Truyện ngắn của Cao Lan: BÁNH CHƯNG
[20.01.2014 16:05 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]
(NCTG) “Trong thoáng chốc, anh hình dung ra góc sân nhà, dưới gốc cây ổi, nồi bánh chưng đang sôi sùng sục. Và anh, cạnh đấy, cởi trần vung búa bổ những gộc củi to, xếp thành đống gọn ghẽ. Chiếc áo may ô bộ đội không còn mới đẫm mồ hôi dù đang giữa mùa đông...”.
Minh họa: Internet
Paris!
Anh đi trên chuyến tàu cao tốc từ Poitiers, thành phố miền Tây Nam nước Pháp về Paris. Một tiếng bốn mươi lăm phút, chỉ để gặp một người bạn, đúng hơn, một người chị vừa từ Việt Nam sang, mang cho anh ít quà tết. Hôm đó là mùng một Tết.
Trong một quán café nhỏ trên đồi Montmartre, ngay bên cạnh Nhà thờ Thánh Tâm Sacré Coeur, giữa bao nhiêu con người, không ai để ý đến một chàng trai trẻ Á Đông, tóc đen, mắt đen, ngồi im lặng, mắt nhìn mà như không thấy!
Hai tiếng!
Ba tiếng!
Ba tiếng rưỡi!
Cuối cùng chị bạn cũng đến!
Chỉ có mười phút, khoảng đợi ngắn ngủi cho chị ấy tiếp tục hành trình!
Anh nhận gói quà vuông vức từ trong chiếc túi to chị mang theo đến lệch người.
Uống vội ly café nóng rồi chị lên taxi đi luôn!
Ngồi lại trong quán, anh ngắm rất lâu rồi mới mở bọc quà!
Một chiếc bánh chưng, một gói ni-lông đựng nấm hương xâu thành chuỗi dài. Một gói miến, một bó măng khô!
Mẹ!
Trong thoáng chốc, anh hình dung ra góc sân nhà, dưới gốc cây ổi, nồi bánh chưng đang sôi sùng sục. Và anh, cạnh đấy, cởi trần vung búa bổ những gộc củi to, xếp thành đống gọn ghẽ. Chiếc áo may ô bộ đội không còn mới đẫm mồ hôi dù đang giữa mùa đông.
Và mẹ, cầm ấm nước chuyên thêm cho nồi bánh! Khói bốc lên khiến mẹ phải quay mặt đi vì nóng!
Anh không nghĩ là, mình có thể nhớ mẹ đến từng chi tiết như thế!
Từ một tấm bánh chưng bên nhà gửi cho anh, giữa Paris!
Những tháng ngày thơ ấu!
Tết năm nào dù bận bịu đến đâu, quãng hai mươi ba tết là mẹ sắm dần cho nồi bánh! Mỗi ngày đi dạy về, mẹ mang một thứ sau xe đạp. Đầu tiên là mấy bó lá dong. Mẹ mua về xếp trong buồng tắm! Kế đó là gạo nếp, đậu xanh! Sáng hai mươi tám tết, khi trường cho nghỉ, mẹ bắt đầu chuẩn bị gói bánh. Trên sân giếng, mẹ ngồi vo gạo, tiếng vo sàn sạt vào rá tre, mẹ vo đến nước trong vắt mới thôi vì sợ bánh gặp nồm sẽ ôi hỏng!
Rồi ngâm gạo, ngâm đỗ, đãi đỗ, nấu cơm đỗ vắt thành nắm như nắm tay. Mỗi viên đỗ là một nhân bánh, Mẹ đi chợ từ lúc nào, lựa miếng thịt ba chỉ dầy và ngon, mang về thái miếng to, mỗi miếng là một cái bánh, hạt tiêu bắc đã được nướng bằng than hoa, giã dập thơm lừng cùng muối trắng, ướp và để trong nồi! Mười lăm cân gạo, bốn cân thịt, bốn cân đỗ, một lạng tiêu, năm trăm lá dong, ba ống giang. Mẹ tính không thừa một tý nào!
Mẹ sai anh rửa lá, bắt cọ từng chiếc sáng bóng, dạy anh phân biệt lá dong gói bánh với lá dong lông, dạy anh tước sống lá, chặt lá. Rồi lấy chiếc thùng phuy hàng ngày cất kỹ trong buồng ra, cọ sạch, lấy bùn ao trát vào đáy, lót lá và cuống thừa xuống đáy, đợi luộc!
Củi để dành cả năm được mang ra, chín viên gạch kê thành ông đầu rau.
Mẹ gói bánh nhanh thoăn thoắt, chỉ khoảng một tiếng đồng hồ là xong. Mấy chục chiếc bánh vuông vức để trong chiếc nia đợi mẹ xếp vào nồi.
Rồi bắc bếp, xếp củi!
Anh nhớ từng cách mẹ dạy nhóm củi, thêm nước cho nồi bánh không bị khê, không bị lại gạo, nhất định phải là nước sôi!
Mẹ vần cạnh bếp một nồi cháo nhỏ cho các con trông bánh có cái ăn khỏi đói! Ba chị em thay nhau trông bánh, học mẹ thêm nước. Chị Mai được mẹ cho tập gói bánh, chiếc bánh trông thật buồn cười, méo xẹo chả có hình gì, nhưng mẹ vẫn cho vào nồi luộc chung! Sau lớn chị gói bánh khéo vô cùng, đều tăm tắp, chiếc nào cũng giống chiếc nào, mẹ ưng lắm!
Cả ngày trông bánh, đủ mười tiếng, mẹ vớt bánh, rửa sạch, ép bánh trên chiếc ghế dài. Rồi lấy hai chiếc đẹp nhất, xanh nhất, đặt lên đĩa, thắp hương tổ tiên!
Anh thích bánh chưng!
Mẹ biết thế.
Nên nhất định không chịu thôi, tìm bằng được người đi để gửi sang cho anh chiếc bánh ở nhà, anh ăn vào mùng một tết!
Lúc đó, mẹ đã mang trong mình căn bệnh ung thư! Nhưng không nói cho anh biết! Mẹ chỉ muốn anh học tốt, vì giành được học bổng của một trường nghệ thuật danh giá ở Pháp không phải chuyện dễ dàng!
Anh cũng linh cảm thấy một điều gì đó. Nên lo lắng sốt ruột khi không thấy mẹ nhận lời sang thăm anh. Chỉ gửi quà! Và đôi khi linh cảm đó là sự thật! Anh đã để dành chiếc bánh đó suốt hai tuần, ngắm nghía nó, cho đến khi lá ngả vàng, khô cong, mới luộc lại và bóc ăn. Cảm giác sau bao ngày chờ đợi, mùi vị thật không thể nào quên được.
Mẹ ốm nặng!
Hai năm trôi qua, không dài nhưng cũng chẳng ngắn cho những kẻ xa nhà!
Khi anh về nước với tấm bằng thạc sĩ đỏ chói, mẹ chỉ còn da bọc xương!
Mắt trũng xuống, âm u, anh bế mẹ từ trên giường bệnh ra ô tô. Đưa mẹ về ăn tết.
Không ngờ đó là tết cuối cùng của mẹ!
Năm đó, nhà không gói bánh chưng…
Lâu lắm rồi, từ ngày mẹ mất, nhà không gói bánh chưng.
Anh cũng bỏ qua bao cơ hội làm việc và thăng tiến nếu ở lại Pháp, về Việt Nam, chỉ với mong ước được sống gần gia đình và làm công việc mình yêu thích. Nhưng hình như chả có điều gì được như lòng anh mong muốn. Anh mòn mỏi đi, không còn sức sáng tạo, chỉ nhọc nhằn áo cơm mà đủ mệt.
Hôm nay, họp cơ quan, nghe thông báo kế hoạch nghỉ tết dài, anh thật sung sướng. Lâu lắm rồi, anh mới có một cái tết không lịch trình dày đặc theo các sự kiện, được ở nhà với vợ con ăn một cái tết cho đúng nghĩa. Thằng con trai, ngày anh đi Paris, nó vừa tròn hai tuổi, giờ cao gần bằng anh và giống anh thời trai trẻ, ít nói, trầm lặng! Anh muốn con mình được trông bánh chưng cùng bố một năm! Rồi nó cũng giống anh, sẽ đi xa. Anh muốn trong ký ức của nó có những kỷ niệm về gia đình. Những kỷ niệm là do mình tạo dựng. Lịch sử của một con người, lịch sử một gia đình và xa hơn là lịch sử một dân tộc chẳng phải là từ những câu chuyện nhỏ hay sao?
Tối muộn, anh và con ăn xong, vợ anh mới về, hôm nay cô ấy trực.
Đợi vợ tắm xong, khi nàng ngồi trước gương cuộn tóc, bôi kem dưỡng và những thứ gì không biết lên đầy mặt, anh cất tiếng:
- Em à! Năm nay nhà mình gói bánh chưng nhé!
- Em đặt rồi!
- Sao sớm thế!
- Cho xong thôi, vẽ vời làm gì!
“Vẽ vời làm gì!”. Lời nói của nàng bỗng nhiên vang trong trí não anh, như một hòn sỏi, vang trong lòng giếng cạn. Ngay lúc đó, anh chợt nghĩ, hình như - anh đã lâu lắm rồi - và nàng cũng đã lâu lắm rồi, không còn nhu cầu trao đổi tình cảm, chỉ đơn thuần đưa ra những thông tin, và cuộc sống của họ được lập trình ăn, ngủ, làm việc không thay đổi.
Trong một thoáng, anh có cảm giác, nàng đã đóng cửa lòng với anh. Anh không thể biết được nàng nghĩ gì. Và ngược lại, nàng cũng chả quan tâm tới việc anh nghĩ gì nữa. Cô gái - người đàn bà mà anh yêu suốt bảy năm, nâng lên đặt xuống, bỏ rồi quay lại, chờ anh vài năm đi học, sinh con cho anh, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường trong ngôi nhà cha mẹ, nàng có biết anh thích gì không nhỉ? Hay không muốn biết? Hay biết mà không nói… anh không biết nữa!
Anh thở dài, gập máy tính, bỏ ra ngoài ban công, đứng nhìn xuống sân, mắt dừng ở góc trong cùng, đống củi cao chất ngất để mấy năm rồi. Khi xây nhà, hai cây ổi và cây dâu gia xoan bị chặt đi, anh đã xếp tất cả vào đó, cũng chả nghĩ đến để làm gì!
Hôm nay đã là mười chín, chỉ còn mười một ngày nữa là sang năm mới.
Trong thoáng chốc, anh thấy hình ảnh của mình ở góc sân, đang vươn mình bổ gộc củi xoan bằng chiếc búa quả gạo, chuẩn bị luộc bánh, trời lạnh, nhưng áo may ô ướt đẫm mồ hôi, cậu con trai đang giúp anh xếp gọn gàng đống củi, bên cạnh là nồi bánh chưng sôi sùng sục, khói tạt vào khiến anh cay xè, chảy nước mắt!
Và thoáng một tấm lưng mềm cúi xuống, rót thêm nước cho nồi khỏi cạn!
Tết đến đâu đây!
Cao Lan, từ Hà Nội
|
Câu chuyện đã đưa tôi trở về tuổi thơ. Ngày xưa ấy...Những ngày giáp tết rất vui, làm mứt, gói bánh trưng. Đặt biệt, bao giờ tôi cũng nói mẹ luộc bánh vào tối giao thừa. Đến nửa đêm chỉ còn mình tôi trông bánh, tắm, gội đầu bằng nồi nước lá thơm được đặt xung quanh bếp củi luộc bánh, mùi bánh bốc lên thật thơm. Giữ nếp xưa, có gia đình riêng, tôi thường gói bánh vào đêm giao thừa, kể chuyện ngày xưa cho các con nghe, dặn con, mẹ muốn các con sau này vẫn giữ '' lệ gói bánh chưng ngày tết ''. Câu chuyện rất xúc động vì nhiều ý nghĩa. Xin cám ơn tác giả Cao Lan, cám ơn chủ trang Vũ Nho
Trả lờiXóaCám ơn bạn đã ghé trang và chia sẻ!
Xóa