Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY Ở NƯỚC NGA





                                                                             Vũ Nho chủ trang

NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY  Ở  NƯỚC NGA

                                      Ghi chép của Vũ Nho

Theo lời mời của Hội nhà văn Nga, Đoàn nhà văn Việt Nam gồm Hoàng Minh Tường, Vũ Nho, Y Ban do nhà văn Lê Văn Thảo, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam làm trưởng đoàn đã thăm Nga từ 28 tháng 5 đến 10 tháng 6 năm 2010. Dưới đây là những ghi chép của Vũ Nho, thành viên của đoàn.



Ấn tượng Bảo tàng Kremli

Đi thăm bảo tàng Kremli. Không ngờ người xếp hàng đông đến thế. Trước đó, Oleg  ( Trưởng ban đối ngoại Hội nhà văn Nga) đỗ xe rồi mọi người đi bộ qua thư viện mang tên Lê- Nin. Trước sân thư viện là tượng của Đốt xtoepxki. Vũ Nho lấy làm lạ. Hơn hai mươi năm trước, đã từng đọc sách cả tháng trong thư viện này. Lại còn tra giúp tài liệu về Văn tâm điêu long cho bạn cùng khoa là Bàn Tiến Tân nữa. Rõ là không có tượng Đốt. Hỏi lại Oleg Bavykin. Quả đúng như vậy. Bức tượng này mới được đặt trong vòng một chục năm nay.

Mua vé vào cửa đã đông. Xếp hàng vào cửa lại càng đông. Oleg láu cá đã chia đoàn thành hai nhóm. Một nhóm xếp hàng mua vé. Một nhóm xếp hàng đợi vào. Khi có vé thì không phải xếp hàng nữa. Quả là một sáng kiến hay. Tiết kiệm thời gian. Nhưng hóa ra thiên hạ cũng có người làm. Người đứng trước mình không vào mà nhường cho mình lên. Thì ra là chưa có vé.

          Bảo tàng là một nơi rộng mênh mông với ti tỉ thứ để xem. Nào là Thần công- Vua, nào là chuông vỡ, nào là nhà thờ với những hầm mộ, nào là chỗ cầu nguyện, giáo đường, tu viện, nào là những vòm củ hành dát vàng,… Khẩu thần công Vua quả là xứng với cái tên của nó. Nó được đúc bằng đồng năm 1586 ở xưởng thần công Mát xcơva. Chu vi thân 0,890 mét, dài 5,340 mét, nặng 40 tấn. Viên đạn nặng 1 tấn. Người thợ đúc là An đrây Chokhovoi. Đến năm 1835 thì bệ súng mới được đúc bằng gang ở Pê téc bua, theo bản vẽ của Kiến trúc sư A.P. Briulov. Bệ súng nặng 15 tấn.  Quả chuông khổng lồ thì cả nhóm  bốn người đứng không che kín mảnh vỡ chỗ váy chuông.

Đi mỏi cả chân. Thế rồi đi ra, chờ Oleg mang ô tô đến để chở ra quảng trường Đỏ. Cả đoàn lại duyệt bộ trên quảng trường. Lăng mộ LêNin vẫn còn đó. Nhưng không có người gác. Và cũng không mở cửa. Năm xưa, trước khi về nước, tôi cũng cố xen vào một hàng khác đứng chờ để được viếng Lê Nin. ( Cũng tò mò xem xác ướp của cụ có khác Bác Hồ ở  lăng Ba Đình không). Bây giờ chụp cho Hoàng Minh Tường một kiểu ảnh. Rồi cả bọn lại duyệt binh trên quảng trường. Vũ Nho trêu đùa là trong Binh đoàn nhà văn Việt Nam tham dự Lễ diễu binh tưởng tượng, có nữ nhà văn Y Ban trong trang phục quần đùi mốt nhất thế giới!


          Trên quảng trường còn lưu lại dấu vết đài xử giảo ngày xưa. Bây giờ mọi người ném tiền xu vào đó để cầu phúc. Cả đoàn chưa tiêu nhiều nên chẳng ai có đồng xu mẻ nào để cầu.

Điều thú vị nhất là những bức vẽ trên vải che ngôi nhà cũ bị phá đi xây lại. Các bác Nga cứ xây ở bên kia, bên này khách du lịch cứ việc tham quan. Đấy chẳng qua chỉ là vải da rắn mà Hà Nội vẫn che các nhà xây dở. Nhưng họ làm đẹp và khéo đến nỗi cứ nghĩ đó là các tòa nhà cổ kính tự ngày xưa!



Trước khẩu Thần công siêu khủng ở Kremli



Van Đai – thiên đường trên mặt đất

Van Đai và Iadenbisy được coi là những địa danh lịch sử của Liên bang Nga. Nơi đây có nhà nghỉ của gia đình Oleg Bavykin, Trưởng ban đối ngoại của Hội nhà văn Nga.

Người van Đai tự hào nói rằng: Trên bầu trời có Thiên Đường, còn trên mặt đất có Van Đai…

Chúng tôi vinh dự đã được có mặt ở thiên đường trên mặt đất!

Điều thú vị nhất là nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà họa sĩ, nhạc sĩ Nga gắn liền tên tuổi với Van Đai. Có thể ra một số tên tuổi quen biết với chúng ta như : G.P. Decgiavin, A.N. Radisev, A.X. Puskin, A.I. Ghéc-xen, A.N. Tôn xtôi, V.P. Oxtrovxki…

A.X.Puskin đã từng qua Van Đai và mua bánh mì vòng nổi tiếng thơm ngon của các cô gái xinh đẹp bán hàng. Giai thoại kể rằng người đẹp mang cả xâu bánh mì vòng, khách mua mỗi chiếc thì nhận được một nụ hôn. Nhà thơ đã mua bánh và hôn đến kiệt sức…

Chúng tôi lên tàu hỏa đi Xanh Pê tec bua để đến Van Đai.

Quãng 1 giờ đêm, Oleg đánh thức tất cả dậy. Đánh răng, rửa mặt. Đã sắp đến Ga VanĐai. Trời tối, có mưa lất phất. Cả nhóm lịch kịch xuống tàu. Hai ta xi đã chờ sẵn.  Kim Hiền, Y Ban, Hoàng Minh Tường một xe. Vũ Nho,  Lê Văn Thảo  và Oleg xe kia. Xe đi được một đoạn. Qua điểm bán thực phẩm phục vụ 24/24 giờ. Oleg ra hiệu cho xe dừng lại để vào mua thực phẩm. Đủ các thứ bia, bánh, cá, giò, rau quả. Tường, cùng Hiền và Oleg vào mua. Vũ Nho với anh Thảo ngồi trong xe tán chuyện. Ta xi đi chừng nửa tiếng gì đó thì đến nhà nghỉ của Oleg. Cả nhóm  lại lịch kịch khuân đồ xuống. Ông tài xế khoe bắt được con rái cá để ở sau xe. Mọi người xúm vào xem. Ông tài xế tỏ ý sẵn sàng cho nếu các cô gái đồng ý nhận. Cả nhóm cám ơn. Con rái cá bị buộc trong khoang xe phía sau có lẽ đến bảy tám cân. Nhưng nhận con rái cá thì nuôi thế nào, cho ăn ra sao? Cám ơn là thượng sách.

Khuân đồ vào nhà gỗ của Oleg. Đúng là nhà nghỉ của Bá tước. Qua phòng ngoài, phòng giữa vào phòng trong. Cơ man sách vở. Mọi người uống chè nóng, ăn bánh rồi dọn chỗ nghỉ. Hai cô tiểu thư mỗi cô một buồng riêng ở tầng hai. Anh Thảo chọn đivăng tầng hai ( Vũ Nho nhận xét rằng Trưởng đoàn chọn chỗ đắc địa để canh gác và bảo vệ hai cô nương). Vũ Nho cũng có một phòng riêng ở tầng hai. Căn buồng riêng ở tầng ba để không. Hoàng Minh Tường và Oleg ngủ ở tầng một.

Khoảng 9, 10 giờ sáng  thì dậy.  YBan và Kim Hiền chuẩn bị bữa ăn. Hoàng Minh Tường đi múc nước.  Vũ Nho theo Oleg chở củi xuống đốt lò nhà tắm hơi để chuẩn bị cho buổi chiều. Anh Thảo  cùng với các cô lo bày biện bàn ăn.

Buổi chiều Oleg đưa cả đoàn đi tham dự lễ hội lần thứ bảy cạnh cây thánh giá trong rừng.

Đây là lễ hội được tổ chức mỗi năm một lần. Lần này là lần thứ Bảy. Theo một bài báo mà Oleg viết trên tờ Văn học, khi quân Mông cổ đến đây, chuẩn bị tiến đánh Nopgorot thì xảy ra một sự kiện khiến chúng đột ngột rút lui. Lí do là quân sĩ bị sa xuống đầm lầy rất nguy hiểm. Đứa cháu gái của Thành Cát Tư Hãn bị chết đuối trên sông. Mặt khác, nội bộ có sự chia rẽ, lục đục. Đội quân xâm lược bỗng gặp cây thánh giá chính giáo Nga trong rừng. Có lẽ tin rằng đây là điềm báo không thể đi tiếp. Chủ tướng hạ lệnh quân sĩ quay về. Nhờ đó mà thành Nopgorot không bị quân Tác ta Mông cổ xâm lược.

Buổi chiều hôm đó nắng rất đẹp. Muỗi rừng nhiều vô kể. Những người tham dự đều cầm một cành cây xanh xua muỗi. Đây là nơi giáp ranh của ba huyện ( rai-ôn). Các vị quan khách lần lượt phát biểu. Mỗi vị đứng đầu huyện sau khi phát biểu xong đều giới thiệu đội văn nghệ của huyện mình biểu diễn. Oleg cũng phát biểu. Sau đó anh giới thiệu Đoàn nhà văn Việt Nam (lần đầu tiên có khách quốc tế đến dự Lễ hội).Anh Lê Văn Thảo phát biểu. Nguyễn Thị Kim Hiền dịch ra tiếng Nga. Anh nói đại ý vui mừng được tham dự lễ hội. Cả người Nga và người Việt xưa kia đều có chung kẻ thù là giặc Tac-ta Mông cổ. Chúng ta là bạn bè. Giặc Tác ta đã phải rút lui ở đất này. Chúng cũng ba lần bị đánh bại ở Việt Nam. Đặc biệt là trận chiến thắng lần thứ ba trên sông Bạch Đằng. Người Việt Nam đã dùng những cọc gỗ cắm trên sông. Khi nước lên, chiến thuyền quân giặc không nhìn thấy nên đã sa vào trận địa. Quân đội Việt Nam phản công, thuyền giặc bị va vào cọc vỡ và bị đắm. Hiện những cọc gỗ này vẫn còn  lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử, ở tỉnh Quảng Ninh là tỉnh kết nghĩa với thành phố Nopgorot. Chúng tôi rất vui mời các bạn Nga đến Việt Nam, thăm vịnh Hạ Long, kì quan thiên nhiên của thế giới và xem cọc gỗ Bạch Đằng.

Bài phát biểu của Trưởng đoàn Lê Văn Thảo được nhiệt liệt hoan nghênh. Nhóm  Ban, Tường, Nho hát dân ca và bài hát Nga. Rồi cả nhóm kể cả Trưởng đoàn tham gia các trò chơi dân gian.

Y Ban hôm đó ăn mặc phong phanh nên hơi bị lạnh. Vũ Nho xui đến chỗ bếp than nướng thịt cừu cho ấm. Không những  được ấm, tránh muỗi, Y Ban còn được vị đầu bếp hướng dẫn nướng thịt. Có lẽ nhờ vía của Ban nên thịt nướng bán chạy. Sau đó đầu bếp còn tặng một xâu thịt ngon nhất để cám ơn. Cả nhóm ăn nhẹ, uống rượu sau khi lễ hội kết thúc. Có thứ rau thơm mà Va-xi-a ( bạn của Oleg trồng) rất độc đáo. Gọi là rau anh ăn chị sướng. Cả trưởng đoàn, Oleg, Vũ Nho và Hoàng Minh Tường đều gật gù thưởng thức. Không rõ Oleg và Hoàng Minh Tường thế nào, chứ Trưởng đoàn và Vũ Nho thì cầm chắc là chẳng làm ai sướng cả!






Dọn cỏ bên ngoài nhà nghỉ của Oleg ở Van Đai Thiên Đường



Gặp gỡ ở Nopgorot

Nopgorot tên đầy đủ là Veli ki Nopgorot ( Nốpgorot Vĩ đại) để phân biệt với thành phố Nhigiơnhi Nopgorot. Thành phố này đã kỉ niệm 1150 năm ngày thành lập vào năm 2009. Người Nga coi đây là Ông tổ các thành phố của Nga. A.X.Pu skin đã từng viết :

          Ở đây là tâm hồn Nga

          Chính nơi đây hương vị Nga ngào ngạt!

( Tôi thấy câu này ghi trên tập Bưu ảnh về thành phố  Veliki Nopgorot, nhưng tôi cũng thấy câu thơ này của A.Puskin được kẻ trang trọng trên tường rào lối vào nhà thơ gỗ ở Xuzđan. Mới biết các bác Nga ai cũng muốn nhận phần đẹp về mình).

Buổi tối đi gặp các nhà văn ở địa phương.  Các bạn muốn mọi người đi bộ qua cầu, đến nơi gặp gỡ để có điều kiện ngắm cảnh. Đích thân chủ tịch Hội nhà văn Nopgorot lái xe đợi Đoàn ở bên kia cầu. Không khí gặp gỡ thật ấm áp, thân tình. Vũ Nho giới thiệu thành phần của Đoàn với các bạn Nga. Trưởng đoàn Lê văn Thảo là cây văn xuôi, đã được giải thưởng nhà nước và giải thưởng Asean. Nhà văn Hoàng Minh Tường, nhà tiểu thuyết nhiều thành tựu. Nữ nhà văn Y Ban, một cây bút nữ sung sức. Còn nhà văn Vũ Nho đã từng bảo vệ Tiến sĩ ở Nga, là người viết phê bình và dịch thuật khiêm tốn.

Đoàn tặng các bạn chiếc đĩa sứ có in câu thơ Xuân Quỳnh và một số sách : Cơn giông, tiểu thuyết của Lê Văn Thảo, Truyện ngắn Hoàng Minh Tường của Hoàng Minh Tường, Hành trình tờ tiền giả của Y Ban. Vũ Nho có Truyện cổ tích dành cho người lớn ( dịch của Xantưcov- Sê đrin), Đi giữa miền thơTam ca. Mọi người hát, đọc thơ. Bạn hỏi về khuynh hướng sáng tác hiện nay ở Việt Nam. Y Ban đọc thơ của Giáng Vân, sau đó hát bài thơ phổ nhạc. Anh Lê Văn Thảo hát Ru con Nam bộ. Vũ Nho và Hoàng Minh Tường hát tiếng Nga, đọc thơ. Oleg đọc bản dịch ra tiếng Nga bài thơ Phan Thiết có anh tôi của Hữu Thỉnh. Anh Thảo tặng khăn cho Xvetlana, nữ  nhà báo làm thơ và tặng cho cháu bé nhất theo mẹ đến cuộc gặp.

 Sau đó  đoàn đi bộ, ngắm cảnh thành Novgorot. Tất cả tường thành, tháp canh giống hệt như kiến trúc khu Kremli ở Mat xcơva. Vừa đi dọc bờ sông vừa chụp ảnh. Có một nơi đặc biệt là đài nước với các quốc huy của những nước châu Âu xưa từng buôn bán với Novgorot. Không biết Nicôlai kiếm đâu được hai đồng tiền đưa cho Vũ Nho một và Y Ban một. Mỗi người ước một điều và tung đồng tiền vào lòng đài nước để điều ước được thực hiện. Y Ban lầm bẩm ước rất thành kính. Vũ Nho cũng ước chuyến đi trót lọt, may mắn và sớm về nhà  bình yên.

Sau buổi gặp, mọi người đến ăn tối với họa sĩ, mạnh thường quân của các nhà văn. Kì lạ là anh ta không biết uống rượu. Hiện ở tạm trong Tu viện đang sửa. Khi mọi người đổ bộ vào nhà, anh vẫn còn đang dở việc. Giá vẽ được xếp lại, bàn được bày ra. Chủ tịch Hội nhà văn Nopgorot đến muộn. Không khí rất thân tình. Nhà thơ nữ tóc vàng hát thơ phổ nhạc và tự đệm ghi ta.  Y Ban, Hoàng Minh Tường hát. Uống rượu, trò chuyện. Đặc biệt là uống theo kiểu khát vọng. Y Ban hưng phấn tuyên bố rằng điều ước đã bắt đầu linh nghiệm và một truyện ngắn cũng đã được thai nghén xong. Y Ban, Hoàng Minh Tường, Oleg đều đùa tỏ ý muốn ở lại Nopgorot.  Anh Lê Văn Thảo nói nếu Vũ Nho muốn ở lại nữa thì một mình Lê Văn Thảo cũng vẫn đi Xanh Pêtecbua với 4 vai : Trưởng đoàn, kiêm phó đoàn, kiêm thành viên và phiên dịch. Mọi người thích thú về quyết tâm quá cao của Trưởng đoàn.




Chụp ảnh với các nhà văn Nga ở Veeliki - Novgorot
 ( Còn tiếp)
Bài đã đăng trên Blog cũ trên Yahoo.

2 nhận xét:

  1. Lễ diễu binh, rồi đến Van Đai, Bác có (đã) mua bánh mì vòng nổi tiếng thơm ngon của các cô gái xinh đẹp và hôn đến kiệt sức…?
    và thấy người hát dân ca.
    .
    Bài viết thú vị về bạn bè và Nước Nga.

    Trả lờiXóa
  2. Bây giờ không còn tục bán bánh mì vòng. Nhưng uống rượu thì cũng say... gần kiệt sức!
    Cám ơn bác đã ghé thăm và có nhời động viên!
    Chủ trang
    Vũ Nho

    Trả lờiXóa