Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Triệu Lam Châu với việc đề xuất từ mới cho tiếng TÀY



THƯ TRIỆU LAM CHÂU  TRẢ LỜI HAI CHÁU GÁI
 VỀ MẤY TỪ TÀY MỚI CỰC KHÓ

Tuy Hoà, chiều 3 tháng 12 năm 2013

Chào cháu Bế Thu Hiền và cháu Mến

Trước tiên bác xin chân thành cảm ơn hai cháu đã quan tâm đến việc Đề xuất từ Tày mới hiện đại của bác và có hỏi bác là mấy từ Dân tộc – Thời sự - Văn học – Nghệ thuật, nói tiếng Tày thế nào?
Phải nói rằng đây là những từ cực khó và rất lý thú. Triệu Lam Châu là một nghệ sĩ đích thực và bẩm sinh, đã mấy chục năm nay làm thơ, làm nhạc, dịch thơ Nga ra tiếng Việt và tiếng Tày… Rồi từ năm 2009 bắt tay vào việc sáng tạo từ Tày mới hoàn toàn để đáp ứng hiện thực mới của cuộc sống, đã xuất bản mười sáu cuốn sách văn học, góp mặt với làng văn cả nước, công bố hai đĩa nhạc CD và gần hai chục video nhạc của mình trên CHAUTRIEU – YOUTUBE…Vậy mà mấy từ Tày mới kia, bác đã từng trăn trở nghĩ suy rất nhiều phương án từ Tày cho chúng,  từ năm 2009 đến giữa năm 2013 – vẫn chưa thấy tăm hơi là từ nào đích thực. Đúng là bốn năm nay bác đã đầu hàng thật rồi đó. Mỗi khi nghĩ đến chúng, lại thấy tối đen như mực. Dân tộc – Thời sự - Văn học – Nghệ thuật, nói tiếng Tày thế nào đây?

Có thể nói suốt bốn năm ròng Triệu Lam Châu đã từng vật vã với mấy từ (và một số từ nữa) cực khó này. Và mãi đến tận tháng 10 năm 2013 vừa qua Bà Mẹ Hoa (Đấng sáng tạo của muôn loài theo tâm thức người Tày) mới rủ lòng thương ban cho bác mấy từ Tày kia đấy, các cháu ạ!
Dân tộc:  Đó là Cộng đồng người hình thành trong lịch sử có chung một lãnh thổ, các quan hệ kinh tế, một ngôn ngữ văn học và một số đặc trưng văn hoá và tính cách…
Sáng tạo từ Tày mới cũng phải đảm bảo hai chữ tương đương, chứ không chấp nhận ba chữ. Nếu từ Tày mới có ba chữ trở lên – thì nó là cụm từ mất rồi, chứ không phải là từ nữa.
Vậy Dân tộc – lẻ gần lăng nỏ (Người gì vậy?). Bốn năm nay bác đi theo lối này – nên lúc nào cũng như đâm đầu vào đá, đành phải chấp nhận thất bại tạm thời vậy! Không có lối thoát nào đâu!

Bây giờ phải tiếp cận vấn đề này theo hướng khác.
Dân tộc Nga khác dân tộc Tày chẳng hạn… Khác nhiều thứ lắm, từ ngôn ngữ, phong tục tập quán, tính cách, tâm lý, lối sống, nếp nghĩ, thể trạng… ước mơ, hy vọng, quan niệm về cuộc sống, khả năng sáng tạo…
 Song có thể nói bao quát là các dân tộc khác nhau cơ bản ở lối sống và nếp nghĩ là chủ yếu, nghĩa là khác nhau ở phẩm chất bên trong, ở sự tinh tế của tâm hồn. Mỗi dân tộc trên thế gian này – là một hình thái độc đáo của tâm hồn con người vậy.
Và đứa con bé mọn Triệu Lam Châu này làm việc cật lực đến đây  – thì Bà Mẹ Hoa mới mỉm cười ban cho:
Dân tộc: Tiếng Tày là D’ưởng châư  (Hình thái của tâm hồn)
Áp dụng ngay vào thực tế như sau:
- Pằng d’ạu lẻ gần dưởng châư lăng? (Bạn là người dân tộc nào – Bạn là người của hình thái tâm hồn nào?)

-  D’ưởng châư  Tày  (Dân tộc Tày - Hình thái tâm hồn Tày).
Đấy là đề xuất của Triệu Lam Châu. Còn anh em Tày nào có đề xuất khác hay hơn, xin mời tham gia nhé!

Bây giờ bác bàn tiếp từ Thời sự nhé.
Thời sự: Nghĩa là Tổng thể nói chung những sự việc  ít nhiều quan trọng trong xã hội, xảy ra trong thời gian gần nhất, được nhiều người quan tâm…
Qua thực tế ta thấy trên máy hình, trên báo và Đài phát thanh, thậm chí trên các trang mạng nữa… Những vấn đề nóng hổi lên quan tới mối quan tâm của nhiều người, thì đều được toàn dân hết sức chú ý theo dõi. Và họ coi đó là một phần máu thịt của họ. Thí dụ: Đài tiếng nói Việt Nam đưa tin “ Máy bay Mỹ bắt đầu tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam vào ngày 5 tháng 8 năm 1964”
Đấy là một tin thời sự hết sức nóng bỏng. Nó liên quan đến đến sự sống còn của một đất nước, của dân tộc và của toàn dân Việt Nam chân chính…Sự kiện ấy liên quan đến máu thịt thiêng liêng của con người. Thời sự luôn gắn với cuộc sống và số phận của con người…
Từ những suy nghĩ và trăn trở như thế, Triệu Lam Châu bỗng tự nhiên bật ra ngay ý nghĩ.
Thời sự: Tiếng Tày là Châư slì (Nhịp thở của thời gian – Hơi thở của thời gian).
Sau khi tìm ra từ Châư slì, bác điện báo cho Thầy Dương Sách (Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, tám mươi hai tuổi, sống ở Nà Loá, Đức Long, Hoà An, Cao Bằng) và Triệu Thế Mẫn (Đại tá đang tại ngũ) – thì cả hai người đều xuýt xoa khen: Châư slì – Từ Tày mới này rất tuyệt vời!

Từ Văn học: Nghĩa gốc của nó là Nghệ thuật dùng ngôn ngữ và hình tượng, để thể hiện đời sống và xã hội con người.
Lúc đầu bác cũng nghĩ đến từ Văn học trước, rồi sau đó mới đến từ Nghệ thuật. Song trong khái niệm ban đầu của từ Văn học, có khái niệm Nghệ thuật – Do đó đành phải tìm từ Tày: Nghệ thuật là gì trước đã?
Phải đi lòng vòng như thế đó. Có khổ không cơ chứ! Đụng đến đâu cũng thấy bí!

Nghệ thuật: Hình thái ý thức xã hội đặc biệt, dùng hình tượng sinh động, cụ thể và gợi cảm, để phản ánh hiện thực và truyền đạt tư tưởng, tình cảm…Đó cũng là phương thức giàu tính sáng tạo…
Đấy… bây giờ tìm từ Tày mới thế nào đây, để biểu hiện cho từ Nghệ thuật?
Triệu Lam Châu lại lao vào suy nghĩ ngày đêm… Và thấy rằng trong thực tế cuộc sống, dân chúng thường dùng từ Nghệ thuật với hàm ý là Đẹp – Đúng quy luật của cái đẹp.
Thí dụ: Làm như thế không đúng với quy luật của nghệ thuật (Quy luật của cái Đẹp). Bộ phim ấy mang tính nghệ thuật cao ( Nghĩa là đạt tới độ cao của cái Đẹp – cái Tuyệt vời).
Hay nói cách khác, nói đến nghệ thuật  -  là nói đến giá trị thẩm mỹ.
Với suy nghĩ như thế, Triệu Lam Châu xin đề xuất như sau:
Nghệ thuật: Tiếng Tày là Liếm mjảc  (Phương thức của cái Đẹp – Phương thức để đi tới giá trị thẩm mỹ).

Bây giờ mới trở lại được với từ  Văn học đây, các cháu ạ.
Lúc đầu bác cũng bị lệ thuộc vào khái niệm ban đầu Văn học là Nghệ thuật dùng ngôn ngữ và hình tượng, để thể hiện đời sống và xã hội con người….
Nên bác đã nghĩ từ tương đương là Liếm slư. Song nghĩ kỹ lại, thì thấy Liếm slư là Phương pháp sáng tác – thì đúng hơn.
Từ Slư trong tiếng Tày mình bao hàm nhiều nghĩa rất thiêng liêng. Đó là tri thức, uyên bác, thông thái, là văn minh… là những giá trị tinh thần cao cả và sáng láng…
Nhà văn dân tộc Tày Cao Bằng Vi Hồng (Chuyên viết tiểu thuyết, Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Người cùng xã Đức Long với Triệu Lam Châu) – đã có một cuốn truyện rất hay, mang tựa đề là: Đường về với Mẹ Chữ. Từ Mẹ Chữ rất sang trọng, được nhà văn- nhà giáo Vi Hồng dịch thẳng từ tiếng Tày Mẻ Slư. Mẻ Slư chính là Nguồn sáng tạo, Nguồn tri thức văn minh, là Vầng sáng láng thiêng liêng của người Tày ta đó…
Slư trong tâm thức của người Tày – như thể là một Vầng (Một Đấng) sáng láng cao cả của Mường Trời vậy!
Từ cái nền văn hoá Tày ấy, Triệu Lam Châu xin đề xuất:
Văn học hay Văn chương: Tiếng Tày là Đao Slư  (Ngôi sao của những giá trị Slư…)

Và từ đây Triệu Lam Châu lại có cơ sở tìm ra từ Tày mới nữa. Đó là:
Thơ: Tiếng Tày là Đao châư  (Ngôi sao của tâm hồn).

Hai từ Đao Slư (Văn học) và Đao châư (Thơ) đã được sự ủng hộ nhiệt thành của Thầy Dương Sách và Đại tá Triệu Thế Mẫn. Bác thường trao đổi bằng điện thoại với ba người, khi tìm ra từ Tày mới – Đó là Thầy Dương Sách, Triệu Thế Mẫn và Dược sĩ Bế Thị Ngọc Tươi.

Các cháu thân mến.
Vậy là bác đã tâm sự khá dài dòng về quá trình tìm từ Tày mới cho những từ trên, gian khổ ra sao? Bác xin công bố trên facebook Triệu Lam Châu, để anh em người Tày ta cùng tham khảo và chung sức chung lòng cho ý kiến xây dựng, làm sao cho tiếng Tày ta ngày càng phát triển tốt đẹp như mong đợi.
Chúc hai cháu vui khoẻ và mọi thành công.
Bác Triệu Lam Châu
T’àng vạ:  trieulamchau@gmail.com
Slai tâu tẻ toót:  0983 825502

 À xin thông báo thêm một điều vui nữa: Đến tháng 11 năm 2013 này, Triệu Lam Châu đã Đề xuất được HAI NGÀN TỪ TÀY MỚI hoàn toàn rồi đó!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét