DỐC
TRÈM
(Tản văn)
ĐƯỜNG VĂN
Dốc Pha Đin, chị gánh, anh thồ,
Đèo Lũng Lô, anh hò, chị hát!
(Tố Hữu),
Dốc Cun (Hòa Bình) nhìn
xuống hun hút, rợn người.
Những con dốc cheo leo dọc đường Tây Tiến sang tận Sầm Nưa, đất Lào::
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm
thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
(Quang Dũng)
Dốc đèo Ngang (Quảng Bình) khiến Bà
Huyện Thanh Quan phải dừng chân đứng lại, lặng ngắm trời, non, nước, trong bóng xế tà, với một mảnh tình riêng, ta với
ta… Dốc đèo Ba Dội hiểm hóc,
được khắc tạc trong thơ Bà chúa thơ Nôm: Một đèo, một đèo, lại
một đèo (Hồ Xuân Hương)…Dốc đèo Hải Vân hùng vỹ, chạm trời…Trèo lên Quán Dốc, ngồi gốc (ý a) cây đa… (Dân ca quan họ).
Quả là những con dốc Việt Nam
nổi tiếng trong địa lý, lịch sử và thơ ca.
Dốc
Vân, dốc Yên Phụ, dốc Nhật Tân, dốc Kẻ, dốc Bưởi, dốc Minh Khai, dốc
Khuyến Lương… thì hầu như người Hà Nội nào cũng biết.
Làng Trèm tôi không vinh dự có
được những con dốc nổi tiếng cả nước hay cả vùng, miền như thế.
Nhưng, những địa danh thân thuộc từ thuở ấu niên: Dốc ÔTô, dốc Thụy, dốc Cầu
Binh, dốc Đá, dốc Bến Phà, dốc Chợ Ngoài, dốc Ngõ Đồng, dốc Cầu
Sông, dốc Bà Bảy, dốc Đồng Vườn…cũng đã, đang và sẽ gắn bó
trọn đời, đời đời kiếp kiếp với bao thế hệ cư dân Thụy Phương mình.
Thật ra, đã tọa lạc dọc dải ven
chân đê đôi bờ sông Hồng thì làng nào chả phải có vài con dốc xuống
– vào làng, nhưng những con dốc xuống lên ấy của mỗi làng cũng không
hoàn toàn giống nhau. Dốc Trèm gần
với dốc Kẻ, dốc Mạc, dốc Hoàng, dốc Sù, Gạ, Nhật Tân nhưng khác với dốc Vẽ (Đông Ngạc, một
làng giàu có, lắm người làm quan từ thời xưa đến thời nay. Có câu Đất Giàn, quan Vẽ.) ở chỗ: Dốc Vẽ
vào các ngõ: Ngấn, Trung, Vẽ, Ngác, Đông…đều rộng hơn, hầu hết lát
gạch cổ nghiêng, chéo. Mặt dốc cong hình mu rùa, dễ thoát nước
sang rãnh xây dọc 2 bên. Độ dốc
nhỏ, đường dốc dài, đi lại rất tiện lợi.
Dốc
Trèm không được bề thế, kiên cố như vậy. Trước kia là dốc đường
đá răm, dốc đường nhựa, dốc gạch, dốc đất… có dốc thoai thoải, có
dốc khá cao, nhưng không dốc nào nghiêng tới 45 độ. Ấy thế mà chỉ vì
một sự bất cẩn, vô ý của mình và bạn đồng hành mà một tai nạn
không may thảm khốc đã xảy ra, tại dốc bên kia Cầu Sông, dẫn tới tai
nạn chết người thương tâm với bà cả Ngọ, xóm Tắt, vào đầu những năm
60, thế kỷ trước, khi bà cầm càng lao dốc xe bò chở gỗ quá tải.
Làng nằm ở ven chân đê sông Hồng nên cứ cách một đoạn ngắn, từ mặt đường đê vào xóm, phải tự hình thành một cái dốc. Dốc xưa nhỏ hẹp, chủ yếu dành cho người đi bộ. Ô tô không thể qua vì vướng cổng ngõ có mái thấp, cánh cổng hẹp. Xe đạp cũng phải dắt, chứ đừng nói đến mô tô, xe máy! Dốc được đánh thành từng bậc, lát gạch.
Làng nằm ở ven chân đê sông Hồng nên cứ cách một đoạn ngắn, từ mặt đường đê vào xóm, phải tự hình thành một cái dốc. Dốc xưa nhỏ hẹp, chủ yếu dành cho người đi bộ. Ô tô không thể qua vì vướng cổng ngõ có mái thấp, cánh cổng hẹp. Xe đạp cũng phải dắt, chứ đừng nói đến mô tô, xe máy! Dốc được đánh thành từng bậc, lát gạch.
Chỉ có dốc Bến Ngự - ÔTô thông xuống làng Đông Ngạc phía dưới, (dốc
ngã tư thôn Hồng Ngự ngày nay), một chiều thông xuống đường 69 (Cái
Dinh) vào Cổ Nhuế, đầu kia chạy ra bờ sông Hồng, rẽ phải sang bãi
Cát sỏi; nửa bên kia ra bờ sông là đất và đá răm, nửa bên này trải
nhựa và lát bê tông.
Tại sao dốc lại mang 2 cái tên
trái ngược nhau như vậy?
Một cụ già cho hay: Sở dĩ có tên
là Bến Ngự vì đó là con dốc
và bến sông (Hồng) từng đón nhà vua tuần du Bắc Thành (Hà Nội), trên
đường hành hạt (bằng đường thủy (thuyền) hoặc đường bộ (kiệu), từ
dưới Yên Phụ, Nhật Tân ngược lên, Ngài Ngự tạm dừng chân, dưỡng sức
trong ngôi nhà ngự, do chức dịch
làng cất gần bờ sông. Rồi có thể hoàng thượng cùng đoàn hộ giá
trẩy tiếp tới Kẻ, Phùng, xứ Đoài, hoặc qua sông sang bờ bắc, tỉnh
Bắc.
Còn mang tên là dốc Ô Tô vì, khoảng những năm 20 – 30,
thế kỷ 20, trong xóm có nhà giàu mua ô tô riêng kinh doanh chở khách,
đặt bến xe ngay đầu dốc.
Cho đến nay, dốc ra sông do xe chở
nặng chạy quá tải, qua lại nhiều nên vẫn ổ gà, ổ voi, khấp kha khấp
khểnh. Mỗi lần có việc ra quán ông Lê, vào gặp ông Binh bàn việc họ,
buộc phải chạy xe máy qua, tôi đều rất hãi.
Tôi không tường lắm về dốc Thụy (xóm Tắt Sen xưa, thôn
Hồng Ngự ngày nay). Sớm nay, bên ấm trà chuyện vãn, nghe những lời
khào khào hồi tưởng của ông bạn văn đồng môn xưa, mới hay: dốc này vào loại Trèm nhất! – Nghĩa là
sao? Mỉm cười, tôi cật vấn. – À, bởi vì theo tôi, đó là con dốc âm u
nhất, lắm cây cối um tùm nhất, nhiều bọ dừa, cánh cam, cánh quýt,
trẻ con tha hồ bắt chơi, nhất. Và nhất là con dốc có người đàn bà
bị phụ tình, uất ức, treo mình tự tử nên rất thiêng. Con dốc lởn
vởn trú ngụ nhiều ma nhất. Thông ra ao Sen đẹp mê hồn nhưng cũng lại
rất nhiều con Nam bắt, dìm trẻ
con như bỡn. Có buổi trưa nắng chảng, tớ đang mê mải trèo cây nhãn
nhà Yên Thơ bắt bọ dưà, thì có cô gái áo xanh thơm ngát, đầy quyến
rũ lướt tới, rủ mình xuống chân dốc, ra ao Sen chơi. Mình như mê đi,
cun cút theo. Đến bờ ao, bỗng cô gái nhảy ào xuống, sóng trào cả vào người mình. Mình cũng
tính nhảy theo, thì có tiếng quát lớn: - Thằng cu Kha con nhà Khá
không ngủ trưa, đi bêu nắng, chết đòn bây giờ! Cụ Đội Kèn râu bạc,
mắt tròn xoe, lông mày bạc, không hiểu từ đâu xuất hiện, quát tháo
ầm ầm, tiến thẳng tới, nắm chặt tay mình, dắt quay về nhà. Bấy giờ
mình mới tỉnh, lại cung cúc chạy theo cụ già tốt bụng, khó tính…!
Ông thấy dốc Thụy có ghê, có
thiêng không?!...
Đầu những năm 60 trở về trước,
từ chợ Trèm ra sông Cái, chỉ có
con dốc đất nhỏ hẹp, khá cheo leo. Đó là dốc xuống bến đò Trèm.
Thuyền gỗ, thuyền nan, khi ấy là phương tiện chuyên chở người, chở
hàng hoá vượt đại giang, nếu dân Trèm muốn sang Hối Độ, Sắp Mai (xã
Võng La, huyện Đông Anh) thăm quê ngoại hay sang chợ Yên, chợ Bỏi mua rẻ
lạc, vừng, gà, lợn... Ngược lại, thuyền, đò giúp người các làng bên
bờ bắc qua bờ nam, tới chợ Trèm, chợ Vẽ, xa hơn nữa, vào chợ Noi,
chợ Bưởi bán, mua tùy thích. Lên, xuống dốc đã vất vả, nhưng ngán
hơn là nạn Đò Trèm hay chém khách hàng. Nhà thơ trào phúng Thợ Rèn, trên
báo Nhân dân, mục Chuyện lớn chuyện nhỏ, từng có bài thơ chê trách, nhắc nhở một
số lái đò Trèm hay bắt bí, bắt chẹt khách quá giang, như vậy.
Giữa những năm 60, khi cuộc chiến
tranh phá hoại của không quân Hoa Kỳ lan rộng khắp miền Bắc thì dốc đò Trèm được bộ đội công binh khẩn
trương mở rộng, đánh taluy, lát
đá, đổ bê tông, trải nhựa, xây dựng, nâng cấp thành dốc bến phà Trèm phục vụ cho nhiệm vụ vận tải quân sự
nối 2 vùng bắc – Nam sông Hồng, tây bắc Thủ đô. Dạo ấy, tôi mới tốt
nghiệp trường sư phạm, được phân công sang dạy học ở 1 xã áp huyện Mê
Linh. Bởi vậy, cứ chiều thứ bảy, chiều chủ nhật hoặc sáng sớm thứ
hai hằng tuần đều có dịp qua lại bến phà Trèm – Hối Độ bằng xe
đạp. Có dịp ngắm những đoàn xe to, nhỏ, bụi đỏ phủ đầy, sù sù lá
ngụy trang cũng nhuốm đỏ chở pháo, chở tên lửa, chở đạn, chở lính
mới nhập đơn vị… xếp hàng dài dằng dặc, chờ xuống phà, qua sông.
Những chuyến phà chở nặng tới 5, 6 trung, đại xa, xen lẫn cả trăm xe
đạp, người đi bộ. Những nét mặt vừa cau có, căng thẳng vì đợi lâu,
trong hiểm nguy rình rập, chợt giãn ra, khoan khái, khi nghe tiếng máy
canô chạy đều, bụi nước sông bắn lên người, mát dịu. Phà cập bến. Những
chiếc xe ô tô quân sự lại rùng rùng nổ máy, bám đường, leo dốc lên
mặt đê. Chiếc xuôi dốc Ô tô về Yên Phụ, chiếc xuống dốc Cầu Binh, ra
Cầu Giấy, cái lại ngược dốc Cầu Sông lên Thượng Cát, bổ dốc Kẻ ra
Đăm, Nhổn, ngoặt lên Thạch Thất, Sơn Tây…
Cuối xuân, đầu mùa hè đỏ lửa, năm 1972, đến lượt tôi cùng tốp tân binh
mới tuyển gấp, vừa lo lắng vừa hân hoan, ngồi sắp hàng trên thùng
chiếc ô tô Jin 3 cầu (được chế
tạo tại Liên Xô (cũ); CCCP), từ huyện đội Đông Anh, qua Phà Trèm, xuôi
dốc Cầu Sông, dốc Kẻ…vào Hà Đông, theo đường 6 lên Bãi Nai, Hòa Bình
luyện tập để chuẩn bị vào chiến trường tiếp viện. Đăm đăm ngắm dòng
sông quê đỏ lừ phù sa cuồn cuộn chảy xuôi, ngoái lại tạm biệt những
con dốc quê xiết bao quyến luyến, tôi thầm tự nhủ câu ước hẹn quen
thuộc của những chàng lính mới trong hoàn cảnh ấy: Ra đi nguyện một lời thề/Đánh tan giặc
Mỹ mới về quê hương.
Chợt nhớ mấy câu thơ Vũ Cao viết
về người gác phà những tháng năm chiến tranh cam go, dữ dội, mà đậm
chất thơ hào hùng:
Đêm đêm, người gác phà đón những
chuyến xe qua,
Xe kéo pháo lăn rầm rầm trên ván gỗ.
Người gác phà, đứng lặng yên, sóng
vỗ,
Xe đã qua, sông nước lại thầm thì…
Đó là cảnh xe qua cầu phà. Thỉnh thoảng cầu phà Trèm cũng được bắc trong
những đêm tương đối yên tĩnh, đặc biệt là trong những ngày Mỹ tạm ngừng
đánh phá theo thỏa thuận giữa hai bên. Một anh bạn đồng nghiệp quê
Đông Anh, từng có bài thơ Đêm qua phà
Trèm khá ấn tượng:
Xe anh qua chuyến phà đêm,
Tình cờ bỗng gặp…, ơ! Em lái phà!
Trùng trùng xe lại, xe qua,
Thấy em, thấy cả quê nhà hiện lên…
…Con Ma, Thần Sấm bủa vây,
Phà em - chim én – giữa bầy diều
hâu,
Mặc cho tên lửa ngang đầu
Phà em rẽ sóng dòng sâu chở hàng…
(Lê Dụ, 1971)
Cứ tưởng bến phà Trèm và con
dốc nổi tiếng ấy sẽ còn gắn bó lâu dài với dân Trèm. Nhưng thời
cuộc biến đổi thật nhanh. Đầu những năm 80, khánh thành cầu lớn Thăng
Long hiện đại nhất Đông Nam Á nối liền hai bờ sông Hồng. Từ đó, bến
Phà Trèm trở thành dấu ấn lịch sử một thời đã qua. Dốc phà còn
đó, nhưng giờ đây đã vắng hẳn những chiếc canô và những chiếc phà.
May dân Trèm còn được thưởng ngoạn trong 3 ngày rước nước, dịp Lễ hội
Đình Trèm hằng năm: cảnh đông vui, nhộn nhịp. Tiếng đàn, sáo, nhị…
phường bát âm vang rộn. Những
dải cờ ngũ sắc uốn lượn, tung bay từ hai hàng tổng cờ nhịp nhàng tay múa. Chiếc canô cũ kỹ phành phạch
áp mạn, dìu con phà già nua, ì ạch chở dân 3 làng ra giữa dòng sông lấy nước, dâng lễ mộc dục.
Bây giờ, đôi khi mải nhìn bóng
chiếc cột điện cao thế vượt sông
Hồng ngạo nghễ, vời vợi in hình trên mặt nước trong mùa đông,
ngắm ngọn cần cẩu thườn thượt đang cần mẫn xúc cát vàng, cát đen
lên những chiếc xe ben dưới chân
dốc phà, hồi ức tôi lại hiện về mồn một cảnh bến phà Trèm thời lửa đạn với chiếc barie tre sơn đỏ, trắng, với chòi gác phà vuông bằng gỗ
tạp, sơn xanh lá cây, thấp thoáng cái bóng chầm chập cô thanh niên XP
người thôn Đình với tiếng còi điều xe lanh lảnh, xé màn đêm. Một cơn
gió thổi thốc lên từ dưới sông, cuốn theo đám bụi cát bay mù…
Tuy không da diết, cực đoan đến
mức lẩm cẩm đề nghị nhà nước khôi phục lại cảnh bến phà nhộn nhịp
xưa bằng cách mỗi ngày cho chở 1 chuyến phà đưa khách đôi bờ qua lại
tượng trưng như có người dân Cần Thơ quá yêu bến, yêu phà, yêu quê từng
công khai nêu nguyện vọng ấy một thời gian sau khi cầu lớn Cần thơ
khánh thành. Nhưng tôi nhiều lúc cũng vẫn thèm sống lại cái không
khí chờ phà, xuống phà, lên phà, qua cầu phao, cái cảnh một tay nắm
ghi đông xe đạp, đứng hút thuốc lá phì phèo ngay đầu phà, nước vỗ
ràn rạt dưới chân. Con phà phăm phăm rẽ sóng. Gió sông lồng lộng, mát
rượi từng sợi tóc. Bờ bên kia tứ
trụ, Gảnh đình Trèm sừng
sững, uy nghi. Thấy quê hương mình, đất nước mình sao mà đẹp, mà thân
thương đến thế!
Dốc bà Bảy, 2 dốc Cầu Sông
và dốc Đồng Vườn là những cái dốc hết sức thân thương từ thưở
thiếu thời cho đến tận ngày nay, với riêng tôi và với khoảng già nửa
cư dân làng Trèm làm nông. Đó là những cái dốc chủ yếu phục vụ cho
việc đồng áng: xuống đồng cày bừa, nhổ mạ, cấy, gặt, gánh lúa về,
chăn, thả trâu bò, trồng ngô, giỡ khoai, vun lạc, xáo đậu…Những cái
dốc làm ăn hai sương một nắng của nông dân làng Trèm bao đời nay cần
cù, chăm chỉ, đổ mồ hôi lấy hạt thóc - hạt vàng, bắp ngô, củ khoai -
hạt ngọc.
Đó cũng là những cái dốc phục
vụ cho chiến đấu và nghiên cứu khoa học. Những chuyến đại xa dài ngoẵng chở tên lửa,
pháo, đạn nặng nề từng rầm rì lăn bánh qua đây trong đêm, bí mật dàn
trận đón đợi và tiêu diệt kẻ thù ngay khi chúng mới bén mảng tới
bầu trời Thủ đô Hà Nội trong những năm chống Mỹ gian lao. Những
chuyến côngtenơ khủng, chuyên dụng
chở đà điểu, cá sấu, lạc đà, dê, ngựa, vịt và những con giống động
vật quý hiếm từ khắp nơi, từ nước ngoài đã tới viện Chăn nuôi Thụy Phương lớn nhất nước để tiếp tục nghiên
cứu, nhân rộng ra khăp 3 miền, góp phần trả lời câu hỏi khoa học: nuôi con gì? góp phần làm giàu cho
đất nước.
Dốc
Chùa nhỏ hẹp, khúc khuỷu, một thời dài có vẻ hoang vu, bởi không
được sửa sang, chăm sóc. Dốc dọa trẻ con trong đêm tối nhưng lại kích
thích chúng mỗi trận mưa rào, theo dòng nước đục ngầu, ào ào chảy
từ mặt đê, sườn đê xuống chân dốc, phóng thẳng ra ao Chùa, cổng Chùa.
Nếu chịu khó theo dõi và nhanh tay, có thể bắt được những chú rô
ron, rô náng quẩng mỡ, thích theo mưa rào, đi chơi xa.
Dốc
Tắt Sen xưa, quanh năm cớm bóng tre hun hút khiến chúng tôi mỗi lần
qua như được chui sâu vào một hang động xanh, mát lịm giữa trưa hè, khi
vừa ngược từ dốc ÔTô lên. Hơi mát càng phả, tỏa lan, rồi một vùng
rộng, thoáng, lóng lánh, lăn tăn bỗng mở òa trước mắt. Thì ra đã
hết dốc, đến ao Sen rồi. Cuốc một thôi đường gạch nữa là về đến
nhà thôi. Rảo lên chúng mày!
Dốc
Đá, dốc Chợ Ngoài bề thế với hai cổng làng đắp nổi những đôi
câu đối Hán, Nôm ý nghĩa sâu xa.* Bao giờ nơi đây mới phục dựng lại
được cổng làng như những ngày xưa yêu dấu? Câu hỏi buông vào thời
tương lai vẫn chưa có câu trả lời chính danh! Chiếc khung cổng sắt sơn
xanh đã đổi màu rỉ xám, già nua, lòng khòng, cũ kĩ và trơ trẽn, vô duyên, dù mới dựng
chưa được chục năm, vẫn cứ thách thức, trêu gan mọi người lên xuống!
Ngày ngày, chúng ta vẫn thường
lên xuống, lại qua những con dốc thân thương chí cốt ấy, hỏi có ai
thấy nhói, gợn trong tâm khảm nỗi ai hoài, buồn tiếc, xót thương, mong
mỏi và hi vọng về quê hương đổi mới với những con dốc Trèm hữu
quan?!
Những con dốc Trèm, dốc làng quê
tôi, qua bao tháng năm thăng trầm lịch sử, gắn bó gừng cay muối mặn
với văn hóa làng Trèm, chẳng lẽ mãi mãi chỉ là những con dốc vô
hồn, vô danh?!
Ấy là bởi con dốc chính là một trong những hình ảnh ẩn dụ thân quen mà sâu sắc của cuộc đời con
người. Trong cuộc nhân sinh trăm năm
là ngắn, một đời dài ghê, đã mấy ai không phải /bị/được bao lần, bao phen leo dốc, vượt dốc: con dốc
học đường, con dốc tình yêu, con dốc sự nghiệp, con dốc vợ chồng, xây
dựng tổ ấm riêng tư, con dốc làm nhà cửa, dựng vợ, gả chồng cho con
cái, con dốc cha già, mẹ héo, con dốc già nua, bệnh tật, xuống dốc bên kia. Leo dốc,
lên dốc, vượt dốc đã khó, rất khó; nhiều khi xuống dốc còn khó,
nguy gấp bội. Nhất là không may hoặc tự mình lâm vào thảm cảnh xuống dốc không phanh. Lúc ấy, chỉ
có cách nhắm mắt, bịt tai, cầu Chúa, kêu Trời,… chờ phút giây số
phận định đoạt! Hình ảnh con dốc
với 1 cá nhân, một gia đình có khi là như thế, mà nghĩ rộng ra, với
1 làng, một huyện, một tỉnh, một doanh nghiệp, đơn vị, rộng nữa,
thậm chí một đất nước, một dân tộc, một châu lục, đến cả hành tinh…
cũng là như vậy! Phải chăng quyết tâm, kiên trì, thông minh tìm mọi
cách vượt dốc, treò lên đến đỉnh ta
cao hơn đèo là hạnh phúc vô
biên.?! Nhưng không thể tự say sưa ngự mãi trên đỉnh dốc! Nhất định
phải xoi đường xuống dốc cẩn
trọng, an toàn để đi tiếp những chặng đường mới trên con đường đời,
con đường lịch sử hãy còn tít tắp. Hết sức tránh không để rơi vào bi kịch
xuống dốc không phanh!
Vân vi, lan man nghĩ ngợi nhân
chuyện những con dốc, tôi thầm nhủ tôi và nhắn các bạn già U 60, 70…
những người đã ở bên kia sườn dốc, đang từ tốn, chầm chậm hay gằn
chân, cuốn chân trượt dốc, rằng:
Cứ thuận theo tự nhiên, trôi theo
tự nhiên, vui vẻ an nhiên, thanh thản tĩnh tâm, nhàn tâm là sẽ được
hưởng trọn tuổi trời, lộc trời, sum vầy cùng gia đình, con cháu bầu
bạn…giữa quê hương./.
* Đọc chi tiết trong
baì: Hỡi ơi! Cổng làng Trèm!
(ĐV)
Chiều 5 – 5 – 2013
Cảm ơn Bác đăng bài cho tôi hiểu Hồn Trèm
Trả lờiXóabiết thêm rằng Dốc không chỉ ở miền trung du đồi núi mà bắc bộ với địa hình ô trũng đê điều, những con dốc gắn liền với quê hương, với người lập đất và những tích xưa. Tiếc rằng tên những con dốc nay gắn với tên người ở đẩu ở đâu, gọi tên dốc như hú hồn các danh nhân.
.
Vài cảm nhận, chúc Bác vui!
Trước hết chúng ta cám ơn TS Nguyễn Văn Đường, người con của làng Trèm ( Thụy Phương)đã viết một loạt bài về quê hương. Cám ơn bác VANPHAM đã đọc và sẻ chia!
Xóa