp đi lặp lại những “công việc” như vậy. Dường như nó đã trở thành một nhịp sinh học bất biến của bà.
Cư dân ở khu nhà lắp ghép hầu như chẳng có ai để ý đến sự lẻ loi và lặng lẽ của bà, bởi chính họ cũng đang bị cuốn vào một cuộc mưu sinh luẩn quẩn như cái “hành trình xe buýt” của bà…
                                               
7
Cả tháng trời sau khi về hưu, Miên cứ bâng khuâng... Hết ra lại vào, hết đứng lại ngồi, hết bật ti vi lại tắt… Miên như đang sống trong một thế giới chân không sặc sỡ những sắc màu loá mắt… Thỉnh thoảng Miên lại dụi mắt lia lịa, tự hỏi: “Ta đang tỉnh hay mơ?”…
Cho đến tận bây giờ, có những điều ta vẫn không sao hiểu nổi? Có những may mắn kì lạ và cũng có những thất bại kì lạ! Ai đó nói rằng “Lúc được thì được quá cái đáng được, lúc mất thì cũng mất quá cái đáng mất”? Nhưng thế nào là đủ? Có lẽ chẳng ai cảm thấy vừa lòng với những gì mình đang có, vì thế ai cũng có những phiền muộn, những đắng cay! Giờ thì ta hiểu đời người vốn đã tạm bợ thì công danh sao bền vững? Nó chỉ là giấc chiêm bao mê hoặc và đẩy đưa con người vào một thế giới phù phiếm, vô bổ…
Bất giác, Miên nhếch mép cười. Ừ phải, Chúa đã sinh ra con người thì cũng sinh ra rắn rết, dòi bọ…; đã sinh ra hoa sen, hoa nhài… thì cũng sinh ra thài lài, chó đẻ… Ta phải cộng sinh với tất cả thôi! Nghĩ thế, Miên bỗng cảm thấy nhẹ nhõm phần nào…
Rồi có người mời Miên làm giám đốc pháp nhân một Trung tâm Tin học ngoài nhà trường, Miên vui vẻ nhận lời. Đi làm để còn được diện những bộ váy áo thời trang, được dùng những thỏi son, những hộp phấn đang chất đầy trong tủ; chứ cứ quanh quẩn ở nhà mãi thì sớm muộn cũng trở thành một bà già dị mọ mà thôi!
Ở trung tâm tin học, Miên nhanh chóng khiến cho các cô giáo và các nhân viên trẻ phải thán phục. Thán phục vì trình độ chuyên môn của Miên. Thán phục vì những bộ váy áo thời trang xịn của Miên. Thán phục vì vẻ đẹp kiêu sa của một quí bà…
Nếu những ai không từng chứng kiến hơn 10 năm Miên làm hiệu phó trường Cao đẳng Sư phạm Chu Văn An thì trong con mắt của họ, Miên là một người đàn bà lịch lãm và khả ái!

8
Bà Kha về hưu cũng đã được gần 10 năm. Công việc hằng ngày của bà bây giờ cũng giống như công việc của hàng triệu bà già hưu trí khác: chợ búa, cơm nước, giặt giũ, quét tước, trông cháu… và thỉnh thoảng đứng… thở! Tốc độ lão hoá của bà hình như quá nhanh so với một số bà hưu trí khác cùng trạc tuổi? Người ta bảo đó là do cái “cơ địa” của bà.
Chẳng hạn, ở ngoài đời, có bà uống bia vô tư như đàn ông mà không hề đỏ mặt liêu xiêu, nhưng cũng có bà chỉ cần nhấp một ngụm nhỏ là đã xây xẩm mặt mày. Có bà hút thuốc lá như dân nghiện chính hiệu không sao, nhưng có bà chỉ ngửi phải khói thuốc lá đã nôn thốc thôn tháo ra cả mật xanh mật vàng. Có bà 11h khuya còn uống nước trà đặc mà vẫn ngáy khò khò; nhưng có bà chỉ tợp một hớp là lập tức bị thức trắng đêm. Tất cả là do cái “cơ địa” hết, cũng như sang/hèn, giàu/nghèo, hạnh phúc/bất hạnh… cũng đều do “số” hết!
Nhưng với bà Kha thì còn một lí do khác, không phải ai cũng biết và có biết thì cũng khó chia sẻ…
Người ta bảo, nhiều tỉ năm trước và muôn tỉ năm sau; xét cho cùng, nhân loại cũng chỉ có ba tai hoạ lớn nhất là: THIÊN TAI, CHIẾN TRANH và CON HƯ; trong đó thiên taichiến tranh là tai hoạ chung, còn con hư là tai hoạ riêng trong từng gia đình, tai hoạ này trước hết sẽ làm tình làm tội cha mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, còn sau đó thì chỉ có trời mới biết!

9
Mạnh vẫn đến trường Chu Văn An vào các ngày 20 tháng 11 hằng năm, vẫn… chào mọi người như thể tất cả đều là những chiến hữu gan ruột từng một thời chia ngọt sẻ bùi với Mạnh. Nếu có ai đó cố ý lảng tránh, quay mặt đi… thì Mạnh cũng chẳng lấy làm điều và… vẫn tươi cười như thường.
Tuy nhiên, có một sự lạ, có năm người ta thấy Mạnh đến trường và nhận quà, dự lễ, ăn bữa cơm thân mật; nhưng cũng có năm sau khi nhận quà, Mạnh về ngay. Có người hỏi: “Sao không ở lại dự lễ?”. Mạnh trả lời: “Tôi có chút việc bận ở nhà!”. Việc bận thì thôi không đến trường, đến trường thì nên dự lễ - cái lí là như vậy, nhưng nói lí với các cụ hưu thì hơi… lãng mạn! Bởi ai đó có thể kêu ca phàn nàn về nỗi cơ cực “hành chính” của các cơ quan công quyền, nhưng có một “cửa” duy nhất mà hầu hết các nhân viên đều vô cùng nhã nhặn với mọi đương sự đến làm thủ tục hành chính, đó là cơ quan bảo hiểm làm thủ tục cấp sổ hưu cho các đương sự… về hưu! Ở đây, không ai nỡ nặng lời với các cụ, bởi người ta nghĩ rằng các cụ đã vất vả cả đời rồi, nên cũng dành cho các cụ đôi lời nhẹ nhàng cho nó mát mẻ, vui vẻ. Vả lại, nói như tiền nhân thì “quan tha ma chờ bắt”, nghĩa là về hưu rồi thì các cụ chỉ còn mỗi việc là chờ… ma bắt! Thế nên, cung cách đối xử với các cụ hưu của các nhân viên nhà nước phải nói là trên cả tuyệt vời! Người đời đã gượng nhẹ các cụ như vậy, chẳng lẽ các cụ lại nỡ căn vặn nhau “bận việc gì” hay sao?
Nhưng nghi ngờ thì không có tuổi tác, nếu không nói rằng các cụ nghỉ hưu càng lâu càng hay đa nghi. Vì thế, có cụ cho rằng, Mạnh sẽ không về nhà, mà là xuống trường Nguyễn Trãi…
Nhưng cũng có cụ không tin cái kiểu suy đoán… hưu trí ấy. Một vài cụ thì cảm thấy ngờ ngợ, bèn gọi điện cho bạn bè ở trường Nguyễn Trãi hỏi xem Mạnh có xuống đó trong buổi sáng hôm nay không. Thông tin hồi đáp là có. Các cụ vẫn chưa tin, hỏi lại: “Lỡ có hai anh em sinh đôi giống nhau như hai giọt nước thì sao?”. Các cụ bạn ở trường Nguyễn Trãi nổi cáu, gắt lên trong máy: “Thế thì các ông đi mà hỏi Trời…”.

10
Thi thoảng Thỉnh cũng về thăm trường cũ. Vẫn cái trán hói bóng và đôi mắt lồi khó ai quên được. Gặp ai Thỉnh cũng bắt tay, tươi cười. Mỗi khi ghé vào các khoa, phòng, ban…, Thỉnh thường nửa đùa nửa thật:
- Nếu còn ở lại trường này, dù tôi có làm đến hiệu trưởng thì cũng chỉ là ông vua xứ mù! Đi khỏi trường, tôi thăng tiến vù vù, lương leo mấy bậc, ngược xuôi Hà Nội-Sài Gòn như đi chợ bằng… máy bay!
Rồi có lần người ta thấy Thỉnh xuất hiện trên tivi, đang thao thao nói với các bạn trẻ:
- Sống là hoạt động có ý thức mang tính chất đặc thù của con người, chỉ con người mới có, nó là bằng chứng hùng hồn để phân biệt con người với động vật! Mặc dù con người cũng có những hoạt động bản năng, nhưng đó là thứ bản năng đã được ý thức hóa, tức là người hóa! Vậy bản chất của hoạt động sống là gì? Đó là quá trình hoạt động để khám phá tự nhiên, khám phá xã hội và khám phá chính bản thân con người! Khám phá tự nhiên và xã hội nhằm tìm hiểu các qui luật của nó, tiến tới làm chủ các qui luật ấy, bắt nó phục vụ cho cuộc sống con người! Đồng thời với việc khám phá các đối tượng khách thể ấy, con người còn khám phá chính bản thân mình, đào sâu và truy đến tận cùng vào cái tôi-bản ngã của mình để tìm kiếm lời đáp cho những câu hỏi lớn như: Con người là gì? Tình yêu là gì? Hạnh phúc là gì?... Nhưng, dường như, cho đến tận hôm nay vẫn chưa có lời đáp cuối cùng cho những câu hỏi ấy! Đó là những câu hỏi lớn, vĩnh viễn treo trước mắt nhân loại như một sự thách đố và cũng như một tác nhân kích thích khát vọng sống ở một trình độ cao hơn của con người! Nói cách khác, bản chất của cuộc sống là tình yêu, bản chất của tình yêu là sự sáng tạo, bản chất của sự sáng tạo là sự bất tử! Con người sẽ bất tử cùng với quá trình sáng tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần! Vì thế, các bạn trẻ cần phải xác định cho mình một lí tưởng sống cao đẹp, sống để lao động, sáng tạo và hi sinh, chứ không phải sống để đua đòi hưởng thụ một cách tầm thường, dung tục!

11
Ông Thêm ngồi im phắc trong một không gian dường như ngưng đọng... Ông cứ lặng lẽ hút thuốc, điếu này tiếp điếu khác… Vào lúc này, đối với ông, thời gian, không gian, kí ức… đều mù mờ… Nhưng cho dù mù mờ thì nó vẫn cứ thấp thoáng ẩn hiện những năm tháng thăng trầm, buồn vui…
Có thể mọi chuyện chỉ bắt đầu từ sự tự ái của cô Lành. Hồi ấy, ông Hoá là phó khoa xã hội, ông bảo một giáo viên trong tổ của cô Lành xuống tài vụ lấy tạm ứng kinh phí để dựng một chương trình văn nghệ chào mừng ngày 19.5, trong khi ông phớt lờ tổ trưởng là cô Lành. Có người nói, ông Hoá chỉ sơ suất hoặc đơn giản hoá vấn đề thôi. Hôm ấy, đi họp giao ban về, thấy có hai giáo viên trong tổ cô Lành đang ngồi trong văn phòng khoa, ông Hoá tiện mồm giao việc luôn. Nhưng cũng có người bảo ông Hoá cố tình xúc phạm cô Lành.  Không rõ thực hư thế nào, chỉ biết sự việc đó đã khiến cô Lành rất bất bình và cô chất vấn gay gắt ông chủ nhiệm khoa: “Các anh trong ban chủ nhiệm khoa phải thống nhất chứ? Ông Hoá làm như vậy tức là chẳng coi tôi ra gì!”…
Tiếp theo là sự việc sau khi tách khoa, ông Hoá cắt danh hiệu thi đua của cô Lành… Ông Thêm nghĩ: “Nếu hồi ấy mình đứng ra làm trung gian hoà giải cho hai người thì có lẽ sự việc đã không đi quá xa như vậy!”… Tiếc rằng, tất cả đều hiếu thắng một cách mù quáng và thế là cái hố ngăn cách giữa ông và Hoá ngày càng bị khoét sâu… Hoá có những phản ứng thật quyết liệt và hình như ông đã sai lầm khi liên tục để xảy ra những cuộc đấu khẩu nảy lửa với Hoá? Nếu ông chịu nhún một chút và chịu nghe lời can gián của Hoá thì có lẽ quan hệ giữa hai người đã không trở nên tồi tệ?...
Ông Thêm khẽ thở dài và châm tiếp một điếu thuốc lá nữa… Có thể cái kết bạc bẽo của ông hôm nay đã có mầm mống từ khi khởi phát sự xung khắc với Hoá? Nếu không phải là tất cả thì đây cũng là một trong những nguyên nhân chính? Không! Còn có nhiều mối quan hệ với những người khác nữa. Có việc ông xử lí đúng. Có việc sai. Nhưng có lẽ sai nhiều hơn đúng? Thực ra, nếu chỉ một mình Hoá gây khó dễ cho ông thì cũng chưa đáng kể gì! Hơn nữa, Hoá còn về hưu trước ông tới hơn hai năm kia mà! Hơn hai năm không có Hoá nhưng ông có cải thiện được gì đâu, nếu không nói là quan hệ của ông với một số người vẫn tiếp tục xấu đi? Sau khi nghỉ hưu, ông còn đến một khoa đào tạo để giảng dạy và ở khoa này, người ta đã lạnh nhạt với ông. Đấy không phải là khoa của Hoá và nhiều người trong khoa ấy cũng chẳng ưa gì Hoá, vậy thì rõ ràng Hoá không phải là nguyên nhân chính! Nguyên nhân chính là ông! Đúng, ông chỉ còn biết tự trách mình mà thôi! Bây giờ ông thực lòng muốn sửa chữa những sai lầm, nhưng liệu có còn cơ hội cho ông sửa nữa không? Chắc là không!
Ông Thêm rít một hơi thuốc thật sâu, từ từ nhả khói, trong đầu lởn vởn ý nghĩ: “Ừ thì ta có lỗi, nhưng người đời hình như cũng cố chấp?”.



                                                  Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội
                                                            Động bút: 30.4.2013
                                                            Xong bản thảo: 13.5.2014
Sửa lần 1: 21.5.2014/Sửa lần 2: 27.7.2014 (bỏ 3 chương)/Sửa lần 3: 11.8.2014/Sửa lần 4: 27.8.2014 (bỏ 2 chương)/Sửa lần 5: 30.9.2014 (bỏ 3 chương)/Sửa lần 6: 17.10.2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét