Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

LIỆU CÓ KIẾP SAU...




LIỆU CÓ KIẾP SAU...



                                                        (Thơ Trần Nhuận Minh, VN số 21, 23/05/2015, trang 15)



Liệu có kiếp sau không để ta lại bắt đầu

Từ ánh trăng vàng bay trên mái nhà xưa

Từ ngọn gió thu lọt qua song thưa...



Liệu có kiếp sau không để ta lại yêu nhau

Lại ngồi lặng im nhìn giọt mưa mau

Lại nói bâng quơ những điều không đâu...



Liệu có kiếp sau không để ta lại ước mong

Được giận hờn nhau không chỉ trong mơ

Được vuốt mắt nhau khi...vào hư vô...



Lời bình của Nguyễn Thị Lan



Bài thơ không đề năm tháng nhưng có lẽ nhà thơ Trần Nhuận Minh viết bài thơ này khi ông cảm thấy đã gần đi hết con đường trên thế gian; chỉ có đến lúc ấy người ta mới “ngoảnh lại” và ước mong “để ta lại bắt đầu”.

Thi phẩm tràn đầy yêu mến và dịu dàng biết bao. Dịu dàng từ hình ảnh buông hờ: ánh trăng, mái nhà, ngọn gió, song thưa, giọt mưa. Dịu dàng từ âm hưởng, giai điệu. Bài thơ có 3 khổ với 9 dòng thơ, mỗi dòng đều kết thúc bằng thanh bằng, gợi cảm xúc nhẹ nhàng, bâng khuâng. Rồi những vần chân nói tiếp nhau ở từng khổ thơ: xưa – thưa, nhau – mau – đâu, mơ – vô, cùng gợi lên cảm giác dịu dàng, bâng khuâng.


                                                          Tác giả Nguyễn Thị Lan

Thông thường, mỗi khổ thơ thường có 4 câu, ở bài thơ này mỗi khổ chỉ có 3 câu, nó gợi cảm giác thiếu thiếu, hẫng hụt... Hình như nhân vật trữ tình (nhà thơ) cố kìm nén lại, không dài lời giãi bày mà rất kiệm lời. Hình như ngôn ngữ ở đây trở nên bất lực khi nhà thơ thể hiện cảm xúc ứ đầy cõi lòng.

Ba khổ thơ lặp lại ba điệp ngữ “liệu có kiếp sau không”, nó đau đáu một nỗi niềm ước mong. Và mỗi lần lặp lại mở ra một ý mới. Cả bài thơ là một giả tưởng, một ước vọng khi “ta”“kiếp sau”.

Chắc có nhiều ước vọng về cuộc sống đời này, nhà thơ chỉ tập trung vào hai ước vọng chính: được sống và được yêu. Được sống trong cõi đời này với “mái nhà xưa” (trong mái nhà ấm áp và thân yêu ấy chắc có ông bà, cha mẹ, vợ con, anh em, những người thân thiết). Được đắm mình vào thiên nhiên với “ánh trăng vàng”, với “ngọn gió thu”:

“Từ ánh trăng vàng bay trên mái nhà xưa

Từ ngọn gió thu lọt qua song thưa ”

Một cuộc sống thật an lành, bình yên

Đó là ước mong được yêu, vì được yêu là được hạnh phúc. Cuộc đời này sẽ hạnh phúc hơn khi ta “yêu nhau”. Hai khổ cuối tác giả dành hẳn cho hai người , cho “ta”. Tình yêu của họ trong trẻo, trinh bạch, thuần khiết, thánh thiện. họ “ngồi lặng” bên nhau. Đó là “những phút giây huyền diệu”( Nói như Puskin trong bài Gửi ***). Những phút giây ấy họ chỉ nói với nhau “những điều không đâu” chẳng có gì là quan trọng cả nhưng thật hạnh phúc; bởi cái quan trọng nhất, cái hạnh phúc nhất, cái đủ đầy nhất là “ta” được ở bên nhau.

Đó là ước mong “được giận hờn nhau không chỉ trong mơ”. Ta lại sống cuộc đời thường với những yêu thương giận dỗi, bởi “được giận hờn nhau vui sướng biết bao nhiêu” (Xuân Diệu), bởi “giận hờn” cũng là một thứ gia vị của tình yêu.

Đó là ước mong được ở bên nhau “vuốt mắt cho nhau” trước khi một trong hai ta bước vào cõi “hư vô”. Lúc đó ta sẽ thanh thản bước vào cõi vô định, cõi vĩnh hằng, bởi ta không cô đơn khi có người yêu dấu ở bên cạnh, bởi lòng ta tràn ngập hạnh phúc. “Tất cả sẽ trôi qua chỉ tình yêu ở lại câu nói của Ivan Tugrenev, nhà văn Nga thật đúng với ý thơ của Trần Nhuận Minh.

Không chỉ trong bài thơ này mà ở những bài thơ khác, Trần Nhuận Minh cũng hay nói về cái chết và em, bài thơ “Vào phút ấy thì em nên đến nhé” là một bài tiêu biểu:

“Ta đã xa nhau suốt cả một đời rồi

 Vào phút ấy thì em nên gần nhé.”



“Ta đã không nhau suốt cả mọi ngày đêm

 Vào phút ấy thì em nên nhé”



“Ta đã quên nhau trong tất cả mọi buồn vui

 Vào phút ấy thì em nên nhớ nhé”…



“Liệu có kiếp sau...” ngập tràn một bầu không khí yên bình từ cảnh vật đến cõi lòng người.

Toàn bộ thi phẩm toát lên lòng yêu đời tha thiết. Trong tình yêu đó, ta “đọc” được cả niềm nuối tiếc (nuối tiếc cuộc đời, nuối tiếc sự sống, nuối tiếc tình yêu), cả sự “níu kéo” cuộc đời, níu kéo thời gian. Bài thơ còn tràn đầy những trắc ẩn, suy tư, những khắc khoải xao xuyến, những nỗi buồn nhân sinh trước sự hữu hạn của cuộc đời, trước sự trôi chảy của thời gian...

Thơ Trần Nhuận Minh càng về sau càng đậm ý vị triết học. Ông hay viết về những đề tài mang tính chất vĩnh cửu, những vấn đề muôn thuở của kiếp người: sự sống, cái chết, thiên nhiên, tình yêu, khát vọng sống... Con người ấy đã bước qua tuổi “tri thiên mệnh” sẽ tìm đến những đề tài thơ ấy và “Liệu có kiếp sau...” là một bài thơ tiêu biểu.

Nếu tâm hồn con người cần có một chỗ trú ngụ, một chốn bình yên thì bài thơ “Liệu có kiếp sau...” đưa ta đến cõi bình yên ấy, với thiên nhiên, gia đình, tình yêu và trên hết nó truyền sang cho độc giả những xao xuyến không nguôi về tình yêu cuộc đời. Đó là thành công của thi phẩm.

Hải Dương đầu Xuân

năm Bính Thân (2016)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét