Đường Văn
TIẾNG THƠ ĐẶNG QUỐC VIỆT
(TỰA tập thơ TRĂNG & BAN MAI)
ĐƯỜNG VĂN
50
bài thơ được viết rải rác từ năm 1965, thời sinh viên chập chững, cho đến
nay (2013), khi tuổi người thơ cũng
đã tròm trèm thất thập… Thơ của gần một đời thơ, ngưng kết thành
một tiếng thơ – Tiếng thơ Đặng Quốc Việt, qua tập thơ đầu
tay: Trăng và Ban Mai. Cả tập được
tác giả sắp xếp thành 3 phần
không đều nhau về số lượng bài thơ. Phần
1: Thời sơ tán. Phần 2: Suy ngẫm.
Và phần 3: Nỗi lòng (Phiêu dạt).
Bạn đọc yêu thơ sẽ cảm nhận được những gì khi gấp trang sách thơ cuối
cùng còn thơm mùi giấy, mực?
Câu thơ ám ảnh của Thế Lữ lại
về trong âm trí tôi:
Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy,
Ngàn
năm, chưa dễ mấy ai quên!
khi đọc Tấm lòng sinh viên (1967) - bài thơ tự sự – trữ tình đạt giải Nhất cuộc thi thơ trường Đại
học Bách khoa Hà Nội năm 1968. Bài thơ kể chuyện mộc mạc, đơn giản.
Từ ngữ, hình ảnh dung di. Thực tế ùa vào tự nhiên, chân thực. Có
khổ thơ miêu tả, sử dụng so sánh hơi vụng, nhưng chân thành:
Trông thầy đi dạy học,
Như cha tôi đi cày,
Quần xắn ngang đầu gối,
Gió lùa, áo tơi bay!
Tấm lòng hiếu nghĩa cuả tập thể
học trò sinh viên thể hiện bằng hành động bắc ngay chiếc cầu tre để
thầy giáo an toàn qua suối, mỗi sớm đến lớp; khiến thầy cảm động, rưng
rưng và khiến người đọc dễ dàng cho
qua nghệ thuật kể – tả còn rất thô sơ. Dễ hiểu vì sao bài thơ đạt
giải cao, khi nó rất phù hợp với quan niệm nghệ thuật về thơ của
nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu hồi ấy: Thơ
phải phản ánh cuộc sống chân, chân,
chân, thật thật, thật! Thành công đầu tiên vang dội này chắc chắn
khích lệ mạnh, tạo đà cho những sáng tác tiếp theo của cây viết
trẻ. Nhưng, theo dõi quá trình thơ trong tập, thấy khuynh hướng hiện thực chân thật đó không được tác giả phát
huy hay đào sâu. Theo thời gian năm tháng chất chồng, càng trải đời,
trải việc, thơ Đặng Quốc Việt càng ý thức mở mang, xâm lấn vào
những miền đất hứa của thơ khác, trên cơ sở quan niệm tư tưởng - nghệ
thuật và cách biểu hiện khác với tiếng thơ thời thanh niên sôi nổi.
Bởi thế: Ấn tượng nổi bật đối với tôi, khi nhìn tổng thể toàn tập
Trăng và Ban Mai: Đây là một tiếng thơ giàu ngẫm ngợi, tìm
tòi, ham lý giải, cắt nghĩa
những hiện tượng, vấn đề cuộc sống, con người, thiên nhiên… mà bản
thân người viết từng nếm trải, theo cách cảm - hiểu, cách nghĩ, cách
đánh giá, nhìn nhận của chính mình. Đó chính là nét đặc sắc riêng, tạo thành cá tính và bản lĩnh thơ của
anh. Tuy nhiên, không phải lúc nào, bài nào cũng thành công, thấu lý,
đạt tình trong tư duy hình tượng; cô đọng và khơi gợi, hấp dẫn trong
cách thức biểu hiện.
Thơ Đặng Quốc Việt giàu hình
ảnh, giàu ký ức, mạnh hồi ức và liên tưởng (Dĩ vãng hè quê, Trò nghèo và trăng, Mùa xưa chở lúa, Khóc chậm, Tâm sự với thành Nam…), nhưng nhìn
chung, vẫn nghiêng về lý trí, suy nghiệm những băn
khoăn, trăn trở, để tìm cách trả lời (tất nhiên bằng thơ, theo cách tư
duy thơ) những câu hỏi nhân sinh, thế sự tự mình đặt ra cho mình và
cho người. Mưa ngâu đêm tháng bảy, Trở về trường cũ, Mắt
trụ trì, Xe ôm – ôm xe... là những bài thơ được cấu tứ theo hướng
triết luận - nghiệm sinh ấy. Loại thơ này dễ cuốn hút người đọc ưa
suy ngẫm, thích đào sâu vào bản chất vấn đề, tìm tòi nguyên nhân, quy
luật và ý nghĩa của chúng; nhưng
cũng dễ rơi vào khô khan, gò gượng, nhiều khi buộc phải gọt chân cho
vừa giầy! Đọc những bài thơ mang xu hướng triết lý ấy, thấy Quốc
Việt đang như người làm xiếc đi trên dây thép một cách khá tự tin, tôi
vừa mừng vừa lo cho anh.
Chùm
thơ hoài niệm viết từ Đức quốc
rơm rớm nỗi nhớ thương cha mẹ, quê hương trong những năm dài, tác giả lang
thang, bươn bả mưu sinh phiá trời Tây Âu. Có những đoạn, những câu xót
xa, đắng đót, đau đáu, cảm động. Tôi hoàn toàn đồng cảm và chia sẻ
với anh: tâm trạng day dứt, vời vợi nơi lòng người sầu xứ, tha hương.
Bởi vì, đó cũng từng là tâm trạng nẫu nà, khắc khoải, cô đơn vò võ
của tôi, trong suốt 5, 6 năm thập kỷ 80 thế kỷ trước, du học từ nước
Nga xa xôi, ngóng về phương Nam, đất nước - quê hương, nhớ tưởng ông bà,
cha mẹ, vợ con, bạn bè thân thiết:
Bốn phương mây trắng một màu,
Trông vời cố quốc, biết đâu là
nhà?!
Dặm nghìn nước thẳm, non xa,
Biết đâu thân phận con ra thế này?!
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)
Cái hay của bài Mùa xưa chở lúa là hình ảnh một vùng
quê đồng chiêm trũng duyên hải Nam Định, một làng Xuân Hy (huyện Xuân
Trường) Giáo – Lương xôi đỗ xen kẽ, vào mùa gặt, được tái hiện không
chỉ đậm nét riêng sống động: những cuộc đời nghèo khổ, cần lao mà còn
khẩn trương, hào hứng, khỏe khoắn:
Thoáng, chân bèo cá quẫy,
Nhoằng: rái cá khoắng chà,
Khàn, gọi đăng quãng vắng,
Nẫu, lời ru đêm xa!
4 tính
từ, động từ đặt ở đầu 4 câu: thoáng,
nhoằng, khàn, nẫu chuyển nhịp mới 1 – 2 – 2, cho khổ thơ, điểm vào
bức tranh cánh đồng mùa gặt làm cho màu sắc, âm thanh như đang cựa
quậy, lục sục, chân thực lạ lùng! Với cảm hứng tự hào, yêu thương da
diết, mặn mòi, trong lời kể – tả giản phác như là nhớ đâu kể đấy: túi
bụi những công việc nhà nông: gặt lúa, chở lúa, chống sào, đẩy
thuyền… của bố mẹ, anh chị em, dân làng, trong hồi tưởng của đứa con
xa quê. Hình ảnh mo cơm đồng mùa gặt
với tép rang, đang chờ ăn vội,
làm cái kết bài thơ chợt đến 1
cách tự nhiên, có vẻ tình cờ mà gợi nhắc bao nhiêu tình, ý thảo
thơm, lành sạch.
Tôi thèm những cái kết bài thơ hoặc bất ngờ, hoặc mở ý, gợi tình
nhiều và đậm như thế, tiếc thay, vẫn còn hiếm hoi trong Trăng và Ban Mai.
Chùm
thơ 4 câu gồm 6 bài (có 5 bài lục bát). Mỗi bài lẩy một khoảng
khắc riêng với những giọng điệu, cảm thức khác nhau: Giày Tây, Vé nằm, Giận lâu, Mùa
hè khu sơ tán, Hương Chèm. Trong
đó, bài thất ngôn tứ tuyệt duy nhất Hướng
dương trong đêm trăng: thi tứ chập chờn thực – ảo. Thiên nhiên? Con
người? khi tỏ, khi mờ. 3 thi ảnh - ẩn
dụ (mặt trời, ánh trăng, đóa hoa hướng dương) quá quen thuộc. Nhưng
ở đây, cơ hồ lại lấp lóe những nét nghĩa mới. Bởi chúng được giầm
đẫm trong cảm hứng tình yêu đơn
phương tuyệt vọng mà vẫn le lói, khôn nguôi xuyến xao, hi vọng:
Không muốn Hướng Dương thành
bội tín,
Mặt
Trời thà xuống núi cho xong!
Vẫn xao xuyến ảo tình tuyệt vọng,
Dõi Hướng Dương bằng ánh trăng
lồng!
Về thể thơ, Đặng Quốc Việt tỏ ra đã làm chủ và khá thuần thục một số thể thơ luật, từ Đường luật bát cú thất ngôn đến ngũ ngôn, lục bát qua văn tế…Anh
tự thể nghiệm một vài bài thơ tự do ít vần, nhịp điệu phóng khoáng,
nhưng có phần không được thoải mái, tung tẩy bằng khi sử dụng các
thể thơ luật, thơ dân tộc truyền thống quen thuộc.
Ngôn
ngữ, hình ảnh thơ Trăng và Ban Mai: nhìn chung, trau chuốt, chọn
lọc; nhưng chưa thật mạnh dạn sáng tạo, mới mẻ. Câu, chữ thơ chưa thật
gọn, chắc, cô đúc, đôi khi có phần dễ dãi, trùng lặp hoặc sáo mòn.
Ngược lại, ở một vài bài, tứ thơ lại bị/được giấu quá kín?!
Nếu không nghe tác giả trực tiếp dẫn giải thì người đọc, dù tinh,
sắc đến mấy, cũng khó mà hiểu đúng, trúng và hiểu hết thông điệp
nghệ thuật sâu kín, như điều bí mật mà người viết dự định và đã gửi
gắm trong tứ thơ, câu, chữ hoặc
trong nhan đề bài thơ…(Bông hoa bên suối vắng, Trăng và Ban Mai,
Trở về trường cũ, Chiều Praha…) Tôi cho rằng, đó là sự khó hiểu không
cần thiết!
Tất nhiên, sáng tạo thơ trữ tình,
trước tiên là dành cho mình, gửi cho mình và những người thân yêu
nhất của mình: (Ta gửi cho mình
(Chế Lan Viên); Thơ tặng cho mình (Lê Dụ). Thơ, từ trong bản chất,
thể hiện tâm trạng trữ tình của chủ thể trữ tình tự bộc lộ. Hướng nội là đặc trưng thứ nhất,
quan trọng nhất của thơ trữ tình. Thế nhưng, song song với đặc tính
trên, thơ còn hướng ngoại. Thơ khao
khát mở tung cánh cửa, nhìn ra thế giới. Thơ còn muốn cùng người
(đọc tri âm) nối mặt đất với những
vì sao (Hoài Thanh - Một thời đại trong thi ca - Thi nhân Việt Nam).
Nhưng muốn thế, qua bài thơ, tình, tứ, ý thơ, hình ảnh, cấu trúc,
nhịp điệu thơ… phải tạo được giao
điểm, đồng tâm, đồng cảm với người đọc, bên cạnh những vùng mờ, chỗ khuất. Đó là những vệt xoáy, những điểm nút để người viết đầu tư đích đáng trí – hồn, nhiệt
hứng, khiến cho thơ hay hơn, lấp lánh, mới lạ hơn, đủ sức neo đậu lâu
dài trong lòng người đọc cùng với thời gian.
Đọc 50 bài thơ trong Trăng & Ban Mai, nghĩ về đường
thơ, đời thơ ngót nửa thế kỷ ăm ắp tiềm năng, phong phú và hứa hẹn
của Đặng Quốc Việt, không hiểu sao tôi cứ lăn tăn với những suy tư,
liên tưởng, những yêu cầu, đòi hỏi mang tính lý thuyết, lý luận tuồng
như cổ điển, biết rồi… như vậy?!
Xin chân thành chúc mừng thành
quả lao động nghệ thuật, kết tinh trí tuệ, tình cảm gần 5 thập kỷ
gắn bó với Nàng Thơ diệu kỳ, đỏng
đảnh, hấp dẫn của anh - chàng kỹ sư Bách khoa - Luyện kim chứa chan tâm
hồn thi nhân - thi sỹ. Chúc mừng và tin tưởng, rằng Tiếng thơ Đặng Quốc Việt sẽ càng dồi dào, trong trẻo, dịu
dàng, sáng đẹp như vầng trăng đầu hôm, như ban mai thơm lành, tinh
khiết; tiếp tục ngân vang, bay cao và bay xa trong bầu trời Thơ văn Hương Chèm, Từ Liêm, Hà Nội…
Đại Đồng, Trèm, chiều muộn 2 – 7 – 2013. TS. ĐV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét