Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Hoa hồng trước câu hỏi nghệ thuật

                            
Nhà giáo nhà văn Hoàng Dân


  Hoa hồng trước câu hỏi nghệ thuật
                                                Đỗ Trọng Khơi

Từng cánh, từng cánh
đơm bông thắm tươi
hương nồng, sắc ngời

Từng cánh, từng cánh
rã rời rụng rơi
sắc tàn, hương lạt

Đâu là hình thức
đâu là nội dung
ơi bông Hoa Hồng?

Lời bình của Hoàng Dân
Đôi khi người đọc cần biết tác giả là ai để có thể hiểu thêm về bài thơ, mà với Đỗ Trọng Khơi thì gần như một điều kiện tiên quyết. Bị liệt khi đang học lớp 4, cuộc đời Khơi từ đấy chỉ còn “cựa quậy” trong một cái không gian sinh tồn hơn chục mét vuông ở một làng quê thuộc tỉnh Thái Bình. Nhưng Khơi không gục ngã. Khơi kiên trì đọc sách để tích luỹ tri thức, miệt mài làm thơ để giãi bày tâm trạng và cả những ước mơ. Những người không may mắn thường có những ước mơ vô cùng giản dị. Người mù chỉ mơ một lần trong đời được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Người điếc chỉ mơ một lần được nghe tiếng gà gáy. Người câm chỉ mơ một lần được gọi “mẹ ơi”! Còn người như Khơi chỉ mơ được cắp sách tới trường… Đối với những người bình thường (mắt sáng, tai thính, miệng dẻo, chân tay cứng cáp…) thì chỉ cần đồng cảm được với những ước mơ kia đã là nhân ái lắm rồi!

Đọc bài thơ này của Khơi, tôi cứ nghĩ mãi, rõ ràng là không buồn, không ai oán, nhưng sao thật day dứt?
Khơi chọn Hoa Hồng để đối thoại chắc là có cái lí của mình, bởi hoa hồng là bà chúa của các loài hoa, tức là nữ hoàng của cái đẹp. Và còn bởi “hoa hồng nào àm chẳng có gai”!
Bà chúa của cái đẹp có thời đạt tới đỉnh cao rực rỡ “hương nồng, sắc ngời” để ngay sau đó là “sắc tàn, hương lạt”. Đây là một qui luật triết học: “đỉnh cao của vinh quang là khởi đầu của vưc sâu”, cho nên chẳng có gì đáng phải hốt hoảng hoặc buồn bã. Điều đánh chú ý là quá trình đạt tới đỉnh cao và quá trình đi xuống vực sâu của hoa hồng:
Từng cánh, từng cánh
đơm bông thắm tươi
Từng cánh, từng cánh
rã rời rụng rơi
Từng cánh hoa phải cùng nhau khép lại để tạo thành bông hoa, các cánh hoa không chỉ góp công tạo dựng hình hài bông hoa (hình thức), mà còn phải góp hương để “nhào nặn” thành hương chung của bông hoa (nội dung); đó chính là quá trình làm ra cái đẹp của Hoa Hồng. Rôi sau khi đạt tới đỉnh cao hương sắc, từng cánh hoa lặp lại quá trình theo chiều ngược lại để tàn tạ rụng rơi… Có thể nói, hình thức và nội dung là hai mặt biểu hiện của bông hoa hồng:
- Hình thức (màu sắc) có thể dễ dàng nhận biết bằng thị giác
- Nội dung (hương thơm) có thể dễ dàng nhận biết bằng khứu giác
Tổng hoà của hai sự nhận biết trên là cảm xúc thẩm mĩ trước cái đẹp. Như vậy, cái đẹp hoàn hảo thì tất yếu phải có cả hình thức và nội dung đều hoàn hảo, ví như nếu thiếu một vài cánh hoa (vì lí do nào đó) chẳng hạn thì cái đẹp sẽ trở nên “què quặt”.
Dĩ nhiên, Khơi không đối thoại với hoa hồng để chỉ nói về hoa hồng. Đây là cuộc “đối thoại đàm tâm” để Khơi tự hỏi mình: Một người khuyết tật như ta liệu có còn vẻ đẹp nào đáng để tự hào không?
Câu trả lời bỏ ngỏ để người đọc thơ Khơi suy ngẫm sau khi đọc nốt khổ thơ cuối cùng:
Đâu là hình thức
đâu là nội dung
ơi bông Hoa Hồng?
                                                                                               19.1.2014


2 nhận xét:

  1. Một câu hỏi khó
    Mang nặng suy tư
    Của tâm hồn đọng
    Với nghĩa câu từ ............
    ..........

    Trả lờiXóa