Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

ĐỒI CÁT BAY TIỂU THUYẾT LUẬN ĐỀ VỀ ĐÓI NGHÈO VÀ TRẺ NHỎ

                                                                         Tác giả Phạm Thị Bích Thủy

ĐỒI CÁT BAY TIỂU THUYẾT LUẬN ĐỀ VỀ ĐÓI NGHÈO VÀ TRẺ NHỎ

Đọc Đồi cát bay, tiểu thuyết của Phạm Thị Bích Thủy, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2014
                                                                       Vũ Nho

Khi tập truyện ngắn “ Chạy trốn” của tác giả Phạm Thị Bích Thủy xuất hiện,
người đọc đã kì vọng về sức viết của cây bút nữ có vốn văn hóa, vốn sống và vốn trải nghiệm phong phú  này. Đây là trích ngang bản lí lịch tóm tắt của tác giả do nhà văn Ma Văn Kháng cung cấp “đi nhiều. Lên rừng, xuống biển. Leo núi, lội đồng. Ra Bắc, vào Nam. Anh , Pháp, Úc, Mỹ, Singapore, Hongkong là trường giao tiếp thường xuyên. Qua hết châu Âu, châu Mỹ lại châu Phi. Giao tiếp với đủ các loại chức sắc, các hạng người. Trực tiếp tham gia vào đủ các công việc lớn nhỏ với tất cả niềm say mê háo hức của một tuổi trẻ yêu tha thiết cuộc đời và sự nghiệp” ( Những trang viết đầu tay và một cuộc chuẩn bị - trong tập Chạy trốn). Sự chuẩn bị kĩ lưỡng đó đã giúp cho tác giả trong cùng một năm,  sau tập truyện ngắn, trình làng tiếp tiểu thuyết  “Đồi cát bay”.

          Đây không phải là vùng quê mà tác giả sống thời niên thiếu, cũng chẳng phải môi trường mà tác giả quen hoạt động với tư cách nhà quản lí trẻ. Mũi Né, Phan Thiết giỏi lắm thì tác giả cũng đến khoảng “hơn một lần” với tư cách người du lịch. Nhưng chính bãi biển đẹp nhất Việt Nam với những đồi cát nổi tiếng của nó đã trở thành bối cảnh để tác giả viết tiểu thuyết luận đề về đói nghèo và trẻ nhỏ; một vấn đề không chỉ của địa phương Bình Thuận, không phải chỉ riêng Việt Nam, mà là vấn đề của  thế giới ngày nay. Ở đây có sự kết hợp giữa câu chuyện  vùng Mũi Né với câu chuyện vùng Busia của Kenia châu Phi, có sự  tương đồng và tương phản giữa một bên là Mĩ Tiên, người mẹ trẻ có cô con gái  nhỏ tật nguyền, cùng với dì Lượm, người đàn bà bán bánh bột lọc - những người phụ nữ hết lòng vì con cái; và bên kia là người mẹ của Út Lớn, bà Hai Ù- bà ngoại của cái Bàu, và xa hơn nữa là những người đàn bà ở châu Phi mà điển hình là mẹ của Chồi non.
Một bên, người mẹ có văn hóa  quyết tâm : “ Mẹ sẽ làm mọi điều cho con, tất cả những gì mà con người làm được, con yêu quý ạ” ( tr. 51). Cùng với người mẹ trẻ ấy là một người mẹ nghèo vùng đồi cát, dì Lượm  suy nghĩ mộc mạc: “ Khổ thì ráng bầm gan mà chịu, ngày qua ngày, đêm qua đêm, tháng qua tháng, cố là sẽ qua. Làm mẹ thì phải ráng lo cho con, dù khổ mấy thì mình cứ cố là nó xong” ( tr.162). Bên kia là mẹ thằng Út Lớn chỉ biết thu tiền của con, sẵn sàng nói dối, lừa người tốt để kiếm lợi. Cũng như thế là bà Hai Ù, hứa một đàng, làm một nẻo chỉ biết cái lợi trước mắt. Và xa hơn là  những người đàn bà châu Phi, họ chỉ biết đẻ con, sống bằng viện trợ và không học hành, làm lụng. Phải nói rằng thủ pháp xây dựng nhân vật song chiếu không mới, nhưng Bích Thủy đã thành công trong một số truyện ngắn trước đây ( Thằng Tê, Ăn cắp) bây giờ trở nên nhuần nhuyễn trong tiểu thuyết này và hiệu quả nghệ thuật thật ấn tượng.
          Nhà văn nữ có cảm hứng và thiên hướng viết về những người nghèo, những nhân vật trẻ nhỏ ( Thằng Tê, thằng Nhất, cái Phúc, con Na…- trong tập truyện Chạy trốn), giờ đây có thể tập trung nói về thân phận của những đứa trẻ cho thuê ván trượt ở vùng đồi cát. Một mặt, người đọc được thấy cảnh đẹp của tự nhiên, của những khu nghỉ dưỡng đẹp như tranh của vùng biển nổi tiếng. Nhưng mặt khác, đấy mới là chủ yếu, chúng ta sẽ được thấy “đằng sau những boutique” ( nhà hàng) “ những căn nhà nghèo nàn lợp lá, lợp tôn, ngược xuôi lúp súp, nhấp nhô trên những cồn cát đỏ - nhà của những  người nông dân, ngư dân”. Và điều quan trọng là chúng ta sẽ được chứng kiến cảnh này “ Từ lều của những người đàn bà đang cạy sò, xẻ cá và bóc mực những dòng nước đen lênh láng, đặc sệt chảy ngược ra biển. Vỏ sò, túi ni long, vô vàn rác thải tranh chỗ với người làm cho bãi cát trở nên vô cung nhày nhụa và hôi thối”. Trả lời câu hỏi ngây thơ của bé Rùa vì sao họ khổ thế, sao họ không làm sạch biển đi, Mĩ Tiên đã nói : “ Họ nghèo quá, họ không được học hành nên họ không biết cần làm sạch thế nào và cũng không cần thấy phải làm sạch con ạ” ( tr.14).
          Hai nhà nghèo điển hình là nhà của mẹ Út Lớn tuềnh toàng, một cái giường để đồ đạc, một cái 7 người chen chúc ngủ. Đồ đạc thì có một cái ti vi Tàu ọc ạch, một nồi cơm điện cũ “bị chảy nhựa sệ xuống một bên”. Thức ăn quanh năm là canh đầu cá.
          Và nhà thứ hai là của bà Hai Ù, bà ngoại của cái Bàu “ một căn không ra nhà, không ra lều lợp tôn trống ngoác. Không gọi là nhà được vì nó là một khối sập xệ được che nguệch ngoạc bên trên và bốn xung quanh bằng những mảng tôn cũ, đó là một cái “hộp” tôn to rách nát hay là cái gì đó na ná như vậy” ( tr. 173). Đặc tả cái nghèo  và bẩn  ấy là cảnh này “  phía sau chiếc giường là cái bếp củi, xung quanh la liệt nồi, soong chảo đen sì, cách đó không xa có mấy chiếc can nhựa cũ đựng nước. Mấy con gà chạy lung tung giữa đống nồi soong và can nước, vừa đi vừa cục cục gọi nhau, vừa ỉa soẹt soẹt. Một con gà bỗng nhiên hứng chí nhảy vào cái chảo để trên mặt đất mổ cái gì đó cốc cốc rồi ỉa đánh soẹt luôn vào cái chảo đó” ( tr. 175). Vì không được học hành nên nghèo. Vì nghèo nên chẳng quan tâm đến học hành. Đó là vấn đề mà tác giả đặt ra qua các hình tượng và cả bằng những lời cảm thán trực tiếp với hàng loạt câu hỏi :
          “ Cuộc sống của người nông dân, ngư dân luẩn quẩn và mù mịt quá, đói nghèo thì thất học mà thất học thì đói nghèo! Bao giờ thì thế giới có thể được đổi thay như Nelson Mandela mơ ước?  Làm sao để người ta hiểu được Giáo dục là vũ khí quyền lực nhất mà bạn có thể sử dụng để đổi thay thế giới như Mandela nói? Bao giờ thì thế giới được đổi thay? Bao giờ thì  ở Đồi cát bay không còn trẻ em mù chữ, không còn trẻ em thất học nữa?” ( tr.194).
           Hai vấn đề lớn nhất của dân cư vùng này là NGHÈO và THẤT HỌC. Mười bốn chương là mười bốn  cảnh xoay quanh những đứa bé  nghèo cho thuê tấm trượt ở đồi cát. Chúng không biết đến trường là gì. Chúng không thấy cần đi học. Chúng chỉ biết ngày ngày hai buổi chèo kéo khách du lịch, tranh khách lẫn nhau, rồi có tiền thì giấu bớt đi để “bấm chát” ( chơi ghêm). Tuy vậy thằng Út Lớn, nhân vật chính  bé nhất trong bọn luôn cảm thấy “sao sao đó”. Nó  ghét cái “thứ hai là ngày đầu tuần” vì không  có người đi chơi, không cho thuê được tấm trượt. Nó lại tò mò muốn biết “cái đi học” là cái gì mà ai cũng hỏi nó. Rồi nó theo thằng Tiến đến trường mà nhòm vào thèm thuồng. Rồi nó được ông John cho tiền học nhưng mẹ nó đem mua nhẫn vàng và vẫn bắt nó đi kiếm tiền, chỉ đi học buổi tối ở nhà bà giáo Tâm, học theo kiểu nhìn tranh đọc chữ. Nó băn khoăn vì anh Hai Hơn của nó  không đi học nên không kiếm được việc làm. Vì không  có việc làm, thất nghiệp mà anh nó tự tử. Tình huống thầy giáo Thiện xuất hiện dạy tiếng Anh cho lũ trẻ và cuộc làm việc với nhà chức trách địa phương cho thấy tính sĩ diện của chính quyền và “độc quyền” mở trường, độc quyền “quản lí” mặc cho lũ trẻ không đi học.  Cùng với chi tiết  ông John giúp Út Lớn, Mĩ Tiên giúp cái Bàu, muốn Út Lớn về thành phố học tập cho thấy  tấm lòng từ thiện như thế chưa đủ để giải quyết vấn đề đói nghèo và thất học.
          Hai cái chết thảm của Hai Hơn ( không đi học, không biết chữ nên không kiếm được việc làm) và cái chết của Út Lớn vì không biết chữ, không đọc được nhãn thuốc diệt mối, tưởng nhầm đó là “ sữa” nhấn mạnh thêm tính chất luận đề của tiểu thuyết này.
          Gần hai trăm trang sách được viết kĩ lưỡng, chặt chẽ và hấp dẫn. Bằng một  khả năng nhập vai vào trẻ nhỏ và sử dụng ngôn ngữ địa phương nhuần nhuyễn, chính xác, Phạm Thị Bích Thủy cuốn hút người đọc  với vai trò người dựng chuyện lành nghề. Đây là một dấu mốc quan trọng trên con đường  theo đuổi sự nghiệp văn chương của tác giả. Tôi tin tưởng rằng với vốn văn hóa, vốn sống phong phú và những kinh nghiệm viết đã tích lũy, Phạm Thị Bích Thủy sẽ còn đi xa, đi rất xa.


                                                                   Hà Nội, 2/11/2014

Bài đăng trên Quân Đội Nhân Dân cuối tuần số 985, ngày 16/11/2014

2 nhận xét: