ĐỘC HÀNH TRONG CÕI TRỜI TÂY
PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho
Giới thiệu tập thơ Trời Tây của Nguyễn Hoài Nam
Những bài thơ trong tập đều viết ở
nước ngoài, được thành thơ ở cõi trời Tây. Với người Việt thì Pháp là Tây, Nga
cũng là Tây, Đông Âu là Tây, Bắc Mĩ, Ca Na Đa cũng là Tây.
Chỉ cần từ quê ra phố, hay từ Bắc
vào Nam thì cái không gian mới mẻ, khác lạ đó cũng đủ làm cho con người, nhất là những người có máu thi nhân
thổn thức bao niềm thương, nỗi nhớ nơi chôn nhau, cắt rốn của mình. Và chừng đó
cũng đủ làm nên bao cung bậc, nỗi niềm. Đằng này Nguyễn Hoài Nam vì cuộc mưu
sinh mà rời bỏ quê hương, định cự tận xứ Ca Na Đa xa xôi cách nửa vòng trái đất.
Lăn lóc đời mưa nắng bể dâu
Câu thơ ấy phần nào nói lên nỗi vất vả của tác giả nơi trời
Tây, nơi xứ người và những cảm nhận, những trải nghiệm, những suy ngẫm của một
phận người trong dòng đời nơi đất khách.
Trời Tây với
nhiều người một thời là một miền đất hứa. Là một nỗi khát khao, ao ước. Nhưng tác
giả đã phác bốn thời điểm của một ngày ở trời Tây. Không phải như bạn đọc hình
dung hay tưởng tượng.
Sáng
Mặt cắm mài bóng đất
Rảo cẳng bước thật nhanh
Trời còn đang ngái ngủ
Một mình đường vắng tanh…
Trưa
Bộn bề hàng núi việc [… ]
Bụng đói sao cồn cào
Chiều
Lưng mỏi cứng như dần
Chân tay ngay đuồn đuỗn
Mắt mờ tai nghễnh ngãng […]
Tối [… ]
Trời tối đen như mực
Trời Tây…ơi…trời Tây!
Trời Tây không phải là thiên đường, không là miền đất hứa.
Không hẳn là nỗi thất vọng, nhưng đã nghe thấy tiếng thở dài, nghe niềm tin mòn
mỏi:
Thiên đường ơi!
Sao đi hoài chẳng đến? […]
Ta vẫn là ta
Hay con kiến cành đa […]
Thiên đường ư?
Càng đi càng xa quá
Năm tháng đầy
Niềm tin..mỏi mòn vơi!
Thiên
đường mù
Người thơ từ thân phận con người nhỏ bé, hơn một lần cho bạn đọc biết ở đâu
cuộc đời cũng nhọc nhằn, vất vả, nhiều nỗi buồn, ít niềm vui :
Cái kiến con ong tảo tần giông gió
Lăn lóc trời, lưới nhện khác chi nhau
Mỗi sớm mai mong đêm xuống thật mau
E ngày vắt kiệt từng giọt sức
Đêm từng đêm hững hờ thao thức
Vội vã về gắng gượng lặng nhìn nhau
Đời bói niềm vui, thừa thãi lắm âu sầu
Nhọc nhằn quá chùng đường gân thớ thịt
Đừng nói nữa anh
Có thấm thía nỗi nhọc nhằn mới biết trân trọng, chắt chiu, nâng
niu những niềm vui dù là nhỏ bé đơn sơ. Thậm chí, không cần tất cả “ Chỉ cần/ Giữ trái tim ấm mãi…/ Đã giàu lắm
đấy/ Nghe em!” ( Chỉ cần). Không chỉ
nói về mình, tác giả còn nói nỗi lòng của những người như mình, đến trời Tây với
tâm trạng “ Những kẻ vong quê/ Thập thễnh
nẻo xa…lòng những quặt què”. Dù khác nhau về quốc tịch, ngôn ngữ nhưng lại
giống nhau “ Dè sẻn cơn mơ/ và giống
nhau…lầm lụi giữa cuộc cờ Thế giới” ( Lũ chúng ta).
Nhà thơ bao giờ cũng
nhạy cảm hơn người bình thường. Bởi vậy mà khi
mất bạn, khi em bỏ ra đi, tâm trạng trống vắng, đơn côi, nhất là đơn côi là tâm trạng dễ thấy:
Đất rất gận gần
Trời lại quá xa xôi
Đêm lẻ bóng
Tối cuộc đời lẻ bạn
Đêm độc ẩm
Ngọn đèn khuya
Đêm chán…
Kính bạn
Thế là muộn em đã về
bên ấy
Mình đêm dài thao thức
trắng ngu ngơ
Hoang lạnh vắng gác buồn
côi cút
Côi cút cỏ hoa
Côi cút người chờ…
Thế
là muộn
Sự đơn côi ấy đôi khi người ta tìm cách để lãng quên. Quên trong rượu. Quên trong cuộc vui. Quên
trong cuộc chơi, cuộc uống.
Chưa say thì uống cho say
Cho lăn lóc đá theo mây về ngàn
Dẫu mai bèo hợp mây tan
Trăng tròn trăng khuyết trăng tàn có
sao!
Sao
không
Nhưng rượu cũng không vơi được nỗi niềm:
Tình đời li rượu cay
Rượu cay say lòng đắng
Đắng lòng, nghẹn thắt con tim
Tình
đời như cỏ cây
Nhưng nhà thơ là người không dễ
quên không dễ say. Anh tỉnh táo. Anh đặt câu hỏi để hỏi đời, hỏi mọi người, hỏi
mình:
Còn lại gì
Sau cuộc vui
Những lả lơi nghiêng ngả
Những nụ hôn vội vã
Che khuất góc cuộc đời!
Còn lại gì
Sau cuộc chơi
Giữa dòng đời nghiệt ngã
Những mặt buồn như lá
Lênh đênh sấp ngửa trôi
Còn lại gì?
Thật may là tác giả còn có chốn đi
về. Đi về thật và đi về trong tâm tưởng.
Ấy là quê hương xa thăm thẳm nhưng lúc nào cũng gần gũi, thân quen. Nỗi nhớ quê
thành lời nguyện cầu:
Giờ quá xa xôi nửa địa cầu
Mà lòng lạnh lắm thấm
mưa ngâu
Vu lan tháng Bảy không hẹn
đợi
Giằng xé tim con bạc mái
đầu
Nguyện cầu
Nỗi nhớ quê thành một điều tâm niệm,
thành trăn trở cả đến những nắng mưa:
Đất lạ trời hoang tháng ngày trăn trở
Giãi nắng dầm mưa…đâu
mưa nắng quê nhà?
Phải không Em
Dù quê chưa giàu, chưa sang, chưa
hiện đại. Nhưng đó vẫn là chốn tâm linh, là miền thiêng trong mỗi trái tim người.
Bởi vậy mà người quê, cảnh quê hiện ra với bao thiết tha, quyến rũ. Một chút hương
quê bình dị mà nhớ:
Miền xanh cỏ nhớ triền đê
Rạ rơm nắng tãi…nẻo về rối
chân
Hương
quê
Nhớ tiếng gọi đò, nhớ bến sông,
nhớ mẹ, thương cha, nhớ những chuyện vu vơ, nhớ nắng, nhớ mưa. Thậm chí nhớ cả
“ Lời suông em hứa/ Có mà như không”.
Người đọc sẽ không ngạc nhiên khi nhớ Hà Nội lẫn trong nỗi nhớ cây, nhớ hoa, nhớ
con đường, dòng sông, nhớ em:
Em là lá
Em là hoa
Em mượt mà triền đê cỏ dại
Em sông Hồng
Em là bến đợi
Đợi chờ nghìn năm…
Hà Nội nhớ!
Trời Tây viết rải từ năm 2005, chủ
yếu là khoảng 2007-2009, có một đôi bài viết mới đây. Một tập thơ cho thấy một
phương diện khác còn khuất lấp của hồn thơ Nguyễn Hoài Nam. Nếu “Trái tim bên
phải” và “ Ma lực” thiên về thơ tình, thì tập này cho thấy một Nguyễn Hoài Nam
trăn trở nhiều về thân phận, về đủ mọi cung bậc tình cảm tham, sân, si, ái, ố, hỉ, nộ
như từ dùng của nhà Phật. Tin rằng Nguyễn Hoài Nam với bút lực của mình, với hoàn
cảnh xa xứ, sẽ còn có nhiều bài thơ hay
dâng tặng cho bạn đọc.
Hà Nội,
30 tháng Tám, 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét