Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

CÂY TRÈM







CÂY  TRÈM
(Tản văn)
ĐƯỜNG VĂN
         
          Một sáng chủ nhật đẹp trời, ông bạn vong niên Hà Nguyên thôn Đông nhắn tin điện thoại, mời đến thưởng thức cà phê mới. Bên tách cà phê chồn, đen (đứa cháu từ Đà Lạt gửi biếu) đặc sánh, nóng hổi, tỏa hương thơm ngào ngạt, tôi lắng nghe ông Trèm học thời nay của làng phê bình mấy bài tản văn tôi mới viết.
          - Viết về những đặc sản văn hóa làng Trèm ta như chú đã viết, cứ ý tôi thì hãy còn sơ sài, thiếu sót lắm! Mấy bài Lễ hội Đình, ao, cổng, đường… đều cần bổ khuyết một số chi tiết, sự việc chưa chính xác. Chẳng hạn như…
          Tôi lập tức giở giấy bút, chăm chú ghi chép những lời chỉ bảo vàng ngọc của ông anh hiểu nhiều biết rộng. Thấy tôi chân thành học hỏi, cầu tiến, ông Hà càng nói càng sôi nổi, đầy tâm huyết:
-         Nói đến Hồn Trèm, không thể bỏ qua Điếm Trèm. Chú có biết tổng cộng làng ta có bao nhiêu ngôi điếm không?
-         Em chịu!
-         Ấy đấy! Lứa tuổi chú thì đã làm sao tường tận được chuyện này! Để tôi kể chú nghe…
          Chiêu ngụm cà phê, hít một hơi thật sâu thuốc lá cũng tẩm cà phê, ngửa mặt thở khói một cách khoan thai, Nguyên Tử lại tiếp tục một hồi cho tôi hay nhiều chuyện mới lạ, kỳ thú về điếm làng Thụy Phương xưa. Lúc sau, để tận dụng thời gian, tôi chuyển đề tài:
-         Theo anh, nếu viết về cây làng mình thì sao?
Hà Nguyên thoáng cau mày, nhưng lại gật gù ngay:
-         Nói một cách khách quan thì cây cối làng Trèm xưa nay không có gì thật đặc sắc, đặc biệt nổi bật so với các làng chung quanh. Như cây gạo Phú Xá đón Bác Hồ về Hà Nội, ghé qua, ở tạm Phú Thượng 1, 2 ngày cuối tháng 8 – 1945; cây đa Bỏi bờ bên kia Nhĩ Hà, từ bên mình trông sang vẫn thấy mờ xanh; cây đa Giàn, trùm bóng khắp cái gò to sang cả những mảnh ruộng liền kề; cây đa Cổ Loa mối xông, mọt đục gốc, thân thành cái hốc lớn. Dân chạ Chủ lập am thờ công chuá Mỵ Châu; cây hoàng lan cổ thụ Trường Vẽ che mát bao nhiêu thế hệ học trò… Phải! Cây cối làng ta xưa nay chưa có lão thụ, quý mộc nào tầm cỡ như thế!... Nhưng, nếu tìm hiểu kỹ, cũng có thể viết thành một bài tản văn không đến nỗi gầy guộc đâu! Vậy chú có biết gì về cây đa cỗi chùa Trèm? Cây vóc đình Trèm? Cây gạo Cầu Sông? Cây muỗm vườn cụ Mạch? Cây dừa vườn cụ Quát?? Về lũy tre Thụy Phương?...
     Thực ra, tôi có thể trả lời gần hết mấy câu hỏi dồn liền có vẻ truy bài ấy, nhưng lại cứ lắc đầu ngồi im, để khơi nguồn những câu chuyện cây, chuyện người làng Trèm xưa được ông anh ngoại thất thập hào hứng kể lại …
     Để câu chuyện đỡ đi cái tính độc thoại đơn điệu, thi thoảng tôi lại chêm vào 1, 2 câu hỏi nhỏ khêu gợi hay chuyển hướng.

-         Có lẽ đau, tiếc nhất, với tôi (HN) là sự kiện sét đánh đổ cây đa cỗi trước cổng chùa Hàm Long! Câu tục ngữ Việt: Cây đa, bến nước, sân đình (chùa) đã nêu 3 cảnh quan tiêu biểu và đặc trưng cho tính cộng đồng làng Việt, của nông thôn Việt Nam là hết sức đúng đắn, sâu sắc. Lão đa cổ thụ có từ đời nào, không chỉ lứa tuổi chúng tôi, mà kể cả thế hệ ông, cha tôi lớn lên đã thấy sừng sững bên bờ giếng đất (mắt rồng), trước cổng chùa rồi. Nghe ông nội kể lại, hồi chưa bị lưỡi tầm sét của Thiên Lôi phạt ngọn vào một đêm mưa bão, gió giật đùng đùng, sấm sét liên hồi kỳ trận, cây đa ấy vốn cao lắm, cao lắm! Đứng trên Cầu Sông mà vẫn phải ngước lên nhìn mãi chưa tới đỉnh vòm lá sum suê. Rễ chùm, rễ phụ lòng thòng, quấn quýt. Rễ to, rễ vừa cắm xuống đất như những thân đa khác nhỏ hơn. Có đến vài mươi thân đa - rễ đa như thế châu tuần quanh thân chính. Nét đặc biệt nữa, là quanh gốc đa, và lưng lửng thân đa, các cụ  treo lủng lẳng những chiếc bình vôi (bình đựng vôi để ăn trầu bằng sứ hoặc sành nung) sù sì, xám mốc bụi thời gian. Một bàn thờ thần nho nhỏ được ai đó, tự bao giờ, thiết lập ngay sát gốc đa, không mấy khi không nghi ngút hương đèn. Thần cây đa, ma cây gạo, cú, cáo cây đề. Nhưng lạ một điều là cây đa cổng chùa này to cao, hùng vĩ và già cả thế, hẳn Thần Đa thiêng lắm! Các cụ già trong làng có việc đi qua đây, nếu không có việc thật gấp vội, đều dừng lại, đến trước ban thờ, vái mấy vái cực kỳ kính cẩn. Còn lũ trẻ con làng thì thích chơi nghịch quanh gốc đa, bám rễ, trèo lên tận cành cao vót, phá tổ chim, lấy trứng, chơi nú tìm, không chỉ giữa trưa nắng chang chang mà cả những đêm trăng sáng, trăng mờ, chỉ thấy thích thú, tự  do chứ không hề bận tâm đến thần ma chi hết!
          Bên cạnh gốc đa cỗi, sát cổng chùa, cụ Vụng xóm Đông Trù dựng 1 quán nước tranh tre xinh xắn. Cụ chủ quán lọng khọng lưng còng, đon đả mời khách – hầu hết là con cháu trong làng đi làm đồng về, rẽ vào giải khát bằng bát nước chè xanh, bát nước vối hoặc chén hạt mít rượu tăm, ăn điếu thuốc lào Tiên Lãng chính hiệu, hút điếu thuốc lá cuộn vàng thơm…cho ráo mồ hôi, đỡ cơn mệt nhọc bởi công việc nhà nông vất vả dưới đồng suốt từ tinh mơ mờ đất đến giờ. Đói nữa thì tạm lót dạ bằng quả chuối tây, chuối tiêu trứng cuốc ngọt lừ, vài cái kẹo bột, kẹo vừng, kẹo lạc, bánh đa ròn tan, bùi ngậy hoặc tấm bánh dày, bánh chưng, bánh nếp, bánh tẻ … lúc nào cũng sẵn bày trên mặt chõng tre lên nước, mặt nan bóng như sừng. Thế là dưới bóng đa xanh, bên cổng chùa cổ kính, trước làn nước long lanh giếng làng, nhiều khi rôm rả, râm ran bao nhiêu là chuyện mùa màng, làng xóm buồn vui, cởi mở, chia sẻ, cảm thông, nghĩa tình ấm cúng giữa cụ quán và bà con nông dân làng Trèm.
          Vậy mà, thế gian biến đổi khó lường! Lại một đêm mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đoàng. Cây đa cỗi rung rinh, lay lắc mạnh, sau một tia chớp lóe xanh lè, một tiếng nổ khủng khiếp, bất thần bật gốc, đổ ầm, vắt ngang lòng giếng đất. Thân, cành, lá xã xượi, run rẩy, đau đớn trong cơn hấp hối, đành cam phận hứng chịu cơn giận dữ vô cớ của Trời.
          Làng Trèm buồn nhớ lão đa cố tri, ngẩn ngơ như có đại tang chung dễ đến mấy năm trời. Riêng tôi, thì không sao quên được! Mỗi lần đi qua đường chùa, cổng chùa, nhìn cảnh giếng chùa biến thành ao đấu, rồi bị lấp bằng; chỉ còn ao chùa tù đọng, nước vẩn xanh ngầu, quán cụ Vụng cũng giỡ bỏ từ năm nảo năm nào, thay vào đó là đoạn tường bao cao nghệu, 1 cột điện bê tông ghép đôi án ngữ, che kín một vế câu đối cổng chùa!? Nơi đồng Trèm thênh thoáng trước cổng chùa nay là khu định cư của xóm Tân Lập. 2 ngôi mộ cụ Sãi họ tôi cũng bị vây bao bởi các nhà dân chung quanh rồi!…Tôi bỗng muốn ngâm lại 2 câu thơ nặng mùi hoài cựu:
Đâu cây đa cỗi bên chùa vắng?
Nhớ cảnh ao bèo gió lạnh sang!
          Khoảng trên dưới hai chục năm lại nay, làng Trèm ta mới gây trồng lại được 2 cây đa mới. 1 cây ở bên phải Gảnh Đình, một cây ở giữa nghĩa trang xã Thụy Phương. Đa là giống cây cực khỏe, dễ tính lại gặp đất tốt, nên lớn rất nhanh. Bây giờ cả hai cũng đã có dáng dấp cổ thụ với bộ rễ xùm xòa, tán xòe rộng. Cây thì che mát cả một nửa Gảnh Đình. Cây thì cùng với cây hương Thổ địa, che chở hàng trăm ngôi mộ chung quanh. Nhưng tán lá xanh mỡ, thân đa nhẵn nhụi màu nâu sáng đã tự khai rằng còn phải nhiều chục năm nữa nhị đa này mới xứng danh cổ thụ của làng.
     - Thế còn cây gạo Cầu Sông?
          - À, cây gạo Cầu Sông cũng bị đổ (hay bị chặt bỏ để bảo vệ sự an toàn cho cầu – cống?!) đã từ lâu. Chao ôi! Cây gạo cao vời ngự ngay trên đỉnh dốc lên cầu phía bờ nam sông Đào – sông Nhuệ. Nhìn từ dưới đồng lên, từ dưới đê làng Vẽ, Nhật Tảo nhìn lên, thấy đẹp như một ngọn cờ xanh hòa bình lớn, với muôn ngàn lá bồ câu nhỏ xíu tung bay phần phật trong gió ngày đêm, như ngọn hải đăng trên biển báo hiệu khách bộ hành, thủy hành, rằng đã tới hoặc đã qua địa phận làng Trèm - xã Thụy Phương. Cây gạo Cầu Sông cùng với cây gạo Cầu Đồ, cây gạo Cầu Gạo, cây gạo cổng chùa sau này (cũng bị bão quật đổ!) có thể hợp thành hàng gạo một thời liệt oanh của làng Trèm ta ấy chứ! Cuối xuân, đầu hè, khoảng tháng 3 – 4, chiều mát, thỉnh thoảng dõi mắt xem con bò sừng cán bèo, mình hổ đang gậm cỏ phía nào, tựa lưng vào thành tường hậu Cầu Đồ, dim mắt ngắm trời chiều xanh ngát bỗng thấy phơi phới ngang qua những bông gạo bay trắng nõn trắng nà. Cả cây gạo cơ hồ như được ai thắp trăm ngàn ngọn nến nhỏ hồng rực, lung linh. Rút cây sáo tre thổi 1 khúc Lý hoài nam, hay Trên đường chiến thắng, cố học mót cách đánh lưỡi, rung lưỡi của cụ Phan, ông Thìn*. Tiếng sáo trong vắt, véo von, thập thững bay khắp đồng chiều mênh mang. Thấy mình cứ nên mãi mãi là chú bé mục đồng chăn bò cho bố mẹ.
          - Thế vườn đình Trèm ta không có cây nào đáng nể hay sao? Tôi lại hỏi, xoay hướng câu chuyện.
          - Đình ta có dãy cây vải vườn sau và cây vóc ở góc trái sân trước là đáng chú ý. Mua hoa nở rộ: hoa vóc, hoa vải vàng rực, trắng muốt tỏa thơm quyện hòa với mùi hương cúng lễ làm bầu không khí đình trung lâng lâng, thanh khiết, vô cùng dễ chịu. Mùa quả chín thì khắp trong đình, ngoài đình ríu ran tiếng tu hú trên cành cao, cành thấp, cành bổng, cành la. Loài chim đặc biệt nghiện vị ngọt thanh vải chín không biết từ đâu, từng đàn chia nhau đậu trong những vòm lá xanh, quả đỏ, vừa mổ, rỉa thịt múi, hút nước vải ngọt lừ vừa kêu vang khắc khoải trong sung sướng, vì được thưởng thức lộc trời ban. Vườn sau đình cũng có cây muỗm cổ thụ, nhưng theo tôi, thiêng nhất có lẽ vẫn là cây muỗm đại trong vườn trước nhà cụ Mạch xóm Dốc Bạc, thôn Đình.
          Cây muỗm hàng trăm năm tuổi, ngọn cao chót vót như chọc trời, bên cạnh là một ngôi miếu nhỏ, nghe nói rất thiêng. Tôi vẫn nhớ như in buổi lễ tạ của gia đình bà ngoại tôi tại miếu ấy do cụ Tư Bói chủ lễ. Tấm màn cửa miếu được vén cao. Ban thờ khói hương nghi ngút, đèn nến sáng choang. Cụ chủ lễ khăn lượt, áo the thâm, quỳ trước, cả nhà, từ gia chủ đến con cháu, lần lượt quỳ sau. Cụ Tư khấn, lễ, hưng, bái một hồi, lại nhúng cành lá muỗm vào bát nước bể, hua hua mấy vòng rồi vẩy ra tứ phía, miệng hú hú những tiếng rợn người. Mọi người quỳ rạp, khấu đầu, lầm rầm theo: A di đà Phật! Trong tưởng tượng ngây thơ của đứa trẻ lên 10 hồi đó: Hình như các vị Thánh Thần từ trên trời cao sẽ hạ giới, dừng nghỉ trên ngọn muỗm, rồi bay tới ban thờ, nhận lễ cầu và phù hộ, độ trì cho bà ngoại, cậu mợ, chú dì, bố mẹ và anh em chúng tôi. Một chiếc lá muỗm héo vàng, rụng vèo trước mặt thầy cúng. Nhưng cụ già nhận ra ngay bằng đôi tai cực thính của người khiếm thị. Đón chiếc lá rơi, cụ nhúng nhẹ vào bát nước rồi lại vẩy liên tiếp lên đầu chúng tôi, sịt soạt: - Lạy Thánh phù hộ! Lạy Thánh mớ bái! Cầu Ngài gia ơn phù hộ gia đình chúng con!
          Trên cao hương mùi hoa muỗm thoang thoảng, cánh lá khẽ lay rì rào, rì rào…
          - Nhưng thôi, chuyện đã có vẻ hơi dài, để kết thúc, tôi kể chú nghe mấy câu về lũy tre làng Trèm ta, nên chăng?
          - Nên quá! Nhưng xin hỏi ông anh 1 câu đã.
          - ?
          - Vì sao anh lại viết bài thất ngôn tứ tuyệt Tre làng như vầy:
Cả làng còn một búi tre còm,
Bên nhà, giáo Bối đứng lom khom.
Chiều chiều, nắng tắt, chim về tổ,
Gieo nặng lòng ai một nỗi buồn?!
          Hà Nguyên xuống giọng trầm, chậm hẳn như không hoàn toàn trò chuyện với tôi mà anh đang tâm sự với chính mình:
          - Tâm trạng ấy, nói thật với chú, vẫn cứ đeo đẳng trong tôi đến tận hôm nay và chưa biết tới bao giời mới hết. Có lẽ đến tận khi héo sữa, ra Gò Cao hay đợi ngày sang tiểu chăng? Bởi vì, cảnh cây Trèm, tre Trèm vẫn đúng như 2 câu đầu bài thơ tôi tả. Mặc dù tết trông cây nào trong nhiều năm lại nay, các vị lãnh đạo xã cũng phát động rất rầm rộ. Và kết quả cũng kha khá. Chẳng hạn như rặng tre xanh mướt đang vươn mạnh liền một dải từ Cầu Sông cho tới Gảnh đình. Nhưng dù sao đó vẫn là phía ngoài, biên cương của làng. Làm sao khôi phục được lũy tre bắt đầu từ bờ ao Sen, sát vườn nhà cụ Tạc, cụ Trù, ông Sứ, kéo qua vườn nhà ông Vần, ông Chuyển, vòng qua ao cụ Quát, ao ông Cảnh, qua nhà cụ Thu, ông Yên, cụ Thỉnh, ông Bối, ông Tuyên, cụ Bông… áp sát đường Chùa? Rồi một dải lũy tre chen khít, rậm rịt áp sát thân đê từ chùa Hàm Long qua các nhà ông Đàn, ông Đạo… vòng xuôi tận dốc Ngõ Đồng?!
          Thuở ấy làng Trèm đúng là làng tôi xanh bóng tre (Văn Cao), chiều chiều tiếng chuông chùa ngân nga, êm ả, thanh bình. Lũy tre, cổng làng, hệ thống điếm canh là đặc trưng tiêu biểu thứ hai của làng quê Việt: tính tự trị khép kín (đối lập mà thống nhất với tính cộng đồng). Mặt trái của đặc tính này đã rõ. Nhưng mặt phải của nó cũng cần được ghi nhận đúng mức. Làng Trèm trong nửa đầu thế kỷ 20 nổi tiếng là làng thượng võ, làng dám chống cướp, đánh cướp và thắng cướp, ít nhất là 3 trận ròn rã. Mà một trong những nguyên nhân quan trọng là nhờ sự kín đáo, vững chắc của những lũy tre làng, những chiếc cống làng kiên cố, vững chắc tựa pháo đài đã khiến nội bất xuất (nếu không muốn) ngoại bất nhập (muốn cũng chẳng được!).
          Lũy tre làng bị chặt bỏ, đánh tận gốc hầu hết, thay bằng tường bao chôn cọc sắt, chăng dây thép gai, hoặc căm mảnh chai nhọn hoắt. Có cái gì nhang nhác như tường quanh trại giam, ấp chiến lược ở miền Nam những năm chưa giải phóng.
          Lũy tre, rặng tre làng đu đưa kẽo kẹt trong những trưa hè nắng lửa. Đang từ ngoài đồng hừng hực nắng, vừa bước qua cổng làng, bàn chân trần đi trên con đường gạch đỏ lát nghiêng, dưới vòm lá tre mát rười rượi mới thấy cái hạnh phúc được ở làng quê lên đến ngần nào. Mắc võng dưới bụi tre ngà, phe phẩy cái quạt nan hay quạt thước, nghe gù gù con chim gáy béo nung núc thấp thoáng trên ngọn, thiếp ngủ lúc nào không hay…
          Dưới bụi tre rậm rịt, tua tủa gai ở góc vườn, bờ ao xóm Đông Quan thượng, có ai ngờ lại được đào thành căn hầm bí mật bao năm gia đình quần chúng nuôi giấu cán bộ về hoạt động bí mật, gây cơ sở ở làng tề tạm bị chiếm. Chỉ đến 1 buổi chiều đông năm 1951, vì có tên phản bội khai báo, bọn Pháp và lũ lính ngụy bất ngờ mở cuộc càn dữ dội vào làng, dùng thuốn nhọn xăm đúng cửa hầm. Kiên quyết không chịu rơi vào tay giặc, 3 đồng chí cán bộ, chiến sỹ anh dũng ấy đã tung lựu đạn, bật cửa hầm, quyết tử cho kháng chiến thành công. Đó là ông Chu, ông Hỗ và bà Hoài – những liệt sỹ anh hùng làm vẻ vang truyền thống anh hùng của làng Trèm bất khuất.
          Cây Trèm hôm nay trong vườn một số gia đình chỉ còn một ít hồng xiêm nhân giống từ làng Giàn, làng Cáo (Xuân Đỉnh) từ đầu những năm 60, trải hơn nửa thế kỷ, cũng già cỗi, thoái hóa. Một ít hàng cau cao, cau vua, cau lùn lổm nhổm, lưa thưa. Bao nhiêu rào ruối ta quả vàng, ruối ôrô lá cứng có gai, rào găng, dâm bụt cũng cứ lập lòe đơm bông,… thảy đều biến mất, để thay bằng tường hoa, tường bao các kiểu …
          Nói tóm lại, tuy chưa đến nỗi cả làng thành một khối bê tông! nhưng từ lâu đã không thể nói đó là làng Trèm xanh như những năm nảo năm nào…
          Bao giờ làng Trèm xanh trở lại?
          Trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa ào ạt, mạnh mẽ như hiện nay, câu hỏi nhức nhối, da diết ấy, vẫn chỉ là một câu hỏi buông, câu hỏi lửng, chưa tìm thấy lời đáp.
          Hà Nguyên nhìn tôi, như muốn tìm câu trả lời. Tôi cũng lặng nhìn anh, với cái nhìn đồng cảm. Chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau, rồi cùng nhìn ra ngoài đường. Nắng lấp lóa trên con đường thôn lát bê tông và hai dãy tường rào đối diện, hình như cũng nhìn nhau câm lặng…Ngõ vào hồi lửng sáng vắng hoe, tịnh không một bóng cây xanh!?...

 9 – 5 – 2013  ĐV

1 nhận xét:

  1. Lũy tre, rặng tre làng đu đưa kẽo kẹt trong những trưa hè nắng lửa. Đang từ ngoài đồng hừng hực nắng, vừa bước qua cổng làng, bàn chân trần đi trên con đường gạch đỏ lát nghiêng, dưới vòm lá tre mát rười rượi mới thấy cái hạnh phúc được ở làng quê lên đến ngần nào. Mắc võng dưới bụi tre ngà, phe phẩy cái quạt nan hay quạt thước, nghe gù gù con chim gáy béo nung núc thấp thoáng trên ngọn, thiếp ngủ lúc nào không hay…

    Trả lờiXóa