Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

RƯỢU GIẢ



                                                          


RƯỢU GIẢ

                                                                                                        Âu Dương Minh

                                                                                                      Vũ Công Hoan dịch

          Bố sắp sang tuổi bảy mươi.
          Để nuôi dạy năm anh em chúng tôi, bố chưa bao giờ tổ chức ăn mừng sinh nhật.
         
          Hiện giờ ở nhà quê, trẻ con đầy tháng đủ tuổi đều tổ chức ăn mừng. Bố mẹ  bảy tám mươi tuổi không ăn mừng ngày sinh, con trai con gái bị người ta chê cười.
         
          - Chờ bố sáu mươi tuổi, nhất định phải tổ chức ăn mừng thật linh đình vui vẻ!
         
          Năm anh em chúng tôi đã từng nói với bố như thế. Ở quê tôi, có tục lệ“nam vừa bước sang tuổi, nữ vừa tròn tuổi”, đàn ông “tròn mươi”, phải chúc thọ trước một năm, không thì sẽ không may mắn.
         
          Đến lúc đó, tôi nhất định sẽ mua hai chai rượu ngon Ngũ lương dịch! Tôi nói như thề. Khi ấy tôi vừa tốt nghiệp đại học, tuy còn một nghèo hai trắng,nhưng đang hăng“máu”, tin chắc sẽ có bánh mì, tất cả đều có!
         
          Nào ngờ, từ đó trở đi, lương không tăng,vật giá cứ leo thang. Do lấy vợ cộng thêm điều động công tác, tôi tuy phải tằn tiện chia một đồng thành hai để tiêu, nhưng vẫn còn nợ đầm nợ đìa, dật chỗ này vay chỗ khác. Đến khi bố bước sang tuổi sáu mươi, hoàn toàn không mua nổi Ngũ Lương Dịch.

-         Chờ bố sang tuổi bảy mươi, con nhất định mua!
 Tôi vẫn đinh ninh, chắc tin ngày mai sẽ tốt đẹp hơn.
          Bố bảo:
-         Mua làm gì, con có tấm lòng là đủ rồi!


          Những năm tháng tiếp theo,kinh tế đất nước phát triển nhanh chóng, lương tăng với biên độ cao. Vốn cứ tưởng nước lên thuyền lên, tôi cũng được hưởng thành quả của cải cách mở cửa. Nhưng giá nhà và học phí tăng vòn vọt, khiến tôi càng sa lầy sâu hơn trong vũng bùn của sự bần cùng.

          Bố tôi mắc bệnh sưng phổi, sức khỏe mỗi ngày một sa sút, nếu như không thực hiện lời hứa, tôi lo cơ hội sẽ càng ngày càng ít. Do đó tôi lo buồn đến đau đầu nhức óc  về việc mua rượu.

          May mà ông Trời không rấp hết lối đi của con người. Đi công tác xa nơi thành phố, tôi đã vô tình nhìn thấy Cục công thương xử lý số rượu Ngũ lương dịch giả thu hồi, đem bán trên hè phố với giá rẻ, hai mươi đồng một chai. Không hề do dự, tôi mua hn hai chai.
         
          Trông thấy rượu, đầu tiên tôi mừng rỡ, sau lại tiếc vì rượu giả.
         
          Rượu giả nhưng lòng không giả! Hơn nữa, hiện giờ liệu có mấy người được uống Ngũ lương dịch chính hiệu. Có đến một nửa tự an ủi bản thân.
Vợ tôi nói:
-         Ôi, em cứ cảm thấy có chút gì không ổn.
Tôi bảo:
-         Bố không phải người ngoài,coi như biết rượu giả cũng sẽ không kì kèo so bì.
Chờ sau này có tiền ta sẽ hiếu kính bố nhiều hơn là được.

Ngày bố bảy mươi tuổi, bà con họ hàng xa láng giềng gần kéo đến chúc mừng ngồi chật sân,náo nhiệt vô cùng.Bố tươi tỉnh phấn khởi.Tôi đem biếu bố hai chai Ngũ lương dịch, bố càng hớn hở. Khách khứa ai cũng khen bố hạnh phúc, có người con trai hiếu thảo công tác mãi tít trên thành phố!

Tôi chỉ biết cười ngây ngô, im thin thít.

Ăn cơm trưa xong, tôi và vợ đều phải về phố huyện. Khi đi, bố cầm hai chai  Ngũ lương dịch, khẽ bảo:
- Con đem đi, giữ để dùng khi có việc cần nhờ người ta giúp đỡ!
- Ơ! Con mua riêng cho bố kia mà. Bố vất vả già nửa cuộc đời, hãy nếm thử xem mùi vị quốc tỉu thế nào. Có việc cần nhờ cậy ai con sẽ mua. - Tôi vênh mặt lên nói.
          - Rượu quí thế này bố có muốn uống cũng không uống nổi. Bố ngày ngày uống chút cuốc lủi cũng thỏa mãn rồi. Hơn nữa rượu cuốc lủi chỉ có mấy đồng nửa chai, vả cũng đã uống quen. Uống loại ngon cũng bất tiện!
Bố cười khà khà nói.
Mẹ  cười trách chúng tôi:
- Các con có lòng hiếu thảo là đủ rồi. Cứ gì phải vung tay qúa trán .
Bố giục:
-         Con cầm đi!
Tôi nhất quyết không cầm.
-         Rượu giả đấy ông ạ!
Lúc này thằng con trai ở bên bỗng nói to, nom dáng nó đầy vẻ khó chịu.

          Tôi vừa bực vừa giận, tát con bốp bốp hai cái liền, trong lòng hối hận, lẽ ra  không nên nói với vợ rượu giả trước mặt con trai.
        Bố ngẩn người, sau đó cầm chai rượu lắc lắc mấy cái, dốc ngược chai xuống một lúc rồi bảo:
          -  Bậy nào! Đây là rượu thật, bọt mịn ổn định!
          Bố lại nói, vẻ mặt vẫn vui mừng:
-         Con đã không cầm, thì bố giữ lại uống!

          Tôi và vợ coi như thở phào nhẹ nhõm.
          Sau khi trở về thành phố, tôi vay một ít tiền gửi cho bố và viết thư nói rõ tất cả.
           
         Ít lâu sau,tôi nhận được một giấy báo lĩnh tiền.Tiền bố tôi gửi, còn kèm một bức thư. Trong thư bố viết, rượu đó là rượu giả, khi đi bộ đội, bố đã học biết cách giám định Ngũ lương dịch. Nhưng lúc ấy trước mặt đông người bố không tiện nói. Song  mùi vị vẫn tốt. Ở thành phố uống nước cũng mất tiền. Từ nay trở đi con không cần gửi tiền cho gia đình nữa. Lên núi nào hát bài ấy, phải sống y như người thành phố, không nên để người thành phố chê cười con ạ. Bố sống nghèo đã quen, có tiền không tiền cũng thế. Mà này, cháu nó còn bé, con không nên ra đòn quá tay. Có thì giờ hãy năng về thăm bố mẹ con nhé!
        
           Đọc xong thư, tôi không kìm nổi, nước mắt chảy đầm đìa.
                                                             
                                                            Vũ Công Hoan dịch ngày 12 tháng 6năm2013.

                                                            (Theo Tiểu tiểu thuyết Trung Quốc năm 2012).
                                                                                                              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét