LỜI BẠT
(Đọc bản thảo cuối cùng Gương,
cuốn tiểu thuyết tâm huyết của
Hoàng Dân)
TS. ĐƯỜNG
VĂN
1. Những băn
khoăn, trăn trở trong quá trình tạo tác
Hoàng
Dân tuổi Đinh Hợi (1947), Đường Văn tôi tuổi Kỷ Sửu (1949), anh em cùng một
thế hệ, đồng nghiệp, cùng dạy một khoa, một trường CĐSP Thủ đô trong, ngoài 20
năm. Dân dạy Ngữ, tôi dạy Văn, lại cùng yêu thích văn nghệ, ham viết lách nhung
nhăng. Chúng tôi từng cùng viết, in dăm đầu sách, từ thơ ca, nghiên cứu phê bình đến chuyên môn nghiệp
vụ…nên cũng có thể gọi là tri giao - tri kỷ, đồng cảm - đồng điệu tâm hồn.
Trong gần hai năm qua, Hoàng Dân đã dốc hết trí, hồn, sức lực, quyết tâm gắng
sức hoàn thành bản thảo cuốn tiểu thuyết mới, nhan đề: Gương, một cuốn sách tâm huyết của mình.
Thực ra, trong những lần trò chuyện,
khi qua mail, khi điện thoại, khi
trực tiếp bên ấm trà, chén rượu nhàn đàm, anh vẫn thường tâm sự với tôi không
ít những băn khoăn, trăn trở về cuốn sách tương lai: từ ý tưởng nấu nung hàng
chục năm nay, trải qua một quá trình dài thai nghén, tạo tác nhọc nhằn với 6
lần sửa chữa, thêm, bớt, bổ sung công phu, sau khi nhận được những nhận xét,
góp ý của bạn bè, đồng nghiệp. Viết sửa, sửa viết, vất vả quá… đi cày! Có lúc
hăng hái, hăm hở viết như say, như điên, quên chết! Mỗi đêm một chương; có lúc
hoang mang, lại muốn dẹp quách, hoặc để đó, không bao giờ công bố nữa…?! Có lúc
chỉ sợ mình hóa thành anh chàng đẽo cày
giữa đường cốt làm vừa lòng người này, vừa ý người nọ! Hoàng Dân viết văn,
làm thơ đã nhiều năm, từng xuất bản không ít tác phẩm, nhưng có lẽ chưa có sáng
tác nào khiến anh phải lao tâm khổ tứ đến thế.
- Nhưng
mà vui, mà sướng, mà thanh thản, nhẹ
cả người như trút được gánh nặng ngàn cân, ông ạ!
Hoàng Dân mỉm cười, thở một hơi dài,
lại rít một hơi thuốc thật sâu, nhả khói, lim dim mắt nhìn trời và khoan khoái
nói với tôi như vậy.
Vì sao lại có chuyện ấy? Theo tôi,
nguyên nhân chủ yếu chính là vì anh đã lựa chọn chính ngôi trường CĐSP, nơi anh
và tôi công tác cho đến ngày nghỉ hưu làm đề
tài cho cuốn tiểu thuyết gan ruột của mình. Những câu chuyện lớn, nhỏ,
những chi tiết, tình tiết ngắn, dài đều có địa chỉ, thời điểm xác định; hầu hết
các nhân vật đều có thật tới… 101%! (mà mới có vài vị sang thế giới bên kia!)
Khó khăn lớn nhất, phức tạp nhất mà tác giả phải giải quyết và vượt qua bằng
được là mối quan hệ giữa sự thật và hư
cấu. Sự thật ở đây là nguyên mẫu, những nguyên mẫu mà tác giả
hiểu rất rõ, từng cùng chung sống, cùng làm việc trong một khoảng thời gian khá
dài. Lại có không ít sự thật rút từ chính cuộc đời tác giả - người trong cuộc. Bởi vậy, nó cần được
và không khó được phản ánh, thể hiện một cách chân thực, trung thành. Đọc lên,
những đồng nghiệp cùng trường với anh, với tôi… nhận ngay ra người này, người
kia, nhận ra chính mình, với những cái tốt, cái chưa tốt, chuyện hay, chuyện
dở, mà thường thì chuyện hay ít, chuyện dở nhiều! (sự thật là như thế!). Dù
đúng 100%, không thể cãi; nhưng chẳng ai thích, vui, hài lòng, khi bị đóng đinh vào trang in những khiếm
khuyết của mình. Thói đời, ai chẳng thích tự tôn, và rất ưa thích người khác
tôn vinh, tụng ca mình, dù có quá lên một tí cũng không sao!...
Cái khó của
Hoàng Dân khi sáng tác Gương là ở đó.
Nhưng ở đây, anh không viết tự truyện,
hồi ký, thậm chí cũng không định viết một tập tiểu thuyết – tư liệu hay truyện
– ký mà chủ tâm và quyết tâm viết một cuốn tiểu
thuyết tâm lý – xã hội đích thực, đúng nghĩa với khái niệm thể loại này.
Bạn đọc của anh, đọc cuốn sách này, tất nhiên, trước hết là những đồng nghiệp
cùng trường với anh – những bạn đọc –
người trong cuộc - nhân vật. Nhưng không chỉ có thế, anh tha thiết muốn gửi
một thông điệp nghệ thuật tới những bạn đọc rộng rãi khắp trong, ngoài nước,
hôm nay và ngày mai. Bởi vậy, anh phải khái quát hóa, tiểu thuyết hóa, mạnh dạn
hư cấu, sáng tạo nghệ thuật, phát huy liên tưởng, tưởng tượng, sử dụng ẩn dụ,
tượng trưng, phóng đại…để xây dựng tác phẩm, từ cốt truyện đến nhân vật theo
những ý tưởng riêng của mình mà sự thật, sự kiện, sự việc và con người từng xảy
ra, từng sống và làm việc ở ngôi trường sư phạm địa phương ấy, từ những nguyên
liệu, vật liệu, dẫn liệu đã được triệt để hoán
cốt đổi hồn theo quy luật của tái tạo và sáng tạo hình tượng văn học, để
trở thành những trang, những chương truyện, những nhân vật văn học 100%: vừa
khái quát vừa cụ thể, thật như bịa, bịa như thật. Những lời cuối sách là những lời giãi bày thành thực của người viết đối
với những bạn đọc – trong cuộc cặn kẽ
và khó tính, có lẽ vẫn chưa thật khách quan, đầy đủ, vì đó là lời tác giả. Bởi vậy, tôi, với tư cách
là một trong những bạn đọc – người trong
cuộc, một trong những nhân vật
trong cuốn tiểu thuyết, mới thử đặt mình vào địa vị và tâm thế người viết cùng
người đọc mà cảm thông, chia sẻ và luận giải tiếp cái sự khó mà Hoàng Dân đã tự
mình nhận lấy khi đặt bút viết Gương.
Tôi cho rằng, nhà văn nào, khi viết,
chẳng thể hiện ít nhiều tâm trạng chủ quan của mình trong tác phẩm. Hoàng Dân
cũng không ngoại lệ. Anh thường bày tỏ thái độ, tình cảm, chính kiến của mình
về người này, việc kia trong tiểu thuyết của mình. Nhưng anh cũng ý thức rõ, rằng cần phải hết sức tiết
chế, kìm nén cái chủ quan; giấu mình kỹ, kín hơn nữa, đặc biệt cố tránh sự ám
chỉ, hằn học, thù oán mang tính cá nhân, giọng điệu cố gắng bình đạm, khách
quan, với cái nhìn toàn diện, sáng suốt của hôm nay nhìn lại quá khứ một cách
có lý, có tình. Và muốn gì thì gì, tiêu chuẩn giá trị hàng đầu của tiểu thuyết
là phải đúng, phải hay, phải hấp dẫn người đọc. Hấp dẫn và thuyết phục ở tư
tưởng chủ đề, ở cốt truyện, ở nhân vật, ở cấu trúc, ở lời văn, giọng văn, ở
tình tiết, chi tiết… Bởi thế, tác giả vẫn phải từ hiện thực mà nghĩ suy lao
lung tìm hướng mở, giải quyết các vấn
đề, tái cấu trúc hiện thực, vẫn phải mạnh bạo phóng ra những liên tưởng, tưởng
tượng phóng khoáng, bay bổng, những kết cục bất ngờ hoàn toàn không có trong
thực tế, nhưng lại có thể có trong lôgich
nghệ thuật…
Hoàng Dân hơn một lần trao đổi với tôi những ý nghĩ
thể hiện quan niệm lý luận của mình như thế và anh đã hết mình hiện thực hóa nó
trong cuốn tiểu thuyết. Nghĩa là trong suốt quá trình lao động miệt mài sáng
tác và sửa chữa bản thảo, hầu như lúc nào cũng trong tâm trạng day dứt, băn
khoăn, trăn trở, không yên… ngõ hầu tìm cách giải quyết cái mâu thuẫn, khó
khăn, phức tạp giữa hiện thực và mơ ước, hư cấu và sự thật, tư liệu và tác
phẩm, áp lực, thiên kiến của một số bạn đọc và bản chất, giá trị tư tưởng –
nghệ thuật của một văn phẩm chân chính.
Cuối cùng, lạy Trời - Phật thương! Lạy
Đức Chúa lòng lành! (các nhan đề đầu tiên của tiểu thuyết, dự định là Chúa Trời không mù lòa, Đạo Trời) và lạy
các bậc tiền nhân - ân sư ở trường CĐSP Thủ đô phù hộ, bản thảo Gương cũng đã tới dòng áp chót phần Vĩ thanh. Những băn khoăn, trăn trở đến
bạc tóc của tác giả cũng đã tạm thời chấm dứt.
Chúc mừng anh bạn vừa trả được món nợ
văn chương sâu nặng với ngôi trường đã để lại trong ký ức chúng ta bao nhiêu kỷ
niệm vui buồn, bao nhiêu tình cảm đớn đau, căm giận mà da diết thương yêu!
2. Trích lịch sử tâm hồn của một ngôi trường và không chỉ của một ngôi
trường; hay là thông điệp tư tưởng – nghệ
thuật gửi tới ngành Giáo dục Việt Nam hiện tại và tương lai
L.Tônxtôi từng tâm sự sau khi viết bộ
tiểu thuyết sử thi - anh hùng ca vĩ đại Chiến
tranh và hòa bình: Tôi muốn viết lịch
sử tâm hồn dân tộc Nga.
GS. Nguyễn Đăng Mạnh khái quát: Lịch sử văn học của một dân tộc là lịch sử tâm hồn dân tộc ấy.
Đồng cảm với những quan niệm lý luận
trên, tôi nghĩ: tiểu thuyết Gương của
Hoàng Dân là trích một giai đoạn lịch sử
tâm hồn của trường CĐSP Chu Văn An,
thành phố Long Hà, một trong những trường Cao đẳng Sư phạm địa phương nổi
tiếng hàng đầu của nước ta suốt 3 thập niên cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Qua
việc chọn đề tài và chủ đề giáo dục sư phạm quan trọng này (Giáo dục là quốc sách; Sư phạm là máy cái của Giáo dục.), từ hiện thực sống
động nhiều vẻ của một ngôi trường Cao đẳng Sư phạm địa phương tiêu biểu, tác
giả muốn gửi một thông điệp tư tưởng –
nghệ thuật tâm huyết tới các vị lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố Long Hà
và cả nước.
Theo tôi, đó chính là khái quát giá trị
tư tưởng, giá trị hiện thực nổi bật của tác phẩm. Vậy, giá trị ấy được thể
hiện cụ thể như thế nào?
Viết về đề tài một trường CĐSP chuyên
đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cấp 2 (THCS) và cấp 1 (Tiểu học) cho Thủ
đô từ cuối những năm 80 thế kỷ trước đến nửa đầu thập niên thứ 2 thế kỷ 21, tất
nhiên, tác giả (cũng là một giáo viên, một cán bộ Đảng và Khoa lâu năm của
trường) ít nhiều phải thể hiện các nhiệm vụ chính trị cơ bản của nhà trường:
đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thực tập sư phạm, coi, chấm thi học
phần, tuyển sinh…, đời sống đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên, mối quan hệ
giữa trường sư phạm với trường phổ thông và Sở GD & ĐT thành phố…biểu dương
những kết quả sáng ngời, những thành tích vẻ vang, được chứng minh bởi những
huân, huy chương, cờ thi đua bằng khen các cấp, các loại…sáng rực phòng truyền
thống mỗi khi mở cửa đón khách tham quan nhân dịp các lễ kỷ niệm hằng năm… Tóm
lại là mô tả và ngợi ca những kết quả hình thức bề nổi cao quý, đẹp đẽ, đáng tự
hào, lưu danh của nhà trường…Điều đó cũng là phải lẽ.
Nhưng đọc kỹ suốt hơn 60 chương chính văn và 11 chương Vĩ thanh, thấy dụng ý tư tưởng – nghệ
thuật của người viết lại không phải hoàn toàn như vậy. Hoàng Dân ưa quan sát và
nghĩ suy độc lập, lại ở cương vị có thể và có trách nhiệm hiểu biết tường tận,
cặn kẽ nhiều chuyện, nhiều vấn đề quan trọng, sâu kín, phức tạp, tế vi, khó nói
trong thâm cung bí sử của các ban lãnh đạo Đảng và chính quyền nhà trường,
những vấn đề mà đa số các cán bộ giảng dạy bình thường, thậm chí kể cả một số
cán bộ cấp phòng, khoa, cũng không biết hoặc chỉ biết lờ mờ, chung chung, qua
những thông báo, kết luận, quyết định, nghị quyết công khai của Ban Giám hiệu
hay Đảng ủy. Tác giả chọn phản ánh, thể hiện, nghệ thuật hóa những mảng hiện
thực - vấn đề đó, với góc nhìn riêng của mình.
Đó là vấn đề nội bộ trong Ban lãnh đạo nhà trường,
những cuộc chạy đua, tranh giành ghế hiệu trưởng, bí thư đảng ủy, hiệu
phó…trong một giai đoạn trên dưới 10 năm, trải qua mấy đời hiệu trưởng, bí thư
đảng ủy, với những con người và số phận, tính cách cụ thể, những mâu thuẫn,
xung đột trong nội bộ đồng chí trong
đảng ủy, ban giám hiệu, nhiều khi không kém phần cam go, gay gắt, quyết liệt,
dữ dội đến một mất một còn, kể lại những câu chuyện tầm thường, bi hài, cười ra
nước mắt, thậm chí thật khó tin, khó tưởng tượng, mà giờ đây được phơi bày trên
trang sách, người đọc – trong cuộc
mới ngạc nhiên, sửng sốt đến bàng hoàng. Mà đó hoàn toàn là những sự thật ghê
gớm, buồn đau, cay đắng và thậm chí đáng xấu hổ!...
