Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

NÉT NGÀI HAY NÉT NGƯỜI?






                                                   Vũ Nho chủ trang
Nét ngài hay nét người?



                             Vũ Nho



Tôi nhận được một thư điện tử của một em học sinh, trong đó  nêu câu hỏi như sau :



“Trong sách  Ngữ văn 9 tập 1, hai  câu thơ miêu tả Thúy Vân:

Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang

Em đọc thấy chú thích : nét ngài nở nang ( nét ngài : nét lông mày): ý nói lông mày hơi đậm, cốt tả đôi mắt đẹp. Cả câu thơ nhằm gợi tả vẻ đẹp phúc hậu của Thúy Vân. Thành ngữ Việt có câu “ mắt phượng mày ngài”.

Cô giáo em lại giảng rằng ngài là tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, có nghĩa là người. Nét ngài nở nang nghĩa là nét người nở nang.

Thầy có thể giải thích cho em phải hiểu như thế nào mới đúng ạ?”



          Quả thật, đây là một câu hỏi khó. Cũng đã có  một số người bàn về  câu thơ này.  Vấn đề  là hiểu nét ngài chỉ lông mày hay nét ngài chỉ  nét người. Tôi cũng đã nghĩ ngợi nhiều về chuyện trên. Nay  nhân câu hỏi này, muốn trình bày những điều đã nghĩ.

Trước hết, trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, đúng là  có từ ngài có nghĩa là người. Tôi nhớ , trong  một bài báo, nhà thơ Vương Trọng đã đề nghị hiểu nét ngàinét người. Tác giả Hữu Đạt, trong cuốn sách Ngôn ngữ thơ Việt Nam, nxb Giáo dục 1996 cũng đề nghị cách hiểu này. Tác giả  viết: “ Nghĩa là “lông mày” không thể đi với “nở nang” được. Giữa chúng không có sự tương hợp về ý nghĩa, ngữ pháp. Còn hiểu là “nét người” thì câu thơ trở nên cân đối và rất chỉnh:

          Khuôn trăng đầy đặn, nét người nở nang

Hai vế cân xứng và đi sóng đôi với nhau” ( trang 182).

Chắc chắn là cô giáo  của em học sinh đã đọc bài viết của nhà thơ Vương Trọng hay sách của tác giả Hữu Đạt nên mới giảng như thế.



Ban đầu tôi cũng thấy cách giải thích như vậy là có lí. Nhưng sau, nghĩ lại thì thấy tuy có vẻ hợp lí nhưng lại bất ổn. Vấn đề là ở chỗ cô Vân, cô Kiều đều là những tiểu thư khuê các. Vóc dáng, nét người các tiểu thư không thể là nở nang. Cụ Nguyễn Du đã tả hai cô:

          Mai cốt cách, tuyết tinh thần

          Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười

Mai cốt cách là cốt cách của cây mai mảnh dẻ, thanh tao.


Chỗ khác cụ viết về Kiều : Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai.

Như vậy, quan niệm về cái đẹp của thiếu nữ khuê các là vóc dáng  gầy, mảnh dẻ, thanh tao.  Chả thế mà người đẹp được ví với liễu yếu, đào tơ. Gọi theo từ ngữ hiện đại  thì người đẹp có dáng người dây.  Thật xa lạ với các cụ  cái đẹp khỏe khoắn và có phần chân mộc của thôn nữ “ nét người nở nang”.

          Mặt khác, cũng trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du còn viết:

                   Khi khóe hạnh khi nét ngài

                   Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa

Cụ Đào Duy Anh giải thích “Dùng từ nét ngài ở đây để chỉ sự nhăn lông mày như Tây Thi” ( Từ điển Truyện Kiều nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1974, trang 264).

Ấy là chưa kể cũng trong Truyện Kiều, khi tả các cô gái cùng làm nghề kĩ nữ trong lầu xanh như Kiều, cụ Nguyễn Du viết:

          Bên thì mấy ả mày ngài

          Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi

Như vậy nét ngài, hay mày ngài đều phải hiểu là ngài chứ không thể hiểu là người được. Đặc biệt là trường hợp mày ngài.



Bên trên đã nói là vấn đề khó. Bởi vì nếu chỉ có  ba trường hợp Nguyễn Du viết nét ngàimày ngài về cô Vân, cô Kiều và các cô gái kĩ nữ khác ( Xin mở ngoặc  nghề kĩ nữ đòi hỏi phải là người đẹp mới có thể thu hút khách) thì không còn gì phải băn khoăn. Oái oăm ở chỗ khi miêu tả Từ Hải, một vị anh hùng, cụ lại cũng tả:

          Râu hùm, hàm én, mày ngài

          Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao

Không chỉ tả một lần gặp đầu tiên, khi Từ Hải  thành công về đón Kiều:

          Rỡ mình là vẻ cân đai

          Hãy còn hàm én mày ngài như xưa

         

Vậy là Từ Hải cũng có mày ngài. Các cô kĩ nữ khác cũng có mày ngài. Nếu mày ngài là đẹp, thì chả lẽ cụ Nguyễn  Du lại tả Từ Hải có vẻ đẹp của thiếu nữ, kết hợp với cái đẹp oai phong của hùm, của én hay sao?



Đến đây thì tôi  tra cứu Đoạn trường tân thanh – Truyện Kiều đối chiếu Nôm-Quốc ngữ của cụ Thế Anh ( nhà xuất bản Văn học, 1999) xem  thế nào.

Trong 11 bản nôm mà cụ Thế Anh đối chiếu thì:

Câu thơ 20 :  Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang

- Bản Kim Vân Kiều tân tập ( 1906) chép : khuôn lưng, 10 bản khác chép khuôn trăng.

- Có ba bản là  Kim Vân Kiều tân truyện ( Abel des Michels dịch ra tiếng Pháp 1884), Kim Vân Kiều Tân truyện, Phúc Văn Đường tàng bản ( 1932) và Bản Kiều do cụ Chu Phi Bằng chép tay ở Diễn Châu, Nghệ An, chép  nét người. Còn lại 8 bản khác chép  nét ngài.



Câu thơ 1213 : Khi khóe hạnh khi nét ngài

- Cả 11 bản đều chép nét ngài như nhau.



Câu thơ 927 : Bên thì mấy ả mày ngài

- Cả 11 bản đều chép như nhau.



Câu thơ 2167 : Râu hùm, hàm én, mày ngài

- Có hai bản Thúy Kiều truyện tường chú (1974) và Kim Vân Kiều quảng tập truyện ( 1916) chép hàm én. 9 bản khác chép  cằm én.

- Mày ngài thì cả 11 bản chép như nhau.



Câu thơ 2274: Hãy còn hàm én mày ngài như xưa

- Cả 11 bản đều chép như nhau.



Như vậy mày ngài trong cả ba  câu thơ, 11 bản Kiều đều chép như nhau.

Nét ngài  ở câu 20 thì có 3 bản chép  nét người, còn 8 bản chép  nét ngài.

Nét ngài  ở câu 1213 thì cả 11 bản chép như nhau.



Có thể kết luận sơ bộ: nét ngài là nét lông mày cong, như râu con ngài  ( con bướm tằm) mảnh, thanh, xinh đẹp.

Mày ngài có hai nghĩa, nghĩa 1 cho câu thơ 927, nghĩa 2 cho câu 2167 và 2274.

Mày ngài ở câu thơ 927, cụ Đào Duy Anh  giải thích: “1. Mày ngài : lông mày như râu con ngài, chữ Hán là “nga my”, tức lông mày nhỏ mà dài của người đẹp; sau dùng từ “nga my” tức mày ngài để chỉ người đẹp. Ví dụ Mấy ả mày ngài, câu 927. ( Từ điển  Truyện Kiều, sách đã dẫn, trang 236).



Còn mày ngài của Từ Hải ở câu thơ 2167 và 2274 thì cần hiều  là “ mi nhược ngọa tằm” ( Lông mày như con tằm nằm ngang). Cụ Đào Duy Anh giải thích “ 2. Cũng có nghĩa là lông mày rậm, tướng mạo của người trượng phu. Có lẽ theo câu “my nhược ngọa tằm” của sách tướng, nghĩa là lông mày giống con tằm nằm. ( Từ điển đã dẫn, trang 236, 237).

          Theo thiển ý của tôi thì nên xếp hai từ mày ngài của phụ nữ và mày ngài của Từ Hải  là hai từ đồng âm. Một từ được tạo thành từ gốc nga mi tức là râu con bướm tằm để chỉ lông mày đẹp của phụ nữ. Còn từ kia được tạo thành từ gốc “my nhược ngọa tằm” chỉ tướng mạo của người trượng phu. Hai từ đồng âm này khác nghĩa nhau là điều đương nhiên. Nếu coi là một từ có hai nghĩa như cụ Đào Duy Anh chú thì có lẽ không thật ổn.

          Còn nét ngài thì chắc chắn là nét lông mày, vì ngoài  quan niệm thẩm mĩ của người xưa, câu tả nét ngài nở nang, còn có câu thơ Khi khóe hạnh, khi nét ngài không cho phép hiểu khác!

                                                             Hà Nội, 24/4/2011

Tài liệu tham khảo:

Ngữ văn 9, tập 1, nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2005.

Đào Duy Anh - Từ điển Truyện Kiều, nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974.

Hữu Đạt - Ngôn ngữ thơ Việt Nam, nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội,  1996.

Thế Anh - Đoạn trường tân thanh – Truyện Kiều đối chiếu Nôm-Quốc ngữ, nhà xuất bản Văn học, Hà Nội,  1999.




7 nhận xét:

  1. Bác Nho còn nhớ câu hỏi của Tây Nguyên Xanh lúc mới đọc blog của bác không? haha. tự dưng nhớ thuở ấy quá bác ơi hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Còn nhớ bài trả lời giáo viên Hóa yêu Văn!
      Sẽ đăng lại trên Blog này!

      Xóa
  2. Nhất trí với bác Vũ về cách gọi hoa Huệ tây (hoa Loa kèn) và hoa huệ nhà quê ta. Ôi, một thời sính Tây rồi nhớ Tây, chê Tầu rồi vẫn Tàu. Rõ là, nước Việt mình là thế: ‘Ghét người, yêu của’.
    Bác thật cẩn trọng khi phản biện cho ‘nét ngài’ thay cho ‘nét người’ theo PP thống kê về tần suất xuất hiện trong thư tịch; nể Bác, con người của khoa học.
    Em là nông dân, cứ nghĩ: nếu là ‘nét người’ e rằng phải dùng thư pháp cho Thúy; chứ nét người như mấy vị gái đòi về hưu độ tuổi 60 thì như thịt đông gà tăng trọng.
    Em nhớ câu thơ Kiều Hiên sân treo sẵn cầm trăng trong Kiều. Gần như các minh họa là Thúy ôm đàn tỳ bà. Nhưng hãy đọc thêm, So dần dây vũ ,dây văn/ Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương, mới hiểu Kiều với cây đàn Nguyệt. Theo sự diễn đạt của cụ Nguyễn Du thì Thúy Kiều phải cầm đàn Nguyệt cầm mới đúng.
    Xưa công nghệ in chưa phát triển, sự lầm lẫn là không tránh khỏi. Bác Bulukin, PNHiep biết chữ Nôm thật hay.
    Chúc Bác vui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn nhận xét của bác!
      Về cây đàn của Kiều thì đàn nguyệt là không cần bàn cãi. Vì "cầm trăng" chính là được cụ Nguyễn chuyển từ Nguyệt Cầm. Cụ giữ một nửa Hán, một nửa Việt, chứ không dịch cả thành : Đàn trăng.
      Người ta vẽ Kiều ôm đàn tì bà, có lẽ cây đàn đó tạo hình đẹp hơn đàn NGUYỆT chăng?
      Chúc bác vui vẻ!
      VN

      Xóa
  3. Kính chào bác Vũ Nho. Đến bây giờ, mới tìm lại được blog của bác đấy ạ.

    Truyện Kiều còn thì nước ta còn, nên cứ tranh luận về câu chữ Truyện Kiều cũng là giúp đất nước ta còn !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Giao!
      Sau khi Blog Yahoo giải tán, không tìm được địa chỉ quen. Cái anh Blogspot có nhiều hạn chế, nhưng dùng tạm cũng được! Khi rảnh mời Giao ghé chơi. Nếu tiện, cho tôi đường link tới Blog mới.
      VN

      Xóa
    2. Kính gửi bác ạ: http://giaovn.blogspot.com/


      Cái này, cháu cũng mới lập. Mới đầu bỡ ngỡ, rồi cũng quen ngay ạ.

      Xóa