Triệu Lam Châu
MỖI ÁNH SAO THI CA SÁNG MỘT
VẺ URAL
Hai năm trước đây, tình cờ tôi được đọc một chùm thơ hết sức độc
đáo của nhà thơ Châu Hồng Thuỷ trên Trang mạng văn học Người bạn đường
(nguoibanduong.net) – Cơ quan ngôn luận của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại
Nga, Trụ sở đóng tại thủ đô Mátxcơva của Liên bang Nga.
Chùm thơ ấy nói lên cảm xúc của nhà thơ, khi đứng bên cột mốc phân
chia ranh giới giữa Châu Á và Châu Âu trên dãy núi Ural hùng vĩ của nước Nga xa
xôi.
Bất chợt tôi lại nhớ về kỷ niệm cũ, hồi còn học cấp hai trường làng
ở xã Đức Long, Hoà An, Cao Bằng miền núi quê tôi. Đó là năm 1966 trong giờ học
địa lý do cô Vũ Thị Thảo phụ trách, có bài nói về Dãy núi điệp trùng Ural, một
ranh giới tự nhiên phân chia hai châu lục khổng lồ Á – Âu. Dãy núi hùng vĩ ấy
kéo dài hơn hai ngàn năm trăm cây số, từ nước Cộng hoà Kadắcxtan ở miền Trung
Á, lên đến tận biển Bắc Băng Dương lạnh giá của Liên bang Nga.
Tôi ngước đôi mắt tròn xoe của mình lên nhìn theo tay cô giáo chỉ
bản đồ treo trên bảng – mà tưởng tượng thấy thấy lồng lộng xa thẳm muôn trùng.
Một cái gì đó thật kỳ thú, bí ẩn chứa chan ở nơi xa xăm ấy – như thúc giục bao
trái tim nồng cháy hãy bay ngay tới đó mà khám phá, thám hiểm và thưởng ngoạn,
cho thoả nỗi khát khao, phóng khoáng và lãng mạn của lòng mình…
Ural… ôi Ural…Người
thật là kỳ thú và đầy ấn tượng. Nếu được tới đó, ta sẽ đến thăm Bẩy “Gã khổng
lồ” trấn giữ vùng núi Ural. Đó là những cây cột đá ở cao nguyên Man Pupu Nyor
- một di sản địa chất được điêu khắc sâu
trong vùng núi Ural của Nga. Những cột đá tự nhiên ấy cao từ 30 đến 42 m giữa
cao nguyên thoai thoải mênh mông. Đây xứng đáng là kì quan thiên nhiên tuyệt
hảo.
Hình
dạng khác thường cũng như vị trí của 7 cây cột đá khổng lồ nằm ở cao nguyên Man
Pupu Nyor là một nguồn cảm hứng cho hàng trăm huyền thoại trong suốt những năm
qua. Nhưng có lẽ đáng nói nhất là truyền thuyết của người Mansi, về sự xuất
hiện của những cây cột đá này. Có 6 gã khổng lồ tấn công bộ tộc Mansi, họ theo
sát từng bước chân của bộ tộc này và gần như đuổi kịp đến thượng nguồn sông Pechora (Nơi bộ tộc Mansi sinh sống). Nhưng bỗng nhiên
xuất hiện một pháp sư mặt trắng như vôi, xông ra chặn đường và niệm thần chú
biến 6 gã khổng lồ kia thành đá. Bất hạnh thay là phép thuật thầy pháp có hạn,
nên cuối cùng thầy cũng biến thành đá. Điều này cũng giải thích cách bố trí của 7 cột
đá tại cao nguyên Man Pupu Nyor. Sáu trong 7 cột đá với kích thước khổng lồ
nhóm lại thành cụm, chỉ duy nhất một cột đá là nằm tách biệt ra khỏi nhóm một
mấy chục mét. Trông tất cả như những bức tượng đài sừng sững giữa một cao
nguyên rộng lớn.
Rồi hẳn mọi người cũng sẽ tò mò hỏi: Ural nghĩa là gì vậy? Theo ngôn ngữ Bashkir – Người Bashkir sống ở phía
nam của khu vực này – Ural có nghĩa là “Thắt lưng”. Một chuyện cổ tích Bashkir
kể về một người khổng lồ thắt chiếc đai lưng có những chiếc túi sâu. Ông ta
giấu tất cả tài sản của mình vào trong những cái túi của chiếc đai lưng khổng
lồ. Có một lần, người khổng lồ kéo căng sợi dây lưng, và chiếc đai lưng đó nằm
dài trên mặt đất từ biển Kara lạnh giá phía bắc đến những bờ cát nóng của biển
Caspian ở phía Liên bang Nga. Dãy núi Ural đã hình thành như vậy.
Đúng như các cụ xưa đã nói: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Một
câu chuyện cổ tích kỳ thú như thế này, lẽ nào lại không quyến rũ những trái tim
trẻ trung cơ chứ!
Nếu như người Bashkir hình dung dải núi Ural như chiếc Thắt lưng
huyền diệu – Thì Triệu Lam Châu tôi lại tưởng tượng thấy Ural như một dải cầu
vồng rực rỡ, ảo huyền và hùng vĩ bắc ngang trời quyến rũ. Và một loạt thành phố
lớn của nước Nga nạm vào dải cầu vồng kỳ vĩ ấy, như những NỐT NHẠC thần tiên
say đắm lòng người:
Ekaterinbua – Per – Cheliabinxcơ – Upha – Openbua – Magnhitogorxcơ
– Hạ Taghil - Kurơgan – Xterligamak…
Mỗi nốt - nhạc – thành - phố trên dải núi cầu vồng Ural ấy, đều ánh
lên một vẻ huy hoàng quyến rũ riêng của nó:
Thành phố chính của vùng Ural là Ekaterinbua, được mang tên Hoàng
hậu Ekaterina, vợ của Nga Hoàng Pyotr Đại Đế. Thành phố được thành lập năm
1723, thời kỳ cải cách nổi tiếng của Nga Hoàng Pyotr, khi đất nước cần thêm những
nguồn lực công nghiệp mới. Đây là trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật và là
khu công nghiệp lớn của nước Nga. Thành phố này nằm ở sườn đông của miền Trung
dãy Ural. Khu này núi không cao lắm, nên người ta đã xây dựng những tuyến đường
sắt chính qua đây để đi sang phía đông, vào miền Xibia mênh mông.
Thành phố Per (Thành lập năm 1723) được coi là thành phố nằm ở miền
cực bắc nhất của nước Nga.
Thành phố Cheliabinxcơ được thành lập năm 1736, là trung tâm khai
khoáng và chế tạo máy cực lớn của nước Nga.
Thành phố Upha (Thành lập năm 1574) là thủ phủ nước Cộng hoà tự trị
Baskortoxtan, trong Liên bang Nga. Đây là trung tâm khai thác dầu khí lớn nhất
của Liên bang Nga. Thành phố này có nét đặc biệt nữa là kéo dài từ Bắc xuống Nam
những 53 cây số, rộng từ Tây sang Đông những 28 cây số (Chiều dài đứng vào hàng
thứ ba, sau Xôchi và Vongagrát).
Thành phố Magnhitogorxcơ (Thành lập năm 1929) là một trong những
trung tâm luyện kim đen lớn nhất thế giới.
Hai thành phố Hạ Taghil và Kurơgan
– là nơi chế tạo nhiều loại vũ khí, khí tài quân sự nổi tiếng. Chính vì
vậy những năm qua đã có nhiều đoàn sĩ quan quân sự của các nước, tới đây tìm
hiểu và đặt hàng mua vũ khí, để hiện đại hoá lực lượng quân sự của mình…
Thành phố Xterligamak xinh đẹp (Thành lập năm 1766), từng là cố đô
của nước Cộng hoà tự trị Baskortoxtan…
Dải núi hùng vĩ Ural là vùng đất mới của những tưởng tượng kỳ thú,
đã âm ỉ cháy trong lòng tôi từ thuở thiếu thời.
Sinh viên Trường Đại học Mỏ Lêningrát – Xanh Pêtécbua hồi những năm
bẩy mươi thế kỷ 20, mỗi năm được đi thực tập địa chất ở rừng núi và các mỏ khai
thác khoáng sản hàng hai tháng trời. Cuối tháng 7 năm 1974 sau khi chúng tôi
học xong chương trình năm thứ ba, các thầy giáo người Nga đưa ra mấy địa điểm
cho sinh viên nước ngoài lựa chọn để đi thực tập: Cápcadơ – Piachigorxcơ – Krưm
– Cuốcxơ – Kraxnođar – Kuxtanai…Vùng Krưm mình đã đi năm 1972 rồi. Vùng Cápcadơ
- đã đi năm 1973. Còn năm 1974 này mình sẽ chọn vùng nào đây?
Tôi nhìn thấy bên cạnh tên Kuxtanai, trong ngoặc thầy có ghi
(Kadắcxtan). À vậy đó là miền Trung Á rồi. Bốn năm nay mình sống trong Trường
văn hoá Âu Châu, bây giờ mình phải tranh thủ dịp thực tập này vượt dãy Ural
(Một niềm say đắm của thuở nào) để sang đầm mình trong Vầng văn hoá Á Châu của
lòng ta cho đỡ nhớ nhà, nhớ quê hương bản quán thôi.
Vậy là tôi xin đăng ký với thầy giáo đi thực tập ở vùng Kuxtanai,
miền Trung Á Kadắcxtan xa vời, lạ lẫm mà quyến rũ.
Một mình tôi đi tàu hoả bốn ngày đêm từ Lêningrát, miền Tây bắc
nước Nga, xuống miền Đông nam, vượt dãy Ural sang miền Trung Á, đến Kuxtanai –
Xa cách muôn trùng. Đi một mình trên đất khách quê người, lại càng cảm thấy cô
đơn, lẻ loi, tội nghiệp và thấy thêm xa dằng dặc quãng đường trường thăm thẳm
ngút ngàn…
Một cảm giác nghẹn ngào, miên man, thảng thốt, bồng bềnh mà rưng rưng
nước mắt – thật khó nói nên lời. Khi đến nơi thực tập lạ lẫm ấy ở Kuxtanai, tôi
liền viết thư ngay gửi về nhà ở Cao Bằng rất đỗi xa xăm, trong đó có một câu
tôi còn nhớ như in: Vậy là con đã bước
sang Miền Châu Á của chúng ta rồi, pa mé ơi!...
Khi thốt lên câu nói đó trong thư, tôi bỗng thấy một luồng văn hoá
ấm áp Á Châu của phương đông, quen thuộc tự thuở nào, choàng lấy người tôi và
như thể râm ran trong từng mạch máu rưng rưng. Thật là cảm động vô vàn… (Thư
gửi từ Kadắcxtan hồi ấy phải mất 25 ngày sau mới đến Cao Bằng, Việt Nam
quê ta đó).
* * * * *
Chính vì những nỗi niềm rất lắng đọng và rất riêng ấy, mà lòng tôi
cảm được ngay cái thần của chùm thơ biên giới Á – Âu của nhà thơ Châu Hồng Thuỷ
(Gồm hai bài là: Bên cột mốc Á – Âu và Đêm Ural).
Và khi đọc xong chùm thơ ấy, trong lòng tôi lại bỗng nảy ra một ý
nghĩ mới: Lâu nay mình ngưỡng mộ Ural ở những mặt hấp dẫn, kỳ thú của hình
tượng núi rừng hùng vĩ ngút ngàn, của những danh lam, thắng cảnh, những câu
chuyện cổ tích đẹp như huyền thoại, những phong tục tập quán độc đáo và tiềm
lực khổng lồ của những khu công nghiệp nơi đây…Có thể nói đấy là những nét khái
quát của vẻ đẹp bên ngoài của Ural hiện rõ mồn một, ai cũng dễ nhận biết.
Song vẻ đẹp bên trong của tâm hồn người vùng Ural sẽ có điều gì độc
đáo không? Vậy là tôi hăm hở vào mạng văn học Nga truy cập xem nền thơ Nga đã
có những tác phẩm trứ danh nào viết về vùng Ural đúng như lòng mình ngưỡng mộ?
Thật là bất ngờ quá đỗi, tôi thấy ngay một tiêu đề rất thơ của một
cuộc Hội thảo thơ ở vùng Ural “Đời con
không thể thiếu Ural”. Có thể nói, trong nền thơ Nga từ trước tới nay, đã
có hẳn một mảng thơ viết về vùng Ural rất độc đáo và đặc sắc. Riêng bản thân
tôi lại càng cảm thấy mảng thơ Nga này tuyệt vời hơn, bởi nó mang đậm chất núi
rừng Nga – Một điều mà tôi quan tâm từ lâu. Từ mảng thơ Nga viết về núi rừng,
tôi có thể rút ra được những bài học bổ ích cho mình, để sáng tác những bài thơ
mang đậm chất núi ngàn của Việt Nam
ta.
Có nhiều bài thơ Nga rất hay nói về Ural. Song theo cá nhân tôi
thấy hay nhất là bài “Đời con không thể
thiếu Ural” của nữ thi sĩ Liutmila Tachianhisépva. Và bỗng nhiên tôi nghĩ:
Nếu coi bài thơ này của bà như một ánh sao thi ca Nga, thì chùm thơ kia của
Châu Hồng Thuỷ cũng là một ánh sao thi ca Việt Nam đó. Thế là hình thành ngay ý
tưởng bài viết: MỖI ÁNH SAO THI CA SÁNG MỘT VẺ URAL…
Nguyên bản tiếng Nga bài thơ của L. Tachianhisépva như sau:
Людмила Татьяничева (1915 – 1980)
* * *
Я без Урала не могу.
Стоит перед глазами
Он то утесами в снегу,
То синими лесами,
То сталью,
Зреющей в печах,
Берущий жар у солнца.
То стройкой в просверках,
В лучах
Мгновенно обернется...
И память,
Вызвездив костры,
Положит светотени
На степь
и на Магнит-горы
Гигантские ступени.
Стою на тающем снегу,
Охмелена весною.
Я без урала не могу.
Урал всегда со мною.
Да, он со мной,
А не вдали,
За сизой кромкой леса.
Растворено в моей крови
Твое, Урал, железо.
Và bản dịch thơ
sang tiếng Việt của Triệu Lam Châu như sau:
Liutmila
Tachianhisépva (1915 – 1980)
ĐỜI CON KHÔNG
THỂ THIẾU URAL
Đời con không thể thiếu Ural.
Người hiển hiện huy hoàng:
Những ngọn núi dầm chân trong tuyết trắng,
Những cánh rừng điệp trùng xanh thẳm,
Những thanh thép hồng trong mọi bếp lò
Đượm sức lửa mặt trời rừng rực.
Những công trường xây dựng
Lấp lánh ánh hồi quang…
Và ký ức
Trùm lên bao ngọn lửa,
Thả phép vẽ thần kỳ sáng – tối
Lên thảo nguyên mênh mông
Lên dãy núi nam châm
Những bậc thang hùng vĩ.
Con đứng trên
tuyết tan
Say đắm mùa xuân
mới.
Đời con không thể
thiếu Ural.
Ural mãi bên con.
Vâng, Người với
con
Không xa thẳm
Như phía cuối bìa
rừng xám biếc.
Ural ơi, chất thép
của Người
Đã hoá thành máu
đỏ trong con…
(Bản dịch thơ của Triệu Lam Châu)
Tôi thấy toàn bộ bài thơ toát lên một tình yêu quê hương đắm say
ngây ngất, tràn đầy cảm hứng huy hoàng về một miền núi ngàn hùng vĩ hiếm có.
Giọng thơ của bà đượm một vẻ tự hào, hoành tráng và lãng mạn biết chừng nào!
Đúng là tiếng lòng hết sức máu thịt của những con tim chủ nhân của mảnh đất
hùng vĩ này… Ural… Ural diệu huyền và kỳ vĩ. Nếu không có tâm thế tự hào, hoành
tráng và tâm huyết ấy, làm sao có thể có được những vần thơ thật hào sảng và
nồng thắm sau đây:
Đời con không
thể thiếu Ural.
Người hiển hiện
huy hoàng:
Những ngọn núi
dầm chân trong tuyết trắng,
Những cánh rừng
điệp trùng xanh thẳm,
Những thanh
thép hồng trong mọi bếp lò
Đượm sức lửa
mặt trời rừng rực.
Ta cảm ngay cái… sức lửa mặt trời
rừng rực… của trái tim thi nhân L. Tachianhisépva và của bao người dân vùng
Ural, như những thanh thép (Giăng ngang bếp lò để đặt dụng cụ nấu ăn lên nấu)
hồng trong bếp lò –… sức lửa ấy như thể tràn ra, làm ấm áp và huy hoàng cả
những ngọn núi cao vời và những cánh rừng xa thẳm…Chính sức lửa mặt trời của
trái tim con người giàu sáng tạo, là một yếu tố quyết định làm rực rỡ huy hoàng
thêm mảnh đất Ural trong lòng bạn bè quốc tế hôm qua, hôm nay và mai sau…
Chỉ một khổ thơ nhỏ mở đầu, mà đã gợi
lên những liên tưởng độc đáo đầy ấn tượng. Điều này tác giả có được, là nhờ sự
huyền diệu của cảm xúc thi ca đẫm chất Ural, chất núi rừng Nga. Chất núi ngàn
thể hiện ở… Những ngọn núi dầm chân trong tuyết trắng - Những cánh rừng điệp
trùng xanh thẳm.. Và chất Nga toát ra ngay từ… Những thanh thép hồng
trong mọi bếp lò…
Đang nói về những ngọn núi và những cánh
rừng, đột nhiên lại quay sang những thanh thép hồng trong bếp lò…như thể lạc đề
và không ăn nhập gì với núi với rừng… Vậy mà… tất cả chúng đã tạo nên một vẻ
huy hoàng của Ural trong lòng ta. Trong một bài thơ nhỏ, mà những sự vật được
liệt kê lại khác nhau rất xa về đặc điểm – Song nó vẫn tạo nên sự thú vị trong
lòng người đọc. Sở dĩ có được điều ấy, là nhờ tác giả tắm gội bài thơ trong một
niềm cảm xúc thống nhất và nhất quán.
Rồi ánh hào quang ấy của vùng Ural như
dẫn ta đi sâu vào tâm hồn giàu sức sáng tạo của những người lao động chân chính
nơi đây. Phải nói rằng ngòi bút của nữ thi sĩ Nga L. Tachianhisépva đã làm phát
quang những nỗi niềm cảm xúc nồng nàn về mảnh đất và con người vùng Ural yêu
dấu của bà:
Những công
trường xây dựng
Lấp lánh ánh
hồi quang…
Và ký ức
Trùm lên bao
ngọn lửa,
Thả phép vẽ
thần kỳ sáng – tối
Lên thảo nguyên
mênh mông
Lên bao dãy núi
nam châm
Những bậc thang
hùng vĩ.
Những vần thơ như thế, làm sao ta có thể
đọc lướt qua cho được? Nó như một ma lực níu kéo ta và buộc neo ta vào những
nốt sáng láng của từng dòng thơ độc đáo.
Nguồn sáng chính và chủ đạo, là Ngọn lửa
của lòng người từ bao đời nay của vùng đất Ural trùng điệp non ngàn này đó. Nhờ
ngọn lửa nồng ấy của lòng người và của lịch sử, mà nước Nga có cả một nguồn giá
trị tinh thần và vật chất hết sức kỳ vĩ nơi Ural hôm nay.
Và một tư duy thơ, bút pháp thơ hết sức
độc đáo của L. Tachianhisépva khi nói về sự trân trọng của người Ural hôm nay
đối với những nguồn sáng của lịch sử:
Và ký ức
Trùm lên bao ngọn lửa…
Triệu Lam Châu tôi thật sự bất ngờ và
ngưỡng mộ một tư duy thơ lạ lùng và giàu sức gợi cảm của bà…Tôi cứ tưởng tượng
Ký ức như một Vầng chín rực rỡ. Và hạt nhân của Vầng chín ấy – là ngọn lửa nồng
của lịch sử cha ông. Nghĩ như thế, ta thấy thơ của bà tuyệt vời hết mức.
Và tôi thầm cảm ơn Đất trời và tinh hoa
văn hoá vùng núi Ural đã hun đúc nên hồn thơ L. Tachianhisépva, để chúng ta có
được vần thơ tuyệt tác ấy.
Rồi khi nói về tâm hồn lãng mạn, giàu
sức sáng tạo, chứa chan chất nghệ sĩ của người Ural – mà L. Tachianhisépva viết
như thế này, thì thật là cảm xúc tiên đã nhập vào ngòi bút của bà:
Và ký ức
….,
Thả phép vẽ
thần kỳ sáng – tối
Lên thảo nguyên
mênh mông
Lên bao dãy núi
nam châm
Những bậc thang
hùng vĩ.
Tôi không phải là một hoạ sĩ, nhưng vẫn
cảm nhận được nét thần diệu của ý thơ liên quan đến hội hoạ này. Diễn giải bằng
văn xuôi ý thơ này như sau: Ký ức của chúng ta hôm nay, thả bút pháp vẽ thần
kỳ, một quy tắc hay phép vẽ thần kỳ lên thảo nguyên mênh mông, lên những dãy
núi nam châm như thể những bậc thang hùng vĩ bắc lên trời cao lồng lộng….
Tất cả đất trời, núi non, cây cỏ và lòng
người nơi đây… như thể vươn tới tầm cao của sự sáng tạo giàu chất nghệ sĩ đầy
lãng mạn…Và điều ấy đã trở thanh truyền thống xưa nay của mảnh đất Ural
này….Phải có một tư duy sáng láng giàu suy ngẫm và một niềm tâm huyết máu thịt
với quê hưong – mới có thể có những vần thơ đặc biệt ám ảnh giàu liên tưởng như
thế.
Và ta có thể gọi đó là chất Ural, chất
Nga trong thơ của L. Tachianhisépva.
Chúng ta hiểu Ural trong thơ của bà là
Tất cả đất trời, núi non hùng vĩ nơi đây cùng những nguồn giá trị tinh thần và
vật chất của của con người và lịch sử rực rỡ của vùng đất này…Và tất cả những
giá trị vật thể và phi vật thể ấy – đã trở thành thiêng liêng, thành điều kiện
tiên quyết cho sự tồn tại của bà và của biết bao người ở vùng đất ấy… Đời
con không thể thiếu Ural….Một câu thơ lay động mọi tâm hồn yêu quê hương
trên trái đất này!
Ural đã trở thành một Nguồn năng lượng
sống của L. Tachianhisépva và của biết bao người!
Từ nền tảng hùng vĩ huy hoàng của thiên
nhiên kỳ thú và những nguồn giá trị tinh thần thiêng liêng quý giá ấy của Ural
– mà tác giả thấy mình cũng là một HỒNG CẦU đầy nội lực, đầy tự hào của một CƠ
– THỂ - URAL hoành tráng hôm nay và mai sau:
Con đứng trên tuyết tan
Say đắm mùa xuân mới.
Đời con không thể thiếu Ural.
Ural mãi bên con.
Vâng, Người với con
Không xa thẳm
Như phía cuối bìa rừng xám biếc.
Ural ơi, chất thép của Người
Đã hoá thành máu đỏ trong con…
Vậy là quê hương Ural sẽ mãi mãi trường tồn một cách ngoạn mục và
xứng đáng cùng với nước Nga yêu dấu, cùng với mọi miền đất của thế gian này.
Bởi vì tất cả chất thép của Người đã hoá thành dòng máu đỏ trong trái tim con…
Những điều tâm huyết ấy của thi sĩ L. Tachianhisépva miền Ural của
nước Nga xa xăm, cũng là tâm huyết của bao người đối với quê hương yêu dấu của
mình.
Và đến đây, bạn đọc hẳn đã thấy Ánh sao thi ca L. Tachianhisépva
của miền Ural toả lên một nét sáng độc đáo. Đó là tình yêu quê hương đắm say,
nồng nàn trong một sự suy ngẫm sâu xa đầy tự hào và huy hoàng về mọi nguồn giá
trị của miền quê Ural núi ngàn điệp trùng và hùng vĩ. Và tinh chất của cảnh sắc
và lòng người Ural đã sáng lên một vẻ núi ngàn Nga riêng độc đáo.
Còn riêng đối với tôi, Triệu Lam Châu, thì thơ của Liutmila
Tachianhisépva với một sự thể hiện đặc biệt hiếm có, mang đậm dấu ấn Nga, dấu
ấn Ural – đã cho tôi những suy ngẫm lấp lánh mới, làm phát sáng những khái niệm
mới trong tâm hồn của con người…. Và một
loạt thành phố lớn của nước Nga nạm vào dải cầu vồng kỳ vĩ ấy, như những NỐT
NHẠC thần tiên say đắm lòng người… Một khái niệm mới nảy sinh ở đây, đó là:
THÀNH – PHỐ - NỐT – NHẠC hay là NỐT – NHẠC – THÀNH - PHỐ.
Rồi một khái niệm mới nữa… tác giả thấy mình cũng là một HỒNG
CẦU đầy nội lực, đầy tự hào của một CƠ – THỂ - URAL hoành tráng hôm nay và mai
sau… Khái niệm mới ở đây là: CƠ –
THỂ - URAL…
Viết đến đây, lòng tôi như bước tới đỉnh
điểm của sự dạt dào. Và Triệu Lam Châu tôi xin cảm ơn thi sĩ tài hoa L.
Tachianhisépva của nước Nga xa xôi, cảm ơn đất trời và lòng người Ural đầy
tráng lệ đã hun đúc nên hồn thơ của bà, cảm ơn cả một trời kỷ niệm của chính
bản thân tôi về miền Ural từ thuở thiếu thời, cảm ơn những cuộc thám hiểm đầy
háo hức vào miền thơ Ural long lanh, cảm ơn chùm thơ chan chứa nỗi niềm của
Châu Hồng Thuỷ. Nhờ vậy mà Triệu Lam Châu tôi mới có cảm xúc tràn trề và làm
phát sáng những khái niệm mới đầy kỳ thú: THÀNH – PHỐ - NỐT – NHẠC hay là NỐT – NHẠC – THÀNH - PHỐ… CƠ
– THỂ - URAL…
( Còn tiếp 1 kì)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét