Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

MỘT KHOẢNG TRỜI MÁT ÊM





MỘT KHOẢNG TRỜI MÁT ÊM
       Vũ Nho



          Nếu cần một “tiểu dẫn” để vào thơ Lâm Thị Mĩ Dạ thì có lẽ không gì thích hợp hơn là những khổ thơ này:

          Em có những ban mai giấu trong hồn như lửa

          Em có nỗi buồn như tro

          Hoang lạnh cả một thời thiếu nữ

          Em có những ngọt ngào chưa tan

          Thấm dịu cả tháng ngày lam lũ […]

          Tròn đầy như nắng

          Xanh mềm như cỏ

          Dịu hiền như sông

          Hồn nhiên như gió

          Như thác quyết liệt

          Như núi nghĩ suy

          Như đất thầm lặng

          Chứa bao diệu kì

                   Anh đã nhìn thấy em

Bức chân dung tinh thần tự họa ấy đã thể hiện khá rõ nét và trọn vẹn trong những bài thơ của Lâm Thị Mĩ Dạ kể từ khi chị cho in Trái tim sinh nở cho đến tập thơ tình gần đây nhất có phụ đề  Chỉ riêng mình em thấy.

          Lâm Thị Mĩ Dạ xuất hiện và lập tức nổi tiếng trên thi đàn khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang bước vào giai đoạn gay go ác liệt nhất. Phải nói rằng sự xuất hiện của giọng thơ Mĩ Dạ khá lạ lùng “ Như khoảng trời trẻ thơ mát êm/ Như cánh cò vỗ nhẹ trong đêm”. Nói vậy, bởi khi ấy chiến tranh khốc liệt, bom đạn ngút trời, nhưng thơ Lâm Thị Mĩ Dạ tạo ra một khoảng trời riêng chỉ thấy bình tĩnh, tự tin, mơ mộng và bình yên:

          Mỗi người đội một vành trăng nhỏ

          Chấp chới nghiêng trên thảm lúa vàng

                                                Gặt đêm

Đó là những cô gái Quảng Bình đi gặt đêm để tránh tàu bay Mĩ. Những cô gái không sợ bom đạn giặc, nhưng lại có cái sợ rất là con gái :

          Đạn bom thù chẳng sợ đâu

          Chỉ e sương ướt mái đầu lá chanh

                                      Gặt đêm

Tinh thần “không sợ” là âm hưởng chung của thơ chúng ta khi ấy mà rõ nét nhất là thơ chú bé Khoa. Năm 1968, trước Mĩ Dạ một số năm  Trần Đăng Khoa đã tuyên bố dõng dạc:

          Ao trường vẫn nở hoa sen

          Bờ ao vẫn chú dế mèn vuốt râu

          Chúng tôi chẳng sợ Mĩ đâu

                             Gửi bạn Chi Lê

Nghĩa là Mĩ không dọa được ai hết. Từ  bông hoa, con dế cho đến trẻ con, không ai sợ Mĩ cả. Nhưng Lâm Thị Mĩ Dạ không đi sâu vào thời sự, chính trị một cách trực tiếp mà chị có một cách cảm nhận và thể hiện riêng. Chị nhìn thấy khoảng trời ngập nắng trong hố bom kẻ thù giết người con gái “ thịt da mềm mại, trắng trong”, chị ca ngợi   bàn tay “có mắt, có tai” làm việc chi cũng được. Có lẽ “khoảng trời con gái” là một khoảng trời riêng mà thơ Mĩ Dạ ngay từ đầu đã góp phần phát hiện và khẳng định.

                                                *

          Khi bước vào làng thơ, Mĩ Dạ đã đem theo mình sự dịu dàng, hồn nhiên, trong trẻo. Chị có một “trái tim dịu dàng/Dịu dàng đến tận cùng trong suốt” ( Tôi thấy mình). Phẩm chất dịu dàng được chị đánh giá rất cao, cao hơn cả vẻ đẹp trời cho, mặc dù chính chị cũng là người có được cái may mắn trời cho ấy:

          Phụ nữ cần dịu dàng tinh tế

          Hơn cả phần sắc đẹp trời cho

                                      Hãy cho anh dịu dàng


Điều quan trọng là  Mĩ Dạ luôn luôn  giữ được cho thơ mình sự dịu dàng, hồn nhiên trong trẻo, bất chấp cuộc đời và lòng người nhiều bất trắc. Trong bài thơ “Trắng trong” được phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng, Mĩ Dạ dành cho con lời ru về sự nhân hậu, trắng trong:

          Rồi mai khôn lớn

          Con ơi hãy nghĩ

          Những điều trắng trong

Dặn dò con như vậy và Mĩ Dạ cũng sống theo tín niệm ấy. Bởi thế mà biết rằng : “Lòng người hơn Bayon/ Bốn mặt còn chưa đủ/Biến hóa còn nhiều hơn” , Mĩ Dạ vẫn xử sự theo bản tính của mình:

          Xin biết ơn mây trắng

          Cho tôi lòng bao dung

                             Ngước nhìn trời cao

Chị chấp nhận những thị phi, những thách thức:

          Bao lời tiếng lấm lem bùn đất

          Bao đêm trắng tơ giăng chóng mặt

                                      Cho anh tựa vào em

Chị lặng lẽ, âm thầm chịu dựng “Em quằn mình như rễ giữa đất im” ( Cho anh tựa vào em). Có lẽ lòng tự hào,  niềm kiêu hãnh “ như trời xanh đo mãi không cùng” ( Lòng kiêu hãnh) đã giúp cho Mĩ Dạ khắc chế được nỗi buồn riêng, nỗi buồn chết người “ Em chết trong nỗi buồn/ Chết như những giọt sương/ Rơi không thành tiếng” (Tặng nỗi buồn riêng) để thơ chị cũng như cuộc đời chị giữ được sự hồn nhiên, tươi tắn:

          Buồn lo lặn vào trong mắt

          Nụ cười cứ nở trên môi

                             Một thời con gái

Không phải là không có lúc ngậm ngùi nhận ra sự thay đổi của mình khi từ thiếu nữ thành thiếu phụ, khi từ người hồn nhiên thành người của suy tư:

          Em đâu còn là em

          Tiên nữ trong cây

          Trinh nữ trong gai

          Ánh cầu vồng bảy sắc

          Tia nắng dịu dàng anh đuổi bắt

          Em đã thành người đàn bà khác

                             Nụ tầm xuân đã khác

Có thể có nhiều điều khác, nhưng sự trong trẻo và hồn nhiên thì hầu như vẫn vẹn nguyên. Mĩ Dạ trong một thời gian rất dài, vẫn giữ được “cái nhìn màu nắng/Thơ ngây dịu dàng” (Nước Nga vừa xanh). Mĩ Dạ vẫn có được sự  trẻ trung : “Ta thành trái mà hồn còn như lá/ Cứ xanh hoài chồi biếc thuở non tơ” ( Ngoảnh lại). Bởi vì người phụ nữ ấy không sợ tuổi, vô tư : “Thôi cứ vô tư như gió/ Cầm tuổi mình tung tẩy reo vang” ( Tuổi). Phải vì thế chăng mà hồn thơ Mĩ Dạ tràn đầy cỏ hoa, xanh mát, dịu dàng?

                                                          *

          Nổi bật trong thơ Lâm Thị Mĩ Dạ là hình ảnh người phụ nữ khát khao hoàn thiện chính mình. Người thơ đã từng trách bạn tình “nông nổi” vì đưa ra quá nhiều lời khen. Phụ nữ nói riêng, và cả nam giới nữa nói chung, ai mà chả thích được khen. Nhưng Lâm Thị Mĩ Dạ lại không bằng lòng khi nhận được những lời khen. Lí do cũng rất thuyết phục:

          Hãy chỉ cho em cái kém

          Để em nên người tốt lành

          Hãy chỉ cho em cái xấu

          Để em chăm chút đời anh

                             Anh đừng khen em

Vì mong muốn hoàn thiện mình nên Mĩ Dạ luôn luôn không thỏa mãn, luôn luôn khao “điều mới lạ”, khát “nỗi khát ra khơi” của một con thuyền. Chị muốn “đập  vỡ mình” ( Nha Trang), muốn được làm cây, làm mây, làm sông ( Làm gì có biển). Tự nhìn vào  sâu thẳm lòng mình, chị bộc bạch : “ Tôi thấy mình như bầu trời thấy mình qua dòng sông”. Và chị khát khao, ao ước:

          Ước gì

          Anh là dòng sông

          Cho em soi thấy mình như trời cao rộng

          Ước gì

          Anh là dòng sông

          Để  tận cùng anh em gặp chính mình

                             Tôi thấy mình

Cũng như vậy, chị mơ ước có một cuộc đời to lớn, đủ rộng, đủ sâu “ Để cho tôi ném đời mình vào đó/ Mà không hề cân nhắc đắn đo/ Rằng cuộc đời ấy còn chưa đủ” ( Không đề). Không thỏa mãn, tự mình vượt lên chính mình nên người thơ cũng đòi hỏi rất cao ở người bạn đời của mình. Đó là sự mơ ước, cũng là sự đòi hỏi đến mức như là không tưởng. Nhưng biết làm sao vì mơ ước là một quyền của mỗi người, nhất là khi người ấy lại là thi sĩ:

          Làm sao anh đủ sâu

          Cho em soi hết bóng

          Làm sao anh đủ rộng

          Che mát cho đời em

          Làm sao anh đủ cao

          Để thấy em cho hết

                   Nhỏ bé tựa búp bê

Cả đến khi tưởng như đã trọn vẹn  niềm hạnh phúc vẫn khôn nguôi niềm khắc khoải, băn khoăn : “ Như lúa hỏi đất/Như cây hỏi gió/ như mây hỏi trời…day dứt trong lòng/ Anh có tốt không” (Anh có tốt không). Người ấy đã “khen em” bằng những lời chân thành và hào phóng, đã “hái tuổi em đầy tay”, đã “hái cả cuộc đời anh cho em” (Anh hái cho em) nhưng hình như bấy nhiêu vẫn còn chưa đủ với trái tim sinh nở giàu khát vọng. Cho nên sẽ không ngạc nhiên khi nhà thơ hướng tới một “người tình hư ảo- một người yêu không có thật trong đời” ( Người tình hư ảo); hướng tới một người “duy nhất” đã nhìn thấy mình; một người “hồn xanh như lá/tâm rộng như trời”, một người tưởng tượng trong tâm tưởng ( Ừ thôi tưởng tượng). Và sẽ như là một hệ quả tất yếu, khi không có người như thế trong đời, người ta sẽ gặp nỗi cô đơn. Không ít lần nhà thơ đối mặt với  cô đơn. Một quỳnh một ta, Một mình là sự cô đơn, Cho anh tựa vào em  cũng là cô đơn khi nhà thơ thú nhận : “ Em tựa vào em đơn độc quen rồi”. Tặng nỗi buồn riêng càng cô đơn khi nhà thơ viết: “ Trái tim em trong trắng/Ai nhận ra?/ Đến như anh-người bạn cùng đường/ Vẫn bước ngoài đời em/ Em lạc cả trong anh/Lạc không tìm ra lối”. Có điều Mĩ Dạ không ngồi gậm nhấm cô đơn, rất may là nhà thơ  luôn tìm cách hóa giải nó.

          Ước gì cầm được cô đơn

          Ném thia lia để hóa buồn thành vui

                             Ném thia lia

          Ước làn hương ở trong nhà

          Để cô đơn chẳng còn là cô đơn

                             Đi qua làn hương

Rồi ước được vô tư như gió, ước bán đêm trắng để đổi về vạt nắng, ước cất giữ được tiếng ve… Rồi mơ thành  chú bé, thành chim, thành giấc mơ ( Đề tặng một giấc mơ). Mơ ước, ước ao chính là thể hiện sự khát khao, mong mỏi vượt ra ngoài cuộc đời chật hẹp để hoàn thiện mình và sống cuộc sống hồn nhiên trọn vẹn “yên lành như quả trên cây” ( Tôi có bao nhiêu đêm trắng).

                                                *

          Mĩ Dạ là một nhà thơ nữ bền bỉ và có một giọng điệu riêng. Chị đã có lúc  kéo lá “cờ trắng” trước thơ.  Có người bảo đó chỉ là một cách nói, một cách khẳng định, tôn vinh thơ cao sang thánh thiện. Có thể. Nhưng nếu như đó là sự thật, là lời tạ từ của nữ thi sĩ thì sao? Thưa, thì cũng không sao cả. Bởi vì những  hạt vàng thơ ca mà người phụ nữ Quảng Bình đã gặt hái được từ buổi “Gặt đêm” đến giờ đã đủ để chị có thể vui vẻ kéo cờ trắng “thả trăng cho rằm/thả mây cho gió/thả xanh cho cỏ/ tôi về với tôi” ( Tôi về với tôi).

                                                    

                                                          Hà Nội, những ngày đầu xuân Kỉ Sửu

                                                         








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét