Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

KHI NHÀ THƠ VIẾT TIỂU LUẬN PHÊ BÌNH








KHI NHÀ THƠ VIẾT TIỂU LUẬN PHÊ BÌNH
Đọc tập tiểu luận phê bình Lí do của hy vọng, Hữu Thỉnh,
nhà xuất bản Hội nhà văn 2010

                                       Vũ Nho

Lí do của hy vọng là tập tiểu luận phê bình  dày dặn của nhà thơ Hữu Thỉnh.  Nhà thơ viết phê bình thì không hiếm. Bạn đọc đã quen đọc các tập phê bình của các nhà thơ như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Mạnh Hảo,Trần Đăng Khoa, Lê Thiếu Nhơn,… Nhưng tập tiểu luận phê bình của Hữu Thỉnh có một nét khác biệt. Ấy là không phải chỉ có nhà thơ Hữu Thỉnh viết tiểu luận, phê bình. Nhiều bài trong tập là bài viết của Tổng biên tập báo Văn Nghệ, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh tổng kết một cuộc thảo luận chuyên đề, đề dẫn hay tổng kết một cuộc Hội thảo về lí luận phê bình, hoặc triển khai nghị quyết của Đảng về  văn học nghệ thuật.
          Xem xét thời gian ghi dưới 45 bài viết và được nhắc trong bài viết, làm một thống kê nho nhỏ, sẽ thấy  có 36 bài viết được ghi từ năm 2000 trở lại đây. Điều đó nói lên Hữu Thỉnh đã có một thời gian hàng chục năm kể từ khi đảm nhiệm chức vụ Tổng biên tập báo Văn Nghệ để đọc, để suy ngẫm, để trang bị kiến thức lí luận cho một cán bộ lãnh đạo. Và tất nhiên là để có thể  bước vào lĩnh vực lí luận, phê bình, một lĩnh vực mà theo anh “là lĩnh vực khó nhất trong những lĩnh vực khó nhất” (trang 31).
          Trong lĩnh vực lí luận, với tư cách là người lãnh đạo văn nghệ, Hữu Thỉnh phải chủ trì các Hội thảo, Hội nghị, các đợt trao đổi học thuật,  triển khai nghị quyết của cấp trên. Những bài phát biểu, bài viết của Hữu Thỉnh nhìn chung là chặt chẽ mà uyển chuyển, có lí và có tình. Thật khó mà biện bác, khi Hữu Thỉnh với tư cách là người chủ trì hội thảo kết luận: “ Dân chủ trao cho ta cái quyền lớn là góp phần làm giàu trí tuệ, tâm hồn của nhau, quyết không phải phải lạm dụng dân chủ để đốn hạ nhau. Không thể tìm kiếm sự nổi tiếng trên sự tổn thương của người khác. Càng không thể lợi dụng dân chủ để làm rối tình hình” ( trang 47). Bàn về sự hội nhập, Hữu Thỉnh đã biết lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, để rồi đưa ra kết luận có tính chất chỉ đạo của người lãnh đạo văn nghệ: “Hội nhập văn hóa chứ không phải là toàn cầu hóa văn hóa. Quan điểm được nhiều nhà văn hóa đồng tình là coi hội nhập văn hóa là bổ sung chứ không phải thay thế, không có nền văn hóa nào có thể thay thế các nền văn hóa khác. Mọi toan tính thôn tính văn hóa, xâm lăng văn hóa, thay thế văn hóa đều đi trái với bản chất của hội nhập chân chính” ( trang 70). Các ý kiến bàn về chức năng lí luận phê bình, đa dạng văn hóa, văn học trong xu thế hội nhập, dân tộc và hiện đại,… vừa thể hiện đường lối của Đảng, vừa thể hiện sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo của người lãnh đạo, người trong cuộc, người có tâm,  từng trải. Đó là người “ có những ngày khoác ba lô, cuốc bộ vượt đèo, bưng bát cơm ngô, chan canh “toàn quốc” với bộ đội biên giới. Giờ trở lại, cái gì cũng làm cho mình xúc động, nâng niu” ( trang 52).
          Tôi có một số lần được nghe Hữu Thỉnh phát biểu trực tiếp trên Hội trường. Những lời lẽ trong bài viết , cộng với giọng say sưa, truyền cảm, cùng với nghệ thuật trình bày cho thấy quả thật Hữu Thỉnh  là người hùng biện, người có tài thuyết phục.
          Trong tập có một số bài tổng kết cuộc thi. Những bài viết tổng kết cuộc thi vừa dễ lại vừa khó. Dễ là chỉ cần điểm qua một số tác phẩm đoạt giải, nêu lên một vài hạn chế,  chúc mừng tác giả được giải và cuộc thi thành công. Khó là làm thế nào để cho  ban tổ chức, người được giải, bạn đọc rộng rãi thấy được diện mạo, cái hay, cái chưa hay, và nhất là nhận được những lời đánh giá xác đáng.  Nhà phê bình Hữu Thỉnh đã vượt qua được cái khó đó.  Anh đã đọc rất kĩ các tác phẩm,  đưa ra các ý kiến khen chê  cụ thể, có căn cứ chắc chắn. Thể hiện rõ nhất là bài viết tổng kết cuộc thi thơ  Tôn vinh các giá trị bền vững của con người ( trang 121).
          Tôi đặc biệt  thú vị và đánh giá cao những bài viết phê bình thơ  của Hữu Thỉnh. Các nhà thơ làm phê bình đôi khi không lí thuyết gì nhiều nhưng thường có các ý kiến nhận xét độc đáo. Những nhà thơ lớn thường có khả năng tự biên tập giỏi, và khi  xem xét, bình giá  các tác phẩm của mọi người  thường cũng rất tinh. Xuân Diệu là trường hợp điển hình. Hữu Thỉnh là một người làm thơ giàu nội lực và có nhiều thành tựu. Nếu đi vào phê bình thơ, chắc chắn sẽ có nhiều điều thuận. Hơn nữa,  ta thấy năng khiếu phê bình của nhà thơ cũng nảy nở khá sớm, còn sớm hơn cả làm thơ.

          “ Không thành diễn viên, nhưng tôi thành bình thơ bán chuyên nghiệp. […] Vào đầu thì cũng thường thôi, nhưng dần dần, dần dần, cả người đọc và người nghe cứ lịm đi. Thơ Tế Hanh mà. Không chỉ có đám lính trẻ khoái mà các bậc sĩ quan nữa nhé. Hết buổi, tôi còn được kéo về các tiểu đội, để đọc thơ cho họ chép vào sổ tay” ( trang 287). Đấy là những lời tự thuật của Hữu Thỉnh khi anh mới vào binh chủng Tăng Thiết giáp. Khi ấy nhà thơ tương lai còn đang  mộng mơ ánh đèn sân khấu, còn đang say sưa viết chuyện người tốt việc tốt, sưu tầm ca dao trên báo tường.
          Công việc viết phê bình và tiểu luận thơ quả là rất hợp với Hữu Thỉnh, và nhà thơ đã phát huy được thế mạnh của mình. Người đọc sẽ thích thú khi bắt gặp những phân tích, bình luận rất sâu  và tinh tế mỗi khi chạm đến thơ. Chẳng hạn khi nói về việc học tập thơ ca thế giới. Nhà lãnh đạo Hữu Thỉnh thấy rằng “ Học tập thơ ca thế giới? Rất đúng và cần thiết. Vấn đề là phải tiêu hóa nó. Nhưng thơ ca dân tộc cũng nhiều cái hay lắm chứ” ( trang 162). Và đây, để chứng minh, Hữu Thỉnh đóng vai nhà bình thơ:
          “ Có một câu ca dao Nam Bộ tôi cho là cực kì tài tình “ Muối chua, chanh mặn, ớt ngọt, đường cay; nhánh gừng thì đắng…từ ngày xa nhau”. Đây là viên ngọc của ca dao Nam Bộ. Xa em tôi không muốn nói là tôi buồn quá, tôi khổ quá, tôi không nói là đau đớn quá mà là nỗi đau ấy làm tê liệt toàn thân, đến nỗi đánh lộn mọi cảm giác. Cho nên muối thành chua, chanh thành mặn, ớt thành ngọt, đường thành cay, nhánh gừng thì đắng. Không có chữ đau, không có chữ buồn, không có chữ tê dại, không có chữ chết toàn thân… mà chúng ta vẫn thấy tất cả, đau đớn tột cùng” ( trang 162).
          Khi viết về thơ của bạn thơ,  thơ của các nhà thơ lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tế Hanh… Hữu Thỉnh bao giờ cũng chọn được những câu thơ hay để dẫn chứng, để phân tích. Một trong những thành công của việc phê bình thơ chính là phải chọn ra được các câu thơ hay, những câu thơ  xuất sáo hay nói theo cách của anh là “câu có nhan sắc nhất”. Tuy vậy, cũng có lúc nhà thơ Hữu Thỉnh tỏ ra dễ dãi. Ấy là trường hợp anh khen câu thơ của Tế Hanh : Nông trường ta rộng mênh mông/ Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài. Theo tôi, đây chỉ là câu  thơ trung bình. Còn câu hay nhất của Tế Hanh trong bài thơ đó lại bị bỏ qua. Đó là hai câu : Bạn ơi rót nữa cho tôi/ Tôi không muốn ngủ, núi đồi trăng trong”.
          Là người làm thơ, chăm chú, say mê đọc của bạn bè, Hữu Thỉnh có nhiều nhận xét riêng. Là người phát ngôn với cương vị lãnh đạo, Hữu Thỉnh phải thận trọng và cân nhắc kĩ càng.  Nói hay không ? Nói vào khi nào? Nói đến đâu? Nói như thế nào? Các cụ dạy điều nói khó là điều khó nói. Nhưng có thể thấy  xuất phát từ sự lịch lãm và cũng xuất phát từ cái tâm nên anh đã vượt qua được sự khó khăn này. Cần khẳng định thành tựu thơ của một vùng đất, anh nói: “ Chẳng lẽ  tất cả những gắng gỏi không mệt mỏi của chúng ta trong mấy chục năm qua là bỏ đi? Chẳng lẽ có một ông Nguyễn Du đời mới nào đó còn đi ngoài đường, không vào Hội nghị này? Tôi không tin” ( trang 166). Nếu chỉ là lời nói của một nhà thơ có kinh nghiệm đã đáng quý. Nhưng đây là phát ngôn của một lãnh đạo, điều đó lại càng đáng quý.
          Hữu Thỉnh thuyết phục người đọc không chỉ bằng  tấm lòng của người có cương vị lãnh đạo. Tôi nghĩ  tình cảm, có thể làm cho anh em quý mến. Nhưng về chuyên môn, anh em chỉ có thể  chịu thuyết phục bằng chuyên môn. Thực sự, Hữu Thỉnh đã đầu tư rất nhiều cho cái công việc vốn không phải  là niềm đam mê bậc nhất. Một ví dụ. Khi bình một câu thơ của Tế Hanh, anh đã dẫn Ca dao, Đặng Trần Côn- Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Thâm Tâm, Nguyễn Bính về cảnh chia tay ( trang 289). Còn khi viết về Tố Hữu, anh đã đọc, đã dẫn ra những đánh giá xác đáng của  Blaga Đimitrôva, Thu Trang Công Thị Nghĩa, Nguyễn Đình Thi, Đặng Thai Mai, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Trần Đình Sử, Pièrre Emmanuel, Hà Minh Đức ( Tố Hữu nhà thơ lớn của dân tộc, trang 209).
          Những kiến giải của Hữu Thỉnh xuất phát từ sự chiêm nghiệm và hiểu biết. Rất có lý mà cũng rất có tình, chắc chắn. Anh nhận xét so sánh về thơ : “ Thơ của cánh lính chúng tôi hồi ấy có thể khỏe, có thể tươi mới, có thể thừa lạc quan nhưng chưa sang, vì thiếu cái chiều sâu văn hóa. Mà chiều sâu văn hóa mới  thực là phẩm chất quan trọng nhất của văn học chuyên nghiệp” ( trang 271). Bạn đọc sẽ còn gặp nhiều những đánh giá, nhận xét mang tính chiêm nghiệm, tinh tế và sâu sắc. Ví dụ khi viết về  chuyện “kể hơi nhiều” trong thơ Tế Hanh, anh tìm thấy sự trùng hợp trong cả thơ chống Pháp và chống Mĩ và nguyên nhân của nó. “ Có một sự giống nhau giữa thơ chống Pháp và chống Mĩ là  buổi đầu hay kể. […] Ở cái buổi xa cách, thừa sự kiện mà thiếu phương tiện, thơ phải kiêm làm nhiệm vụ thông tin. Những bậc cự phách như Hồng Nguyên, Hữu Loan, Hoàng Cầm đến Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Bằng Việt có lúc cũng phải kể. Tế Hanh cũng có những lúc kể. Thơ đang hướng về cá nhân, nay quay lăng kính ra  phía xã hội, vồ vập mến yêu, không thể không kể. Nhiều khi thương cảm quá cũng kể”. ( trang 290).
          Tôi nghĩ giá như Hữu Thỉnh không đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo văn nghệ, anh chỉ chuyên chú công việc sáng tác, chắc chắn là sẽ không có tập tiểu luận phê bình này. Vì làm lãnh đạo, cho nên Hữu Thỉnh phải học, phải đọc, phải nghiên cứu, phải viết. Lỗ Tấn  viết rằng : “ Người ta đi mãi thì thành đường thôi” ( Cố hương). Hữu Thỉnh viết mãi… thành cây lí luận phê bình. Còn nhớ trong một bài viết năm 2003, Hữu Thỉnh viết : “ Còn Kịch, anh Thi lớn với Rừng trúc. Văn xuôi, tôi thích Vỡ bờ. Tại sao ư? Đó là những ấn tượng rất mạnh đối với tôi. Còn giải thích những giá trị là công việc của các nhà phê bình” ( Vũ Nho nhấn mạnh). Bây giờ thì Hữu Thỉnh đã ghi tên mình vào lĩnh vực lí luận phê bình rồi đó.

                                                          Hà Nội, tháng 4/2011
                  

2 nhận xét:

  1. PHÊ BÌNH THEO GÓC NHÌN NÀO MỚI LÀ CÁI ĐÁNG BÀN HIỆN NAY ANH NHO Ạ. BAO GIỜ TA BỨT RA NGOÀI CÁI LŨY TRE LÀNG NHUẦN NHỊ VÀ BẢO THỦ ĐỂ NHÌN VỀ LÀNG THƠ, LÀNG VĂN THÌ KHI ẤY MỚI NHẬN RA NHỮNG KHÍA CẠNH KHÁC MÀ CÁC NHÀ PHÊ BÌNH CỦA TA HIỆN NAY CHƯA THẤY.
    CẢM TẠ BÁC NHO ĐÃ CHO XEM MÔT BÀI VIẾT RẤT CÔNG PHU !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã sẻ chia! Viết phê bình để thuyết phục người đọc là rất khó. Tài năng, tâm sức chỉ có hạn, nên cố để không thái quá hay bất cập cũng là một khó khăn rất lớn của người viết!

      Xóa