Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Lê Thiếu Nhơn bồi hồi dự phần, lắng nghe và trân trọng






Lê Thiếu Nhơn bồi hồi dự phần, lắng nghe và trân trọng

Đọc Thi ca nết đất, nhà xuất bản Thời đại, 2011

                             Vũ Nho

Từ lâu, tôi  coi Lê Thiếu Nhơn như một cây bút phê bình đáng đọc bởi sự  chừng mực, trí tuệ và tinh tế của anh. Hầu hết các bài viết trong tập, Lê Thiếu Nhơn đã công bố trên báo viết và báo mạng. Khi tập sách được loan tin phát hành, tôi đã đặt ngay tại Vinabook. Nhưng do trục trặc kĩ thuật, nên  việc mua không thành. Khắc phục được kĩ thuật thì lại được nhà sách thông báo hết. Vì vậy mãi cuối tháng năm mới mua được sách.
          Tôi đã đọc rất kĩ những bài viết của Lê Thiếu Nhơn. Bởi vì muốn viết  thì phải đọc kĩ, viết về một người làm việc cần mẫn, thận trọng như Lê Thiếu Nhơn lại càng phải đọc kĩ. Cũng cần phải thêm một tý là khi đọc lại  các bài viết của Lê Thiếu Nhơn  hứng thú  trong tôi hầu như không giảm.
          Phải khẳng định là tác giả của Thi ca nết đất đã làm việc rất cần cù và có trách nhiệm với những gương mặt thơ mà anh động bút. Chẳng hạn với Bùi Kim Anh, Lê Thiếu Nhơn “phấp phổng” rồi “vừa vội vàng, vừa nghiêm túc lật từng trang”. Với Yến Lan, anh “ngụp lặn với những câu thơ dài ngắn khác nhau”.  Với Nguyễn Thị Ánh Huỳnh thì “tẩn mẩn đọc liền mạch hơn 100 bài thơ”. Với Thái Thăng Long, anh thú nhận “ Tôi đã đọc đi đọc lại “Đồng hành thế kỉ” nhiều lần”. Lê Thiếu Nhơn còn “ kiên nhẫn tìm đọc toàn bộ thơ Trần Đăng Khoa”, bỏ ra “ hơn mười năm theo dõi hành trình sáng tác của Lê Xuân Đố”, “ nhiều lần giở đi giở lại “ Gió vẫn thổi về từ biển” của Lê Quang Trang, “ bỏ nhiều ngày, đi lòng vòng quanh hai cô gái đẹp có mỹ danh là Áo đỏ và Đợi” của Vũ Quần Phương… Một chỗ khác anh thú nhận : “ nhiều năm lọ mọ nghiền ngẫm hết thi tuyển này đến thi tuyển khác” ( trang 41).
          Có lẽ chính vì đọc kĩ như vậy, cộng thêm với những tư chất cần thiết của một người viết phê bình, Lê Thiếu Nhơn đã để lại những dấu ấn và đóng góp nhất định trên những trang viết. Hai mươi lăm gương mặt thơ Việt Nam hiện đại không phải là xa lạ đối với công chúng. Có những nhà thơ đã quá nổi tiếng từ lâu như Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Duy,… và những nhà thơ khác thì cũng đã được nhiều nhà phê bình bàn thảo. Tuy vậy, Lê Thiếu Nhơn vẫn có một góc nhìn, một cách cảm và những phát hiện ít nhiều so với đồng nghiệp. Một vài trong những tìm tòi của Lê Thiếu Nhơn có thể chưa thật trúng, đôi ba những phát hiện của Lê Thiếu Nhơn có thể chưa thật chính xác,  thảng hoặc những kết luận của Lê Thiếu Nhơn có khi còn khắt khe và chưa thật công bằng,…Nhưng phải ghi nhận cố gắng tìm tòi, phát hiện, và những kết luận mà Lê Thiếu Nhơn đã trình làng. Và cần khẳng định rằng nhiều điều  trong số đó đã  làm nên sự gợi mở và cuốn hút, thuyết phục người đọc.
          Với mỗi tác giả, dù là nổi danh hay chỉ mới đang chập chững chặng đầu của con đường sáng tạo dài dằng dặc, Lê Thiếu Nhơn đều trân trọng, nâng niu. Người viết cố gắng tìm trong những ngổn ngang chữ nghĩa, tâm trạng để chắt ra những nét riêng, những đóng góp khác biệt  và cả chỗ mạnh, yếu của từng người. Chẳng hạn với Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, anh nêu đặc điểm “ trọng ý chứ không phải trọng lời”, còn với nhà thơ lão thành Hoàng Yến, anh nhận định “vẻ đẹp của thơ ông nằm ở sự tự vấn”. Thái Thăng Long thì thơ “mạnh ở nhạc tính và những ý niệm thế sự”. Ưu điểm của thơ Hoàng Việt Hằng “nằm ở sự chân thành, chân thành quan sát, chân thành gánh vác và chân thành dày vò”. Thảo Phương thì “ nỗi xao xác ngưng tụ bởi ba trạng thái : dấn thân, bịn rịn và hụt hẫng”.  Quan sát thơ của Nguyên Sa ở giai đoạn cuối, anh chứng minh “những bài thơ sau chót của Nguyên Sa hầu như không dành cho âm nhạc, chỉ dành cho những chột dạ”. Với Vũ Quần Phương thì “ Cái tài của Vũ Quần Phương là có thể dùng những chi tiết rất cũ, hình ảnh rất cũ để tạo thành những câu thơ mới”. Làm công việc thống kê không phải là thích thú, và chắc cũng sẽ làm mệt bạn đọc, nhưng tôi thấy chưa thật an tâm, nếu không tiếp tục  trưng ra những ví dụ về sự cố gắng tìm tòi của Lê Thiếu Nhơn khi viết về mỗi nhà thơ.  Thơ Phạm Sỹ Sáu có thế mạnh ở khẩu khí…” và “ hầu hết thơ Phạm Sỹ Sáu đều có đặc tính càng dài càng thú vị”.  Về thơ của Trương Nam Hương “ Thơ anh trong trẻo không lấm chút bụi đường. Thơ anh trang nhã không vương chút xô lệch”. Thơ Trang Thanh “ những câu ngăn ngắn vồi vội thì hay, mà những câu dông dài đắm đuối thì nhạt”. Còn Nguyễn Duy thì “ Thế mạnh của Nguyễn Duy nằm ở sự nhận diện nhanh nhạy và khái quát sắc sảo”.   Phùng Khắc Bắc “ mạnh về suy tưởng mà không mạnh về chất thơ”; “ Phùng Khắc Bắc không chọn góc nhìn làm nên lịch sử, cũng không chọn góc nhìn chịu đựng lịch sử. Phùng Khắc Bắc chọn góc nhìn gánh vác lịch sử”…

          Tôi nghĩ rằng nguyên sự cần mẫn, lọ mọ đọc rồi ngẫm ngợi, tìm ra những nét riêng của mỗi nhà thơ đã là một sự công phu rất đáng biểu dương. Càng đáng biểu dương hơn nữa là Lê Thiếu Nhơn không mấy khi đưa ra nhận định suông. Bao giờ kèm những nhận định, đánh giá, Lê Thiếu Nhơn cũng đưa ra các dẫn chứng, phân tích. Và trong hầu hết các trường hợp, những  chứng minh, phân tích của Lê Thiếu Nhơn dễ được người đọc đồng tình. Sở dĩ như vậy, theo tôi có một lí do hết sức căn bản, đó là sự chân thành của Lê Thiếu Nhơn. Các nhà thơ mà anh coi là đối tượng tìm hiểu bao giờ cũng được anh trân trọng “ tôi chào đón 25 gương mặt như một sự tao ngộ hữu duyên”. Tuy nhiên, nói như vậy là chưa đủ. Bên cạnh sự trân trọng, bản thân Lê Thiếu Nhơn cũng là một cây bút thơ, anh thấu hiểu những trăn trở, băn khoăn và cả nỗi nhọc nhằn của người cầm bút. Và sau hết, Lê Thiếu Nhơn có cảm nhận tinh tế và diễn đạt uyển chuyển của một ngòi bút phê bình. Chính những yếu tố đó đã làm cho những trang viết của Lê Thiếu Nhơn lấp lánh, hấp dẫn và lôi cuốn.
          Lê Thiếu Nhơn có lí khi viết rằng : “ phê bình thơ không hoàn toàn mang tính khen chê”. Nhưng dù là không hoàn toàn như thế, thì khen chê trong phê bình là không thể tránh được. Dù có chủ tâm cố ý né tránh thì cũng không một ai thoát được khen chê. Trừ phi đó là những bài viết vô thưởng vô phạt. Tôi vẫn theo đuổi một quan niệm từ khi bắt đầu cầm bút chập chững bước vào phê bình thi ca rằng người viết ít nhất cũng phải chọn ra được những câu thơ hay nhất của tập thơ, của tác giả để biểu dương, ca ngợi. Một bài phê bình thơ mà chỉ nói chung chung hoặc tệ hơn, chỉ nêu ra và biểu dương các câu thơ trung bình, không tiêu biểu thì là một bài phê bình thất bại.Và thật thú vị khi tôi thấy Lê Thiếu Nhơn thể hiện giống như sự mường tượng của mình. Hầu hết các câu thơ Lê Thiếu Nhơn chắt chiu của mỗi gương mặt, đều là những câu thơ hay, ấn tượng của mỗi người. Và Lê Thiếu Nhơn  không ít lần tự tin và quả quyết khẳng định những câu tài hoa, những bài thơ hay nhất của người anh đang viết. Chẳng khó khăn gì, có thể dẫn ra bài thơ “ Mắt mẹ rợn da trời” “vững vàng một cấu tứ độc lập” của Lãng Thanh,  bài thơ “Lần đầu tiên” “đóng dấu chất lượng “thương hiệu” Lò Ngân Sủn”, bài thơ “ Đỉnh núi” “  một điểm nhô lên giữa những mô, những gò, những đồi của thơ Trần Đăng Khoa thời vất vả làm người lớn”, bài thơ “ Chuyện vãn cùng hoa” của Lê Văn Ngăn. Đôi lúc cao hứng lên, Lê Thiếu Nhơn còn quả quyết tuyên bố xanh rờn : “ Bốn cái nhìn tinh tế thực sự làm nên bài thơ “Ra đi”, bài thơ “Ra đi” thực sự làm nên tập thơ “ Một chấm xanh”, tập thơ “Một chấm xanh” thực sự làm nên nhà thơ Phùng Khắc Bắc”.       
          Khen đã vậy. Lê Thiếu Nhơn cũng khá thẳng thắn trong việc chê. Khen chê đều khó như nhau. Nhưng theo tôi thì chê vẫn khó hơn một bậc. Bởi vì chê đúng đã là khó, nhưng chê như thế nào để người được (bị) chê  cảm thấy lọt tai lại càng khó hơn. Lê Thiếu Nhơn khá thẳng thắn, và cũng không kém phần khéo léo khi chê. Viết về Lò Ngân Sủn, Lê Thiếu Nhơn khẳng định  “phương pháp quy nạp chiêm nghiệm” của nhà thơ, đồng thời chê  nhẹ nhàng “ Những chiêm nghiệm rời rạc đưa vào thơ thì thường đơn điệu và hơi nhiều lời”. Viết về một nhà thơ nữ trẻ, Lê Thiếu Nhơn chân tình “ Tôi e ngại cái tạng của chị không hợp với những lập ngôn gân guốc”. Về một nhà thơ nữ khác : “ Đáng tiếc, trò chơi ngôn ngữ của chị càng cầu kì, càng nao núng”. Với nhà thơ Lê Văn Ngăn thì “ không ít bài thơ của ông phải khuân vác bao nhiêu chữ nghĩa mang hương vị của thi ca chứ không phải câu thơ như mong muốn”. Với nhà thơ Vũ Quần Phương, mặc dù không giấu sự ngưỡng mộ, nhưng Lê Thiếu Nhơn vẫn chỉ ra những chỗ vừa mạnh vừa chưa mạnh của bậc trưởng thượng. “ Ông luôn thể hiện năng lực bác sĩ trong nghề thơ, ông tự bắt mạch cho cảm xúc của mình, rồi ông tự chữa bệnh cho chữ nghĩa của mình. Vì ông nghĩ nhiều quá, khiến nhiều hình tượng cứ khô cong lại”. Tôi đoan chắc nhà thơ Vũ Quần Phương cũng phải bật cười trước sự ví von này : “ Nếu mỗi bài thơ là một cô gái, thì cô gái của Vũ Quần Phương thường có lông mày đẹp hay nụ cười xinh, mà lại luôn đội nón xụp hoặc đeo khẩu trang. Tội nghiệp cho người nào mà nặng lòng với cô gái kia”. Với thơ Nguyễn Duy, thơ Trần Đăng Khoa, Lê Thiếu Nhơn có những phân tích kĩ lưỡng và có những khen chê cũng khá rõ ràng. Tôi rất khâm phục sự  mạnh dạn, thẳng thắn và sòng phẳng của người viết. Nhưng tôi  vẫn băn khoăn rằng  đánh giá “Cuộc “Đi đánh thần hạnkhông thành công”, và trường ca “ Khúc hát người anh hùngchỉ còn lại bùi ngùi hai câu ấm áp lòng người” như thế liệu đã  chính xác và  có quá  chặt chẽ hay không? Những nhận xét về thơ Nguyễn Duy  đành rằng có nhiều điểm đúng, nhưng về tổng thể  cũng chưa đánh giá đầy đủ những  nét tài hoa cùng với những đóng góp của Nguyễn Duy. Và ấn tượng của tôi  hình như  bữa ấy sự rộng lượng đi vắng mà chỉ còn khe khắt ở nhà.
          Các tên gọi của bài viết Lê Thiếu Nhơn đặt khá ấn tượng và giàu chất thơ, giàu sức gợi. Phải nói là tôi rất nể cách đặt tên như vậy. Nhưng quả thật, tôi  không thông lắm với  trường hợp Thái Thăng Long.  Tác giả đặt tít: “ Thái Thăng Long yêu một nửa, ghét cũng dành một nửa”. Đó là câu thơ của nhà thơ viết về  tâm trạng khi nhìn “cái mặt của mình”. Nhưng nếu là thơ  nói chung  thì cái tỉ lệ 50 phần trăm yêu ghét như thế là vô nghĩa. Bởi vì yêu ghét trăm phần, ghét yêu tột độ, có khi thơ cũng chả…ra gì nữa là. Vậy thì có nên lấy cái câu thơ viết về khoảnh khắc nhìn mặt mình mà đặt cho cả đời thơ Thái Thăng Long? Tôi cũng không rõ lắm sự lảo đảo ngược dòng thi ca của Trần Đăng Khoa. Nhà thơ họ Trần khi lảo đảo thì là thi sĩ, còn khi nghiêm ngắn thì là “cán bộ chân chính”. Nhưng tại sao lại “ngược dòng thi ca”? Trần Đăng Khoa xuôi dòng và hòa nhập chung vào dòng chảy thi ca bằng dáng đi “lảo đảo” mới đúng chớ? Sợ rằng xuôi dòng không ấn tượng mấy nên đặt ngược dòng chăng?
          Có thể còn có những điều  khác cần trao đổi, bàn bạc thêm với tác giả, nhưng phải chân thành mà nói rằng lâu rồi, tôi mới đọc một một ấn phẩm  phê bình thú vị và hấp dẫn như Thi ca nết đất. Việc gõ bản phím viết ra những chia sẻ này cũng là một cách bày tỏ sự mến yêu, trân trọng của riêng mình.
                                     
                                                          Hà Nội, tháng 6 năm 2011

2 nhận xét:

  1. Rất thú vị lời binh: “là một điểm nhô lên giữa những mô, những gò, những đồi của thơ Trần Đăng Khoa thời vất vả làm người lớn”
    .
    Khoa ơi là Khoa, làm người đương thời khổ hỉ!

    Trả lờiXóa
  2. Đấy là lời của Lê Thiếu Nhơn ! Cám ơn bác đã đọc và sẻ chia! Riêng chú Khoa thần đồng thì...chả biết là Khổ hay sướng. Cái gì cũng có hai mặt mà! Khà khà khà...

    Trả lờiXóa