Tôi cho rằng,
dám viết về những sự thật ấy một cách tường minh, cụ thể, bình tĩnh, khách
quan, công bằng, trung thực và độ lượng, dù chuyện đã trở thành quá khứ hôm
qua, đã có đủ độ lùi để minh định, sàng lọc cần thiết, nhưng vẫn thể hiện một
bản lĩnh dũng cảm đáng nể của người viết, dám vượt qua những áp lực, hệ lụy
trực tiếp, gián tiếp, gần, xa, hiện tại và lâu dài có thể xảy ra. Lâu nay, viết
về môi trường giáo dục, sư phạm đã hiếm (chẳng hạn, đáng kể mới có: Đám cưới không có giấy giá thú (Ma Văn Kháng), Dòng xoáy (Trần Thị Nhật Tân); nhưng đào sâu thể hiện vấn đề chạy chức, chạy quyền, đấu đá trong nội
bộ lãnh đạo thì lại càng hiếm hơn. Tôi khen bản lĩnh Hoàng Dân là ở chỗ đó.
Có thể nói đây là cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên
đề cập vấn đề này trong ngành giáo dục – sư phạm một cách chi tiết, cặn kẽ,
sinh động, hấp dẫn và thuyết phục, bằng hình thức khái quát hóa nghệ thuật
thành hình tượng nhân vật tiểu thuyết. Một hiện thực tiêu cực khá nhức nhối,
dai dẳng và nguy hại, mà như ta biết, không phải là hiện tượng cá biệt xảy ra ở
trường CĐSP Chu Văn An, thành phố Long Hà mà đã và đang xảy ra trong không ít
nội bộ ban lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng trong cả nước hiện nay.
Tính phổ biến,
khái quát và cảnh báo của Gương
là ở đó. Trong trường hợp này, nét không mới (vì xảy ra đã lâu) mà vẫn mới, vẫn
ăm ắp tính thời sự, cũng là ở đó.
Mở đầu tiểu thuyết là một chương nói về nguyên hiệu trưởng Thêm, sau khi về hưu được vài năm, vào trường dự
lễ kỷ niệm 20 – 11, trong sự thờ ơ của đa số đồng nghiệp cán bộ, giáo viên. Từ
đó, câu chuyện về trường CĐSP Chu Văn An được mở dần ra theo hai chiều sâu, rộng mà Thêm là một trong những nhân
vật chính. Vốn là một trưởng phòng đào tạo, với học vị PTS (TS), ông được đề
bạt lên chức hiệu phó một cách thuận lợi. Nhưng khi ông Điền - hiệu trưởng đột
tử, thì cuộc ganh đua giành chức hiệu trưởng giữa 3 hiệu phó, 3 con cá mè một lứa (Thêm, Ngạn và Miên) mới
thực sự bắt đầu. Thấp cơ thua trí…người khác, Thêm đã phải
nhường chức hiệu trưởng mới đầy quyến rũ cho PTS (TS) Ngạn, tiếp tục ngồi ghế
hiệu phó chuyên môn và chờ đợi thời cơ. Ông liên minh Miên, gây khó dễ cho Ngạn
một cách vừa lộ liễu vừa tinh vi. Cuối cùng, dịp may bất ngờ lại đến với Thêm,
khi Ngạn đang dở dang những dự định lớn thì bất ngờ ngã bệnh, phải về hưu trước
tuổi. Trời cho cờ đã đến tay, Thêm trở thành hiệu trưởng kiêm bí thư đảng ủy
chẳng có trở ngại gì! Ông càng liên minh chặt chẽ với hiệu phó tài chính Miên,
loại ra khỏi cuộc chơi hiệu phó Trương không ăn cánh, tự tung tự tác, ra những
quyết định nhân sự trái lòng người, tách phòng này, hợp khoa kia, chia ban nọ,
gây xáo trộn một ngôi trường vốn êm ả, bình yên trong công việc dạy học hằng
ngày. Trong lối sống, sinh hoạt, Thêm khá kín đáo, trầm tĩnh, nhưng vẫn lộ ra
thói thích nhậu nhẹt, rượu bia, gái gú, bồ bịch… những thói xấu thường thấy của
các vị lãnh đạo có chức, có quyền nhưng thiếu tu dưỡng đạo đức. Tuy vậy, Thêm
cũng đủ khôn ngoan để không trượt quá đà. Và ông cũng thừa khéo khôn để lo được
hạ cánh an toàn. Cái giá mà Thêm phải trả là sự lạnh nhạt của những người dưới
quyền ông trước đây đối với ông trong những lần ông được mời vào trường dự lễ
20.11 hay gặp mặt trước Tết Nguyên đán hằng năm. Số phận và tính cách của Thêm
được tác giả xây dựng khá công phu, chân thực, chắt lọc từ nguyên mẫu trong
thực tế. Đó là một kiểu người lãnh đạo không xa lạ gì trong đời sống hôm nay;
một mặt thì tìm mọi cách thâu tóm quyền lực để mưu cầu lợi danh; mặt khác lại coi
thường anh em, không chịu lắng nghe để tự sửa mình. Khi đã nghỉ hưu và sau
những lần trở lại thăm trường, Thêm có băn khoăn, ân hận đôi chút, nhưng ông
lại cố tự biện hộ cho mình. Xét cho cùng, Thêm đã tự đánh mất mình, tự nguyện
là nạn nhân của quyền chức, một cách… đáng buồn, đáng thương!
Hiệu
phó Miên là một nhân vật thành công -
thất bại khác trên hoạn lộ: ba lần phơi
phới lên và cũng hơn một lần lỡ hẹn, từ một tổ trưởng chuyên môn, lên phó
khoa, trưởng khoa, lên hiệu phó, kiêm bí thư đảng ủy, hiệu phó phụ trách. Sự
thăng tiến quá nhanh, quá thuận lợi, khiến Miên tự tin thái quá. Miên mơ tới
chức hiệu trưởng, rồi sẽ lên thành ủy, sẽ được đề bạt làm phó chủ tịch UBND
thành phố Long Hà…Quá tự hào, tự thị, cô đã phạm hết sai lầm này đến sai lầm
khác. Trong quá trình chạy đua chức hiệu trưởng, Miên còn sớm quên tình nghĩa
đối với những người đã ủng hộ mình (Điền,
Trương…) một cách thật vô tình. Cô
đem cả chuyện nội bộ gia đình của Ngạn ra để quyết loại ông trong cuộc đua tới
ghế hiệu trưởng. Cô cùng Thêm tập hợp và nâng đỡ những người như Kha, Kim, Nhạ… để tạo thành một ê kíp…
Nhưng, cuối cùng, cô cũng đành cam chịu thúc thủ, dừng lại ở cái chức hiệu phó tài chính cho đến tuổi về hưu…
Hiệu
phó, rồi hiệu trưởng Ngạn cũng rất khát khao quyền chức từ lâu, cũng găm
không ít miếng võ hiểm của mình trong
cuộc đua quyền chức; nhưng có vẻ ít thủ đoạn và khờ khạo hơn cặp Thêm – Miên. Bù lại, Ngạn gặp may hơn và
lại nhanh chân hơn trong việc tranh thủ Hóa
nên đã thành công. Rồi trên đỉnh cao nhất của quyền lực ở một ngôi trường, Ngạn
lại tỏ ra lúng túng, khó chịu trước sự cố ý chủng chẳng, chọc ngoáy của hai cấp
dưới: Thêm – Miên. Được Hóa ủng hộ
hết lòng (vì Hóa thấy Ngạn tâm huyết với sự phát triển của nhà trường), Ngạn
cũng làm được một vài việc hữu ích cho trường, nhất là đề án nâng cấp trường
lên đại học đang có cơ hội đi tới bước quyết định dứt điểm… thì căn bệnh hiểm
nghèo đột ngột hất Ngạn khỏi quyền lực. Ông phải về hưu trước tuổi trong sự bất
lực và tiếc nuối khôn nguôi…
Mối quan hệ giữa 3 thành viên trong ban
giám hiệu trường CĐSP Chu Văn An hồi ấy hoàn toàn không phải là quan hệ đoàn
kết - hợp tác mà là quan hệ bằng mặt, chẳng bằng lòng. Phó không phục và tìm
cách phá trưởng; trưởng không đủ uy tín, tài năng và bản lĩnh để chỉ huy phó.
Kìm giữ lẫn nhau, soi mói nhau, hoàn toàn không vì việc chung mà chỉ vì quyền
lợi ích kỷ của cá nhân mình. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến không ít việc lớn
của trường. Chẳng hạn, sau hơn hai năm làm hiệu trưởng, Thêm vẫn không hề quan
tâm, đả động gì đến việc tiếp tục đề án nâng cấp trường lên đại học mà Ngạn
đang triển khai dang dở. Tất cả hầu như lại về mo. Đến nỗi cả Thêm và Miên chỉ còn biết nghệt mặt ra khi bị ông Tạo (trưởng ban đại học thành ủy) chất vấn
và chỉ rõ nguyên nhân thực chất là sự vô trách nhiệm của hiệu trưởng và hiệu
phó đương nhiệm (chương56). Ban lãnh
đạo này, nếu so sánh với ê kíp lãnh đạo thời sếp Cung, sếp Điền và sếp Giáp,
thì quả thật kém xa về cả tài năng, tư cách, phẩm chất, quan hệ và uy tín đối
với cán bộ, giáo viên trong trường.
Tuy chỉ điểm mấy chi tiết thoáng qua, nhưng người đọc
cũng đủ thấy sếp Cung là một hiệu trưởng vững vàng, có tâm và có tầm, lại nhanh
nhạy, sắc sảo trong chỉ đạo chuyên môn, dứt khoát và kiên quyết mà vẫn nhẹ
nhàng trong việc xử lý khuyết điểm của giáo viên. Sếp phó Giáp phụ trách tài chính chặt chẽ, nguyên tắc nổi tiếng
trong duyệt chi kinh phí của các khoa, phòng, ban; nhưng ông là người liêm
khiết, chỉn chu và tình cảm. Sếp Điền
- hiệu phó kiêm bí thư đảng ủy chuyên phụ trách mảng tại chức một cách rất hiệu quả. Quan hệ giữa ba người trong nhiều
năm, nhìn chung, khá êm thấm, đồng thuận vì công việc chung. Tuy chỉ có bằng cử
nhân, nhưng họ đã chung tay, chung sức lãnh đạo khá tốt trường CĐSP Chu Văn An
trong một giai đoạn lịch sử có tính chuyển tiếp thế hệ.
Cách viết của Hoàng Dân khiến người
đọc không thể không băn khoăn một câu hỏi mang tính khái quát triết lý: Như
thế, chẳng hóa ra lịch sử trường CĐSP Chu Văn An bị kéo lùi ư? Trái với quy
luật phát triển của sự vật ư? Lớp sau trẻ, khỏe hơn, có trình độ, bằng cấp hơn mà
làm việc lại yếu kém hơn ư?... Mới hay, vấn đề đánh giá tài - đức cán bộ lãnh
đạo như thế nào cho cân phân, hài hòa, đặc biệt là tinh thần chí công vi thượng như Bác Hồ đã dạy,
cần phải đặt lên hàng đầu, mỗi khi đề cử, lựa chọn cán bộ lãnh đạo chủ chốt.
Trong đội ngũ cán bộ, giáo viên trường
CĐSP Chu Văn An hồi đó, không hiểu sao lại nảy sinh ra những quái nhân, quỷ giáo như trưởng phòng đào
tạo Thỉnh, cựu phó trưởng phòng khoa
học Mạnh, trưởng phòng quản trị Kha, cán bộ giảng dạy như Liến, Hạm… những điển hình xuất sắc về
loại cán bộ, giáo viên bị đặt lầm chỗ, tài sơ, trí thiển nhưng lọc lõi, siêu
hạng về cơ hội, xảo trá, thủ đoạn, nịnh hót, gian dối, hiếu danh đến mức hèn
mạt, tệ hại, lợi dụng sinh viên để tống tình, tống tiền, gian dối trong nghiên cứu
khoa học và chấm thi tuyển sinh… Tác giả đã chọn lọc kỹ, chỉ tái hiện thoáng
qua một vài vụ việc tiêu biểu, một vài chi tiết điểm huyệt; nhưng chân dung
tính cách của mấy con kỳ nhông láu
cá, lươn lẹo, mấy gã Chí Phèo hiện đại,
mấy thầy giáo râu xanh bẩn thỉu, lầy
là … cũng đã được khắc họa rõ mồn một thành một mảng tối sỉn trong tiểu thuyết.
Tất nhiên, nếu nội dung Gương chỉ có thế, thì hiện thực giáo dục
tỉnh Long Hà quả là u ám quá. May thay và có lẽ bởi đạo trời rất công bằng
trong mọi chuyện ở cõi người nên bên cạnh và đối lập với những Thêm, Miên, Thỉnh, Mạnh, Liến, Hạm… vẫn có không ít người tử tế, tài
năng, tâm huyết, đạo cao đức trọng, suốt đời đóng góp và hy sinh cho sự nghiệp
trồng người.
Ở đây, nhân vật chí
thiện nổi bật nhất là NGƯT đầu tiên của trường CĐSP Chu Văn An - thầy chủ
nhiệm khoa xã hội Nguyễn Minh Kỳ.
Trầm mặc, kín đáo, tự trọng, nhưng
ngổn ngang mâu thuẫn nội tâm, mắc lầm lẫn lớn khi nhìn người, khi nhận chức
mới, người đầu tiên không chỉ đối với trường CĐSP Chu Văn An, mà có lẽ đối với
toàn ngành giáo dục Việt Nam dám dũng cảm tự
nguyện từ nhiệm chức hiệu phó chuyên
môn đầy quyền lực và hấp dẫn, khi nhận rõ mình không thể có tiếng nói chung với
các đồng sự đương nhiệm… ấy là hiệu phó Trương,
một cựu chiến binh dày dạn trận mạc.
Thẳng thắn, quyết liệt, tếu táo, nói năng nhiều khi bỗ
bã, bạt mạng, tục tĩu; nhưng lại luôn có uy tín nhất định trong đảng bộ và quần
chúng, đó là phó bí thư đảng ủy kiêm chủ nhiệm khoa Năng khiếu, cựu chiến binh Hóa.
Điềm đạm, chắc chắn, tự tin và bản lĩnh trong công tác
tổ chức là trưởng phòng tổ chức Thảo.
Và chọn đại diện cho các khoá sinh
viên CĐSP Chu Văn An đã ra trường là cựu sinh viên Ngữ văn giỏi giang, xinh
đẹp, cô giáo trường chuyên thành đạt, thạc sĩ Văn học Việt Nam Diệu Linh…
Chính những thầy, cô giáo chân chính,
tích cực này đã góp phần quan trọng làm nên mảng
sáng rực rỡ của hiện thực nhà trường. Họ đã tìm nhiều biện pháp đấu tranh
kiên trì và hiệu quả để ngăn chặn, đẩy lùi những áp đặt sai lầm, những biểu
hiện tiêu cực nhằm giữ vững, thúc đẩy chiều hướng phát triển đi lên của nhà
trường trong nhiều năm qua.
Như vậy, hiện
thực chủ yếu được phản ánh và chiêm nghiệm trong Gương là hiện thực cuộc sống
– con người trong mối quan hệ công việc, mối quan hệ đồng nghiệp, cấp dưới
và cấp trên, cấp trên với cấp dưới, trong nội bộ ban lãnh đạo nhà trường… Hiện thực sự kiện, sự việc với những mối
quan hệ đời tư, gia đình, tình bạn, tình yêu ở đây, chiếm tỉ lệ rất khiêm tốn. Đó không phải là thiếu sót, lệch lạc, mất cân
đối mà là dụng ý tư tưởng của tác giả
khi chọn và khai thác chủ đề, là nét riêng khá độc đáo làm nên giá trị nội dung
tư tưởng của cuốn tiểu thuyết.
Trong phạm vi thể hiện hiện thực con người, Hoàng Dân mạnh dạn
khắc họa nhiều loại tính cách cán bộ,
giáo viên khác nhau, thậm chí tương phản – đối lập với nhau, từ quan niệm
sống, lẽ sống đến cách sống, tác phong, hành vi, ngôn ngữ, cử chỉ, đặc biệt anh
tìm cách khai thác, phân tích, miêu tả, khái quát không ít những trạng huống thế giới bên trong, tâm lý, tâm hồn, tâm
trạng và tình cảm của các nhân vật đa dạng và khu biệt. Thành công hơn cả
là những nhân vật - tính cách, nhân vật - tâm trạng dày dặn,
sâu sắc, đầy cá tính, giản dị, giản đơn và phức tạp, lắm vẻ (Trương, Hóa, Uyên Ly, Ngạn… ). Điều đó
tạo nên một hiện thực con người khác
trong chiều sâu tâm lý, tâm trạng của nó. Trên bình diện này, Gương cũng thu hoạch được những thành
công đáng ghi nhận. Và bởi thế, hiện thực
phản ánh – chiêm nghiệm trong tiểu thuyết của Hoàng Dân trở nên vừa khái
quát rộng rãi vừa cụ thể, sâu sắc vừa trung thực, vượt lên một tầm cao, tầm xa
và chiều sâu mới so với nguyên mẫu, thực tế.
Theo nhận thức của riêng tôi, đó là một đặc sắc đáng
biểu dương về nội dung tư tưởng Gương.
Rõ ràng, hiện thực và những vấn đề
được phản ánh – thể hiện trong Gương chủ
yếu khuôn trong phạm vi trường CĐSP Chu Văn An, thành phố Long Hà, trong một
giai đoạn lịch sử xác định, không dài. Nhưng cũng không còn nghi ngờ gì nữa,
hiện thực ấy tự nó, đã mang tính đại
diện, tiêu biểu và phổ biến rộng rãi cho những vấn đề nổi cộm, ở mức độ
rộng hẹp, nông sâu khác nhau đã, đang và và sẽ còn xuất hiện, tồn tại ở không
ít trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm nhiều nơi trong cả nước ta; rộng
hơn nữa có thể cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong, ngoài ngành giáo dục Việt
Nam. Những vụ tiêu cực, bê bối nghiêm trọng về chuyện bầu cử hiệu trưởng, hiệu
phó tại một trường đại học danh tiếng, vừa qua, đến mức Bộ phải cử một Thứ
trưởng về tạm quyền hiệu trưởng! Rồi có vị hiệu trưởng đại học mua bằng Tiến sĩ
rởm của nước ngoài, vị hiệu trưởng
một trường cao đẳng gạ tình lấy điểm…
đã minh chứng hùng hồn cho nhận xét trên.
Gương muốn gửi thông điệp tư tưởng – nghệ thuật gì tới
các vị cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục? Tới bạn đọc? Tới xã hội? Tôi cho rằng
thông điệp ấy xới lên những vấn đề không hoàn toàn mới mẻ, thời sự, nhưng lại
không bao giờ cũ và luôn cần thiết, bức xúc, cơ bản, lâu dài, chí ít đối với
tất cả các trường sư phạm nói riêng, ngành giáo dục Việt Nam nói chung.
-
Vấn đề phẩm chất đạo đức kết hợp với năng
lực và hiệu quả lãnh đạo của các ban giám hiệu, đặc biệt là vị lãnh đạo chủ chốt: hiệu trưởng – bí thư
đảng ủy, phải được xem là tiêu chuẩn số 1 trong các cuộc đề cử, bầu cử ban giám
hiệu các nhiệm kỳ.
-
Vấn đề đoàn kết – hợp tác cùng làm việc
trên cơ sở tập trung - dân chủ giữa các cấp lãnh đạo trong nhà trường, giữa
lãnh đạo và giáo viên, công nhân viên; mối quan hệ trong nội bộ ban giám hiệu;
làm thế nào để không có cơ hội xuất hiện bè cánh, chia rẽ, đấu đá, chỉ vì lợi
ích cá nhân, lợi ích nhóm…Hiệu trưởng
là thủ trưởng một trường học; nhưng hoàn toàn không phải là quốc vương chuyên chế mà tất cả cán bộ, giáo viên, sinh viên trong trường đều là
những thần dân trung thành hay phản
nghịch của ông ta.
- Vai trò của đảng ủy đối với ban giám
hiệu. Hai tiếng đồng chí cần được trả
lại ý nghĩa trong sạch, thiêng liêng
của nó như trong những năm tháng chiến tranh gian khổ mà trong sáng, quên mình.
- Trong phạm vi quyền hạn của mình, hiệu trưởng cần có những biện pháp thích
hợp, những chủ trương mạnh dạn, sáng suốt về công tác cán bộ. Kiên quyết, dứt
khoát có những xử lý kỷ luật đúng mức đối với những cán bộ, giáo viên thoái
hóa, sa đọa, mất phẩm chất đạo đức và yếu kém chuyên môn sang làm công việc
khác. Dĩ hòa vi quý không những không
bao giờ vi quý mà nhiều khi chỉ dẫn
tới vi họa… mà thôi!...
Tóm lại, cốt lõi thông điệp từ Gương vẫn là xoáy vào vấn đề đào tạo, rèn luyện và sử dụng đội ngũ cán bộ giáo dục, giáo viên, một trong
những vấn đề quan thiết bậc nhất, quyết định thành bại của quốc sách giáo dục của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
3. Những thể nghiệm nghệ thuật đáng ghi nhận và đôi điều bàn thêm về nghệ thuật Gương
Tôi may mắn đã được tác giả đưa đọc Gương từ bản thảo đầu tiên, lần lượt cho
tới bản thảo cuối cùng. Mỗi lần đọc lại, vẫn đều thấy xúc động, bồi hồi. Bởi vì
tôi không chỉ là một bạn đọc tri kỷ của Hoàng Dân mà còn là một trong số không
nhiều người trong cuộc, được tuyển
chọn làm lũ nhân vật chính, phụ, lớn,
nhỏ trong tác phẩm của anh. Tôi đã đọc Gương
trong cảm quan kết hợp 3 vai trò ấy, cho nên xúc cảm, nghĩ ngợi cũng theo đó
tăng gấp ba lần,… thì âu cũng chẳng lấy gì làm lạ!
Trải mỗi chương truyện, dòng văn Gương, thấy muốn chia sẻ với những liên tưởng, hồi ức của một bạn đọc – đồng nghiệp:
Dĩ vãng chưa xa mà như đã xa lắm, cơ hồ rùng rùng sống
lại. Bao nhiêu câu chuyện vui, buồn tưởng đã có thể quên đi, nay lại hiện ra
trước mắt, cụ thể, lung linh đến từng chi tiết; bao nhiêu gương mặt đồng
nghiệp, học trò, người mất, kẻ còn, có những người không thể gặp lại hoặc không
muốn gặp lại nữa… lại lần lần trở về hội ngộ, bắt tay, cười nói, chuyện trò
cùng tôi… qua tiểu thuyết Gương. Vui,
buồn lẫn lộn mà buồn nhiều hơn! Đọc Gương,
càng đọc càng xúc động đã đành; nhưng càng đọc cũng lại càng buồn, càng xót xa,
muốn quên, lại nhớ về một ngôi trường sư phạm thân yêu gần nửa đời mình từng
gắn bó… Gương, trong tôi, đã trở
thành một ám ảnh.
Sức hấp dẫn, cuốn hút của Gương, bên cạnh nguyên nhân xuất phát từ những cảm tình, cảm tính chủ quan đặc biệt nói trên, còn bởi những giá trị nội dung tư tưởng – triết luận nhân
văn, nhân bản – thời sự sâu sắc mà tôi vừa phân tích sơ lược trong mục 2. Nhưng tất nhiên còn vì những giá trị nghệ thuật thẩm mỹ, những thể nghiệm mới khá thành công về xây
dựng hình tượng nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu … trong tiểu thuyết Gương.
Tôi cho rằng, về thể
loại văn xuôi, có thể xem Gương
là một tiểu thuyết tâm lý xã hội cỡ vừa.
Cốt truyện
đơn giản, xoay quanh những sự việc,
câu chuyện, con người cán bộ, giáo viên, sinh viên một trường CĐSP của một địa
phương trong hơn chục năm vận hành, trong guồng máy giáo dục - đào tạo của cả nước.
Nhân vật cả chính, cả phụ cũng mới độ vài chục người, không có ai nổi tiếng, thành đạt đến mức phải ghi
vào sử sách hay đạt thành tích đặc biệt xuất sắc để được đề nghị phong tặng
danh hiệu Anh hùng…! Nói tóm lại, từ
đề tài, cốt truyện đến chủ đề, nhân vật… Hoàng Dân lựa chọn phản ánh, thể hiện…
đều hết sức dung dị, bình thường.
Những câu chuyện mà anh kể, nhìn qua, cũng không có gì thật sự độc đáo, riêng
biệt so với những câu chuyện đã và đang xảy ra nơi các trường đại học, cao đẳng
khác trên mảnh đất Việt Nam
ta. Vậy, cái vững vàng, tài khéo của nhà tiểu thuyết là ở đâu? Với cảm quan của
riêng tôi, thấy tác giả đã vận dụng tổng
hợp hầu hết các thủ pháp quen thuộc của nghệ
thuật tiểu thuyết truyền thống và hiện đại. Trong quá trình nhào nặn chất
liệu và hư cấu sáng tạo, tác giả đã mạnh dạn bước đầu thể nghiệm một vài thủ pháp nghệ thuật; kết quả đã mang
dấu ấn cá tính riêng mình. Và trên một mức độ nào đó, đã để lại được những ấn tượng tốt đẹp trong người đọc. Nghĩa
là, anh đã thành công.
Rõ nhất là nghệ
thuật xây dựng hình tượng nhân vật trong Gương. Các nhân vật chính ở đây như Minh Kỳ, Hóa, Thêm, Trương, Ngạn, Miên, Thỉnh… đều không thuộc loại
nhân vật số phận, chưa hẳn là nhân vật tính cách, cũng không phải là nhân vật
vấn đề, lại càng không phải là nhân vật người tốt, việc tốt (và ngược lại)… Có
lẽ các nhân vật của Hoàng Dân là sự tổng
hợp của tất cả những loại nhân vật văn học, tôi vừa điểm qua chăng? Trong
số đó, có những nhân vật khá sống động,
từ chân dung ngoại hình đến lời nói, hành vi, và tính cách cùng một phần cuộc
đời - số phận.
Người đọc khó có thể quên nụ cười tươi duyên vì chiếc
răng khểnh trắng muốt, cặp mắt sáng tròn xoe, giọng nói truyền cảm, ấm áp, tấm
lòng nhân hậu… và cuộc sống cuối đời trong bệnh tật, cô đơn của NGƯT đầu
tiên, chủ nhiệm khoa xã hội Nguyễn Minh
Kỳ; cái trán hói bóng, cặp mắt lồi và
thói hiếu danh, cơ hội của trưởng phòng đào tạo Thỉnh; cái đáo để cuồng nhiệt, hăm hở đến tàn nhẫn, lại hớ hênh trong những cuộc đua tranh giành
ghế của người đẹp - hiệu phó Miên…; dáng trầm
tư và những quyết định bất ngờ, khó hiểu của hiệu phó Trương; cái thẳng
thắn, quyết liệt đôi khi tục tằn, thô thiển của người về từ chiến hào - Hóa… Họ lần lượt hiện lên, mỗi người một
vẻ, một tính nết, trong quan hệ tiếp xúc, cọ sát, va đập với nhau ở cùng một
môi trường. Từ đó bật ra kết quả, hậu quả của từng tính cách, số phận như những
tất yếu - lôgich của lẽ đời.
Hoàng Dân rất có ý thức học tập và sáng tạo từ những kinh nghiệm viết văn của các nhà tiểu thuyết
bậc thầy. Chẳng hạn, học Tônxtôi vĩ đại, trong cách khắc họa và lặp lại một vài
nét chân dung ngoại hình nhân vật thể hiện tính cách, học nghệ thuật xây
dựng đối thoại ngắn, sắc sảo và hài hóm của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao…học thay đổi điểm nhìn nhân vật,
ngôi kể trong từng chương truyện của Đôxtôiepxki và Mạc Ngôn. … Sự học tập,
vận dụng thông minh ấy làm cho tiểu thuyết Hoàng Dân trở nên linh hoạt, dễ đọc
và hứng thú hơn.
Điểm nhìn nhân
vật với ngôi kể thứ 3 trong tiểu thuyết chủ yếu vẫn dành cho nhân vật
– người trong cuộc - người kể chuyện: Hóa; nhưng ở một số chương đã thấy
bước đầu thể nghiệm chuyển đổi qua
các nhân vật khác như Thêm, Ngạn, Trương,
Liến… Sự nhập vai vào từng nhân vật để kể chuyện, tự phân giải, mổ xẻ tâm
tư, tình cảm, tâm trạng của mình, dưới ngòi bút tác giả, đã khá sâu và nhuyễn,
tuy chưa tới mức đan xen hay tách biệt triệt
để như trong Anh em nhà Caramadốp
(Đôxtôiepxki) hoặc Đàn hương hình
(Mạc Ngôn).
Liên quan đến vấn đề này là những thể nghiệm của tác
giả về nghệ thuật xây dựng độc thoại nội tâm của một số nhân vật
chính trong Gương.
Để nhân vật có
bề dày, chiều sâu tâm lý, tâm trạng,
Hoàng Dân đã bỏ nhiều tâm huyết, công sức nhập vai, tư duy và tưởng tượng, mô
tả và phân tích diễn biến tâm lý, tâm trạng phức tạp của một số nhân vật chính
trong những tình huống, hoàn cảnh và quá trình nhất định. Tâm sự với tôi, anh
mệt mỏi và vui mừng bộc lộ: mình đã phải cố gắng đến đau đầu, buốt óc khi tự hóa thân thành những Thêm, Ngạn, Trương, Liến, Thỉnh, Miên…
để nghĩ suy, liên tưởng với những buồn, vui, hờn, giận, âm mưu, đau đớn, vật
vã… rất khác nhau của họ. Hơn 10 chương, đoạn độc thoại nội tâm thể hiện tính
cách nhân vật trong Gương dường như
đã vắt kiệt sức sáng tạo của anh. Bởi thế, mỗi lần tạm xong bản thảo, Hoàng Dân
thấy mệt mỏi rã rời, đồng thời cũng thấy nhẹ cả mình như vừa trút xong gánh
nặng dời non lấp bể!
Đồng cảm với nhiệt hứng và quyết tâm sáng tạo của anh,
về phía người đọc, tôi nhận thấy: tất nhiên, những chương, đoạn độc thoại ấy
chưa thể sánh với những độc thoại trứ danh của một Pie Bêdukhốp, một Anđrây
Boncônxky hay Natasa Rôxtôva trong Chiến
tranh và hòa bình hay Anna Carênhina
của Tôn xtôi về sự vân vi, phong phú,
biến ảo và sâu sắc; nhưng nhìn chung, cũng đã có lý, có tình, lôgich và phù hợp
với tính cách từng nhân vật.
Chương 55 miêu
tả và phân tích diễn biến tâm trạng
của Trương sau khi nộp đơn xin từ
nhiệm chức hiệu phó, có thể nói là chương
thành công nhất trong lĩnh vực
này. Thấu lý, đạt tình. Dòng tâm tư, ý nghĩ, tình cảm xoay chuyển, biến đổi của
Trương được miêu tả, bóc tách từng lớp, mở ra từng khía cạnh khác nhau, rất tự
nhiên, trôi chảy…như là một tất yếu,
không thể khác, đầy sức thuyết phục. Tác giả tâm sự với tôi rằng đó là chương
mà anh đã lấy hoàn cảnh và tính cách nhân vật làm điểm tựa, làm bệ phóng để thả
hồn tưởng tượng 100%. Tôi cho rằng đó là một trong những chương độc thoại nội tâm thành công nhất của Gương. Tại đây, tác giả hậu bối đã học được phần nào sự thể hiện biện chứng tâm hồn của bậc thầy tiền bối
Nga vĩ đại.
Sự thể nghiệm nghệ thuật trong kết cấu tiểu thuyết Gương
còn được biểu hiện ở phần Vĩ thanh,
gồm 11 chương. Từ thời quá khứ chuyển nhanh sang thời điểm hiện tại mà kể - tả, bình luận hoặc độc thoại về số phận và hoàn cảnh cùng tâm
tư một số nhân vật chính, ngay trong năm 2014.
Phần này không viết theo hướng triển khai những nghĩ
suy, bình luận về thời cuộc cũng như bàn luận sâu rộng những triết lý nhân sinh
có phần tư biện, nặng nề như trong tác phẩm của Tônxtôi. Vĩ thanh Gương chỉ kể chuyện đời sống, tâm trạng nhân vật một cách ngắn gọn, với tốc độ nhanh để đi đến kết thúc tiểu thuyết như một dòng chảy mở của cuộc sống và con người
đương đại. Trong đó, có 1 chương miêu
tả cuộc sống và tâm tư của nguyên hiệu trưởng Thêm như muốn tiếp tục và đối
ứng với chương mở đầu kể chuyện
về nhân vật từng một thời tung tẩy này ở thời điểm hiện tại với sự soi chiếu
của đồng nghiệp và tự soi chiếu của bản thân, trong ngày lễ 20.11. Cách mở - đóng truyện theo kiểu vòng tròn xoáy ốc ấy, thật ra không mới; nhưng trong trường hợp cụ thể này,
người đọc vẫn cảm thấy ít nhiều dư ba, lan
tỏa thú vị.
Tôi nghĩ: đó cũng là một thành công nghệ thuật nho nhỏ của tác giả.
Và riêng tôi, khi tưởng tượng về tương lai của trường CĐSP Chu Văn An, thành phố Long Hà trên cả lộ trình gập ghềnh, dằng dặc phát triển, nâng
cấp lên đại học vẫn chưa thành
của nó, tôi vẫn muốn tác giả gia công tưởng
tượng và hình dung quang cảnh ngôi trường lịch sử này vào những năm 30,
40,… thế kỷ 21, với một, hai dự cảm khác
nhau. Nếu viết được như thế, độ mở,
sức gợi của tiểu thuyết hiện thực
sẽ gia tăng thêm tính dự báo của văn
học lên nhiều lắm.
Cuối cùng, tôi muốn nói đôi dòng về giọng điệu, lời văn của tiểu thuyết.
Thường thường, tiểu thuyết chọn đề tài, chủ đề kiểu
này… khó tránh khỏi giọng điệu, lời văn
ám chỉ, chì chiết, hằn học, cực đoan thái quá. Một vài cuốn xuất bản ở nước
ta trong những năm gần đây đã minh chứng cho hạn chế ấy. (Chỉ còn anh và em, Vết sẹo và
cái đầu hói, Yêu như là sống…). Dường như các tác giả viết ra cốt để giải
tỏa tâm trạng bức xúc, thậm chí để trả nợ, ân oán, trả thù một ai đó, những ai
đó…trong quá khứ và … cả trong hiện tại!
Tác giả Gương đã
cố tránh lối thể hiện mang tính cá nhân, cá biệt, riêng tư này đến mức tối
thiểu. Có thể nói, nhìn chung, giọng kể -
tả, lời văn trong tiểu thuyết tuy là giọng
của người trong cuộc có chính kiến rõ
ràng và kiên định; nhưng cố giấu mình, ẩn mình khi kể - tả, phân giải, tổng
hợp nghệ thuật một cách khách quan, bình
tĩnh, điềm đạm, nhiều khi hài hước,
triết lý vừa sách vở hoặc dân gian,…
cố để sự vật, sự việc, nhân vật tự nó
nói lên tiếng nói khái quát vấn đề, để người đọc tự suy nghiệm bài học nhân
sinh.
Phần nào làm tốt được điều này, với tác giả, hẳn là
một sự nén mình, kiềm chế, đòi hỏi nghị lực, tỉnh táo và độ lùi của bản thân, không nhỏ.
Về cơ bản, theo tôi, tác giả đã thành công.
Nguyên nhân
cơ bản của kết quả thể nghiệm nghệ
thuật trên, có lẽ bởi người viết đã hiểu quá rõ bản chất của từng con người, sự vật, tình tiết, chi tiết, mà mình
miêu thuật, luận giải, đã ý thức sâu sắc
và trung thành với mục đích và phương
châm sáng tác của mình nên đảm bảo được sự nhất quán trong thái độ và bút pháp từ đầu tới cuối, dù viết về ai,
về cái gì. Một bạn đọc – người trong cuộc
quan trọng, từng nhận xét trực tiếp cùng tác giả: Về mức độ chính xác, chân thực
của các sự kiện, sự việc trong tác phẩm là hoàn
toàn chính xác, không có gì phải đính chính. Tác giả đã hoàn toàn chủ động làm chủ nguồn tư
liệu, dẫn liệu, các nguyên mẫu…
Với tư cách một tiểu thuyết văn chương, trong đó hư
cấu, sáng tạo nghệ thuật chủ quan tác giả chiếm phân lượng không hề nhỏ; vậy mà
được người trong chăn khen ngợi đến
như thế, quả thật hiếm hoi!
Tôi tin chắc rằng những bạn đọc đồng nghiệp – trong cuộc cùng bạn đọc nói chung sẽ chấp nhận - tiếp nhận và ghi nhận những thể
nghiệm nội dung tư tưởng và nghệ
thuật thể hiện của Hoàng Dân trong Gương.
Được vậy, với tác giả, đã là niềm vui lớn.
***
Nói như vậy, không có nghĩa là, về nghệ thuật biểu
hiện, Gương đã toàn bích, mười phân vẹn mười. Bạn đọc không mấy khó
khăn khi phải gọi ra những nhược điểm,
hạn chế của nó.
Chẳng hạn, dù đã dụng tâm, gắng sức, nhưng mảng sáng hình như lại có phần mờ hơn mảng tối. Mấy nhân vật thiện và chí thiện, dù đã được
tác giả nâng niu, tụng ca hết tầm, song vẫn có phần mỏng dẹt, khô cứng so với
các nhân vật cơ hội, tiêu cực được/bị
phanh phui, lộn trái sắc sảo hơn
nhiều.
Ba nhân vật chính
phái chủ chốt nhất của tiểu thuyết là:
Minh Kỳ, Hóa, Trương xem ra vẫn chưa được khai thác, phân tích, đẩy tới tận cùng của mâu thuẫn, xung
đột, trong những mối quan hệ công, tư với bản thân chằng chịt đan xen. Đôi khi
lôgich hành động, quyết định của họ vẫn chưa được phân tích, lý giải một cách
tường tận, thấu đáo, khách quan… đã vội đi tới khẳng định, kết luận chưa hoàn
toàn thấu triệt, khiến mọi người tâm phục khẩu phục hoặc chí ít cũng không thể
bác bẻ.
Tuy là một dụng
ý tư tưởng nghệ thuật có chủ định của tác giả, nhưng dù sao, viết về một
trường CĐSP trong quá trình vận hành hơn 10 năm mà hoạt động chính trị trung tâm
của nó: giảng dạy, đào tạo… lại quá mờ nhạt, dẫn tới cảm giác như là bị bỏ qua… cũng là một thiếu sót. Người
đọc có cảm giác: những chuyện đấu đá, tranh giành quyền chức, thói cơ hội, hiếu
danh, những chuyện lùm sùm, gian dối trong nghiên cứu khoa học… lại có phần lấn át, che khuất những thành tích,
thành tựu to lớn, hiển nhiên mà nhà trường đã đạt được trong cùng thời gian!?
Những chương, đoạn tái hiện khá nồng nàn, da diết, chân thực cuộc tình ngoài luồng đầy lãng mạn giữa Hóa và Uyên Ly, một hai đoạn đặc
tả cảnh thiên nhiên trong, ngoài trường… xem ra vẫn chưa đủ độ mạnh, độ căng, điểm nhấn và phần nào hơi bị lạc lõng trước hiện thực nặng trĩu buồn
thương, u ám của thực trạng?!...
Phải chăng, đó
cũng là một hạn chế nghệ thuật đáng tiếc?...
4. Thay lời kết
Sau khi đọc xong đoạn phê bình hơi bị nghiêm khắc trên, Hoàng Dân mủm mỉm trả lời tôi:
-
Với tinh thần khiêm tốn, cầu thị của một cựu chiến binh, một nhà giáo chuyên
nghiệp và nhà văn nghiệp dư, cấp phường,
dù đã có cả chục đầu sách ngắn, dài phổ biến trong toàn quốc, tôi vẫn phải nói
rằng, để khắc phục những khiếm khuyết mà người viết tựa đã nêu, có lẽ tôi phải viết
lại Gương hoặc viết mới một cuốn
tiểu thuyết khác?!
Tôi cũng mỉm cười:
-
Ấy là sự thường của sáng tác và phê
bình văn học. Nếu cân đối tỉ lệ giữa ưu và nhược, mặt được và chưa được của Gương và đánh giá chung tác phẩm bằng
con mắt tổng thể, khách quan của bạn đọc hôm nay, tôi hoàn toàn có thể vui mừng
và tự hào khẳng định, với niềm tin chắc chắn, rằng tác phẩm Gương của Hoàng Dân là cuốn tiểu thuyết hay và hiếm về đề tài
giáo dục Việt Nam đương đại.
Với bạn đọc rộng rãi, đặc biệt là với những bạn đọc – người trong cuộc từng công tác ở trường CĐSP Chu Văn An hôm
qua, hôm nay và ngày mai, Gương sẽ là
một trong những tiểu thuyết cần đọc, đáng
đọc và nên đọc; một cuốn tiểu thuyết chân thực và cảm động về chính bản thân mình.
Bởi xét cho cùng, tiểu thuyết Gương của Hoàng Dân, cũng chỉ là một trong những chứng lý, chứng tích văn chương mới nhất
được định tính, định lượng bằng và
bởi một cuốn tiểu thuyết cỡ vừa kết quả tâm huyết, công phu lao động nghệ thuật
hết mình của một cá nhân giáo khổ hưu…
mà thôi!
Khởi viết hạ tuần tháng Tám - chiều mưa Quốc khánh
2.9 – 4.9 – 20.10 năm 2014 (Giáp
Ngọ).
TS.
ĐV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét