Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Tìm nghiệm số cuộc đời là đến với tình yêu





Tìm nghiệm số cuộc đời là đến với tình yêu
(THỬ TÌM MIỀN NGHIỆM ĐA THỨC CỦA HÀ LINH)
  Đọc Đa thức, nhà xuất bản Hội nhà Văn, Hà Nội, 2008
                            
                                                          Vũ Nho
Trong những thông tin không nhiều mà tập Đa thức tiết lộ về Hà Linh, chúng ta biết anh có một người thầy dạy toán rất yêu văn:
          Ngày xưa Thày mắc toán vào thơ/đọc định lí bằng những câu lục bát/
          khắc lên bảng cả cầu vồng câu hát/ những đường cong cung bậc của tình yêu (Mai mối hoàng hôn).Và Hà Linh đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của người thầy đó, đã nhuần thấm tinh thần toán học giàu chất thơ văn đó “Phương trình bậc n thấm từ sách sang em”. Anh muốn thấy cuộc đời như một đa thức đa chiều, muốn lý giải số phận bằng cái nhìn toán học :
Áo khoác lên ta những mảng thiếu thừa/ cong với thẳng ghép may thành số phận ( Đa thức). Và đặc biệt là với tình yêu, một vấn đề mà bao nhiêu người đã cất công định nghĩa, tìm tòi, lí giải, Hà Linh cũng muốn nhìn nhận và giải quyết từ góc độ toán học đó. Đây là giả thiết của anh:
          Có thể buộc vào nhau hai nửa anh-em?/ không ngả rẽ, trắng đen, cong vênh, không nghiệm ảo/ không giao thừa, ngôn từ không cả thì quá khứ/ không bập bênh hai đầu/ không nghiệm riêng, miền trời riêng xa lạ/ không lở bồi hai phía dòng sông/ không/ không/ không …/không miền không xác định.
(Đa thức)
Không đưa câu trả lời, nhưng chúng ta biết câu trả lời là không thể. Thậm chí Hà Linh đi xa hơn, anh muốn có một tình yêu lí tưởng hơn, tuyệt đối hơn, thuần túy toán học hơn:
          Đa thức em –anh có thể rỗng ở nhiều chiều nhưng có nghiệm trong một không gian khác. Tình yêu là miền nghiệm khiêm tốn nhất chứa mọi đáp số cuộc đời. Mỗi lần anh đưa em tìm ẩn số là một lần gần nữa với tình yêu (Em).
 Tôi nhớ đến những người nổi tiếng nói về tình yêu vĩ đại. Phải chăng chính cái tính chất bí ẩn của nó, chính tình yêu nhiều ẩn số, mà con người chỉ tiệm cận chứ không thể khám phá hết làm cho tình yêu  hấp dẫn muôn đời?
          Và trong tình yêu  của mình, Hà Linh cũng muốn ít nhất, không giống với những mối tình thông thường, nó là một, là riêng của người coi tình yêu là đa thức, coi “ tìm nghiệm số cuộc đời là đến với tình yêu”:
          Anh- món quà em nhặt được giữa cuộc chơi không trả lại chấp nhận đau một bên hạnh phúc một bên.[…]
          Anh không dắt em qua tháng năm như cuộc viễn du chỉ lặng lẽ cuốn em trên dòng sông trí tuệ nâng em bằng sức đẩy của tình yêu (Em).
Người đọc, nhất là những ai yêu toán, sẽ  say sưa và thú vị vì tìm thấy ở thơ Hà Linh những cách giải thông minh, chặt chẽ  phương trình phức tạp của cuộc sống. Và cũng sẽ đồng cảm với anh trong những lời biện luận khi đi tìm nghiệm số cuộc đời, nghiệm số tình yêu:

          Ta đa thức trộn đen với trắng
          mỗi lần đảo chiều giết chết một thơ ngây
          - Đất thành núi cao để chết một bình minh
          sông ra biển giết chết mùa mưa ngọt
          không thể chọn thước đo thời đã khuất, chọn một người làm vỡ một miền quên.
          - Nhưng chọn đâu thiên đường?
          quên đâu hiện thực?
          đa thức một chiều – giết chết mọi đam mê.
Cuộc sống là như thế. Mỗi lần đảo chiều giết chết một thơ ngây. Biết vậy, nhưng con người sao có thể cứ mãi thơ ngây? Nên cứ phải đảo chiều. Biết là sẽ giết chết một bình minh, giết chết mùa mưa ngọt, nhưng núi không thể không cao, sông không thể không về biển. Và nếu đa thức không đảo chiều, không phải chịu tổn thất “ giết chết một thơ ngây”, thì còn tệ hại hơn rất nhiều lần:
          Đa thức một chiều – giết chết mọi đam mê
Không thể chọn hoàn toàn thiên đường mà quên hiện thực ( trần thế). Và cũng không thể chỉ toàn hiện thực ( trần thế) mà quên mất thiên đường. Tôi thích cách biện luận này của Hà Linh, và càng quý mến anh hơn khi thấy anh đã làm đúng theo tinh thần khoa học: không trả lời thay những bạn đọc thông minh, đáng kính của mình. Anh chỉ đưa ra hai câu hỏi ( Nhưng chọn đâu thiên đường? quên đâu hiện thực?) và một chân lí đã được toán học-cuộc đời kiểm chứng.
          Tập thơ Đa thức của Hà Linh đúng là một đa thức đa chiều, nhiều nghiệm. Không phải chỉ là  người yêu toán học với tư duy chặt chẽ, biện chứng, Hà Linh còn cho thấy anh là một người mơ mộng, đắm say. Không thấy những đường cong, đường thẳng, những công thức và định lí  của nhà khoa học đâu, chỉ thấy một người nhìn chiều trung du với con mắt thơ say đắm:
          Hoàng hôn say/lướt khướt chiều/ vịn mòn con dốc/ vịn xiêu vườn chè
                                                                                 (Chiều trung du)
Và đây, một chàng trai đã có nhiều “chuyến đi xa”, đã từng biết “Thu Stockhom cập kênh thu Hà Nội” ( Thu xa) nhưng vẫn ấp ủ trong lòng niềm ao ước bình dị :
          Giấu lòng một cánh cò bay/ đợi ngày chở nắng đổ đầy vai em
                             (Cánh cò chớp trắng)
Chàng trai mơ mộng ấy lơ ngơ, lúng túng như bao chàng trai trước cô gái mình yêu, trong một không gian lung linh của buổi đầu tiên hò hẹn:
giữa hai đứa là hương hoa sữa/ khúc xạ đêm Hà Nội ảo hình/ đổ sóng không gian gập ghềnh phố tối/ lệch thanh âm hụt hẫng lời muốn nói/ em thiên thần/ 
đóa đèn vàng ẩn vào lá thẫm xanh (Hoa sữa).
          Nhớ về Hà Nội, nhớ về người thương mến, Hà Linh thành một người lãng mạn  nhất trong những người lãng mạn. Họ đã làm những việc mà không ai có thể làm ( kể cả cái việc đào rồi biến sông chảy đến tận cùng nỗi nhớ thành suối nhỏ):
          Ngày đi xa anh khơi dòng sông chảy theo mình đến tận cùng nỗi nhớ em thành con suối nhỏ tải về anh chiếc lá biếc của riêng mình.[…].
          Em thêm long lanh sương rơi vào mong manh hương sữa thành Hà Nội để phố cũ phiêu diêu thành sóng ảo vỗ về anh giấc mộng xanh xao (Em).
Và trong niềm nhớ tiếc nỗi lạc của cuộc đời, tôi tin rằng nhiều người tìm thấy sự đồng điệu trong những cảm nhận Hà Linh:
          Tháng năm lạc vỡ thành tro/ nỗi chờ thành bọt lạc bờ rong rêu/ Gió lạc mùa/ nắng lạc chiều/ đời rơi giọt nước lạc vào biển đau (Lạc).
          Chúng ta còn được thấy một Hà Linh với những câu thơ gan ruột về bàn tay  không bị liệt của mẹ mình:
          Giờ mẹ liệt, cô đơn, chỉ bàn tay còn lại
          Chỉ còn bàn tay thay lời muốn nói
          Thay mắt nhìn con, thay nụ hôn, thay rưng rưng cả đời mỗi lần con chạy lại ( Bàn tay)
Một Hà Linh với những băn khoăn về  thế sự, cuộc đời:
          Những miếng ngày vá vào đêm vàng võ/ chiều mua sương/ trưa bán nắng/ sáng nụ cười nợ đọng/ những cái tên trượt giá vẫn còn mang
                                                                                   (Quán thời gian)
Và một Hà Linh thành “nhà ngoại cảm lặng câm” trước một góc phố đêm thế giới xoay chiều đảo cực:
          Cơn ngủ ngã vào đầu lũ trẻ đánh giầy/  xe rác cuối chiều liêu xiêu trong góc/  cuốc xe đêm cõng chân dài oằn oèo da tóc/ chuông chùa xa buông thõng dọc lối mòn (Phố đêm) .
          Như thế, có rất nhiều nghiệm trong Đa thức Hà Linh.
Với thi đàn, Hà Linh là một người mới hoàn toàn. Nhưng không phải thi sĩ nào mới xuất hiện cũng cho ta cảm giác mới. Thơ Hà Linh mới vì anh không bị ám ảnh bởi thơ của các thi sĩ đã làm. Anh tự tin, hồn nhiên bước vào thi đàn và trình ra những gì anh đam mê, trăn trở và suy ngẫm. Hầu như không có bài thơ nào cô đúc, ngắn gọn kiểu hai-cư, tứ tuyệt. Và trong cách dùng chữ, rút gọn các trường nghĩa,  mở rộng trường liên tưởng, sử dụng những câu thơ dài không ngắt,  phần lớn anh viết bằng một trí tuệ nhuần nhuyễn với tình cảm. Cứ như là tự nhiên phải thế. Điều đáng nói là bằng sự cố gắng của mình, Hà Linh muốn đem toán vào thơ, muốn người đọc thơ có cái nhìn toán học về cuộc đời, về tình yêu, và có cái nhìn toán học với chính thơ ca. Thơ ca không đơn nghĩa. Thơ ca không một chiều. Thơ ca không chỉ có nghiệm thực mà còn có nghiệm ảo. Thơ ca không chỉ có một nghiệm mà nó có cả một miền nghiệm. Đọc thơ cũng là một cách giải toán thơ, khai căn tâm hồn, khai căn cuộc sống. Chính điều này là một đóng góp vào sự cách tân thơ ca, đòi hỏi người  làm thơ và đọc thơ phải có một cái nhìn đổi mới.
                                                          Hà Nội, 8/5/2009



                            
                   

1 nhận xét:

  1. Trân trọng mời các vị khách của quán để lại lời nhận xét, cùng nhau trao đổi, học hỏi.
    Chủ trang.

    Trả lờiXóa