Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Nhàn thoại Đường Dân


Đường Văn

THẠCH BÀN, NHÀN THOẠI ĐẦU ĐÔNG

ĐƯỜNG - DÂN

          Thấm thoắt, hai chúng tôi: Đường Văn và Hoàng Dân về hưu và không có dịp viết sách cùng nhau cũng đã 7, 8 năm rồi, (kể từ tập thơ Tứ tử Đồng điệu, tập Cảm luận Truyện Kiều và bộ Thiết kế bài dạy học Ngữ văn 2 cấp THPT ngót ngét 20 tập…). Đầu tháng trước, sau một chuyến rong ruổi từ Trèm, Từ Liêm, xuôi bờ đê sông Nhị, vượt cầu Chương Dương, sang xứ Thạch Bàn, Long Biên thăm bà nội tướng cố nhân vừa qua cơn trọng bệnh, trong câu chuyện nhàn đàm bên hiên nắng nhạt đầu đông, khi bàn tới chuyện in sách chính quy đại ngạch quốc doanh tốn kém, phiền hà, lãng phí với lối in sách tiểu ngạch tư nhân tự bỏ tiền túi: tiết kiệm, gọn nhẹ và thực dụng, hai đứa tôi mới chợt cùng đặt câu hỏi cho nhau như là hỏi chính bản thân mình:

          - Đều biết vậy mà sao bấy lâu nay chúng ta lại không chung tay cho ra 1cuốn để thỏa mãn cái thú văn chương và chơi sách của mình, cùng là tặng, biếu bạn bè tri giao và cống hiến bạn đọc nhỉ?
- Ờ! mà tôi và ông nếu lục, kiểm lại những cái đã viết hơn hai ba chục năm lại nay thì cũng đã có thể ra chung ít nhất vài ba cuốn khá dày dặn rồi đấy chứ!?
- Hẳn rồi! Vậy trước mắt, trong tháng tới, ông cùng tôi chuẩn bị cho ra tập truyện vừa và truyện ngắn Trò chơi văn chương của Hoàng Dân đã. Xong, trước hoặc đầu xuân Ngọ (2014), ta sẽ tính tới cuốn sách chung với tựa đề thú vị, có thể là: CHƠI VĂN!?
- Tôi hình dung rằng, cuốn Văn chơi  sắp tới của ta sẽ dày khoảng trên dưới 500 trang khổ lớn, chọn lọc, tập hợp những bài viết tâm đắc của chúng ta về văn chương, bình luận về một số tác phẩm trong và ngoài nhà trường, về nghề dạy Ngữ văn, lại tuyển cả những bài hồi ức về các thầy cô thời thiếu niên đi học hay cùng công tác với mình.
- Rồi chúng ta lại đưa vào sách chùm bài Giao đãi văn chương như một thể loại văn chương xướng – họa, thù tạc thời nay; gồm những bài tôi với ông viết chung, tỉ như cái Khảo luận về rượu trong Truyện Kiều, bài ca daoBông cúc vàng, bình đi bình lại từ bài thơ Hoa sen của Phùng Quán, Làm dâu của Trần Mạnh Hảo và Ba ông làm vua
- Và cả mấy bài tựa, bạt, bài phê bình mà ta đã viết về những cuốn sách của nhau  nữa chứ! Như Lời bạt Hồn Trèm, Lời bình Vịnh Tam Quốc thi tập củaHoàng Dân, Đôi lời về Trò chơi văn chương của Đường Văn

- Thật ra, nếu ta quan niệm rằng văn chương thơ phú, với chúng ta trong đoạn đời này chỉ là một trong những thú vui tinh thần tao nhã, một trò chơi trí tuệ lành mạnh, rất phù hợp với những ông giáo dạy Văn về hưu, bên cạnh những thú vui khác như đánh cờ, tennít hay cầu lông, đàn địch, ca hát tài tử, rượu bia, thuốc lá, cà phê, du lịch và cả bồ bịch, đóm đề… khối trò, khối món tha hồ chơi! Mà đã là thú thì phải vui, cốt vui, nhằm vui. Vui, trước hết là cốt sao thỏa mãn cái say mê của bản thân mình, bất chấp khen, chê đàm luận của thiên hạ hoặc gia đình, vợ con, bè bạn… Thú vui viết văn, làm thơ, ra sách hiện nay, với chúng ta, tôi cho rằng rõ ràng rất trong sáng, khỏe và lành, chẳng gây thiệt hại đến ai! (Vấn đề là ở chỗ kheó tìm được 1 phương cách cho phù hợp với túi tiền còm của mấy ông giáo ăn lương hưu nhà nước nhưng lại biếng lười không thích và không chịu làm gì thêm, mà chỉ suốt ngày tự hào về cái quỹ tỷ phú thời gian cũng đang teo dần đi như miếng da lừa của cụ Bandắc!). Những cái tạm gọi là tác phẩm văn chương mà chúng ta từng đổ không ít chất xám và cảm hứng trăn trở hay nồng nhiệt, viết một cách rất say mê, nghiêm túc, thậm chí công phu… thì bây giờ, có lẽ cũng chỉ nên coi chúng là thứ văn chơi không hơn không kém! Và cái hành vi nghĩ ngợi rồi đẩy đưa ngọn bút trên trang giấy trước đèn hay mấy ngón tay mổ mổ trên bàn phím computơ hoặc laptop đêm đêm để cho ra 1 bài thơ mới, 1 tản văn, một bài tạp văn, phê bình hay 1 truyện ngắn, truyện vừa, một kịch bản tùy hứng vừa nung nấu tâm trí cũng vừa để giết thời gian rỗng rễnh vô vị, cái hành vi vừa tự nguyện vừa tự bắt buộc cho đến khi nào không đủ sức ngồi bên bàn viết nữa, run tay không nhấn nổi phím chữ nữa mới chịu dừng,… cũng chỉ nên coi là một trò chơi, chơi văn mà thôi!
- Nhưng trò chơi nào cũng có luật của nó đấy! Nghề chơi cũng lắm công phu! (Nguyễn Du). Không phải cứ chơi bừa, tùy tiện vô thiên, vô pháp mà được đâu! Ta chơi hoàn toàn theo ý ta, nhưng mặt khác vẫn phải tôn trọng luật chơi, luật chung của mọi kẻ sỹ và tôn trọng người đọc. Và đã hết mình tham gia trò chơi, cuộc chơi thì hẳn sẽ có được, có thua, nay thắng, mai bại, để ngày kia có thể lại thắng… cũng là chuyện thường, chuyện chơi đùa, không có gì lạ mà phải bận lòng, rối trí!...Tôi cho rằng, dù văn chơi  chơi văn thôi nhưng vẫn phải gắng viết cho hay, cho lạ, cho hấp dẫn. Mà muốn thế, cốt tử là phải toàn tâm, toàn ý, hết mình khi hạ 1 chữ, buông 1 câu, dựng 1 đoạn, 1 bài… mới hòng mong có người khác chịu mất thì giờ đọc mình …
- Chứ nếu không thì chỉ còn cái cảnh vênh váo, lố bịch mèo khen mèo, văn mình đọc, tự mình khen hay, hỡi ôi! nữa thôi!...
- Đúng thế! Nên tôi đề nghị ta thay cái nhan đề dự kiến đầu tiên cho tập sách chung là Bình văn, e quá hiền lành, chung chung mà chưa bao quát hết được dụng ý tư tưởng và nghệ thuật của ta bằng một nhan đề khác, vốn thoát thai từ ý tưởng của cụ Tản Đà xưa. Trong 1 đêm trăng sáng ở quê làng Khê Thượng (huyện Bất Bạt), cụ Tản chẳng đã hào hứng ngâm:
Chơi trăng vừa chán, lại chơi văn
Nguyệt tà, hí hoáy viết nhung nhăng!

- Đấy là thơ của ông nhái thơ cụ chứ gì! Nhưng quả đúng với tâm thế của ta bây giờ. Cụ Tản Đà hồi đầu thế  kỷ trước từng chia ra bao nhiêu loại văn, từ nghiêm trang, trịnh trọng, cao sang đến các loại văn phúng phiếm, cợt đùa…rồi gánh văn lên bán tận Chợ Trời!  Riêng loại văn du hí này, cụ viết cũng cực hay!
- Mình chỉ dám học tiền nhân ở thú chơi tiêu dao mặc thích, cái tinh thần nhàn tản mua vui nơi các cụ mà thôi. Còn hiệu quả đến đâu, chân giá trị thực thứ văn chơi của chúng ta đến đâu, hiển nhiên còn phải chờ sự đọc của bầu bạn tri kỷ, tri âm và những độc giả gần xa xét định.
- Tôi thì chỉ muốn bắt chước cụ Nguyễn Tiên Điền, tự cho mình và gửi cho người bạn đọc hảo tâm nào đó có dịp đọc qua sách mình:
Mua vui, cũng được một vài trống canh!

- Biểu đồng tình cùng ông! Còn về sắp xếp bố cục sách, thì ta nên thế nào?
- Tôi nghĩ mở đầu là bài Tựa, phần 1 là phần viết chung, phần 2  Văn chơicủa Đường Văn, in lại khoảng trên 50 đơn vị tác phẩm (bài viết) từ năm 1979 đến nay (cuối 2013); phần 3  Hoàng Dân chơi văn (một cách chơi chữ đối xứng với Văn chơi Đường Văn ở phần trên) cũng in độ trên 50 bài viết từ đầu những năm 90 đến nay. Kết sách là bài Bạt. Tựa  Bạt đều là bài viết chung. Đồng tác giả chủ ý tâm sự đôi điều với người đọc về mục đích chung, riêng, ý tưởng nội dung, kết cấu và hình thức cũng như cách thức in ấn cuốn sách, ngõ hầu được cảm thông hơn với người đọc.
- Đừng quên phần PHỤ LỤC in kèm cái truyện ngắn Ký mộng của Hoàng Dân và một số bài trao đổi chung quanh các chủ đề: Rượu trong Truyện Kiều, Bông cúc vàng, Những cái giật mình … trong thơ…, Thẩm thơ,… của các bạn văn thân quý. Nhưng hỡi ơi! có người như anh Đỗ ở Hoàng Mai, vui tính mà hào sảng, uyên bác mà lịch lãm… đã hóa khói lên trời và mộ phần người mệnh bạc ấy đã xanh cỏ từ hơn 1 mùa thu nay! Cầu cho vong linh huynh trưởng vong niên: Bay thẳng tới muôn trùng Tiêu Hán/Phá vòng vây bạn với kim ô/ Thảnh thơi, khách diệc tri hồ! (Nguyễn Hữu Cầu)…
- Tôi muốn nghĩ thêm rằng, chính câu chuyện chúng ta đang bàn và quyết định sáng nay, khi sách được chuẩn bị xong, cũng đã có thể thành nội dung bài Tựa của sách được rồi!
- Ừ phải! Ta sẽ đặt ngay cho nó cái đầu đề giản dị: THẠCH BÀN, CẤU CHUYỆN NHÀN ĐÀM ĐẦU ĐÔNG. (Thay lời Tựa sách chung Văn chơi chơi văn của Đường Văn – Hoàng Dân.)


- OK! Này, chả nhẽ tạm ngưng một câu chuyện tao ngộ kỳ thú thế này mà ta không cùng uống thêm với nhau một ấm trà nữa hay sao?!
- Lại OK! Rất sẵn lòng! Ông pha đi! Thay phích nước sôi mới, cho bỏng rẫy lên!
          Cùng nhấm nháp tách trà mới ngan ngát hương đầu đông, ghé mắt soi thấy hoa nắng chập chờn, đong đưa, trong lòng tách. Một làn heo may phây phẩy tới. Đường Văn và Hoàng Dân, chẳng ai bảo ai, thoáng khẽ rùng mình, lành lạnh…
          Thế mà trời đã gần trưa!


Chiều 26 – 11 – 2013. ĐV - HD  

SONG LÃO CHƠI VĂN

(BẠT)
                                                                                                 DÂN – ĐƯỜNG

Ca dao có câu thật hóm:
Xưa nay thế thái nhân tình
Vợ người thì tốt, văn mình thì hay!
Hóm vì nó “điểm huyệt” trúng tim đen của những gã vừa máu mê văn chương, vừa… máu gái (chính xác là máu đàn bà, máu phu nhân…)! Không phải ngẫu nhiên mà từ thời xa lắc xa lơ, người ta đã phát hiện ra một “cặp đôi” tréo ngoe: đàn bà – văn chương! Theo cái lí thông thường thì các cặp đôi sẽ là: đàn bà – đàn ông, văn chương – thơ phú; hoặc chí ít cũng phải là: đàn bà – trinh nữ, văn chương – hội hoạ, âm nhạc…
Nếu bắt buộc phải chọn một trong hai thứ “đàn bà” hoặc “văn chương” thì chắc chắn khối gã đàn ông đau đầu!
Bởi đàn bà có cái thú của đàn bà, đến như cụ Tú Xương,  có ý "cai" mà còn phải thú nhận:
Một trà, một rượu, một đàn bà!
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta!
Chừa được cái gì hay cái nấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà!

Thử hỏi, nếu không có đàn bà thì đàn ông sống để làm gì?!
Và cũng bởi hình như văn chương có ma lực quyến rũ đàn bà? Chứng cớ là từ nghìn đời nay người ta vẫn kiên nhẫn “tôn vinh”:
Đêm nằm nghĩ lại mà coi,
Lấy chồng hay chữ như soi gương vàng.
Hoá ra cái văn hay chữ tốt cũng có giá cao ra phết đấy chứ? Biết đâu nhờ cái “hay chữ” ấy mà giữ được vợ đẹp (để không bị một gã hàng xóm cao tay nào đó chôm chỉa) và sinh ra được con khôn? Và biết đâu cũng nhờ cái “hay chữ” ấy mà “vợ người” bị bỏ bùa mê thuốc lú?!
Thế nghĩa là, đàn bà cặp với văn chương cũng có cái lí thâm hậu của nó?! Và cái giống văn chương cũng dễ hư đốn bởi đàn bà?!
Nhưng thử ngẫm kĩ xem, tại sao cùng là những thứ thuộc quyền sở hữu của ta, nhưng vợ ta thì … thường quá? Hay bởi tại “quà giữa chợ, vợ giữa nhà”, nghĩa là vợ ta thì ta xài như xài quà vặt vậy thôi, bất kể lúc nào ta thích! Còn vợ người thì thuộc quyền sở hữu của kẻ khác, tức là “của lạ” đối với ta, mà “cái lạ bằng tạ cái quen” hoặc “của lạ, cá tươi”! Thế cho nên ta thèm khát, ta muốn chiếm đoạt và để chiếm đoạt được ta phải tán tỉnh, mà tán tỉnh vừa là một thú vui vừa là chất men say của cánh mày râu. Bởi chinh phục đàn bà cũng vinh quang chẳng kém gì chinh phục đỉnh cao Hymalaya! Và khi ta đã chinh phục được vợ người thì ta phải vụng trộm. Mà cái sự vụng trộm này nó cũng kì thú mọi nhẽ!
Còn văn ta thì sao? Trước hết, phải hiểu “văn” ở đây theo nghĩa rộng, tức là gồm cả văn xuôi và thơ. Văn ta là cái do ta đẻ ra và ta hồn nhiên, đinh ninh rằng nó hay ho lắm! Thật ra, bất cứ ai cầm bút cũng đều mơ ước rồi đây mình sẽ được lưu danh thiên cổ. Đấy là ước mơ chân thành và đáng thương. Chân thành bởi nếu không có ước mơ ấy thì chẳng ai dại gì mà phải ì ạch rặn ra chữ nghĩa cho nó đau đầu, buốt óc. Đáng thương bởi không ít kẻ cầm bút đã không đủ tỉnh táo để tự biết mình là ai? 
Có người hỏi tôi: “Ông hãy nói thật nôm na xem, thơ khác văn ở chỗ nào?”. Tôi trả lời: “Theo thiển ý của tôi thì thơ là phải sang trọng, còn văn thì phải sâu sắc!”. Trái với sang trọng sẽ là tầm thường, nhảm nhí. Không sâu sắc tức là hời hợt, nông cạn, vớ vẩn. Nói như thế có vẻ vẫn trừu tượng quá. Xin lấy ví dụ để dễ hiểu hơn. Khi Xuân Diệu viết: “Trái đất ba phần tư nước mắt/Đi như giọt lệ giữa không trung” (Lệ), thì ta cảm nhận được sự sang trọng qua hình ảnh, ý tứ, ngôn từ toát ra từ hai câu thơ trên. Tuy nhiên, không phải chỉ có ngôn ngữ bác học, mà ngay cả ngôn ngữ bình dân, nếu được dùng vào chỗ đắc địa cũng có thể làm nên sự sang trọng cho thơ, ví như bài ca dao sau: “Sáng trăng em ngỡ tối trời/Em ngồi em để cái sự đời em ra/Sự đời bằng cái lá đa/Đen như mõm chó, chém cha cái sự đời!”. Cũng sang trong một cách dân dã chứ sao?!
Văn thì có thể nhắc đến Chí Phèo của Nam Cao. Bất cứ thời nào, đời nào, lứa tuổi nào, giới nào… nếu đã đọc Chí Phèo thì đều tâm đắc, thấm thía ở một khía cạnh nào đó của câu chuyện, để từ đó rút ra cho mình một bài học đối nhân xử thế nhất định.
          Nói thế nghĩa là làm thơ và viết văn đều rất khó. Tôi không có ý chỉ trích các nhóm thi hữu “xóm thơ, xã thơ, phường thơ, hưu trí thơ…” đang có hàng ngàn, hàng vạn ở nước ta. Cũng không có ý bài xích một cụ nào đó “một ngày sản xuất được những 20 bài thơ”! Đấy là quyền của các cụ. Nói chung, viết cho vui thì cứ viết xả láng, viết để chơi thì cứ viết tẹt ga. Bởi đây là một thú vui vô cùng lương thiện. Nhưng khổ nỗi, có kẻ cứ “tra tấn” người khác bằng cách bắt họ phải ngồi nghe mình đọc thơ của mình thì có vẻ hơi bị quá đà. Tệ hơn, bắt họ chỉ được phép tâng bốc thơ mình chứ không được phép chê thì quả là đã mắc chứng bệnh nan y “không tự biết mình là ai”!
Viết văn cũng vậy. Viết tràng giang đại hải mà ngô nghê, rườm rà thì không thể gọi là văn. Văn mà người đọc vừa buồn cười vừa bị ức chế cũng không phải là văn. Văn phải khiến người đọc giật mình hoặc tủm tỉm thì người ta mới đọc. Muốn viết được văn như thế phải có vốn sống, trình độ, năng khiếu (tài năng thì càng tốt) và một niềm đam mê vô bờ bến. Có người cho rằng nhà văn trước hết phải là nhà bác học thích đùa… dai, cũng là theo cái nghĩa lí ấy.
Bởi thế mới có không ít người coi văn chương là một thứ tôn giáo, một ngôi đền thiêng của những tao nhân mặc khách, nơi những kẻ phàm phu tục tử đừng có mơ bén mảng tới. Theo “trường phái tôn giáo” này, người ta cho rằng nhà văn là người thầy của thời đại; tác phẩm văn chương là cuốn sách giáo khoa về đời sống; chức năng của văn chương là nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ, dự báo…; sứ mệnh của văn chương là bồi dưỡng tâm hồn cho con người, thậm chí to tát hơn là cải tạo con người… Nếu theo các tiêu chí của “trường phái tôn giáo” thì số nhà văn đích thực ở nước ta có thể chỉ vài ba người, chứ lấy đâu ra tới hơn nghìn người có thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam?!
Trường phái thứ hai đông đảo hơn. Họ cho rằng văn chương chỉ là một trong vô số những trò chơi như chơi cờ tướng, chơi tổ tôm, chơi chọi gà… Bằng chứng là, rất nhiều người không viết văn, không đọc văn nhưng họ vẫn sống rất tử tế, tích cực làm ra của cải cho xã hội và vẫn lặng lẽ làm việc thiện giúp những đồng loại bất hạnh một cách vô tư, hào hiệp. Ngược lại, một số nhà văn viết thì cao đàm khoát luận, rặt một giọng điệu dạy đời, dạy người; nhưng sống thì luồn lách, cơ hội, đố kị, nhỏ nhen, bê tha. truỵ lạc…
Nên nhớ, trò chơi nào cũng có luật chơi của nó. Ví như luật chơi cờ tướng chẳng hạn, kẻ nào chưa sạch nước cản của quân thì sao dám ngồi vào bàn cờ? Còn muốn chơi văn thì trước hết phải là người có văn hoá và tự trọng, bởi chơi văn là một trò chơi tao nhã, thánh thiện. Chơi văn là để có cơ hội giãi bày những suy nghĩ, tình cảm của mình về cuộc đời, về nghề văn, về người văn… trên tinh thần “biệt nhỡn liên tài”. Chơi văn không phải để đánh bóng tên tuổi của mình, mà cốt tạo ra một “sân chơi” để được giao lưu, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau trên tinh thần “vui để sống”!sống để vui nữa chứ!

Với chúng tôi (Hoàng Dân và Đường Văn) thì có lẽ cụ thể hơn, chơi văn để “tiêu” cho hết quãng thời gian rỗi rãi còn lại của một đời người theo tinh thần của hai câu thơ hưu trí:
Đã tới ga cuối cuộc đời,
Thong dong dạo bước, thảnh thơi tuổi già.
Người Việt ta vốn rất thâm nho khi cho rằng:
- Già sinh tật, đất sinh cỏ.
- Càng già càng ưa trống bỏi.
- Già mà không trót đời.
Dẫu biết rằng đã già thì sẽ… già mãi, không thể trẻ lại được, nhưng một vài cụ lại cứ hay quên, thế cho nên nó mới rắc rối. Cụ thì rượu chè cờ bạc bê tha. Cụ lại sinh ra máu mê vợ bé, con thêm…
Người Việt ta cũng cảnh báo: “Nói trước bước không qua”!
          Chúng tôi chẳng dám nói trước điều gì. Nhưng cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn là “những ông già lương thiện”, chưa dính mắc vào ổ “nhền nhện” nào! Còn ngày mai ư? Thì… hãy đợi đến ngày mai khắc rõ!

          Chỉ biết, hiện giờ chúng tôi đang CHƠI VĂN VĂN CHƠI với một niềm hứng khởi chân thành! Hi vọng niềm hứng khởi thanh tao này sẽ chung thuỷ với chúng tôi cho tới khi… xuống lỗ! Ấy là khi “cái quan luận định” (đóng nắp quan tài xong mới có thể kết luận kẻ nằm trong quan tài là người như thế nào?), con cái chúng tôi có thể đọc lời tiễn biệt rằng:

…Ông, cha… chúng tôi được sinh ra, rồi trở về già, và chết; mà tịnh không để lại điều tiếng gì khiến cho con, cháu phải cắm mặt xuống nội cỏ hoa hèn vì xấu hổ và tủi nhục…
Thay mặt gia đình, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các cụ, các ông, các bà, các anh, các chị cùng bạn bè thân bằng cố hữu gần xa đã đến chia buồn với gia đình chúng tôi và tiễn biệt… một người lương thiện… về nơi an nghỉ cuối cùng!

Ô hô!… Ai tai!… Hu hu!…

                                                                                                      
                                                                                                               Thạch Bàn, tối 20.11.2013.
                                                                                                                          HD -  ĐV


2 nhận xét:

  1. Góp ý cho hai ông
    Có lẽ trí nhớ nó "phản" hai ông cho nên thơ Tú Xương được gán cho Nguyễn Khuyến.
    Ba cái lăng nhăng
    Một trà, một rượu, một đàn bà
    Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
    Chừa được cái gì hay cái nấy
    Có chăng chừa rượu với chừa trà
    Theo sách Tú Xương, thơ và đời, nxb Văn học, 1996, trang 21.

    Trả lờiXóa
  2. Tiếp thu ý kiến của chủ trang, Đường Văn đề nghị sửa hộ.
    Vì tôi không có thói quen tự ý sửa bản thảo của đồng nghiệp, nên bây giờ mới sửa.

    Trả lờiXóa