“ẨM TRỜI” thơ Đặng Xuân Xuyến:
MỘT PHONG CÁCH TÌNH KHÁC LẠ
*
ẨM TRỜI
.
Em gạ một đêm chồng vợ
Cho mùi da thịt khỏi ươn
Mấy ngày hôm nay mưa tợn
Ẩm trời, khó ở, thấy ghê.
.
Ừ thì, một đêm thôi nhé
Mai đừng, nữa gạ một đêm
Mùa này ẩm trời dài lắm
Da đây thịt đấy đến mòn.
*.
Hà Nội, 13 tháng 03.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
LỜI BÌNH của CHÂU THẠCH
Có những
bài thơ nói về tình yêu thiên về tinh thần nhẹ nhàng như bướm bay,
lãng mạn như gió trăng và êm đềm như tiếng suối chảy. Cũng có những
bài thơ nói về tình yêu thiên về nhục dục hừng hực như lửa cháy,
cuốn hút như phong ba và cuồng nộ như con thiêu thân sa vào hố lửa.
Giữa hai lằn ranh đó có những bài thơ nói về tình yêu khô khan như
một lời bông đùa dí dỏm, nhưng nó lại hoàn toàn thể hiện sự độc
đáo của một phong cách yêu. Đời có nhiều phong cách yêu. Yêu như như
Chí Phèo - Thi Nở phải chăng cũng là một phong cách mà được đời mến
mộ đó sao? Vậy phong cách yêu là gì? Đó là cách xử sự trong tình
yêu tạo nên cái riêng của một người hay một lớp người nào đó. Bài
thơ “Ẩm Trời” của Đặng Xuân Xuyến đúng là một bài thơ thể
hiện một phong cách yêu riêng của tác giả. Bài thơ không chỉ nói về
một đêm hẹn hò ái ân mà thật ra nó ẩn chứa tình cảm, tâm lý của
một lớp người đã già dặn trong tình trường.
Mở đầu
bài thơ tác giả đề cập đến một lời mời gọi:
Em gạ
một đêm chồng vợ
Cho mùi
da thịt khỏi ươn
Câu thơ
đầu cho thấy tác giả được cô gái “gạ tình”. “Gạ tình” nghĩa là gì?
Nghĩa là những hành vi, cử chỉ, cách cư xử hướng vào sự khác biệt
giới tính để đưa tới yêu đương, ở đây là ân ái. Cô gái muốn có “một
đêm chồng vợ/ Cho mùi da thịt khỏi ươn” nghĩa là cô ta đã biết
bạn, biết ta đều đã lâu ngày không gần gũi người khác giới. Cái cớ
để cô gái gạ tình cũng vô cùng mới lạ. Cô nói như một người già
lắm:
Mấy ngày
hôm nay mưa tợn
Ẩm trời,
khó ở, thấy ghê
Thường
thì người già sẽ khó ở, thấy ghê mình mỗi khi mưa tợn, ẩm trời nên
thích nằm riêng, xa rời người khác phái. Ở đây, ngược lại mưa tợn,
ẩm trời làm nhục dục cô gái gia tăng nên cô mời gọi. Cô gái làm như
mình gìà lắm, mượn cái cớ lão thành để bông đùa trong lời mời ân
ái của mình. Cô mời gọi một cách thẳng thừng, không úp mở, giống
như hai người đàn ông rủ nhau đi làm vài ly rượu.
Qua khổ
thơ này ta cảm nhận được gì ở nhân cách cô gái kia? Đừng khinh cô nhé.
Cô gái không là người bán dâm, cũng không là người cho dâm dễ dàng đâu.
Với lời mời gọi vừa trắng trợn, vừa trịch thượng, lại khôn khéo
lồng thời tiết vào câu chuyện của mình chứng tỏ được cô phải là
người trường trải, khôn ngoan, thẳng thắn và có khiếu hài hước. Với
nhân cách này, chắc chăn cô phải gởi vàng đúng nơi mà cô chọn chứ
không phải đem cho không bừa bãi. Vậy vì sao cô gạ tình tưởng như sỗ
sàng?. Thật ra nếu cô gái không là tri kỷ của tác giả thì hai người
cũng phải hiểu nhau và tâm đắc cùng nhau giữa cuộc đời này. Qua hai
khổ thơ đối đáp, ta cảm được sự thâm giao giữa hai người. Họ có một
sự đồng điệu trong đối đáp cùng nhau. Họ có một phong cách riêng âu
yếm cùng nhau khác với thường tình. Họ có thể đã yêu nhau rồi nhưng
bày tỏ tình yêu theo cách riêng của họ.
Bây giờ
ta hãy nói đến chàng trai. Chàng trai cũng mồm mép không thua gì cô
gái:
Ừ thì
một đêm thôi nhé
Mai đừng,
nữa gạ một đêm
Mùa này
ẩm trời dài lắm
Da đây
thịt đấy đến mòn
Người ta
có thể tìm thấy trong ca dao hay trong thơ những câu đối đáp rất hay
của những chàng trai trả lời cô gái đang gặt lúa trên đồng hay ban đêm
giã gạo cùng nhau. Những câu đó chắc chắn rất trữ tình nhưng chắc
chắn không bao giờ thân ái như lời thơ trong khổ thơ này. “Ừ thì một
đêm thôi nhé”: chúng ta nghe như lời của anh nói với em. Chúng ta
tưởng tượng lời từ của miệng chàng trai thốt ra âu yếm vô cùng, ấm
áp vô cùng. Rồi thì “Mai đừng, gạ nữa một đêm”: Câu thơ không
phải là lời từ chối đâu, ngược lại đó là lời hẹn hò những đêm kế
tiếp bằng một câu bông đùa tế nhị.
Tác giả
thật tuyệt vời khi xuống hai câu thơ chót:
Mùa này
ẩm trời dài lắm
Da đây
thịt đấy đến mòn
Dựa vào
thời tiết sẽ còn mưa lâu dài, tác giả hứa hẹn ngày tháng có nhau
còn dài không bằng những lời thề thốt mà bằng một lời cảnh báo sẽ
hao mòn thân xác nếu cứ bên nhau. Tất nhiên đây là một câu bông đùa,
một lời dọa có tác dụng ngược lại, đem cho cô gái niềm vui hy vọng
được kề cận với tác giả lâu dài. Câu thơ “Da đây thịt đấy đến mòn”
bày tỏ sự hoà hợp thân xác giữa hai người. Đừng nghĩ đây là một câu
thơ có nhiều dục tính. Ta nên hiểu rằng bài thơ chỉ mới là lời đùa
cợt, tất cả đều chưa vượt qua giới hạn của sự thanh khiết. Vì vậy
câu thơ bày tỏ “da” và “thịt” gắn bó với nhau đến hao mòn cũng là
lời nói chơi nơi cửa miệng. Do phong cách yêu độc đáo của riêng mình
mà phong cách bày tỏ cho nhau cũng khác lạ, khiến cho lời tỏ tình
nghe thì thô nhưng nó đậm đà hơn tất cả những lời tỏ tình mà thơ
thường hay diễn đạt.
“Ẩm
Trời” là một bài thơ ngắn gọn tưởng như nó bày tỏ một mối tình
qua loa hời hợt nhưng không phải thế. Đọc thơ ta hiểu được tính cách
của người trong thơ. Họ phải là những người đã lăn lộn trong cuộc
đời, vấp ngã trong tình trường, dày dạn trong đối nhân xử thế, tinh
tế trong lời nói. Họ có thể yêu nhau nhưng cuộc đời còn nỗi éo le ta
không biết được. Ta chỉ biết họ trân trọng nhau trong lời nói bộc
trực tưởng như là thô thiển.
Bài thơ
hay là hay ở chỗ đó, diễn đạt cái kín đáo mà bề ngoài không mấy ai
thấy được, không mấy ai trân trọng, có khi còn khinh ghét nữa. Bài thơ
hay cũng là hay ở chổ “nói tục giảng thanh”. Đọc “Ẩm Trời” ta
nghe tiếng thơ như của một nhân vật bất cần đời, một cặp trai gái
ngổ ngáo xem tình như cỏ rác, nhưng ngẫm kỹ, đọc đi đọc lại nhiều
lần ta tìm thấy ở đó những tâm hồn đẹp mà ta yêu quý, một mối tình
có thể làm cho ta se lòng và cảm mến../.
*
Đà Nẵng,
ngày 27/03/2017
CHÂU
THẠCH
(Tên
thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75
Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét