Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Lời tác giả HOÀNG DÂN cuối tiểu thuyết GƯƠNG



Lời tác giả HOÀNG DÂN cuối  tiểu thuyết GƯƠNG

LỜI CUỐI SÁCH

Từ khi nghỉ hưu (11.2007), ý định viết một cuốn tiểu thuyết về đề tài giáo dục đã manh nha trong đầu tôi. Nhưng viết cái gì? Viết như thế nào?... là những câu hỏi không dễ trả lời. Đắn đo suy nghĩ mãi… Vèo cái, sáu năm đã trôi qua… Rồi vào buổi sáng ngày 30.4.2013, chợt thấy lòng buồn vu vơ, gõ Google tìm mục “Đồng Dù – Củ Chi” để hi vọng sống lại với hồi ức chiến trận hào hùng năm xưa cho quên đi nỗi buồn… thì ngay lập tức hiện ra loạt bài viết về trận chiến cuối cùng này. Và tôi chăm chú đọc…
- Trận đánh cuối cùng trong chiến tranh của tôi (Ghi chép của Vũ Công Chiến)
- Trận đánh trước ngày 30.4 (Hồi ức của đại tá Đinh Hữu Tấn)
- Đồng Dù – địa danh vang lừng chiến công (Báo Quân đội nhân dân)
- Ngày 29 tháng 4 năm 1975: Đập tan phòng tuyến địch ở căn cứ Đồng Dù (Báo Sài Gòn giải phóng)
Tôi dừng lại rất lâu ở lời dẫn trong bài ghi chép của Vũ Công Chiến:
Trận đánh ấy diễn ra đúng ngày này 38 năm về trước (bài viết năm 2013), trên cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn. Kể lại chuyện này, xin nghiêng mình trước anh linh các đồng đội đã ngã xuống chỉ một ngày trước ngày toàn thắng. Các anh giờ đang yên nghỉ trong Nghĩa trang An Nhơn Tây – Củ Chi, nằm trắng cả một góc nghĩa trang…
Tôi đã đọc hết các bài viết về trận Đồng Dù, không chỉ đọc một lần, càng đọc tôi càng có cảm giác như trận chiến ác liệt ấy vừa mới diễn ra hôm qua hoặc hôm kia gì đó thôi. Tôi cảm thấy như lửa đang táp vào mặt rát bỏng, khói súng và cát bụi quyện vào nhau sặc sụa nghẹt thở, tiếng thét và những tiếng nấc nghẹn đau đớn…
Tôi nghĩ, có thể trong kí ức, thời gian chỉ là con số không, do đó 38 năm là quãng thời gian chưa đủ lâu khiến tôi có thể quên tất cả… Vì thế hai tiếng “đồng chí” ở chiến hào ngày ấy vẫn còn ấm nóng máu tươi cho tới hôm nay…

Ngày 29.4.1975, tôi là một người lính của đại đội 5 (C.5), tiểu đoàn 2 (D.2), trung đoàn 9 (E.9), sư đoàn 968 (F.968) trong đội hình phối thuộc với F.320 có nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Đồng Dù-Củ Chi. Trận chiến bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc vào 16 giờ chiều. C.5 của tôi được giao nhiệm vụ mở cửa, tức là các chiến sĩ phải lần lượt ôm bộc phá lao lên dưới làn hoả lực khủng khiếp của địch để phá tung các hàng rào dây thép gai, mở một lối đi đủ rộng cho xung kích tràn vào căn cứ địch. Hầu hết những người lính làm nhiệm vụ mở cửa đều hi sinh. Có người hi sinh ngay từ phút đầu tiên của trận đánh và ngay tại vị trí xuất phát. Nhiều người hi sinh khi đã tiếp cận được hàng rào dây thép gai… Hết lớp này đến lớp khác xông lên, nhưng hàng rào dây thép gai thì vẫn còn… Sau gần một ngày chiến đấu, tôi là một trong số ít những người lính của C.5 còn sống sót. Nhìn thi thể đồng đội nằm la liệt trên trảng cát với các tư thế (sấp, ngửa, nghiêng, co quắp…) khác nhau, tình trạng (nguyên vẹn hoặc nát bấy…) khác nhau… -  Những đồng đội mà vừa mới tối qua hoặc sáng nay còn ôm nhau, còn cùng nhau rít chung một điếu thuốc lá; tôi bỗng thấy lòng buồn rũ rượi và rưng rưng muốn khóc… Trong số những đồng đội hi sinh, có rất nhiều người là đảng viên trẻ, có người vừa được chi bộ kết nạp vào đảng trước trận đánh vài tiếng đồng hồ… Họ vào đảng là để sẵn sàng hi sinh cho sự nghiệp của đảng, một sự hi sinh được hiểu theo nghĩa giản dị nhất! Vì thế hai tiếng “đồng chí” là vô cùng thiêng liêng…
Còn bây giờ? Không ít kẻ uốn lưỡi phát thanh hai tiếng “đồng chí” nghe cứ trơn tuột, vô hồn, vô cảm… Nó dường như là hai tiếng “đồng chí” hoàn toàn xa lạ với hai tiếng “đồng chí” của 38 năm về trước? Thú thực, tôi cũng chỉ cảm nhận được sự khác nhau đó thôi, chứ không thể cắt nghĩa một cách thật rõ ràng, gãy gọn. Chỉ có điều chắc chắn là nó khác nhau!
Tôi viết cuốn sách này với hi vọng thông qua những câu chuyện cụ thể, những mối quan hệ cụ thể, những tâm trạng cụ thể… ngõ hầu tìm kiếm một câu trả lời cho câu hỏi trên! Vậy thôi…
Bạn Nguyễn Chí Cương (cũng từng là một người lính dạn dày trận mạc) đã nói rất đúng tâm sự của tôi: “Bao nhiêu chuyện, tưởng chẳng bao giờ nghĩ đến nữa; bao gương mặt, tưởng chẳng bao giờ nhớ đến… bỗng trở về. Buồn thêm”.
Những chuyện buồn một khi đã trở thành dĩ vãng thì tự nó sẽ nhạt dần và tan biến trong hư vô. Những chuyện ấy, ở một khía cạnh nào đó, nó giống như những xác chết đã được đào sâu chôn chặt, ít khi người ta muốn bới lên làm gì! Nhưng ở một khía cạnh khác, nếu hơn nghìn năm qua, tất cả mọi chuyện buồn đều bị chôn chặt thì làm sao hôm nay chúng ta có thể biết, trong quá khứ hào hùng và bi tráng của dân tộc ta, có những vị anh hùng như Trần Bình Trọng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ… thì cũng có những kẻ đốn mạt như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống…; có những đấng minh quân như Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông… thì cũng có những hôn quân như Trần Dụ Tông, Lê Tương Dực…?
Vả lại, cuộc sống luôn có những chuyện vui và buồn đan xen vào nhau. Lịch sử cũng vậy. Và kí ức của mỗi con người cũng vậy. Tuy nhiên, kí ức sẽ chẳng có ích gì bởi sự hồi tưởng đơn thuần. Nó chỉ có ích khi con người có thể lấy nó làm cái cớ để suy ngẫm, rút ra từ trong những câu chuyện của nó bài học cho tương lai. Tức là nó phải được khúc xạ qua những hư cấu, tưởng tượng của văn chương.
Những người viết về đề tài lịch sử thường có độ lùi thời gian để ngắm nghía, chiêm nghiệm, khảo cứu tư liệu…; cho nên người đọc khó mà nhận ra chỗ nào là “lịch sử như nó vốn có” và chỗ nào là hư cấu, tưởng tượng. Còn viết về đề tài đương đại thì thiếu tất cả những điều kiện trên. Đây là một thách thức cho tất cả những người cầm bút, chứ chẳng riêng ai. Nói chung, về đề tài đương đại, hiện có hai cách viết:
- Một là, hư cấu tuyệt đối, hư cấu tới mức các nhân vật và hoàn cảnh trong tác phẩm hoàn toàn ảo, chẳng có dính dáng gì đến cuộc sống hằng ngày.
- Hai là, bám sát hiện thực, dựng lại những gương mặt nhân vật, những hoàn cảnh gần với sự thật ở mức có thể.
Cách thứ hai khó viết nhưng dễ đọc. Cách viết này thường có một nhược điểm muôn thuở: Nhân vật văn học rất khó thoát khỏi cái bóng của nguyên mẫu. Thế nên, người đọc thường có thói quen so sánh đối chiếu, loại trừ… để cố tìm kiếm xem nhân vật này, nhân vật kia là ai trong đời thực? Thậm chí có người đọc còn hỏi thẳng tác giả: “Nhân vật A là ai mà tôi đoán mãi không ra?”. Tác giả buộc phải trả lời: “Cuốn sách của tôi hướng tới bạn đọc rộng rãi, chứ không phải cuốn sách viết riêng cho mấy người! Do đó, nhân vật A là kết quả của sự nhào nặn từ hàng chục nguyên mẫu mà tôi từng gặp trong đời, dù có nói ra thì các vị cũng chẳng biết họ là ai!”.
Khi tôi gửi bản thảo lần 1, lần 2, lần 3… (đến ngày 17.10.2014 là lần 6) cho một số bạn bè đồng nghiệp và nhờ họ đọc, góp ý thì câu chuyện diễn ra đúng như những gì tôi đã dự liệu. Có một số người chất vấn tôi, đại loại: “Không phải thế này mà là thế kia cơ!”, “Chỗ này ông viết không đúng với thực tế”, “Sao nhân vật X thì ông nương nhẹ, mà nhân vật Y (là tôi) thì ông lại nặng lời thế?”…
Thực tình, với những chất vấn kiểu “quên rằng mình đang đọc tiểu thuyết” để chú mục xăm soi cuốn sách như “một bản photocopy” thực tại đã khiến tôi vừa buồn cười vì sự ngô nghê của người chất vấn; vừa chán nản, mệt mỏi và chỉ muốn quẳng luôn bản thảo vào… sọt rác!
Tôi mail cho bạn Nguyễn Văn Đường:
- Hãy coi những bản thảo tôi đã gửi cho bạn bè chỉ là một thứ tư liệu đọc cho vui thôi, tôi sẽ không in thành sách nữa!
Bạn Đường trả lời:
- Tôi không nghĩ là ông hèn đến thế!
Tôi giải thích:
- Nói trước mặt là quân tử, nói sau lưng là tiểu nhân! Tôi có mặc cảm tiểu nhân!
Bạn Đường động viên:
- Nói đúng là trung thực, đó là sự trung thực của sáng tạo nghệ thuật. Ông cứ yên tâm đi, trình độ của người đọc bây giờ cao lắm!
Tôi phải thành thật cảm ơn sự động viên, khích lệ của hai bạn Nguyễn Chí Cương và Nguyễn Văn Đường. Nếu không có hai bạn, chưa chắc tôi đã hoàn thành được cuốn sách này. Nhân đây tôi cũng phải nói ngay, những gì bạn Cương động viên, khích lệ thì tôi đã in nguyên văn ở mục “Bản thảo Gương với những góp ý của bạn bè, đồng nghiệp”, ngoài ra, bạn Cương không cung cấp bất kì một thông tin nào. Nói cách khác, tất cả những gì tôi viết về nhân vật Trương và cả những nhân vật có liên quan đến nhân vật Trương đều là hư cấu, tưởng tượng 100%! Tôi viết theo logic phát triển của nhân vật trong mối quan hệ với những nhân vật khác, hoàn toàn không bận tâm gì đến việc nó có giống nguyên mẫu ngoài đời hay không? Rất cảm ơn bạn Cương về ý kiến Người viết tiểu thuyết có toàn quyền đối với tư liệu (không như người viết kí, viết tự truyện…) – chính ý kiến này của bạn đã góp phần khai thông bế tắc cho tôi khi viết về các nhân vật khác, các cuộc đối thoại tưởng tượng, các chương/đoạn độc thoại nội tâm và các chương/đoạn trong phần Vĩ thanh… Tất cả đều đã được viết dưới sự dẫn dắt của logic câu chuyện và logic cuộc sống, mà đôi khi, chính tôi cũng không hiểu tại sao mình lại viết như thế?
Trong cuốn sách, có những trường đoạn chỉ kể việc hoặc dựng lại sự kiện thông qua các cuộc đối thoại; những trường đoạn này tôi thường cố gắng viết theo hướng chân thực. Ngoài ra, cuốn sách còn có hơn 10 chương, đoạn độc thoại nội tâm; đây là những chương, đoạn hư cấu tưởng tượng 100% và là những chương, đoạn khó viết nhất vì nó được coi là “đặc sản” của tiểu thuyết. Có đoạn độc thoại tôi phải viết đi viết lại nhiều lần, viết tới mức đau đầu buốt óc, không thể viết được nữa, đành bỏ bàn phím, phóng xe ra một bờ hồ bờ sông nào đó, vừa ngồi ngắm cảnh thiên nhiên vừa ngẫm nghĩ tiếp.
Các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Gương đều là kết quả của một quá trình quan sát, hư cấu, tưởng tượng, nhào nặn… từ nhiều nguyên mẫu ngoài đời ở những môi trường sống khác nhau, ví như các nhân vật Thỉnh, Liến, Hạm, Uyên… chẳng hạn; do đó tôi muốn lưu ý bạn đọc rằng, tiểu thuyết không bao giờ chỉ dừng lại ở việc kể chuyện người thật việc thật. Những diễn biến trong tiểu thuyết có thể phù hợp với qui luật thực tế của đời sống, nhưng cũng có thể không hoàn toàn trùng khít với qui luật của đời sống, đó là logic của nghệ thuật, ví như tính ước lệ về thời gian hoặc không gian… Có bạn đọc bản thảo thắc mắc: “Chỉ từ ngày hôm trước sang ngày hôm sau mà sao lắm chuyện thế? Vô lí!”. Lại có bạn băn khoăn: “Chỉ một cuộc họp mà sao phải tãi ra nhiều trang sách?”… Xin thưa: “Tôi không làm công việc ghi biên bản các cuộc họp, mà là tái tạo một cuộc họp điển hình!”. Viết một cuốn “sách sử” nhân kỉ niệm 10 năm thành lập một trường đại học nào đó thì người ta phải viết rất cụ thể, tỉ mỉ; nhưng nếu trường ấy kỉ niệm 50 năm thì 10 năm đầu chỉ còn vài trang và nếu kỉ niệm 100 năm thì 10 năm đầu chỉ còn một đoạn ngắn. Văn chương còn “rút gọn” hơn thế, nếu người viết cảm thấy cần thiết. Ngược lại, sẽ có những sự việc nhất thiết phải “tãi ra” nhằm phục vụ một ý đồ nghệ thuật nào đó.
Nhân vật Hoá vừa là người kể chuyện, vừa là một trong những nhân vật chính cũng không là ngoại lệ. Với vai kể chuyện, nhân vật Hoá có thể chủ quan, phiến diện, đó là điều khó tránh trong cõi vô thường. Với vai nhân vật, Hoá cũng có đủ các thói hư tật xấu như các nhân vật khác cùng loại, nhưng người viết không sa đà vào việc miêu tả cụ thể những khuyết tật này, bởi như thế nó sẽ trở thành một dạng tự truyện hoặc tự bạch, không phù hợp với chủ đề tư tưởng chung của cuốn sách.
Có nhân vật thuộc típ chí thiện như nhân vật Nguyễn Minh Kỳ chẳng hạn, nhưng vai kể chuyện của nhân vật Hoá vẫn phải gọi ra những nhược điểm như nó vốn có của nhân vật này để đảm bảo tính khách quan.
Có nhân vật thuộc típ cơ hội như nhân vật Thỉnh chẳng hạn thì vai kể chuyện của nhân vật Hoá phải dùng thủ pháp dựng các cuộc đối thoại để nhân vật trên bộc lộ tính cách. Thủ pháp này thì nhà văn Nguyễn Tuân là bậc thầy. Trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, nhân vật Huấn Cao chỉ có thể bộc lộ được những phẩm chất cao quí của mình thông qua các cuộc đối thoại với nhân vật viên Quản ngục. Nói cách khác, không có nhân vật viên Quản ngục thì cũng không có nhân vật Huấn Cao. Cho nên, nếu có ai đó cứ tự vận vào mình và thắc mắc “Tôi không đến nỗi như thế, sao lại viết tôi như thế?” thì cũng nên hiểu rằng đó là sứ mệnh nghệ thuật của viên Quản ngục.
Tóm lại,
Về nội dung, trước muôn vàn các sự việc hiện tượng đang diễn ra trong cuộc đời hoặc hàng tỉ các toan tính đang diễn ra bên trong những cái “đầu đen” của mỗi người thì dưới góc nhìn của một cá nhân người viết chắc chắn việc tái hiện và bình giá không thể tránh khỏi chủ quan, phiến diện… Có lẽ, chỉ có Chúa Trời là công minh và thấu tỏ ngọn ngành!
Về nghệ thuật, người viết cũng ý thức được những nguyên tắc cơ bản của việc viết tiểu thuyết và cũng nghiền ngẫm kĩ lưỡng những góp ý đầy thiện chí của các bạn đồng nghiệp, nhưng quả thực, khoảng cách từ mong muốn đến thực tế là rất xa, muốn lấp đầy khoảng cách ấy, người viết cần phải có tài năng chứ không thể chỉ là nhiệt tình và sự cố gắng. Vả lại, đôi khi những khiếm khuyết cũng là một phần tất yếu của cuộc sống! Lại nhớ một chi tiết trong Tây Du Kí của Ngô Thừa Ân, sau khi phải chịu cái kiếp nạn thứ tám mươi mốt, Đường Tăng ôm mấy quyển kinh bị ngấm nước rách nát và bật khóc thì Tôn Ngộ Không an ủi: “Thầy ơi, đến trời đất còn khuyết tật, huống chi là kinh kệ? Thầy khóc làm gì…”.
Mong muốn của người viết là qua cuốn sách này, những nhà giáo đã về hưu, trong những khoảnh khắc nào đó sẽ chợt thấy kí ức của mình dù lấp lánh hào quang hay vần vũ mây đen thì vẫn là… kí ức, không thể dễ mà đem ra… “hoá vàng” như một hành động đoạn tuyệt cơ học và ảo tưởng được. Còn đối với những nhà giáo đương chức nói riêng, bạn đọc rộng rãi nói chung; cuốn sách cũng có thể đem đến đôi điều nào đó đáng suy ngẫm chăng? Hi vọng là thế, cho dù câu trả lời bao giờ cũng ở phía trước, rất xa…
Một lần nữa, người viết xin gửi tới các bạn đồng nghiệp lời cảm ơn chân thành! Chúc các bạn và gia đình luôn có nhiều niềm vui trong cuộc sống!
                                                             Thạch Bàn, 20.8.2014
                                                                                        Kính!
                                                                                   Hoàng Dân



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét