Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

NHỮNG KHÚC ĐỒNG DAO HIỆN ĐẠI









ĐỌC GỌI MƯA * CỦA TRẦN LAN VINH, NGHĨ VỀ NHỮNG KHÚC  ĐỒNG DAO HIỆN ĐẠI
Vũ Nho

          Có những thể loại văn học dân gian một đi không trở lại. Chúng mãi mãi gắn liền với thời đại đã sản sinh ra. Đó là kí ức của chúng ta về  quá khứ, về một miền lịch sử xa thăm thẳm. Nhưng con người đâu có dễ nguôi quên tuổi ấu thơ của mình. Người ta đã lên mặt trăng, đã lặn sâu xuống đáy biển, đã làm ra mưa gió, đã có thể vượt xa những phép màu của cây đũa, cái nhẫn, cái mâm thần. Thế nhưng ta vẫn thích thú với những câu chuyện cổ tích, những khúc đồng dao. Hơn thế nữa, ngày nay, dù không phải là thời đại sản sinh ra các thể loại ấy, người ta còn viết  giả cổ tích ( nhại cổ tích) giả đồng dao ( nhại đồng dao) và bất cứ thể loại nào để  nói chuyện hôm nay, chuyện bây giờ, những câu chuyện và vấn đề của thế giới hiện đại.
          Chúng ta biết đến An đec xen với những truyện cổ tích, La Phông ten, Krư lôp với  những bài thơ  ngụ ngôn. Chúng ta cũng biết đến R. Rô đa ri với những truyện cổ tích kể qua điện thoại. Nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam viết truyện cổ tích mới, lấy  cốt truyện cổ tích để viết thành thơ.
          Chắc chắn khi viết những khúc đồng dao, tác giả Trần Lan Vinh  không hề nghĩ mình đang theo bước những người xưa, làm sống lại một thể loại văn học dân gian vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam hàng ngàn đời ở những làng quê có luỹ tre, có cánh cò, có  chợ búa, có đồng lúa, đồng màu, có bọn trẻ con với những thằng cu, cái gái đang nhảy lò cò, đang chơi nu na nu nống, chi chi chành chành, thả đỉa ba ba... Những trò chơi đó bao giờ cũng được diễn ra kèm với những câu hát mà người ta gọi chung là những khúc đồng dao ( đồng nghĩa là trẻ con, dao là khúc hát không kèm nhạc đệm. Đồng dao là khúc hát của trẻ con ). Một điều nữa  khá chắc chắn là Trần Lan Vinh cũng không rành rẽ lắm về đặc điểm thể loại cũng như các quy tắc của những khúc đồng dao ấy. Chính điều này có  mặt mạnh  là tác giả không bị ràng buộc bởi lề luật, thoải mái tự do tung tẩy, tự do sáng tạo, nhưng lại cũng có mặt hạn chế mà chúng tôi sẽ nói tới sau.
          Những bài đồng dao trong tập GỌI MƯA mở ra một thế giới trẻ thơ. Thế giới ấy  huyền ảo những câu chuyện cổ tích của bà : Bà kể chuyện xưa. mưa mưa nắng nắng ( Mưa mưa nắng nắng). Thế giới ấy đầy những hình ảnh nhiều màu sắc ngộ nghĩnh : sao bánh đa, chiều hoa cúc, cầu vồng trắng, nắng ô mai, mây chín vía. Thế giới ấy đầy ăm ắp tiếng cười của những trò nghịch, trò chơi : chi chi chành chành, nu na nu nống, tập tập tang tang, sang xà về cột, nhảy lò cò...Thế giới ấy đầy những vật thân thương : Cây khế ngoài vườn. Tím hoa mái bếp. Cánh cò thả nốt. Chùm mây lên trời (Nhóm lửa chơi ). Nắng đang thiêm thiếp. Đung đưa quả bòng. Lời ru lủng lẳng. Nắng nằm tròn trưa. ( Mẹ con nhện) Con chuồn đỏ. Cõng giấc mơ. Con chuồn tơ. Tha cọng gió. Cô gọng vó. Cất mây chiều ( Đuổi nóng). Cỏ ông cõng gió. Cỏ bà bế mây. Cỏ mẹ dang tay. Dắt con tập bước ( Thôi nôi). Thế giới ấy ngào ngạt hương vị của những món ăn bình dân, những thứ quà quê dân dã mà bất cứ người Việt nào cũng không thể quên dù chỉ một đôi lần được nếm ngày thơ bé: Bánh gio bánh tẻ. Bánh đa bánh giầy. Bún cua nấu bỗng. Bánh đúc bẻ tay. Mắm tôm quệt ngược ( Chợ Nủa ). Này quả táo dầm. Này chùm mận hậu. Xâu bồ quân chín. Sấu khô tẩm gừng ( Nắng ô mai ) Mẹt châu chấu rang. Bẻ càng om mỡ (Đằng hắng ) Nước vối mưa. Khoai lang luộc (Về thăm cội ) Mớ rau ngót. Nấu canh cua. Lá me chua. Rau muống luộc( Làm cao ). Những món quà quê ấy cũng có đủ sức làm người ta rưng rưng như khi thưởng thức những món ngon Hà Nội, món lạ miền Nam của nhà văn nổi tiếng Vũ Bằng.

          Điều thành công của tập GỌI MƯA chính là tác giả đã nhập vào thế giới trẻ thơ, cùng chơi,  cùng quan sát, cùng hát theo cách nhìn bằng cặp mắt xanh non của trẻ em. Trẻ em rất thích thế giới thực và thế giới cổ tích. Thì đây, những người thân của em có khác nào những nhân vật cổ tích làm chuyện thần kì: Ông ơi về mau. Buộc chân gió lại. Bà đang rửa vại. Trói cơn mưa rồ ( Mưa sổng ). Cha ngồi. Đong nắng. Mẹ ngồi. Đong mưa. Bà ngồi. Bó dưa. Bằng cây. Lạt gió  ( Lạt gió). Trong mắt các em Sao vua đi cấy, Chiều khoanh chân, Mưa sổng. Chớp đang gỡ rối. Sấm ngoác mệng cười. Tất cả các con vật, cây cỏ đều là các nhà : nhà vạc, nhà ếch, nhà sắn dây,  nhà đậu, nhà tu hú . Mỗi nhà mỗi việc, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi tính cách : Nhà sương-  Áo vá-  Ngủ nhờ - Bông may.  Nhà Vạc - Cắt mây- Đợi giờ - Xúc tép.  Nhà Gang- Nhà Thép- Xây cầu- Qua sông. Nhà bác- Bút lông- Chổng ngồng -Khoe chữ ( Tập tập tang tang).
          Những bài đồng dao mới của Lan Vinh không phải chỉ là hát chơi. Người xưa khi sáng tác đồng dao cũng đã có ý thức để cho trẻ vừa chơi vừa học. Các em tập nhận diện họ hàng nhà chim, nhưng cũng là tập để nhận biết quan hệ gia đình, thân tộc : Bồ các là bác chim ri. Chim ri là dì sáo sậu. Sáo sậu là cậu sáo đen. Sáo đen là em tu hú. Tu hú là chú bồ các. Đồng dao của Lan Vinh tiếp tục truyền thống đó. Các bài đem đến cho các em sự hiểu biết về  mùa vụ, xóm làng, cây cỏ, các con vật, các sản phẩm nông nghiệp, các món quà quê. Đặc biệt việc giáo dục qua đồng dao là việc luôn luôn được coi trọng. Đây không phải là bài dạy đạo đức, nên ý nghĩa giáo dục thật nhẹ nhàng. Nhưng nhờ nhẹ nhàng  mà lại có sức thấm sâu, bền chắc. Các em chơi hát chi chi chành chành. Ta nhận ra nội dung  giáo dục đạo đức đã được đưa vào câu hát khá tự nhiên :
Chi chi chành chành - Gió xanh mở cửa-Quét sân phơi đỗ-Rửa rau giúp bà -  Tay mầm tay lá-Tay nụ tay hoa-Bạn gần bạn xa- Cùng chơi cùng học(Chi chi chành chành 2).Cái bàn tay nhỏ, non tơ như mầm, mịn màng như lá mới đẹp, mới dễ thương làm sao. Nhưng càng đẹp hơn, dễ thương hơn vì bàn tay ấy đã biết quét sân phơi đỗ, rửa rau giúp bà, biết cùng chơi cùng học với bạn gần xa. Những câu  nói  như lời khuyên, lời nhắc nhủ chân tình, nhẹ nhàng : Nu na nu nống. một đống thì vui. Chia ngọt sẻ bùi. Chia cay sẻ đắng. Chia hạt muối trắng. Chia nắm khoai khô (Cái cữ). Bên cạnh đó, hình ảnh Cái gió bi bô. Đi thưa về gửi ( Thưa gửi); hình ảnh Cái bộng kiến vang, Cõng gạo kiến vàng. Gặp nhau chào hỏi ( Cái cữ ); hình ảnh Bầy ếch bi - Thi nhau học ( Nhà ếch); hình ảnh Sâu đo tảo tần - Đo quần áo lá  ; hình ảnh  Đung đưa nhện mẹ. Đan võng ru con. Đính từng hạt sương. Đính từng sợi gió ( Mẹ con nhện ) sẽ in dấu vào tâm hồn các em về hành vi ứng xử.
Đồng dao xưa là khúc hát ( lời có thể mộc mạc, cốt có vần và đặc biệt là nhịp để hát nghêu ngao hay kèm với các trò chơi). Tất nhiên , giống như bài hát, ca từ không bắt buộc phải là thơ. Nhưng nếu khúc hát cho trẻ mà ca từ lại là thơ thì thật đáng quí. Đồng dao hiện đại muốn được các em( và cả  người lớn) yêu thích, nó buộc phải có nhiều chất thơ và rất nhiều chất thơ. Bởi vì bây giờ trường nghe nhìn của trẻ em vô cùng phong phú và rộng rãi.  Bây giờ  đã có một đội ngũ các nhạc sĩ viết bài hát cho lứa tuổi mẫu giáo, nhi đồng. Nếu chỉ là các câu có vần , có điệu, có chuyện kể như vè, mà thiếu chất thơ thì sẽ nhanh chóng bị các độc giả cho vào quên lãng. Trong nhiều bài thơ-đồng dao của tập, chất thơ ở thể trữ năng bảng lảng.  Nhưng cũng không ít bài chất thơ bộc lộ rõ. Trước khi được hát, nó được tiếp nhận như là bài thơ . Mẹ con nhện, Thôi nôi, Đo quần áo lá, Rễ cây  là những bài thơ - đồng dao như thế. Nhiều đoạn khác, người đọc bắt gặp những câu thơ lấp lánh : Chi chi - Chành chành. Cái nanh- Ngô sữa. Cái đôi- Răng cửa. Hé cười – Như hoa ( Nanh ngô sữa). Chi chi chành chành. Mở tay cho khéo. Đóng tay cho dẻo. Ngón hồng thênh thênh. ( Chi chi chành chành). Vườn khuya dế gáy. Tiếng ếch đồng xa. Có hơi gió lạnh. Mưa đan cổng nhà ( Ru xưa)...Chính nhờ những bài thơ, những câu thơ, những câu như  thơ mà đồng dao của Trần Lan Vinh có sức lay động, lôi cuốn và ghi được dấu ấn riêng. Tuy vậy do chưa thấy hết được điều quan trọng này; hoặc cũng có thể còn phân vân giữa hình thức đồng dao cho trẻ ít tuổi ( thiên về vần, nhịp, thiên về kể người, kể vật) với đồng dao cho trẻ lớn; và cũng có thể muốn tạo ra sự đa dạng, phong phú...nên một số bài thiên về kể, lời lẽ khá dễ dãi, bắt vần khá thoải mái, tự do , tự nhiên đến mức mất cái cữ, không kiểm soát được. Kết quả là bài viết kém chất thơ, lan man, và nhiều khi xộc xệch.
Đọc những bài trong tập, có thể nhận thấy rõ là tác giả không dứt khoát về thể loại. Vấn đề đặt ra là chị viết đồng dao cho trẻ em hay chị mượn thể loại cho các em để viết về mình, viết cho người lớn? Điều này, những năm trước đây, Nguyễn Trọng Tạo đã làm rất rành mạch trong tập Đồng dao cho người lớn. Nghĩa là mượn hình thức đồng dao, sáng tạo những khúc đồng dao mới dành cho những người lớn tuổi. Trần Lan Vinh viết đồng dao là để cho các em. Dứt khoát là như vậy. Nhưng đôi khi chị lại quên mất.  Khi đó, chị lẫn lộn vừa viết cho trẻ em lại viết cho người lớn, đồng dao cho mình. Bài Một bóng ở cuối tập là ví dụ  tiêu biểu. Hoặc những câu  như : Đêm cập kễnh. Chiều kêu oan. Giọt mưa thiêng. Mây xuống tóc ( Giọt mưa thiêng); Nói bạc mồm. Con nhà khuôn. Đi buôn thước. Chiều phiền muộn ( Nhảy lò cò ). Tư duy chống nạng. Nên đời vòng vo. Tháng năm loạng quạng. Nhầm buôn chính mình. ( Buôn ú oà)...có phần xa lạ với thế giới tình cảm của các em. Sự “dùng dằng” không rành mạch giữa đồng dao và đồng dao cho người lớn đã làm cho thi vị của tập giảm đi ít nhiều.
          GỌI MƯA không chỉ là những khúc hát ngẫu hứng vần điệu, đơn giản, thô sơ cho trẻ hát bi bô; càng không phải là những bài vè có chất thơ. Cần làm rõ điều này : Vè và thơ là hai thể loại khác nhau, mỗi thứ có đặc trưng riêng của mình về nội dung và hình thức phô diễn. Về thể loại , chúng hoàn toàn bình đẳng. Không nên nghĩ rằng  hễ là vè thì nôm na, thứ cấp. Vè mà hay thì vẫn có giá trị hơn thơ dở. Gọi mưa là vè hay là thơ ? Hay là nó vừa mang phẩm chất của vè, lại vừa có phẩm chất của thơ ? Điều đó xác định không quá khó. Nếu thuần tuý là đồng dao xưa, nó có cả tính chất của vè, cả tính chất của thơ, nhưng nó nghiêng về vè ở yếu tố kể, nó nghiêng về thơ ở yếu tố vần và hình ảnh, và có phần lại nghiêng về nhạc ở yếu tố tiết tấu, nhịp điệu.
Nhưng cần lưu ý rằng đây là đồng dao mới, đồng dao của một cây bút nữ làm thơ, sống và viết ở giữa nơi ồn ào phố thị. Đồng dao hiện đại. Đồng dao của thời trẻ em hát các bài của các nhạc sĩ sáng tác. ( Tất nhiên các cháu vẫn có thể hát ngẫu hứng, hát nhăng, chẳng rõ lời rõ nhạc ). Đồng dao thời mà các trò chơi dân gian lẫn cùng những trò chơi điện tử. Vậy thì nó phải vừa giống lại vừa khác với người anh em xa xưa của nó. Nó vẫn phát huy tất cả các yếu tố hồn nhiên, vần điệu, không cầu kì tu từ, không cao siêu triết lí, nhưng nó phải đậm chất thơ, thật đẫm chất thơ.
          Nhiều người cho rằng trẻ con bây giờ khôn ngoan hơn ngày xưa, nhanh nhẹn hơn ngày xưa, nhạy cảm hơn ngày xưa, thực dụng hơn ngày xưa. Điều ấy thì có thể. Nhưng dẫu sao đi nữa thì trẻ con muôn thuở vẫn là trẻ con. Trẻ em  với những đặc điểm sinh lí, tâm lí khác biệt không bao giờ giỗng như người lớn. Các em hồn nhiên, các em  dễ hoà đồng, các em dễ cảm động, dễ tin vào thế giới của thần thoại, cổ tích , các em thích bắt chước, và đặc biệt là thích chơi thích hát bi bô.
          Đi vào thế giới của các em bằng thần thoại, bằng cổ tích, bằng đồng dao là một lối đi đầy sáng tạo và hiệu quả. Về phương diện này, sự tìm tòi và thành công bước đầu của Trần Lan Vinh là rất đáng khích lệ và ghi nhận.
Hà Nội, tháng 5/2003
                                                                             V.N.
*) Gọi mưa. Trần Lan Vinh, nhà xuất bản Thanh Niên, 2002.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét