Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

NHÀ THƠ ÁO LÍNH VƯƠNG TRỌNG CÙNG LÍNH TRẺ ĐỌC THƠ

                                                         Vũ Nho và nhà thơ Vương Trọng ( bìa phải)

NHÀ THƠ ÁO LÍNH VƯƠNG TRỌNG CÙNG LÍNH TRẺ ĐỌC THƠ
Đọc tập Thơ và lời bình Cùng lính trẻ đọc thơ của Vương Trọng
Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà nội, 2014

                                                     Vũ Nho

Bạn đọc trong và ngoài quân đội biết đến Vương Trọng là tác giả của 12 tập thơ và trường ca, là người bàn luận, ra câu đố và giải đáp về Truyện Kiều trong  chuyên mục Tìm trong vốn cổ của Đài tiếng nói Việt Nam. Lần này nhà thơ xuất hiện trong một lĩnh vực khác: bình thơ. Tác giả coi đây là công việc “cùng lính trẻ đọc thơ”, cho nên tập bình thơ này có nhiều nét khá đặc biệt so với các tập bình thơ thông thường.
          Hai nét rõ nhất là tác giả tập trung bình các bài thơ  chủ yếu viết về  người lính và chiến tranh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ của  dân tộc ta. Điều thứ hai là chính tác giả cũng đã từng là một người lính. Anh trực tiếp tham gia  hoặc chứng kiến các sự kiện xảy ra trong chiến tranh chống Mĩ. Với tư cách là nhà thơ quân đội, tác giả đã  thể hiện sự quan tâm tới những người lính trẻ bằng cách dành  22 bài cho việc bình thơ   và 8 bài nói về những bài thơ của mình  trong số nhiều bài được bạn đọc  mến mộ.

          Nhà thơ giải thích vì sao có cuốn sách này : “  Lịch sử chiến trận hào hùng của cha ông đem lại niềm tự hào cho người lính hiện tại, cho họ thêm sức mạnh vượt qua thử thách hiểm nguy, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi vậy, tìm hiểu và học hỏi tinh thần của cha ông trong các cuộc chiến tranh là điều hết sức cần thiết đối với các thế hệ quân đội […]Tìm hiểu những bài thơ viết về chiến tranh và người lính trong những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược không chỉ để thưởng thức nghệ thuật thơ ca, mà thấy được cả một giai đoạn lịch sử, ở đấy người lính qua các thời kì được trang bị như thế nào, ý nghĩ lên đường ra sao, những ác liệt, khó khăn họ phải nếm trải, tình đồng đội, tình quân dân…hiện lên từ những vần thơ
( Lời tác giả).
          Trung thành với mục đích đó, người bình đã ưu tiên chọn các bài thơ của binh nhì và tướng lĩnh trong quân đội. Và để không chỉ thưởng thức nghệ thuật thơ ca, tác giả đã rất chú trọng đến tính Lịch sử về hoàn cảnh sáng tác bài thơ. Có 4 trên tổng số 22 bài bình được tác giả  Vương Trọng giới thiệu kĩ lưỡng lịch sử có tính chất khái quát để người đọc dễ hình dung vì sao bài thơ ra đời và  trong hoàn cảnh nào, tại sao  lại viết như vậy. ( Các bài Viếng bạn, Ngọn lửa Morisơn, Thơ gọi hồn Liệt sĩ, Bài thơ chúc tết cuối cùng của Bác Hồ). Tác giả còn cẩn thận ghi nhớ cho bạn đọc về vị trí mở đầu của bài thơ trong thơ hiện đại. Ví như bài “Tiếng hát quốc ca” của Huỳnh Văn Nghệ là bài thơ đầu tiên viết về thương binh. Bài “ Viếng bạn” của Hoàng Lộc là bài thơ đầu tiên viết về liệt sĩ. Tính chất lịch sử còn được tác giả chú ý triển khai trong nội dung các bài viết. Người đọc không chỉ được biết về thơ, mà  thêm một lần biết  về lịch sử bài thơ, lịch sử của quân đội và đất nước. Chẳng hạn về bài thơ “Tiểu đội xe không kính”, Vương Trọng cung cấp số liệu : “ Trong 16 năm từ 1959 đến 1975, qua đường Trường Sơn, chúng ta đã vận chuyển vào chiến trường miền Nam hơn một triệu tấn hàng và vũ khí, nhưng cũng bị máy bay Mĩ đốt cháy và phá hủy mất 90 nghìn tấn hàng và 14.500 xe, máy” ( trang 63). Với bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong”  người bình thơ nhắc lại một  vài số  liệu lịch sử “  Trong chiến dịch lịch sử Điên Biên Phủ, có trên 16.000 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong đã đảm bảo thông suốt các tuyến đường của chiến dịch. Trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, lực lượng thanh niên xung phong của ta đã có đến khoảng 200.000 người làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông và phục vụ chiến đấu […]. Qua các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, theo thống kê của Hội cựu thanh niên xung phong, chúng ta đã có hơn 5000 liệt sĩ thanh niên xung phong và hàng vạn thương binh” ( trang 70 -71) Và tiếp theo là công sức của thanh niên xung phong “Theo tài liệu, trong 16 năm ( 1959-1975), trên đường vận tải Trường Sơn, chúng ta đã xây dựng 5 tuyến đường dọc và 21 hệ trục đường ngang, kết thành mạng lưới giao thông liên hoàn với 216 con đường có tổng chiều dài hơn 20.000 km!” ( trang 75). Bình bài thơ của Cảnh Trà “ Đưa dâu qua cầu Bến Hải”, nhà thơ  Vương Trọng không quên cho người đọc biết về vị trí địa lí của dòng sông và các chi tiết về cầu Hiền Lương ( tỉ mỉ như Nguyễn Tuân viết kí)  ( trang 138).  Viết về bài thơ “ Trở lại Điện Biên – lá cờ và ngọn cỏ” của Anh Ngọc,  người bình cung cấp chi tiết về trận mở màn đánh Him Lam  15-3-1954 và nếu tính từ ngày Đại tướng rời Định Hóa lên Điện Biên  ngày 5-1-1954 cho đến ngày tướng Đờ cát đầu hàng 7-5-1954 thì chiến dịch Điện Biên không chỉ là 56 ngày đêm, mà những hơn bốn tháng, ( trang 147)…Và thú vị  là  nhờ sư đoàn 316 làm kinh tế đưa giống  chuối tiêu ở đồng bằng lên, từ đó Điện Biên có chuối tiêu hay còn gọi chuối 316 ( trang 149).
          Tuy nhiên, các chi tiết về lịch sử vẫn là những chi tiết làm nền, bổ sung, cho người đọc thấy thêm chiều sâu của bài thơ. Là người bình thơ, Vương Trọng cố gắng cắt nghĩa cái hay, cái đẹp của những tứ thơ, hình ảnh thơ, bài thơ được chọn bình. Vì là người có sáng tác nên  những lựa chọn và cắt nghĩa, bình giá của tác giả thường là thỏa đáng, thuyết phục người đọc.  Ví dụ như về sự thật cuộc sống và sự thật ở trong thơ. Qua việc bình bài thơ của Huỳnh Văn Nghệ, người bình dẫn lời của bác sĩ Võ Cường, người trực tiếp thực hiện ca giải phẫu về 3 điểm “không đúng” của bài thơ và Vương Trọng kết luận : “ Thực tế trong thơ được nhà thơ dựa vào thực tế trong đời, qua sự suy nghĩ, liên tưởng…mà tạo ra. Bởi thế, trong thơ thường có tính khái quát, điển hình cao hơn thực tế mà tác giả chứng kiến” ( trang 14). Cũng về chuyện này, tác giả cho biết anh đã  “ viết không hoàn toàn theo đúng thực tế mà mình đã chứng kiến, mà dựng cảnh thằng em khóc, đứa chị dùng chuyện bố mẹ ra tòa như một món quà để dỗ em” ( trang 192-193).
          Bình bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên, Vương Trọng đã ghi công cho nhà thơ về  đưa các chi tiết sinh hoạt của người lính vào thơ. Sau khi biểu dương các chi tiết : Nắng mưa sờn mép ba lô. Nghỉ lại lưng đèo/  Nằm trên dốc nắng/ Kì hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng/ Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa…người bình đã chú ý đến các lời đối thoại : “ Trong bài thơ này, tác giả đưa vào nhiều lời đối thoại, trước hết là đối thoại hết sức ngắn gọn, thân mật của người lính với cách xưng hô dân dã chứ không “điều lệnh” một chút nào khi gọi đồng chí của mình là “đằng nớ” và tự xưng là “tớ”!” ( trang 21). Tác giả Vương Trọng là lính nên hiểu rõ sự khác biệt giữa “điều lệnh” và sự dân dã nên mới bình thấu đáo như vậy!
          Bình bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, Vương Trọng ngoài việc ghi nhận thành công của bài thơ, những câu thơ hay, hình ảnh thơ đẹp, anh còn đặc biệt chú ý đến “chữ” dùng. Đó là chữ “sương” và nhất là chữ “hồn” trong hai câu thơ :
          Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
          Có nhớ hồn lau nẻo bến bờ.
Nửa trang lời bình của Vương Trọng cho thấy sự tinh tế của người thẩm thơ ( trang 29).
          Với bài  Nhớ vợ, người bình thơ đã hình dung ra cuộc trò chuyện xin phép của người lính, sự trình bày các lí do hết sức chân thành, giản dị mà thuyết phục. Anh kết bài bình làm bạn đọc nhớ đến cái kết bài thơ Chùa Hương khá thi vị của Nguyễn Nhược Pháp : “ Tin chắc là người đội trưởng đã đồng ý, người đội viên đã lên đường đi nghỉ phép, nếu không, bài thơ chưa chịu dừng lại!” ( trang 40).
          Bình bài thơ Chúc tết cuối cùng của Bác Hồ, tác giả  đã vận dụng vốn hiểu biết sâu sắc về Truyện Kiều để nói về một câu thơ : “ Riêng câu lục, chỉ có một câu phá cách, chữ thứ hai thanh trắc, chữ thứ tư thanh bằng là câu “ Vì độc lập, vì tự do”, nhưng được Bác ngắt nhịp 3/3 ( chứ không ngắt nhịp 2/2/2 thường tình) khiến ta liên tưởng cách ngắt nhịp của 26 câu lục bát phá cách trong Truyện Kiều! Người viết bài này có thể mạo muội nói rằng Bác Hồ rất yêu mến Truyện Kiều và tinh thông thể lục bát” ( trang 103).
          Với bài thơ của Hữu Thỉnh “ Bữa cơm chiều trong trong dinh Độc Lập”  người đọc sẽ thích thú về “ những khoảnh khắc chẳng thể nào quên”, hơn nữa càng thích thú với lời bình luận về chi tiết : “ Vừa mới vào mâm anh nuôi bận/ Chia thêm tổng- thống -ngụy- đầu- hàng” ( trang 133- 134).
          Phần nói về hoàn cảnh ra đời các bài thơ của mình, Vương Trọng cung cấp cho bạn đọc và lính trẻ những cảm xúc, suy nghĩ của tác giả khi sáng tác. Đây là những thông tin bổ ích cho người đọc. Tám bài thơ được viết trong khoảng từ năm 1975 đến năm 1995 là tám trong số nhiều bài thơ thành công của Vương Trọng được in trong các tuyển thơ, được bạn đọc nhắc nhở và truyền tụng.
          Nhìn chung, linh hoạt  và biến hóa, nhất quán nhưng đa dạng, mỗi bài thơ được chọn bình đều được người lính- nhà thơ Vương Trọng luận giải khá chi tiết, thuyết phục. Chắc chắn không chỉ những người lính trẻ mà đông đảo bạn đọc thêm hiểu, và  thêm yêu mến những bài thơ hay.  Trong tập sách, Vương Trọng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ “ người dắt dẫn, giới thiệu”. Và chúng ta vui mừng là có thêm một tập sách của nhà thơ bình thơ, bên cạnh những tập của các nhà thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Khải,…

                                                               Hà Nội, 23/10/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét