Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VỀ ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO – NHỮNG THÁCH THỨC VÀ VẬN HỘI CHO GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ



NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VỀ ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN  GIÁO DỤC          VÀ ĐÀO TẠO – NHỮNG THÁCH THỨC VÀ VẬN HỘI CHO GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ

                                              PGS TS Vũ Nho
                   Chuyên viên cao cấp Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Ban chấp hành Trung ương  Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, trong Hội nghị lần thứ 8 đã ra nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây là một nghị quyết vô cùng quan trọng cho thấy Đảng và Nhà nước ta tiếp tục coi Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Bản nghị quyết đã đánh giá tình hình giáo dục hiện tại, khẳng định những thành công, chỉ ra những  hạn chế, yếu kém, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đồng thời nêu lên định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với mục tiêu tổng quát:
          “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.”.
Điều đáng chú ý là  Nghị quyết đã  xác định các nhiệm vụ, giải pháp căn bản, toàn diện để tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của giáo dục.
Cuộc đổi mới  đầu thế kỉ XXI đã  đưa ra một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất từ lớp 1 đến lớp 12 được ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006. Đây là lần đầu tiên có một chương trình thống nhất, xuyên suốt các cấp học. Nổi bật nhất, thành công nhất của lần đổi mới đó là chúng ta đã bước đầu thành công trong việc xây dựng chương trình tự chọn, đáp ứng nhu cầu của người học. Chương trình  đã chú trọng đầy đủ các yếu tố thành công của các lần trước, đồng thời giải quyết vấn đề là không phân ban A,B,C,D như lần trước ở cấp Trung học phổ thông. Thế nhưng, khi thí điểm ở trung học phổ thông, chúng ta  cũng vẫn thí điểm ban Khoa học tự nhiên; ban Khoa học tự nhiên kĩ thuật, Ban khoa học xã hội. Kết quả cuối cùng sau thí điểm là chúng ta bỏ phân ban mà dùng phân hóa với hai chương trình nâng cao và không nâng cao ( thường gọi là chương trình chuẩn). Vấn đề là chúng ta  đã mạnh dạn cho phép các em học sinh học chương trình chuẩn lựa chọn nâng cao Toán, Lí, Hóa hoặc Lí, Hóa, Sinh hoặc Toán, n, Ngoại ngữ. Chính vì mềm dẻo như vậy nên Ban Khoa học xã hội (thường gọi ban C), và Ban Khoa học tự nhiên – kĩ thuật ( thường gọi ban B) hầu như tự  teo đi trong thực tế. Ngay cả những trường tham gia thí điểm phân ban cũng xin rút ban Khoa học xã hội. Không ai dại gì lại bỏ thời gian học thêm một môn mà khi thi Đại học không dùng đến.
          Nhân đây chúng tôi xin quay trở lại vấn đề tại sao cuộc đổi mới phân ban  ở Trung học phổ thông lần thứ nhất lại không thành công, mà có thể nói là thất bại cũng được? Chúng ta vẫn còn nhớ lần ấy, phân ban được tiến hành ở bốn ban: ban A, ban B, ban C và ban D. Ban B được kì vọng là sẽ tạo ra được nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng thí điểm cho thấy học sinh và phụ huynh không hào hứng với ban B. Chúng ta đã thất bại vì duy ý chí và nhìn nhận thực tế bằng lí thuyết sách vở. Và cũng phải nói thêm nữa là chương trình ban C về môn Ngữ văn quá cao, quá nhiều thay đổi. (Vẫn còn câu chuyện cười ra nước mắt về Tiếng Việt với thành phần tham thể được nói lái thành THÊ THẢM!)
          Việc đổi mới để đưa đến chương trình năm 2006 là một cuộc huy động tổng lực các nhà khoa học, khoa học sư phạm, quản lí giáo dục, giáo viên và tất cả học sinh vào cuộc.
          Tuy vậy, trước yêu cầu mới của đất nước, những cố gắng đó là chưa đủ.

          Chúng ta đều biết vấn đề giáo dục là một vấn đề  hệ trọng và phức tạp, liên quan đến mọi gia đình, liên quan đến sự phát triển của đất nước. Những thay đổi của mục tiêu, nội dung, phương pháp và cách thức kiểm tra, đánh giá sẽ có tác động đến không chỉ đội ngũ giáo viên, học sinh, các nhà quản lí giáo dục mà còn tác động trực tiếp đến hàng triệu gia đình và toàn thể xã hội. Bởi vậy mà việc đổi mới căn bản, toàn diện sẽ là một thách thức không nhỏ. Vẫn biết rằng giáo dục đối với nước ta là quốc sách hàng đầu; vẫn biết rằng đầu tư cho giáo dục của chúng ta đã không ngừng tăng lên, nhưng vấn đề đầu tiên là vấn đề tiền. Chúng ta đã chi cho giáo dục ở mức khá cao là 20% tổng chi ngân sách. Lần này tiến hành đổi mới, chúng ta cũng khó có thể chi ở mức cao hơn. Trong số những nhiệm vụ và giải pháp, nhiệm vụ và giải pháp thứ 7, Nghị quyết ghi “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư và phát triển giáo dục và đào tạo, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách”. Đây là mức chi ít nhất là bằng mức đã chi. Nghị quyết đã không khẳng định sẽ chi  nhiều hơn bao nhiêu. Chúng ta có thể đi vay để làm giáo dục. Nhưng không phải muốn vay bao nhiêu cũng được. Vậy thì đổi mới căn bản,  toàn diện, nhưng phải chọn ra khâu cơ bản nhất để tạo ra đột phá chứ không thể chia đều.  Mặt khác, những chuyên gia, những con người làm giáo dục của chúng ta xét tổng thể cũng  không nhiều. Một số người già đi, đã mất hoặc không còn đủ sức. Những người  mới bổ sung thì cũng chỉ đủ bù cho sự thiếu hụt. Vì thế mà nguồn lực con người cụ thể ở mỗi ngành học cũng rất có hạn. Nhân lực và tài lực đều có mức độ. Trong khi đó, chúng ta đổi mới toàn bộ hệ thống giáo dục “ xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp”. Tất cả mọi  cấp học, bậc học đều đòi hỏi sự đổi mới, hoàn thiện. Tất cả các mục tiêu, nội dung, phương pháp và kiểm tra đánh giá đều  phải được rà soát lại,  bổ sung, hoàn thiện thêm. Những công việc đó không chỉ cần cố gắng của ngành giáo dục, mà như nghị quyết đã chỉ rõ  cần “ tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của toàn xã hội đối công việc đổi mới, phát triển giáo dục”. Chỉ lấy  một phần của nhiệm vụ và giải pháp thứ hai được ghi trong nghị quyết để xem xét : “ giảm số môn học bắt buộc, tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn. Biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hỗ trợ dạy và học phù hợp với từng đối tượng học, chú ý đến học sinh  dân tộc thiểu số và học sinh khuyết tật”. Biết bao nhiêu công việc cần làm để thực hiện được điều này. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã phác họa việc giảm môn học:

Cấp học
Chương trình hiện hành
Chương trình sau 2015 (dự kiến)
Tiểu học
11 môn học + 3 hoạt động
3 - 6 môn học + 4 hoạt động
THCS
13 môn học và 4 hoạt động
8 môn học + 4 hoạt động
THPT
13 môn học + 5 hoạt động
3 môn học bắt buộc, 3 môn tự chọn và 4 hoạt động (Lớp 11 và 12)
Nguồn : Hồng Hạnh - Điểm mới của chương trình và sách giáo khoa sau 2015, Dân trí điện tử, thứ 2 ngày 21/10/2013

Để chuyển từ  11 môn học xuống còn từ 3 đến 6 môn ở Tiểu học; 13 môn học xuống còn 8 môn học ở Trung học cơ sở  và 13 môn học xuống còn 3 môn bắt buộc và 3 môn tự chọn ở Trung học phổ thông là một công việc không hề dễ dàng với các nhà chuyên môn. Ở đây chỉ xin lưu ý rằng trong cuộc đổi mới ở THCS, năm 1998, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Australia, chúng ta đã thử tích hợp môn Lịch SửĐịa Lí thành môn Khoa học xã hội, môn Vật Lí, Hóa Học, Sinh Vật  thành môn Khoa học tự nhiên, môn Văn, Tiếng ViệtTập làm văn thành môn Ngữ văn. Nhưng cuối  cùng, chỉ có môn Ngữ văn là thực hiện thành công.  Lịch Sử, Địa Lí, Vật Lí, Hóa Học, SinhVật vẫn là các môn riêng biệt. Có thể khẳng định phương án này đã thất bại vì có quá nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể là các nhà chuyên môn của chúng ta chưa sẵn sàng cho tích hợp; và các thầy cô giáo của chúng ta chưa được đào tạo kiểu liên môn và dạy liên môn như thế. ( Trong các trường Cao đẳng của Việt Nam, chúng ta đào tạo liên môn : Văn- Sử, Toán -Lí, Hóa -Sinh, Sinh- Địa,…)
Việc biên soạn sách giáo khoa phù hợp với đối tượng học, chúng ta  có kinh nghiệm nhiều hơn. Đã từng có 3 bộ sách giáo khoa Toán cho lần thí điểm phân ban đầu tiên, có hai bộ sách giáo khoa các môn cho chương trình chuẩn và nâng cao  khi thực hiện chương trình 2006. Nhưng bây giờ, sẽ biên soạn bao nhiêu bộ sách giáo khoa là phù hợp? Sách viết theo xu hướng phân hóa môn học, hay viết theo vùng miền : thành phố, nông thôn đồng bằng, nông thôn miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn? Trong khi  một số nước có sách giáo khoa điện tử, chúng ta có thử làm sách giáo khoa điện tử hay không? Chúng ta “ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học” như Nghị quyết đã ghi như thế nào? Đó là những bài toán không dễ dàng có lời giải.
          Phân tích một  phần trong một nhiệm vụ, giải pháp như thế để thấy rằng biết bao là khó khăn thách thức trong cuộc đổi mới căn bản, toàn diện này. Nhưng rõ ràng, khắc phục được khó khăn, vượt qua thách thức thì Giáo dục nước ta mới có thể phát triển, trở thành nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và dần dần theo kịp các nước phát triển trên thế giới. Đây chính là một vận hội cho nền giáo dục nước nhà.
Có Nghị quyết của Đảng, có sự đồng thuận của toàn xã hội, cùng với sự nỗ lực hết mình của ngành giáo dục, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được những thành tựu mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
                                                                         Hà Nội, tháng 12/2013

                                                                                       VN

2 nhận xét:

  1. Riêng với môn Toán fhif bộ sách cải cách hiện tại là tồi nhất. Học sinh bị học theo kiểu áp đặt, không phát huy được tính sáng tạo và tự chủ trong việc học của học sinh. Người thầy không chịu dạy theo cách viết thiếu logic của sách giáo khoa, không chạy theo kiểu dạy áp đặt một chiều theo hướng '' đổi mới a dua '', đã gặp biết bao phiền phức. May mắn có kết quả tốt nên được học sinh và phụ huynh đồng tình, ủng hộ

    Rất mong cải cách sắp tới, môn toán được trở về đúng vị trí là môn học theo '' phương pháp tư duy chặt chẽ ''. Điều này phải được giáo viên dạy toán hiểu bản chất vấn đề trước. Hiện nay, đa phần giáo viên dạy toán theo '' phương pháp kỹ năng làm bài '', còn được ủng hộ bởi hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chuyên môn nữa chứ. Nghĩa là học sinh được học theo kiểu '' cứ thế mà làm '' không cần biết tại sao phải làm thế

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã nói thẳng về môn Toán!
      Vần đề không hề dễ dàng, không thể duy ý chí. Chúng ta còn nhiều thách thức sắp tới.
      Không dễ như một số người ảo tưởng!

      Xóa