Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

CÓ NHỮNG LÝ DO ĐỂ CHÚNG TA CHỜ ĐỢI



TRUYỆN NGẮN VĂN NGHỆ THÁI NGUYÊN NĂM 2013:

CÓ NHỮNG LÝ DO ĐỂ CHÚNG TA CHỜ ĐỢI

Nguyễn Thanh Mai

Trong những năm gần đây, do phải đáp ứng yêu cầu đa dạng về thông tin, diện tích cho sáng tác văn chương trên báo chí cũng dần thu hẹp. Thế nhưng, với 43 truyện ngắn được tuyển chọn công phu, kĩ lưỡng trên 36 số báo Văn nghệ Thái Nguyên năm 2013, đủ thấy truyện ngắn Thái Nguyên vẫn là đứa con được cưng chiều của bà mẹ văn học.
1. Với biên độ phản ánh được mở rộng trong mọi chiều không gian và thời gian, từ cõi sống đến cõi chết, cái thực đến cái mơ, thành phố và miền rừng, chuyện trẻ con và người lớn…hầu như mọi lĩnh vực của đời sống đều được đề cập đến trong cái nhìn nhiều mặt của các cây bút truyện ngắn trên trang Văn nghệ Thái Nguyên (VNTN) năm 2013. Ở đây, ta gặp một thế giới nhân vật thuộc đủ mọi tầng lớp, từ chính trị viên trưởng, giám đốc, văn nghệ sĩ, bệnh nhân phong đến anh xe ôm, người điên, cậu sinh viên quăng thân trong chợ người, người đàn bà đi đêm…, tất cả đều hiện lên trong muôn mặt đời thường cùng những hệ lụy và bí ẩn khôn lường của cuộc sống. Lấy việc nghiên cứu đời sống làm hướng chính; tỉnh táo, chăm chú khám phá cuộc sống và con người; càng ngày, các tác giả truyện ngắn càng tỏ ra mẫn cảm hơn với cái hiện tại, cái đương thời với sự định hướng tư tưởng rõ ràng. Đây vẫn là một trong những cách thức chính của các cây bút truyện ngắn Thái Nguyên trên VNTN. Về mặt này, không phải không có những tác phẩm có sức nặng.
2. Dễ dàng nhận thấy, đa số tác phẩm vẫn viết theo lối truyền thống; thiên về tả thực, coi trọng luận đề, cốt truyện, nhìn cuộc sống bằng cảm quan “đại tự sự”; nhưng cái nhìn hiện thực đã chín, chắc hơn, và không né tránh. Đó là hiện thực nông thôn với những khuôn mặt sạm đen và buồn như đất trong Mã số 1683(1); ở đó, có những Đại gia làng(2) phất lên được từ lòng hảo tâm và cái nhìn không định kiến. Đó còn là hiện thực đắng lòng của đời sống thị thành trong Tiếng khóc(3) mà đôi khi, mỗi chúng ta buộc phải chấp nhận Cát mặn(4) của đời. Tuy nhiên, còn một hiện thực khác ấm lòng hơn khi Trên đường(5) đời còn nhiều nghịch lý vẫn có những Lá bùa đỏ(6) mê hoặc, nơi Góc khuất(7) vẫn nở ra “hoa thầm”, các giá trị nhân văn được nhìn nhận lại. Và bên cạnh những phận người lam lũ giữ nguyên vẻ quê mùa, chất phác như thằng Cui, lão Ban, bà Liễu, cụ Bòng, cậu bé Non, cháu Vải, lão Mạ, ông Bùng(8)…còn có Người đàn bà đi đêm(10) mang tên Trinh (tiết), hai người lính ở hai bên chiến tuyến thân xác đã dưới mồ vẫn gọi tên nhau Chiến, Thắng; và họa sĩ Lương An với thế giới nội tâm sâu thẳm chẳng bao giờ bình an (Cổ Thành thấp thoáng(11)); là nhà điêu khắc lừng danh đóng cửa hà khắc với tất cả mọi người, nhưng lại mở lòng trước một bà cụ ăn xin (Danh họa(12)); một Thầy Giang(13) mà cuộc đời như đã thành một phần của bà con xóm chài lênh đênh sông nước. Đã có một thế hệ mới trưởng thành, họ phải đối mặt với bao Thử thách(14), đấu tranh khốc liệt với hoàn cảnh, với chính mình để giữ lại chất Vàng ròng(15); trong muôn vàn nỗi éo le bi kịch của đời, vẫn cố giữ mình đứng vững trên lập trường nhân ái (Mùa vải(16), Mình ơi(17); nhưng cũng có những người, sống đến hết đời vẫn chưa thôi ngơ ngác, chưa hết lầm lạc và ảo tưởng (Trai chúa(18); Tham mưu(19). Một số truyện viết về đề tài chiến tranh của các cây bút ngoại tỉnh(20) đã thể hiện một hướng tiếp cận mới hơn, trần trụi, khắc nghiệt hơn. Bằng cách lựa chọn sự kiện, tình tiết và nhân vật tạo ra sự đồng hiện không gian và thời gian; đan cài, lồng xen các yếu tố thực- ảo; vừa liên kết vừa mâu thuẫn; vừa đồng nghĩa vừa ngược nghĩa…những tác phẩm này đã lay động mạnh trái tim người đọc, thể hiện cái nhìn riêng, lạ. Ở đó, con người xuất hiện như một cá nhân toàn vẹn có ý thức, có vẻ không phù hợp với trật tự đã hiện hành, với những giá trị đã được thiết lập, chủ động đi tìm giá trị đích thực, cho mình và cho người, dù không phải ai cũng thừa nhận.

 3. Không kể những truyện ngắn hay về đề tài “Tam nông” và những tác phẩm đã có tiếng vang trên văn đàn của những cây bút ngoại tỉnh, trên “mảnh đất” Văn nghệ Thái Nguyên 2013, bạn đọc có thể nhận ra những “cây” truyện ngắn đã nở hoa trong lòng bạn đọc nhờ lối viết chắc tay, ít nhiều có sự sáng tạo. Đó là truyện ngắn Nếu tôi là cha mẹ của Nguyễn Hồng Ngọc với lối viết thông minh và tràn đầy cảm xúc. Một câu chuyện cảm động về giáo dục mà người lớn rất cần đọc và suy ngẫm. Truyện chỉ như là sự liệt kê nội dung ghi trong những mảnh giấy của lũ trẻ, thế mà cả người đọc lẫn tác giả (hình như thế), đều cảm thấy hồi hộp, kịch tính, và nghèn nghẹn con tim… Trẻ con nói mọi điều thật giản dị, hồn nhiên, mà mỗi chữ mỗi lời như những giọt nước rơi từ một mái chèo khuya nào đó khiến người đọc sung sướng, ngạc nhiên; và hạnh phúc. Sung sướng vì cuộc đời này còn trong trẻo thế. Ngạc nhiên vì tại sao những ước mong giản dị thế mà người lớn không mang đến được cho các em? Hạnh phúc vì vẫn còn nhiều lắm những tấm lòng như cô giáo tiểu học kia. “Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ mua cho con cái áo siêu nhân như của thằng Tèo nhà bên…Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ cho phép con tôi đấm thằng nào dám bảo nó là "Đồ con lợn"…Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không quát to khi con tôi làm vỡ cái bình, bởi vì khi tôi làm vỡ cái bình thì ông bà nội hay ông bà ngoại của con tôi đều không đến để hét vào mặt tôi "Đồ phá hoại!... Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không để con tôi ở nhà một mình, nó rất sợ tiếng thạch sùng cười… Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không bảo con tôi "Im để bố nghe điện thoại" khi nó nhờ làm bài tập”. Vậy đấy, tâm hồn trẻ con thật như một tấm gương trong không tì vết để soi vào đó, “người lớn” nhận ra chính mình và phải giật mình suy ngẫm. Với tác phẩm này, người viết đã đặt được những bước chân đầu tiên trên chặng đường nghệ thuật còn dài và xa.
Cũng là tiếng nói của một người trẻ, nhưng Bậc cầu thang và những khúc ca của Trinh Nguyên lại dẫn ta vào phức điệu của những cảm xúc, những ẩn ức, hồi ức, những suy tư, day dứt thanh khiết mà nhẹ nhàng. Ngay cả những kí ức đau buồn cũng chỉ còn là những ánh hồi quang dìu dịu. Những tháng ngày cơ cực của mẹ; những xúc cảm đầu tiên về tình yêu mong manh;  những cảm nhận rõ rệt hơn về người chồng... Cứ thế, bạn đọc như đang được trải nghiệm qua những bậc cầu thang cảm xúc cùng Em- nhân vật không rõ mặt, rõ tên, nhưng dịu dàng và nhân hậu, biết chấp nhận, hi sinh nhưng chưa lúc nào thôi khao khát về một cuộc sống lẽ ra phải khác hơn…Một cái kết bẽ bàng với tin nhắn duy nhất trong ngày của Ngân hàng chúc mừng sinh nhật; một khúc ca tuổi ba mươi đầy ám ảnh với những yêu thương và hờn giận, những tủi cực, đau lòng,…Giữa dòng cảm xúc trào dâng được viết bằng ngôn ngữ tự nhiên, có vẻ rất nhẹ, rất nông nhưng không bằng phẳng và dễ dãi, tác giả đã khéo đan cài những triết lý sống như điểm lắng lại và dồn nén những suy tư: “Biết làm sao được hả chồng? Phải có trước thì mới có sau. Muốn về được nhà thì phải đi lên mà việc đi lên luôn bắt đầu từ những bậc cầu thang thấp nhất”. Quả là, trong cuộc đời mỗi người, ở mỗi chặng đường đời đều có những điều vượt quá khả năng thực tiễn và mong muốn cho phép, vấn đề là phải biết chấp nhận nó để vượt lên, để tám mươi bậc cầu thang nhọc nhằn sẽ là những khúc ca cho cuộc đời biết hát, dù đó không phải là khúc hoan ca đi nữa thì nó cũng rất có ích cho cuộc sống này.
Cuộc sống ngày càng thay đổi. Không gian rút ngắn, con người gần nhau nhanh hơn, nhưng có phải vì thế mà tình yêu cũng nhanh đến chóng đi, những ốc đảo cách biệt càng nhiều; con người ngày càng trở nên phức tạp? Ở truyện ngắn của Lê Đình, thế giới nội tâm con người được tác giả chăm chút kĩ lưỡng. Với cảm hứng trữ tình sâu lắng, những câu chuyện giản dị của Đình như đã trút bỏ vẻ lam lũ ngày thường để vụt hiện những tứ thơ, vọng lên những ưu tư, trắc ẩn về những phận người, những tâm hồn chưa qua thời trẻ dại. Đó là “Lam” (Nhà số 33) trong tột cùng cô đơn, hoang hoải. Những gì gần gũi thân thiết nhất như lần lượt rời bỏ cô mà đi. Bầy bồ câu, những bông hoa giấy, lời chúc của bố, tiếng Violin của anh Hoàng, ánh sáng tự nhiên của ban ngày, chiếc cặp lồng cơm nóng hổi, thơm nức mùi xì dầu… đã trở thành những ẩn dụ nghệ thuật hồi nhớ về thời “nhà từng có bốn người”… Truyện tưởng như chỉ gồm những mẩu kí ức vặt vãnh, nhưng mỗi chi tiết nhỏ bé đã ẩn tàng hơi thở của thời cuộc, nỗi đau, niềm vui của cõi người.
Không e ấp tạo dáng, làm duyên, Kỹ thuật ngửi hoa của Đào Tuấn là một truyện ngắn có nghề; được viết bằng ngôn ngữ đậm chất văn xuôi; tưng tửng, như thật, như đùa, như giễu nhại. Nhan đề đanh lại một cách cay nghiệt; ẩn chứa, hàm súc, khơi gợi nhiều suy tư chứ không bàng bạc một chất thơ dễ dãi. Tác giả đã dựng nên một nghịch cảnh được đẩy đến kịch tính khi cái Đẹp cũng bị biến dạng thành sắc sắc không không, con người ta mặc nhiên sống cùng sự giả tạo được nâng lên như một kĩ nghệ! Chợt nghĩ đến một tứ thơ ẩn hiện trong câu cuối cùng có thể lấy làm nhan đề: Ngửi hoa bằng mũi! Vâng, không ngửi hoa bằng mũi thì bằng gì? Không khí và giọng điệu của truyện tự nó đã toát lên dư vị chua chát về một thứ chủ nghĩa nịnh bợ “đặc sản” Việt Nam. Trong dung lượng trang chữ chỉ bé bằng bàn tay, tác giả đã khéo sắp đặt tình tiết xoay quanh tình huống truyện gợi nên một sự- sống- thực với những trạng thái, những cảnh  huống, những quan hệ... Truyện kết thúc bất ngờ khi kẻ đắc thắng bị “nốc ao” ngay giữa sân nhà, còn kẻ tưởng như sẽ phải “lĩnh đủ” thì cười ha ha đắc thắng. Một sự "cởi nút" mà thắt buộc như có móng vuốt; chi tiết và thời gian kiệm ước đến tối thiểu, tâm lý nhân vật có vẻ rất sơ sài, nhưng tác giả đã tạo được một tâm điểm đậm nét trong một thứ văn phong cường độ, chính xác và nhất quán. Như một lát cắt của bức tranh đời vẽ vội, nhưng Kĩ thuật ngửi hoa đã bật lên được một tín hiệu khẩn cấp, một nỗi đau và cái còn thiếu hụt trong đời sống của chúng ta, đó là sự thành thực với chính mình.
Với Lê Thế Thành, năm 2013 dường như là một mùa gặt bội thu về truyện ngắn. Hàng loạt những tác phẩm dày dặn, sung sức và đều tay như đã khắc chạm được dấu “vân chữ” riêng của ông với những con người, những sự việc, những vấn đề của hôm nay. Từ Những đồng tiển lẻ giàu chất nhân văn, một Mùa vải đầy chất thơ, chất trữ tình dịu dàng mà đau nhức, đến bộ mặt của nông thôn mới trong Mã số 1683…tác giả đã hoàn thành một bức tranh liên hoàn về cái hôm nay còn ngổn ngang bề bộn những tốt, xấu, được, mất. Trong đó, Những cuộc trà thế sự thực sự đã chiếm được cảm tình của nhiều bạn đọc.
Đọc Những cuộc trà thế sự của Lê Thế Thành, ta như bị cuốn vào một mạch liên tiếp các vấn đề nghi vấn: Tại sao các ông lại đi xâm lược, chiếm đất của Nam Việt? Ai quét Nga Xô và Trung Cộng để giải phóng Bắc Việt? Chủ nghĩa Xã hội là hiện thực hay là bánh vẽ? Nếu chủ nghĩa xã hội tốt đẹp sao không thấy ai từ các nước tư bản chủ nghĩa trốn chạy về các nước xã hội chủ nghĩa? Mác nói rằng chủ nghĩa tư bản có một quá trình tích tụ tư bản nhưng so sánh với nước ta tôi thấy các quan chức không có tích tụ mà chỉ có lợi dụng chức quyền thu về một tài sản khổng lồ với một thời gian kỷ lục…?. Những câu hỏi “xóc óc” không dễ trả lời. Lâu rồi, mới thấy tác giả bớt miêu tả, tự sự dài dòng để nói về thế sự bằng mạch tâm trạng và tư tưởng. Tất nhiên, cách nói bằng các lý lẽ, ý kiến thường có nguy cơ đơn điệu, nhưng Lê Thế Thành đã khéo tiết chế và cân bằng. Những lời đối khẩu thông minh không chỉ là sản phẩm của bộ óc, mà là bằng chứng của sự kiên định vững vàng khiến tác phẩm vượt qua lối minh họa- sử thi. Dù không tránh khỏi có chỗ còn hơi gượng, nhưng bằng hình tượng nghệ thuật, tác giả đã khiến người đọc tin rằng, bữa cơm ông Trung đãi khách có món canh cá nấu mẻ với dọc mùng; cái nhìn qua hơi ấm của chén trà đã thực sự thay cho cái nhìn qua họng súng. Ông Sồi tỏ ra hợp khẩu vị và thoải mái trong tâm thế một người bạn chứ không phải kẻ đối đầu hoặc ban ơn. Tuy vậy, nếu để chất giọng "lý sự" bớt đi, ngôn ngữ sống của thứ lời ăn tiếng nói ngoài đời đậm đà hơn thì bạn đọc sẽ không có cảm giác những cuộc trà này vẫn là một phương tiện kể chuyện. Hơi tiếc cho đoạn kết chưa đủ độ nhuyễn về nghệ thuật để chở nặng tư tưởng. Hình như, đây mới chỉ là một nghi thức nghệ thuật nhằm tạo ra hiệu quả nhất định để người đọc hiểu rằng, “ông đang có trong tay một vũ khí, đó là Nghị quyết chống tham nhũng để bảo vệ Đảng và giữ vững thể chế hiện hành. Mặc dầu ông biết rằng nhiều người đánh giá vũ khí ấy mới được dùng như cho các cuộc diễn tập.”
4. Hiện thực của đất nước hôm nay, những biểu hiện của một xã hội đang vận hành trong cơ chế thị trường với tất cả hai mặt sáng- tối của nó đang tác động ráo riết đến đời sống xã hội và văn học. Với sự cởi mở của công cuộc đổi mới, các nhà văn đã không ngần ngại sục vào những ngõ ngách tối tăm, những khúc quanh, ngả rẽ, những mặt đối lập, kể cả những hoang mang bất định rất người. Với sự  đa dạng ở đề tài, nhất quán ở mục đích, truyện ngắn trên báo Văn nghệ Thái Nguyên đã góp phần tôn vinh vẻ đẹp con người Việt thuần hậu, bao dung, nhân ái. Chưa đủ điều kiện nghiên cứu để có một  kết luận thỏa đáng, nhưng so với truyện ngắn Thái Nguyên năm 2011, 2012; diện mạo truyện ngắn Thái Nguyên năm 2013 đã có những điểm sáng. Đặt trong tương quan với truyện ngắn trên các tạp chí văn nghệ trong khu vực và cả nước, chúng ta lại có thêm lí do để đón chờ những truyện ngắn có chất lượng nghệ thuật cao hơn, trong đó sẽ không thiếu những sáng tác hay và lạ.  
                                                                     
 (1) (7): Tên các truyện ngắn của Lê Thế Thành, Phạm Đức, Lưu Thị Bạch Liễu, Nguyễn Thị Phước, Thu Huyền, Bùi Thị Như Lan, Phan Thức, (8) Tên các nhân vật trong truyện Lê Thế Thành, Nguyễn Thưởng, Ngọc Thị Kẹo, Lê Thị Phương Liên, Ngọ Quang Tôn, Đào Sỹ Quang. (9) (19) Tên các truyện ngắn của Nguyễn Bích Hồng, Nguyễn Hữu Quý, Hồ Thủy Giang, Xuân Thu, Nguyễn Đình Tân, Trần Chín, Lê Thế Thành, Ngọc Thị Kẹo, Phạm Thuận Thành; Đào Tuấn.

 (20) Nấm mồ thứ sáu (Hoàng Bình Trọng), Bóng anh hùng (Doãn Dũng),

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét