Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Đồng môn nhị lão

Đường Văn

ĐỒNG MÔN NHỊ LÃO

(Tản văn – hồi ức)
Tưởng nhớ hồn linh 2 anh
Nguyễn Quang TrânĐỗ Trung Côn

ĐƯỜNG VĂN

          Anh Nguyễn Quang Trân mà còn sống đến nay cũng đã ngoại bát thập rồi; còn anh Đỗ Trung Côn, nếu không ra đi đột ngột vì 1 cơn suyễn tử thần thì năm tới cũng vào tám mươi tuổi ta. Cả hai anh đều gắn bó lâu năm với ngành giáo dục huyện Thanh Trì, rồi quận Hoàng Mai, phiá Nam Hà Nội. Mỗi người một vẻ, nhưng cả hai đều là những người bạn tri giao vong niên, nhị lão đồng môn một thời sư phạm lớp Văn Sử A ở Cửa Ngòi, Nhạo Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc nửa cuối những năm 60 thế kỷ trước, mà mỗi khi nhớ lại, trong tôi đều dâng lên nỗi bồi hồi, thương tiếc.

          Hẳn giờ đây, ở trên cao, nơi thế giới không màu ấy, hai anh đã và đang tha hồ đàm đạo chuyện văn chương hay rong chơi mặc thích, chẳng màng ngày hay đêm, sớm hay chiều, chắc cũng có khi, ngó xuống trần gian mà thương nhớ mấy chú em, cô em đang dờ dật, vất vưởng gắng sống nốt bên lề cuộc đời miên man gió bụi. Anh Trân đi xa đã dăm bảy mùa xuân ẩm ướt; còn anh Côn giã biệt bạn bè cũng đã gần hơn hai mùa thu qua. Nhưng trong tâm khảm tôi, cả hai anh như vẫn đang đối ẩm chuyện trò rổn rảng đâu đây. Tiếng cười của anh Đỗ vẫn kha kha hào sảng. Còn tiếng cười của anh Trân thì dịu nhẹ; trong khi hơi rít điếu thuốc lào thì lại rất mạnh, cứ song sóc, sòng sọc, rúc lên từng hồi, khói tuôn cuồn cuộn, lúc tranh luận về những cách hiểu khác nhau một câu văn tế của Đồ Chiểu hay một câu thơ chữ Hán, một câu Kiều của Nguyễn Du… Mỗi lúc tỉnh trí nghĩ lại: Thế là không bao giờ được gặp lại 2 ông anh nữa! Tôi vẫn không tin ở chính mình sự thật hiển nhiên này. Bởi thế, trong nửa đêm đông dài, se lạnh, tôi ngồi một mình bên bàn phím, lại miên man nhớ về những kỷ niệm ấm lòng với song lão đồng môn, ngõ hầu cho lòng bớt cô đơn, trống trải…

          Hồi ấy là nửa cuối những năm 60 thế kỷ 20, chúng tôi, những thanh niên nam nữ vừa tuổi 17, 18, sau khi tốt nghiệp lớp 10 phổ thông, sau 1 mùa hè nhởn nhơ, vô tư cuối cùng của đời học sinh, đươc/bị nhận Giấy triệu tập học của Trường Sư phạm Trung cấp 10 + 2 Hà Nội, tập trung học tập ở nơi sơ tán: một vùng đồi trẩu, sở trung du, tỉnh Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc – Phú Thọ).

          Vào học khoảng hơn 2 tuần thì lớp Văn Sử A chúng tôi được bổ sung thêm một số anh chị cán bộ, giáo viên cấp 1 được Sở, Phòng Giáo dục cử đi học chuyển cấp, nâng cao trình độ. Đó là các anh chị hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên tiểu học đã trong ngoài 30, thậm chí 40 tuổi, vợ (chồng ) con cái đàng hoàng, nghề nghiệp đã ổn định, nhưng vẫn hăm hở, hăng say phấn đấu hơn nữa về chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ 1 chúng tôi có thêm hai chị Lan, Hợi dịu hiền, ít nói và hai anh Trân, Côn. Anh Côn được bầu làm Tổ trưởng. Lũ choai choai chúng tôi cảm thấy không khí trong tổ từ ấy dần trở nên ấm cúng, thân mật hẳn lên như một gia đình đông đúc có những người anh, người chị làm chỗ dựa tinh thần vững chắc.

          Anh Trân và anh Côn đều từng là Hiệu trưởng trường cấp 1 huyện Thanh Trì, nay trở lại làm giáo sinh trường sư phạm chính quy, đồng học với lũ học sinh phổ thông chúng tôi. Anh Trân cứng tuổi hơn, người cao lớn, da ngăm ngăm, tóc đen cứng dựng, rắn rỏi và săn chắc như một nông dân tri điền, như một ông đô vật làng Quỳnh nức tiếng. Tính anh nghiêm nghị, kín đáo, ít nói, ít cởi mở, nhưng đó chỉ là biểu hiện bên ngoài. Khi đã quen thân rồi, nhiều lúc lại thấy đại ca hóm ra phết! Đôi lần tình cờ trong những buổi lao động chặt nứa dựng nhà tập thể, ngắm anh vác bó nứa to vật, dài thượt, nặng trĩu đi phăng phăng, lũ thanh niên chúng tôi nhìn nhau, lè lưỡi thán phục. Xuống đến chân dốc, anh đặt huỵch bó nứa xuống bên đường, không phải để nghỉ giải lao, mà lại tất tả quay lên vác hộ mấy cô em – gái phố -  đang ì ạch vừa ôm mấy chục cây nứa vừa thở, mồ hôi mồ kê đầm đìa như sắp kiệt sức, bất ngờ được anh sang vai, thở phào như người sắp chết đuối vớ được cọc, quên cả cảm ơn ông anh tốt bụng!
          Hầu như anh, chị cán bộ nào đi học sơ tán cũng mang theo xe đạp để cứ 1, 2 tuần lại xin phép về thăm gia đình dưới Hà Nội một lần. Và thế là chúng tôi có cơ hội thi thoảng chủ nhật các anh, chị không về tranh thủ, mượn chiếc xe đạp Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu lai nhau ra thị trấn Xuân Hòa nhận bưu phẩm hay lượn chơi, hoặc đi chợ Then mua sắn dù, sắn bở cải thiện bữa ăn còm cõi. Nhớ một lần, giữa trưa nắng gắt, tôi loạng quạng bổ dốc rồi rẽ ngoặt đột ngột. Dốc đất pha sỏi vụn nghiêng, trơn, ghiđông tôi không giữ được thăng bằng, cả xe, cả người lăn kềnh ra đường giữa ngã ba lầm bụi đỏ. Nửa người xây xát, xe thì vành uốn vỏ đỗ, đùi vênh cong. Phải khênh vào hiệu sửa chữa mất cả tiếng đồng hồ. Cuối chiều, dắt xe sang trả vừa sợ vừa ngại, nghĩ thế nào cũng ăn mắng nặng nề. Sau khi nghe tôi lí nhí kể sơ vụ việc, anh Trân chỉ liếc qua cái xe, rồi chăm chú nhìn tôi, giọng nhẹ nhàng:
-         Thôi, việc đã rồi! Cho qua luôn! Người không sao là may rồi! Lần sau đi xe nhớ cẩn thận hơn. Chú ý khi xuống dốc, không được chỉ bóp phanh trước mà phải miết cả 2 phanh cùng lúc. Đến chân dốc, mới từ từ cùng nhả nhẹ 2 tay phanh. Lúc rẽ cũng phải đánh tay lái từ từ thì mới an toàn.
          Tôi vâng vâng dạ dạ mà lòng vẫn áy náy và không thôi tự trách mình vụng về, bất cẩn. Từ ấy, biết điều, có việc đi đâu xa, cần lắm cũng chỉ dám mượn xe anh Côn mà thôi!
          Nhớ buổi liên hoan sơ kết học kỳ hay hết năm thứ nhất gì đó, tổ tôi tổ chức liên hoan mặn. Địa điểm ở nhà cụ Hột, nơi hai anh ở nhờ. Anh Trân hãm tiết canh vịt thật khéo, có thể xâu lạt. Chúng tôi vừa ăn uống vừa chuyện trò râm ran. Toàn chuyện các món ăn thịt vịt. Vừa ăn vừa ngắm cảnh hai ông anh đối ẩm với cụ chủ nhà thong thả, từ tốn, rất lễ nghi mà bỗng nôn nao nhớ cái không khí ngày giỗ ở quê xuôi. Nỗi nhớ làm mềm lòng những đứa con mới lớn đã phải xa nhà dăm tháng, chưa được về thăm cha mẹ, ông bà.
          Nhớ lần chấm thi tốt nghiệp cấp 2 chéo huyện. Huyện Đông Anh, nơi tôi và ĐU đang dạy cấp 2, đổi nhau với huyện Thanh Trì, chúng tôi có dịp đến công tác ở Hội đồng chấm thi đặt tại thị trấn Văn Điển. Kết thúc một buổi chiều làm việc, hai đứa tôi quyết định đạp xuống làng Quỳnh Đô thăm anh bạn đồng môn vong niên Nguyễn Quang Trân.  Mấy năm anh em xa cách, nay được gặp lại, anh Trân mừng lắm, chiêu đãi ngay 2 thằng em bữa tiểu ẩm RTC (rượu thịt chó) tuyệt cú mèo! Đêm đó, ba anh em chúng tôi nằm ngủ chung giường, gác chân lên nhau mà ôn chuyện BC. 40D những ngày sư phạm. Và sáng sớm hôm sau, vừa đánh răng, rửa mặt xong, thì đã thấy bà chị yêu chồng, quý cả bạn chồng, tơi tả bưng xuống nhà ngang 3 đĩa xôi xéo nóng hổi, thơm phức.
          Cuộc sống và công việc đưa đẩy, bẵng đi, hơn 30 năm đã trôi qua, tới đầu những năm 2000, chúng tôi mới lại có dịp xuống làng vật Quỳnh Đô thăm anh Trân tại ngôi nhà cổ kính của ba anh chị. Lại một bữa RTC thịnh soạn mừng ngày hội ngộ. Tôi tặng ông anh tập thơ Đồng điệu vừa in, trong đó có bài viết từ hồi du học ở Nga nhớ về nhị vị đồng môn một thưở: Bài Gửi cố nhân với những câu hoài vọng có phần lẩm cẩm, được cái cảm xúc chân thành:
Cố nhân giờ đâu?
Chắc đã thành ông, thành cụ?
      Có khi nào nôn nao ôn chuyện cũ,
        Vẩn vơ hoài, lụ khụ nhớ thằng em?!
          Nghe tôi đọc, anh Trân và anh Côn đều cười vang, khen chữ lụ khụ đắt và hóm.. Cười ngớt, lại từ từ rút khăn tay lau mắt! Chúng tôi bàn nhau dịp 20 tháng 11 tới sẽ đến thăm thầy chủ nhiệm cũ - Thầy Nguyễn Kỳ Thục.
          Tại một căn phòng nhỏ phố hàng Gai, nhìn anh Trân trịnh trọng và âu yếm nắm tay thầy giáo cũ về hưu đã lâu cũng trạc tuổi mình hỏi thăm sức khỏe và nói lời biết ơn tri ngộ, chúng tôi cũng tự nhiên thấy rưng rưng thương thầy giáo mình cuối đời vẫn lặng lẽ cô đơn.
          Tôi còn gặp anh Trân một lần nữa trong buổi lễ truy điệu thầy Thục ít lâu sau đó, ai ngờ đâu, đó lại là lần cuối cùng!
          Ngày anh Trân qua đời, tôi đi công tác miền Nam không về được. Hơn 1 tuần sau mới biết tin, đành lại cùng anh Côn và NQ, PT, xuống làng Quỳnh thắp cho ông anh nén nhang muộn màng vĩnh biệt.
          Hỡi ôi! Anh Nguyễn Quang Trân, hồn linh đồng môn khả kính bây giờ hạc giá tiên du tận cõi trời nào?

          Anh Trân chơi thân với anh Côn đã từ lâu lắm. Nếu anh Trân tính đằm và kín đáo thì anh Côn, ngược lại, khác anh Trân từ hình dung dáng vóc đến tính tình. Anh Côn gầy, mặt xương xương, tóc muối tiêu lốm đốm từ những năm ngoài 30, tính cuơng trực mà vui hóm, hào sảng, phóng khoáng. Quê anh trong mạn Mỹ Đức, gần chùa Hương; nhưng ngụ cư ở phường Hoàng Văn Thụ quận Hoàng Mai cũng đã hơn nửa thế kỷ. Yêu say thơ văn, mê ca hát, vui tính và dễ dãi nên anh dễ gần và thích bù khú với đám trẻ chúng tôi. Từ ngày hội ngộ tháng 10 năm 2006, sau chuyến hành hương lịch sử hiếm hoi về nguồn thăm lại nơi học sơ tán tại thôn Cửa Ngòi, xã Nhạo Sơn, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc (bí số của bưu điện khi ấy: 2811. SP. BC. 40 D), chúng tôi quyết định, trong thời gian chưa tìm ra tung tích cựu lớp trưởng chính thức (bác Nguyễn Văn Can, nghe đâu đã từ trần?! lớp phó Nguyễn Như Cảnh cũng sớm khuất núi rồi!), chúng tôi tình nguyện suy tôn anh Đỗ Trung Côn làm lớp trưởng vĩnh viễn – mà quả thật anh Côn đã làm thật tốt chức trách này cho đến khi qua đời!
          Từ đó, anh Côn trở thành nhịp cầu nối, nơi hội tụ của cánh giáo già về hưu, nhóm anh em đồng môn giáo sinh lớp Văn Sử A chúng tôi mỗi khi hội họp, vui chơi, thăm hỏi hiếu hỷ hằng năm. Có những lần anh Nguyễn Vũ Tiềm, nhà thơ – nhà báo từ thành phố Hồ Chí Minh ra Bắc, anh Hữu Toàn, chủ hiệu thuốc cam đông y Tùng Lộc (Hỡi ôi! anh Toàn cũng đã trở thành người thiên cổ vài năm nay!) cũng đều có mặt, góp vui. Chúng tôi mừng nhau lên lão 60, 65, 70, 75. Khi lên Trèm, khi xuống Yên Sở, khi ra phố Huế, khi về phố Chùa Láng, khi sang Long Biên… Giản dị, ấm cúng mà xiết bao vui tin, thân thiết. Ở đâu, chỗ nào,  trong cuộc nào anh Đỗ cũng là cánh chim đầu đàn, người tổ chức gương mẫu, chu đáo, tận tình, tế nhị, từ món quà tặng đến lời chúc mừng…hoàn toàn không câu nệ hình thức mà càng không sơ khoáng.
          Mấy năm lại nay, tôi hay cùng anh Côn đàm đạo, trao đổi chuyện văn chương, đọc và viết, khi thì trực tiếp gặp gỡ vui vẻ bên chén rượu, chén trà; khi gián tiếp qua điện thoại hay e – mail. Tất thảy, lần nào hai anh em cũng vui vẻ, rôm rả luận bàn. Chúng tôi trao đổi cùng nhau thứ văn chương thù tạc giao đãi của người già, thấy hồn trí mình như sung mãn thêm và có phần trẻ lại. Tôi cứ ngượng ngùng mãi không dám nhận bài tứ tuyệt mà anh ứng tác khi lên thăm căn phòng làm việc đơn sơ ở tầng 4 ngôi nhà mới xây của gia đình tôi:
         Lên cao, đứng ngắm khắp tây, đông,
       Làng Trèm có mấy được như ông!?
    Một nhà xứng gọi nhà khoa bảng,
Nhân nghĩa đắp bồi tự tổ tông.
          Tôi mời anh cùng tham gia viết bài trao đổi cảm nghĩ về chuyến đi về nguồn, thu đông năm Tý (2006), về bài ca dao Bông cúc vàng nở ra bông cúc tím, về những cái giật mình trong thơ ca, về Rượu trong Truyện Kiều… Anh đều hào hứng nhận lời, tích cực tra cứu sách báo, viết bài hưởng ứng, lại mở rộng sang các đề tài khác như Rượu trong thơ Nguyễn Khuyến, bàn về chữ “Thơm”, tự mình ra 1 tập thơ mỏng để tôi có dịp viết bài bình Đọc thơ Đỗ Trung Côn, lại cùng anh chia sẻ về việc tự học chữ Hán… Thật là bận rộn và thú vị! Cứ đà này thì có lẽ…Ai ngờ:
Bảy mươi tám tuổi đã già chi!
   Mà trời vừa gọi, thoắt vùng đi!
       Thân phàm, thôi thế thành tro bụi,
    Hồn vút ngang trời, một áng thi!
          Bệnh anh bệnh hiểm hay mệnh anh đã cùng? Tại người sơ xảy hay vì số đã tận? Anh ra đi như sét xoẹt trời quang! Buổi chiều truy điệu anh ở Nhà Tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn, gió mưa dữ dội tiễn hồn anh hóa khói lên trời trên Đài hóa thân hoàn vũ Bạch Mai. (Lạ lùng sao! hôm kỵ nhật nhất niên (giỗ đầu) anh Côn (tháng 8 – 2013) cũng mưa to gió lớn như vậy!) Đồng môn Văn Sử chúng tôi xếp hàng khóc tiễn anh mà lòng vẫn sửng sốt, bàng hoàng không thể và không muốn tin vào thực tại!
                                       Từ nay, thiên hạ vắng kẻ tri âm!
          Tôi mới càng ngùi ngẫm, thấm thía lời thơ khóc bạn của cụ Yên Đổ, mỗi khi viết được một bài thơ, hoặc một bài tản văn tạm gọi là ưng ý:
      Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa?
Giường kia treo những hững hờ,
Đàn kia, ai gảy, ngẩn ngơ tiếng đàn?!
          Tôi lại bàng hoàng muốn nhấc máy, thao thiết gọi:
          Trong những tiếng tút tút kéo dài, tôi vẫn dường nghe được tiếng người tôi nhớ tôi thương nơi đầu dây bên kia lào phào như gió thoảng:
              - Chú Văn đó à? Anh đây! Côn đây!

          Hỡi hồn linh nhị lão đồng môn Nguyễn Quang Trân và Đỗ Trung Côn, các anh giờ phiêu dật nơi đâu???!!!
         
               Cô đơn và buồn… dâng … se sắt!

Đêm 10 – 12 – 2013. ĐV



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét