Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

THƠ VỀ ANH HÙNG GAGARIN – NHÀ DU HÀNH VŨ TRỤ ĐẦU TIÊN CỦA LOÀI NGƯỜI





Triệu Lam Châu

THƠ VỀ ANH HÙNG GAGARIN – NHÀ DU HÀNH VŨ TRỤ ĐẦU TIÊN CỦA LOÀI NGƯỜI

Lời tâm sự của Triệu Lam Châu:
Ngày 12 tháng 4 năm 1961, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, Gagarin - công dân nước Nga – Xô Viết đã bay vào vũ trụ trên con tàu Phương đông 1. Đó là một sự kiện cực kỳ vĩ đại làm chấn động cả thế giới và chấn động cả lịch sử loài người từ trước tới nay. Bởi vì từ sự kiện ấy đã mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên chinh phục vũ trụ.
Nếu như người Nga tự hào về việc tiên phong đưa người vào vũ trụ năm 1961, thì người Mỹ lại tự hào về việc mình là người đầu tiên đưa người lên thám hiểm mặt trăng vào ngày 20 tháng 7 năm 1969. Hai sự việc ấy đều là những sự kiện vĩ đại, nhất là về mặt khoa học kỹ thuật của con người. Nga và Mỹ là hai cường quốc về khoa học vũ trụ của loài người từ đó đến nay.
Hồi Gagarin bay vào vũ trụ năm 1961, Triệu Lam Châu tôi đang học lớp 1 Trường Cốc Lùng, Đức Long, Hoà An, Cao Bằng. Anh trai tôi, Triệu Tường Duy đang là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Dịp hè năm 1961 anh về thăm nhà ở Cao Bằng, có kể cho lớp đàn em chúng tôi nghe về Sự kiện Gagarin bay vào vũ trụ vĩ đại ra sao.
Suốt từ thời thơ ấu cho đến bây giờ, Gagarin bao giờ cũng là thần tượng sáng chói trong tâm hồn của lớp thế hệ chúng tôi.
Và mãi tới năm 1992 tôi mới làm được bài thơ Gagarin qua cầu treo sông Mãng, với một bút pháp hoàn toàn mới mẻ.
Nhân kỷ niệm năm mươi sáu năm anh hùng Gagarin bay vào vũ trụ (12/4/1961 – 12/4/2017), tôi xin trân trọng gửi Quý vị và bạn bè cùng đọc lại bài thơ ấy, để cùng thấm thía về một sự kiện vĩ đại của loài người chúng ta.
Chúc Quý vị cùng bạn bè sức khoẻ và mọi thành công
Cao Bằng, sáng 11 tháng 4 năm 2017
Triệu Lam Châu
Đường trời: trieulamchau@gmail.com 
Số nối: 0983 825502

Triệu Lam Châu

GAGARIN QUA CẦU TREO SÔNG MÃNG
(Kính viếng anh hồn Gagarin, nhà du hành
 
vũ trụ đầu tiên của loài người)

Từng nhịp bước bồi hồi
Gagarin qua cầu treo sông Mãng (1)
Một dòng nước trong lành lấp lánh
Đôi bờ xanh ngát bóng tre xanh

Vẫn cảm giác bồng bềnh
 
Như khi bay trên tàu vũ trụ
Sao hôm nay ngỡ ngàng đến thế
Bước qua cầu treo nhỏ dập dềnh

Ôi chiều mộng Cao Bằng
Cũng dịu nhẹ như miền ôn đới
Thoáng nghe một nét gì ngời ngợi
Chợt hiện ra đã vội mông lung


Bất ngờ đến lạ lùng
Anh bỗng thấy giữa dòng sâu ấy
Một quả cầu da cam chín mẩy
Cứ xoay tròn xao xuyến cả lòng sông

Cung đàn sông rung vang
Giai điệu tính dập dìu cánh gió (2)
Tiếng lượn sli mênh mang mờ tỏ (3)
Anh bần thần ngơ ngác, chiêm bao…

Đôi bờ tre rì rào
Như mạch gió qua rừng phong buổi ấy
Đàn Balalaica sôi trào run rẩy
Bản tình ca bao lứa gái trai Nga

Gagarin thầm hát lên lời ca
Theo điệu tính ngọt ngào say đắm
Hoà với tiếng lượn sli đằm thắm
 
Tình khúc nồng lai láng Vônga

Mai ngày anh lên vì sao xa
Sứ giả của loài người trái đất
Những khám phá loé lên trong tiềm thức
Có nét ngời sông Mãng chiều nay…
Cao Bằng 1992

(1) I.A. Gagarin (1934 – 1968): Công dân Nga Xôviết,
Người đầu tiên của nhân loại bay vào vũ trụ ngày 12-4-1961

(2) Tính: Nhạc cụ dân tộc Tày

(3) Lượn sli: Dân ca Tày

*Tâm sự thêm của tác giả Triệu Lam Châu:

Từ năm 1984 tôi luôn trăn trở làm sao cho thơ mình vừa dân tộc vừa hiện đại. Mãi đến năm 1992 tôi mới tìm được lối đi riêng cho thơ mình: Bằng tưởng tượng, cho những nhân vật văn hoá Nga vĩ đại lên thăm Cao Bằng. Rồi từ tâm hồn riêng của mình, mỗi vị ấy sẽ suy tư về những nét đặc sắc của văn hoá Tày Cao Bằng. Nếu làm thành công theo hướng đó, bài thơ sẽ vừa có chất Tày vừa có chất Nga. Tôi gọi đó là bút pháp giao thoa văn hoá.
Gagarin, nhà du hành vũ trụ đầu tiên của loài người, ai cũng ngưỡng mộ. Nhưng làm sao gắn với Cao Bằng đây? Thật là nan giải. Tôi dày công tìm tòi… Ờ, lên vũ trụ, thường có trạng thái không trọng lượng. Một tia chớp loé lên: Đi qua cầu treo dập dềnh trên quê mình cũng có trạng thái ấy. Tứ thơ liền bùng phát ngay: Gagarin qua cầu treo sông Mãng.

Gagarin tìm thấy cảm giác vũ trụ của mình, không phải ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, mà ở cầu treo trên sông Mãng Cao Bằng. Nhìn xuống lòng sông, anh thấy mặt trời như quả cầu da cam chín mẩy, hệt như lúc lên vũ trụ nhìn về trái đất. Anh nghe tiếng lượn sli mênh mang, tiếng đàn tính ngọt ngào hoà với tiếng đàn Balalaica sôi nổi cùng bao bản tình ca Nga. Lòng Gagarin chan chứa nỗi niềm Nga, nỗi niềm Tày, một tình cảm quốc tế anh em đằm thắm.
Và bài thơ đã ra đời trong niềm cảm xúc riêng của tác giả như vậy, mà lại được sáng tác bằng tiếng Việt nữa. Không biết nó có một chút ánh giao thoa nào của ba tâm tình văn hoá Tày –Việt -  Nga không?
Sáng 12 tháng 11 năm 2001

HUYỀN THOẠI MỚI KHAU MI-À

Vào một đêm trăng liềm huyền ảo
Có con tàu vũ trụ hiện về
Đậu trên núi Khau Mi-à chót vót
Như tia chớp bất thần sáng cả rừng mơ

Bước ra khỏi phi thuyền là hai nhà thơ
 
Hoàng Đức Hậu áo chàm ánh núi (1)
Puskin áo dạ nâu đồng nội
Và Gagarin gương mặt sáng như sao…

Không một tiếng rì rào
Cả núi rừng như cùng nín thở
Họ xuống đèo, vào Slấn Thua Cáy nhỏ (2)
Thắp trầm hương thơm ngát cả vùng đồi

Cầu nguyện một hồi
Họ lại lên Khau Mi-à bến đỗ
Lời họ thành suối nguồn thủ thỉ
Hơi thở thành sương núi chon von

Toàn thân họ tạc bằng ánh sáng
Dấu chân mềm đọng ánh trăng soi…

Không hẹn ngày trở lại nơi đây
Họ gửi dáng phi thuyền cho núi
Gửi hồn vào quả mác kham rười rượi (3)
Gửi nồng say cho ngọn lửa đêm sâu…
Cao Bằng 1998
Triệu Lam Châu

(1) Hoàng Đức Hậu (1890 – 1945): Nhà thơ lớn dân tộc Tày
A.X.Puskin (1799 – 1837): Nhà thơ Nga vĩ đại
I.A. Gagarin (1934 – 1968): Công dân Nga Xô Viết, nhà du hành vũ trụ đầu tiên của loài người.

(2) Slấn: Nơi thờ cúng linh thiêng của người Tày, thường nằm trên đồi cao, xum xuê những tán đa.

(3) Mác kham: Một loại quả rừng, mới ăn thấy hơi chát, nhưng khi uống nước vào thì lại thấy một vị ngọt lạ lùng rất đặc trưng.

MỘT MÌNH THỔI SÁO BÊN SÔNG…

Một mình thổi sáo bên sông
Gọi niềm vũ trụ bềnh bồng Gagarin (1)
Về đây cùng hát Sli nim (2)
Vút lên bao nỗi ẩn chìm bấy nay

Trời cao lồng lộng, đất dày
Sông xanh in bóng  nhẹ lay dập dềnh
Cầu treo thuở ấy mông mênh
Bắc niềm Nga với Tày đeng vào mùa (3)

Bắc niềm ta đã… như chưa… (4)
Sóng sông sóng mắt cũng vừa trao nhau
Vỉa lời chín mẩy ngàn sâu
Có Nga, có Việt, có câu… Tày chàm…

Một mình sôi động ngỡ ngàng
Chứa chan biết mấy không gian nim trời  (5)
Nim Nga, nim Việt, nim ai
Nim cầu treo ấy… rực hoài bến tâm…
Sông Mãng, Cao Bằng, lúc 5 giờ 54’ Sáng 11/4/2017
Triệu Lam Châu

Từ Việt mới do Triệu Lam Châu đề xuất:

(1) Niềm vũ trụ: Tổng thể các trạng thái tâm lý, tình cảm và lý trí của con người – hướng tới khái niệm Vũ trụ cả nghiã đen lẫn nghĩa bóng.

(2) Sli nim: Nim: Tiếng Tày. Đó là trạng thái chiếc quay đứng tại một chỗ và quay tít. Khi chơi trò đánh quay, trẻ con thường quấn dây vào cổ chiếc quay, rồi vung mạnh, đồng thời rút mạnh chiếc dây kia, thả chiếc quay xuống đất. Theo đà rơi, chiếc quay chạy đi một đoạn, rồi đứng lại một chỗ và quay tít. Trạng thái Nim này rất tuyệt vời, về nghĩa bóng, nó thể hiện được cái vẻ bề ngoài ngỡ như lặng yên không có gì, mà sâu thẳm trong tâm can lại náo động, xốn xang vô cùng.
Sli là dân ca trữ tình dân tộc Tày.
Vậy Sli nim nghĩa là lời hát sli say đắm và ngất ngây đạt tới trạng thái nim của hồn người.

( 3) Niềm Nga: Định nghĩa tương tự như (1)

(4) Niềm ta: Định nghĩa tương tự như (1)

(5) Nim trời: Khái niệm mới do cảm xúc thi ca đưa lại. Nim trời: Làm cho trời (Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) đạt tới trạng thái nim hài hoà viên mãn nhất của những giá trị bên trong và bên ngoài của các hiện tượng và sự vật…Tương tự như thế ta sẽ có: Nim Nga, nim Việt, nim ai, nim cầu treo…




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét