Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

BẮT CHƯỚC CHỮ THẦY!



BẮT CHƯỚC CHỮ THẦY!

(Tản văn – Hồi ức)
                                            
                                                Vọng viếng hồn linh hai thầy Đoàn, Vũ!
                                               Tiến tới kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam
                                                                     và QTHCNG: 20 – 11- 2014

ĐƯỜNG VĂN

          Bắt chước là một trong những hành vi quen thuộc và phổ biến trong cuộc sống con người. Không biết thói quen này khởi xuất tự bao giờ, ở đâu? Có lẽ từ thuở mới khai thiên, khi con người vừa thoát khỏi kiếp vượn người, tồn tại trên toàn thế giới cho đến tận ngày nay và sẽ hiện hữu cùng với loài người cho tới ngày tận thế! Bắt chước là khái niệm chỉ sự lặp đi lặp lại trong một thời gian dài nhất định, rồi chuyển thành thói quen, thậm chí rất khó sửa, có thể đeo bám suốt đời. Bắt chước có thể là nói theo, làm theo, viết theo, nghĩ theo, hát theo, múa theo, diễn theo, cười theo, khóc theo, chơi theo, học theo… tóm lại là suy nghĩ, ứng xử, hành động theo người khác một cách khuôn rập, trên cơ sở sự thán phục, mê thích một cách cảm tính hoặc vụ lợi. Bắt chước với mục đích vụ lợi, thương mại như làm nhái, làm hàng giả trốn thuế, phi pháp, là một hành vi lừa đảo, bịp bợm, tội lỗi không nhỏ, nếu gây hậu quả nghiêm trọng tới cộng đồng xã hội, môi trường thiên nhiên…Rất cần ngăn chặn, đẩy lùi, lật tẩy và nghiêm trị hiện tượng xấu xa, phi pháp này thì xã hội công bằng, văn hóa, văn minh, hiện đại mới trở thành hiện thực.
          Trong số muôn vàn kiểu, loại, hình thức, chiêu trò, mánh khóe… của hành vi bắt chước lớn, nhỏ sống sượng hay tinh vi đó, bắt chước lối viết, cách viết, sáng tác hay biểu diễn của các bậc thầy thì giỏi lắm cũng chỉ taọ nên bản sao, cái bóng mờ của bản chính, người khác và thường bị độc giả, khán giả chê cười.. mà thôi! Đó là mặt dở, xấu, nhược điểm, hạn chế nơi hành vi và hậu quả của bắt chước. Rất cần ngăn chặn và đẩy lùi, lật tẩy hiện tượng phi đạo đức này.

          Nhưng mặt khác, bắt chước cũng có mặt tốt, mặt tích cực của nó.
          Bản chất sự học tập và rèn luyện của con người, trên một mức độ nào đó, chẳng phải là cả một quá trình bắt chước thầy, học theo, làm theo sách đó sao? Học nhi thời tập chi (Khổng Tử). Nhất là quãng thời gian học hành trong các nhà trường, từ vỡ lòng đến hết phổ thông, đại học. Có phương pháp giáo dục, dạy học cổ điển, cho tới nay, vẫn được coi là một trong những phương pháp hữu hiệu, không thể nghi ngờ đối với học sinh mẫu giáo, vỡ lòng, tiểu học, chẳng phải là phương pháp nêu gương đó sao? Mà cơ chế cốt lõi của phương pháp này chính là hành vi nêu gương của thầy dẫn tới hành vi bắt chước của trò.
          Đó là bắt chước và làm theo cái hay, cái tốt, cái đẹp, hướng tới ChânThiện – Mỹ, cần khuyến khích vận dụng.
          Nhưng, ngoài hai mặt đối lập chủ yếu vừa nêu, bắt chước còn có một mặt thứ ba nữa, tuy không quan trọng bằng 2 mặt trên, nhưng lại rất phổ biến, và hết sức thú vị! Bắt chước là một trong những bản năng sinh tồn và phát triển của con người, loài người và không chỉ loài người. (Khỉ, vượn là những loài vật cực siêu về hành vi bắt chước mang tính bản năng hoặc tiền tư duy). Đó cũng là một trò chơi tuổi thiếu thời mà không ít học trò thường hay tự nguyện dấn thân, hoặc bị mắc vào, hoặc a dua học theo, làm theo bạn bè… dưới những mái trường thời thơ ấu… Đó là tâm lý bắt chước khơi nguồn từ ý thíchthói quen học trò (trẻ con) bắt chước, học theo thầy cô giáo (người lớn) về cách ăn mặc, để tóc, dáng đi đứng, lối nói năng, sở thích của thầy cô, kiểu chữ viết, chữ ký… Rất nhiều kiểu bắt chước khác nhau trong đời sống học đường xưa nay. Có những học sinh bắt chước thầy cô mình ngưỡng mộ thật tỉ mỉ, tinh tế, lạ lùng: cách cầm đũa, cầm sách đọc, cách chải tóc, tết tóc, thắt cavat, đeo kính…Thói quen này, kéo dài lâu, mau, thật khó xác định, tùy ở từng tính cách và sở thích mỗi cá nhân. Có khi nó sẽ chấm dứt ngay sau 1 thời gian ngắn, khi vừa gặp một đối tượng khác hay hơn, hấp dẫn hơn, kích thích sự bắt chước hơn. Nhưng cũng có khi nó (đối tượng bắt chước) đủ hấp lực cuốn hút người ta nhiều năm sau, vượt qua cả tuổi trưởng thành, đến tận tuổi về hưu, mãn chiều xế bóng, mới đủ thức nhận mà giật mình và mỉm cười: - Ghê thật đấy!!!
          Kết quả cái sự bắt chước ấy lâu dần cơ hồ đã trở thành của chính bản thân mình mà không hay rằng, thực chất vẫn không phải! vẫn là của giả, của nhái, của đi mượn! - Thôi, hãy trở lại để được là mình! Nếu không, suốt đời mình chỉ là kẻ bắt chước người khác một cách kém cỏi, vụng về! Chẳng có một bản lĩnh riêng gì!..
                                                            ***
          Những suy nghĩ lan man trên của tôi chợt nảy nở, khi được đọc lại cuốn vở cũ đã ố vàng của anh bạn đồng môn thời học phổ thông, lớp trưởng PCH vừa đưa mượn làm tư liệu chuẩn bị cho ngày lễ kỷ niệm 50 năm ra trường của chúng tôi (ghi từ năm 1989, sau khi tốt nghiệp lớp 10, 23 năm cho đến hiện tại (11- 2014), khi tất cả lũ cựu học trò Xuân Đỉnh chúng tôi đều đã thành những lão già tròm trèm thất thập! Càng đọc càng nhận thấy một điều lý thú: Nét chữ viết tay của hắn (PCH), (nhất là nửa quyển đầu, trước năm 2000) sao mà giống chữ tôi đến thế?! Và chữ chúng tôi, sao mà giống chữ thầy cố giáo viên chủ nhiệm lớp 8A, 9A hồi ấy thế?! Thì ra… đó là kết quả mỹ mãn, dù cố ý hay vô tình, thói quen bắt chước của lũ chúng tôi, chuyên trị bắt chước, học mót kiểu chữ của người thầy mà mình rất chi ngưỡng mộ. Thầy Đoàn Khả Kính (1935 – 2004), hồi ấy, gần như sáng chói trong mắt chúng tôi như một thần tượng giỏi giang, tài hoa nghệ sỹ. Nửa quyển sau, kiểu chữ bắt chước của PCH lại nhạt dần, mờ dần, không giống dần chữ thầy theo từng năm, với mỗi lần ghi chép các cuộc gặp mặt – hội lớp thường niên (?!) Và đến những trang cuối cùng trong quyển vở, thì tôi không còn nhận ra nét chữ, kiểu chữ của thầy xưa trong chữ viết của trưởng tràng đâu nữa…, mà đã hoàn toàn là kiểu chữ riêng cuả họ Phạm rồi!...
          Với riêng kẻ đang nhẩn nha ghi lại những dòng tản văn – hồi ức muộn này, thì cái thói quen đáng xấu hổ mà vẫn rất ham hố ấy bị/được bắt đầu từ sớm hơn gã bạn già làng Cáo rất nhiều. Tới hôm nay, tôi có thể vừa ngượng nghịu vừa tự hào mà bộc lộ với bạn đọc rằng, tôi vốn rất thích bắt chước kiểu chữ đẹp và chữ ký đẹp, lạ của các ông thầy giáo từng dạy mình (lạ nữa là cả đời đi học, đi dạy, tôi chưa gặp một cô giáo hay nữ đồng nghiệp nào chữ đẹp khiến tôi có thể sinh ham muốn bắt chước!?).
          Người thầy giáo đầu tiên làm tôi mê mẩn vì chữ đẹp là ông Nguyễn Văn Viên (1903 – 1975), giáo viên trường cấp 1 Đức Thắng (Đông Ngạc) mà tôi học từ năm vỡ lòng qua lớp 1, 2. Tôi đã nhiều lần xem trộm cuốn vở giáo án của thầy. Có cuốn thầy soạn từ những năm 1949 - 1950, thời còn làm hương sư làng Trèm (Bố tôi  (gọi thầy là cậu ruột, tôi gọi thầy là ông cậu - em trai bà nội tôi) mượn về nhà đọc thêm để dạy tôi). Thầy dùng  mực tím học trò, ngòi bút rông (ma la) rõ nét thanh, nét đậm, uốn lượn mềm mại, rât bay bướm những nét vòng, nét hất. Chữ thầy đẹp như tranh thủy mặc Tàu, tím ánh, thanh nhã và mẫu mực, pha chút cổ kính. Sau này, tôi còn gặp kiểu chữ như thế từ anh Nguyễn Văn Nhân (1935), họa sỹ, cựu giáo viên trường THCS Dịch Vọng, giáo vụ Văn huyện (Từ Liêm (cũ) – Cầu Giấy (nay); chữ anh Nhân bay, thoáng hơn, nhưng độ mềm mại, mẫu mực thì không chuẩn bằng chữ ông Viên tôi. Chữ thầy Viên ký sau những lời nhận xét thành tích học tập cuối năm của tôi cũng khiến tôi mê mẩn vì nó vừa rắc rối vừa đơn giản, lạ lùng! Cả một thời gian sau tôi ra sức nhìn theo, bắt chước, cố viết cho thực giống, ký sao thật hệt! Nhưng hỡi ôi! có biết đâu với trình độ và kỹ năng trong bàn tay non nớt của một đứa nhi đồng 7 - 8 tuổi mới lớp 1, 2 làm sao có thể lĩnh hội và nhái theo nét chữ, chữ ký của một ông giáo già đã gần hết đời với kỹ năng, kỹ xảo soạn bài, viết bảng!?
          Những năm học Tiểu học, có 2 thầy khiến tôi khâm phục về trình độ, nghiệp vụ sư phạm và chữ viết, chữ ký. Đó là thầy Trần Lân, hiệu trưởng, kiêm giáo viên dạy tôi năm lớp 3, thầy Trần Ngọc Chụ dạy năm lớp 4. Chữ viết, chữ ký của hai thầy đẹp một cách giản dị, mẫu mực, đã hấp dẫn tôi. Tôi có học viết theo, ký theo một thời gian ngắn đến khi lên học cấp 2 (THCS) thì mê thích bắt chước lại có dịp chuyển qua những đối tượng khác. Đó là thầy dạy Toán Vương Trọng Anh (đã qua đời) và thầy dạy Văn Nguyễn Viết Tiêm. Thầy Trọng Anh có lối viết chữ rất đặc biệt, không nhanh, nhưng nét rất liền, mềm mại và kéo dài từng con chữ đến những chỗ nối con chữ này với con chữ khác. Nhìn cũng thấy hay hay! Thế là để ý, tập viết theo.
          Tất nhiên, khi vào học cấp 3 (THPT), lần đầu tiên được nhìn chữ viết, chữ ký, quan sát cách viết, cách ký của thầy Kính, chữ viết thầy Vũ Xuân Mai dạy Toán, thì tôi quên phắt ngay chữ của các thầy hồi cấp 2, cấp 1 để toàn ý toàn tâm bắt chước các kiểu viết, ký mới lạ, hiếm gặp, vào loại siêu đẳng này! (Tự vấn: tính cách, cá tính của cái thằng tôi đáng buồn, đáng cười, có mới nới cũ, nhanh chóng đổi thay, tồi tệ như vậy đấy!?) Lạ một điều là, lúc ấy, cứ nghĩ thế nào, muốn thế nào là làm ngay, thực hành ngay, như một thú vui, một thói quen bồng bột. Có lẽ bởi không có ai, kể cả phụ huynh, bạn bè, kể cả thầy Kính, người được bắt chước… nhắc nhở, điều chỉnh, uốn nắn hay ngăn cản!? Sự thật là, mãi nhiều năm sau, gặp lại học trò cũ, ông (thầy Kính) vẫn cười khà khà, nhìn tôi, Hoa… mà nói với cả bọn, bằng giọng đùa vui, hài lòng:
          - Ở lớp ta có anh Hoa, anh Đường là 2 người có tài bắt chước chữ tôi giống nhất đấy! Lớp 10C thì có 2 anh Nguyễn Thắng, Hoa Dược! Chữ các anh ấy bắt chước giống đến nỗi có lúc tôi tưởng như là chính tôi viết, tôi ký vậy!?
          Thầy Triệu, chủ nhiệm năm lớp 10A đứng bên, cũng mủm mỉm tán đồng. Còn  2 gã nhái chúng tôi bẽn lẽn nhìn nhau, nhìn thầy, nhìn bạn, không khỏi ngầm sướng râm ran vì được thầy khen chút tài mọn. Lại nhìn những ánh mắt chừng như thoáng ghen tị của bọn Hiếu, Hà, Nhân, Dục,… lũ bạn học giỏi, đá bóng tài, nhưng chữ xấu như ma!,… và không khỏi có phần kiêu kiêu, váo vênh, một cách lố lỉnh!!!
          Quả thật, chữ viết và cách viết của thầy Đoàn dạy Sử, người học cùng khoá với những cây đại thụ lẫy lừng cả nước, những tứ trụ  GS. Lâm – Lê – Tấn  - Vượng và  GS. Lê Văn Lan…thật đáng nể, đáng học theo. Thầy Kính dáng cao lớn, đẹp trai, khỏe khoắn, mắt đeo kính cận lấp loáng, lên lớp diễn giảng hùng hồn, đầy thuyết phục. Chữ viết trên bảng của thầy rất nhanh, vừa bay bướm vừa dứt khoát, mạnh mẽ. Nhất là những chữ h chỉ khua 1 nét liền; những dấu mũ rất mềm, lượn êm lướt như con sóng cao vút; dấu móc ư, ơ lại như lưỡi câu sắc lẻm… Đặc biệt, mê nhất là chữ ký của thầy. Khi cần ký tắt thì chỉ một chữ KH chắc gọn và 1 cái gạch chân dài, thẳng tắp. Khi cần ký đầy đủ thì thêm chữ Đ đằng trước cách điệu như một cánh diều, một ngọn khói, một mũi tên vút lên trời thẳm!  Quả thật chữ ký của thầy là một bức tranh thư pháp, ký pháp độc đáo, thể hiện tâm hồn, tính cách và khát vọng của thầy. Tôi đã học theo, ký theo, nhái theo chữ ký phi phàm ấy trong rất nhiều năm sau và vẫn thầm tự hào về những chữ ký bắt chước thầy giống tới 99%!
          Thầy Mai dạy Toán tài hoa (đã qua đời nhiều năm trước) có lối chữ viết gần giống với thầy Kính, nhưng nét mềm mại hơn, điệu và bay bướm hơn chữ thầy Kính. Nhìn nét chữ những con số, phép tính rắc rối, phức tạp, những kí hiệu khai căn, tích phân, lôgarit, những hình cầu, hình chóp… của thầy lần lượt hiện dần trên bảng đen và được hoàn chỉnh nhanh chóng, đẹp trau chuốt, hoàn hảo. Ai dám bảo trong Toán học không chứa chất thơ, chất họa? Toán trung hữu họa không phải là nhận xét phi lý, tầm phào! Những tiết Hình, Đại, Lượng của thầy Mai là như vậy, trong những cặp mắt ngưỡng mộ, say mê của lũ học trò choai choai chúng tôi, dù với riêng tôi, trước sau vẫn chỉ là đứa dốt Toán, sợ học Toán vào loại nhất trong các môn học ở tường phổ thông! Trong và sau năm học lớp 10, riêng tôi có phần nghiêng theo bắt chước chữ thầy Mai, cả trên giấy và trên bảng, cả năm đầu tiên vào học TCSP Hà Nội.
          Tôi cứ ngỡ học tập (bắt chước) chữ của hai thầy Xuân Đỉnh thành công thì cũng đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật thư pháp quốc ngữ, đủ để tự hào và giương danh lập oai với đời rồi. Nhưng thực tế không hoàn toàn như chúng tôi ngây ngô ảo tưởng! Vào học tới năm thứ 2 trường TCSP 10 + 2 Hà Nội, chúng tôi lại được gặp những cao thủ thư pháp quốc ngữ khác. Tôi lại có dịp ngẩn ngơ trước chữ viết, chữ ký của 2 thầy Nguyễn Kỳ Thục (dạy Văn) và Nguyễn Đức Thạc (dạy Tâm Lý – Giáo dục). Chữ  thầy Thục từ tốn, chuẩn mực, đẹp 1 cách giản dị, chân phương. Chữ ký của thầy cũng vậy. Toàn văn chữ Thục viết hơi tháu, kèm 1 cái gạch chân ngắn. Thầy Thạc nổi tiếng hùng biện. Giọng lảnh lảnh như chuông. Nói nhiều và khỏe, lại bền, rất ham đọc sách văn học, hiểu nhiều, biết rộng, ham học hỏi, nghiên cứu, viết nhiều bài đăng báo, tạp chí, tham luận hội thảo, ý kiến sắc sảo, phát hiện. (Không hiểu sao thầy không chịu ra sách, không dùng vi tính, không xài điện thoại di động?!). Tôi thích kiểu chữ viết rất đều, rất liền nét và rất nhanh, rất dễ đọc của thầy trên bảng cũng như trên giấy. Chữ ký của thầy: ngducthac liền 1 nét đều tăm tắp. Nét móc hất lên của chữ C cuối cùng như kéo căng cánh cung của một Hậu Nghệ xạ Kim Ô hay một Quách Tĩnh xạ điêu, trong tưởng tượng phóng phiếm của đứa học trò mê truyện cổ Tàu, truyện chưởng Kim Dung… là tôi.
          Mấy năm đầu ra dạy học cấp 2, tôi chịu ảnh hưởng khá đậm và vẫn hay bắt chước chữ viết và chữ ký 2 thầy cũ của mình trên bảng đen, trên giấy, khi ghi lời nhận xét bài làm của học sinh. Một hành vi noi gương, bắt chước tự nguyện, tâm thành xuất phát từ sự tâm phục khẩu phục.
                                                         ***
          Theo thời gian nhiều năm tháng tự học, học thêm, hết tại chức lại chính quy, nâng cao các cấp, tại nhiều trường, lớp khác nhau, trong, ngoài nước,… tôi mới dần dần tự giải phóng, vượt thoát được cái hành vi, thói quen tỉ mẩn lâu năm: bắt chước thầy về chữ viết và chữ ký ấy, để dần dần tự mình  tạo ra được cách viết, lối viết, chữ viết và chữ ký mang dấu ấn cá tính, bản lĩnh, tính cách của riêng mình.
          Chữ viết (nhất là viết trên bảng) và chữ ký của tôi rồi cũng được các lớp, các thế hệ học sinh, sinh viên chấp nhận và cảm tình, ngợi khen. Cũng có không ít học trò phổ thông, học trò CĐSPHN - những thầy cô giáo trẻ từng bắt chước chữ viết bảng theo kiểu thầy ĐV. Tôi thầm tự hào về điều đó với tư cách là 1 CBGD nhiều năm dạy bộ môn PPDH VănNghiệp vụ sư phạm, kỹ năng viết bảng cho sinh viên học nghề thầy. Tôi lại thấy lòng mình dâng lên nỗi biết ơn các ân sư của tôi, trong bao nhiêu năm tháng đã trở thành những tấm gương trong sáng, lung linh về chữ viết (cả chữ ký), thể hiện nét chữ cao đẹp, nết người cao quý, để tôi bắt chước, học tập và tự rèn luyện, sáng tạo tiếp nữa, đặng  tìm ra lối viết, cách viết của mình, rồi lại giảng dạy kỹ năng, luyện rèn kỹ xảo, gợi mở cho các lớp học trò tự thân phát triển, làm mới theo tư duy, năng kiếu và cảm hứng của họ. Rõ ràng, có học có hơn. Lại càng tâm nguyên theo lời dạy của Khổng Phu Tử: Học nhi bất yếm! Hối nhi bất quyện! (Học không chán! Dạy không mỏi!)
          Bắt chước, học tập và làm theo gương sáng của các thầy cô từng dạy mình, với chúng tôi, phải chăng là một niềm vui, niềm hạnh phúc không cạn, từng đốt cháy ước mơ thời thanh xuân và là niềm an ủi và biết ơn thầm lặng, sâu đằm  lúc tuổi già? Mặc dù từ nhiều năm nay, tôi và nhiều người khác đã gần như bỏ thói quen viết tay để gõ phímnháy chuột computơ khi muốn tạo lập văn bản, dù ngắn, dù dài. Nhưng chữ ký thì vẫn phải bằng tay, chính tự tay mình viết nhanh ra những con chữ tháu như là ký hiệu sao cho thật khó bắt chước tên họ mình. (Chữ ký foto thì giảm tới  50% giá trị, vì đâu phải là chữ ký tươi!?)
          Mỗi lần gõ phím, mối lần ký tá (lĩnh lương hưu hằng tháng chẳng hạn!) tôi lại nhớ tới những kỷ niệm xưa, mà nay đã trở thành hoài niệm xa mờ về chuyện bắt chước chữ viết, chữ ký các thầy giáo kính mến của tôi, những ân sư đức độ, tài hoa từng dạy chúng tôi cách viết, cách ký, cách học, cách làm thầy, làm người./.
Tháng chín nhuận, cuối thu – đầu đông Giáp Ngọ,

 30 – 10 - 1 – 11 – 2014. ĐV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét