Thứ tư, 19/4/2017 | 04:56 GMT+7
|
Đối thoại ở thôn Hoành
3 tiếng mất liên lạc với toà soạn khi về Mỹ Đức khiến nhiều người lo lắng, chuyện gì đã xảy ra với tôi.
Cho tới sáng 16/4, mọi cánh cửa thông tin về xã Mỹ Đức chỉ le lói một
vài tia yếu ớt. Câu chuyện mà ai cũng có thể truyền tai nhau là chiều
15/4, một đoàn cảnh sát gồm cả cơ động, công an, cán bộ huyện đã xảy ra
xô xát với hàng ngàn người dân, sau hoạt động bắt người theo quyết định
khởi tố đã có từ trước đó hơn một tháng. Hàng chục cảnh sát, công an,
cán bộ huyện đã bị dân giữ lại tại nhà văn hoá thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Tôi và một phóng viên nam lên đường tới Mỹ Đức với một sự thôi thúc phải tìm ra câu chuyện gì thực sự đang diễn ra.
Gần đến nơi, thấy từng nhóm người cả cảnh sát, cả người mặc thường phục
đứng lố nhố khắp trên con đường vào xã tôi đã run. Tôi chỉ là một phụ
nữ, tôi còn có con nhỏ. Tôi dừng lại một quán trà ven đường lân la đến
nửa ngày. Nhưng qua giờ trưa, tôi thấy mình không thể chịu nổi nữa. Tôi
tự hỏi: Vì sao đã đến tận nơi này rồi lại ngồi đây để trở về ngờ vực? Tôi
có linh cảm có một câu chuyện chẳng lành đằng sau những video chỉ thấy
gào thét, chỉ thấy những hừng hực căm phẫn từ đám đông bắt bớ kia? Và
tôi đã không kìm được bước chân của mình đến cổng làng, sau khi để lại
toàn bộ giấy tờ, tư trang cho người đồng nghiệp ở vòng ngoài, chỉ mang
theo 2 thứ: ghi âm và điện thoại.
Nhưng khi vừa kịp thấy đám đông đứng đầu đường dẫn vào thôn Hoành, vừa
thoáng qua những thân gỗ to lù lù chắn ngang đường làng, tôi đã bị nhiều
bàn tay lôi lại. Tôi giật bắn người: hàng chục đôi mắt phụ nữ lọt ra từ
khuôn mặt bịt kín khẩu trang đang đổ dồn về mình. Những người đàn ông
chạy ào tới túm áo tôi.
Những câu hỏi như thét lên: “Mày là ai? Từ đâu đến? Đến đây làm gì?”. Tôi không biết mở lời từ đâu, bởi không thể gào to như họ. Tôi run rẩy.
Mất một hai phút để tự trấn tĩnh, tôi nói mình là phóng viên. Nhưng dân
làng nói tôi phải có thẻ ngành. Toàn bộ giấy tờ tôi đã để bên ngoài vì
không thể đoán trước thái độ của những người dân ở đây với nhà báo như
thế nào. Không xuất trình được giấy tờ, tôi bị một người đàn ông và một
phụ nữ áp giải bằng xe máy vào sâu bên trong.
Họ chở tôi vào làng, len lỏi qua những chướng ngại vật đã dựng lên. Dọc
hai bên đường, từng tốp người già, trẻ, lớn bé đứng ngồi nhấp nhô. Khi
nhìn thấy người lạ mặt, họ bật dậy và lại tiếp tục những câu hỏi như gào
lên: “Nó là ai? Sao lại vào đây?”.
Người làng chở tôi đến trước một khu nhà văn hoá thôn Hoành: Nơi đang
giữ hàng chục người thực thi công vụ. Chúng tôi dừng lại trước cánh cổng
sắt đóng chặt nhiều lớp khoá. Trong khoảng sân lớn, có vài chục người:
đàn ông trung niên, thanh niên, phụ nữ... Người ngồi, người nằm ngủ, bên
cạnh đều có sẵn gậy nhỏ.
Thấy tôi, người dân bật dậy, đổ dồn những ánh nhìn cảnh giác cùng tức
giận. Có một người đàn bà mặt giận dữ nói nhất định phải khám người tôi.
Những người đàn ông bình tĩnh cũng không khuyên nổi bà. Bà dẫn tôi vào
một căn phòng nhỏ, bắt cởi quần áo. Tôi run lên. Đời tôi chưa từng nghĩ
có một lúc mình sẽ nhận sự xúc phạm lớn đến vậy.
Thấy chiếc khuy quần, người đàn bà cũng nghi ngờ đó là một thiết bị ghi âm, ghi hình nguỵ trang nào đó.
Người đàn bà vừa khám vừa hét lên những câu chuyện không đầu không
cuối. Hóa ra bà là người thân của một trong 4 người Đồng Tâm vừa bị bắt
giữ. Mọi sự tức giận, sợ hãi trong tôi bỗng tan biến. Trên gương mặt
khắc khổ, giận dữ của người đàn bà hiện lên sự hoang mang, sợ hãi. Tôi
hợp tác để bà khám bất kỳ gì bà muốn và hỏi chuyện. Bà ứa nước mắt kể
rằng đời mình chưa bao giờ phải chứng kiến cảnh bắt người như hôm qua.
Người phụ nữ ấy không chịu đựng nổi.
Tôi chợt nhận ra, họ cũng là người nông dân giống như bố mẹ mình, ẩn
sau những câu nói ác khẩu là sự hiền lành, đôn hậu, và thậm chí là yếu
đuối. Tôi bình tĩnh trò chuyện cùng bà.
Nhưng cuộc nói chuyện liên tục bị ngắt quãng. Những người xung quanh
chen vào, tiếp tục đòi khám người lần nữa, bắt tôi mở khóa điện thoại để
lục soát, cáo buộc tôi là “người được cài vào thôn”. Nhưng bà gạt họ
đi, và cứ thế kể. Người ta mắng bà: “Cô có biết đây là ai không mà cô kể?”. Bà mặc kệ.
Người phụ nữ ấy có một khát khao được nói, và những gì bà cần, là một sự lắng nghe.
Sau một hồi, những người xung quanh không để bà nói tiếp nữa. Họ quyết định đuổi tôi ra khỏi xã, tịch thu ghi âm và điện thoại. “Nếu các bác không nói với cháu, thì vĩnh viễn không có ai biết chuyện gì đã xảy ra ở đây”
- tôi cố gắng thuyết phục. Có một lúc, tôi thậm chí đã nghĩ đến việc sẽ
ở lại đây đêm nay: họ sẽ giam tôi, nhưng như thế cũng không sao, tôi sẽ
biết được thêm nhiều điều. Tôi không còn thấy sợ người dân nữa. Chỉ có
một vấn đề, là họ không đồng ý để tôi gọi một cuộc điện thoại về nhà cho
gia đình yên tâm.
Rồi một ai đó để ngỏ khả năng, rằng nếu tôi là phóng viên đàng hoàng
của một cơ quan báo chí tử tế, thôn Hoành sẽ chào đón tôi quay lại. Vài
thanh niên áp giải tôi ra ngoài thôn. Tôi lấy giấy tờ và xin quay lại.
Lại đi qua những đoạn đường đầy ắp người, nhưng chào đón tôi lúc này là
những ánh mắt đã dịu lại. Thấy tôi quay lại, hết phụ nữ, lại đến đàn
ông đều muốn kể chuyện. Có người vì xúc động mà nói đứt quãng không
thành câu. Họ đã chấp nhận nói chuyện điện thoại với toà soạn và cam
kết: đảm bảo an toàn tuyệt đối để tôi trở về.
Câu chuyện tôi lắng nghe sau đó không như những gì bên ngoài đang run
sợ. Họ khẳng định không tưới xăng lên người cảnh sát. Họ còn cử riêng
một gia đình hàng ngày nấu cơm cho các cán bộ ăn, dẫn cán bộ đi vệ sinh,
tắm rửa.
Họ còn muốn kể câu chuyện nhiều hơn như thế với tôi, nhưng trời sắp
tối, họ muốn đưa tôi ra về để được an toàn. Tôi hiểu vẫn còn có những
người cực đoan không thấy thoải mái với một người lạ trong thôn vào lúc
này.
Tôi đã bắt đầu hành trình trong thôn Hoành bằng sự sợ hãi đến cứng
người, nhưng ra về với tâm trạng bình yên. Đưa tôi ra khỏi thôn, những
người đàn ông, phụ nữ bỏ gậy xuống, rời đi những ánh mắt giận dữ, họ lại
trở về với sự đôn hậu của những người dân quê. Sau những đống sỏi đá ngồn ngang đổ xuống làm chướng ngại vật là những biểu ngữ: "Không chống chính quyền".
Nếu hôm ấy, tôi đi thẳng về Hà Nội sau khi được thả ra, tôi sẽ vĩnh
viễn chỉ nhìn thấy một nửa bức tranh. Và đó là nửa tối ám, đầy những ánh
mắt long lên vì giận dữ, đầy cảm xúc tiêu cực. Nhưng tôi đã quay lại,
và chủ động đối thoại, để may mắn được nhìn thấy sự hồn hậu và nỗi khát
khao được bày tỏ trong chính những gương mặt ấy.
Khoảng cách giữa một con người đầy hằn học cầm gậy gỗ, với một con
người chất phác của nông thôn, dường như chỉ là một cuộc trò chuyện cầu
thị. Nhiều người trong số họ chỉ có nhu cầu được lắng nghe.
Một cuộc đối thoại thực sự công khai đang được chờ đợi.
Bảo Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét