Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

“LO BÒ TRẮNG RĂNG”!



                

     “LO BÒ TRẮNG RĂNG”!

                                       

                             Truyện ngắn của Nguyễn Quang Tình



Nghỉ hưu già được gần hai năm, lão Trần Quê cứ ở riệt trong quê vì theo lão là về quê thì tránh xa được sự nhộn nhạo, xô bồ và âm thanh hỗn độn cả ngày lẫn đêm của nơi thị thành đất chật, người đông đã làm khổ lão một thời gian dài để được yên tĩnh mà chiêm nghiệm cuộc đời đã qua của lão. Nhưng lão không ngờ là về quê thì “Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”! Chả là theo lão: Khi về vườn thì lương hưu thấp lại phải nộp gần hết cho bà vợ già, còn để lại một phần năm hay một phần ba để chi tiêu thì sống được tàm tạm vì không dám chi tiêu mạnh như dạo còn đương chức! Ngày xưa ấy lương cao hơn lại thỉnh thoảng có thêm tiền thưởng... Tết, lễ có được đôi ba cái phong bì của cơ sở bên dưới cho, biếu, tặng. Hồi ấy lão cũng đã bảo tôi: Tuy có thu nhập cao hơn anh em cấp dưới một chút nhưng mình lại phải có quà cho cấp trên, rồi thì đủ các loại giấy mời dự tân gia, sếp lên lương, sinh nhật sếp, vợ sếp, rồi ngày truyền thống của vợ sếp, rồi 8 tháng 3, 20 tháng 10...cái gì nó cũng nhè cả vào mình. Thậm chí thằng lãnh đạo cùng tuổi nhưng nó là sếp vài năm đổi nhà, biệt thự đến ba, bốn lần mà lần nào cũng mời đích danh, rồi cưới con ở khách sạn năm sao nên quà mừng cứ hết cả vài ba triệu mỗi lần! Ăn chả bõ ỉa...Đi làm cũng khổ mà hưu cũng chả sướng, ở quê cũng có đủ lý do để “bị” mời: Cũng cưới cheo, vu quy, nhà mới, đầy tháng cho con, cháu, mừng thọ thì có Trung thọ, thọ, thượng thọ, kỳ thọ...rồi đến các hội thơ từ Lục bát, thơ Đường, thơ tự do, thơ bản sắc dân tộc...cái gì cũng tiền. Nhiều người còn nghĩ mình là cán bộ ở Trung ương về nghỉ thì nhiều tiền, lắm của nên họ cứ nhè vào để xin tài trợ, giúp đỡ... mà có biết đâu lương hưu chỉ vẻn vẹn dăm, sáu triệu bạc!

Một lần gặp tôi có hỏi lão: “ Hồi lão còn chức quyền và có ghế ngồi lâu bền thế chắc cũng thu nhập khá?”


Lão bảo: - Mình là cái thằng phục vụ, tiền có được cầm nhưng không được tiêu, Tết đến cầm cả chục triệu thậm chí cả trăm nhưng chia hết vào các phong bì có ghi tên cụ thể từng người rồi đi gửi đi chia, tiền có đồng, cá có con! Ăn thế nào được của người ta? May là đến khi ra về không mang nợ nần tập thể một đồng, một xu nào, về quê có giữ lại cái cặp cũ của Liên xô với bó hoa tươi được tặng, được mua thanh lý cái máy ảnh cũ chụp phim và cái máy tính bàn loại rẻ tiền ổ cứng chỉ có một trăm ghi (100Gb) làm kỷ niệm. Điều hành một đội xe cả mười mấy năm nhưng phải thuê tắc xi  mà về. Vì cũng biết phận mình nên không muốn phiền lụy ai, lúc nào cũng thấy thanh thản và nhẹ mình.

            Hôm vừa rồi nhân kỷ niệm ngày Truyền thống vào năm chẵn, được mời gặp mặt, anh chị em phấn khởi hàn huyên sau bữa cơm rượu cơ quan cũ mời đánh chén. Kết thúc tiệc, lão mời tôi ra quán cà phê rẻ tiền góc phố, ngồi với nhau mà nhìn lão cứ thấy đăm chiêu với bộ mặt già nua nhăn nhúm, quắt queo như cái bánh đa gặp nước! Tôi hỏi lão: -  “ Có gì mà lão suy nghĩ mông lung thế?”!

Lão bảo: - Tôi đang thấy lo, lo lắm ông à!

- Lão đã về nghỉ thì làm cái thằng phó thường dân còn lo được cái nông nỗi gì? Hay là lo cho sinh phần mộ của lão không gần mặt đường?

Lão thủng thẳng: - Chả là tôi nghe nói Chính phủ đang yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, cơ quan cũ của chúng ta bị doanh nghiệp tư nhân mua trên sáu mươi phần trăm vốn chủ sở hữu. Vậy thì quyền về tay tư nhân bên ngoài cả, một số cán bộ lãnh đạo thì cũng có nhiều tâm tư ra đi hay ở lại? Còn số cán bộ nhân viên cũ của mình thì lo lắng, hoang mang, tâm thần bất ổn. Lo nhất cho những đứa con, cháu của sếp cũ chả có nghề nghiệp chuyên môn gì mà vẫn được sắp xếp vào các vị trí ngon lành ở các phòng ban để ngồi chơi xơi bổng lộc. Mấy đứa cán bộ trẻ mới ra trường còn được bố vội vàng  đề bạt vì là con đẻ, em ruột để giữ các vị trí chủ chốt hòng thăng tiến cao hơn nữa, xa hơn nữa! Chẳng những con đẻ, con rể, cháu bên nội, bên nhà vợ, thậm chí cả con ông anh, bà chị ... đều có vị trí tốt nhất nếu bây giờ cổ phần hóa, tư nhân họ bỏ tiền mồ hôi nước mắt ra mua và quản lý chặt thì số cán bộ nhân viên ấy đi đâu? Có một số nhân viên cũ của tôi học hành không đến nơi đến chốn, viết chữ thì không biết thế nào là lỗi chính tả, đứa thì văn hóa bổ túc ban đêm tuần vài buổi, cho viết cái đơn nghỉ phép có 5 dòng cũng không nổi. Rồi khi được vào cơ quan do có bố là lái xe cho sếp, hoặc có đứa làm sai vặt cho vợ sếp, yên vị ở cơ quan rồi xin đi học Đại học từ xa cũng thành cử nhân, kỹ sư...bỏ tiền ra mua ghế để ngồi thu lại vốn...Số ấy bây giờ sống ra sao khi chả có chuyên môn, nghiệp vụ...Nói chung là đáng lo, lo quá, lo vô cùng ông ạ!

Đợi lão dừng, tôi hỏi: - “ Ông đã hết tâm tư và nỗi lo chưa”?

Lão lại nhấp ngụm cà phê ít đường đã nguội ngắt rồi ngẩng lên nhìn vào mặt tôi, ý muốn bảo: - Vậy thì ông cho là như thế nào?

Tôi bảo với lão: - Về việc học hành, chữ nghĩa, văn chương, thơ phú... thì tôi không được bằng ông, nhưng tôi nói để cho ông biết thực tế như thế này nhé!

- Vâng! Tôi xin “ rửa tai” lắng nghe sư huynh chỉ giáo đây ạ!

- Trước hết tôi xin hỏi ông để cho rõ rồi mới nói. Ông xem trong người có bị viêm nhiễm ở cơ quan “lục phủ, ngũ tạng” nào không? Có bị sốt, bị hâm hấp, ẩm ương, chập mạch, hỏng i xê hoặc bệnh nhà quê là cám hấp không? Có bị dở hơi, thần kinh và tâm thần bất ổn không...???

- Ông chưa nói gì mà đã hỏi tôi có mắc nhiều bệnh cứ như ông là bác sỹ đa bách khoa, vạn khoa thế?

- Vậy thì tôi nói cho ông biết nhé: Số cán bộ lãnh đạo mà một thời gọi chúng ta cứ nghĩ là ông chủ (Quản lý vốn Nhà nước) thường là Chủ tịch hoặc Tổng giám đốc về lý thì chỉ là được Nhà nước ủy quyền nên có thể gọi là ông chủ giả! Nhưng chúng có quyền lớn lắm, nhiều lúc cứ ngộ nhận tưởng mình là chủ thật, nên tiền tiêu thoải mái, xe công cùng với tài sản tập thể sử dụng bạt mạng, đề bạt, bổ nhiệm đưa con cháu vào cơ quan như nhà riêng của mình... Bây giờ cổ phần hóa, đứa nào không có chuyên môn giỏi thì bị đào thải ra ngoài là cái  chắc, khó mà kiếm nổi miếng ăn. Còn ai có chuyên môn giỏi dù không làm lãnh đạo nhưng họ vẫn được sử dụng như là chuyên gia kinh tế hoặc kỹ thuật. Người chủ nào chả cần đến người có tài thực sự, với người giỏi chuyên môn, nghiệp vụ thì không có gì đáng phải lo.

Còn những đứa là con, cháu bên nội và ngoại của lãnh đạo cũ và mới, mà có những vị  trên chục đứa ngồi trong cơ quan, chúng cũng lo nhưng không phải là nỗi lo ấy của ông! Chúng lo là sẽ bị mất những ghế ngồi và những miếng mồi ngon béo bở, ngồi ở phòng máy lạnh mùa hè, máy ấm mùa đông để hưởng và ăn mồ hôi, nước mắt của những người thợ, công nhân trực tiếp sản xuất ở cơ sở. Nếu bây giờ có bị đẩy ra ngoài tuy có buồn tý nhưng chúng cũng đã đủ no, đủ nhà cửa, ô tô, vật chất dư dả để sống được thời gian dài khi không còn vú sữa doanh nghiệp Nhà nước nữa!

Số khác cũng sẽ biết đi tìm kiếm việc nhưng họ là nhân viên làm việc chăm chỉ thì cũng chả thiếu, họ có ở cơ quan thì đồng lương cũng có hạn lại bị chèn ép cũng chẳng sung sướng gì. Lợi dụng chữ và cụm từ “ Tổ chức” lũ “ Lợi ích nhóm” chúng nhòm ngó, soi mói, móc máy... ra nhiều thứ để bắt lỗi người lao động thì chuyện đi với ở lại với họ không quan trọng. Có nhiều cán bộ và công nhân ở các đơn vị sản xuất còn gọi điện và chát trên máy tính cho tôi là họ đang mong nhanh cho doanh nghiệp được cổ phần hóa. Chỉ có như vậy thì những ông chủ thật sẽ chăm lo  họ, không bị ăn chặn ở nhiều cửa, không nhiều trung gian nịnh thần, không phải nuôi báo cô lũ con cháu lãnh đạo cũ và mới thì đồng lương và thu nhập sẽ cao lên, đời sống sẽ được cải thiện...

Đấy là suy nghĩ của tôi để phần nào giải tỏa cho nỗi lo của ông, ông vẫn cứ như anh cán bộ của thời bao cấp không từ bỏ được việc hay lo cho người khác, nhất là cán bộ nhân viên dưới quyền đã cũ của ông. Ông là người hay đọc sách chắc ông thuộc câu thành ngữ “Lo bò trắng răng”?!!!

Nghe tôi phân tích và chém gió phần phật, khua chân múa tay như thằng tâm thần phân liệt ở chốn không người. Tôi liếc nhìn mặt Trần Quê thấy  lão ngớ ra, mọi ngày thì diễn thuyết giỏi thế mà bây giờ người cứ đờ người, lưỡi thì cứng lại chả nói được câu nào!

Khoảng không gian ở góc quán vắng lặng đi. Một lúc mới thấy lão bảo:

- Ừ nhỉ! Đúng là tôi về hưu lại biến thành lão dở hơi, cám hấp thật rồi!

Rồi lão lẩm bẩm: Đúng! Lo bò trăng răng...!!!

Bất chợt lão đứng lên rồi bật cười hơ hớ như bị ma làm, trông lão đi ra khỏi quán cà phê mà quên trả tiền, người cứ xiêu vẹo, dặt dẹo, đánh võng như lão nhà quê ra tỉnh bị điên...!!!



                                                              Đêm đông, mùa Noel -2016

                                                                  Nguyễn Quang Tình






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét