Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

MỖI ÁNH SAO THI CA SÁNG MỘT VẺ URAL ( tiếp)



Triệu Lam Châu

MỖI ÁNH SAO THI CA SÁNG MỘT VẺ URAL

(Tiếp theo)
* * * * *

Từ ánh thi ca L. Tachianhisépva đậm đà chất Nga soi sáng cả một dải trập trùng núi Ural ấy, chúng ta cùng quay về đọc, cảm nhận và suy ngẫm Ánh thi ca Việt Nam cũng lặng lẽ soi về miền đất kia, xem có gì đặc sắc nhé!
Thì đây, chúng ta cùng đọc bài thơ đầu tiên Bên cột mốc Á – Âu, trong chùm thơ hai bài viết về Ural của nhà thơ Việt Nam Châu Hồng Thuỷ đang sống tại Liên bang Nga.


BÊN CỘT MỐC Á - ÂU
Một bàn chân  tôi đứng  ở Châu Âu,
Còn chân kia lại đặt lên Châu Á,
Ở trước mặt: Thẳng một đường vạch kẻ,
Phía sau lưng: Cột đá dựng lưng trời.

Rừng Bạch Dương trắng xoá ở quanh tôi,
Nào đâu thấy có điều chi khác biệt,
Mây lơ lửng trên bầu trời  xanh biếc,
Nắng bên này bên ấy khác gì nhau?

Nghe thì thào ngọn gió  phía trời Âu,
Lay động lá - thổi về miền Châu Á,
Chợt dịu mát cả mùa Hè nắng lửa,
Làn da ta hiểu ranh giới  hai miền.

Phác thảo tại Thành phố Pervouralsk 26/6/2010
Lần đầu tiên đọc bài thơ này của Châu Hồng Thuỷ, trong tôi bỗng loé lên hai  ý nghĩ rực sáng như ánh chớp, vô cùng đột ngột, làm sửng sốt, bàng hoàng cả cõi lòng:


Một là: Cho đến thời điểm này (Năm 2014), trong nền thi ca Việt Nam   (Một đất nước đã có tới chín mươi triệu dân) – có thể nói đây là bài thơ đầu tiên, hiếm hoi, có lẽ là duy nhất, viết về Ranh giới hai châu lục Á – Âu chăng? Có thể có nhiều nhà thơ Việt Nam cũng có cảm xúc về Ranh giới Á – Âu kia (Triệu Lam Châu là một trong số ấy) – nhưng chưa có điều kiện sống và suy ngẫm ở đó dài ngày, cho đến chín mùi – thì làm sao có được những vần thơ nặng ký và ưng ý về nơi ấy! Với mạch nghĩ có căn cứ như vậy, ta có thể tự hào rằng: Chùm thơ giàu tâm trạng của Châu Hồng Thuỷ về Ranh giới Á – Âu kia, là sự góp mặt đầu tiên xứng đáng của thi ca Việt Nam với nền thơ nhân loại, phản ánh những vấn đề mang tầm vóc quốc tế.
Tôi đồ rằng: Với ý nghĩ không phải là hồ đồ này, nhiều bạn đọc Việt Nam sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc và nỗi tự ty xưa nay cũng sẽ giảm dần theo năm tháng…

Hai là: Cái thần của bài thơ này là Cảm giác hết sức tinh tế về Ranh giới, Biên giới – tôi xin mạo muội gọi đó là Cảm giác biên giới.
Nếu người đọc không có sẵn trong lòng mình một Cảm giác biên giới, thì sẽ  khó cảm được cái thần, cái độc đáo trong bài thơ sáng giá này của Châu Hồng Thuỷ. Nếu người đọc chưa từng sống lâu ở biên cương, hay chưa suy ngẫm sâu về biên cương, mà chỉ suốt đời sống trong nội địa – thì hẳn khó có thể có được một Cảm giác biên giới trong lòng mình…
Điều này cũng dễ hiểu thôi. Khi trong lòng ta chưa có những trải nghiệm và suy ngẫm sâu về một hiện thực nào đó, mà đọc những tác phẩm nói về hiện thực ấy – thì ta sẽ rất khó đồng cảm được với cái thần của tác phẩm, đặc biệt đấy là những tác phẩm thi ca.

Tôi xin tâm sự thêm về Cảm giác biên giới đã nảy mầm trong lòng tôi ra sao, để bạn đọc cùng suy ngẫm nhé.
Bây giờ ngẫm lại, tôi mới thấy, đúng là Triệu Lam Châu tôi may mắn được sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng, miền biên cương xa vời của Tổ Quốc, nên từ nhỏ, với tâm hồn nhạy cảm bẩm sinh của mình,  tôi đã có Cảm giác biên giới trong lòng.
Tôi còn nhớ hồi tháng 10 năm 1965 Trường cấp 2 Đức Long tổ chức cho học trò đi tham quan di tích lịch sử Hang Pác Bó ở huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Từ trường Đức Long đi lên Hang sát biên giới Việt – Trung chỉ vẻn vẹn ba chục cây số, mà trập trùng đèo dốc rất khó đi. Sau khi tham quan Hang Cốc Bó, nơi trú ngụ của chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ hoạt động cách mạng bí mật năm 1941, thầy trò chúng tôi cùng đi lên thăm cột mốc biên giới 108 cheo leo trên núi đá. Thầy giáo không cho chúng tôi đi qua cột mốc sang bên nước bạn, mà chỉ cho phép đứng ở phía bên này nước mình.
Học trò thì đông (Hơn ba chục đứa, hẳn thầy giáo không để ý được hết mọi đứa) – nên tôi tranh thủ cúi xuống với tay sang bên kia cột mốc thiêng liêng ấy, cầm vội lấy một hòn cuội nhỏ, mà tự nhiên thấy râm ran cả lòng tay. Tôi lặng lẽ đút hòn cuội nhỏ ấy vào túi quần, không ai để ý, rồi cùng bạn bè đi xuống núi. Cầm hòn cuội vô tri vô giác ấy, mà tôi cảm thấy như mình được chạm phải cả một đất nước Trung Hoa vĩ đại (Tôi xin lưu ý: Hồi ấy quan hệ Việt – Trung rất nồng ấm, không phải như thời gian sau này, đặc biệt là năm 2014 bây giờ).
Tôi cảm thấy một nét vô hình nào đó mang tên là Trung Quốc…như đã thầm chạm vào tay mình… mà lòng cứ râm ran một nỗi gì không rõ….(Hòn cuội ấy được bao trùm và tắm gội bởi tâm hồn người dân Trung Quốc bao đời nay). Còn ở bên này nước ta, thì tất cả núi non và ánh trời – đều được bao trùm và tắm gội bởi tâm hồn người Việt Nam
Và bây giờ tôi tạm gọi đó là một dạng của Cảm giác biên giới vậy! Một cảm giác thiêng liêng, ẩn tàng và như thể đượm một chút kỳ thú nữa, vì nó lạ và chỉ xuất hiện ở Cột mốc biên cương mà thôi!

Bản Nà Pẳng của tôi nằm ở sườn đồi thoai thoải Khau Đốn, bên chân núi Khau Mi-à cao chất ngất. Ở phía dưới chân đồi ấy là một con suối nhỏ chảy từ Nà Ngùa, Nà Thin, Nà Lắc rồi đi xuống Khau Khang, hoà vào sông Nà  Đuốc – Nà Mò. Con suối Nà Lắc ấy là ranh giới tự nhiên phân chia giữa sườn bên này Khau Đốn là bản Nà Pẳng và sườn bên kia của đồi Khau Lỷ là bản Cốc Lùng, nơi có Trường cấp 1 – 2 Đức Long đóng ở đó.
Bắc ngang dòng suối Nà Lắc, là một chiếc cầu tre nhỏ tròng trành. Những hôm thuộc bài và làm bài tập tốt ở nhà, mỗi khi bước qua cầu sang phía bên kia bản Cốc Lùng đến trường học, tôi cảm thấy háo hức mong thầy giáo khi kiểm tra bài cũ, sẽ gọi đến tên mình. Rồi những lần được điểm giỏi ở trường, khi trở về nhà, bước qua cầu Nà Lắc sang phía này bản Nà Pẳng, lòng tôi tự nhiên lại vui sướng hẳn lên và tưởng tượng thấy nụ cười vui của mẹ khi nghe con thông báo kết quả học tập tốt.
Và đấy cũng là một dạng của Cảm giác biên giới chăng?

Tôi cứ tưởng tượng là có một Vầng Nà Pẳng bản tôi bao trùm ở phía bên này cầu Nà Lắc và một Vầng bản Cốc Lùng (Nơi có trường học) bao trùm ở phía bên kia.
Nét chủ đạo của Vầng Nà Pẳng là tổ ấm, là tình cảm ấm áp của mẹ cha, anh em, họ hàng và kỷ niệm tuổi thơ đầy ắp trong lòng.
Nét chủ đạo của Vầng Cốc Lùng là tình cảm thầy trò trong sáng và tình bạn bè cùng trang lứa trong suốt như pha lê…
Mỗi khi qua chiếc cầu tre Nà Lắc nhỏ nhoi mà thần diệu ấy, bước từ Vầng nọ sang Vầng kia và ngược lại – lòng tôi cứ trào dâng bao nỗi niềm khó nói, khó gọi thành tên…Một nỗi gì xôn xao, lâng lâng và háo hức… Phải rồi, đó cũng là một dạng của Cảm giác biên giới đấy thôi…

Từ cái nền cảm giác biên giới ấy của lòng mình, tôi lặng lẽ soi vào bài thơ Bên cột mốc Á – Âu của Châu Hồng Thuỷ. Ngay khổ thơ mở đầu đã thấy ngay nét hoanh tráng của nó:
Một bàn chân  tôi đứng  ở Châu Âu,
Còn chân kia lại đặt lên Châu Á,
Ở trước mặt: Thẳng một đường vạch kẻ,
Phía sau lưng: Cột đá dựng lưng trời.

Mới đọc thoáng qua lần đầu, ta thấy đây là một khổ thơ bình dị, như thể không có gì đặc biệt cả. Nếu trong lòng ta không có Cảm giác biên giới, thì khổ thơ trên sẽ bị oan uổng trôi đi như bao vần thơ bình thường khác trong thời buổi bùng nổ thông tin này. Đó là sự thật.
Theo ngôn ngữ tin học hiện đại, nếu trong lòng ta chưa được… Cài đặt chương trình Cảm giác biên giới, thì ta không thể đọc được hay không cảm được cái thần của khổ thơ bình dị ấy.
Triệu Lam Châu bỗng lại thấy hiện lên một Vầng Châu Á rực rỡ chói ngời ở phía này của cột mốc trên dãy núi Ural. Rồi phía bên kia cột mốc cũng lồng lộng một Vầng Châu Âu với nét đặc thù riêng của nó.
Mỗi Vầng châu lục ấy đều chứa đầy tất cả những giá trị tinh thần, vật chất và lòng người sâu nặng đặc thù.
Và nhân vật TÔI - chủ thể trong bài thơ Bên cột mốc Á – Âu đã… Một bàn chân  tôi đứng  ở Châu Âu,… Còn chân kia lại đặt lên Châu Á,…
Một cảnh tượng thật bình dị bên cột mốc. Nhưng chứa trong ấy là cả một niềm lồng lộng ngất trời hết sức kỳ vĩ.
Bàn chân bên này được choàng lên và được tắm gội bởi cả một Vầng giá trị rực rỡ Á Châu, nơi cư trú hàng mấy ngàn triệu tâm hồn con người lấp lánh như ánh sao long lanh, nơi chứa chan cả một bề dày huy hoàng của lịch sử về mọi phương diện…
Bàn chân bên ấy cũng vậy… Nó cũng được choàng lên và được tắm gội bởi cả một Vầng giá trị hùng vĩ Âu Châu, nơi cư trú của lớp lớp những thiên tài của nhân loại, và nhờ ánh tiên phát sáng từ những thiên tài ấy, mà lịch sử loài người đi được những bước khổng lồ ngoài sức tưởng tượng…
Mỗi bàn chân của chủ thể bài thơ ấy, được ấp ủ bởi hương vị (đậm đặc như ở trung tâm của thiên hà) của những Vầng khổng lồ châu lục như vậy…ở nơi ranh giới kia… Nơi giao hoà rực rỡ đến không cùng của những Vầng giá trị kỳ vĩ long lanh…
Trời ơi, cái cảm giác biên giới ở nơi này, sao mà thần diệu và lay động những tầng nấc lạ lùng chưa bao giờ có trên cõi đời này. Ta không biết gọi cảm giác ấy chính xác như thế nào. Ngôn từ đã bất lực trong trường hợp này rồi đó. Bởi vì hình như ta cảm thấy sức nổ bùng của một TRÁI – BOM – NGUYÊN – TỬ - CẢM – XÚC trong lòng mình.
Nếu có Phép biến hình của Tôn Ngộ Không (Tề Thiên Đại Thánh) – thì nhân vật Tôi ấy như thể bỗng vút cao lồng lộng như ngọn Chô Mô Lung Ma. Và Ngài như thể chính là Giá trị rực ngời của hai châu lục khổng lồ, đứng một bàn chân ở châu lục này và bàn chân kia đặt lên châu lục láng giềng…Lòng Ngài chan chứa tiếng gió ngàn Chô Mô Lung Ma và bao tiếng thầm thì của lòng người vọng lên từ Mátcxcơva – Pari – Berlin - Luân Đôn và bao miền quê xa xăm thanh bình như mộng ước…

Vâng, trong lòng thi sĩ lúc này đang phải trải nghiệm những bước ngoặt của cảm xúc đỉnh điểm, mà gấp khúc như một đồ thị toán học như vậy. Thế mà sao:
Rừng Bạch Dương trắng xoá ở quanh tôi,
Nào đâu thấy có điều chi khác biệt,
Mây lơ lửng trên bầu trời  xanh biếc,
Nắng bên này bên ấy khác gì nhau?

Cảnh sắc và thiên nhiên bên ngoài ở xung quanh ranh giới ấy, vẫn là một Vầng thống nhất như triệu năm xưa vậy thôi. Nào có gì khác đâu cơ chứ? Nhưng sao thiên nhiên lại lạnh lùng và dửng dưng đến vậy, hả trời?
Cái cảm giác biên giới hùng vĩ ấy trong lòng ta, cần được sẻ chia – mà thiên nhiên cứ dửng dưng. Điều ấy làm cho tâm hồn thi nhân và cả người đọc chúng ta nữa chạnh lòng và cảm thấy cô đơn…

Rồi cuối cùng chỉ có Vầng giá trị của lòng người thấu hiểu được nỗi niềm thi sĩ đang trầm tư ngây ngất say bên cột mốc bình dị mà thần kỳ ấy:
Nghe thì thào ngọn gió  phía trời Âu,
Lay động lá - thổi về miền Châu Á,
Chợt dịu mát cả mùa Hè nắng lửa,
Làn da ta hiểu ranh giới  hai miền.

Rõ ràng cảm xúc thi ca và Cảm giác biên giới đã đạt đến độ chín mùi, nên nhà thơ Châu Hồng Thuỷ đã cho chúng ta một câu thơ cực sáng… Làn da ta hiểu ranh giới  hai miền…. Một câu thơ rất thú vị và tuyệt vời.
Thông thường con người ta xem xét và nhận biết những sự vật cụ thể, như đường Ranh giới giữa hai châu lục Á – Âu trong trường hợp này, chủ yếu bằng thị giác…. Ở trước mặt: Thẳng một đường vạch kẻ…,
Phía sau lưng: Cột đá dựng lưng trời
… Như nhà thơ  đã nhìn thấy bằng mắt.
Song cái ranh giới vô hình ở nơi ấy, ranh giới của chất hè nắng lửa Á Châu với cái dịu mát của Âu Châu – chỉ có thể dùng xúc giác mới nhận ra nổi. Dùng làn da để hiểu ranh giới hai phương trời. Thật là tuyệt vời. Câu thơ đã cho ta một phát hiện mới đầy kỳ thú.

Tôi nghĩ bài thơ Bên cột mốc Á – Âu của Châu Hồng Thuỷ không chỉ nói tới ranh giới cụ thể về mặt địa lý giữa hai châu lục khổng lồ, mà còn nói tới vô vàn …n… ranh giới khác nữa…Ta hiểu ra ngay, nếu so sánh tất cả mọi nguồn giá trị tinh thần và vật chất của hai châu lục Á – Âu với nhau, thì sẽ hiện ra ngay cả một trời ranh giới đặc thù…
Bỗng nhiên tôi lại nhớ tới một câu của ai đó định nghĩa về thơ: Thơ là năng lượng được nén chặt…
Qua những điều cảm nhận và phân tích trên, ta có đủ căn cứ để nói rằng: Bài thơ Bên cột mốc Á – Âu đã đạt tới mức…Thơ là năng lượng được nén chặt… rồi đó…

Viết đến đây, tôi tự hỏi mình: Ánh sao thi ca Việt Nam Châu Hồng Thuỷ đã góp phần làm sáng lên nét riêng của Ural ở khía cạnh nào vậy?
Nét riêng của ánh sao này là đã công hiến cho bạn đọc yêu thơ một Cảm giác ranh giới lồng lộng hùng vĩ của những giá trị tinh thần và lòng người giữa hai châu lục Á – Âu. Cảm giác thần diệu này chỉ có ở Ural mà thôi. Đó là một đóng góp của nét sáng thi ca Việt Nam đượm chất Ural – vào bản đồ thơ quốc tế!
Tôi tin rằng: Nếu bài thơ Bên cột mốc Á – Âu của Châu Hồng Thuỷ được dịch thành công sang tiếng Nga và lời cảm nhận thật máu thịt này của Triệu Lam Châu tôi đến được với người Nga – Thì tác phẩm thơ ấy của một nhà thơ Việt Nam (Châu Hồng Thuỷ như thể đã hoá thân thành tâm hồn Nga) – thể nào cũng sẽ được trang trọng đưa vào chương trình Hội thảo “Đời con không thể thiếu Ural” như bấy nhiêu lần trong những năm qua trên dải núi hùng vĩ khổng lồ mà chan chứa tình người này…
Tuy Hoà, chiều 6 tháng 8 năm 2014
Triệu Lam Châu
(Nhà thơ, dịch giả, nhạc sĩ) – Hội viên Hội nhà văn Việt Nam
Đường trời:  trieulamchau@gmail.com
Số nối:  0983 825502




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét