Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

CÁI NHÌN NGƯỢC SÁNG TRONG THƠ



                                         Nhà văn Bùi Việt Thắng và Huyền Thanh Thanh
CÁI NHÌN NGƯỢC SÁNG TRONG THƠ
(Ấn tượng Trên từng vết chân hoang, thơ Huyền Thanh Thanh, Nxb Hội Nhà văn, 2017)
                                              BÙI VIỆT THẮNG
1. Tôi chưa từng gặp tác giả Huyền Thanh Thanh. Nhưng đọc thơ thì biết người, vì “văn là người”. Tôi hình dung ra một phụ nữ vốn sinh trưởng ở miền đất chỉ có nhiều “gió Lào cát trắng”. Nơi ấy thiên nhiên không ủng hộ con người trong kế sống. Nhưng trái lại hun đúc nhiều phẩm tính căn cốt để vươn lên. Đó cũng là miền đất của văn chương/nghệ thuật ngôn từ/nhất là thi ca có bề dày truyền thống. Có lẽ Huyền Thanh Thanh lớn lên từ miền quê ấy, cái nôi ấy, với “văn chương nết đất thông minh tính trời” (câu thơ Cụ Nguyễn Tiên Điền dành cho Kim Trọng trong Truyện Kiều). Lại qua Lời giới thiệu của nhà thơ Trần Quang Quý, biết người phụ nữ tuổi Giáp Tý (1984) này thật tài hoa, nhưng lẽ dĩ nhiên không bạc mệnh. Lại biết thêm tác giả vốn là kỹ sư tự động hóa nhưng làm thơ hay lại càng “tâm phục khẩu phục”.Tôi cứ hình dung về tính nhị nguyên trong một con người Huyền Thanh Thanh. Thông minh, sắc sảo, quảng giao, năng động, hiện đại, dấn thân ở đời và công việc, nghề nghiệp. Nhưng lại đắm đuối, rộng lượng, trắc ẩn, dịu dàng, mềm mại trong thơ. Nhưng thật bất ngờ cũng mạnh mẽ trong thơ.


Nhưng Người Thơ thì, theo tôi, càng phải là người đắm đuối với đời, với người, với chữ nghĩa. Nói người thơ này đắm đuối là có bằng cớ. Thơ Huyền Thanh Thanh nặng trĩu tâm trạng. Không đến độ nhức nhối, rã rời, buông tay. Nhưng lúc nào cũng đau đáu: “lòng ta nắng hạ/ mà buốt giá cơn giông”, “cơn khát/ lòng ta lang bạt”, “ta cồn cào ngực nóng”, “ta nghe đêm đâu đó lời ca/ hóa ta hoang dại”, “anh về đây mãi/ ta sẽ/ thôi khắc khoải/ trên từng vết chân hoang” (Đêm ơi! Có nghe không?). Đấy! Chỉ trong một bài thơ đầu tiên mà độc giả mở tập thơ ra, đã thấy cồn cào, hoang hoải. Nói chi đến cả 33 bài trong tập. Như triền miên, dồn dập thác lũ những tâm trạng vui ít buồn nhiều, vừa hi vọng vừa thất vọng, vừa muốn giữ gìn vừa muốn tung hê tất cả, vừa muốn làm hòa với người vừa muồn cào cấu đấu tranh, vừa muốn tự dưng biến mất vừa muốn vĩnh viễn tồn tại, vừa hiện sinh vừa muốn siêu thoát.
Viết về một đêm thu, những tưởng biết bao cảm hứng tươi trong, thong nhàn, vậy mà người thơ vẫn cứ “bơ vơ trụi lá/ sụt sùi hương đêm/ hoang thu” (Đêm thu). Đọc Đêm thu của Huyền Thanh Thanh lại càng thấy đối chọi với thơ thu của Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến - với chùm thơ mùa thu nức tiếng: Thu ẩm, Thu điếu, Thu vịnh. Nói cái nhìn ngược sáng chính là vậy! Rồi như muốn cho tuyên ngôn “ngược sáng” của mình được củng cố, quảng bá, tác giả đã viết cả một bài thơ có cái nhan đề rất lạ (vả lại cái người thơ tuổi Giáp Tý này lúc nào chả ngang tàng) - Ngược sáng - tôi nghĩ là độc đáo: “Ngược sáng/ em/ ngược sáng/ thu/ ngược sáng/ liễu rủ/ ngược sáng/ ngàn tinh tú/ (…)/ Mùa thu lại vừa ngược sáng/ tìm anh”. Trong kỹ thuật nhiếp ảnh thì chụp ngược sáng là rất khó bắt chộp khuôn hình đẹp vì quy tắc ánh sáng. Nhưng trong thơ thì chấp nhận cái phi lí. Đã lâu tôi có dịch (qua bản tiếng Nga) một tiểu luận của H. Bacbyx, nhà văn Pháp (1873-1935) - tác giả tiểu thuyết Khói lửa - nhan đề “Cái hợp lí trong văn xuôi và cái phi lí trong thơ”. Có lẽ, tôi nghĩ, tác giả Huyền Thanh Thanh khi viết thơ theo cảm thức “ngược sáng”, không có ý thức về cái gọi là “phi lí”. Nhưng thực tiễn thơ ca thì đã chứng minh điều đó. Để củng cố cho nhận định của chúng tôi, xin dẫn thêm một bài thơ ngắn khác có nhan đề Chén thu. Chao ôi, mùa thu thường thì dài rộng, sâu thẳm, bát ngát, xanh trong đẹp đẽ nhường kia trong thơ truyền thống. Vậy mà đùng một cái, thu được gom vào trong một “chén thu”. Thì quả là ngang tàng đấy thôi: “Hạt vàng lấp ló tàn khe lá/ Lủng lẳng chiều mơ tím sợi đan/ Phố thơm vắng bóng trầm ly cạn/ Dấu nắng đường xưa lướt thướt tràn/ Buông rơi một chén đời thi sĩ/ Cũng chẳng tan tành với đa mang”. Hóa ra một “chén thu” thì cũng ngang bằng một “chén đời thi sĩ”. Rồi cũng có lúc “tan tành với đa mang”. Vậy nên đừng có hão huyền, mơ màng, ảo tưởng, hoang đường hỡi thi nhân!
“Ngược sáng”, có người gọi là nói ngược. Nói vậy chỉ đúng một phần. Ngược sáng, tôi nghĩ, là một kĩ thuật, một “chiêu” viết thơ. Một cách nhìn riêng. Một cách cảm hội sự vật. Để chống một thói quen, một lối mòn, một sự lắp lại, một sự nhàm chán. Một cách kích thích con người suy nghĩ và hành động tươi mới.
2. Tôi riêng thích cái “điệu nói” trong thơ Huyền Thanh Thanh. Điệu nói này quy định hình thức thơ tự do là chủ yếu trong cả tập thơ Trên từng vết chân hoang. Dĩ nhiên vẫn có các thể thơ khác như lục bát, bảy chữ, năm chữ… Nhưng thơ tự do, tôi nghĩ, mới là sở trường của tác giả Huyền Thanh Thanh. Một người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ trong cuộc đời dễ dàng đem điệu nói vào thơ. Tại sao không? Nói không có nghĩa là nói chuyện, kể chuyện rông dài vốn như là một sở trường của phụ nữ nói chung (đôi khi biến thành sở đoản). Dĩ nhiên nói nhưng không cần “nói có sách mách có chứng”. Nói có nhịp điệu. Nói có ngân nga. Nhưng tuyệt nhiên không rơi vào “vần vè”. Nói như chơi mà thấm nhuần triết lí (nhưng rất may không rơi vào “triết lí vặt” như những người mới tập tọng viết văn hay đắp điếm cho tác phẩm non dại, khờ khạo buổi đầu của mình). Có điệu nói da diết: “Đông ơi sao tới muộn/ Ngỡ em xa lắm rồi/ Chiều dẫn chiều lạc lối/ Ta một mình đơn côi/ Đông ơi sao tới muộn/ Em chẳng về bên tôi/ Để hồn hoa ngóng đợi/ Rơi úa tàn trên môi/ Đông ơi sao tới muộn/ Em xa ngái chân trời/ Giữa niềm thương vời vợi/ Một đời ta chơi vơi” (Đông muộn). Điệu da diết này hầu như phủ khắp cả tập thơ. Nhưng cũng có lúc người thơ nữ này buông bắt một điệu nói “tưng tửng” rất dân dã, như trong bài Đèn đỏ: “Năm/ Mười/ Mười lăm/ Giục tốc/ Giục tốc/ Những đôi chân co lên/ Nhân nhấn/ Hai mươi/ Hai mốt/ Cuống quýt đôi tay/ Loay hoay/ Nhấp nhổm/ Những con mắt lốm đốm/ Tia lửa vàng/ Ngang tàn/ Phố!/ Phố!”. Những câu thơ rất ngắn (có khi chỉ một chữ) cứ trượt dài theo điệu nói như là tiết tấu của nhạc Rap. Có lúc điệu nói trong thơ Huyền Thanh Thanh như là một ghi âm những câu nói thường ngày trong một gia đình (bố mẹ với con cái, và ngược lại). Trong bài Sắc màu của con ta nghe được giọng yêu thương đằm thắm của mẹ với con gái: “Con gái ơi!/ Con đang vẽ gì?/ Mẹ thầm thì/ trong lòng con bé bỏng/ Phút xao động/ Với hồn con thơ mộng/ Mẹ mê say/ Những chúm chím má hồng”. Trong những câu thơ ngắn trên ta nghe được cả tiếng gọi thân thương, cả câu hỏi thường trực, và sự chia sẻ đến tận cùng ruột gan giữa mẹ và con gái. Có lẽ con gái của thi sĩ còn rất bé đang tuổi mầm non nên mới “chúm chím má hồng”. Nay mai cô bé có đôi bàn tay vàng ấy sẽ trở thành một họa sĩ. Và biết đâu chính cô con gái sẽ vẽ bìa và minh họa cho những tập thơ mới của mẹ mình? Cái “điệu nói” trong thơ Huyền Thanh Thanh quy tụ nhiều nhất, rõ ràng nhất, sắc nét nhất trong bài thơ văn xuôi Trước cơn giông.
Ấn tượng thơ Huyền Thanh Thanh trong tôi là về một cây bút nữ hào hiệp. Hào hiệp trong suy tưởng thơ. Hào hiệp trong cấu tứ thơ. Hào hiệp trong câu chữ thơ. Và hào hiệp trong giọng điệu thơ (trong đó điệu nói như là chủ âm). Nếu đúng chị là đồng hương (Xứ Nghệ, Hà Tĩnh) với tôi thì, còn gì vui mừng và tự hào hơn khi xứ Gió Lào Cát Trắng thêm một Người Thơ tài hoa!
Hà Nội, vẫn trong Tháng Ba, 2017
B.V.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét